Dù đã trải qua bốn thập kỷ nghiên cứu, nhưng chẳng có một lý thuyết khoa học nào có thể lý giải trọn vẹn điều gì gây ra NDE. Khi ta xem xét toàn thể các hiện tượng liên quan đến NDE – từ ánh sáng chói lòa và cảm giác bình an trong trải nghiệm, cho đến sự chữa lành nhiệm mầu và nhu cầu muốn thay đổi cuộc đời sau đó – liệu chúng ta có thể có một lý giải khoa học súc tích nào cho các NDE? Chương này sẽ khám phá nhiều lý thuyết khác nhau về cái được xem là có thể gây ra NDE, trước hết hãy nhìn vào những giới hạn của các phương pháp khoa học.
Liệu người có NDE có thể đã trải qua tình trạng thiếu oxy hay đã có những kết hợp máu bất thường?
Trong phần này, chúng ta sẽ đánh giá những nguyên nhân thể lý có thể gây ra NDE:
• Thiếu oxy
• Bất tỉnh
• Tăng thán huyết
Thiếu oxy
Một bác sĩ từng kể cho tôi nghe về NDE mà ông trải qua khi còn bé. Sau một lần nhổ răng tại phòng nha, ông cảm thấy mình đã rời khỏi cơ thể và nhìn thấy bản thân mình đang nằm trên chiếc ghế khám. Mọi thứ chuyển sang tối mù, ngoại trừ ánh sáng ở đằng xa. Trước khi đi đến ánh sáng ấy, thình lình ông thấy mình đã quay trở lại chiếc ghế, miệng ứ máu và vị nha sĩ cố gắng lay ông tỉnh dậy. Khi kể lại câu chuyện, ông đã cố dùng lý lẽ để giải thích – ông được tiêm thuốc gây mê trong lúc nhổ răng và nói rằng đó chính là thứ làm ông bị thiếu oxy. Ông tin sự thiếu hụt oxy đã dẫn đến OBE và NDE.
Vì việc thiếu oxy dần dần hạn chế chức năng của bộ não, gây ra cảm giác bồn chồn, mất phương hướng và mất tổ chức thay vì tạo ra một trạng thái nhận thức mạnh mẽ hơn như đã mô tả, tôi không cho rằng việc thiếu oxy tự thân nó có thể lý giải đầy đủ về NDE. Hơn nữa, hầu hết những người gần kề cái chết đều thiếu oxy, nhưng không phải ai cũng thuật lại mình đã trải qua NDE.
Bất tỉnh liên quan đến trọng lực
Như một phần trong quá trình huấn luyện, phi công lái máy bay phải trải qua các tốc độ gia tăng để chuẩn bị đối mặt với một hiện tượng gọi là “bất tỉnh liên quan đến trọng lực”: ở tốc độ cao, tim mất khả năng bơm máu hiệu quả cho cơ thể, có thể dẫn đến tình trạng bất tỉnh. Trong bài tập, các phi công thuật lại những trải nghiệm giống với NDE – một cảm giác thanh thản, OBE, những hình ảnh và cảm giác lâng lâng. Tuy nhiên, các trải nghiệm này dường như là ngẫu nhiên, thường khó có thể nhớ lại và không tạo cảm hứng cho sự thay đổi cuộc sống. Vì vậy, nó khác biệt với NDE.
Tăng thán huyết
Nồng độ lớn khí CO2 cũng được cho là tác nhân gây ra NDE. Các bệnh nhân ngộ độc CO2 cho biết đã chứng kiến những luồng sáng chói lóa và những hình thù hình học, cũng như có OBE và các cảm xúc vừa dễ chịu vừa khó chịu. Tuy nhiên, giống như các bệnh nhân thiếu oxy, bệnh nhân ngộ độc CO2 không thể hiện và không tường thuật lại những tác động mang tính chuyển hóa như trong NDE.
Kết quả tìm kiếm từ cá nhân tôi
Cuối cùng, trong nghiên cứu riêng của mình, tôi đã nhìn thấy và phân tích các mẫu máu từ những người có NDE. Rất khó trích máu vào đúng thời điểm NDE xảy ra nhưng trong một số trường hợp, lượng oxy vẫn nằm trong giới hạn bình thường. Tôi hoàn toàn không thấy bất kỳ chứng cứ thuyết phục nào cho rằng thành phần hóa học của máu có thể gây ra NDE.
Một số biện pháp điều trị có thể gây ra NDE không?
Trong nghiên cứu tại bệnh viện, tôi đã điều tra liệu NDE có phổ biến hơn ở những bệnh nhân dùng thuốc an thần hoặc thuốc giảm đau hay không. Khi tôi hỏi những bệnh nhân đã được cấp thuốc trong suốt thời gian ở phòng hồi sức, chỉ 1% cho biết có trải qua NDE. Các bệnh nhân chưa từng dùng bất cứ loại thuốc nào cũng kể lại đã trải qua NDE. Và dĩ nhiên nhiều NDE xảy ra bên ngoài bệnh viện, mà hoàn toàn không có một loại thuốc nào can thiệp. Dù sao, nhìn chung, tôi đã tìm ra một kết quả mà mình không trông đợi: Thuốc men thật sự có thể ngăn cản hoặc bóp méo các NDE, khiến chúng trở thành cái gì đó mơ hồ hơn. Nghiên cứu của tôi đã được chứng thực bằng công trình của các nhà nghiên cứu khác.
OBE gắn với bệnh động kinh? Còn các thí nghiệm kích thích bộ não để gây ra OBE thì sao?
Các OBE thường được thuật lại bởi những người đã trải qua động kinh và những người được chẩn đoán bị động kinh ở thùy thái dương. Tuy nhiên, OBE của những người này có xu hướng hơi khác biệt về bản chất so với OBE của người trải qua NDE. Trong khi người bị chứng động kinh có thể cảm nhận được sự gắn kết với cơ thể và một phần cơ thể thông qua OBE, thì những người có NDE thuật lại rằng trong suốt OBE, họ cảm thấy bị tách lìa, tồn tại bên ngoài cơ thể mình. Ngoài ra, mặc dù những người động kinh cảm nhận được một phần cơ thể thực của mình, nhưng họ lại cảm thấy bị tách lìa khỏi trải nghiệm, giống như họ đang xem một bộ phim. Trong khi đó, người có NDE cảm thấy gắn bó với những gì đang xảy ra và ở trong trạng thái nhận thức mạnh mẽ hơn.
Olaf Blanke, một bác sĩ người Thụy Sĩ, và các đồng sự của ông đã tiến hành một chuỗi các thí nghiệm để kích thích bằng điện từ cho một phần não và tạo ra OBE. Mặc dù họ kết luận rằng cuối cùng họ đã có một lý giải khoa học về OBE, song thực tế các mô tả trải nghiệm do các đối tượng nghiên cứu đưa ra khá khác biệt (mơ hồ, rời rạc, mù mờ và tản mác) so với các mô tả rất cụ thể, rõ ràng và chi tiết về OBE xảy ra trong NDE. Các nỗ lực nghiên cứu khác, bao gồm những phương pháp như sử dụng trường điện từ để kích thích các phần khác nhau của bộ não, vẫn chưa có đủ bằng chứng thuyết phục. Trong một thí nghiệm, các nhà nghiên cứu thậm chí còn kết luận rằng khả năng ám thị có thể tạo ra các trải nghiệm giống OBE cao hơn bất kỳ kích thích điện từ nào.
NDE có thể chỉ là những ảo giác?
Trước hết chúng ta hãy định nghĩa thế nào là ảo giác. Đây là định nghĩa của từ điển Oxford:
Ảo giác
1. Tình trạng tâm trí bị đánh lừa hoặc nhầm tưởng, hoặc ấp ủ những ý nghĩ vô căn cứ; một ý tưởng hay niềm tin không có gì là thật; một ảo tưởng.
2. Bệnh lý và Tâm lý. Sự cảm nhận rõ rệt (thường qua hình ảnh hoặc nghe thấy) về một vật thể bên ngoài khi nó thật sự không hiện hữu (Phân biệt với ảo tưởng theo đúng nghĩa của nó, không nhất thiết phải có một niềm tin sai lệch).
Trong suốt những năm làm nghề hộ lý của mình, tôi thường xuyên thấy bệnh nhân bị ảo giác. Thường họ cố gắng ra khỏi giường, có biểu hiện hoang tưởng và không cho phép nhân viên y tế đến gần. Đôi khi, họ còn cố gắng tháo các ống dây tiêm vào mạch và thậm chí trở nên hung hãn với nhân viên chăm sóc. Tỉnh giấc sau khi bị ảo giác, họ ít khi nhớ được bất cứ điều gì về hành vi của mình. Nếu có, họ thường cảm thấy xấu hổ vì hành động của mình và mô tả lại những sự việc ngẫu nhiên, rời rạc. Những gì bệnh nhân mô tả thường là kết quả của tiếng động xung quanh và những thứ có thật đã xảy ra vào lúc ấy – dẫn đến một thứ thực tại méo mó diễn ra trong ảo giác.
Chẳng hạn như, tôi từng chứng kiến một thanh niên trẻ bị thương nặng tin rằng người ta đang tìm cách cắt lìa cơ thể anh ta và cho nó vào hộp. Đồng thời, anh ta cho rằng một người từ quân đội Cộng hòa Ai-len (gọi tắt IRA) đang đe dọa mình. Thực tế xảy ra (tôi có mặt và chứng kiến) là các hộ lý ngăn cản anh lại khi thuốc giảm đau đang mất tác dụng. Đang hoang mang, anh ta trở nên hung hãn. Thành viên được cho là thuộc quân đội Ai-len đó thực ra là một bác sĩ người Ai-len, người đang cố tìm cách trấn an anh ta. Người đàn ông này đang bị ảo giác – đón nhận sự kiện có thật nhưng nghĩ rằng chúng không thật.
Trái với những trạng thái hoang mang và mất phương hướng sau một giai đoạn bất tỉnh hoặc khi bệnh nhân đã và đang bị ảo giác, người có NDE mô tả NDE là một trạng thái nhận thức cao hơn ý thức thức tỉnh thông thường.
Kiến thức nhận được sau NDE
Những người có NDE khác mô tả rằng đã nghe thấy các cuộc nói chuyện giữa những người ở cách xa về mặt địa lý. Chẳng hạn như, trong những trạng thái ban đầu của NDE, bác sĩ Rajiv Parti thấy mình quan sát mẹ đang trò chuyện với người chị gái ở nhà tại Ấn Độ, khi đó ông đang ở California.
Người có NDE cũng có thể tiếp nhận kiến thức hoặc kỹ năng mới trong thời gian xảy ra NDE. Chẳng hạn như, một người phụ nữ trong nghiên cứu của tôi trở lại cuộc sống với sự hiểu biết chi tiết (và vô cùng kinh ngạc) về vật lý lượng tử.
Trải nghiệm khi hấp hối trên giường
Một hiện tượng khác có thể xảy ra lúc gần chết (và bị nghi vấn là ảo giác) là việc người đang hấp hối giao tiếp với những họ hàng hay bạn bè quá cố. Đây được gọi là trải nghiệm nhìn thấy những người đã quá cố khi bản thân đang trong giai đoạn hấp hối (deathbed vision, gọi tắt là DBV).
Giống như các NDE, và tương phản với ảo giác, DBV vốn thường xảy ra từ một tuần đến vài ngày trước khi người đó chết, dường như êm dịu, thanh thản, và được biểu hiện một cách rõ ràng. Bệnh nhân có thể ra hiệu hoặc “nói chuyện” với ai đó trong phòng mà không một người nào khác nhìn thấy. Các nghiên cứu chỉ ra rằng thường những người vô hình kia là những nhân vật quan trọng trong cuộc đời bệnh nhân, như bạn bè hay người trong gia đình, và họ đều đã qua đời.
TÌNH HUỐNG THỰC TẾ: TRẢI NGHIỆM KHI HẤP HỐI
Đây là một trong những ví dụ rõ ràng nhất về DBV mà tôi đã chứng kiến xảy ra khi còn làm việc trong phòng chăm sóc đặc biệt. Tôi thấy một bệnh nhân bắt đầu ra dấu, mỉm cười và trò chuyện với ai đó mà tôi không thể nhìn thấy. Dường như ông ta rất hạnh phúc. Ông cứ nói như thế khoảng 30 phút, rồi thiếp đi. Ngày hôm sau, ông kể lại với gia đình rằng đêm trước ông đã gặp mẹ và bà, cả hai đều đã mất, và chị của mình. Ông không hiểu tại sao người chị lại xuất hiện, dù theo ông biết là bà vẫn còn sống. Đương nhiên điều này không đúng - bà đã mất trước đó một tuần, nhưng gia đình đã không cho ông biết về sự ra đi của bà vì sợ làm ông đau đớn. Vài ngày sau, ông ra đi hoàn toàn thanh thản.
Liệu endorphin có thể lý giải về hiện tượng NDE?
Endorphin là một loại “thuốc giảm đau” tự nhiên của cơ thể – chúng tôi thường gọi endorphin là “hormone dễ chịu”. Không phải vô lý khi cho rằng chất này có thể chịu trách nhiệm về NDE, vì nhiều vận động viên khi luyện tập cật lực hoặc khi thi đấu, thuật lại về việc trải qua các “trải nghiệm đỉnh cao”. Chúng ta biết đây chính là kết quả của việc tiết endorphin khi tập thể dục. Tuy nhiên, các bệnh nhân nói rằng trong lúc trải qua NDE, họ không thấy đau đớn (trong khi ngoài đời họ đang trải qua đau đớn), đến khi trở lại với thân xác thì cơn đau cũng lập tức trở lại. Không một thứ gì trong chức năng sinh lý của chúng ta cho phép cơn đau biến mất đột ngột. Thậm chí nếu như cơ thể tiết nhanh endorphin, bản thân việc giảm đau cũng phải diễn ra từ từ khi hàm lượng endorphin bắt đầu tăng dần trong vòng tuần hoàn. Tương tự, ảnh hưởng của endorphin cũng dần dần mất đi chứ không đột ngột hay bộc phát. Vì lý do này, thời điểm bắt đầu cơn đau sau NDE cho thấy rõ endorphin không phải nguyên nhân duy nhất gây ra NDE.
Liệu NDE có phải là một giấc mơ?
Các nghiên cứu cho thấy chúng ta nhớ được giấc mơ chỉ khi thức giấc vào thời điểm giấc mơ đang xảy ra; thậm chí thức giấc vào giai đoạn kế tiếp của giấc ngủ cũng làm cho giấc mơ rất khó nhớ, dù ở bất cứ chi tiết nào. Và kể cả khi chúng ta ngay lập tức nhớ được giấc mơ, việc nhớ nó cũng sẽ phai đi rất nhanh. Mặt khác, NDE lại vô cùng dễ nhớ và thường chuyển hóa cả cuộc sống, khắc sâu vào tâm thức của người có trải nghiệm đến độ thậm chí các chi tiết nhỏ nhặt nhất cũng dường như rất sống động. Tác động của chúng đến cuộc sống thì mạnh mẽ và kéo dài.
Mặc dù các giấc mơ thông thường không có đặc điểm nào để có thể xem chúng như là “người bạn tri kỷ tiềm năng” của NDE, nhưng thực tế nghiên cứu của tôi cho thấy có những nét tương đồng thú vị giữa NDE và giấc mơ sáng suốt. Trong giấc mơ sáng suốt, người nằm mơ trở nên ý thức rằng mình đang mơ và có thể điều khiển giấc mơ, đưa ra các quyết định trong tình huống đó, thoát ra hay bước vào những tình huống đang mơ; hoặc đi vào đó, thay đổi kết quả và tự mang mình ra khỏi giấc mơ theo ý muốn. Ý thức này và khả năng đưa ra quyết định (đi về phía ánh sáng, hoặc quay lại cuộc sống chẳng hạn) rõ ràng có sự cộng hưởng với NDE. Cuối cùng, việc tiến hành nghiên cứu nhiều hơn về các giấc mơ sáng suốt có thể sẽ hé lộ những giải đáp cụ thể về bản chất của NDE.
Có phải NDE chỉ là những mơ tưởng – kết quả của nỗi khao khát sâu đậm muốn được kết nối trở lại với những người thân yêu đã qua đời?
Mặc dù nhu cầu muốn kết giao một lần nữa với những người thân yêu đã qua đời có thể được xem là nhân tố dẫn tới các NDE tích cực, song chúng ta cần biết rằng không phải tất cả các NDE đều tích cực hoặc dễ chịu, một số thậm chí còn có thể đáng sợ. Không ai có thể chắc chắn rằng NDE của mình, nếu có, sẽ tích cực hay không. Và không một đối tượng nghiên cứu nào của tôi mong muốn đón lấy rủi ro khi những giờ phút có thể là sau cùng của họ sẽ là đau đớn hay kinh sợ. Hơn nữa, không phải người nào có NDE cũng sẽ gặp gỡ người thân yêu đã quá cố, và nhiều trường hợp nghiên cứu của tôi cho thấy những người có NDE không gặp gỡ được họ hàng mà họ rất muốn gặp mặt. Nếu mơ tưởng là nhân tố dẫn tới NDE, chúng ta sẽ cho rằng sự thỏa mãn ước muốn – gặp được những người họ hàng thân thương nhất thay vì những người có huyết thống xa hơn; và tìm thấy những người bạn ưa thích nhất, thay vì những người chỉ quen biết – mới là kết quả khả dĩ hơn cả.
Những điều nêu trên đưa chúng ta đến đâu?
Khi tới lúc phải cố lý giải điều gì thật sự tạo ra NDE, sự thật đau lòng là mặc dù giờ đây chúng ta đã cởi mở hơn nhiều về NDE và những điều liên quan đến nó, nhưng chúng ta vẫn không mảy may khôn ngoan hơn so với hàng trăm năm trước về bất kỳ câu hỏi hóc búa nào. Khoa học dường như chẳng cho chúng ta những câu trả lời thực tế hay thiết thực nào – tất cả những gì chúng ta đang làm là tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục ghi chép và nói về những trải nghiệm, rồi phân tích chúng chi tiết nhất có thể để nhìn thấy những khuôn mẫu hiện ra.
Tuy nhiên, việc khoa học ngày nay không thể lý giải được NDE không đồng nghĩa với việc những trải nghiệm này không có thật. Tôi tin rằng sự bất lực của chúng ta trong việc lý giải về NDE từ góc độ này là do những giới hạn về kiến thức khoa học ngày nay. Chúng ta cần phải xem xét và mở rộng nghiên cứu khoa học của mình thay vì phớt lờ những trải nghiệm hết sức quan trọng kia. Nghiên cứu NDE gần đây chỉ lướt qua bề mặt ý thức mà thôi. Nghiên cứu về lĩnh vực này ngày càng tiến triển và khả năng đạt đến sự hiểu biết rộng hơn chính là điều kích thích và thôi thúc tôi tiếp tục công việc của mình.
TRỌNG ĐIỂM: PHẢN HỒI ĐỐI VỚI MỘT DBV HOẶC NDE
Trước khi tôi trở nên quan tâm đến NDE, ông tôi đang hấp hối ở nhà. Tôi chứng kiến nhiều lần ông chỉ tay về phía cửa ra vào và bảo tôi xem ai ở đó. Dĩ nhiên mỗi lần tôi nhìn ra ngoài đó thì chẳng thấy một ai. Đào tạo về chuyên môn hộ lý của tôi đã dạy rằng phải xác định rõ cho bệnh nhân khi họ tin rằng có điều gì đó không thật đang xảy ra, do đó tôi luôn nói ông rằng ở đó chẳng có ai. Chẳng có gì ngạc nhiên, ông thường trở nên cáu gắt khi tôi từ chối tin ông vì theo ông biết, cái bóng ở cửa hoàn toàn có thật.
Giờ tôi nhận ra rằng, sau nhiều năm nghiên cứu, điều quan trọng nhất mà những người quan sát các trải nghiệm ấy có thể làm được là xác nhận chúng, bất kể niềm tin cá nhân về chúng như thế nào. Chúng ta nên nói những câu như “Con không thấy ai cả, nhưng ông đang thấy ai thế?” hay là “Họ đang nói gì với ông?”, vì điều này có thể giúp bệnh nhân có thể ra đi thanh thản.