Trong những giai đoạn nghiên cứu ban đầu về NDE ở thập niên 1970, những người có NDE đều thuật lại rằng họ có cảm giác hạnh phúc, phấn chấn, vui vẻ, thanh thản và không đau đớn – giống như trong các tình huống thực tế mà chúng ta đã tìm hiểu ở chương trước. Dần dần, theo thời gian, khi các cuộc nghiên cứu tiếp tục đào sâu hơn vào chủ đề này và thu thập thêm nhiều câu chuyện, cũng là lúc các trải nghiệm đau đớn bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, thậm chí ngày nay, những câu chuyện thuật lại về trải nghiệm đau đớn mà chúng ta nhận được vẫn ít hơn nhiều so với trải nghiệm tích cực. Dĩ nhiên, chúng ta không thể biết chắc lý do tại sao. Dù các NDE thường có khuynh hướng tích cực, song cũng có những người có NDE đau đớn, ít muốn chia sẻ câu chuyện của họ.
TÌNH HUỐNG THỰC TẾ: NDE TỪ ĐAU ĐỚN SANG TÍCH CỰC
Trường hợp hồi tưởng lại cuộc sống ở trang 30 - 31 thực ra là một ca tự tử. Sau lần được nhìn lướt lại quãng đời đã qua của mình, người có NDE bất thình lình đối mặt với bóng tối và cảm thấy như thể bị lơ lửng ngoài không gian, một cõi hư vô bất tận không có chút ánh sáng nào. Cô nhìn xung quanh và thấy một nhóm trẻ vị thành niên hoàn toàn bất động, cô cho rằng đó cũng là những trường hợp tự tử khác.
Rồi bỗng có một tiếng vút! Một dạng năng lượng không xác định quét cô ra nơi khác, với tốc độ cao, đến một nơi đầy ứ năng lượng đang bùng nổ. Cô bị bao phủ bởi một màn khói như sương mù mà cô cho rằng “có trọng lượng” - dường như nó hình thành từ những nguyên tử bóng tối cực mạnh - và nó có thể được cầm nắm, được tạo hình. Nó có sự sống… một thứ trí tuệ nào đó hoàn toàn tiêu cực, thậm chí còn độc ác. Cô cảm thấy mình như đang ở “địa ngục”, nhưng nơi này không có “lửa và sấm chớp” như cô được kể hồi còn bé. Cô mô tả nó giống như là nơi ăn năn hối lỗi vậy.
Cô nghe thấy “tiếng rì rầm của những ý nghĩ” quanh mình, của những người đang cố thanh minh cho bản thân, và thấy những người khác đang mặc quần áo bẩn. Cô cảm thấy hoàn toàn cô độc.
Từ một điểm sáng li ti bỗng vọng ra giọng nói “Có phải đây là điều mà con thật sự mong muốn?”, và cô biết cô đang đứng trước sự hiển linh của Thượng đế, một Nguồn Sáng rực rỡ. Cô cảm nhận một tình yêu dạt dào bao trùm cả không gian, thứ tình yêu thấm đượm lòng vị tha thuần khiết, thấu cảm trọn vẹn.
Cô nhận thấy những lựa chọn khác nhau của mình có thể dẫn đến tuyệt vọng hoặc sự trưởng thành mới. Cô thấy việc lựa chọn kết liễu đời mình không chỉ gây ảnh hưởng đến những người xung quanh, mà còn ảnh hưởng đến hàng triệu người bởi lẽ tất cả đều có mối liên kết với nhau. Cô càng trải nghiệm về Ánh Sáng ấy bao nhiêu thì Ánh Sáng ấy càng xua tan bóng tối nhiều bấy nhiêu, và đỉnh điểm là một cảm giác vút qua toàn bộ thân thể cô. Bóng tối vút nhanh qua và cô thức giấc trong cơ thể của mình, cuộc sống nay đã chuyển hóa.
Chúng ta có khuynh hướng phớt lờ các loại NDE đau đớn và tập trung vào những câu chuyện khiến ta cảm thấy dễ chịu, nhất là khi suy xét về cái chết. Dù vậy, tôi tin rằng các nhà nghiên cứu có trách nhiệm giảm đến mức tối thiểu cảm giác bị cô lập mà những người có NDE cảm thấy, và khuyến khích họ chia sẻ về chúng khi đã chuẩn bị sẵn sàng về tinh thần.
Những NDE đau đớn tột cùng có thể để lại một dạng hậu chấn tâm lý cho một số người, nghĩa là việc ép buộc họ kể lại trải nghiệm quá sớm có thể khiến cho sự việc trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta bỏ qua tất cả: câu chuyện thuật lại của họ là cơ sở để nâng tầm nhận thức về bản chất thực của NDE, giúp cho nghiên cứu của chúng ta phong phú hơn, và đương nhiên giúp cho những người có NDE hiểu về những gì đã xảy ra với họ, ý nghĩa của trải nghiệm, và làm thế nào để mang trải nghiệm ấy vào cuộc sống theo hướng tích cực.
Vì sao một số NDE thì đau đớn, còn số khác lại không?
Chúng ta không có chứng cứ vì sao một số người trải qua các NDE dễ chịu còn số khác thì đau đớn. Ý kiến cho rằng các tình huống xung quanh một số trường hợp có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm là một nhận định hợp lý. Chẳng hạn như, một sự tấn công gây nguy hiểm hoặc hành vi cố ý tự sát, bản thân chúng đầy ắp các cảm xúc tiêu cực, sẽ dẫn đến các NDE đau đớn. Tuy nhiên, kể cả trong các tình huống nguy hiểm hay đau đớn dẫn đến NDE, vẫn có nhiều câu chuyện thuật lại về NDE mang tính tích cực, hoặc chuyển từ đau đớn sang tích cực (xem Tình huống thực tế, trang 43 – 44). Mặc dù tự thân điều này không chứng minh được rằng các tình huống tiêu cực chắc chắn không tạo ra NDE đau đớn, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, cho đến khi chúng ta có thêm các kết quả nghiên cứu, thì hoàn toàn không có câu trả lời chắc chắn nào cho lý do vì sao một số NDE thì đau đớn còn số khác lại không.
Một số người cho rằng các NDE đau đớn chính là kết quả phải hứng chịu của những người vốn đã không tử tế hoặc khiếm khuyết về đạo đức trong cuộc sống – nhưng tôi cũng chưa bao giờ nhận thấy điều này một cách nhất quán. Các NDE đau đớn cũng được những người tử tế nhất, giàu tình thương nhất và biết quan tâm chăm sóc người khác nhất thuật lại. Tương tự, những tội phạm bạo lực dường như vẫn có thể thuật lại những NDE dễ chịu.
Một lý thuyết khác cho rằng những người vốn quen với việc kiểm soát trong cuộc sống thường đột ngột bị đẩy vào một trải nghiệm choáng ngợp (dưới hình thức một NDE) mà ở đó họ cố gắng để duy trì hoặc giành lại quyền kiểm soát. Nỗ lực nhằm kháng cự lại điều đang diễn ra (trong NDE) thay vì quy hàng đã làm xáo trộn sự cân bằng của trải nghiệm, gây ra sự đau đớn về tinh thần. Có nhiều tường thuật ghi lại rằng một số người cảm thấy thư thái trong trải nghiệm của mình, họ chuyển từ trải nghiệm khó chịu sang dễ chịu.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng những ai đang dồn nén mặc cảm tội lỗi, những ai đang mang nỗi sợ hãi hay tức giận trong cuộc sống, và những người chờ đón sự trừng phạt hay phán xét vào lúc chết, dễ có khả năng trải nghiệm NDE đau đớn. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều có những cảm xúc hay tội lỗi bị dồn nén ở nhiều mức độ khác nhau, do đó tôi không nghĩ nhận định này có thể lý giải một cách trọn vẹn vì sao một số NDE thì đau đớn còn số khác thì không.
Cuối cùng, có một khả năng khác liên quan đến sự nuôi dưỡng trong môi trường tôn giáo. Liệu các hình ảnh về lửa và lưu huỳnh có thể tác động đến cách một số người diễn giải về NDE của mình không? Có thể một số người đơn thuần cảm thấy sợ hãi vì trước đó họ đã tự nhận bản thân là vô thần? Hay có thể nào vấn đề chỉ là cách suy diễn: chúng ta nghĩ ngọn lửa biểu trưng cho địa ngục và sự kinh hoàng, do đó chúng ta lý giải chúng theo cách như vậy? Có thể nào như thế không? Trên thực tế, những ngọn lửa ấy biểu trưng cho sức mạnh hay sự tái sinh, như phượng hoàng tái sinh từ tàn tro. Liệu có phải vì thế mà tất cả chỉ là sự liên tưởng và diễn giải mang tính cá nhân?
TÌNH HUỐNG THỰC TẾ: HAI NDE KINH HOÀNG
Trong lời kể thứ nhất về một NDE đau đớn mà tôi từng nghe, người phụ nữ mô tả cô rời khỏi thân xác và nhìn xuống thấy bản thân mình đang ngồi trên một chiếc ghế. Cô ấy thấy mình lơ lửng trôi về phía một chiếc cầu lớn có dòng nước chảy qua bên dưới. Cô ấy sợ nước, và khi đến gần cây cầu hơn - tức dòng sông - cô càng sợ hãi hơn. Khi sự lo âu tăng lên, cô nghe thấy tiếng trẻ con ở phía sau và cảm tưởng như thể tiếng nói ấy đang chế giễu mình. Cô tin rằng mình đã chết.
Trong lời kể thứ hai, người trải qua NDE mô tả lại rằng bà ta chứng kiến một người phụ nữ đội mũ rơm ngồi trên một chiếc thuyền trong một hồ nước. Người kể không nhận ra người phụ nữ, nhưng biết rằng mình nên tránh xa bà ta. Rồi người đó nhìn thấy một bánh xe tròn, sáng rực màu sắc sặc sỡ. Những màu sắc ấy mang theo sức nóng và “khói khủng khiếp”. Người kể cảm tưởng như mình đang nhìn thấy “địa ngục” và cảm nhận được sức nóng từ “lửa địa ngục”. Tôi phải ngắt ngang cuộc phỏng vấn vì việc thuật lại NDE đã trở nên đau đớn với người kể, đến mức vài ngày sau đó bà ta vẫn từ chối nói về nó với tôi.
NDE đau đớn có những điểm đặc trưng nào?
Hai mươi năm nghiên cứu đã giúp tôi thu thập được khá nhiều câu chuyện về NDE đau đớn. Điểm chung của các trải nghiệm này là chúng nhạy cảm hơn nhiều so với NDE tích cực, và trừ phi được kể lại ngay lập tức, không thì thường mất nhiều thời gian hơn để hiểu rõ. Đương nhiên điều này chẳng lấy gì làm ngạc nhiên – việc chấp nhận một trải nghiệm đau đớn bất kỳ thường phải mất thời gian (kể cả khi nó xảy ra giữa lúc chúng ta đang khỏe mạnh, trong diễn biến hoạt động thường nhật).
Chúng ta thường chủ động né tránh việc nhớ hay thuật lại nỗi đau đớn. Chúng ta gom trải nghiệm đau đớn ấy thành những bó có thể kiểm soát, từng chút một, để có thời gian ghi nhớ và điều chỉnh. Những người trải qua NDE đau đớn thường có khuynh hướng cảm thấy bị cô lập hay sợ hãi về trải nghiệm của họ (hãy nhớ rằng hầu hết những tường thuật về NDE được công bố có khuynh hướng là các trải nghiệm tích cực), kéo dài thời gian sẵn lòng chia sẻ và làm chậm hẳn quá trình hồi phục.
Một nhà nghiên cứu lừng danh từng tìm hiểu cặn kẽ về NDE đau đớn là Nancy Evans Bush, tác giả quyển Dancing Past the Dark. Bản thân bà cũng trải qua một NDE đau đớn (xem Tình huống thực tế trang 50), từ đó thôi thúc bà quan tâm nhiều hơn đến đề tài này.
Cùng với đồng sự là Giáo sư Bruce Greyson, Nancy Evans đã dành quãng thời gian 10 năm từ 1982 đến 1992 để thu thập và phân tích nhiều trường hợp NDE đau đớn. Hai nhà nghiên cứu ấy đã phân ra ba loại NDE đau đớn, có thể độc lập hoặc đồng xuất hiện.
TÌNH HUỐNG THỰC TẾ: NDE ĐAU ĐỚN KHI SINH NỞ
Trong một lần sinh nở phức tạp, Nancy Evans Bush thình lình thấy mình di chuyển với tốc độ cực kỳ nhanh qua không gian. Trước mặt bà xuất hiện một nhóm nhiều hình tròn, mỗi chiếc có màu trắng và đen. Màu sắc của các hình tròn không cố định - chúng thường xuyên thay đổi từ trắng sang đen và ngược lại, mỗi khi chuyển màu sẽ tạo ra âm thanh cóc cách. Dường như những hình tròn này đang gửi đến Nancy bức thông điệp rằng cuộc sống của bà chưa từng tồn tại trước đó và bà được phép tạo dựng nó. Nancy không nói gì về trải nghiệm của mình khi đó, vì bà không tài nào hiểu được ý nghĩa của nó.
Nhiều năm sau, Nancy tìm thấy một quyển sách về triết học phương Đông ở nhà của một người bạn, ngay lập tức bà nhận ra biểu tượng âm dương của Trung Hoa, tượng trưng cho sự thống nhất của những mặt đối lập. Ngập tràn và lấn át bởi cảm xúc, bà nhận ra đây chính là nguồn gốc của những hình tròn trắng đen mà bà nhìn thấy trong NDE của mình. Cả NDE và sự nhận biết này đã ảnh hưởng sâu sắc đến Nancy đến nỗi bà quyết định dành trọn đời mình cho việc nâng cao hiểu biết của mọi người về các NDE đau đớn.
1. NDE điển hình được lý giải theo cách đau đớn
Mang phần lớn những thành tố thông thường của một NDE (xem trang 21 - 22), phân loại này được xem là đau đớn vì trải nghiệm đó khiến chúng ta cảm thấy đau đớn. NDE khơi dậy mối âu lo cho người trải nghiệm và không có cảm giác bình yên, thanh thản hay vui vẻ nào cả. Ví dụ đầu tiên ở trang 48 phù hợp với loại này.
2. Trải nghiệm sự trống rỗng
Trong phân loại này, người có NDE cảm thấy mình bị hất vào một không gian trống rỗng tăm tối, vô nghĩa, bất tận. Nhiều người mô tả trải nghiệm này giống như rơi vào cõi hư vô. Đôi khi người ta có thể nghe thấy các tiếng nói bài xích cho rằng cuộc sống chỉ là một trò đùa. Trải nghiệm của Nancy Bush là một ví dụ minh họa cho việc trải nghiệm sự trống rỗng.
3. Trải nghiệm tựa như địa ngục
NDE giống như địa ngục, loại NDE đau đớn và đáng sợ nhất, được Maurice Rawlings, bác sĩ tim mạch, mô tả lần đầu tiên vào năm 1979. Khi tiến hành một bài kiểm tra về mức độ stress của một bệnh nhân nam 48 tuổi, tim của người bệnh đột nhiên ngưng đập và ông đổ ập xuống sàn. Rawlings cùng các hộ lý bắt đầu hồi sinh bệnh nhân và tiêm vào tim người bệnh một liều thuốc tạo nhịp. Ở nhiều thời điểm khác nhau trong quá trình hồi sinh, bệnh nhân tỉnh rồi lại bất tỉnh. Mỗi khi tỉnh lại, ông thét lên mình đang ở địa ngục. Ông van nài Rawlings và các hộ lý tiếp tục các nỗ lực hồi sinh, vì cứ mỗi lần họ dừng lại thì như thể ông bị hất về địa ngục.
Vài ngày sau, Rawlings thăm lại bệnh nhân với ý muốn hỏi thăm ông ta còn nhớ gì về trải nghiệm hồi sinh không. Tuy nhiên, bệnh nhân không nhớ gì cả. Rawlings tin rằng vì trải nghiệm ấy quá đỗi đau đớn, đến độ não của người bệnh đã kìm nén nó, có lẽ vô thời hạn.
Khách quan mà nói, phải thừa nhận rằng lời kể này không phải là không chịu sự chỉ trích: Rawlings là một người vô cùng mộ đạo và người ta cho rằng cách lý giải của vị bác sĩ chịu ảnh hưởng rất lớn từ quan điểm tôn giáo của ông. Thực tế, bản thân Rawlings cũng thừa nhận điều đó có thể đúng. Tuy vậy, trải nghiệm giống như địa ngục cũng xuất hiện ở các phân loại được đưa ra bởi Nancy Evans Bush và Bruce Greyson, sau này họ đã tìm thấy những ví dụ khác về trải nghiệm như địa ngục.
Những phát hiện khác về NDE đau đớn
Bác sĩ tim mạch Barbara Rommer đã thu thập hơn 300 ca NDE ở Mỹ, gần 18% trong số đó thuộc phân loại đau đớn. Bà đồng tình với cách phân loại của Bush và Greyson, và bổ sung thêm loại thứ tư: NDE mà sự hồi tưởng về cuộc sống tự thân nó cũng gây đau đớn. Một số đối tượng nghiên cứu của bà nhận thấy họ ở trong một tình huống khó chịu khi xuất hiện trước một phiên xử hay bị phán xét bởi một thế lực cao hơn.
Nhà nghiên cứu người Anh Margot Grey cũng thừa nhận có những NDE đau đớn. Bà phân loại chúng theo hai cách: tiêu cực và giống như địa ngục. Trong nghiên cứu của bà, các trải nghiệm tiêu cực bao gồm sợ hãi, hoảng hốt cực độ, tâm trí phiền não, tuyệt vọng, cảm giác lạc lõng, bất lực và cô đơn. Môi trường diễn ra của những NDE trên thường trống trải, thù nghịch, tăm tối và u ám. Đôi khi người có NDE mô tả bản thân nhìn chăm chăm vào hố thẳm hay bên mép bờ vực.
Trải nghiệm như địa ngục của bác sĩ Grey chính là phiên bản khuếch đại của một trải nghiệm tiêu cực và bao gồm hình ảnh về một thực thể vô diện hoặc có mặc áo choàng đầu, cảm giác về một thế lực tà ác, cũng như các sinh vật ma quỷ và cảm giác cực nóng hoặc cực lạnh.
Có thể đồng thời trải qua NDE đau đớn và dễ chịu không?
Một nghiên cứu cho thấy các NDE có thể bắt đầu dễ chịu nhưng sau đó trở nên đau đớn. Ngược lại, một số NDE có thể bắt đầu trong đau đớn nhưng rồi trở nên dễ chịu.
TÌNH HUỐNG THỰC TẾ: NDE ĐAU ĐỚN TRỞ NÊN DỄ CHỊU
Năm 2010, Rajiv Parti, một bác sĩ gây mê hành nghề tại California, trải qua một NDE như ở địa ngục trong một ca phẫu thuật phức tạp đe dọa đến tính mạng. Ông mô tả cảnh tượng hãi hùng với bão, sấm chớp và mây đen. Ông có thể nhìn thấy kẻ khác đang bị nhục hình và cảm thấy ai đó đâm kim vào mình. Ông còn ngửi thấy mùi da thịt đang cháy. Rồi thình lình ông tỉnh giác trước lối sống của mình - nhận ra rằng ông đã luôn ích kỷ và thiếu bao dung. Ngay khi có được sự tỉnh ngộ ấy, toàn bộ NDE hoàn toàn thay đổi - lửa ngục và bóng tối tiêu biến, được thay thế bằng hình ảnh cực đẹp và cảm nhận một tình thương yêu sâu đậm.
NDE đau đớn và NDE dễ chịu diễn ra thường xuyên như thế nào?
Các NDE đau đớn không phải là không phổ biến – và nếu nó xảy ra, bạn không phải là người duy nhất nếm trải. Là một phần trong công việc của mình, tôi cố đưa ra các phương pháp trị liệu để giúp đỡ bất kỳ ai có NDE đau đớn hiểu ra và nối kết trải nghiệm ấy vào cuộc sống của họ. Quan trọng là bạn tự nguyện chia sẻ câu chuyện, khi đã sẵn sàng.
TRỌNG ĐIỂM: VẬN DỤNG NDE NHƯ LÀ KIM CHỈ NAM VỀ LUÂN LÝ
Trong những bản ghi chép cổ, những hình ảnh và lời mô tả đáng sợ về cuộc gặp gỡ không dễ chịu thường được liên tưởng tới cái chết, và chúng dường như có tác dụng giúp con người định hướng lại điều tất yếu đó. Trong các bản văn như The Tibetan Book of the Dead (tạm dịch: Tử thư Tây Tạng) chẳng hạn, cái chết được mô tả mang dáng dấp của các vị thần đáng sợ, được đọc to trước những người đang hấp hối với ý định dẫn dắt họ qua cái chết.
Theo Otherworld Journeys: Accounts of Near-death Experience in Medieval and Modern Times (tạm dịch: Hành trình về bên kia thế giới: Ghi chép các NDE thời Trung cổ và Hiện đại) của giáo sư Carol Zaleski, các mô tả NDE xuất hiện xuyên suốt văn học Trung cổ, để răn dạy con người tránh xa lối sống trái đạo đức có thể khiến họ không đến được thế giới bên kia. Cuộc hành trình sang thế giới bên kia được mô tả là những chặng đường u tối, gai góc, đầy chướng ngại (như cầu trơn dốc, các dòng sông lửa và đầy dao bén). Việc lựa chọn được lối đi an toàn hay không còn phụ thuộc vào những điều tử tế được thực hiện lúc sinh thời. Các ghi chép này cho thấy NDE có thể giúp tạo ra sự thay đổi lớn khi người có NDE quay trở lại cuộc sống, nhiều người trong đó đã từ bỏ sự tham đắm của cải và chọn lối sống thanh đạm.
Hiện tại, những khác biệt trong phương pháp nghiên cứu và mẫu nghiên cứu, cũng như loại hình nghiên cứu, hàm ý rằng không có một thống kê cụ thể về số lượng NDE đau đớn so với NDE dễ chịu. Tuy nhiên, ước tính có khoảng 14 đến 18% NDE rơi vào phân loại đau đớn. Chúng tôi hy vọng việc thống kê sẽ ngày càng hữu ích và thỏa đáng hơn khi có nhiều nghiên cứu nữa được tiến hành.
Có hay không các tác động tiêu cực diễn ra sau các NDE đau đớn?
Âm hưởng của nhiều NDE đau đớn thường là đau xót, khiến cá nhân cảm thấy tội lỗi, tủi hổ hay xấu xa. Nhiều người cảm thấy bị cô lập, không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu. Rất khó để khiến người trải qua NDE đau đớn tiết lộ về trải nghiệm của mình, nhất là càng về sau. Trong suốt quá trình nghiên cứu, tôi đã gặt hái nhiều thành công từ việc thấu hiểu các trải nghiệm tiêu cực của các bệnh nhân trải qua NDE mà tôi đã phỏng vấn ngay sau trải nghiệm, chẳng hạn như khi họ còn ở trong bệnh viện, hơn là với những người gửi email một thời gian dài sau khi NDE diễn ra. Tôi nhận thấy rằng khi tôi bắt đầu đối thoại qua email với một bệnh nhân, có thể sẽ mất hàng tháng trời chỉ để có những chi tiết nhỏ nhất liên quan đến NDE. Trong một số trường hợp cá biệt, người bệnh có xu hướng né tránh hoặc thoái lui hoàn toàn khi họ đến điểm bắt đầu hồi tưởng được về một chi tiết nào đó trong trải nghiệm. Những nhà nghiên cứu khác, trong đó có Nancy Evans Bush, cũng đưa ra những kết quả nghiên cứu tương tự.
Có lẽ là, theo thời gian, người trải qua NDE đau đớn đã dồn nén hoặc “nội hóa” những ký ức cụ thể, chi tiết về sự kiện nhằm tránh mang đau đớn của mình vào hiện tại. Nhiều người vẫn còn các câu hỏi như “Vì sao tôi lại có trải nghiệm tệ như thế?” hay “Mình có phải là người xấu xa vì đã bị đưa đến địa ngục hay không?”. Việc cảm thấy không thể trao đổi về trải nghiệm ở thời điểm xảy ra khiến cho những người trải nghiệm cảm thấy mình bị cô lập và gia tăng tác động của NDE đau đớn về lâu về dài. Nancy Bush đã ghi lại ba kiểu phản ứng với một NDE đau đớn:
1. Phản ứng hoán cải
Theo cách phản ứng này, người ta sẽ thoát ra khỏi trải nghiệm để thay đổi cuộc sống của mình theo hướng tốt đẹp hơn.
2. Phản ứng quy giản
Cách này cố hợp lẽ hóa trải nghiệm bằng cách cho rằng đó chỉ là kết quả của việc tiết endorphin (chất dẫn truyền thần kinh), hay là một diễn biến thần kinh.
3. Khởi đầu của một cuộc vật lộn kéo dài
Một người có thể sẽ mất một thời gian dài để hiểu về trải nghiệm và gánh chịu một nỗi sợ hãi triền miên về cái chết (phương pháp trị liệu phù hợp để nhận ra NDE đau đớn và phản ứng của người đó đối với trải nghiệm là thật sự hữu ích trong các tình huống này).
Liệu NDE đau đớn có thể mang lại tác động tích cực?
Một số nghiên cứu cho thấy nhiều người trải qua NDE đau đớn đã lý giải chúng như là một lời cảnh báo – một lời cảnh tỉnh thôi thúc họ điều chỉnh hành vi và thái độ sống của họ từ đó trở về sau. Trong một số trường hợp, chính NDE đã mang đến cho họ một dấu hiệu chỉ báo rằng sau cái chết vẫn còn có cuộc sống. Thú vị thay, một số nghiên cứu phát hiện ra rằng những người có NDE đau đớn có thể mang nó vào cuộc sống của mình nhanh hơn nhiều so với những người có NDE dễ chịu. Điều này tương phản với các kết quả nghiên cứu khác, nhưng có thể được giải thích như sau: người có NDE được thôi thúc phải đánh giá lại hành vi và thay đổi cách sống trước đó của họ; ký ức về NDE đau đớn đóng vai trò như là lời gợi nhắc giúp họ đưa ra những chọn lựa tốt đẹp hơn về lối sống.
Ta có thể giúp những người có NDE đau đớn bằng cách nào?
Ở giai đoạn đầu sau khi vừa trải qua một NDE đau đớn, việc chia sẻ trải nghiệm với một ai đó – chẳng hạn với một người có NDE khác, một chuyên gia trị liệu quen thuộc với các NDE, hay một nhóm trợ giúp chuyên về hiện tượng này – có thể giúp ích rất nhiều. Mục đích của các nhóm trợ giúp là cung cấp một nơi an toàn để bất cứ ai vừa trải qua NDE, dù tích cực hay tiêu cực, có thể chia sẻ trải nghiệm của mình trong một môi trường an toàn với những người thật sự hiểu về NDE.
Nancy Evans Bush đã đưa ra những cách thức để giúp những người có NDE trong một môi trường chăm sóc giảm nhẹ. Trước hết, bà đề nghị chúng ta chỉ cần lắng nghe, rồi giải thích rằng xuyên suốt lịch sử, nhiều người bình thường, cũng như những tu sĩ khổ hạnh, đều có những trải nghiệm tương tự. Chúng ta nên giải thích rằng cho dù một trải nghiệm tâm linh ban đầu có thể là đau đớn khi kể lại, nhưng nó sẽ trở nên dễ chịu. Sau đó, chúng ta nên mô tả về một số NDE dễ chịu. Quan trọng là hãy có cái nhìn khác hơn về trải nghiệm ấy – bất kỳ thế lực đen tối nào cũng có thể được xem là người dẫn dắt, và bất kỳ sự trừng phạt nào cũng có thể xem là một hình thức thanh luyện. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nói với những người đã trải qua NDE rằng nếu sự việc tương tự xảy ra một lần nữa, họ nên hướng về nguồn sáng đang hiện hữu trong chính trải nghiệm NDE ấy.
Việc thuật lại NDE đau đớn của những người khác, và giải thích làm thế nào mà các trải nghiệm ấy có thể khơi dậy sự thay đổi tích cực là một yếu tố quan trọng khác có thể giúp những cá nhân đã trải qua NDE đau đớn trở nên nguôi ngoai hơn. Trường hợp của người phụ nữ đã tìm cách tự sát, khi nhìn thấy một thế giới giống như địa ngục chuyển thành một thế giới ngập tràn ánh sáng và tình thương đã có ảnh hưởng tích cực lâu dài lên cuộc sống thật của bà chính là một ví dụ điển hình (xem Tình huống thực tế, trang 43 – 44). Bà nhận ra rằng về cơ bản, địa ngục chỉ là một trạng thái của tâm trí. Bà kể lại rằng “Khi chúng ta chết đi, trạng thái tâm trí sẽ giãn ra mạnh mẽ vì chúng ta được đến cùng với những người có cùng ý nghĩ”. Bà đang nói về những linh hồn mà bà đã gặp khi ở trong NDE của mình. Trước khi trở lại cơ thể, bà hiểu rõ cuộc sống của mình quan trọng đến dường nào và ngập tràn sự tri ân – đó chính là điều bà cần để tạo ra sự thay đổi trong cuộc sống.
Chúng ta cũng nên nghĩ đến khả năng một NDE đau đớn chưa có một kết thúc tích cực có thể là do đã bị gián đoạn hoặc rút ngắn. Là những người quan sát luôn có tinh thần ủng hộ, chúng ta có thể hợp tác với những người có NDE để khơi dậy những thành tố tích cực trong các NDE đau đớn của họ, từ đó chuyển trải nghiệm đau đớn thành trải nghiệm dễ chịu.