Từ khi có Chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi, nhân dân vùng sông Thao, Hưng Hóa phấn khởi làm theo. Các gia đình có người tham gia nghĩa quân rất mừng. Họ không phải mang cái tiếng xấu là đi làm giặc, chịu sự đàn áp của quan quân triều đình Huế vì tội phản nghịch. Bây giờ người ta có thể ngẩng cao đầu, bởi sự nghiệp của bản thân gia đình và con em họ là chính nghĩa. Vua Hàm Nghi là ông vua trung với nước, kiên quyết kháng Pháp, thông minh sáng suốt, người dân sẽ vâng theo phụng sự Cần Vương, nhất định sẽ đi đến ngày chiến thắng.
Khi Đề Kiều và Đốc Biêu cười ngựa về tới chân núi Vòng Kiềng thì trời đã về chiều. Gặp cô Quỳnh vợ Đặng Tất đi cỏ lúa về. Cô dẫn hai người về nhà, bà Sung nghe thấy chân ngựa đi vào cổng mừng quýnh lên gọi to:
- Kiều ơi, Huy ơi, Tập ơi! Bố chúng mày đang về đó! Ra mà đón mau lên!
- A ha! Bố về thật rồi! Mẹ ơi, bà ơi!
Bọn trẻ mừng ra mặt, tất cả chạy ùa ra vây lấy hai người. Đề Kiều ôm lấy thằng Huy, còn Đốc Biêu cầm tay thằng Kiều và thằng Tập cùng đi vào nhà. Căn nhà gỗ năm gian mới làm trong rừng cây râm mát, dười chân đỉnh núi Đọi Đèn, bên con suối nhỏ. Bà Sung bảo rằng, từ ngày giặc Tây đốt nhà ở Cát Trù, bà mang tất cả người nhà vào đây, thuê thợ làm nhà trong vùng đồi rừng này, trên cơ sở trang trại cũ, cùng xóm dân Mường lẩn tránh giặc. Cùng ở với bà Sung có gia đình bà Tèo mẹ Đốc Biêu, làm nhà bên quả đồi rừng bên cạnh. Nhiều gia đình của anh em như gia đình Đặng Tất, Lê Chí, Tạ Minh, Út Liêng chạy loạn cùng vào rừng Xuân Lôi ở với gia đình Đề Kiều.
Bà Sung bảo cho Đề Kiều biết:
- Con về chẳng cho người báo trước, nên vợ con đi buôn bán có thể tối nay hoặc mai mới về.
Bà Sung nhìn Đốc Biêu khẽ nói:
- Bà Tèo cùng các cháu đang ở quả đồi rừng bên cạnh đây. Bà ấy khỏe và các cháu đều khỏe. Còn cô Bông thì...
- Thì sao hả bà?
- Thế cháu chưa biết gì về cô ấy và gia đình?
- Cháu nào có biết gì. Ngày làng Cát Trù và chợ Trò bị giặc Pháp tiến công. Chúng cháu có nghe tin giặc đốt làng, đốt chợ giết nhiều người, phải chạy vào rừng ở. Cô Năm lên thăm căn cứ Tiên Động, có nói là gia đình cháu chưa biết chạy đi đâu. Đi Thanh Sơn, hay Đông Lĩnh, Thanh Cù? Bây giờ về đây ở với bà và dân làng thế là rất mừng.
Bà Sung nghẹn ngào báo tin:
- Thôi thì đằng nào cháu cũng sẽ biết... cô Bông vợ cháu bị giặc Tây bắt tại chợ Trò và bị chúng hiếp và giết chết rồi. Bọn giặc biết cháu đi theo nghĩa quân đã cho lính vào đốt và giết cả nhà. May mà bà Tèo và các cháu chạy thoát.
- Mấy đứa còn nhỏ làm thế làm sao mà chạy được?- Đốc Biêu vội hỏi?
- Cũng may, cô Thân vợ chưa cưới của nghĩa dũng Hà Phát, làm ở ngoài đồng về thấy bọn giặc đang vào nhà bà Tèo, đã chạy đến báo cho bà Tèo biết và cùng ôm lấy mấy đưa trẻ chạy ra vườn chuối ngoài bờ ngòi Cỏ ẩn núp. Đến tối, cùng bà Tèo đưa bọn trẻ về nhà bố mẹ cô Thân và cùng gia đình cô ấy tản cư sang Thanh Ba bây giờ mới tìm về đấy. Tao và dân làng vừa lo dựng cho bà cháu cái nhà để ở tạm. Thấy trẻ con nheo nhóc cô Thân xin phép gia đình bố mẹ mình về ở hẳn với gia đình bà Tèo cùng chăm sóc chúng nó, đợi cháu về sẽ hay. Thấy nó là người nhân hậu đảm đang, tao và mẹ cháu đã dạm hỏi và đưa lễ cưới cho nhà bố mẹ cô ta rồi.
Đốc Biêu nghe bà Sung nói, gục đầu vào tay xụt xịt khóc. Đề Kiều an ủi:
- Hà Phát chồng chưa cưới cô Thân đã chết trận. Chú chết vợ, hai đứa chúng mày thuận lòng mà lấy nhau đi. Thôi cũng là duyên số! Mẹ tao, vợ chồng tao đứng ra lo cưới vợ cho chú mày. Cưới xong, thì ở nhà mười hôm, còn tao đi lên báo cho Quan Hiệp thống biết về hoàn cảnh của mày. Còn đạo Hậu quân thì để Hoàng Nhân thay trực tiếp chỉ huy.
Đốc Biêu không nói gì, đứng dậy vơ lấy khẩu súng trường, chào bà Năm và Đề Kiều đi ra ngoài sân. Đề Kiều thét:
- Thằng Kiều và thằng Huy đưa ngay chú Đốc Biêu về nhà bà cô Tèo mau lên!
Thằng Huy biết đường đi trước dẫn đường, Đốc Biêu theo sau. Khi đi qua đầu con ngựa đực màu nâu. Nó hất ham, giơ chân trước lên cào cào xuống đất như muốn chủ nó cho đi. Thằng Kiều thấy vậy, quay lại vào nhà súc lúa cho ngựa của chú Đốc Biêu và ngựa của bố mình. Hai con ngựa mải miết ăn và được nghỉ ngơi lấy lại sức.
Thằng Huy đưa chú Đốc Biêu về nhà. Nó Không vào nhà và đứng bên này ruộng dộc chỉ tay nói với đốc Biêu:
- Nhà bà Tèo đấy chú Đốc Biêu ạ. Thằng Biêu nhà chú đang đứng ở đầu sân đấy, kia kìa. Biêu ơi, Bố mày đang về đây này!
Đốc Biêu chưa kịp nói gì, thì thắng Huy đã quay ngoắt trở lại, nó nói to:
- Thôi, cháu về nhà với bố cháu đây! Chú về nhà, tí nữa chúng cháu sang chơi.
Thằng Biêu lao xuống dốc, chạy lại ôm chầm lấy bố khóc nức nở:
- Mẹ con bị giặc Tây giết chết rồi, bố ơi! Chúng con chờ bố mỏi mắt mà sao hôm nay bố mới trở về?
Đốc Biêu không trả lời con. Ôm lấy con, gục đầu vào vai con trai nức nở. Hai bố con vừa đi về nhà vừa khóc. Bà Tèo ôm thằng cu Tý và dắt theo con Hoa chạy ra cửa nhà đón. Cô Thân dắt theo thằng Bàn loay xoay chạy ra cửa, cô sững sờ nhìn Đốc Biêu vai khoác súng, người gầy gò hơn ngày đội nghĩa dũng Cát Trù cất bước ra đi bảo vệ thành Hưng Hóa. Nhìn ông Phó Cao Cần xưa cô đỏ mặt thẹn thùng:
- Bàn ơi, con chạy lại chào bố đi!
Thằng Bàn chạy lại cùng anh Biêu hớn hở mừng bố về. Bé Hoa cũng chạy lại ôm lấy bố. Bọn trẻ mừng quá, bà Tèo, cô Thân mừng quýnh bế thằng cu Tý chắng biết nói gì, càng mừng hơn khi nghe câu đầu con trai bà nói với cô Thân:
- Các con may mắn quá, mẹ Bông chẳng may bị giặc Tây giết chết, bỗng có dì Thân đến cứu giúp, đỡ đầu! Các con phải coi dì Thân như mẹ của mình, không được quấy dì và phải giúp dì làm việc nhà nghe không!
Bọn trẻ như chai sạn với nỗi đau, chúng chỉ mừng khi thấy bố về. Thằng Biêu bắt đầu kể chuyện nhà bị giặc Tây đốt trơ trọi. Mấy con trâu bị giặc xả súng bắn chết thê thảm bên cây táo đầu nhà. Đêm tối phải về nhà dì Thân, ở ngay bờ sông Thao và sau đó phải chạy dạt sang đất Đông Lĩnh, mãi sau mới tìm về làng Xuân Lôi, làm nhà dưới chân núi Vòng Kiềng này. Bây giờ có Bà Sung, bá Kiều, ông Tất, chú Hòe ở bên cạnh thấy vui hơn.
Lúc đó, bọn thằng Kiều, thằng Huy chạy sang, mang theo mấy gói kẹo vừng và túi bưởi vỏ còn xanh cho bọn trẻ. Chúng bảo quà của bố Kiều vừa đi về mang cho bà, cô Thân và các cháu. Bọn trẻ được gặp nhau trong hoàn cảnh vui vẻ, bố chúng từ căn cứ Tiên Động về cưỡi ngựa mang theo súng dài, trông rất oai nghiêm. Có bố chúng thì không sợ mấy thằng Tây đi lùng sục, hay dọa dẫm giết người. Thằng Huy gân cổ lên nói:
- Giặc Tây có giỏi thì đi vào đây, bố chúng tao sẽ cho bọn bay nằm đất hết!
Bà Tèo nhìn con trai rất lâu. Nó gầy hơn hồi mới ra đi. Cảnh nhà gặp nạn, vợ chết, nhà bị giặc đốt, mẹ già và một bầy con thơ, phiêu dạt về vùng đồi núi này liệu có sống nổi không. Bà hỏi con về tình hình quan quân:
-Tất cả quan quân còn an toàn chứ? Giặc giã còn tìm lên đánh nữa không? Chiến tuyến có đứng vững không? Mẹ nghe nói có Vua Hàm Nghi ra căn cứ Tân Sở để đánh giặc Tây, đã ra Chiếu dụ thiên hạ Cần Vương. Liệu có khả quan, chiến thắng không?
- Quan quân vẫn được bình an. Chỉ có một số nhỏ thì đã hy sinh khi đánh giặc. Tiên Động đã thượng cờ khởi nghĩa rồi, phong trào đánh giặc Tây xâm lược lên cao và bước sang giai đoạn mới. Nhưng còn khó khăn lắm, mẹ ơi! Giặc Tây đông và mạnh lắm, đã cướp được nước ta rồi, chúng dựa vào quan quân người Nam làm tay sai cùng đàn áp dân ta. Bên ta có Vua Hàm Nghi ra căn cứ kháng chiến nhưng thế và lực còn yếu lắm, chưa chắc đã xoay nổi tình thế. Con đang suy nghĩ lắm mẹ ạ, chẳng nhẽ đi làm việc nghĩa mà bó tay trở về! Bây giờ, mẹ già, em Thân cố gắng giúp việc nhà, để con còn ra chiến đấu, đem thân đi chẳng có gì đền ơn nghĩa cha mẹ sinh thành.
Bà Tèo nhìn người con trai tươi cười:
- Khó khăn là khó khăn chung, việc nước bao giờ chẳng thế! Đến lúc nào hay lúc ấy, nghĩ suy làm gì cho nặng lòng. Trước mắt con về cưới vợ cho danh chính. Mẹ và bà Sung, bá Năm đã tính toán, chuẩn bị như dạm hỏi, đưa cưới cho gia đình bên gái rồi. Lần này, anh Kiều cùng về là thuận, có thể làm lễ cưới cho xong.
Đốc Biêu thấy vui vui, lòng nhẹ nhàng như mơ:
- Con đồng ý! Nhưng gia cảnh nhà ta thế này, nhà cửa còn tuềnh toàng quá, cưới treo cần phải có khách khứa, họ hàng, người ta đến còn phải có cỗ mời. Không thì uống nước lã hả mẹ?
- Con đồng ý là mẹ mừng rồi. Làm năm bẩy mâm cỗ có gì là khó khăn đâu. Mẹ bảo mọi người đến giúp là xong.
Đốc Biêu lần túi đưa cho mẹ hai chục quan tiền. Bảo rằng số tiền ngày đi mang theo vẫn không tiêu đến lại được thêm mấy đồng tiền thưởng của quan Hiệp thống, nay mang về giúp mẹ. Anh cũng khoe với mẹ, về các chiến công mà anh lập được. Trận bảo vệ thành Hưng Hóa đã cản được địch đánh vu hồi, tập hậu đưa được quan Tuần ra căn cứ. Trận dốc Giát, trận Tình Cương chặn được giặc khi chúng kéo lên đánh chiếm làng Tứ Mỹ và huyện lỵ Cẩm Khê. Anh vừa được phong chức đốc binh phụ trách chỉ huy đạo Hậu quân. Anh cũng kể về Đề Kiều đã được Hiệp thống đại thần, Thuần trung tướng Nguyễn Quang Bích phong chức đề đốc chỉ huy quân sự của toàn tỉnh Hưng Hóa.
Bà Tèo nói như reo lên:
- Thế thì vừa cưới vợ cho con, vừa phải khao làng nữa chứ!
- Đừng khao làng làm gì! Vợ con vừa mới mất. Vả lại, con có làm đến chức đốc binh cũng chẳng có bổng lộc gì đâu. Vì nghĩa lớn ta phải hy sinh hết! Quan Hiệp thống cũng chẳng có một đồng tiên lương nào đâu. Ông ấy đã đem thân vì nước, chúng con phải noi gương theo mà phấn đấu. Chỉ có làm quan cho lũ Tây bây giờ mới có lương bổng, nhưng mà làm người ai lại đi theo giặc. Thà chết mẹ ạ, tôi trung không thể làm khác!
- Con nghĩ thế là mẹ mừng! Mẹ sinh con, trời sinh tính! Con là người lương thiện, yêu nước, thương dân, đức lớn như thế con cháu được nhờ.
- Con đi làm việc nước, mẹ và em Thân chăm sóc, dạy bảo đàn cháu, đàn con lớn lên sau này mà nhờ cậy. Mẹ có thấy chúng nó khôi ngô tuấn tú không?
- Đến anh là con trai mẹ cũng chẳng được nhờ! Trông vào đàn cháu còn nhỏ vẫn phải chăm bẵm, già rồi còn trông cậy gì.
Hai mẹ con cùng cười. Đốc Biêu rơm rớm nước mắt, anh đi vào nhà bưng cơm, giúp Thân:
- Mẹ ơi, gọi đàn cháu vào ăn cơm. Trời sắp tối rồi, miền đồi rừng tắt nắng là tối đấy.
Bữa cơm tại gia đình vui vẻ. Đã hơn năm rồi, Đốc Biêu mới trở về. Năm tháng trôi qua biết bao nhiêu biến cố, sự việc. Còn được ăn cơm với gia đình thế là mừng lắm rồi. Chiến tranh, loạn lạc còn dài, dân ta còn khổ, mong sao có sự đổi đời.
Thằng Biêu, thằng Bàn, con Hoa, thằng cu Tý đang độ tuổi thơ dại phải được chăm bẵm mà đã phải chịu khổ rồi. Mẹ già đã ngoài sáu mươi còn phải gánh nặng gia đình, lo cho con cho cháu, mong ngóng ngày đất nước hết bóng quân giặc con trai trở về.
Hôm nay nó trở về, mai kia nó phải đi rồi. Vợ nó bị giặc giết chết, một đàn con thơ, mẹ thì già, phải lo cưới vợ cho nó để thêm chân thêm tay giúp đỡ mình. Cưới vợ cho con ai chẳng mong chúng nó hạnh phúc thêm một đàn cháu nhỏ. Cuộc sống bây giờ đã khó khăn càng khó khăn, bao giờ thì khá hơn, bà Tèo nghĩ mãi mà không trả lời được.
Bữa cơm chưa xong thì Đề Kiều đã sang báo:
- Ngày mai, quan quân vùng Đọi Đèn, Rừng Già, Hố Trò sẽ vào. Họ đến chuẩn bị cưới vợ cho Đốc Biêu, nên cô Tèo khỏi phải lo! Chỉ cần cô báo cho anh em nội ngoại, hai họ xa gần về dự cưới cho vui vẻ. Đám cưới trong loạn lạc, cốt làm sao hợp với nghi lễ, chứ có ai bắt bẻ gì.
Bà Tèo nhìn Đề Kiều thân mật:
- Cháu và thằng bố Biêu đã trở nên ông Đốc, ông Đề. Cô già rồi, kệ chúng mày làm sao thì làm, cốt làm thế nào hợp với đạo lý, tục lệ là được.
Được bà cô đồng ý, Đề Kiều vui vẻ hơn:
- Sáng ngày mai, quân lính sẽ khiêng hương án, bàn ghế vào nhà. Lợn gà, cá mú, gạo bánh, hoa trái sẽ có người mang từ Chương Xá, Văn Khúc, An Dưỡng vào. Ta tổ chức cưới vợ cho Đốc Biêu đồng thời cho liên hoan mừng ngày anh em nghĩa dũng làng Cát Trù, tổng Điêu Lương gặp mặt với dân làng.
Đề Kiều bàn với Đốc Biêu, báo cho quan quân đang đóng từ đồn Hố Trò vào, từ gò Cao, núi Con Tượng, Đồng Phai từ Phục Cổ đến. Ngày mai, cho anh em từ các nơi này đến chuẩn bị chuẩn bị cỗ bàn. Số anh em nghĩa dũng thì họp mặt bên nhà này. Nhà trai, nhà gái thì ăn uống chung tại nhà trai. Hào lý các làng tổng thì ăn cỗ bên nhà bà Sung. Cô Năm đi chợ vừa về, mua được nhiều lụa là, vải vóc. Mình đã bảo cô Năm may gấp cho cô dâu, chủ rể mỗi người một bộ quần áo mới. Đồng thời may thêu một bộ xuân phục hàm nhất phẩm mang lên Tiên Động biếu quan Hiệp thống Đại thần.
- Có kịp không anh?
- Thừa kịp! Cưới vợ cho chú Biêu xong, mình theo đường Cập Kễnh ra Văn Khúc, Chương Xá, Phú Lạc làm việc với một số đơn vị nghĩa quân rồi sau về đây, anh em tôi cùng đi Tiên Động.
Đêm tối nhanh, trời đã sang thu, không khí mát mẻ. Cô Thân thắp ở nhà ngoài một ngòn đèn dầu dọc. Anh sáng vàng ệch, mờ mập. Thằng cu Tý bắt đầu khóc đòi u ấm. Đốc Biêu bế con, nhưng nó lạ không theo. Bà Tèo ôm cháu à ơi ru: “ À ơi!... Ai làm... cho vợ... lìa chồng; cho con... mất mẹ,... cho lòng... ta... đau”. Đốc Biêu nghe mẹ hát ru ngồi ôm lấy thằng Biêu, thằng Bàn lòng thương vợ não nề. Anh nói với con:
- Tất cả tại lũ giặc Tây ! Bố phải đi đánh chúng trả thù cho mẹ các con!... Hai con ngoan nằm ngủ với bố đi!
Cả ngày đi lại rất mệt mỏi. Anh buồn ngủ, nhưng hai đửa trẻ không cho bố ngủ. Cứ nằng nặc đòi bố kể chuyện. Anh đành phải kể chúng nghe những chuyện dân gian mà anh đã nghe từ trước. Bọn trẻ không thích nghe cứ xoay quanh đòi bố kể về chuyện đánh Tây. Thằng Biêu hỏi căn kẽ:
- Quân Tây có súng đại bác, quân nhiều, quân ta súng thì nhỏ, quân ít thì đánh làm sao đây? Quân quan ta và bố có thấy giặc Tây mạnh không, có biết tìm cách nào đánh cho thắng chúng?
Những câu hỏi đó làm anh nhận thấy thằng Biêu con trai mình đã bắt đầu trưởng thành, đã có nhu cầu tìm hiểu chuyện quan quân đánh giặc. Ông lựa lời nói với con:
- Đánh giặc phải bằng cơ mưu. Con lớn lên đọc sách mà tìm cách đánh. Bố và quan quân cũng đang nghĩ kế để trừ diệt quân Tây. Sự nghiệp đánh Tây cứu nước còn dài, có thể đến đời con đời cháu mới làm nổi đấy.
Đốc Biêu ngừng một lát rồi hỏi con:
- Từ ngày mẹ chết, con còn đi học nữa không?
- Con và anh Kiều, anh Huy, anh Tập con bác Kiều vẫn đi học ông đồ Bài ở ngoài làng Văn Khúc. Ông đồ Bài khen con học giỏi hơn anh Kiều.
- Thế là tốt lắm! Cố gắng học con nhé, chỉ có học giỏi mới hy vọng cứu nguy được dân tộc con ạ. Dân ta đang vào thời kỳ mất nước, giặc Tây nó đô hộ nước Nam, dân Nam mình sẽ khổ đấy.
Thằng Biêu nằm suy nghĩ, không hỏi bố nữa. Đốc Biêu hỏi con:
- Con học ở Văn Khúc, có biết ông Tổng Triều và ông Đội Thủ không?
- Có. Bà nội bảo các cụ ấy là anh em họ nhà mình. Thỉnh thoảng con cũng đến thăm. Các cụ hỏi thăm bố luôn, nhiều ngày mưa gió con ở lại thường đến ăn cơm và ngủ đêm. Các cụ giỏi chữ nghĩa lắm, vấn hỏi con luôn. Con chưa hiểu thì giảng giải cho con hiểu, con thích tính cởi mở của các cụ nhà ta lắm.
Thằng Bàn đã ngủ ngáy khò khò, thằng Biêu nghe bố nói chuyện mãi cũng vào giấc ngủ lúc. Đốc Biêu cũng bắt đầu thầm mệt anh thiếp đi lúc nào không hay. Chí khi có tiêng cu Tý khóc, anh mới tỉnh ngủ đi vào ngủ với vợ.
Cô Thân chuyển thằng cu Tý vào trong, cho Đốc Biêu nằm cạnh. Anh kể cho cô Thân nghe về cái chết của Hà Phát trong ngày thứ hai bảo vệ thành Hưng Hóa. Mộ chí của Hà Phát được anh em chôn cất, đánh dấu cẩn thận trên đồi ngay phía sau thành. Sau này, đất nước yên bình có thể chuyển hài cốt về Cát Trù. Anh hỏi thăm bố mẹ cô Thân, nay chuyển đi vào thôn Song Nưa ở có được bình yên không, gia đình Hà Phát chuyển sang đất Tiên Châu ra sao. Cô Thân tỷ mỷ kể lại mọi sự việc diễn ra. Chuyện quân Tây đến đốt nhà, phá phách vườn tược, bắn chết trâu bò, đêm tối cùng mẹ đưa các cháu vượt sông Thao chạy giặc và đồng ý làm mẹ kế các con, mặc cho nhiều người nói ra nói vào.
Hai người thì thầm nói chuyện đến lúc trời sáng. Cô Thân nói là vợ chồng lấy nhau, trời cho khỏe mạnh bình yên thì đẻ thêm sáu đứa nữa cho thành mười con. Đốc Biêu hỏi vợ:
- Thế mình em nuôi được à?
- Trời sinh voi thì ông trời sinh cỏ. Với lại, đẻ để lấy người đánh Tây kể tục sự nghiệp của cha ông chúng nó chứ.
Bà Tèo thấy hai con ý hợp tâm đầu, bà phấn khởi lắm. Sáng nay bà Tèo có ý định trực tiếp ra Văn Khúc, Song Nưa mời bà con họ hàng, của hai nhà vào dự cưới vợ cho con trai, con gái. Nhưng Đề Kiều bảo đã cho người thay cô đi mời đại diện hai nhà họ Hoàng, họ Cao, họ Tạ vào dự cưới để bà cô Tèo khỏi phái đi mời xa.
Cụ Sung và bà Tèo rất phấn khởi thấy các con cháu trở về an toàn sau hơn một năm tham gia chiến trận. Hai bà ngồi trên phản gỗ têm trầu cánh phượng chuẩn bị để mời khách. Trầu cau của vùng tổng Đông Lỗ rất ngon, phần lớn vẫn là của dân Mường làng Quắc Thước và của làng Xuân Lôi, Phục Cổ mang đến. Cô Thân vừa trông cu Tý và chuẩn bị gạo nước cho ngày cưới. Đốc Biêu và Đề Kiều ngồi chỉ đạo quan quân chuẩn bị thêm mọi thứ. Cánh quân của Đốc binh Tạ Duy Sơn và Phó Đốc binh Đặng Thành đóng tại Hố Trò, Rừng Già đã vượt núi Đọi Đèn mang theo nhiều gạo và lợn gà. Dọc đường vào Xuân Lôi mấy người lính lại bắn được một con nai rừng, xẻ thịt, gồng gánh lễ mễ đi đến nhà Đốc Biêu.
Sáng sớm, cô Năm vợ của Đề Kiều sai người đi chợ Bến Vợt mua thêm rượu và các loại rau măng cùng gia vị cũng đã về. Binh lính lục tục làm giúp, mổ lợn, giết gà làm cỗ. Cảnh nhà Đốc Biêu nhộn nhịp hẳn lên. Khách khứa bắt đầu đến, chuyện vui như pháo cháy. Mấy đứa trẻ con nhà Đề Kiều và Đốc Biêu chạy lăng xăng, đưa đường cho khách sang các nhà, xuống suối Hàm Rồng tắm rửa.
Bố mẹ cô Bông đi sơ tán ở ngoài Chương Xá cũng vào. Các con Đốc Biêu vui mừng hơn, chúng thấy ông bà ngoại vào chơi. Bà Thu mẹ vợ Đốc Biêu trông thấy các cháu, nhớ thương con gái, khóc mếu máo làm đôi mắt đỏ hoe. Ông Sáng, bố vợ trông thấy con rể về cũng không cầm nổi nước mắt. Đốc Biêu nhìn bố mẹ vợ, thương người vợ xấu số, các con thơ dại nước mắt chẩy tràn, anh không nói được lời nào. Mãi sau anh mới nói được câu:“ Đi đánh Tây về còn trông thấy bố mẹ mạnh khỏe thế này là con mừng rồi! ”.
Phía nhà cô Thân, chỉ có ông Ân, bố của cô vào và mấy người anh em họ. Họ vui vẻ đến dự đám cưới của con gái tại nhà trai. Còn nhà gái cũng đã tổ chức ăn hỏi và ăn cưới khi bà Sung và bà Tèo có lời và có lễ rồi. Dạo ấy, Đốc Biêu ở Tiên Động còn chưa biết gia đình mình thế nào, chạy giặc ở đâu. Chính Đốc Biêu cũng chỉ nhớ loáng loáng gia cảnh nhà cô Thân vợ mới của mình. Anh định cưới vợ xong sẽ tranh thủ cùng vợ đi đến thăm nhà và anh em chú bác.
Đoàn họ Cao có ông Chánh tổng Điêu Lương là Cao Văn Triều và ông Đội Thủ là Tiên chỉ làng Văn Khúc vào dự cưới. Gặp Đề Kiều, các ông biết tin cháu Cao Cần đã được phong chức Đốc binh. Trong cảnh vui, lại có hơi rượu, ông Đội Thủ nói tiếng oang oang:
- Phụng sự Vua Hàm Nghi, cháu Cao Cần đã làm chức Đốc binh! Đã là tướng rồi! Làm tướng phái có trí, nhân, dũng, tín, liêm, trung. Thời buổi gian nan này cần nhiều đến chữ trung, còn mưu lược, dũng lược phải hơn hẳn, không giữ gìn được lòng trung thì làm hổ thẹn cả dòng họ đấy.
Đề Kiều đáp lại:
- Chúng cháu cũng nghĩ như ông, làm sao giữ được lòng trung với nước, giữ đạo nghĩa với dân. Khi triều đình Huế ký hiệp ước hòa nghị với giặc Pháp, mấy lần có chỉ dụ bắt quan quân Hưng Hóa hạ vũ khí, thu binh. Nhưng quân quân Hưng Hóa không chịu, tìm đất Tiên Động làm căn cứ, thượng cờ khởi nghĩa để cả nước noi theo. Quân dân khắp Bắc Kỳ, Trung Kỳ đã hướng về vùng sông Thao, Hưng Hóa phất cờ khởi nghĩa. Nay có Vua Hàm Nghi ra Chiếu Cần Vương, phong trào cứu nước lên như nước triều dâng.
Ông Chánh Triều vẻ trầm ngâm:
- Thưa ông Đề Kiều! Tình hình tổng Điêu Lương ta còn khó khăn khôn lường! Quân Pháp đã đóng đồn tại Phong Vực, tại Tình Cương. Hàng ngày chúng cho quân đánh phá, bắt dân ta phải theo. Chúng đã lập chính quyền tay sai, xuyên tạc Chiếu Cần Vương và dọa ai theo Cần Vương thì giết cả nhà, cả làng. Chúng tôi đã vận động nhân dân vùng ta theo, ủng hộ quan Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích nhưng mà còn khó khăn, lòng dân chưa yên đâu.
Đốc Biêu ngồi nghe, nói:
- Chỉ có một cách là đánh thôi. Quét khỏi bọn giặc xâm lược đi. Tổng ta, huyện ta phải nhổ bằng được các đồn bốt của giặc thì dân mới yên. Giặc Pháp đang dùng chính sách kìm kẹp, chia rẽ nhân dân. Chúng ta đánh, để giữ dân, giữ đất không thì sẽ mất dân, mất đất. Dân không thể theo chính nghĩa khi mà chính nghĩa không bảo vệ được họ. Các ông có đồng ý với ý kiến của cháu không?
Mấy ông, mấy bác ngồi nghe chỉ biết gật đầu. Họ cũng không biết cách gì mà trả lời, góp mưu cho quan quân. Những người chỉ huy thấy có nhiều cái khó, đánh ngay thì chưa có lực, quân ít, vũ khí thô sơ. Ai chẳng muốn đánh nhanh, thắng lớn nhưng lực lượng nghĩa quân hết sức có hạn, còn có ít lực lượng chẳng nhẽ lại tung hết ra làm một trận thì thí quân. Quan Đề Kiều làm phó cho quan Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích thường được chính ông ấy khuyên rằng:“ dùng binh không được nóng vội, phải theo binh pháp giữ gìn binh lực, chờ thời cơ”. Nhưng thời và thế lại do chính người cầm quân tạo ra. Cái tài của người chỉ huy là ở chỗ cầm quân đánh giặc tạo ra trận thắng liên tiếp đưa thanh thế lên cao và lực lượng ngày càng mạnh hơn.
Lúc mọi người còn đang bàn luận việc quân thì Đốc Sơn, Phó Đốc Thành từ trên núi Đội Đèn xuống, gặp lại Đề Kiều, Đốc Biêu tay bắt mặt mừng vui không tả nổi. Các ông chánh tổng Đông Lỗ là Hà Đức Tấn, chánh tổng Mộ Xuân là Đinh Công Sành, Chánh tổng Thượng Long là Đinh Viết Thăng, chánh tổng Quế Sơn là cụ Hà Lương được báo cũng đã có mặt. Các ông lý trưởng làng Xuân Lôi, Quắc Trước, Phục Cổ được báo đến dự cưới mang theo trâu bò, gà lợn để mừng. Cụ Lý trưởng Hà Thông đang quản đất Xuân Lôi đến dự bảo cắt đất, cấp ruộng cho nhà Đề Kiều, Đốc Biêu và các thân nhân có người theo quan Hiệp thống để ở và tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài. Đốc Sơn và Phó Đốc Thành hứa sẽ đưa quân vào giúp các gia đình ở đây làm ruộng, đào ao thả cá, chăn nuôi gà lợn, khắc phục khó khăn.
Cỗ đã được các tay bếp làm rất tinh tươm. Được bày lên trên các tấm phản kê, trên hương án đã có ván xôi gà. Nghi lễ đã đấy đủ, cụ Chánh Triều thay mặt gia đình nhà trai thắp hương cúng gia tiên. Sau đó, ông đứng ra giữa nhà có lời:
-Trước tiên kính cáo các khách quý gần xa, đại diện hai họ! Xin phép bà Sung đại diện cho họ Hoàng, mẹ của quan Đề Kiều, bà Tèo là mẹ đẻ của Đốc Biêu. Tôi là Cao Văn Triều, chánh tổng Điêu Lương, là bác họ cháu Cao Cần tức Đốc Biêu. Như mọi người đã biết gia đình cháu bị hoạn nạn, vợ cháu bị giặc giết chết, cần lấy vợ kế để đỡ đần gia đình, mẹ già và con dại. Duyên số, trời xe cháu Tạ thị Thân đã yêu thương nguyện làm vợ cháu Đốc Biêu, làm con dâu bà Tèo, làm mẹ của các cháu. Bà Sung, bà Tèo đã đặt lễ ăn hỏi, lễ cưới cho ông bà Ân bố mẹ cháu Thân rồi. Hôm nay cháu Đốc Biêu từ căn cứ Tiên Động về, gia đình nhà trai tổ chức cưới cho hợp tục lệ để vợ chồng cháu được hạnh phúc trăm năm.
Ông Chánh Triều nhìn mọi người, trìu mến nói tiếp:
- Tôi xin thay mặt họ Cao, gia đình cháu Đốc Biêu xin cảm ơn sự giúp đỡ của quan quân, đóng tại khu vực Rừng Già-Đọi Đèn và Hố Trò. Xin cảm ơn các vị hào lý tổng Đông Lỗ, Thương Long, Mộ Xuân, Quế Sơn; dân các làng Quắc Thước, Xuân Lôi và Phục cổ đã tận tình giúp đỡ gia đình cháu, có quà biếu cho vợ chồng các cháu nhân ngày cưới. Mong còn được sự giúp đỡ của mọi người, cả quân và dân để cháu Đốc Biêu an tâm làm việc nước.
Lúc này, Đốc Biêu mặc bộ áo dài, quần the, quấn khăn xếp trông rất trẻ, đứng bên cô dâu Tạ Thị Thân khăn vấn, áo dài, quần lụa trắng, trông hai người rất đẹp đôi. Khi ông Chánh Triều vừa dừng lời, tiếng vỗ tay rộ lên, Đốc Biêu đứng lên vái tạ bà Sung, bà Tèo, vái tạ cha mẹ vợ, chú bác, các quan khách và cảm ơn mọi người. Quan Đề Kiều cũng có lời phát biểu:
- Thưa các cụ ông, cụ bà, các vị hào lý của các tổng, các làng, quan quân về dự đám cưới của vợ chồng Đốc Biêu. Tôi với Đốc Biêu là người trong nhà, mới về hôm qua. Về nhà mới biết hoàn cảnh của Đốc Biêu, việc tổ chức cưới cho vợ chồng Đốc Biêu thất gấp gáp quá! Mọi người biết đấy, thời buổi chiến tranh mà, nhưng với sự cố gắng giúp đỡ của tất cả mọi người, của họ hàng, anh em thân thích, của các vị hào lý, của quan quân. Đám cười được tổ chức rất trang trọng. Tuy vậy, chưa được thỏa mãn với mọi người, xin các ông, các bà, các quý khách thông cảm cho!
Đề Kiều chưa nói hết lời. Bà Sung và bà Tèo đi lên, hai bà lên tặng quà cưới cho cho cháu dâu và con dâu là một chiếc vòng vàng và chiếc nhẫn vàng. Bà Sung còn lên đeo vào tận cổ cô dâu, bà bà Tèo lên đeo nhẫn cưới vào tay trái cô dâu. Bà Sung còn nói với mọi người:
- Đây là cô dâu có đủ bốn đức: công, dung, ngôn, hạnh. Những người phụ nữ xinh xắn, đảm đang sẽ sinh cho nhà ta nhiều quý tử!
Mọi người lại vỗ tay hoan hô, không khí thật tươi vui. Quan Đề Kiều phấn khởi thông báo:
- Hiện nay, nhân dân cả nước đã đứng lên thực hiện Chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi, quan quân vùng sông Thao, Hưng Hóa đã giương cờ khởi nghĩa, lấy Tiên Động làm trung tâm kháng chiến cho toàn xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ tập họp được lực lượng toàn quốc chống Pháp. Quan Hiệp thống dại thần, Thuần trung tướng quân Nguyễn Quang Bích và quan quân chúng tôi thề quyết tâm thực hiện Chiếu Cần Vương là đánh mạnh, diệt nhiều quân Pháp và tay sai để giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc. Chúng tôi mong rắng, quân dân vùng huyện Cẩm Khê và châu Yên Lập sẽ quyết tâm hưởng ứng, góp công, góp của, lập chiến công đầu dâng lên Vua Hàm Nghi và hỗ trợ đắc lực cho sự nghiệp Cần Vương thắng lời.
Mọi người nghe phấn khởi vô cùng, các vị hào lý náo nức muốn được nghe thêm, các binh sỹ rất muốn được nghe tin tức. Nhưng cỗ bàn đã được bầy biện xong, Đề Kiều báo các vị hào lý các làng, các tổng sang nhà của mình ăn cỗ, nhân thể bàn thêm công việc. Các người là anh em, họ hàng và các chỉ huy, binh sỹ thì ăn cỗ tại nhà Đốc Biêu. Nhân có cuộc hội ngộ, chỉ huy và binh sỹ hoạt động độc lập trong đơn vị bảo vệ vòng ngoài phía đông nam căn cứ Tiên Động vừa ăn vừa bàn bạc thấu đáo kế về hoạch tác chiến sắp tới.
Nhà Đề Kiều trong khu trang trại làm từ trước, có đủ các cây ăn quả lâu niên như vải, nhãn, thiều, lê, xoài, khế, tai chua, sấu, trông xen nhiều cây cau, cảnh nhà thêm đẹp. Xung quanh nhà có suối chảy, được bố trí những cối nước thì thụp giã gạo suốt ngày, suốt đêm, tạo cảnh sinh hoạt vui nhộn. Mấy cái đập ngăn nước, làm thành cái ao rộng mênh mông trước nhà, dùng đề nuôi các loại cá chôi, chắm, chép vừa tạo không khí thoáng mát, vừa làm nên sức sống tự nhiên quanh năm. Nhà Đề Kiều bây giờ có rất nhiều người anh em họ Hoàng về đây giúp việc, đỡ đần. Mặc dù Đề Kiều luôn vắng nhà, nhưng được bà Sung, cô Năm và mọi người chăm lo nên mọi việc đều chu toàn.
Khách tới thăm ai cũng thấy thích cái kiểu trang trại này vừa rộng vừa mát mẻ. Mọi người vừa ăn cỗ vừa bàn bạc chuyện quốc gia hữu sự. Đề Kiều nói tiếp câu chuyện về việc yêu cầu các tổng, các làng ủng hộ tướng sỹ Cần Vương.
- Hiện nay, tướng sỹ Cần Vương đang thiếu lương thực, thực phẩm, vũ khí, tiền bạc, các phương tiện như thuyền bè, voi, ngựa, trâu, bò. Bây giờ, tướng sỹ Cần Vương rất cần được sự giúp đỡ tận tình của nhân dân các làng, tổng.
Cụ Chánh tổng Mộ Xuân là Đinh Công Sành nói với Đề Kiều:
- Hôm nay, chúng tôi mới được gặp các quân sỹ Cần Vương, được quan Đề Kiều nói tường tận về tình hình chiến sự. Chúng tôi hào lý và nhân dân các tổng, các làng mới hình dung ra sự hoạt động của quan quân Cần Vương, thấy được phần khó khăn của tướng sỹ. Nhưng chúng tôi không thể đứng ra một mình vận động nhân dân, rất cần có các quan đề, quan đốc đi cùng đến tận các nhà dân vận động. Nhân dân ta sẵn có một lòng yêu nước, một chí hướng đánh đuổi giặc ngoại xâm sẽ có những đóng góp to lớn cho quan quân. Chứ hiện nay, hào lý đứng ra vận động người dân cứ tưởng là đem đóng góp cho chúng tôi đánh chén. Họ không cho chúng tôi một thứ gì đâu hoặc có cho cũng rất ít.
Đế Kiều nghe Chánh tổng Đinh Công Sành nói thì gất đầu cho là phải, ông nói:
- Như thế, thì tôi phụ trách hậu cần cho tướng sỹ sẽ trực tiếp đi vận động nhân dân đóng góp. Tôi sẽ là người đi trước, sau đó sẽ cử các quan lãnh binh, đốc binh đi vận động. Phương thức là các vị hào lý nghĩ trước, xem xét cụ thể từng nhà, những nhà có thể dư thừa thì họ cần đóng góp, những gia đình thiếu ăn thì thôi. Không nên bắt ép bất kỳ ai. Các vị hào lý thấy thế nào?
- Đúng đấy! Đúng dấy! Cần phải làm ngay đi!
Đề Kiều nói là vấn đề lương thực, thực phẩm rất cần. Chiều nay, ông phải hoãn mọi việc, cùng với Phó đốc Thành và một số binh sỹ đang đóng quân ở các vùng Đọi Đèn, Hố Trò đi vân động nhân dân Xuân Lôi, Phục Cổ, Quắc Thước, sau đó đi các làng của châu Yên Lập, Thanh Sơn, Vân Chấn, các huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Ba, Tam Nông để vận động thêm.
Bên nhà Đốc Biêu, anh em binh sỹ gặp nhau, mừng Đốc Biêu lấy vợ, mừng được sống chiến đấu chống giặc Tây. Bây giờ họ là những chiến sỹ Cần Vương, phụng sự nghĩa lớn thì chết cũng cam lòng. Họ kể lại cho nhau nghe các trân chiến đấu vừa qua tại Hưng Hóa, dốc Giát, Tứ Mỹ, cầu Gỗ, dốc Tình Cương. Đốc Sơn kể lại trận phục kích cầu Gỗ:
- Nhanh chân một chút nữa thì toàn đội cướp thêm được dăm khẩu pháo nữa, lấy được nhiều đạn pháo. Do hết đạn, nên đội phục kích ở bên trên cầu Gỗ không chặn được địch phản kích, không có người và phương tiện kéo pháo. Thành thử chỉ cướp được một khẩu pháo với gần một trăm viên đạn. Chứ hôm ấy, bọn Tây bị đánh bất ngờ, bỏ chạy như vịt để lại những năm khẩu pháo với cơ man là đạn pháo.
Chiến binh Phan Cảnh vừa ăn cỗ vừa nghe kể thì kêu lên:
- Tiếc quá đi mất! Chiến lợi phẩm đến tay còn để mất, thôi để trận sau, đánh chiếm cho thật nhiều. Ta nên liều mình đánh chiếm các thành lớn như Hưng Hóa, Sơn Tây thì lấy được nhiều súng lớn, pháo lớn.
Anh chiến binh Nguyễn Cù thì kêu tiếc cho trận phục khích đánh tàu địch trên sông Thao. Cả một chiếc bè chứa thuốc nổ trôi giạt gần tàu địch, khi chạm tàu phát nổ, chỉ có một chiếc cháy chìm, một số chiếc bị thương chứ không cháy, không chìm hết. Anh ta phấn khích nói:
- Đốc Biêu, Đốc Sơn ạ! Chúng tôi thì nghĩ nên bí mật bơi ra gần tàu, gài thuốc nổ vào thân tàu đốt dây cháy chậm thì chắc chắn chìm. Hoặc bí mật tập kích bất ngờ, leo lên tàu chiếm tàu, đốt cháy tàu. Chỉ có một cách đánh liều mạng thì chắc chắn được.
Đốc Biêu có cùng lối nghĩ tìm cách đánh như những người lính vừa nói. Anh cũng từng nghe nhiều về các cụ Yết Kiêu, Dã Tượng ngày xưa lặn đục thuyền quân Nguyên trên sông Lục Đầu, sông Bạch Đằng. Anh cũng đã chứng kiến những người dân vùng sông Thao, vùng đầm Meo, ngòi Cỏ có tài lặn, cần phải tìm ra những con người ấy, huấn luyện cho họ để đánh Tây. Cũng phải huấn luyện đội quân chính quy để đánh thành, tiêu diệt đồn bốt địch như chiến binh Phan Cảnh vừa nói. Anh nghĩ tất cả cần phái có người và thời gian tổ chức, huấn luyện sẽ đánh được quân Tây. Còn cái lối cố thủ đánh phòng ngự bảo toàn lực lượng, chỉ nhằm tiêu hao sinh lực khó có thể thắng giặc. Đúng là không có bước chuyển chiến lược về thế và lực thì ngay cả việc đứng chân trên mảnh đất sông Thao, Hưng Hóa này cũng không thể vững.
Buổi trưa về chiều, trời nắng nóng. Nhà chất chội, anh em binh sỹ tìm ra bờ suối ngổi rửa mặt mũi, tay chân và ngồi cho mát. Đốc Sơn nói nhỏ Đốc Biêu:
- Từ ngày về đây, theo sự chỉ dẫn của quan Hiệp thống và Đề Kiều bọn mình đã lập căn cứ ở Hố Trò và Rừng Già, Đọi Đèn. Bám sát địch đánh thắng trận cầu Gỗ, trận đầm Meo, đồng Cát Trắng, cho quân bám địch, làm trận địa phòng bị trên núi Đọi Đèn, dốc Lắc Lư. Nhưng địch mỗi ngày một mạnh lên, chúng nó đang thực hiện bao vây, chia cắt lực lượng nghĩa quân, chia rẽ quân với dân. Quân lương thì tạm thời tự lo được, nhưng về lâu dài thì có khó khăn, địch cấm đoán dân không được tiếp tế cho nghĩa quân.
Đốc Biêu thủ thỉ:
- Tình hình Tiên Động không phải không có khó khăn, có khi khó khăn nhiều hơn cả khu vực này. Quân quan đông, nhu cầu về lương thực thực phẩm rất lớn. Nguồn cung cấp chủ yếu dựa vào sự ủng hộ của đồng bào các huyện nam sông Thao, nhưng đường sông Thao bị địch kiểm soát gắt gao. Ta có gạo, thực phẩm cũng khó mà chuyển lên được. Nhiều khi đường sông Thao bị tắc, phải huy động nhân dân miền núi vận chuyển theo đường bộ bằng gồng gánh, xe bò, thuyền bè.
Hai người ngừng nói một lát, mắt đăm đăm nhìn lên ngọn núi Đọi Đèn. Đốc Biêu thì thầm:
- Đứng trên đỉnh Đọi Đèn nhìn rõ Sơn Vy quê nhà anh đó. Nhìn rõ cả Thanh Mai, Thạch Sơn chỗ đóng quân của Bố Giáp, Tán Dật, Lãnh Mai. Không biết tình hình quan quân ở đó ra sao? Thỉnh thoảng anh có về thăm nhà không? Gia đình vợ con anh thế nào?
- Mấy lần về nhưng đều đi bí mật cả. Đóng giả người dân xuôi thuyền theo ngòi Cỏ, ra sông Thao, lên bến Cao Mại rồi đi bộ về nhà. Bọn Tây chưa kiểm soát được phủ Lâm Thao. Phủ đường chưa có người ở, nghe nói viên tri phủ Lâm Thao còn tá túc tại thành Hưng Hóa. Nhưng tôi vẫn cẩn thận, về nhà một cách bí mật, dặn bố mẹ nói rằng: “ từ ngày thành Hưng Hóa thất thủ, chưa thấy nó về, nghe tin nó chết tại thành rồi”. Phòng khi địch truy hỏi thì có lý do mà trình bày cho hợp lý, theo mình thì tinh hình sẽ càng căng thẳng, phức tạp, khó khăn hơn.
- Uy tìn của quan quân Thanh Mai và Thạch Sơn thế nào?
- Về quân sự thì người dân chưa tin lắm đâu, quân thì ít, chưa bung ra đánh trận nào cho ra trò. Trong khi quản lý nhân dân chưa làm tốt công tác tuyên truyền, thu thuế thì tùy tiện, cốt thu lấy nhiều, dân tình oán thán lắm. Dân Lâm Thao vẫn gọi Lãnh Mai, Tán Dật là“ giặc”. Bây giờ có Chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi ra, phong cho Bố Giáp chức Hiệp đốc quân vụ đại thần, Phấn trung tướng quân chắc đỡ hơn rồi. Nhưng quân Pháp đang chuẩn bị bao vây phong tỏa, tiến công Thanh Mai-Thạch Sơn đến nơi rồi.
- Sao anh biết được tin ấy?
- Chúng tôi vẫn có người nằm ở Hà Nội, báo rằng quân Pháp đã cho rút một số quân lớn từ mặt trận phía Bắc Lệ, Lạng Sơn về, chuẩn bị đưa quân đánh bình định các tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa ở đó đang có phong trào kháng chiến mạnh. Nhất là đội quân của hai thành Sơn Tây và Hưng Hóa chạy ra kháng chiến thì cần tập trung quân tiêu diệt.
- Anh đã cho người báo cho quan Hiệp thống biệt chưa?
- Đã báo tin ấy cho Tiên Động, từ mấy hôm nay rồi.
- Theo anh thì địch sẽ đánh như thế nào?
- Chúng sẽ tập trung quân lực rất đông, có thề lên đến hàng chục ngàn tên. Chúng sẽ đánh Thanh Mai - Thạch Sơn trước và đánh Tiên Động sau. Vừa đánh vừa bình định, lập ngụy quyền cai trị dân. Nếu chúng ta không giữ được dân, bi cô lập thì sẽ khó khăn gấp bội. Nếu không tính đến việc giữ dân ngay thì kết cục là sẽ thua. Chạy dài, cố thủ vào nơi hiểm yếu thì càng dẫn đến ngày bại vong.
Đốc Biêu chống tay vào cằm, lấy mấy ngón tay gõ gõ vào đầu vẻ suy tư. Anh vẫn thường nghĩ như Đốc Sơn nghĩ. Anh đứng dậy nói với Đốc Sơn:
- Trước mắt anh và binh sỹ cố giữ cho được dân tổng Chương Xá, Phú Khê, Điêu Lương và dân tổng Đông Lỗ này; làm chủ được dân cư, làng mạc, ruộng đồng, đồi núi, sông ngòi, không cho địch bình định, chiếm cứ.
- Khó đấy Đốc Biêu ạ. Hơn một trăm quân, chọi sao được mấy ngàn tên giặc Pháp. Khó đánh đấy nhưng ta phải cố nghĩ ra cách đánh để càng đánh càng mạnh lên mới là điều mong ước của chúng ta.
Quá trưa, khách khứa ăn uống no say chuẩn bị lên đường về nhà. Đề Kiều chạy sang thăm anh em binh sỹ, thấy anh em đã tản ra ngoài bờ suối ngồi nghỉ cho mát. Ông ra bờ suối ngồi cùng anh em thân mật nói:
- Đám cưới, hôm nay vui quá! Được gặp nhiều anh em binh sỹ, nhưng số anh em nghĩa dũng Cát Trù thiếu vắng nhiều còn chưa họp được, nhờ Đốc Sơn và Phó Đốc Thành chuyển lời của tôi tới thăm anh em. Việc quân gấp gáp quá, tôi có ý định thăm anh em vùng Rừng Già-Đọi Đèn và Hố Trò, nhưng chưa đi được. Chiều nay, anh em về trực chiến, Phó Đốc Thành cùng đi với tôi vào các làng Xuân Lôi, Quắc Thước, Phục Cổ vận động nhân dân ủng hộ quân Cần Vương nhé.
Lúc đó một binh sỹ nhìn thấy cốt khói đen bốc lên từ trên núi Đọi Đèn, kêu to:
- Có khói đen bốc trên đỉnh núi Đọi Đèn, ám hiệu biến động rồi anh em ơi!
- Có chuyện rồi đó, ông Đề Kiêu, ông Đốc Biêu ạ. Chúng tôi xin phép trở về vị trí đóng quân ngay bây giờ. Đốc Biêu cho bọn mình gửi lời chào gia đình và chúc vợ chồng Đốc Biêu hạnh phúc nhé!
Tất cả anh em binh sỹ vào dự cưới đều theo Đốc Sơn trở về. Họ theo con đường qua suối Hàm Rồng leo lên thung lũng Ba Khe, qua dốc Lắc Lư xuống Hố Trò ra Hành dinh Rừng Già. Lên tới đỉnh núi họ nghe thấy tiếng sung nổ, những cột khói bốc lên từ làng Văn Khúc. Họ đoán Tây đã vào làng đốt nhà, giết người, cướp của cần phải tổ chức đưa quân ứng cứu.
Đề Kiều vào nhà thông báo cho Bà Tèo, cô Thân biết anh em binh sỹ đã trở về căn cứ, gửi lời chào mọi người. Đồng thời xin phép chiều nay phải đi các làng vận động nhân dân ủng hộ tinh thần, vật chất cho quân sỹ Cần Vương.
Ông Chánh Triều và ông Đội Thủ thay mặt gia đình nhà trai cảm ơn sự giúp đỡ trực tiếp của Bà Sung và vợ chồng Đề Kiều, quan quân cho đám cưới của cháu Cao Cần. Đề Kiều đưa tay ra xua xua:
- Ông Chánh Triều và cậu Đội Thủ cứ khách khí quá, người trong nhà cả mà! Cháu và Đốc Biêu là anh em nội ngoại mà, đồng tâm, đồng ngũ đã sống chết cùng nhau, phải giúp đỡ nhau. Giúp anh em là giúp mình, các ông, các bà ạ.
Mọi người nghe Đề Kiều nói rất hài lòng, rất vui. Khi nghe tin Đề Kiều và Phó Đốc Thành cưỡi ngựa đi vào các làng tổng vận động nhân dân đóng góp lương thực, thực phẩm, tiền bạc, phương tiện cho tướng sỹ Cần Vương. Ông Đội Thủ nhìn Đốc Biêu vui vẻ nói:
- Đề Kiều nó có nhân tướng, đi xin đâu, xin cái gì thì dân cho ngay. Còn như cháu Đốc Biêu vác mặt đi xin dân thì may lắm cũng được vài đấu gạo, đủ để nấu nồi cơm ăn cho đỡ đói.
- Sao chú lại nói cháu thế!
- Cháu cứ nghiệm mà xem, không phải ai cũng đi xin được nhé! Người ta phải có tinh tướng mới đi xin được. Có người đi xin thì người ta cho, có người đi xin người ta không cho mà người ta còn chửi vào mặt nữa đấy. Cháu cứ ở nhà chờ mà xem, ngày mai Đề Kiều và Phó Đốc Thành về xin được cả voi lẫn ngựa nữa đấy, còn lúa gạo thì tính không xuể.
Hai chú cháu cùng cười vang nhà. Đốc Biêu giơ tay lên nói như múa trước mặt ông chú:
- Cháu không đi xin được thì cháu đánh thật hăng diệt nhiều địch báo đền nước, trả ơn vua là được không chú!
- Được! Người ta có sở trường gì, thế mạnh gì thì cứ dựa vào đó mà làm, chứ đừng bắt chiếc theo voi đi nhai bã mía nhé!
Mọi người ngồi nghe cùng cười vang nhà. Trong đám cưới hôm nay, người vui nhất là bà Tèo mừng có con trai là Đốc binh Cần Vương, việc trăm năm của con có nhiều quan binh, hào lý các làng, các tổng đến. Họ không chỉ đến dự cưới mà còn giúp đỡ về vật chất và động viên tinh thần. Cho nên cỗ bàn rất dư dả và tươm tất, việc cưới diễn ra thật nhanh, vui vẻ, hiếm có đám cưới nào vui bằng. Hạnh phúc đến với gia đình bà thật bất ngờ, bù lại những tháng ngày khổ đau, mất mát mà bà và con cháu phải chịu đựng.