Đề Kiều và Phó Đốc Thành đi vào làng cùng các vị lý trưởng Quắc Thước và các làng Xuân Lôi, Phục Cổ đến từng nhà dân vận động ủng hộ. Quả nhiên theo cách thức mà các ông hào lý hiến kế. Nhân dân các làng ủng hộ quân Cần Vương rất nhiều tiền bạc, lúa gạo. Đặc biệt dân làng Phục Cổ ủng hộ nghĩa quân Cần Vương ba con voi, bắt được ở vùng núi Vòng Kiềng đã thuần dưỡng. Làng cử ba chàng thanh niên khỏe mạnh làm quản voi đưa lên căn cứ Tiên Động phục vụ chiến trận.
Trước mắt là vận tải số lương thực của nhân dân Xuân Lôi quyên góp được đang để tại kho nhà Lý trưởng Hà Thông. Sau đó là vận chuyển số lương thực để ở nhà Lý trưởng Nguyễn Bá làng Quắc Thước dười chân núi Đá Trắng. Một tấn lương thực của làng Phục Cổ quyên góp được thì để ở nhà Lý trưởng Nguyễn Bối, báo cho Đốc Sơn cho quân vào lấy chuyển ra ngoài căn cứ Hố Trò.
Anh chàng quản voi Đinh Thuần, chỉ huy “Ông voi Chúa”, cao lớn. Hai chàng Quách Tâm và Hà Văn thì điều khiển hai con voi nhỏ. Chú “voi Hoàng Tử” do Quách Tâm điều khiển, nàng “voi Công chúa” do Hà Văn dẫn đường. Giống voi Phục Cổ nổi tiếng từ thời Hai Bà Trưng đã tham gia chiến trận đánh quân Đông Hán, nghe nói Thục Nương, Hạnh Nương đã chọn giống voi tại núi Vòng Kiềng dâng Hai Bà Trưng. Đến đời nhà Trần, đàn voi chiến do Hà Bổng, Hà Đặc chỉ huy chặn đường quân Nguyên tại dốc Phong Vực, làm cho quân Nguyên mất hồn vía cắm đầu bỏ chạy thục mạng về nước. Đời Hậu Lê, đàn voi chiến do tướng quân Phạm Văn Xảo, Đinh Công Mộc chỉ huy giầy xác hàng nghìn quân Minh trên bên cầu Xa Lộc. Từ mảnh đất thiêng này, quan tri châu Quy Hóa đã mang về Thăng Long hàng chục con voi chiến, cung tiến cho tướng quân Nguyễn Huệ, khi ngài đưa quân ra Bắc lần đầu. Sau đó vào mùa xuân Kỷ Dậu ( 1779), chính những con voi chiến này cùng với những voi xứ Bình Định lại lập một chiến công lừng lẫy lịch sử đánh tan 20 vạn quân Thanh.
Công việc vận chuyển lương thực, Đề Kiều giao cho Phó Đốc Thành phụ trách. Nhờ nhân lực của hai làng Quắc Thước và Xuân Lôi cùng đội voi Phục Cổ do anh Đinh Thuần chỉ huy. Chuyển lương thực lên bến Cổi để đội Hậu quân chuyển vào căn cứ. Đề Kiều vào tận nhà Chánh tổng Thượng Long là Đinh Viết Thăng, người này mới gặp lần đầu tại đám cưới nhà Đốc Biêu. Chánh Thăng dẫn vào các bản Mường ở sâu trong núi, các làng ủng hộ quân cho Cần Vương mười con ngựa quý. Đề Kiều rất mừng, yên cầu Chánh Thăng chuyển ngay số ngựa về núi Cổi để thuần phục, biến nó thành những con ngựa chiến.
Trên đường về nhà Chánh tổng Mộ Xuân, Đề Kiều gặp Đề Hoan từ căn cứ Tiên Động đến. Báo tin Quan Hiệp thống Nguyễn Quang Bích đang ở nhà Chánh tổng Đinh Công Sành ở làng Xuân An. Hai người theo viên cai đội Hà Đình Lại vượt ngòi Dạng đến nhà.
Gặp quan Hiệp thống và Chánh tổng Mộ Xuân ngồi trên sập gụ đang nói chuyện rất vui. Thấy Đề Kiều và Đề Hoan vào nhà, quan Hiệp thống giới thiệu với Chánh tổng Đinh Công Sành:
- Đây là hai phó tướng của tôi, một người trông cường tráng hơn là Cử nhân võ Nguyễn Quang Hoan, người cùng tỉnh Nam Định với tôi đã tham gia bảo vệ thành Nam Định, sau lên Hưng Hóa đánh giặc cùng tôi. Người thâm thấp, trắng trẻo kia là Đề Kiều Chánh tổng làng Cát Trù, kiêm đội trưởng Đội Nghĩa dũng Cát Trù, giúp tôi đắc lực bảo vệ thành Hưng Hóa, xây dựng căn cứ Tiên Động, nay là Đề Đốc tỉnh Hưng Hóa. Ông ấy về thăm mẹ và gia đình ở làng Xuân Lôi mấy hôm rồi, hôm nay mới lên.
Chánh Sành nhìn Đề Kiều:
- Hôm qua tôi vừa ăn cỗ cưới ở nhà quan Đề Kiều, tại làng Xuân Lôi, tôi đã ngồi ăn cỗ cùng mâm.
- Cưới vợ hai à?
- Thưa quan Hiệp thống! Cưới vợ cho Đốc Biêu ạ. Vợ anh ta bị bọn Tây bắt và bị chúng giết chết tại chợ Trò, may mà mẹ già và các con nhỏ chạy thoát, đi tản cư mãi nay mới tìm về Xuân Lôi. Hôm vừa rồi, cùng tôi về thăm nhà chúng tôi mới biết được tin đau đớn ấy. Ở nhà, mẹ anh ấy, cùng mẹ tôi đã dạm cô Tạ Thị Thân vợ chưa cưới của Liệt sỹ Hà Phát đã hy sinh tại cửa Đông Nam thành Hưng Hóa, sáng ngày hôm thứ hai bảo vệ thành.
- Vợ chưa cưới của cái anh chàng đưa thư cưỡi con ngựa trắng, bị Tây phục kích bắn trúng tại làng Thượng Nung phải không?
- Vâng, đúng đấy ạ.
- Thật đáng thương! Mỗi người chết, mỗi người bị thương, mỗi người bị nạn, ta nghe lòng đau như cắt!... Nhưng mà đám cưới được tổ chức tốt chứ?
- Chúng tôi về thì bàn tổ chức cưới ngay, cô dâu đã ở nhà trai rồi. Các cụ ở nhà đã có lễ hỏi, lễ dẫn cưới rồi. Chúng con làm lễ cưới cho vợ chồng Đốc Biêu được nên vợ nên chồng. Đã mời đơn vị nghĩa binh Cần Vương do Đốc Sơn chỉ huy ở vùng Rừng Già và Hố Trò vào dự, hào lý các tổng, các làng gần đó đến chúc mừng cho thêm phần vui vẻ.
- Cô dâu đẹp và đảm đang chứ?
- Cô Thân người đẹp và rất đảm đang. Từ ngày cô Bông vợ Đốc Biêu chết, cô ấy đã đến nhà bồng bế, chăm sóc, bảo vệ lũ trẻ con Đốc Biêu rất cẩn thận ạ.
- Thế cô ấy là tiên giáng trần giúp Đốc Biêu, người tướng rất đáng quý của ta rồi. Anh hãy cho người về Xuân Lôi bảo rằng, anh ta cứ ở nhà nghỉ ngơi, chung sống với vợ thêm tuần nữa hãy lên.
- Vâng, con lên Mộ Xuân, định về Tiên Động đêm nay để báo cáo với Chủ tướng việc ấy.
- Thế còn việc nhà của anh thế nào?
- May mắn, là vào đất Xuân Lôi người nhà con được bình yên cả. Con đang đi vận động nhân dân các làng tổng của châu Yên Lập ủng hộ nghia binh Cần Vương. Được tất cả 3 con voi, 10 con ngựa và được hơn chục tấn lương thực, thực phẩm. Đã tổ chức cho người vận chuyển lên bến Cổi để theo xuôi ngòi Rành chuyển lương về Tiên Động nuôi quân.
Quan Hiệp thống nhìn Lãnh Hoan và Chánh Sành tấm tắc khen ngợi:
- Các ông thấy không? Về nhà có ba ngày mà Đề Kiều làm được bao nhiêu việc: cưới vợ cho Đốc Biêu, đi vận động nhân dân ủng hộ cho nghĩa binh Cần Vương, xin được nhiều voi ngựa, quân lương quá. Làm việc như thần, thế là tốt lắm! Ta cho anh được nghỉ thêm mấy ngày nữa. Việc đến mấy làng ở Mộ Xuân, Quế Sơn ta sẽ giao cho người khác cùng với Chánh Sành, Chánh Bài đi vận động. Ta cũng báo cho tướng Kiều biết ta đã nhận sắc phong là Sứ thần mang Quốc thư của Vua Hàm Nghi đi cầu viện nhà Thanh. Ngày 12 tháng 8 năm Ất Dậu ta sẽ lên đường. Anh nhớ về với ta, trước ngày ta lên đường. Như vậy, thời gian hơn một tuần nữa, anh đừng vội.
Được Hiệp thống cho phép, Đề Kiều đứng dậy chào mọi người ra về. Đường về nhà, lòng Đề Kiều trào dâng niềm vui, con ngựa vốn quen đường phóng nhanh như tên. Chẳng mấy chốc ông đã qua suối Gió về đến suối Hàm Rồng về nhà. Đến nhà ông thấy cô Năm và cô Thân đang ngồi khóc. Hỏi có chuyện gì, cô Năm thưa:
- Không biết bọn nào đã đến nhà cậu Đội Thủ giết chết em Hân và đốt mất ngôi nhà năm gian của cậu ấy rồi. Người ta bảo là quân Cần Vương giết người cướp của.
- Hôm nào vậy?
- Vào cái hôm cậu Đội Thủ vào nhà dự cưới tại nhà Đốc Biêu ấy.
- Thế là vào khoảng một giờ chiều, lúc các chiến binh ăn cỗ xong, ra ngồi hóng mát bên suối Hàm Rồng nhìn thấy những cột khói đen báo có biến ở làng Văn Khúc rồi. Lúc đó, Đốc Sơn và binh sỹ lặng lẽ, lại theo đường núi về ngay. Chắc là quân ta không kịp đối phó.
Vừa lúc đó, Đốc Biêu về thăm nhà chú Đội Thủ ở xóm Lộc, Văn Khúc về báo tin:
- Bọn khốn kiếp! Chúng giả danh là nghĩa binh Cần Vương vào nhà chú Đội Thủ bao vây, bắt bớ. Chúng nó đốt nhà, vét hết lúa gạo, bắt lợn gà và bắt em Cao Văn Hân, anh Bùi Đình Lục và em Bùi Đình Lõi nhà bên cạnh, đem vào chân núi Đọi Đèn chém đầu vùi xuống chằm. Chúng làm việc đó rồi tự xưng là quân Cần Vương của Đề Kiều, Đốc Sơn.
- Láo thật! Ác thật! Giết người, đốt nhà rồi đổ tội cho người khác!
- Thế cậu Đội Thủ giờ chạy đi đâu rồi?
- Chạy lánh nạn lên nhà ông Lý Khuếch, bà Tuyết Lọ ở làng Sai Nga.
- Cậu ấy có biết bọn tay sai của bọn Tây, giả danh là quân Cần Vương không?
- Chắc là chưa biết ai làm điều đó. May là hai đứa trẻ tên là Duyệt và Tuyển đi theo chú vào nhà em ăn cưới và bà vợ chú ấy lên gò Trùm hái củi nên không việc gì. Không thì chúng nó cũng chém chết rồi.
- Tình hình sẽ phức tạp hơn, quân thù chúng giở mọi thủ đoạn xảo quyệt, giã man để hạ uy tín của quân Cần Vương. Ta phải có kế hoạch đối phó, phải kiểm soát được người đến ở vùng này. Cảnh giác với bọn Việt gian, tay sai của quân Pháp. Cậu bảo Đốc Sơn viết ngay công văn gửi các làng tổng trong vùng. Nhắc nhở các hào lý và dân các làng, các xóm phải luôn nêu cao cảnh giác, đề phòng.
Ngồi bần thần một lát, Đề Kiều nói với Đốc Biêu và cô Năm, cô Thân:
- Ta xem ở làng Xuân Lôi có ngôi nhà nào muốn bán, mua về dựng nhà cho cậu Đội Thủ và cho người lên Sai Nga đón cậu ấy về. Làm được việc đó để lấy nhà cho cậu mợ, các em ở và để tránh cái tiếng quân Cần Vương giết người, đốt nhà, cướp của.
- Việc đó làm ngay chứ?- Cô Năm lo lắng hỏi lại.
- Quan Hiệp thống cho tôi và Đốc Biêu ở nhà thêm một tuần, khoảng sáng mồng 7 tháng 8 thì trở về Tiên Động nhận nhiệm vụ mới để Quan Hiệp thống đi sứ nhà Thanh.
- Gấp rồi.- cô Thân nói.
- Gấp cũng phải làm ngay đi!
Ngày hôm sau, Đề Kiều đi thuyền từ bến Vợt ra thôn Ô Đà, nơi có hành dinh khu Rừng Già và đi thuyền qua Đồng Meo lên Trù Mè vào đồn Hố Trò thăm đơn vị của Đốc Sơn. Đốc Sơn báo cáo lại tình hình:
- Hôm từ nhà Đốc Biêu về, được biết bọn giặc Tây xua người Công giáo ở Hiền Quan, Cổ Tiết sang đốt nhà, giết người, cướp của ở làng Văn Khúc, Tình Cương, Chương Xá. Bọn người ấy, đốt cả thảy 10 ngôi nhà, giết mất 7 người, cướp đi mất hàng tấn lúa gạo, lợn gà. Chúng ta cần phải phục kích bắt quả tang giết sạch chúng nó đi!
- Không được làm bậy! Phải làm công văn gửi cho các làng tổng có người theo đạo Công giáo, khuyên nhủ đồng bào không được nghe theo giặc Tây mà đi gây tội ác. Việc này xuất phát từ âm mưu của giặc Tây, chia rẽ Giáo-Lương, làm cho xã hội Việt Nam mất ổn định. Các triều đại nhà Nguyễn đã sai lầm mắc mưu địch đàn áp Công giáo, gây thù hắn tôn giáo. Chúng còn đang muốn gây chia rẽ các dân tộc Kinh, Mường, Thái, Miêu, Thổ, Dao để dễ bề cai trị.
Đốc Sơn chửi đổng:
- Đồ chó đẻ lũ giặc Tây, phải giết sạch chúng nó đi!
- Chuyện đó ai mà chẳng muốn, nhưng đánh địch phải có đường lối chính trị đúng đắn. Ta phải đánh chúng bằng cả chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa...Có như vậy, chúng ta mới hy vọng thắng địch.
- Theo ông phải làm thế nào?
- Phải thuyết phục, giác ngộ đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, đoàn kết. Lôi kéo họ để cùng chí hướng đánh giặc Tây. Đồng bào Công giáo là người nước Nam ta, có cùng nguồn gốc Tổ tiên. Họ theo tôn giáo Thiên Chúa là để thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng. Khi người ta không có đạo nào thì theo một thứ đạo cốt chính giáo là được. Đốc Sơn có thấy tại những làng có chùa chiền thờ Phật, có đình miếu đền thờ thánh, có người nào theo đạo Thiên Chúa đâu. Nhưng những nơi nào đồng bào ngụ cư, dân tộc thiểu số, không có chùa chiền, không có đình đền miếu, những người giáo sỹ phương Tây dễ tuyên truyền để họ theo đạo Thiên Chúa. Thí dụ như Yên Tập, Tạ Xá của tổng Phú Khê nằm trong khu vực của mình đó, còn những người làng tổng Điêu Lương, Chương Xá đố ông tìm thấy một người theo đạo Thiên Chúa đấy!
Đốc Sơn nghe Đề Kiều nói thì gật đầu cho là đúng đắn. Đề Kiều hứng khởi nói thêm:
- Khi huyện Cẩm Khê xuất hiện các giáo sỹ, tôi đã báo cho Tri huyện Nguyễn Đức Tiến biết, cần thiết phải xây đền đình miếu thờ vọng các anh hùng dân tộc của dân mình, xây cho mỗi làng một ngôi chùa bằng phương thức quyên góp trong toàn huyện, toàn làng tổng là làm được ngay. Đừng đuổi các giáo sỹ phương Tây, đừng cho người giết chóc họ làm gì để mang tiếng dân Nam là tàn ác giết giáo sỹ, cấm đạo.
- Ông thật là người xuất chúng! Nhìn thấu mọi việc. Chắc ông Tri huyện Nguyễn Đức Tiến không nghe?
- Không! Nên đất Cẩm Khê mình mới có nhiều làng theo đạo Thiên Chúa như bây giờ. Nhưng tớ không phải là người xuất chúng như cậu nghĩ mà chỉ qua kinh nghiệm mình biết thôi.
Đốc Sơn có vẻ suy nghĩ, lo lắng. Đề Kiều khẽ mỉm cười:
- Anh phải nhớ cho đồng bào Công giáo không phải là kẻ thù của mình. Người ta là người lao động, theo một chính giáo đấy. Người ta kính Chúa, thì người ta yêu nước. Việc người ta bị bắt buộc cầm súng, cầm gươm bắn giết đồng bào mình, lương tâm người ta không nỡ đâu. Chúng ta phải làm cho họ giác ngộ, có thể can gián, phản đối giặc Tây. Muốn thế việc làm của chúng ta phải chính nghĩa, lực lượng ta phải mạnh lên, phải trong sạch. Tôi nói lực lượng của ta phải bao gồm cả những người Công giáo.
Đốc Sơn bị thuyết phục gật đầu khen:
- Ông Đề Kiều nghĩ giỏi, chúng tôi luôn nghe theo!
- Nghe theo mình thì tuyệt đối không được manh động. Đốc Sơn phải cho quân đến các làng có người bị hại, có nhà bị đốt, bị cướp. Tuyên truyền cho họ hiểu, họ biết âm mưu thâm độc của giặc Tây. Ta chia buồn, giúp đỡ đồng bào khắc phục hậu quả, ma chay cho người chết, làm nhà cửa, cứu đói cho người sống. Phải bằng hành động làm nhiều hơn nói, đồng bào sẽ tin theo quân Cần Vương.
Đốc Sơn liền cho các tổ, các đội đi đến các làng, các nhà khắc phục hậu quả. Nhân dân các làng các tổng càng tin tưởng nghĩa quân. Có nhiều người sợ quá chạy đi xa trốn tránh, chỉ huy nghĩa quân bảo hào lý các làng đi tìm đón về nhà cũ làng cũ.
Ngày đầu tiên đến căn cứ Hố Trò, Đề Kiều còn ở lại đến trưa hôm sau mới leo lên núi Đọi Đèn về làng Xuân Lôi. Đứng trên núi, ông bâng khuâng nhìn về làng Cát Trù, nơi bản thân, gia đình, họ hàng mấy trăm năm sống yên ả, nay bỗng thành vùng đất trắng. Xa xa về phía đông là thành Hưng Hóa, quan quân đang đóng giữ bỗng chốc bị quân giặc Tây đánh chiếm, bao giờ quan quân mới được trở về. Nhìn về phía nam nhìn rõ dãy núi Năm Tầng, đi xa nữa vào đất Thanh Sơn, nơi lực lượng nghĩa quân Đốc Ngữ chiêm giữ. Hồi đầu mùa thu năm ngoái, ông đã vào gặp Đốc Ngữ và binh sỹ tại làng Khả Cửu. Hứa hẹn biết bao nhiêu điều mơ ước, đánh mạnh để đưa quân tiến về đồng bằng, về thành Sơn Tây, Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình. Vào miền Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, thành Huế, lên miền Bắc Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, về Hải Ninh. Đất nước của cha ông bao đời dựng xây nay thuộc về nước Pháp đô hộ. Không thể thế được, ta phải quyết tâm khôi phục giang sơn gấm vóc cho dù phải mất nhiều máu xương.
Từ đỉnh Đọi Đèn về Xuân Lôi, đi xuống núi theo đường khe nước về suối Hàm Rồng là đến đất làng Xuân Lôi. Ông đã nhìn rõ nhà mình, nhà Đốc Biêu và các nhà hàng xóm. Ở đó, những người thân của ông đang tản cư đến, liệu có được bình an trong những tháng năm sắp tới. Quân địch thì nhiều, vũ khí tối tân có thể thực hiện cuộc bao vây truy sát quân dân. Những ngôi nhà, những con người thân yêu cũng chẳng khác gì trứng để đầu gậy. Nghĩ đến tình thế hoàn cảnh ấy, Đề Kiều lòng cảm thấy bâng khuâng, không thể yên tâm.
Về đến nhà thì được tin, cô Năm và Đốc Biêu đã mua được một ngôi nhà năm gian, cho người đi dỡ chuyển về xóm Lộc, Văn Khúc làm nhà cho cậu Đội Thủ. Nghe tin Đốc Biêu đi bộ lên tận Sai Nga đón chú Đội Thủ và các em trở về.
Đề Kiều ở lại nhà cùng với mẹ và vợ con. Ông giục mẹ và vợ, cô Thân, cô Quỳnh, cô Xuân tích cực may bộ xuân phục đại trào, quan nhất phẩm dâng cho quan Hiệp thống, Thuần trung tướng mặc đi sứ. Đốc Biêu đi làm nhà cho cậu Đội Thủ cứ buổi sáng đi, tối lại về. Anh em lại bàn bạc chỉ đạo việc quân.
Đốc Biêu bàn với Đề Kiều, cho lực lượng của Đốc Sơn đánh tiêu diệt đồn Phong Vực. Chúng chỉ có lực lượng gần một trăm quân, đóng trên một quả đồi, dưới đồi là trại giam, đồn ngay bên bờ sông Thao. Anh nói thầm để Đề Kiều đủ nghe:
- Chúng nó chủ quan phòng bị sơ sài, địa điểm gần đồi núi, dễ tiếp cận. Ta dùng một lực lượng hơn một trăm quân, ám sát đồn bất ngờ tấn công địch vào lúc nửa đêm về sáng. Chúng ta phải nhanh chóng làm chủ trận địa, chỉ cho phép trận đánh diễn ra khoảng 20 phút, tiêu diệt gọn, thu toàn bộ vũ khí, trang bị và phá nhà giam thả tù nhân, sau đó rút lui nhanh về căn cứ Hố Trò.
- Liệu có ăn chắc không?
- Ăn chắc chứ. Anh là Phó Chỉ huy cứ ra lệnh đi!
- Có cần báo cáo về cho quan Hiệp thống đại thần biết không?
- Không Cần. Để quan Đại thần bình tâm suy nghĩ về việc đi sứ.
- Đúng là việc quân, chế ngự người không để người chế ngự mình. Mình không đánh chúng, nó sẽ đánh mình. Từ đồn Phong Vực vào đây không bao xa. Lúc sáng đứng trên đỉnh Đọi Đèn, Đề Kiều đã nghĩ đến những cuộc hành quân truy sát của chúng vào Hố Trò, Đọi Đèn, Xuân Lôi.
Buổi tối hôm đó trời nhiều mây, báo hiệu sẽ có mưa lớn. Đề Kiều bảo Út Liêng đi gọi Phó Đốc Thành về cùng đi. Ba anh em lại leo lên núi Đọi Đèn đi xuống căn cứ Hố Trò. Hai người bàn với Đốc Sơn cho quân đi đánh đồn Phong Vực ngay trong đêm nay. Đốc Sơn sau khi nghe Đốc Biêu trình bày kế hoach đánh, cho một đội tiền tiêu 15 người ám sát vọng gác, bắt và giết ngay quân lính canh gác. Một tổ 15 người do Đội Tiến chỉ huy tiến vào nhà giam giết hoặc bắt gọn bọn lính canh giữ, giải thoát cho tù nhân. Lực lượng chính do Đốc Sơn chỉ huy chia làm hai mũi đông nam và tây nam ém sát hàng rào, đánh ngay vào trung tâm, giết và bắt toàn bộ quân lính trong đồn. Sau đó tất cả tạt sang phía đường cái quan rẽ sang bên trái, theo người dẫn đường rút ngay về căn cứ Hố Trò. Đồn Phong vực nằm trên con đường cái quan, được đồn Dốc Giát và đồn Tình Cương chi viện, nên phải đánh nhanh rút nhanh để bảo toàn lực lượng.
Anh em nghĩa binh Cần Vương nhanh chóng chuẩn bị. Mũi tiến công vọng gác do Đốc Biêu chỉ huy đi trước, các mũi tiến công trung tâm đồn theo Đốc Sơn bám sát. Đội Tiến dẫn quân đi phá trại giam cùng đi ra vị trí chờ lệnh. Đề Kiều mang súng trường Tây và khoảng ba mươi người mang súng hỏa mai, gươm giáo theo sau làm hậu thuẫn.
Hành quân đến dốc Vực, thì trời mưa sấm chớp đì đùng. Nhiều lúc mưa rào như trút nước. Gió ào ào thổi. Ếch nhái gặp mưa kêu inh uôm. Mũi tiến công của Đốc Biêu đã tiến sát vọng gác. Quả nhiên mấy tên lính gác chủ quan, tưởng trời mưa không ai tiến công. Đã bị quân của Đốc Biêu đâm chết, mỗi tên chỉ nhận một phát dao đâm vào bụng dưới mỏ ác. Chỉ có một tên kêu lên vài tiếng ặc, ặc nhưng trong gió bão, bọn địch trong đồn không nghe thấy gì. Quân của Đốc Sơn từ hai hướng đã tiến vào trong đồn. Nghĩa binh dùng thủ pháo tự tạo, ném vào binh lính địch. Ánh sáng thủ pháo nổ sáng lóa, quân địch hầu như không đưa nào kịp chống trả, đều bị lưỡi lê, giáo dài đâm chết. Gần một trăm tên lính Tây do tên quan ba Ma-yiết-tê (Mayette) chỉ huy bị tiêu diệt. Tên chỉ huy bị một phát súng vào đầu, chết ngay tại giường ngủ.
Khi ấy, tổ phá nhà giam của Đội Tiến đã bắt gọn bọn lính canh gác, cánh quân hậu do Đề Kiều chỉ huy ùa vào giải phóng tù nhân. Đề Kiều hướng dẫn cho tù nhân chạy vào phía đồi. Những tù nhân phần nhiều là nghĩa quân bị bắt mừng quýnh vừa chạy vừa hô: Đề Kiều muôn năm! Đề Kiều muôn năm! Đề Kiều muôn năm!
Khi gặp Đốc Sơn và Đốc Biêu, Đề Kiều mừng quá:
- Thật, hay là mơ đây, hai Đốc binh?
- Thật rồi, anh Kiều ơi! Anh ra lệnh cho quân vào thu vũ khí, trang bị và cho rút quân mau!
- Đốc Biêu nói như khóc:
- Em trả thù cho vợ em rồi, anh Kiều ơi. Chính tên quan ba và tụi lính này hiếp chết vợ em, quăng xác vợ em xuống sông Thao và đốt nhà em đấy.
Đề Kiều nghĩ, hóa ra mấy ngày qua Đốc Biêu về thăm nhà nó vẫn nghĩ đến cách trả thù bọn giặc này.
Tiếng Đề Kiều ra lệnh:
- Tất cả nhanh tay thu vũ khí, súng đạn, đồ ăn ai mang được gì thì cố mà mang. Chiến thắng rồi, anh em ơi!
- Có ai bị thương không!
- Có, chiến binh Vi Đức người Đông Thành bị mù mắt rồi!
- Cậu Đỗ Lân dìu nó đi!
Tiếng Vi Đức nói:
- Đề nghị cấp cho em một khẩu súng Tây!
Chiến binh Nguyễn Cảnh mang đến cho nó một khẩu súng Tây mới toanh.
- Ưu tiên cho nó hai khẩu đi!
Người lính Vi Đức cố gắng lê chân ra cổng đồn trong lúc cơ mưa vừa ngớt. Người ta nhìn thấy Vi Đức ngã xuống, lăn mấy vòng, khẩu súng Tây chiến lợi phẩm vẫn còn nắm chặt trong tay.
Rút quân ra một quãng đường khá xa. Trời mới tơ mơ sáng, đoàn quân chiến thắng gặp Phó Đốc Thành cùng khoảng năm chục người dân được điều động đi hỗ trợ. Họ mang hộ các chiến binh súng đạn, trang bị, đồ ăn thu được cùng hò reo trở về. Về đến căn cứ Hồ Trò, thấy tiếng súng địch từ Tình Cương và từ phía Dốc Giát bắn dữ dội. Mọi người đoán bây giờ giặc Tây mới biết đi ứng cứu đồn Phong Vực.
Đề Kiều lệnh cho Phó Đốc Thành đón tiếp tù nhân, ai là binh sỹ bị Tây bắt trước đây thì tiệp tục cho ở lại quân ngũ. Ai là dân thì cho họ về tìm gia đình, ở nơi quê quán. Tù binh là lính tập, lính cơ thì thả cho họ về quê, ai là người tình nguyện theo nghĩa quân thì Đốc Sơn bố trí công việc cho họ làm.
Mọi người đếm được 87 khấu súng Tây, mấy ngàn viên đạn và mấy thùng thủ pháo. Số lương thực phẩm mang về được nhiều, họ lục tục đi nấu nướng cùng nhau ăn uống mừng thắng trận. Đến đầu giờ chiều, Đề Kiều, Đốc Biêu, Út Liêng lại trở về Xuân Lôi. Đốc Sơn cho mấy người lính đi theo bảo vệ và mang theo 5 khẩu súng Tây mới toanh chiến lợi phẩm đưa lên Tiên Động cho quân bảo vệ quan Hiệp thống đại thần, Nguyễn Quang Bích đi sứ nhà Thanh.
Trời vừa nhá nhem tối thì Đề Kiều và Đốc Biêu cùng quân lính trở về nhà. Gặp bà Tèo và vợ con, Đốc Biêu nói to với mẹ và vợ con:
- Mẹ ơi, Thân ơi, các con ơi! Thù nhà ta đã trả được rồi. Ngày mai ta yên tâm lại lên đường làm việc nước.
Bà Tèo vui mừng báo tin:
- Nhà cửa của chú Đội Thủ đã làm xong. Mọi người kể, ngôi nhà gỗ rất đẹp và bền hơn ngôi nhà cũ rất nhiều, hàng trăm năm tồn tại, vững vàng cũng không hề gì. Hôm nay chú ấy bảo vào chơi cảm ơn Bà Sung, vợ chồng hai cháu Đề Kiều, Đốc Biêu, nhân thể chia tay các cháu lên Tiên Động.
Vợ chồng Đề Kiều được tin cậu Đội Thủ vào chơi. Cô Năm cho người nhà sắm chục mâm cỗ vừa để họp mặt gia đình, vừa để tiếp cậu, vừa để mừng chiến thắng Phong Vực. Cô bảo bà Tèo, vợ chồng Đốc Biêu, các cháu và đại diện các gia đình tản cư đến ăn cơm.
Khi cỗ bàn bầy biện xong thì ông Đội Thủ vào đến nhà. Bà Sung đang ngồi tên trầu. Nhìn thấy ông Đội Thủ bà mời và hỏi thăm:
- Mời ông ngồi ăn trầu, xơi nước! Chuyện nhà ta đã tạm yên chưa ông?
- Tạm yên rồi bà ạ. Xin cảm ơn bà và các cháu! Tụi giặc đóng giả nghĩa binh Cần Vương, chúng định giết chết cả nhà tôi và nhà anh em Lục Lõi. Cũng may, tôi và hai cháu vào ăn cưới cháu Đốc Biêu, chúng bắt được thằng cả nhà tôi đang ngồi học bài và anh em Lục Lõi đang phơi lúa đem vào chân đồi chém, vùi xác xuống ruộng chằm. Nhà thì chúng nó đốt, mọi người trong xóm thì phải bỏ chạy hết. Chúng nó xưng là quân Cần Vương giết những người theo Tây để trừng trị tội theo giặc. Ác thế bà ạ, chúng định gieo giắc lòng nghi ngờ, hạ uy tìn của quân Cần Vương, chia rẽ quân dân ta, cô lập nghĩa quân.
Bà Sung nghe nói, lắc đầu:
- Chúng sẽ còn tàn ác hơn đấy ông ạ. Dân Nam ta còn khổ, nhà tan cửa nát, điêu linh lắm. Ngay gia đình tôi, các gia đình ở đây cũng chẳng yên, tôi biết vậy nhưng mà biết làm sao, sống được yên lúc nào hay lúc đó thôi. Ông vào chơi để mai kia các cháu đi, có điều gì hay ông dặn các cháu làm nhé!
Cô Năm hỏi thăm:
- Nhà của cậu, quan quân đã làm xong rồi chứ?
- Được vợ chồng cháu và quan quân tích cực giúp đỡ, nhà đã làm xong, tạm ổn rồi. Chỉ ngồi nghĩ việc làng nước, thương người bị chết, lo cho người ra đi đã não lòng gan ra rồi. Chiến tranh không biết bao giờ mới chấm dứt đây? Vua Hàm Nghi đã kêu gọi mọi người ra tay đánh giặc. Nhưng thế nước đã yếu lắm rồi, khó có thể đảo ngược được tình thế. Cậu vào để tiễn đưa hai đứa cháu ra đi, lòng thì vui nhưng cũng không dứt khỏi âu lo.
- Cậu cứ lo làm gì cho mệt. Cháu cũng lo lắng lắm chứ, nhưng mà cháu thấy mọi người tích cực tham gia việc quân, việc nước cháu cũng phần nào tin tưởng. Cháu báo cho chú biết, đêm hôm qua quân ta tại Rừng Già-Đọi Đèn và Hố Trò đã diệt gọn đồn Phong Vực, giết được nhiều địch, giải phóng được tù nhân, thu được nhiều súng đạn lắm.
- Thế là các cháu và quan quân đã rửa được thù cho nhà rồi. Thù nhà cậu cũng được các cháu báo hộ, cậu rất vui. Chắc là lại cái thằng Đốc Biêu nghĩ ra cái trò đột kích tiến công địch đây. Ngày nó chỉ huy quân nghĩa dũng Cát Trù, nghe người ta kể nó đã dẫn mấy người đi lấy súng của quân Cờ Đen. Mấy hôm ra làm nhà cho cậu, nó cứ hỏi thăm như là điều tra về đồn Phong Vực. Nó nói với cậu rằng, thế nào cũng phải diệt cái đồn này! Thế ra nó và Đề Kiều cùng quân Cần Vương đánh thật. Mừng là ta đã thắng lớn rồi. Hôm nay, ta phải uống rượu thật nhiều để mừng chiến thắng Phong Vực!
Lúc đó Đề Kiều, Đốc Biêu, Phó Đốc Thành ra đón quân dân Xuân Lôi đi vận chuyển quân lương lên Tiên Động trở về. Nhà đã làm cỗ, bày cỗ xong, Đề Kiều đứng ra giữa nhà nói lớn:
- Kính thưa mẹ, cậu Đội Thủ, cô Tèo cùng các bác, các chú! Mấy ngày qua được Hiệp thống cho tôi và Đốc Biêu nghỉ phép. Nhưng giữa buổi chiến tranh, nghỉ ngơi chơi bời thế nào được. Tôi và Đốc Biêu cùng quan quân vẫn phải tham gia công việc nhà, việc nước. Mọi việc đều chu toàn cả, ngày mai tôi và Đốc Biêu lại lên đường. Hôm nay, ta cùng nhau ăn cơm liên hoan để chia tay, kẻ ở người đi! Cầu chúc mọi sự tốt đẹp và mọi người được bình an, khang khái! Bây giờ, mời mọi người cùng nâng chén!
Ông Thưng bố ĐặngTất hỏi Đốc Biêu:
- Thằng Đặng Tất nhà tôi, thằng Lê Chính con trai bác Cận, thằng Hoàng Oanh con ông Lai và số anh em nghĩa dũng Cát Trù ra sao rồi?
- Vẫn còn đầy đủ cả. Quan Hiệp thống vẫn để anh em sống chung trong một đạo Hậu quân. Hiện nay đang đóng quân tại đồn Hố Gia, Tiên Động. Sau khi Tiên Động thượng cờ khởi nghĩa, lực lượng phát triển, nhất là sau khi có Chiếu Cần Vương khí thế quân ta càng mạnh.
- Thế bố mẹ, vợ con có thể lên thăm được không?
- Mời các cụ ông, cụ bà, vợ con tranh thủ lên thăm!
Cô Năm nói chen vào:
- Cháu đã lên thăm nhiều lần rồi. Có thể đi theo đường Khe Trời qua đồng Mèn và đường qua Thượng Long, Mộ Xuân theo ngòi Rành ra bến Hoàng Lương đi vào Tiên Đông. Dễ đi thôi, đi khoảng một ngày trường là tới.
- Đường xa, đi rừng thì sợ hổ beo ăn thịt, đi thủy thì sợ cá sấu dìm chết. Chúng tôi là người dân, cảm thấy đi thăm các con đánh giặc khó như đường lên trời. Ước gì có ông Tề Thiên Đại Thánh dẫn đường thì lên thăm chúng nó cho đã.
Đốc Biêu phân bua:
- Các ông, các bà cố gằng tranh thủ lên thăm. Chẳng khó khăn gì lắm đâu. Đi xa, đừng ngại là đi đến nơi về đến chốn. Hổ báo, cá sấu nó sợ mình, giặc cướp nó sợ mình. Đây cũng là ý nguyện thăm nom của bà con, vợ muốn thăm chồng, cha mẹ muốn thăm con. Tôi sẽ về bàn với các tướng mở thêm các trạm quân để đưa đón khách và thân nhân binh sỹ để đi lại được thuận lợi và an toàn.
Đề Kiều vui vẻ nói:
- Đó là đề nghị đúng. Ta cần có trạm quân lên Tiên Động, Nghĩa Lộ, Bảo Hà, Bảo Thắng hay đi Than Uyên, Quỳnh Nhai, Nà Sản, Mường Thanh, Lai Châu, Bắc Tấn. Đường vào Thanh Nghệ, Hà Tĩnh, đường xuống Hà Nội, Hải Dương, Hải Ninh, lên Bắc Ninh, Lạng Sơn... Ta phải có trạm quân, vừa đề thông tin, liên lạc, vừa giữ an ninh, trật tự, vừa để phát triển lực lượng, tạo thanh thế cho quân Cần Vương.
- Các trạm quân là các đơn vị hoạt động độc lập như đội quân của Đốc Sơn, Phó Đốc Thành đang hoạt động ở vùng này. Trong vùng ta kiểm soát thì hoạt động cả đêm lẫn ngày, trong vùng địch kiểm soát thì hoạt động bí mật vào ban đêm. Đường liên lạc có khi dùng để tải lương thực, như con đường từ Phục Cổ, Xuân Lôi, lên Xuân Thủy, Xuân An, đi sang Hoàng Lương, Tiên Động bây giờ.
Nghe Đốc Biêu nói, ông Đội Thủ tán thành:
- Hai cháu bàn đúng đấy. Về trên Tiên Động, họp quan quân mà triển khai ngay đi. Đường giao thông liên lạc như mạch máu trong cơ thể người. Tắc chỗ nào là liệt chỗ đó, quan quân phải tính trước, tính kỹ. Phải liên lạc ngay với Vua Hàm Nghi, ngài Tôn Thất Thuyết và các tướng ở các vùng miền trong cả nước. Để cho quân thù chia tách các lực lượng, chẳng khác nào chúng đã cầm con dao chia cắt đầu với thân, chân với tay. Vua không liên lạc được với quân, với tướng, thì khác chi quân tướng có đầu mà như không có đầu, chẳng làm ăn gì đâu, chẳng đánh đấm được gì đâu. Về khoản thông tin liên lạc, quân Pháp đã có máy móc hiện đại, còn ta thì vẫn phải dùng bằng tay chân, mồm miệng của con người.
- Nghĩa là ta còn lạc hậu hơn họ!
- Đúng là như vậy! Chúng ta cứ bảo thủ cho rằng ta văn minh hơn họ. Không đâu, họ văn minh hơn ta! Họ đang đánh thắng chúng ta bởi cái sự văn minh của họ. Họ hơn ta thì ta phải học họ, đừng có bảo thủ nhé!
Ông Đội Thủ, ngừng nói, uống một hụm rượu để lấy lại giọng hỏi:
- Quan Hiệp thống đại thần có nói cho tướng sỹ của mình biết rõ về hạn chế không?
- Có đấy, chú ạ. Ngày cháu về bảo vệ thành Hưng Hóa, quan Tuần có nói:
“ Quân Tây hơn quân ta về kỹ nghệ. Có tàu sắt tàu đồng chạy bằng động cơ hơi nước. Có đại bác, đạn nạp hậu bắn rất nhanh, công phá rất lớn. Quân dân ta phải học họ kỹ nghệ mà chế tao vũ khí như họ. Có như thế mới bảo vệ được thành trì, Tổ quốc và dân tộc”.
Ông Đội Thủ nhìn đứa cháu thân yêu không nói gì. Đốc Biêu còn đang hứng khởi nói tin:
- Ngày mai cháu và anh Đề Kiều về Tiên Động bàn việc quan quân và chuẩn bị cho Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích đi sứ nhà Thanh.
- Đi Yên Kinh, kinh đô nhà Thanh thì xa lắm đấy!
- Không, quan sứ ta chỉ đến thủ phủ Vân Nam thôi. Đến trình Quốc thư thì tổng đốc Vân Nam chuyển về kinh đô cho vua nhà Thanh.
- Có ích gì không anh Kiều?- ông Đội Thủ nhìn Đề Kiều hỏi.
- Chẳng có ích gì, thì cũng phải đi. Vua Hàm Nghi đã cho sứ thần của mình ra căn cứ Tiên Động mang chỉ dụ cử Hiệp thống Bắc Kỳ, Khâm sai đại thần,Thuần trung tướng Nguyễn Quang Bích đi sứ cầu viện rồi.
Ông Đội Thủ thở dài:
- Chẳng ăn thua gì! Quân Tàu không mạnh, còn sợ quân Pháp. Chúng nó vội ký hiệp ước Thiên Tân để cầu hòa, bảo toàn cho mình. Khi quân ta và quân Cờ Đen bị vây, bị đánh ở Thành Sơn Tây, tướng sỹ nhà Thanh đóng tại Tây Đằng, cách Sơn Tây hơn hai chục dặm, chúng nó đã co vòi vào, không ra quân đánh cứu để mặc cho quân thành Sơn Tây bại trận. Bây giờ ta đừng nên cầu viện họ nữa, như người chết đuối vớ phải bòn bọt, ăn nhằm gì. Còn quân Cờ Đen thì ta đừng mời họ sang nữa?
Ông Thưng từ lúc ngồi vào cỗ chỉ lắng nghe mọi người nói chuyện. Nay nói tới quân Cờ Đen thì lo lắng:
- Chúng nó là bọn cướp, nhà Thanh không trừng trị nổi, chạy sang ta làm lằm điều ghê tởm lắm. Chúng nó chuyên ăn hiếp, giết người. Nhà anh em của tôi ở Vân Bán có đứa con trai ba tuổi, bị chúng cặp gắp nướng, ăn thịt tại sân nhà. Nghe nói khi rút về nước theo tướng Lưu, chúng còn giết chết cả một làng ở ngoại thành Tuyên Quang. Mấy trăm người bị chúng giết, xác phơi đầy ngoài ruộng vườn, ghê quá! Nghe nói quân Pháp bắt được lính Cờ Đen, sử dụng chúng để đánh quân khởi nghĩa, tàn sát dân ta. Ngài Hiệp thống đại thần đi sứ lại mời chúng nó sang thì lại làm hại dân ta mà thôi.
Đề Kiều thấy các ông nhà chưa hiểu căn kẽ thì giải thích:
- Những chuyện các ông thấy sự yếu đuối của nhà Thanh, sự tàn bạo của quân Cờ Đen thì quan Hiệp thống Đại thần đều biết cả. Nước Tàu cũng bị quân các nước phương Tây cướp phá, dân Tàu đang là nạn nhân của chiến tranh xâm lược. Ta cần quan hệ tốt với họ để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của những người yêu nước, tiến bộ. Quan Hiệp thống đang suy nghĩ nhiều về mặt ấy. Ông ấy suy nghĩ như thần, chẳng dại gì đâu. Còn quân Cờ Đen, vốn là quân ăn cướp, sang nước ta chúng làm lắm điều càn quấy. Triều đình ta đánh dẹp mãi không nổi. Khi về làm tri phủ Hưng Hóa, Tuần phủ Nguyễn Quang Bích đã cảm hóa được tướng Lưu Vính Phúc theo ta. Giúp quân ta đánh giặc Tây đã giết được nhiều chỉ huy của Pháp làm chúng phải khiệp sợ. Sau đó quân Pháp thỏa thuận với triều đình nhà Thanh bắt tướng Lưu phải về nước. Ông ta đã nhận lệnh ra đảo Đài Loan đánh giặc rồi.
Ông Thưng lại nói:
- Tôi nghi vụ đốt nhà ông Đội Thủ, đốt nhà Lục Lõi, bắt cháu Cao Văn Hân và anh em Lục Lõi giết chết một cách giã man có thể là do tụi tù binh Pháp là quân Cờ Đen bị bắt ở thành Sơn Tây giả danh quân Cần Vương? Chúng giả danh mới nghĩ ra cách hại người giã man như thế.
- Là bọn nào, cũng đều bắt nguồn từ giặc Pháp tất. Chúng tôi đã giết chết hết bọn chúng ở đồn Phong Vực rồi. Trả thù cho tất cả những người thân trong vùng đã bị chúng giết chết.
Ông Đội Thủ nghe mọi người bàn luận không nói gì. Chỉ khi hai chú cháu đi về nhà Đốc Biêu nghỉ ngơi, ông mới nói:
- Chuyến này đi sứ, quan Hiệp thống đại thần cũng chẳng làm gì được đâu. Vua Hàm Nghi còn trẻ, chưa qua tuổi vị thành niên, khó có thể xoay chuyển tình thế. Phụ chính Nguyễn Văn Tường đã bị Pháp bắt đầy biệt xứ, Phụ chính Tôn Thất Thuyết tỏ ra là một người thiếu kinh nghiệm, nên nổi dậy đánh Pháp bị thua ngay, gây tổn thất lớn cho quân dân Kinh thành Huế. Nghe nói quân dân ta ở thành Huế chết nhiều lắm, nên người ta kêu chỉ tại ông Thuyết làm liều!
Đốc Biêu nói giọng thất vọng:
- Cháu nghĩ quân ta hiện giờ không thể thắng nổi quân Pháp. Mấy chục năm nay, vua quan ta chưa có kế sách gì hay. Trên trận tiền chỉ thua và thua, thua liên tiếp, thua đến cùng rồi. Sự nổi dậy của quân ta vừa rồi là biểu hiện ở thế cùng đường. Ông Thuyết chỉ là người làm liều, làm liều nên quân dân ta chỉ có thua và thua, thua đau không ngóc đầu lên được nữa đâu.
Sợ cháu mình suy nghĩ mông lung, ông Đội Thủ nói:
- Nhưng ông Tôn Thất Thuyết dám đánh Tây là anh hùng! Quân quan nổi dậy là anh hùng đánh Tây! Cháu và quan quân phải cố gắng đánh mạnh vào. Thành công còn phải phụ thuộc vào thời thế nữa. Đã là nghĩa sỹ Cần Vương trước hết phải là người trung thành, hy sinh vì nước. Tổ quốc mai sau sẽ ghi công những con người nào dám xả thân vì sự nghiệp cứu dân, cứu nước. Sự nghiệp ấy còn dài lắm, hết đời ông, đời con, đến đời cháu ta mới có thể hoàn thành. Chắc là phải mất một hội 60 năm nữa, nước ta mới giành lại được độc lập, dân ta mới thoát vòng nô lệ.
Đêm về khuya, miền đồi núi Xuân Lôi trời càng tối. Ông Đội Thủ nằm không ngủ được, nghĩ miên man về thời cuộc. Cháu Cao Cần đã có bốn con, mẹ già, vợ trẻ gặp khó khăn lắm. Đi làm việc nghĩa gian nan gấp bội, quân thù chúng sẽ không để yên. Gia đình ắt hẳn phải ly tán, vợ chồng con phải xa cách, cầu mong cho nó được bình an nơi chiến trận. Mong hòn tên, mũi đạn tránh xa nó, để nó được trở về an toàn. Con cái nó sẽ lớn lên trong cái thời loạn lạc, cái thời mất nước sẽ giác ngộ, khôn ngoan mà xử thế. Tuổi trẻ ai giữ được nhiệt huyết sẽ tiếp tục lên đường tòng chinh giết giặc. Những đưa trẻ nhà họ Cao này chắc hẳn giữ được nếp nhà lo cho nước, cho dân có chí khí giết giặc lập công, rửa nỗi nhục nô lệ cho quốc dân.
Trời chưa sáng đã thấy bà Tèo, vợ con lục tục dậy nầu cơm, nấu nước cho con ăn lên đường lên Tiên Động. Để an tâm, bà Tèo và cô con dâu còn làm cơm cúng gia tiên. Khi cỗ cúng được mang lên bầy biện, ông Đội Thủ thắp hương khấn thần linh, thổ công, các vị Tổ đường họ Cao, khấn ông Cao Trị là cha, bà Nguyễn Thị Thêm là mẹ già của Đốc Biêu và cô Nguyễn Thị Bông vợ cả của Đốc Biêu sống khôn thác thiêng phù hộ độ trì cho Đốc Biêu được khỏe mạnh, đánh giặc lập được công to, được an toàn, may mắn trở về.
Mấy đứa trẻ nhà Đốc Biêu thấy nhà có việc cũng dậy sớm. Chúng nô đùa náo nức ngoài sân. Thấy bố đã dậy chúng nó ùa vào ôm lấy bố, đưa thì nắm tay, đưa thì ôm chân. Thằng Biêu sực nhớ ra là sang nhà bác Kiều, dắt con ngựa hồng cho bố cưỡi, để con ngựa cõng bố đi từ nhà. Con ngựa ngoan ngoãn theo thằng Biêu dắt về, nó đi vào nhà xúc lúa cho ngựa nhai và xách nước cho ngựa uống.
Sau bữa cơm đông đủ cả nhà, Đốc Biêu dặn mẹ và vợ con:
- Lần này xa nhà, có thể lâu con mới về. Mẹ và mình cố gắng làm ăn nuôi dạy các con cháu. Ở đây tuy là đồi núi, nhưng chỉ cách đồn Tây vài chục dặm, chúng có thể đánh vào Rừng Già, Hố Trò đến đây và có thể kéo quân từ Thanh Sơn sang, từ Nghĩa Lộ tới. Con đã bảo ông Chánh tổng Hà Đức Tấn và ông Lý trưởng Hà Đức Tá phải tìm vào núi Đá Trắng, đồi Khe Nước, đồi Khe Sấu, đồi Khe Đồng mà ở ẩn. Phải chú ý nhìn ám hiệu khói trên đỉnh Đội Đèn mà lo phòng bị. Phải sơ tán ngay đàn bà, người già trẻ con, cố gắng bảo vệ được đình đền miếu, các nhà ở của dân không cho địch đốt phá. Phải có kế làm vườn không nhà trống, bảo vệ được trâu bò, công cụ lao động sản xuất. Phải động viên nhau làm ra nhiều lúa gạo, sắn khoai mà nuôi nhau, góp phần nuôi nghĩa quân nữa.
Nhìn đứa con trai đầu, Đốc Biêu căn dặn:
- Biêu ở nhà cố gắng đi học! Dòng giống nhà mình không dốt đâu, nghe nói nhà ta có nhiều nhà khoa bảng danh giá lắm. Trong cả nước các văn thân đều đứng ra chống Pháp, vì họ thấy cái nghĩa lớn phải làm. Quan Hiệp thống là Tiến sỹ Đình nguyên Hoàng giáp, các ông Tiến sỹ Tống Duy Tân, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Đình Phùng, Lã Xuân Oai, Vũ Hữu Lợi và rất nhiều cử nhân đã đến Hội tướng tại Tiên Động. Cha ngưỡng vọng các vị ấy lắm! Nhìn các vị ấy như là thấy các cụ nhà mình ở đất Gia Lâm, Kinh Bắc ngày xưa. Con học cụ đồ Bài ở Văn Khúc, phải đến nhà ông mình đây mà học thêm. Ông Đội Thủ của nhà mình đây giỏi chữ nghĩa lắm. Bố đã từng học ông, nhưng vì nhà ta nghèo không đi học nữa. Khi bố đi lính vì có chữ có nghĩa mới được quan trên tin dùng. Ngoài việc học ra, về nhà lúc nào thì giúp bà, dì Thân và các em làm mọi việc nhé!
- Khi nào thì bố lại về?
- Khi nào rỗi rãi hoặc có việc thì bố lại về. Có khi lần này đi lâu hơn lần trước?
- Bố phải nhớ là về luôn với bà, dì Thân, các con! Chúng con nhớ và mong bố lắm!
- Bố thì luôn luôn nhớ, nhưng vì việc quân cơ thì có nhớ cũng phải cầm lòng vậy. Bố đi vắng, Biêu con là cả còn có việc nữa là phải dạy dỗ các em, nên người!
Ông Đội Thủ nhìn các cháu cũng thấy vui, ông nói chen vào:
- Mai ông phải sắm cái roi mây, đưa cho bà và mẹ dì dạy dỗ thêm, mới mong tiến bộ, bằng anh bằng em.
Mọi người cùng cười. Thằng Biêu, Thằng Bàn, con Hoa, cả cu Tý nữa cũng cười tít mắt. Bà Tèo nhắc con, chuẩn bị ra đi, chắc anh Kiều đang chờ bố chúng mày đấy.
Đốc Biêu mặc quần áo nhà binh cũ kỹ, đội mũ lá cọ khoác khẩu súng trường dài ngoãng đi ra ngoài cửa. Cô Thân xách những đồ cần thiết mang đi. Bà Tèo cõng cu Tý, dắt bé Hoa đi theo. Ông Đội Thủ cầm tay thằng Bàn theo sau. Thằng Biêu nhanh nhẹn đã ra dắt ngựa đang đứng giữa vườn ra cổng nhà cho bố cưỡi,
Con ngựa đã được Đề Kiều đóng yên từ sáng. Thoắt cái Đốc Biêu đã ngồi chững chạc trên lưng con ngựa hồng. Anh giơ tay lên cao:
- Chào mẹ, chào chú, chào mình, chào các con!
Mấy đưa trẻ reo lên:
- Chào bố nhé! Bố đi mau về với các con!
Con ngựa như nhớ đường cũ, chạy nhanh ra đường. Đốc Biêu phải cúi rạp mình để tránh mắc vào những cành cây ngáng đường. Con ngựa vẫn nhớ con đường vào nhà Đề Kiều, nó chạy ngang rẽ sang trái vào nhà. Đề Kiều và mọi người trong nhà đã đứng sẵn ở cổng để tiễn đưa người đi. Ông Thưng và mấy người nhà của nghĩa binh cũng đã sang đưa tiễn và gửi quà. Đốc Biêu xuống ngựa, chào bà Sung, bá Năm, ông Thưng và mọi người. Ông nhanh nhen buộc đồ của mình, quà mọi người gửi vào sau yên ngựa, rồi lại nhanh nhẹn nhảy lên yên, cho ngựa phóng ra đường cái quan.
Đề Kiều nhảy lên ngồi trên yên ngựa, chào tạm biệt mẹ, vợ, các con, những người thân yêu rồi phóng theo Đốc Biêu. Hai người phải đi gấp lên Tiên Đông, để gặp Quan Hiệp thống đúng hẹn. Chắc là ông rất vui vì hai người về phép tiến hành nhiều việc quá: làm được nhiều việc nhà, vận động giỏi dân ủng hộ cả voi ngựa, lương thực, thực phẩm, chỉ huy quân diệt gọn đồn Phong vực, giải thoát hàng trăm tù nhân, có vũ khí chiến lợi phẩm thu được gửi về Đại bản doanh, chuẩn bị trang phục cho quan Hiệp thống đại thần đi sứ cầu viện. Đề Kiều suy nghĩ chiến thắng có thể đến nhanh nếu biết chỉ đạo đúng đắn. Chuyến này đi chắc hẳn có nhiều thay đổi, từ nay chỉ có chủ chiến chứ không có chủ hòa. Phong trào Cần Vương sẽ lên cao, lan rộng khắp các vùng miền trên đất nước. Việc Hội tướng cuối năm ngoái tại Tiên Động có sự thống nhất ý chí và lực lượng cho cao trào toàn quốc chống Pháp cứu nước hôm nay. Ngày chiến thắng sẽ đến gần và ngày trở về chắc hẳn không phải là con đường rừng âm u, vắng vẻ thế này.