Tại Đại bản doanh Tiên Động, quan Hiệp thống đang ngồi bàn bạc với Tư vụ, Cử nhân Trần Ngọc Dư, Đề đốc Nguyễn Quang Hoan và viên Thông sứ Phan Đức Huy. Cả bốn người rất phấn khởi nhận được tin vui từ các nơi. Lãnh Cồ ở Sơn Tây đã khởi nghĩa ở Quốc Oai, quan nghè Lã Xuân Oai đã khởi nghĩa ở Thạch Đồng, Nam Định. Đốc binh Đinh Công Tráng, Lãnh binh Phạm Bành đang tích cực đánh địch ở đất Nga Sơn nơi ba làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh, Mỹ Khê, quen gọi là khu vực Ba Đình. Tiến sỹ Tống Duy Tân đang tập hợp nghĩa binh khởi nghĩa ở Thọ Xuân và Hùng Lĩnh miền tây Thanh Hóa. Ở Nghệ An quan nghè Nguyễn Xuân Ôn cùng dân binh nổi dậy ở vùng Diễn Châu, Yên Thành. Ở Hà Tĩnh, Đình nguyên Phan Đình Phùng đã tập hợp lực lượng lớn tại rừng núi Hương Sơn, Hương Khê. Trong Quảng Nam Tiến sỹ Trần Văn Dư đã tập hợp lực lượng nổi dậy trong một tổ chức gọi là“ Nghĩa hội” chống Pháp xâm lược. Tại Bình Định Tổng đốc Đào Doãn Địch đã hiệu triệu nhân dân đứng lên hưởng ứng Phong trào Cần Vương chống bọn giặc Tây. Ngoài Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Hiệp đốc Nguyễn Thiện Thuật đã thay thủ lĩnh Bãi Sậy là Đinh Gia Quế tập hợp nhiều thủ lĩnh, nhiều nghĩa binh, đánh phá nhiều căn cứ địch xung quanh thành Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Bắc Ninh, Sơn Tây làm chủ khắp vùng nông thôn đồng bằng rộng lớn. Đề Nắm, Nguyễn Cao, Ma Văn Thịnh nổi dậy tại Bắc Ninh, Bắc Giang,Thái Nguyên, Tuyên Quang đánh địch giữ vững căn cứ, gây cho địch những thiệt hại to lớn. Phong trào Cần Vương thực sự đã chuyển thành một cao trào có lợi cho toàn quốc kháng chiến chống giặc Pháp xâm lược.
Tại mặt trận sông Thao, Hưng Hóa nghĩa binh Cần Vương cũng đang hoạt động rất mạnh. Chiến thắng Phong Vực có ảnh hưởng cực kỳ to lớn, quân Pháp đã phải rút khỏi đồn Tình Cương. Một giải đất Cẩm Khê đã được giải phóng, bên Tam Nông địch rút khỏi đồn Hiền Quan, Gia Dụ, dưới phủ Lâm Thao địch cũng rút khỏi đồn Hữu Bổ và Tứ Xã. Bên hướng đông bắc địch rút khỏi phủ Đoan Hùng một số châu huyện của tỉnh Tuyên Quang. Trên huyện Trấn Yên, địch rút khỏi đồn Tuần Quán thu quân về thànhTuyên Quang, Thái Nguyên.
Tại mặt trận sông Đà, quân của Đốc Ngữ hoạt động mạnh đã tập kích thành Sơn Tây, tiêu diệt hơn bốn chục tên địch. Trên sông Đà chiến thuyền của giặc đi lại thường xuyên bị quân ta tiến công. Địch đã rút một số đồn nhỏ lẻ ở các hạt Yên Châu, Lai Châu, Sơn La về co cụm Chợ Bờ. Vùng giải phóng do nghĩa quân Cần Vương kiểm soát rất rộng, tạo điều kiện cho quân ta làm chủ và xây dựng lực lượng.
Về việc đi sứ cầu viện nhà Thanh, Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích biết có rất nhiều khó khăn. Nước mất phải đi cầu viện nước người là một nỗi cay đắng. Nhà Thanh, quân Thanh từng xâm lược Việt Nam thời Tây Sơn, nên chẳng mấy vô tư. Hơn nữa họ có cái khó, vừa ký hiệp ước hữu nghị Thiên Tân với Pháp, đã mang tiếng phản phúc vì đưa quân sang đánh mạn Lạng Sơn, Cao Bằng của Viêt Nam. Họ không làm việc được gì có lợi cho quân ta mà bị quân Pháp cảnh cáo, đe dọa đem quân từ Việt Nam đánh sang Quảng Đông, Quảng Tây. Nhà Thanh rõ ràng về thực lực không thể cứu được Việt Nam. Điều nguy hiểm hơn, tướng lĩnh của họ nhiều người còn tham vọng bành trướng, có kẻ đã trình lên vua Thanh: “ nhân cơ hội nước Nam vua quan lục đục, yếu hèn đem quân sang chiếm giữ lấy Bắc Kỳ làm vùng đệm bảo vệ đất đai nhà Thanh”. Sang cầu viện lần này, họ mà đưa quân sang có thể gây họa cho nước Nam.
Biết vậy, nhưng việc chấp hành chỉ dụ cầu viện của Vua Hàm Nghi, đành phải cất bước lên đường. Vua cử Tiết chế đại thần Hoàng Tá Viêm làm trưởng đoàn, nhưng ông ta cáo ốm để thoái thác rồi. Con người của ông ta, Hiệp thống chẳng lạ gì. Việc mất nước xét cho kỹ thì ông ta phải gánh chịu trách nhiệm lớn. Chỉ tính từ năm 1882 trở lại đây, bao nhiêu lần quân ta gặp phải sự nguy khốn, ông ta và tướng Trương Quang Đảm cầm quân triều đình không hề xuất binh. Lần thứ nhất, tại Hà Nội thành bị giặc Pháp vây đánh, quân ta thất bại, tướng Hoàng Diệu thua trận phải tuẫn tiết; ông ta cùng mấy vạn quân triều đóng ở phủ Hoài Đức không hề xuất quân ứng cứu, bắn trả giặc Pháp một viên đạn nào. Lần thứ hai, tướng Lưu Vĩnh Phúc cùng quân Cờ Đen giết chết được tướng Hăng-ri Ri-vi-e, yêu cầu ông cho quân đánh vào thành Hà Nội thì ông ta lại ra lệnh phải rút về, quân triều đình thì án binh bất động. Lần thứ ba, khi quân ta và quân Cờ Đen dũng cảm giữ thành Sơn Tây, ông ta với hơn một vạn quân đóng ở Vân Gia cách thành Sơn Tây vài dặm đã bỏ mặc cho thành vỡ, quân ta bị giặc giết hại; sau đó ông ta ung dung rút quân lên đồn Thục Luyện tỉnh bơ như một người ngoài cuộc. Lần thứ tư, khi thành Hưng Hóa sắp bị giặc Pháp tiến công thì ông ta vội rút quân theo đường thượng đạo về Kinh thành Huế. Lần thứ năm, khi giặc Pháp tiến công vào cửa biển Đà Nẵng, Thuận An cũng chẳng thấy ông ấy động tĩnh gì. Ông ta là viên tướng kỳ cục nhất nước Nam! Chẳng thế mà tướng Lưu Vĩnh Phúc đã phải kêu lên rằng:“ Khốn nạn thay! Họ Hoàng cầm quân đã để An Nam mất nước rồi!”. Bây giờ thời buổi khó khăn, ông ta sẽ là kẻ sẵn sàng làm tay sai cho giặc Pháp.
Việc đi sứ lần này, trọng tâm công việc phải tranh thủ được sự cảm tình, lôi kéo được những người yêu nước tiến bộ trong hàng ngũ quan lại, tướng sỹ nhà Thanh giúp đỡ ta. Sự ủng hộ to lớn của dân Tàu sống tại vùng biên ải, giáp với nước Việt Nam là rất quan trọng, trước mắt cũng như về lâu dài. Một số người dân, binh lính Tàu và một số không ít quan lại nhà Thanh đã tình nguyện sát cánh chiến đấu với nhân dân ta hơn chục năm nay. Như Đề đốc Lưu Vĩnh Phúc, Đốc binh Lý Phúc, Tán tương quân vụ Chu Thiết Nhai... Trong số đó Lý Phúc và nhiều binh sỹ, đồng bào Tàu đã hy sinh anh dũng vì cuộc chiến đấu chính nghĩa bảo vệ quyền quốc gia độc lập của dân tộc Việt Nam.
Quân Cần Vương đang thắng thế, việc quan hệ ngoại giao với dân Trung Quốc rất hệ trọng. Sự giúp đỡ của bạn bè, chiến hữu góp phần to lớn vào sự thắng lợi của cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Nghĩ đến việc bang giao thân thiện, lòng ông rất vui, không hề sợ sệt, lo lắng. Ông tin tưởng vào sự nghiệp cứu nước, vì đại nghĩa có thể hy sinh cả tính mạng mình. Đường đi Vân Nam cũng chẳng xa xôi gì chỉ nửa tháng trời là đến nơi, cả đường đi, lẫn đường về chắc chỉ mất hai tháng là cùng. Ở nhà sẽ cử ai phụ trách? Lần này phải cử Đề Kiều thay ta chỉ huy căn cứ Tiên Động? Người này tuy mới nhập quân được hơn một năm nhưng đã làm được những việc mà ta đáng tin tưởng. Việc đưa ta và quân quan thoát ra khỏi thành Hưng Hóa, đánh chặn và chuẩn bị hậu cần cho quân ta rút lui lên Tứ Mỹ, lên Sơn Bình, lên Áo Lộc vào Tiên Động có phần đóng góp quan trọng của anh ta. Trong những ngày xây dựng căn cứ Tiên Động, anh ta đã chỉ huy cản địch, thắng địch ở dốc Tình Cương, chỉ huy đánh thắng trận Phong Vực làm cho quân địch sợ khiếp vía, phải hoảng hốt rút bỏ nhiều vị trí đồn bốt. Anh ta biết làm công tác dân vận, giỏi việc cung cấp quân lương, sản xuất vũ khí. Anh ta có nhiều uy tín trong dân và quân. Quả thật, anh ấy nói có người nghe, có người tin, có người cho, có người theo. Anh ta đã được chính ta cử làm Phó soái hơn một năm rồi, việc thay ta tạm thời chỉ huy là được, ai cũng tâm phục, khẩu phục rồi, chắc chẳng ai phân vân phản đối. Anh ta lại có những người dưới quyền đáng tin tưởng như Đốc Biêu, Phó Đốc Nhân, Đội Kỷ, Đội Chính, Đội Thưởng, Đội Oanh và số quân lính theo anh ta từ thời đầu tiên xây dựng đội nghĩa dũng của làng Cát Trù rất cần mẫn, rất dũng cảm, có công xây dựng đạo Hậu quân vững mạnh. Đặc biệt anh ta có bà mẹ rất sáng suốt, biết khuyên ta tìm đất đứng chân, lập căn cứ khi ta đương ở thành Hưng Hóa còn chưa nghĩ gì tới việc khởi nghĩa, tới việc kháng chiến chống Pháp lâu dài. Lại có người vợ tuyệt vời cùng với vợ con Tán Áo lo cho toàn quân quần áo, màn mùng, nón mũ, làm cho quan quân ai cũng phải nức lòng cảm phục, kính phục, ngợi ca.
Việc chỉ huy căn cứ Tiên Động trong những này ta đi sứ lần này có thể vẫn giữ Phó Soái Khê Ông-Nguyễn Hội. Vị quan Án sát Sơn Tây này theo về đón ta từ buổi chiều rút ra khỏi thành Hưng Hóa. Là một người rất sáng suốt, cần mẫn, liêm chính trong việc quân, không từ nan việc gì, không ham địa vị, quan tước. Được giao coi giữ việc quân, ông ta tận tụy, trung thành nên ta cảm thấy yên tâm. Còn những người chỉ huy các đạo Tiền quân, Trung quân, Tả quân, Hữu quân, dầy dạn kinh nghiệm, ta lại càng vững tin. Họ đã cùng ta sống chết, bao nhiêu năm rồi, đã không nỡ bỏ ta, theo ta đến cùng thật đáng yêu, đáng trân trọng và đáng khen.
Lên đường đi sứ lần này, cùng đi sẽ phải có Cử nhân Trần Ngọc Dư làm Tư vụ, người học trò ruột của ta, thi đỗ cử nhân được bổ làm tri huyện, bỏ quan lên rừng theo ta chọn con đường chống giặc Tây cứu nước. Ta cho đi để rèn luyện thêm, anh ta sẽ học ở trường đời để có khả năng phụng sự đất nước lâu dài. Cùng đi phải có Đề đốc Nguyễn Quang Hoan, người đồng hương đã theo ta từ ngày thành Nam Định thất thủ, chiến đấu ngoan cường bảo vệ thành Hưng Hóa, trực tiếp đưa ta xuống đài Kính Thiên, cử tướng sỹ đưa ta rút ra khỏi thành Hưng Hóa. Người cử nhân võ này rất trung thành, tận tụy, trong quân ông ta được mọi người tin tưởng nhất. Một người Tàu là Chu Thiết Nhai là vị quan nhỏ của nhà Thanh, đã theo giúp ta quan hệ ngoại giao với nhiều cấp chỉ huy quân sự nhà Thanh khi được Vua Tự Đức yêu cầu họ sang giúp nước ta về binh lực. Trong cuộc khởi nghĩa của quân dân ta vừa rồi, ông ấy đã đến giúp ta đắc lực, dàn xếp, giải quyết những vụ lộn xộn, giữa quân dân nước Việt và quân dân Tàu. Ông ta sẽ là người đưa đường, giúp mình quan hệ, trình Quốc thư với triều đình nhà Thanh và quan hệ với tổng đốc Vân Nam. Có thể tìm thêm một hai người Tàu nữa, giỏi tiếng Việt, tiếng Hán giúp phiên dịch cho ta và những người cùng đi.
Chọn lấy một người phụ trách binh sỹ đi cùng, khỏe mạnh, mưu trí, dũng cảm, trèo núi tài, bơi lội giỏi, xử lý những bất trắc trên đường đi. Số binh sỹ này có nhiệm vụ bảo vệ đoàn, chủ yếu là con đường từ Tiên Động lên biên ải, sau đó sẽ chọn binh sỹ nào khỏe mạnh theo khuân vác hành lý giúp đoàn. Từ biên ải đến thủ phủ Vân Nam theo lệ đã có binh sỹ nhà Thanh đưa đường. Ông nhớ tới việc chọn hai, ba người dân tộc biết đường, nói thạo tiếng dân tộc Miêu, Thổ, Thái, Dao... để còn để giao dịch dọc đường. Số người đi phải đủ, ít nhất là 20 người, số người quan trọng do ta chọn, còn phải chờ và nhờ Đề Kiều về chọn những binh sỹ tốt đi giúp việc.
Quan Hiệp thống đại thần nói với mọi người ngồi nghe về những suy nghĩ của mình với hai người thân tín và viên thông sứ của Vua Hàm Nghi. Ông nhìn viên thông sứ:
- Có thể phải mất một tháng rưỡi thì mới về lại Tiên Động, đấy là không phải chờ đợi. Thông sứ có thể trở về Tân Sở, Cam Lộ, Quảng Trị hoặc là cứ ở đây chờ tôi về.
Viên thông sứ nhìn quan Hiệp thống nói:
- Đi vào trong nớ càng ngày càng khó, càng nguy hiểm. Tôi chờ đoàn sứ thần về đây, nhân thể mang tin về luôn cho Đức Vua.
- Ngài cứ yên tâm ở lại. Ăn nghỉ tại Đại bản doanh này. Có thời gian rỗi rãi thì sang Áo Lộc bảo quan Tán Áo đưa đi chơi trong vùng căn cứ. Không đến những nơi có địch đóng quân, hoặc gần địch sợ mất an toàn. Đi thăm căn cứ có gì hay thì về báo với Phụ chính Tôn Thất Thuyết và các quan chỉ huy điều hành. Có gì chưa hay thì báo cho chúng tôi biết ngay để quan quân cùng rút kinh nghiệm, sửa đi. Nhiều ý kiến khách quan rất quan trọng, giúp cho quan quân phát triển bền vững và mạnh lên. Ngày hai vị văn thân của Nghệ Tĩnh là Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn và Đình nguyên Phan Đình Phùng ra đây dự Hội tướng đã góp cho chúng tôi nhiều ý kiến hay. Các ông ấy nói “ muốn xây dựng căn cứ vững mạnh phải chặn được dòng sông Thao này lại”, nhưng chúng tôi còn chưa làm được điều đó.
Nói rồi ông nhìn viên thông sứ còn trẻ, có học vị cử nhân như cố ý chờ đợi nghe câu trả lời. Người thông sứ thành thật:
- Tôi còn trẻ, nhìn cái gì cũng thấy mới lạ. Chưa có kinh nghiệm đâu, học tập nhiều văn sách quá mà như người lú lẫn trước những thực tế sinh động. Mới hay câu nói“ Càng học càng thấy mình dốt” là đúng. Không biết Hiệp thống Quang Bích có cảm thấy như vậy không?
- Thông sứ nói đúng đấy, “ Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Quan Thông sứ thấy mình dốt nghĩa là học khôn ra rồi. Đi nhiều, nghe nhiều, nhìn nhiều, suy nghĩ nhiều nghĩa là đang học đấy. Có vốn học vấn rồi, tự học là hơn, người biết tự học mới là người tri thức. Không biết tự học thì dù người đó có bằng tiến sỹ cũng như người không học mà thôi.
Cả bốn người cùng cười, làm cho căn nhà Đại bản doanh ấm áp ra. Ánh nắng mùa thu dịu mát, nhìn ra xa thấy non nước một màu xanh ngát. Vừa lúc đó Đề Kiều và Đốc Biêu đi từ Xuân Lôi đã về tới nơi. Hai người đi từ dốc lên còn thở phì phò, Tư vụ Trần Ngọc Dư mang ghề ra cho hai người ngồi. Quan Hiệp thống rất mừng, đôi mắt ông nhìn như sáng ra:
- Đánh được đấy! Diệt thật gọn. Chặt đứt một ngón tay hơn đánh dập cả bàn tay. Chúng nó hoảng sợ đã rút bỏ nhiều vị trí, không dám đánh chiếm phủ Lâm Thao, lỵ sở huyện châu: Thanh Ba, Cẩm khê, Yên Lâp, Hạ Hòa, Đoan Hùng.
Đề Kiều báo cáo ngay:
- Thưa quan Hiệp thống! Theo tin của Đốc Sơn tại Rừng Già- Đọi Đèn cho biết, chúng nó rút lui để nhử ta thôi. Hiện nay, giặc Pháp đã đưa đại quân tại mặt trận Lạng Bằng về Hà Nội. Chúng sẽ tập trung một số quân lớn lên tới hàng vạn tên đánh vào Thanh Mai-Thach Sơn và đánh lên Tiên Động. Chương trình bình định“cấp tốc” của chúng đã được đề ra, sẽ đưa quân đánh tràn ra khắp xứ. Đó là việc rất gấp của ta, cần phải ra quân phá kế hoạch của địch. Nên anh em tôi từ Xuân Lôi phải đi một mạch về đây báo cho quan Hiệp thống biết để còn họp các quan quân bàn bạc cách đối phó.
Quan Hiệp thống rê rê cái cốc nước để trên mặt bàn bình tĩnh như không:
- Chính tôi cũng đã nghĩ như vậy. Giặc Pháp không đánh đồn Bắc Lệ, thành Lạng Sơn mà đàm phán buộc quân Tàu ngừng tiến công và từng bước bắt quânTàu rút quân về nước. Nhà Thanh đưa quân đánh thành Lạng Sơn và đồn Bắc Lệ để giữ danh dự, thể diện của một nước lớn phải hạ uy thế trước đối phương. Mặt trận đó được yên, đại quân Pháp sẽ rút về tiếp tục làm công việc bình định. Chúng sẽ tập trung đánh Thanh Mai, Thạch Sơn sau đó sẽ đánh lên Tiên Động ngay đấy. Không phải chỉ mặt trận sông Thao, Hưng Hóa chúng sẽ còn đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa của ta mới nổi lên ở khắp Bắc Kỳ và Trung Kỳ.
Mọi người lặng im chờ ông nói tiếp về tình hình, nhưng không ông đứng dậy nói:
- Trưa rồi mọi người đi ăn cơm trưa, chiều ta sẽ họp các chỉ huy các đạo, các đội và chỉ huy căn cứ họp bàn về việc tôi đi sứ, việc chống giặc sắp tới. Các ông nghĩ trước các kế sách để bàn. Việc trước mắt rất cần, rất gấp, Đề Kiều nhận trọng trách thay tôi chỉ huy căn cứ Tiên Động, chọn cho tôi một đốc binh, hay phó đốc binh chỉ huy và 12 người lính, trong đó có người dân tộc biết tiếng Miêu, Thái, Thổ, Dao cùng đi sứ. Báo cho Tán tương quân vụ Chu Thiết Nhai vừa về đây, đang ở nhà Tán tương quân vụ Hà công Cẩn và một hoặc hai người biết tiếng Hoa đi làm phiên dịch cho đoàn.
Buổi chiều, tại Đại bản doanh Tiên Động họp đầy đủ các chỉ huy căn cứ, các đốc binh, phó đốc binh, các đội trưởng, gồm năm mười người. Quan Hiệp thống nói rõ tình hình trong nước rất khả quan sau khi có Chiếu Cần Vương. Mọi người nghe rất vui vẻ, tin tưởng, xác định quyết tâm, tinh thần chiến đấu phụng sự Cần Vương. Ông cũng nói nhiều đến tính tự phát, tính địa phương, chưa thống nhất của các lực nổi dậy, chưa có tổ chức, ô hợp, về kỷ luật còn thả lỏng, làm việc còn tự ý, vi phạm pháp luật. Ông nói thêm:
- Không phải cứ nổi dậy là được. Ngài Tôn Thất Thuyết đã lãnh đạo“ Phấn nghĩa đoàn” tiến công giặc, đưa được Vua Hàm Nghi ra Sơn phòng, nhưng thất bại nặng nề. Không gây được thanh thế, ra được Chiếu dụthiên hạ Cần Vương là tốt rồi, nhưng việc chỉ đạo triều chính từ nay sẽ ra sao. Vua một nơi, quan một nơi, từng địa phương không có sự chỉ đạo chung, không có chi viện, không thể đứng vững được. Tôi muốn đưa Đức Vua Hàm Nghi ra Bắc, ra vùng Sơn Hưng Tuyên này để có sự chỉ đạo thống nhất. Quyền uy và sức mạnh của toàn quân và toàn dân chỉ có được từ sự thống nhất từ tư tưởng chỉ đạo đến hành động. Tôi rất muốn ngài Tôn Thất Thuyết sáng suốt đưa được Đức Vua Hàm Nghi ra đây. Tây Bắc và Việt Bắc có địa bàn chiến lược quan trọng, có chỗ dựa để phát triển lực lượng, có thể tiến tới làm công cuộc giải phóng khỏi ách nô dịch của Pháp. Đấy là ý riêng của tôi, còn ý của các vị ra sao, cũng nên nói ra mà bàn cho thấu.
Phó chỉ huy Khê Ông có ý kiến:
- Trước khi quan Hiệp thống Đại Thần đi sứ, xin ngài có ý kiến chỉ đạo cụ thể để ở nhà chúng tôi thực hiện.
- Khi tôi đi sứ cầu viện, thì việc ở nhà các vị phải cố gắng giữ vững căn cứ. Tiên Động đã là ngọn cờ, là một trung tâm chỉ đạo kháng chiến chống Pháp của toàn quốc. Theo thông tin vừa nắm được thì địch sẽ trở lại vùng sông Thao, Hưng Hóa tiến công các căn cứ Thanh Mai-Thạch Sơn và Tiên Động. Chúng sẽ đưa vào khu vực này hàng chục ngàn quân để tiến công tiêu diệt lực lượng khởi nghĩa, mở rộng vùng chúng kiểm soát. Các vị bàn xem đối phó bằng cách nào để giữ vững, tồn tại phát triển lên. Lực lượng của chúng ta tuy thế còn mỏng, phải có kế hoạch đối phó tỷ mỷ mới có hiệu quả. Tôi giao việc chỉ huy chung cho Đề Kiều thao lược và Chỉ huy phó tôi giao cho quan Tán tương quân vụ Khê Ông. Tôi rất tin tưởng ở nhà các vị sẽ thực hiện được mong muốn của tôi. Bây giờ các vị có ý kiến tham gia, thậm chí có cả những ý kiến phản đối, chưa nhất trí, các vị cứ mạnh dạn nêu ra để chúng ta còn bàn bạc cho kỹ.
Đốc Tiến chỉ huy đạo Tiền quân có ý kiến trước:
- Chúng tôi nhất trí với sự phân công chỉ huy. Chánh Đề đốc Kiều chỉ huy chung là tốt, trẻ khỏe, mưu lược, có uy tín với dân. Ông ta đã chỉ đạo, giúp việc cho Tướng công rất đắc lực. Lập được công to vừa rồi ở Phong Vực, nghe nói nhân dân Đồng Lương rất tin, họ đang lập đền thờ sống Đề Kiều.- cả hội trường cười ồ sung sướng- Đó là một vinh dự cho quân ta, một phần thưởng cao quý không gì sánh nổi. Về Chỉ huy phó tôi cũng nhất trí cử Khê Ông là một người mẫu mực nói và làm được quân dân rất tin tưởng. Về chỉ đạo tác chiến chúng tôi chỉ tiếc là không được đánh nhau, chỉ cố thủ, chân tay buồn bã cả. Ông Đề Kiều và Đốc Biêu về phép có mấy ngày mà đã chiến đấu lập công, bám sát địch, tiêu diệt gọn đồn Phong Vực. Chúng ta vận dụng cách đánh ấy là tốt nhất, hãy ngăn chặn địch từ xa đó là thượng sách. Như vậy, ta sẽ bảo vệ được căn cứ Tiên Động một cách dễ dàng. Vâng, tôi chỉ có ý kiến như vậy thôi, xin mọi người bàn tiếp.
Tán Vị đứng lên có ý kiến tiếp:
- Thưa Tướng công và các vị! Tôi được họp, được nắm rõ tình hình, công việc sắp tới. Hiệp thống đi sứ, chúng ta ở nhà phải thực hiện nhiệm vụ quan trọng bảo vệ căn cứ. Tôi mới nhập quân được một năm, được Chủ tướng giao nhiệm vụ làm Tán tương quân vụ. Tôi cũng mạnh dạn đề xuất ý kiến là vua quan ta từ trước cứ bàn hòa nhiều quá, dẫn đến thất bại mất nước, nay phải thuộc Pháp. Chúng ta chiến đấu bây giờ là để khôi phục nền độc lập cho nước nhà. Phải chủ chiến đã hành động quyết liệt đưa được Vua Hàm Nghi ra kháng chiến. Sự nghiệp của chúng ta mới danh chính, mới chính nghĩa. Nhân dân cả nước đang tin tưởng, hưởng ứng Phong trào Cần Vương. Nhưng còn sách lược, chiến lược của ta còn chưa rõ ràng, chưa xác đáng. Ngay cả chúng ta cũng thế, Chủ tướng ạ. Chúng ta đã không nhớ bài học của ông cha ta trong kháng chiến là vây thành, diệt viện. Phòng thủ, cố thủ chỉ trong một tình thế khốn cùng bắt buộc, giữ nó lâu quá là một sai lầm nghiêm trọng. Chúng ta vẫn còn quân, còn vũ khí trong tay mà rút lui xa quá, sâu quá. Chúng ta đã bỏ mất thời cơ, mất đi nhiều vị trí chiến lược quan trọng. Quân địch dễ dàng đánh ta vì thấy ta cố thủ. Có thể chúng ta phải thay đổi chiến lược, chiến thuật, nhưng để Chủ tướng đi sứ nhà Thanh về chúng bàn lại cho thấu đáo.
Hiệp thống Đại thần nghe gật đầu:
- Tôi đề nghị Tán Vị ở nhà suy nghĩ viết bản đề trình về chỉ đạo chiến lược chiến thuật cho quân ta. Tôi cũng muốn được rõ ràng, cụ thể và mọi người cũng thấy dễ hiểu, dễ nhớ mà thực hiện. Viết được một cuốn “ Bình Tây sách” như cuốn “ Bình Ngô sách” của Đại Hành khiển Nguyễn Trãi khi xưa thì càng tốt.
- Vâng, tôi xin vâng lệnh!
- Tán Vị làm được đấy! Làm ngay đi!
- Tán Vị bàn hay lắm! Chúng tôi thấy hay và dễ hiểu.
Một số tiếng nói của người dự họp nào đó vọng lên. Quan Hiệp thống mở miệng cười rất vui:
- Ta được người này, hôm ta chuyển quân từ Sơn Bình qua đầm Mèn lên Áo Lộc. Nhà anh rất sang, hơn cả nhà của ta là Hiệp biện Đại học sỹ, hàm nhất phẩm đấy.
Ông cười to tạo niềm vui vô bờ.
Lúc đó, Đốc Biêu đứng dậy xin phát biểu ý kiến. Quan Hiệp thống nhìn thấy Đốc Biêu càng vui:
- Đây là một người tuyệt vời! Một Đốc binh mưu lược, dũng cảm, có nhiều cách chỉ đạo đánh giặc rất táo bạo, sáng tạo. Chính anh ta là người có công cản địch đánh tập hậu quân ta ở thành Hưng Hóa. Chính anh, đưa ta và quan Bố chánh Khê Ông về Tứ Mỹ. Chính anh đã cản địch thắng lợi ở dốc Giát, ở dốc đồi Tình Cương và bày mưu, trực tiếp chỉ huy giết chết bọn lính gác, tạo điều kiện cho Đốc Sơn chỉ huy quân diệt gọn đồn Phong Vực. Ta đã nghe Đề Kiều nói về hoàn cảnh nhà anh ta, nhà bị giặc đốt, mẹ già và một bầy con dại, vợ bị giặc bắt giết chết ném xuống sông Thao. Vừa rồi anh được về phép vừa cưới vợ mới, người vợ này tuyệt vời lắm. Ta nói để chia buồn và mừng cho hạnh phúc của Đốc Biêu đấy.
- Dạ, con xin cảm ơn quan Hiệp thống đại thần!
- Anh trình bày ý kiến đi!
- Vâng, con xin phép được trình bày! Thưa các vị! Tôi rất đồng tình với ý kiến chỉ đạo của quan Hiệp thống, đã nhớ những lời căn dặn của ông trước khi đi sứ. Tôi cũng thông cảm với tâm trạng buồn bã cả chân tay của Đốc Tiến!- cả hội trường cười ồ - vì ta chỉ phòng thủ không được tiến công địch. Tôi cũng tán thành ý kiến của Tán Vị, cách nhìn nhận của Tán Vị về đường lối đánh địch. Chủ trương về chiến lược của ta suốt mấy chục năm nay vẫn là mù mờ. Thua là do ta, chứ đừng bảo ta không có thực lực. Chính cách chỉ đạo chiến lược, chiến thuật không rõ ràng đã hạn chế sức mạnh của quân ta. Ta thua vì ta chủ hòa, còn chủ chiến thì không có đường hướng cụ thể, nên mới bị thất bại như bây giờ. Ta có dân đông, hơn hai mươi triệu người, quân ta không phải là không giỏi, vũ khi trang bị tuy có lạc hậu nhưng không phải đánh bằng tay không, có những lúc ta được phía Pháp thực hiện hiệp ước Giáp Tuất (1874) cấp cho 100 khẩu đại bác kiểu mới và 20 ngàn viên đạn, nhưng quan quân sợ đánh địch, chỉ mong được yên, cầu hòa với họ nên mới dẫn đến thua thảm hại. Triều đình khốn khổ quy hàng dần, nhiều quan lại nhận làm tay sai cho giặc Pháp chỉ đường cho Pháp chiến nước ta. Phái chủ chiến do ông Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết và Trần Xuân Soạn chỉ đạo đánh Pháp hôm 5 tháng 7 vừa qua đã đại bại, tổn thất rất lớn về người và của. Ngài có đưa Đức Vua Hàm Nghi ra kháng chiến nhưng trong một tình thế như thế này thiếu khả năng chiến thắng.
Quan Hiệp thống thấy Đốc Biêu bàn rộng quá, khuyên nên bàn cụ thể:
- Đốc Biêu nói về cách đánh địch như thế nào cho tốt thì hay!
- Vâng, phải chú trọng tiến công, không nên rút lui và phòng thủ, cố thủ. Tán Vị vừa có nhắc lại đường lối chỉ đạo kháng chiến chống quân Minh của Vua Lê Lợi xưa kia là “vây thành, diệt viện”. Khi nghĩa quân Lam Sơn cố thủ ở Chí Linh thì dẫn đến “Lương hết mấy tuần, quân không một đội” phải xoay sang tiến công thì có ngay lực lượng vì đã giải phong được đất đai và nhân dân. Tạo điều kiện để bao vây Đông Đô, đánh thắng trận Chi Lăng, Xương Giang diệt được viện binh, buộc giặc Minh ở Đông Đô phải kéo quân ra hàng và nhận rút quân về nước. Bây giờ ta cũng theo thế, phải cố gắng “vây thành”, không cho địch xông xênh đuổi ta, đánh ta nữa. Chúng ta phải lợi dụng quy luật thời gian, thời tiết, địa hình, chướng ngại vật mà đánh địch. Hôm vừa rồi chúng tôi đánh tiêu diệt gọn đồn Phong Vực vì đã lời dụng đêm tối mịt mùng, trời mưa như trút, địa hình đồi núi cao thấp, chướng ngaị vật là hàng rào, bờ đập, bờ ruộng. Vũ khí là thủ pháo tự tạo và dao găm, giáo mác, chứ hôm đó ta chỉ nổ có vài phát súng hỏa mai. Nghĩa là phải bám sát địch mà đánh, đánh bất ngờ, hiệu quả. Làm được như vậy, thì binh sỹ phải dày công luyện tập, cho thật thuần thục, biết tất cả các thế võ, biết sử dụng các loại vũ khí, kể cả vũ khí tối tân của địch.
Hiệp thống Đại thần nghe rất đồng tình, đồng cảm, khuyến khích:
- Đốc Biêu nói rất hay, rất cụ thể, tiếp tục đi!
- Chúng ta phải tạo ra thế liên tục tiến công địch, nên có lối đánh bất ngờ, trong đánh phục kích, tập kích, đột kích, đánh vận động, đánh kìm chân địch, đánh tiến công chớp nhoáng, tận dụng mọi thời cơ diệt địch để lấy không đánh có, lấy ít đánh nhiều, lấy yếu thắng mạnh như cha ông ta thường làm.
- Và Đốc Biêu đã làm được. Chúng ta ai có thể làm như Đốc Biêu?
- Không chỉ một mình con mà tất cả các tướng, các binh sỹ của ta đều làm được cả. Trước còn khó sau thì quen, quen rồi thì cứ thế mà đánh, sẽ thắng. Thắng rồi thì chuẩn bị đánh lớn, tiêu diệt lớn, đuổi tiệt quân Tây khốn nạn ra khỏi nước ta.
- Trận Phong Vực anh diệt được mấy tên giặc Tây?
- Ba thằng Tây trắng và bốn thằng Tây đen ạ.
- Chúng ta vỗ tay hoan hô Đốc Biêu!- Một loạt vỗ tay ròn rã vang lên- Quan Hiệp thống Đại thần phấn khởi:
- Ta quyết định thưởng cho Đốc Biêu 10 đồng vàng! Anh mang về cho mẹ già nuôi con cháu! Cử nhân Trần ngọc Dư bảo ông Vàng xuất kho, gửi cho Đốc Biêu nhé!
Dạ, con cảm ơn Tướng công!
- Còn ai phát biểu những suy nghĩ của mình nữa không?
Quan Thống sứ Phan Đức Huy đứng lên xin phát biểu ý kiến:
- Thưa Tướng công và các quan chỉ huy! Hôm nay tôi mới được dự họp, gần như toàn thể các chỉ huy từ cấp đội, cấp đạo trở lên của Tiên Động. Được nghe những lời bàn của Tướng công, các vị chỉ huy rất cụ thể, rất đúng và rất hay. Tôi cảm thấy không khí thật sự tự do, dân chủ, Chủ tướng và quan quân không có gì phải giấu nhau, không ngại nói thẳng, nói thật. Tôi rất thích những buổi họp chỉ huy quân như thế này, giống như phiên họp tại triều đình có một minh quân. Tôi cũng xin phép được nói thật, Đại tướng Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết không thể bằng Tướng công đây. Hiệp thống đại thần coi binh sỹ như con, lấy nhân, nghĩa, trí, tín để thu phục nhân tâm. Tôi mà về trong nớ, xong việc thì tôi xin ra được sống, làm việc bên Tướng công thì hạnh phúc cả đời. Mong quan Hiệp thống và các vị ở đây tiếp nhận cho!
- Hoan hô thịnh tình của Thông sứ, nhưng phải được Vua Hàm Nghi và Đại tướng Nguyên nhungTôn Thất Thuyết đồng ý thì chúng tôi mới dám nhận.
- Chúng tôi làm người chỉ mong được sống với vua sáng, tôi hiền!
- Thống sứ ơi, ai mà chẳng muốn, nhưng mà còn do thời đại nữa. Cái nào đã là lý tưởng thì phải xa xôi đấy!- một vị chỉ huy đội của đạo Trung quân nói chen vào.
- Các vị thật hạnh phúc, chẳng phải chờ đợi đâu. Quan Hiệp thống đại thần đây là người hiền, Đức Vua Hàm Nghi là vua sáng của thời đại chúng ta!
- Thôi, xin phép Thống sứ! Bây giờ để cho Chánh Đề đốc Hoàng Văn Thúy tức Đề Kiều có ý kiến!
Mọi người lại cười vang, vì lần đầu tiên Quan Hiệp thống nhắc đền tên cái của Đề Kiều. Đề Kiều, ngồi bên trái Tướng công đứng lên, mọi người đưa hai mắt nhìn chăm chú vào tướng Kiều. Người tướng còn rất trẻ, trắng trẻo đẹp trai, nói tiếng vang vang:
-Thưa Tướng công, các vị chỉ huy các cấp! Tôi được ủy thác nhiệm vụ chỉ huy toàn căn cứ, khi Tướng công đi sứ. Do còn thiếu kinh nghiệm, chỉ mong rằng các vị chỉ huy ở đây, hết lòng giúp đỡ tôi để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ được Tướng công giao. Trước hết, các vị chỉ huy trong căn cứ được giao trách nhiệm gì thì phải cố gắng làm cho tốt, địch tiến công thì phải giữ vững trận địa. Về phương diện hậu cần, chúng tôi đã lo đầy đủ, tuy còn thiếu nhưng đã khả quan hơn rồi. Trong khoảng hai tháng nữa, bọn địch còn chưa đánh Tiên Động. Nhưng chúng sẽ đánh Thanh Mai-Thạch Sơn trước, sẽ có những biến động mà ta phải chủ động lường trước chuẩn bị trước.
- Đúng đấy, Đề Kiều bàn sát vào!
- Giữ vững căn cứ Tiên Động, giương cao ngọn cờ đại nghĩa, tập họp, chỉ hướng cho nhân dân cả nước theo phụng sự Cần Vương. Tôi cũng rất nhất trí với một số ý kiến đã phát biểu của các vị, phải khống chế địch. Nên ta phải xây dựng một lực lượng cơ động, đánh địch trước khi chúng đánh ta. Các ông chỉ huy căn cứ, tán tương quân vụ, đốc binh nên bàn kỹ, đưa ra kế hoạch thật tỷ mỷ, đánh những đâu, phối hợp với ai để tác chiến có kết quả.
Đề Kiều nói đến đó thì quay lại nhìn Chủ tướng:
- Tôi xin có ý kiến riêng. Hiện nay các lực lượng nổi dậy của ta còn mang tính chất địa phương. Ngày chúng ta Hội tướng, các văn thân, các tướng lĩnh, các nhà cầm quân ở các địa phương đã nhìn thấy rõ điều hạn chế này. Chúng ta phải xây dựng các trạm quân liên lạc với các vùng, các địa phương, trước mắt là các căn cứ lớn gần với Tiên Động như Thanh Mai-Thạch Sơn, Sơn Hùng- Thục Luyện, mạn Sơn Tây, sông Đà, Tuyên Quang, trên là Văn Chấn, Trấn Yên, Văn Yên, Bảo Thắng, Lai Châu, Sơn La và với cả nước. Ta phải tiến hành làm ngay để phát huy được sức mạnh của cả nước, xóa được tình trạng tự cô lập không ai ứng cứu, hỗ trợ được nhau. Cứ như hiện nay, ngay khi địch đánh Thạch Sơn-Thanh Mai, Sơn Hùng- Thục Luyện, Khả Cửu, Thu Cúc ta cũng phó mặc cho các đội quân, đạo quân đó chiến đấu sồng chết nhờ trời. Các trạm quân thực hiện nhiệm vụ thông tin liên lạc, đưa đón tướng sỹ, vận chuyển lương thực như Phó đốc Đặng Thành, trong đơn vị độc lập của Đốc Sơn tại căn cứ Hố Trò, Rừng Già, Xuân Lôi, Phục Cổ đã tham gia vận chuyển nhiều tấn lương thực thực phẩm cho Tiên Động vừa rồi.
- Hay lắm, Đề Kiều và các tướng bàn cụ thể và thực hiện ngay đi. Các trạm quân mà phát triển thành một lực lượng lớn trong toàn quốc. Đây là ý kiến hay có giá trị về chiến lược và chiến thuật. Hôm vừa rồi tôi đi Mộ Xuân, Quế Sơn cũng được các đơn vị đóng quân thành các trạm đón tiếp ta rất tử tế và đưa đón rất tận tình, an toàn. Ở nhà, trong khoảng hai tháng ta đi vắng, Đề Kiều chỉ đạo làm được nhiều trạm quân như thế càng tốt.
Đề Kiều nghe Chủ tướng nói, như là một mệnh lệnh chỉ đạo, ông nhìn mọi người nói thêm về tình hình xã hội:
- Địch đang gây chia rẽ nhân dân với các đội quân Cần Vương. Chúng đã gây tội ác, gây hoài nghi, dụ dỗ, chia rẽ lực lượng của quân ta với dân. Chúng đã cho bọn người đóng giả người của quân Cần Vương đi đốt nhà, cướp của, giết người rồi đổ vạ cho nghĩa quân. Vừa rồi ở nam huyện Cẩm Khê chúng đã giết 7 người trong đó có 3 trẻ em, đốt tất cả 10 nhà dân rồi bỏ đi. Chúng tự xưng là quân Cần Vương, đói khổ thiếu thốn quá phải đi làm bậy, làm bạ. Chúng tôi đã bảo Đốc Sơn phái người đến từng nhà giải thích cho đồng bào hiểu, làm lại nhà, cứu đói, làm ma chay cho người bị giặc giết chết.
Đề Kiều nhìn Hiệp thống Đại thần nói tiếp:
- Trong những nạn nhân có ông Đội Thủ mà Tướng công đã gặp ở đền Kim Giao năm ngoái. Đó là cậu ruột của vợ tôi, chú họ của Đốc Biêu, chúng đã đốt mất nhà, giết mất một người con trai cả và giết hai người hàng xóm. Vợ tôi đã bỏ tiền ra mua nhà và một số anh em binh sỹ cùng người nhà đã làm lại cho ông Đội Thủ một căn nhà mới.
-Tốt quá, cần phải làm thế! Như vậy, bọn giặc Pháp thâm độc đang thực hiện một chính sách khủng bố, mua chuộc, chia rẽ nội bộ quân dân ta. Chúng làm cho dân ta khổ sở, điêu linh, nghi ngờ lẫn nhau, ý đồ xấu xa là chia tách quân và dân để cho chúng dễ bề tiêu diệt quân khởi nghĩa Cần Vương. Tính chất đấu tranh ngày càng quyết liệt, quan chỉ huy Khê Ông và các ông Tán tương quân vụ Hà Công Cẩn, Trịnh Bá Đanh, Nguyễn Văn Vị giúp quân ta cách đối phó.
Quan Hiệp thống nghe tin mím miệng, nghiến răng lại, vẻ rất căm thù:
- Vậy phải đề ra cách kiểm soát, không cho những đội dân binh giả danh quân ta tự ý đốt nhà, bắt bớ, chém giết người dân vô tội. Phải chặn bọn này lại, nếu bắt được quả tang phải xử tử ngay lập tức.
- Phần lớn chúng là người Công giáo bị Pháp bắt ép buộc đi khủng bố.
- Như thế lại phải cẩn thận, phải truy xét thủ phạm, chớ giết người oan sai. Đồng bào Công giáo là đồng bào mình, họ theo một chính đạo là tốt. Họ bị bọn Tây tuyên truyền, lợi dụng, bắt ép họ tham gia vào việc đàn áp, tàn sát nhân dân và nghĩa quân. Bây giờ, Đề Kiều cùng các vị lãnh binh địa phương phải nghiên cứu cho kỹ càng cách giải thích, ngăn ngừa cho đúng, kẻo gây mâu thuẫn Giáo-Lương làm phức tạp thêm tình hình, làm giảm uy tín của quân Cần Vương.
Đề Kiếu quay đầu lại phía những người dự họp:
- Nghe dân nói giặc có một đội quân ngầm, cử người đi vào các chợ, vào các làng, các xóm tuyên truyền, phao tin. Chúng làm cho dân hoang mang, nói rằng người Pháp và những người chủ hòa đã lập triều đình mới, lập vua mới, phế truất Vua Hàm Nghi, bắt Phụ chính Nguyễn Văn Tường đi đày biệt xứ, lập bản án tử hình ngài Tôn Thất Thuyết, treo giá đặc biệt nếu bắt được ngài Tôn Thất Thuyết thì thưởng 1000 lượng bạc và phong chức lãnh binh. Chúng đe dọa những người theo Cần Vương, nếu bắt được thì giết và giết cả nhà không tha một ai. Chúng bảo rằng nếu ai trở về với triều đình, hàng quân Pháp thì trong quân giữ chức sắc nào thì được mang chức sắc ấy, hưởng bổng lộc suốt đời.
Hiệp thống Đại thần đứng dạy nói:
- Bọn giặc Pháp rất thâm độc, tàn ác! Chúng ta phải chiến đấu thắng địch trên tất các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, văn hóa. Lập trường của mỗi người phải vững vàng, ý chí phải kiên quyết, sắt đá, nguyện hy sinh tất cả chiến đấu đến cùng vì sự nghiệp Cần vương, giải phóng đất nước, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Chúng ta là những người còn đi trước Phong trào Cần Vương đã chiến đấu vì nghĩa lớn, tôi tin tưởng vô bờ vào anh em mình.- Quan Hiệp thống đại thần ngừng nói một lát, mắt đăm đăm nhìn các vị chỉ huy - Tôi phải đi sứ để làm công việc ngoại giao, cũng là công việc chính trị hệ trọng. Anh em ở nhà làm tốt công tác quân sự, giữ vững trận địa, đánh cho địch đại bại. Đồng thời làm tốt công tác chính trị để giữ dân và quân, tuyên truyền tốt để làm cho mỗi người dân, người lính thực sự yên lòng.
Đề Kiều đứng lên đưa ra việc cuối cùng:
- Việc thành lập đoàn đi sứ cùng với quan Hiệp thống đại thần gồm có các vị: Một là Cử nhân Trần Ngọc Dư, làm tư vụ. Hai là Đề đốc Nguyễn Quang Hoan túc trực bảo vệ Chánh sứ, ba là Tán tương quân vụ Chu Thiết Nhai giúp việc quan hệ với quan lại nhà Thanh. Hai người nữa là ông Đàm Thống Lĩnh và ông Lý Bật do Tán tương quân vụ Chu Thiết Nhai lựa chọn khi đoàn đến phố cổ Bảo Thắng, những người này là những nhà buôn Tàu đã ở Việt Nam từ lâu, giúp việc quan hệ với nhân dân hai bên biên giới, đưa đường nhanh nhất tới thủ phủ Vân Nam. Cử Phó Đốc binh Đàm Đức Lương, Chỉ huy phó đạo Trung quân phụ trách binh lính, làm nhiệm vụ bảo vệ đoàn. Còn binh sỹ thì mỗi đạo quân cử 2 người, riêng đạo Trung quân thì cử thêm Quàng Văn Long người Thái, đạo Hậu quân cử thêm Ma Đức Phổ người Thổ, Sùng Mý Nô người Miêu biết thạo tiếng dân tộc miền núi để quan hệ giao tiếp với dân. Số người lính được cử đi thì sớm ngày mai có mặt tại Đại bản doanh để kịp lên đường. Việc quan Hiệp thống đại thần đi sứ cầu viện, mọi người dự họp tại đây, anh em binh sỹ được cử đi xin giữ bí mật tuyệt đối.
Đề Kiều lại hỏi:
- Mọi người dự họp còn ai có ý kiến gì nữa không? Ông Tán tương quân vụ Chu Thiết Nhai có lời gì không?
Hội trường im lặng, không còn ai nêu ý kiến gì. Ông Chu Thiết Nhai đi công tác biệt phái, mới trở về Tiên Động từ mấy hôm nay đứng lên đưa tay giơ cao chào mọi người và không có ý kiến gì. Đề Kiều đứng lên vui vẻ nói:
- Buổi họp chiều nay kết thúc rất tốt đẹp. Tôi đã có ý kiến với Chủ tướng rồi là mời cơm toàn thể anh em dự họp liên hoan mừng đoàn đi sứ cầu viện nhà Thanh tại nhà ăn Đại bản doanh. Anh em binh sỹ đã chuẩn bị cỗ sẵn rồi. Xin trân trọng mời tất cả!
Trời về tối nhiều mây, đằng đông cơn mưa giông đang vần vũ. Mọi người vội vàng ăn cơm và chia tay quan Hiệp thống và những người đi sứ trở về đơn vị trực chiến. Bữa cơm liên hoan thời chiến tranh rất gọn nhẹ, thực ra chỉ là bữa cơm chiều, có chút thịt cá, rau dưa. Mọi người về có phần tin tưởng vui vẻ hoan hỷ hơn vì họ đã nắm được tình hình và nhiệm vụ phải làm sắp tới. Tướng sỹ ở các vị trí phòng thủ rất sẵn sàng chiến đấu lập công. Họ đã được trải qua trận mạc, có thể đương đầu với lũ giặc Tây.
Nhưng trong lòng Hiệp thống vẫn còn nhiều băn khoăn. Cầm Quốc thư ra đi cầu viện trong một hoàn cảnh rất gấp, rất khó khăn, đường thì xa, cách trở, nhiều phần hiểm nguy. Với triều đình nhà Thanh, bản thân ông vẫn chưa tin. Hồi năm 1882, Vua Tự Đức đã yêu cầu họ sang cứu viện, chính ông đã viết sớ dâng vua nên tự lực cánh sinh, quan quân tự lực chống giặc là được rồi. Vua không nghe, cứ cho sứ thần đi cầu viện, họ đưa quân sang mà chẳng giải quyết được gì, còn gây khó khăn, đến nỗi làm mất nước.
Buối họp hôm nay cũng như Hội tướng lần trước, có nhiều ý kiến nghe rất hay, cần phải thực hiện. Đốc Tiến, Tán Vị, Đốc Biêu chỉ muốn tiến công địch không muốn phòng thủ hay cố thủ. Họ nói đúng đấy, cố thủ và phòng thủ thì làm sao mà thắng, nguy cơ bị tiêu diệt là nhiều. Chỉ có bám sát địch mà tiến công mới có khả năng giành thắng lợi. Giặc chiếm thành thì ta bao vây lại, đánh tiêu hao tiêu diệt. Trên mặt trận sông Thao, Hưng Hóa, các lỵ sở phủ, huyện, châu vẫn được quân ta kiểm soát. Nhiều lỵ sở giặc đã chiếm được, quân ta đã bao vây giành lại, đến nay chúng vẫn chưa chiếm được như lỵ sở huyện Thanh Ba, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Yên Lập, Trấn Yên và nhiều vùng miền khác.
Đề Kiều cũng có những ý kiến rất hay. Để tránh bị địa phương hóa, bị bao vây cô lập phải thành lập các trạm quân, vừa là để đưa tin, đưa quân, vận chuyển lương thưc, thực phẩm, bảo vệ và mở rộng vùng kiểm soát. Ta đã được chứng kiến các trạm ở tổng Mộ Xuân, Quế Sơn. Những đơn vị nhỏ này vừa tự túc được lương thực, vừa tham gia trị an, vừa làm nhiệm vụ đưa đường, đưa tin, vận chuyển nhanh như con thoi vậy. Bữa cơm hôm nay, bếp có nhiều thịt cá tươi, rau xanh là nhờ những đội quân ấy đấy.
Điều khẩn cấp là những hoạt động của những đội quân ngầm của địch đang ráo riết đánh phá, tuyên truyền, phao tin. Bọn Pháp chúng có thể lập triều chính mới, thay vua Hàm Nghi. Chúng nó hoàn toàn có thể làm điều đó, khi đã chiếm được nước ta. Chúng sẽ dựa vào bọn tay sai như Nguyễn Trọng Hợp, Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân và nhiều tên khác chỉ muốn cầu hòa, hàng giặc mong mang về cho mình phú quý vinh hoa.
Ta đi sứ lần này, việc bang giao rất vội vàng, không có ai đi thay, vì Đức Vua Hàm Nghi và Đại tướng Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết đã chỉ định đích danh. Ở trong nước cũng như tại khu vực này sẽ có biến động lớn. Những thông tin tình báo, những tin từ hội nghị hôm nay vừa nắm được. Khẳng định rằng, quân Pháp tập trung binh lực đánh Thanh Mai-Thạch Sơn và chúng sẽ đánh Tiên Động trong thời gian còn lại năm nay. Khi ta đi sứ về, Tiên Động ắt hẳn sẽ có sự thay đổi lớn. Đề Kiều và Khê Ông phải nắm sát từng mặt, lường được các khả năng địch đánh, tìm ra cách chống trả thì sẽ không bị tổn thất.
Ông bảo lính Tình đi gọi Đề Kiều và Án sát Khê Ông đến để bàn việc thêm. Trong cuộc họp hôm nay còn có những điều không tiện nói. Cuộc gặp này, ta sẽ dặn kỹ càng hơn, nhiều việc phải làm và nhiều việc phải chỉ đạo nhanh làm ngay thì còn kịp. Suốt ngày làm việc quân, vì tuổi đã về già, ông đã cảm thấy mỏi mệt. Ông tạm nằm xuống giường và tranh thủ ngủ một tý cho người được tỉnh táo hơn. Khi tỉnh dậy thì đã thấy Khê Ông và Đề Kiều ngồi bên cạnh.
Thấy quan Hiệp thống Đại thần có vẻ mệt nhọc, Đề Kiều nói:
- Tướng công cứ nằm, chúng tôi ngồi bên nghe là được.
- Không, ta chỉ nằm nghỉ chút thôi, người khỏe mà. Tuổi già, nó đến nhanh. Vận nước lại lâm nguy phải gắng phò vua. Khê Ông theo ta lên đây, hơn năm rồi đấy, sức khỏe giảm nhanh, trông có vẻ gầy yếu. Liệu trong người có bệnh gì không?
- Không, cũng chỉ thấy người hơi mệt. Hiệp thống cố gắng thì chúng tôi phải quyết chí noi theo.
Quan Hiệp thống ngồi dạy, bảo mọi người đi ra bàn ngồi. Bộ bàn ghế mới đóng sơn bóng nhoáng, thơm mùi gỗ mít, được Lý trưởng Nguyễn Gia Hè làngTiên Động đem cho. Lính Tình nhanh nhẹn pha nước chè xanh vào ấm và rót nước ra những cốc sành men nâu mời nước các quan chỉ huy.
- Sớm mai ta đi rồi, sớm hơn một ngày, đường sang Vân Nam nhiều đèo cao suối sâu. Việc lại không báo trước, không định được, có lẽ thời gian sẽ kéo dài. Ở nhà có biến động, giặc Pháp đánh vào căn cứ, quân ta phải cố giữ vững đợi tôi về. Cuộc họp chiều nay, ta mới vỡ lẽ cố thủ và phòng thủ chỉ có lợi cho việc bảo toàn, không có lợi mở rộng phạm vi ảnh hưởng, không gây được thanh thế, không tạo được bước chuyển có tính chất chiến lược quyết định cho thắng lợi. Như chúng ta đã nhận định địch sẽ đánh Thanh Mai-Thạch Sơn và Tiên Động. Chúng sẽ đánh Thanh Mai-Thạch Sơn trước, rồi sẽ đánh Tiên Động sau. Đề Kiều cho ngay người về Thanh Mai bảo với Hiệp đốc Giáp bàn với các tướng phải cố giữ cho được các vị trí chiến lược đó. Nếu khả năng không giữ nổi thì cho rút quân về đây. Quân của Tán Dật thì cho lui quân về đất Lang Sơn, Hạ Hòa quê của ông ấy, ngay bên kia sông Thao bảo vệ cho phía đông căn cứ Tiên Động. Tuần trước, tôi có đi Xuân Áng phong chức cho Lãnh Khanh, Lãnh Đa, Lãnh Chấp và đến Chí Chủ phong chức cho Lãnh Tứ, Đốc Hậu, Lãnh Cắng, thấy bên hữu sông Thao lực lượng còn mỏng cần phải được bổ sung, củng cố.
Đề Kiều bàn ngay về phiên chế:
- Nếu Hiệp đốc Nguyễn Văn Giáp rút quân về đây, thì Hiệp thống Đại thần nên có văn bản giao toàn quyền chỉ huy căn cứ cho ông ấy.
- Ta đã nghĩ đến tình huống như thế, không ngờ anh đã nghĩ trước rồi. Anh sẽ trao quyền và giúp Hiệp đốc Giáp chỉ huy đánh giặc bảo về căn cứ Tiên Động.
- Vâng, con sẽ thi hành ngay, nếu việc ấy đến.
- Nếu Bố Giáp về đây, tôi xin làm Tán tương quân vụ, không làm phó chỉ huy nữa. Tướng công thấy tôi già yếu rồi, không thể xông pha nơi gió sương, lửa đạn. Cấp chỉ huy trực tiếp phải giao cho người khỏe trẻ, năng nổ, nhiệt tình, mưu lược, dũng mãnh, có uy phong làm cho kẻ địch phải sợ.- Phó chỉ huy Khê Ông đề nghị.
- Việc đó để tôi về sẽ bàn sau. Già được như quan Án sát Khê Ông thì ai bằng nào!
Hai vị chỉ huy nghĩa quân nhìn nhau cười, trên cằm rung rinh những sơi râu bạc.
Đề Kiều mang bộ đồ quan nhất phẩm nâng trên tay trịnh trọng:
- Mẹ con, vợ con mua vải lụa dệt may tặng Hiệp thống bộ xuân phục quan triều đi sứ. Hiệp thống Đại thần nhìn và mặc thử vào xem sao!
- Gia đình anh lo cho ta chu đáo quá! Quần áo ta nhìn qua đủ thấy vừa rồi, trông đẹp và sang trọng quá!
- Cô Năm vợ con và cô Thân vợ Đốc Biêu, cô Quỳnh vợ đội Tất may và thêu đấy!
- Những người phụ nữ vùng sông Thao rõ là tuyệt vời! Thật đủ bốn đức “công, dung, ngôn, hạnh”. Anh cho tôi gửi lời cảm ơn nhé! Ta cũng cho anh biết cô Thuế vợ Tán Áo cũng đã sắm đủ quần áo cho những người cùng đi.
- Vâng a, con đã nghe Tán Áo nói chuyện trong bữa cơm chiều nay. Còn việc đoàn đi chuyến này, con tính cấp cho năm con ngựa vừa dùng làm ngựa cưỡi và ngựa thồ. Mười ba khẩu súng, cấp cho đội bảo vệ. Một số tiền và lương thảo đủ ăn và chi tiêu dọc đường.
- Thôi được, những cái đó để ta bàn thêm với Đề Hoan. Đi sứ trong hoàn cảnh mất nước, vua quan trốn chạy phải ẩn mình trong rừng xanh núi đỏ, thật khổ hết chỗ nói. Làm sao đoàn đủ được uy thế cho người ta nể trọng?
Sáng hôm sau Đề Kiều đến Đại bản doanh rất sớm để tiễn đoàn. Người đi đã tập hợp đầy đủ, phương tiện, hành lý, vũ khí tự vệ được mang ra chuẩn bị. Đúng giờ khắc tốt, đoàn cất bước lên đường. Ngựa của Đề Hoan dẫn đầu, con ngựa hồng cao lớn của Hiệp thống, Chánh sứ của Đức Vua Hàm Nghi đi thứ hai, bám theo sau là ngựa của Chu Thiết Nhai và Tư vụ Trần Ngọc Dư, tiếp sau là binh lính mang súng trường và gồng gánh hành lý, quân lương đi bộ. Người đi sau cùng cưỡi con ngựa màu xám, vai đeo súng trường là Phó Đốc binh Đàm Đức Lương.
Đoàn sứ thần đi Vân Nam trình quốc thư đang vượt núi đồi Tiên Động vào Sơn Lương lên Đại Lịch. Ngồi trên lưng ngựa quan Hiệp thống đại thần thấy cảnh núi non hùng vĩ, trên đường đi tới con người phải vượt lên, băng qua muôn vàn gian nan. Sự nghịêp vinh quang đang chờ ta ở phía trước. Phải đem lòng son sắt của ta báo đền nợ nước, ơn vua. Đạo quân thần đặt trên đầu, lòng trung có trời soi xét. Đi khắp non sông nơi nào cũng mong được bình yên.
Những ý thơ đó được quan Hiệp thống ngồi trên lưng ngựa viết ra thành bài thơ tứ tuyệt bằng chữ Hán. Khi đến một lùm cây mát mẻ bên bờ suối vắng, đoàn dừng chân nghỉ, Hiệp thống đưa ra cho Cử nhân Trần Ngọc Dư xem bài thơ chữ Hán ông vừa viết, người tự vụ lặng lẽ đọc:
SƠN HÀNH TỰ ỦY
Kỳ khu mạc phạ lộ hành nan,
Đồ báo dư sinh thệ thốn đan.
Đầu thượng quân thần thiên nhật chiếu
Giang sơn đáo xứ hộ bình an.
Dựa vào chữ và nghĩa, người tư vụ dịch ngay thành thơ và đọc ngân vang:
ĐƯỜNG ĐI NÚI TỰ AN ỦI
“ Gập ghềnh chẳng sợ bước gian nan,
Cứu nước thân già dạ sắt son.
Trung hiếu trên đầu trời chiếu dọi,
Giang sơn che chở được bình an.”.
Hiệp thống chú ý nghe, nhìn chăm chú:
- Mọi người có thấy hay không nào, xin có ý kiến?
Anh lính Đặng Xuân Tình nói to:
- Con thấy hay lắm ạ. Chuyến này đi sứ, quan Hiệp thống nên làm nhiều thơ như quan nghè Nguyễn Xuân Ôn và Đình nguyên Phan Đình Phùng. Ngày hai vị văn thân ấy ra Hội tướng ở Tiên Động đã nhắc Tướng công là phải lấy văn chương thể hiện tinh thần khí phách của mình, đồng thời phải phản ánh sự hy sinh cao cả của nhân dân và tướng sỹ nữa.
Quan Hiệp thống nhìn người lính Tình trẻ đẹp, thật đáng yêu. Người lính cần vụ này thông minh, có trí nhớ tuyệt vời. Người như thế mà được đào tạo bài bản, học hành chu đáo sẽ trở thành một trí thức lớn làm lợi cho nước cho dân. Sực nhớ tới nhiệm vụ hiện tại, ông nhìn người lính Tình thân thương định nói một câu gì đó. Nhưng không, ông đứng dậy nhìn ra xa hướng về phía trước nơi núi non trùng điệp, lấy hơi thở dài và nói: - Ta đi nào! .