Bộ chỉ huy Pháp họp tại thành Hà Nội do trung tướng, thống tướng Đờ Cuốc-xi ( Rousset de Cuoxy) chủ trì. Thành phần gồm các chỉ huy các binh đoàn Pháp, các quan lại xứ Bắc Kỳ gồm quan Kinh lược sứ Nguyễn Trọng Hợp, các quan tổng đốc, tuần phủ, bố chánh các tỉnh Hưng Hóa, Nam Định, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... Bố chánh Hưng Hóa Bùi Quang Thích vừa học tiếng Pháp nghe thống sứ nói đã hiểu, lại được viên thông ngôn dịch ra tiếng Việt nên càng rõ:
“ Chúng ta đang có những yếu tố thuận lợi rất cơ bản cho sự nghiệp bình định, lập lại trật tự tại Việt Nam. Chính phủ Pháp đã được thượng viện thông qua 75 triệu Phờ-răng, nhất trí việc chiếm đóng lâu dài Bắc Kỳ, tăng thêm 3000 quân chi viện. Đó là điều lợi cơ bản nhất của chúng ta và tương lai xứ sở này sẽ được bình yên.
Quân nhà Thanh đã rút, chúng sợ quân Pháp tiến công sang Quảng Tây, Quảng Đông. Bây giờ trong nước chỉ còn lại quân Cần Vương của Hàm Nghi và quân của các văn thân cố tình chống đối nhà nước Pháp bảo hộ. Họ còn làm chủ những vị trí chiến lược quan trọng, đang cố tình quấy rối quân đội Pháp và quân Nam triều. Hàm Nghi đã từ bỏ ngai vàng theo đảng nghịch của Phụ chính Tôn Thất Thuyết, chạy ra Quảng Trị. Nghe nói người ấy đang ở Quảng Bình ra Lệnh dụ thiên hạ Cần Vương. Quân Pháp đã đánh thắng âm mưu phản loạn của chúng tại Kinh thành Huế, đang tiếp tục truy kích để bắt sống Hàm Nghi và bọn cầm đầu. Vừa rồi ở Huế, tôi và khâm sứ Rây-na (Rheinart) đã dựng vua Đồng Khánh lên ngôi thay Hàm Nghi và cử nhà vua ra xứ Quảng Bình dụ dỗ Hàm Nghi trở về, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả gì.
Vậy ta phải tiến công truy bắt Hàm Nghi, tiêu diệt hết bọn văn thân, bọn Cần Vương. Nhà nước Pháp đã giao cho thiếu tướng Gia-mông ( Jamont) làm tổng chỉ huy lực lượng quân đội Pháp ở Bắc Kỳ, với tổng số 20 000 quân; cộng với lính tập, lính cơ là những binh lính Việt Nam, lính Tàu do Pháp thu phục quản lý thêm gần 5000 người nữa. Lực lượng pháo binh gồm có 30 đại đội, gần 200 khẩu đại bác, 50 tàu chiến, có đủ cơ số đạn 20000 viên và xăng dầu để cơ động hành quân tiêu diệt địch trên khắp xứ.
Quân Pháp chưa bao giờ mạnh và thuận lợi như bây giờ. Việc đánh giặc Tàu xâm lược Việt Nam coi như đã xong. Chúng ta sẽ khóa biên giới Việt Trung, kiểm soát chặt chẽ con người, đặt mối giao thương làm ăn, dần dần ổn định an ninh, chính trị, xã hội và tiến hành khai thác thuộc địa. Việc bình định phải tiến hành làm gấp, giải quyết ngay nạn nổi dậy đánh phá của văn thân và quân Cần Vương.
Trên vùng đất Bắc Kỳ, quân phiến loạn tập trung nhiều nhất, hoạt động mạnh nhất ở vùng sông Thao,Hưng Hóa. Các vị nhìn lên bản đồ thì thấy lực lượng địch ở Thanh Mai, Thạch Sơn và Tiên Động như cái gai cắm vào mắt ta. Theo điều tra chúng có mấy nghìn người, hoàn toàn có thể chiếm lại thành Hưng Hóa, Sơn Tây và Hà Nội. Chúng đang hoạt động và chuẩn bị ráo riết cho việc bao vây tiến công quân Pháp. Nếu quân Pháp không đánh bại họ thì nguy cơ họ đánh bại quân Pháp rất rõ ràng.
Nếu Hàm Nghi được đưa ra Bắc thì phong trào Cần Vương không thể dập tắt. Họ sẽ mạnh dần lên đánh bại quân ta, chúng ta chỉ một con đường là cuốn cờ chạy ra biển Đông về với nước Pháp. Bao nhiêu cố gắng của quân đội viễn chinh Pháp gần 30 năm qua sẽ là con số không. Cho nên chúng ta phải tập trung quân tiến công quyết liệt, phải xóa hết những vết đen trên bản đồ. Tập trung giải quyết nhanh các căn cứ địch bên hai bờ sông Thao, mở thông con đường Hà Nội - Lào Cai đồng thời tiến công ngay các vị trí mà quân Cần Vương vừa nổi dậy trên khắp Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Đánh đến đâu, thì ta lập ngay chính quyền đưa ngay người về trị nhậm tại các lỵ sở phủ, huyện, châu và các tổng, các làng họ đang chiếm giữ phải chuyển nhanh về tay chúng ta kiểm soát”.
Thống tướng Đờ Cuốc-xy dừng lời, Thiếu tướng Gia-mông (Jamont) vội đứng dậy, trịnh trọng:
- Thưa thống tướng! Việc trước tiên, phải tiến công tiêu diệt căn cứ Thanh Mai-Thạch Sơn cần đến 10000 quân. Ba binh đoàn chủ lực đã được điều động gồm hơn 6000 quân. Tôi giao cho các tướng chỉ huy trực tiếp như sau:
“ Binh đoàn thứ nhất, do Thiếu tướng Gia-me ( Jamais) chỉ huy gồm 71 sỹ quan, 2081 lính, ( trong đó có 1035 lính An-giê-ri, 434 lính cơ và 4 đại đội lính pháo với 612 lính). Số quân này, đang đóng ở thành Hải Dương sẽ cho hành quân gấp lên Việt Trì. Từ đấy, đánh lên phía Hùng Lô, Phù Ninh vào làng Kim Đức vòng phía tây núi Nghĩa Lĩnh, tới làng Hy Cương và làng Chu Hóa chiếm căn cứ Thanh Mai từ phía Bắc-Tây Bắc. Đây là đội quân tiến đánh vào xóm Dõng bắt sống Bố chánh Nguyễn Văn Giáp, Lãnh binh Nguyễn Văn Như mà dân ở đó gọi là Lãnh Mai và các thủ lĩnh khác”.
Thiếu tướng Gia-me đứng dậy:
- Tôi xin thi hành mệnh lệnh!
“ Binh đoàn thứ hai, do tướng Mu-ni-e (Munie) chỉ huy, gồm 47 sỹ quan, 1827 lính (trong đó có 698 lính Âu, 300 lính Phi, 508 lính cơ và 4 đại đội pháo với 321 lính)). Binh đoàn này đang đóng tại thành Bắc Ninh, chuyển nhanh lên thành Sơn Tây. Sau đó từ thành Sơn Tây tiến sang tây Việt Trì, chiếm làng Minh Nông, Cao Xá, Trình Xá. Khống chế không cho địch thoát qua sông Thao sang Ba Vì, ngược sông Đà ngăn sự tiếp ứng quân cho Đốc Ngữ. Tiến công tiêu diệt đồn tiền tiêu Minh Nông, đánh thẳng vào xóm Bàn Cờ tiêu diệt địch quân ở đấy và tiến vào đại đồn ở xóm Lảo Quân”.
Thiếu tướng Mu-ni-e đứng dậy:
- Tôi xin y lệnh! Nhưng thưa tổng chỉ huy, cho chúng tôi được phép dùng pháo binh bắn phủ đầu, tiêu diệt 80% các công sự, phòng tuyến của địch quân, cho chúng tôi giết hết lũ dân binh đến tiếp cứu.
- Đạn pháo nhiều, các anh có thể dùng thoải mái. Việc bắn giết thì cứ việc làm, nhưng chúng ta không đi quá xa những điều hiệp ước “ hòa bình và hữu nghị” giữa hai dân tộc Pháp-Việt; cần giao cho các quan An Nam, lính cơ, lính tập của họ làm việc trị dân.
- Vâng lệnh!
“ Binh đoàn thứ ba, do đại tá Muốc-lăng (Moulan) chỉ huy, gồm 65 sỹ quan 1909 lính (trong đó 1087 lính Âu, lính Ả rập và 410 lính cơ, ba đại đội pháo 415 lính), Đây là binh đoàn mới từ Pháp sang, chưa thông thạo tác chiến chống quân nổi dậy An Nam. Binh đoàn này đang đóng tại thành Hà Nội, sẽ hành quân lên thành Hưng Hóa, chiếm giữ vùng hữu ngạn sông Thao, tiến công chiếm đóng hai làng Tự Cường, Hiền Quan. Từ đó vượt sông Thao đánh vào căn cứ Thạch Sơn, chiếm lại lỵ phủ Lâm Thao ở làng Cao Mại, khống chế địch quân ở Thanh Mai từ phía đông chạy về hợp quân với Tiên Động”.
- Vâng lệnh!- Muốc-lăng đứng lên nói- Nhưng chúng tôi đề nghị cho quan năm Đu-che-nơ làm phó chỉ huy binh đoàn của chúng tôi, vì ông ấy đã quen biết mặt trận này!
Thiếu tướng Gia-mông nhìn viên quan năm buồn rầu nói:
- Đáng tiếc, đại tá Đu-che-nơ vừa bị quân nổi dậy bắn chết tại rừng Yên Thế! Một vị tướng có kinh nghiệm, xông xáo, dũng mãnh là Đờ Nê giơ-ni-e cũng đã bị thương nặng xin về Pháp điều dưỡng rồi. Chúng tôi sẽ cử quan tư Béc-na-mông-ty ( Bernardmonty) với số quân đang đóng trên các vị trí quan trọng tại vùng này có 1500 quân cùng tiến đánh phủ đầu, áp chế căn cứ Tiên Động. Ông ta sẽ tận tình giúp đỡ binh đoàn của Muốc-lăng khi cần thiét.
Thiếu tướng Gia-mông nhìn các chỉ huy binh đoàn một lượt nói tiếp:
- Chúng tôi sẽ cho ba tiểu đoàn công binh hỗ trợ các hướng tiến công, 15 tầu chiến tuần tiễu liên tục chặn địch trên sông Thao từ HạcTrì-Hưng Hóa-Tuần Quán gồm 2500 quân. Như vậy, cuộc tiến công của chúng ta gồm hơn 10 000 quân. Thực hiện 10 đánh 1, ưu thế hơn hẳn về pháo binh, về tàu chiến ta sẽ giành thắng lợi.
Viên thiếu tướng nhìn viên quan tư:
- Béc-na-mông-ty đã quen mặt trận sông Thao, ông đã cùng đội quân của mình đánh giành lại các chốt Tứ Mỹ, Phong vực, Tình Cương, chiếm cứ các chốt mới tại Sai Nga, Phùng Xá, cửa ngòi Rành, ngòi Lao, ngòi Vần. Không cho địch quân đi lại bằng con đường sông Thao nữa và chặn đứng việc đi lại, tiếp tế, chi viện của quân phản loạn từ miền xuôi lên và hai bên bờ tả hữu sông Thao. Chúng tôi sẽ huy động thêm 10 tàu chiến và 3 đại đội pháo với 15 khấu đại bác để hỗ trợ cho đội quân này. Quan tư có nhiệm vụ đánh phủ đầu căn cứ Tiên Động, ngăn chặn địch hỗ trợ cho nhau nhất là Tiên Động cứu viện cho Thanh Mai-Thạch Sơn.
Béc-na-mông-ty vội vàng đứng dậy:
- Xin tuân lệnh!
Thống tướng Đờ Cuốc-xy nhìn các các sỹ quan Pháp:
- Chúng ta phải cố gắng quét sạch bọn phản loạn tại vùng sông Thao, Hưng Hóa trong một thời gian ngắn. Không cho bọn văn thân, bọn Cần Vương hợp sức, liên kết lại với nhau. Chỗ nào nổi lên thì phải đánh dẹp cho xong, đuổi chúng ra xa Kinh đô Huế và thành Hà Nội, phải cố gắng tiêu diệt hết bọn cầm đầu. Sau đó dùng chính sách mua chuộc, dụ dỗ làm yên dân, lập lại trật tự xã hội.
Thống tướng đưa mắt nhìn các quan lại người An Nam:
- Hôm nay, chúng tôi mời các ông về dự họp để nắm được tình chung. Ở Kinh thành Huế tình hình đã được ổn định. Vua Đồng Khánh đã lên ngôi hết lòng trung thành với Đại Pháp. Ông Phụ chính Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật tham gia nổi loạn đã ra thú, được giao nhiệm vụ dụ Hàm Nghi ra đầu hàng nhưng không xong. Chúng tôi đã đưa họ đi đày ngoài đảo Côn Lôn và sẽ cho đi Ha-hi-ti (Hahiti) an tri. Coi việc triều chính ở Huế, chúng tôi đã đưa các cựu thần Nguyễn Hữu Độ, Phan Đình Bình lên thay giặc Thuyết và giặc Tường. Hiện nay, chúng tôi đã truy nã ráo riết tên Tôn Thất Thuyết, treo giá rất cao ai bắt sống được thì trao phần thưởng 1000 lạng bạc, ai chặt được đầu hắn thì trao thưởng 800 lạng, được nhận hàm ngũ phẩm trở lên.
Đờ Cuốc-xy liếc mắt nhìn các quan Tây và quan An Nam lên giọng:
- Ai trong chúng ta ngồi đây sẽ giành được phần thưởng? Phần thưởng này sẽ không phân biệt người Nam hay người Tây, cốt bắt hoặc chặt đầu hắn mang về sẽ được thăng thưởng.
Một số quan An Nam nghe nói có vẻ mừng, nhưng nghĩ đến việc bắt sống hoặc chặt đầu Phụ chính Tôn Thất Thuyết thì hồn bay phách lạc. Phụ chính rất hiếu sát, người thường trông đã sợ, ai còn dám mưu sự giết và bắt ông ta. Các sỹ quan Tây thì hy vọng có thể may mắn bắt hoặc giết người này. Biết đâu cuộc hành quân đánh địch ở mạn sông Thao xa xôi này lại bất ngờ làm được việc ấy.
Thống tướng nhìn các quan lại người Nam vỗ về:
- Các ông quan An Nam thân mến! Chúng tôi đem quân đi kinh lý nước các ông là để tiếp tục sự nghiệp khai hóa các dân tộc còn man di ở cõi Viễn Đông này. Chúng tôi phải hy sinh rất nhiều người, nhiều của để có được các hiệp ước Hòa bình, An ninh, Hữu nghị và Thương mại với Việt Nam. Nước các ông rất khổ về nạn giặc trong nước cướp phá, nạn ngoại xâm từ Trung Quốc sang. Nay có chúng tôi hợp tác, nước các ông được bình an chẳng phải sung sướng lắm ru! Còn một số đông Văn thân, nghĩa sỹ Cần Vương đang chống lại chúng tôi, rồi họ sẽ hiểu ra nước Pháp đã vì đại nghĩa mà tự triệt thoái, bó tay trở về với Nam triều, với nước Đại Pháp. Nước Việt Nam từ cổ chí kim vẫn thuộc về các ông, như Đức Vua Tự Đức và các quan lại tiến bộ chủ hòa đã nghĩ đúng đấy. Người Pháp ở xa không bao giờ chiếm nước Việt Nam sát nhập vào nước Pháp, họ đến để giao thương, truyền đạo giáo, nên đánh đuổi họ làm gì.
Nhìn các quan xứ An Nam với vẻ dè dặt, thống tướng khẽ nhếch mép cười:
- Các ông là những người vị thời thế cộng tác đắc lực với nhà nước Pháp đã và sẽ được thăng thưởng. Bổng lộc các người được nhà nước Pháp chu cấp đầy đủ. Đừng nghe Chiếu dụ Cần Vương mà sinh ra hai lòng. Chúng tôi sẽ đánh mạnh để tiêu diệt hết lũ giặc cỏ đang quấy rối. Khi tiến công đến đâu thì các quan các tỉnh, phủ, huyện, châu giúp sức lập trật tự đến đó. Trước mắt là lập lai bộ máy chính quyền ở các lỵ sở và sau đó cố gắng kiểm soát, ổn định được các làng tổng. Cấm ngặt không cho chúng lấy quân và thu lương thực, thực phẩm! Phải mạnh tay trấn áp người dân, trừng trị, giết sạch bọn cố tình phản loạn, tha bổng những kẻ biết hối cải trở về với quốc gia, với nước Pháp.
Bỗng dưng thống tướng sắc mặt đỏ gay, nói giọng đe dọa:
- Tuy vậy, có nhiều quan An Nam đang có chí thoái trào, từ quan về ở ẩn. Như quan Tam nguyên Nguyễn Khuyến xin cáo lui, giả ốm bệnh để từ chức quan tổng đốc Sơn Tây mà chính quyền bảo hộ ưu tiên dành cho. Bây giờ tôi giao tên Nguyễn Khuyến cho quan Tuần phủ Lê Hoan quản thúc. Ông Dương Khuê được chúng tôi bổ nhiệm thay ông Nguyễn Khuyến làm tổng đốc Sơn Tây, phải cố gắng vào đấy nhé, đừng bắt chiếc Phó bảng, Tổng đốc Lã Xuân Oai cáo quan về vừa nổi loạn ở Thạch Đồng, Ý Yên, Nam Định là không xong với nước Đại Pháp.
Thống tướng đưa mắt nhìn Hoàng Cao Khải với dáng người tinh ranh:
- Cứ như Tuần phủ Hải Dương đây và Tổng Đốc Hà Nội Phùng Quang Đáng thì nước Đại Pháp có phúc bao nhiêu. Hai ông đã có kế hoạch và hành động rất kịp thời, dẹp yên các mầm mống phản loạn từ trứng nước, như cuộc nổi dậy của bính lính An Nam đóng tại thành Hải Dương. Bắt và giết hàng trăm người từ các cuộc nổi dậy của bọn phản loạn trên khu vực đồng bằng Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định. Chúng tôi đã đề nghị nhà nước Pháp tặng thưởng Bắc đẩu bội tinh cho hai ông này rồi.
Các sỹ quan Pháp dự họp đồng loạt vỗ tay tán thưởng công lao của hai viên quan người Việt đã cống hiến cho nước Đại Pháp.
Hoàng Cao Khải đứng lên:
- Chúng tôi xin cảm ơn ngài quan lớn Đờ Cuốc-xy! Được chiến đấu bên ngài chúng tôi tự thấy mình rất hạnh phúc được góp phần chiến tích cho sự nghiệp vinh quang của nước mẹ Đại Pháp. Chúng tôi cần phải được hỗ trợ từ các cuộc hành quân của quân đội Pháp. Quan quân chúng tôi sẽ làm hết sức mình phục vụ quân đội Pháp và nhà nước Đại Pháp. Nước tôi, dân chúng còn đang mê muội, văn hóa lạc hậu, chí khí ươn hèn. Rất mong được người Pháp tiên phong khai hóa, canh tân.
Tổng đốc Hà Nội Phùng Quang Đáng giọng lè nhè như người say rượu:
- Thưa ngài Đờ Cuốc-xy và các quan lớn! Nước An Nam chúng tôi phận mỏng, kém cỏi, yếu đuối được nước Pháp vực dậy thật sung sướng biết bao. Từ nay, chúng tôi có nước Pháp bảo hộ còn gì sung sướng tự do bằng. Trong cuộc chiến chống quân Cần Vương và bọn văn thân lâu dài và gian khổ nhưng đảm bảo chiến thắng một trăm phần trăm.
- Đúng đấy! Các quan An Nam sẽ không phải vất vả lâu lắm đâu. Chừng năm bẩy năm nữa thôi là sẽ hết nổi loạn. Nước Pháp chúng tôi sẽ chi viện đắc lực cho An Nam về các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa. Trước mắt, chúng tôi sẽ đặt bộ máy cầm quyền, bên cạnh chính thể Nam triều. Đừng nghĩ chúng tôi sang cai trị An Nam, có chúng tôi bên cạnh An Nam sẽ mãi mãi hòa bình, ổn định và phát triển.
Kinh lược sứ Nguyễn Trọng Hợp khúm núm:
- Nhờ ơn Đại Pháp mà nước chúng tôi được bình yên trước nạn giặc Tàu xâm lăng. Chúng tôi nguyện phục vụ cần mẫn, trung thành tuyệt đối với nước Pháp bảo hộ. Xin ngài thống tướng chớ âu lo, phiền muộn mà ảnh hưởng đến ngọc thể.
- Không đâu, quan Kinh lược sứ Bắc Kỳ chờ bận tâm. Có các quan An Nam hợp tác giúp đỡ việc kinh lý của chúng tôi sẽ giành thắng lợi. Hạn chế thấp nhất sự hy sinh tính mạng và của cải. Tới đây, chúng ta sẽ khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế thuộc địa để bù vào những mất mát của cuộc viễn chinh lâu dài nhất của lịch sử quân đội Pháp. Một lần nữa, tôi mong các sỹ quan Pháp, các quan An Nam thành thật cộng tác, cố gắng hết mình giành thắng lợi mỹ mãn trong các cuộc hành quân bình định sắp tới.
*
Cuộc họp tan, các sỹ quan Pháp lục tục ra về đơn vị, các quan ta được phép ra phố Hà Nội và tự về nhiệm sở. Tướng Gia-mông còn yêu cầu Bố chánh Hưng Hóa Bùi Quang Thích cùng về Bộ chỉ huy tiền phương của quân Pháp đang đóng ở thành Sơn Tây. Sau hai tiếng, tàu chiến Pháp đưa hắn từ Hà Nội về bến Đường Lâm theo xe ngựa vào thành Sơn Tây. Bùi Quang Thích đã chứng kiến toàn bộ cảnh thành Sơn Tây đổ nát, chỉ còn lại cột cờ và tòa nhà hành cung vừa được quân Pháp xây dựng lại. Cổng Tây và cổng Bắc được xây chắn để đề phòng quân Cờ Đen, quân khởi nghĩa quay lại tiến công. Trông lại nơi mình đã ở, làm chức quan Tán lý y cảm thấy ghê ghê, khi ngửi thấy mùi người chết còn tanh lợm. Y về trị nhậm ở thành Hưng Hóa càng sợ hơn, thành bị đạn pháo của Pháp bắn phá tan tành, xác quân lính Pháp và thân thể của người Nam ta, người Tàu bị nát tan vẫn còn tỏa mùi khăn khẳn. Hơn một năm nay mà mùi uế khí ấy cũng chưa tan hết, y cảm thấy rùng mình.
Y sợ chết đành phải theo quân Pháp, nhiều khi y nhận thấy nhục nhã lắm. Nhất là khi bị các sỹ quan Pháp đe dọa, xỉ vả. Hôm nay, ngồi họp nghe các quan Pháp bàn về đánh Thanh Mai-Thạch Sơn và Tiên Động, y cũng cảm thấy nao lòng. Pháp sẽ đánh nơi ấy là đánh vào những người quen thân. Y đã một thời làm tán lý cho quan Án sát Sơn Tây Nguyễn Quang Bích, người mà y kính yêu và cảm phục nhất. Con người trung nghĩa, khảng khái, có học vị cao, làm quan to mà không quên làm điều nhân đức, thu phục nhân tâm cả những người Tàu lầm lạc như Lưu Vĩnh Phúc, Lý Phúc. Người như Chu Thiết Nhai làm Phiên phó sứ rất ngưỡng mộ ông theo về giúp nước Nam, đánh đuổi giặc Pháp lập công. Năm 1883, y lại làm Tán lý giúp việc cho quan Bố chánh Nguyễn Văn Giáp, người Tả Thanh Oai, con nhà dòng dõi có đến 4 đời đỗ đại khoa, làm quan to trong các triều đại trước. Những người như Tán Dật, Lãnh Mai và nhiều quân lính quen biết, đều là những người tử tế, chính trực. Họ là những người yêu nước, suy nghĩ sâu xa, biết rằng sự nghiệp chống Pháp có thể bị thất bại, họ sẽ bị chết, gia đình tan nát nhưng đều nguyện xả thân làm việc nghĩa đánh giặc đến cùng. Y miên man suy nghĩ và đưa mắt nhìn về phía bắc thành, phía ấy là ngã ba sông Thao, sông Đà, sông Lô. Mé bên trên là Thanh Mai, Thạch Sơn, xa xa về phía thượng lưu sông Thao chừng hơn 100 dặm là đất Tiên Động.
Viên sỹ quan phụ tá ra mời Bố chánh Hưng Hóa Bùi Quang Thích vào phòng làm việc của thiếu tướng Gia-mông. Ngôi nhà mái bằng xây theo kiểu tây, có maí hiên rộng và có các căn phòng khép kín. Bên ngoài sân trồng những cây long não đang lên xanh mát. Khi quan bố chánh bước vào phòng, Gia-mông đứng dậy:
- Chúng tôi mời quan bố chánh Hưng Hóa đến là có việc cần thiết. Ông có biết chúng tôi bàn về vấn đề gì không?
Quan bố chánh giả ngô giả ngọng:
- Thưa quan lớn! Tôi không được biết ạ.
- Chẳng có việc gì khác là việc đánh bại quân phản loạn đóng ở Thanh Mai-Thạch Sơn và Tiên Động. Ông đã nghe kế hoạch đánh Thanh Mai-Thạch Sơn rồi đó. Lực lượng của quân đội Pháp rất lớn, chúng tôi sẽ đánh và nhất định thắng. Nhưng trước khi đánh chúng tôi vẫn phải làm binh vận mà sử sách các ông nói là “ tâm công” đánh vào lòng người. Nghĩa là du dỗ, mua chuộc đối phương để tướng sỹ của họ bãi binh ra đầu thú trở về với quân Pháp. Nhà tư tưởng quân sự Tôn Tử, người Trung quốc có bàn:“ Bách chiến bách thắng không phải là người giỏi trong những người giỏi, không đánh mà thắng mới là người giỏỉ trong những người giỏi”. Chúng ta đem quân đi đánh vào căn cứ của đối phương có thắng họ phải đổi một giá rất đắt mất nhiều người và của. Chúng tôi muốn thắng họ bằng mua chuộc, dụ dỗ, hai bên đỡ phải hy sinh vô ích. Vẫn còn các chức quan dành cho họ, như chức tổng đốc Hưng Hóa dành cho Bố chánh Nguyễn Văn Giáp, chức lãnh bính Hưng Hóa dành cho Nguyễn Văn Như, chức Phụ chính đại thần triều đình Nam triều dành cho Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích và các chức quan khác đang chờ họ về nhận đấy.
Gia-mông nhìn vào Bố chánh Bùi Quang Thích:
- Tôi cử ông vào các căn cứ Thanh Mai và Tiên Động dụ Nguyễn Văn Giáp và Nguyễn Quang Bích đầu hàng về với quân đội Pháp và về với vua Đồng Khánh. Trước khi quân ta tiến công, ông hãy cùng tri phủ Lâm Thao là Nguyễn Khắc Hợp đi đến căn cứ Thanh Mai và Tiên Động gặp gỡ những con người mà ông vốn quen biết mà vận động họ đem quân lính ra đầu hàng. Chúng tôi hứa sẽ ưu đãi họ, không bao giờ nuốt lời.
Lúc này, viên bố chánh đã hiểu nhiệm vụ được giao, theo thói quen của các sỹ quan Tây, y nhanh nhẹn đừng dậy:
- Xin y lệnh!
- Tốt lắm! Bố chánh về thu xếp đi nhanh lên nhé, càng sớm càng hay. Chúng tôi trông chờ vào kết quả dụ hàng của ông đem lại.
- Đây là hai thư của thống tướng Đờ Cuốc-xy gửi cho Bố chánh Sơn Tây Nguyên Văn Giáp và Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích.- Gia-mông lấy từ cặp da đen bóng hai lá thư gửi cho hai vị chỉ huy của đối phương đưa cho quan bố chánh- Ông cứ nói những điều tôi vừa nói, các ông ấy mà tỉnh ngộ sẽ làm như điều yêu cầu tôi viết trong thư riêng. Thư này cũng là bùa hộ mệnh của quan bố chánh đấy. Nếu việc không xong thì khoảng 20 tháng 10 chúng tôi sẽ nổ súng đánh Thanh Mai-Thạch Sơn và cho quân đánh phủ đầu Tiên Động.
Gia-mông ngừng lời, nhìn ra ngoài trời vẻ nhân từ:
- Binh vận bao giờ cũng là việc làm nhân đạo cho cả hai bên đối phương. Quan bố chánh đừng ngại ngần đi vào nơi gươm súng. Những lá thư dụ hàng của chúng tôi cũng rất công hiệu cho mà xem.
Quan Bố chánh Bùi Quang Thích nói thật lòng:
- Những con người như Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích và quan Bố chánh Nguyễn Văn Giáp khó mà gọi hàng. Nhưng với nghiệm vụ người đi “ tâm công” tôi hết lòng làm việc để có kết quả cao nhất, thể hiện lòng trung thành của tôi với nước Pháp và với quân đội Pháp!
- Và cả với vua Đồng Khánh nữa chứ! Các ông là thần dân của vua An Nam mà. - Gia-mông nói thêm - Bây giờ tôi sẽ cho ông đi tàu chiến về bến thành Hưng Hóa cho nhanh. Ngày mai, ông đi vào Thanh Mai trước. Sau đó, tôi cho tàu chiến từ bên Hưng Hóa ngược dòng sông Thao cập bến Sơn Nga. Ông và Tri phủ Lâm Thao Nguyễn Khắc Hợp tìm vào Tiên Động gặp quan Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích dụ hàng. Biết đâu, các ông ấy nghĩ lại, chúng ta không phải hành quân đánh chiếm nhọc nhằn, chẳng phải là thượng sách đó ư!
Vào khoảng 3 giờ chiều, quan bố chánh Hưng Hóa được thiếu tướng Gia-mông gọi tàu chiến đưa về bến Hưng Hóa. Tàu chạy ra giữa dòng sông Thao, tới ngã ba Hạc mêng mông sóng nước, y cảm thấy bâng khuâng ngắm cảnh cũ mà nhớ người xưa. Ngày còn làm tán lý Sơn Tây, hắn đã theo quan Bố Giáp đi công cán bằng thuyền qua nga ba Hạc. Ngày xưa, Việt Trì từng là trung tâm nhà nước Văn Lang của các vua Hùng. Xa xa là núi Nghĩa Lĩnh có mộ Tổ Vua Hùng, người có công lập nên nhà nước Văn Lang đầu tiên cho con cháu người Việt muôn đời. Bao triều đại, ông cha đã theo gương tiên liệt triều đại Hùng Vương tắm máu quân thù xâm lăng để núi sông Việt Nam trường tồn. Nay Vua Tự Đức và quan quân đã làm mất nước! Pháp đem quân đến đô hộ dân ta, thế mà chúng còn lên giọng là đến để “bảo hộ”, “ khái hóa”, tự làm “ mẫu quốc”, giữ “hòa bình” lập tình “ hữu nghị”. Không, chúng sẽ xiết vào cổ dân Việt Nam những nỗi phu phen, cướp không lúa gạo, tài nguyên, đem xương máu dân mình rải khắp hoàn cầu. Trước mắt chúng sẽ chém giết những người yêu nước thương nòi, bắt bớ đầy đọa dân lành. Y cảm thấy mình như là kẻ nô lệ, phản phúc, tiếp tay cho giặc Pháp. Như Chiếu dụ Cần Vương mà y đã đọc thì y là kẻ phạm tội phải chịu hành xử. Sức nhớ tới những người anh em đang gối đất nằm sương, chiến đấu chống Pháp, y cảm thấy nhục nhã quá. Hỡi trời xanh, con phải biết làm gì cho non sông đất nước! Sống thế nào đây cho khỏi hổ thẹn với cha ông, với anh em mình!
Đất trời sông Thao, Hưng Hóa về buổi chiều thật huy hoàng tráng lệ. Mặt trời đang lặn dần về phía núi rừng xa xa, nước mây rực sáng lên, bầu trời xanh biêng biếc. Những đàn chim mải miết bay về rừng phía tây, bên hai bờ sông Thao thấp thoáng những mái nhà đang tỏa khói lam chiều. Suốt các bến sông, không thấy một bóng người tắm giặt. Trẻ con, người lớn sợ những chiếc tàu chiến Pháp qua lại bắn phá, nên chiều nay thoáng thấy tàu chiến của quân Tây qua là họ chạy ẩn nấp chẳng ngó ngàng gì. Y thấy chiều qua còn có những chiếc thuyền qua lại cả giọng hò bi ai nửa ngợi ca, nửa phê phán : “Hàm Nghi là vị vua trung - Còn như Đồng Khánh là ông vua xằng”. Họ biết thuyền của quan Hưng Hóa xuôi Long Biên, Hà Nội họ đã hát lên lời chê bai, bài xích:
“ Khi bình làm hại dân ta
Túi tham mở rộng chẳng tha thứ gì.
Đến khi hoạn nạn lâm nguy,
Mặt trông ngơ ngác, chân đi gập gềnh”...
Các loại quan lại hèn nhát ấy đã đầu hàng giặc Tây và phản bội dân tộc. Quan bố chánh biết dân hát cố ý đề cho mình nghe, có ý bảo mình là kẻ hại dân, hại nước. Vậy mình phải làm gì đây để khỏi mang tiếng xấu suốt đời. Không thì Vua Hàm Nghi và quan quân ứng nghĩa thắng lợi sẽ trị tội mình, lúc ấy đừng có mà kêu oan.
Tối hôm đó, y gọi tri phủ Lâm Thao Nguyễn Khắc Hợp đến và thông báo việc đi vào Thanh Mai để dụ quan quân phải ra hàng quân đội Pháp. Viên tri phủ sợ xanh mặt, run run thưa:
- Phen này, cầm chắc cái chết rồi! Quân khởi nghĩa sẽ giết chúng ta.
- Không đâu, chẳng ai giết ta cả. Ông cứ tin vào tôi và tìm cách ăn nói cho khéo nghe chưa. Biết đâu quân của Bố Giáp và của Lãnh Mai lại thưn thứn ra hàng thì may cho chúng ta quá!
- Ông tưởng những người như họ là những kẻ vô học, những kẻ xu thời nịnh thế như chúng ta ư. Họ đã làm việc nghĩa thì thành hay bại họ cũng không sá đâu, khó mà xoay chuyển được những con người như họ.
- Thế thì ông từ chối không đi? Đây là mệnh lệnh của quan Tây, không đi không được đâu!
- Thôi thì đằng nào cũng chết, nhận đi cũng chết mà từ chối cũng chết. Tôi chỉ còn tin vào sự đưa đường, chỉ lối của quan bố chánh.
- Ta đi sáng thì chiều ta lại về. Các ông ấy không ra hàng thì ta càng dễ nói. Ta sống với các ông ấy ở thành Sơn Tây đã lâu, chẳng lẽ các ông ấy lại giết chết người mình?
- Sáng mai, ta sang bên làng Hữu Bổ, cùng chánh tổng làng ấy vào Thanh Mai. Ông còn nhớ Chánh tổng Bùi Đức Lành không? Ông này vẫn thường xuyên liên lạc với Bố chánh Nguyễn Văn Giáp, Lãnh Mai và Tán Dật. Ông ấy sẽ tìm cách đưa hai ta vào gặp, đàm đạo và thuyết phục.
Sáng sớm, theo sự chỉ đạo của quan tư Béc-măng-mông-ty, ra lệnh cho ông dẫn 2 trung đội lính Tây và ta sang chiếm lại đồn Hữu Bổ. Đồn cũ đóng gần đình làng vẫn còn, dân chưa đốt vì sợ cháy đình, sợ pháo của Pháp từ Hưng Hóa rót sang làng phá hủy nhà cửa. Quan lính sang dọn dẹp và đóng quân lại củng cố chờ lệnh mới. Cũng từ sáng sớm những đơn vị tiền tiêu của binh đoàn quân số 3 do Đại tá Muốc-lăng chi huy đã lên Hưng Hóa. Họ vội vàng hành quân lên chiếm làng Tự Cường và Hiền Quan. Dòng sông Thao ầm ầm những đoàn tàu chiến nối đuôi nhau từ hạ lưu phóng lên.
Chỉ một thời gian ngắn, quan bố chánh Hưng Hòa và tri phủ Lâm Thao vào đến nhà Chánh tổng Bùi Đức Lành. Bố chánh Bùi Quang Thích yêu cầu chánh tổng đưa đường vào Thanh Mai. Ông Chánh Lành vui vẻ:
- Các quan cứ yên tâm đi! Tôi sẽ thân chinh đưa các ông vào trong đó bằng thuyền. Nhưng yêu cầu các vị để lính và súng ống lại đồn Hữu Bổ, chỉ đi người không vào thôi. Thuyền đi vào căn cứ phải cắm cờ vàng để lính gác biết là người các làng tổng Lâm Thao vào làm việc với quan quân.
- Chánh Lành à! Chúng tôi có việc cần phải đàm đạo với các chỉ huy căn cứ Thanh Mai-Thạch Sơn, với người chỉ huy cao nhất là Bố Giáp.
- Ông ấy vẫn tiếp chúng tôi luôn, dặn dò căn kẽ cách đối phó với quân Pháp, phê phán những người đi thu lương làm quá tay, đe dọa dân chúng. Có lần người đi thu lương, gặp người dân thiếu ăn van lạy, vẫn cho quân đánh người ta bị thương. Quan Bố Giáp biết chuyện đó đã viết thư xin lỗi và cấp lúa gạo cho người dân đó ăn đến tháng giáp hạt. Ông ta cũng chẳng khác quan phủ Lâm Thao Nguyễn Quang Bích ngày trước trị nhậm được dân tôn là “Hoạt Phật” tức Phật sống.
Khi mặt trời lên cao, Chánh tổng Bùi Đức Lành và hai người dân bơi thuyền đưa bố chánh Hưng Hóa và tri phủ Lâm Thao vào Thanh Mai. Đường vào Thanh Mai phải đi thuyền vào làng Sơn Vy và từ Sơn Vy vào Thanh Mai thêm một chặng thuyền nữa. Sông Thao mùa lũ còn cao con nước, nước đồng ứ lại nên đồng chiêm trũng thuộc các làng nam Lâm Thao nước mênh mông. Chẳng mấy chốc, thuyền bơi tới thôn Do Nghĩa, làng Sơn vy. Viên đội Nguyễn Hữu Đăng canh phòng đồn phía ngoài Thanh Mai thấy thuyền cắm cờ vàng đi vào đình làng thì đi ra đón. Nhìn thấy Chánh tổng Lành, Đăng gọi to:
- Có việc gì mà chánh tổng vào sớm thế?
- Có việc cần, ra đây đón các quan vào thăm căn cứ!
Thuyền bơi thẳng vào đình Do Nghĩa, Đội Đăng và mấy người lính ra đón. Biết quan bố chánh và quan tri phủ vào làm việc với quan Bố Giáp và Lãnh Mai, Đội Đăng đưa mọi người lên đình Do Nghĩa ngồi và thưa:
- Quan Lãnh Mai của chúng tôi vừa ra chơi với vợ con ở xóm Do Nghĩa làng Sơn Vy, chúng tôi cho lính đi gọi về.
Quan Bố chánh Bùi Quang Thích và Tri phủ Lâm Thao Nguyễn Khắc Hợp nhìn phong cảnh làng Sơn Vy vẫn êm đềm như xưa. Trước mặt cánh đồng bát ngát vẫn mênh mông nước, nhiều đàn chim le le ăn chung với những đàn vịt nuôi nô đùa rỡn nước. Những bông súng, bông trang đủ màu sắc phơi trong nắng sớm mùa thu. Mấy cây đa bên ngôi đình cổ, quả nhỏ tròn chín vàng ươm, chim chóc bay về ăn gọi nhau chiu chít. Nhà nhà vẫn yên bình, cuộc sống thôn quê ấm áp tình làng nghĩa xóm. Nay binh đao sắp tràn về, con người, cảnh vật liệu có còn được như thế này không?
Nhìn thấy mấy người quen ngồi tại đình làng, Lãnh Mai lên tiếng:
- Chào các quan bác, đi đâu mà vất vả thế này?
- Chúng tôi vào thăm, quan Bố Giáp, Lãnh Mai và Tán Dật đây.- Quan Bố chánh trả lời.
- Thật vinh hạnh cho chúng tôi quá! Nhưng các ông cần gì chúng tôi?
- Chúng tôi cần gặp quan Bố chánh Nguyễn Văn Giáp!
- Quan bố chánh đang ở tại Đại bản doanh, trung tâm căn cứ Thanh Mai.
- Cho một mình tôi gặp Bố Giáp gấp! Có việc cơ mật. Không gặp Bố Giáp ở đây, cho tôi vào trung tâm Thanh Mai gặp ông ấy ở đó. Lãnh Mai cần cho tôi vài người lính đưa đường vào Thanh Mai. Còn tri phủ, chánh tổng ở lai đây chơi với Lãnh Mai.
- Thế cũng được. Quan Bố chánh đi theo hai người lính của tôi, đi bằng thuyền qua đầm Nghìa cho nhanh.
Quan bố chánh đi rồi, chỉ còn viên tri phủ, viên chánh tổng và Lãnh Mai ở lại trong đình. Lãnh Mai vẫn còn nghi hoặc về chuyến thăm đường đột này:
- Tôi không hiểu hai quan và chánh tổng đi vào căn cứ chúng tôi để làm gì?
- Chúng tôi được lệnh quan lớn Pháp vào khuyên anh em hạ vũ khí về với triều ,đình! Vua Đồng Khánh đã lên ngôi, nước Nam ta được nước Pháp bảo hộ vững vàng như bàn thạch. Cơ hội phát triển sẽ đến, kinh tế, xã hội sẽ ổn định, tương lai con cháu chúng ta thật huy hoàng. Các ông còn băn khăn gì nữa mà chống phá triều đình và quân đội Pháp!
Lãnh Mai nhìn tri phủ Nguyễn Khắc Hợp trả lời:
- Ông biết đấy, trên đầu chúng tôi chỉ có Vua Hàm Nghi và các trung thần Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Văn Giáp..., bên dưới là binh lính và nhân dân yêu nước. Quốc gia độc lập thì không có kẻ xâm lược ngồi trên vương triều, bắt bớ, giết chóc, bóc lột dân lành tàn nhẫn. Giặc Pháp là lũ ăn cướp, nên chúng tôi vì đại nghĩa mà phải đánh lại chúng, bao giờ thắng lợi mới thôi. Vua Đồng Khánh mà giặc Pháp đưa lên ngôi là ông vua bù nhìn và lũ quan quân theo địch chúng tôi gọi họ là lũ ngụy quân, ngụy quyền.
Tri phủ Lâm Thao Nguyễn Khắc Hợp nhìn Lãnh Mai ngồi nói bình thản, đôi mắt chớp chớp, dáng vẻ oai nghiêm. Ông định nói một câu gì song lại thôi, nghĩ rằng mình đang ngồi trong phạm vi căn cứ của nghĩa quân Cần Vương.
Lãnh Mai không nói, nhìn viên tri phủ:
- Tri phủ còn nhớ hôm nay là ngày gì không?
- Hôm nay là ngày gì nhỉ?
- Thế ông không còn nhớ hôm nay là ngày mồng 1 tháng 9 năm Ất Dậu? Ngày đầu tháng dân ta có phong tục thờ cúng Phật, Thần thánh, Tổ tiên. Ông theo Tây ít ngày mà đã quên thuần phong mỹ tục dân tộc rồi à?
Viên tri phủ Lâm Thao ngượng ngùng:
- Vì công việc bận quá, tôi không còn nhớ nổi nữa. Dân Sơn Vy đang kéo đến cúng Thần hoàng ở đây phải không?
- Còn gì nữa! Gia đình vợ con tôi cũng có lễ mọn thờ các ngài Thần thánh ở đây. Ván xôi gà, nhà tôi sắm sửa vừa mang ra thỉnh lễ có đẹp không ông?
- Đẹp lắm! Các cỗ của người dân Sơn Vy cỗ nào cũng đẹp không kém.
- Nhân thể ông và Chánh tổng Bùi Đức Lành về đây, xin mời hai ông vào thắp hương khấn vái Thần thánh! Xong, mời các vị cùng hưởng lộc với chúng tôi tại đình.
*
Quan bố chánh Hưng Hóa Bùi Quang Thích được đưa vào căn cứ Thanh Mai. Hai người lính đeo súng dài dẫn đi một đoạn đường bộ và mời xuống thuyền chở qua đầm Nghìa vào Thanh Mai. Khi ngồi trên thuyền, một người lính yêu cầu:
- Chúng tôi không biết ông là ai, nhưng theo quy định những người từ xa đến phải bịt kín mắt, mới cho vào căn cứ! Ông thông cảm cho chúng tôi, đừng sợ và đừng trách chúng tôi nhé!
- Việc các anh phải làm thì cứ làm không sao! Cốt là các anh đưa tôi vào được gặp Bố Giáp.
- Ông không chống lại chúng tôi thì sẽ được thỏa mãn!
Ngồi trên thuyền, bố chánh Thích nghe rõ tiếng dầm bơi nhè nhẹ. Con thuyến lướt nhanh, sóng vỗ vào mạn thuyền nghe dào dạt. Độ 30 phút, thuyền cặp bến, hai người lính dẫn lên một ngôi nhà gần bến nước. Thấy người bịt mắt không đi được, một người lính phải cầm tay dắt lên từng cái bậc dài. Một lúc sau, người bị bịt mắt mới bước lên tới thềm cao và bước vào nhà. Ông nghe rõ tiếng quan bố chánh Sơn Tây:
- Tháo băng bịt mắt cho khách nào!
Người lính có bàn tay búp măng trăng trắng tháo băng cho người bịt mắt. Một thoáng ánh sáng soi, Bố Giáp nhìn rõ khuôn mặt quan bố chánh Hưng Hóa:
- Trời ơi! Hóa ra là cử nhân, bố chánh Bùi Quang Thích!
- Vâng, chính là tôi đây.
- Khách quý, có việc chi mà lặn lội vào tận đây thế!
- Có việc rất cần!
- Ta vào nhà bàn bạc. Lính Tiến đâu mang nước trà ra mời khách nào!
Bồ Giáp cần tay quan bố chánh:
- Làm quan cho Tây sướng lắm phải không? Ăn bánh mỳ trộn bơ sữa nên da dẻ tươi roi rói, người mầm mập béo trơn hơn trước rồi.
- Làm gì có chuyện to béo thêm. Các ông bảo chúng tôi làm tay sai cho giặc, chúng tôi bảo các ông là những tên phản loạn. Thời buổi mất nước, triều đình ly tán, anh em giết hại lẫn nhau, dân ta còn đau khổ đến bao giờ hả ông? Tôi cũng đau đớn lắm, nghĩ đến anh em mình gian khổ, dân Hưng Hóa phải chịu cánh giặc giã làm sao mà ăn ngon ngủ yên.
- Thế là một nửa con người ông vẫn thuộc về chúng tôi. Rất mừng là quan lại, binh lính người Việt Nam vẫn hướng về phía chính nghĩa.
Người lính tên Tiền đã mang trà ra pha rót mời. Bố chính Bùi Quang Thích, nhấc chén uống một ngùm chè xanh có mùi chan chát, thơm và ngọt. Ông định nói một câu gì để tán dương Bố Giáp nhưng thoáng nghĩ lại thôi. Việc bây giờ rất gấp, tin tức cho quân quan là rất cần thiết. Biết để phòng bị, điều quân đánh, sơ tán dân, cầm cự và rút lui. Ông nhìn bố Giáp nói như để thử lòng:
- Tôi có việc rất cần, bàn riêng với quan Bố chánh!
- Không, tôi là Hiệp đốc Bắc Kỳ quân vụ đại thần, Phấn trung tướng chỉ có ông là quan bố chánh!
- Vâng, xin lỗi! Tôi không nắm được phẩm hàm của tất cả những người theo Cần Vương. Thưa quan Hiệp đốc! Có thư của thống tướng Pháp gửi đến, yêu cầu ông thoái binh, hạ vũ khí. Ông sẽ được giữ chức tổng đốc Sơn Tây đấy.
- Lại chuyện dụ hàng vớ vẩn! Bao nhiêu lần rồi, họ vẫn dụ tôi hạ vũ khí, đầu hàng về với giặc Pháp được hưởng lại chức quan mới, nhưng tôi đều từ chối hoặc không thèm đọc thư.
- Đây là thư của thống tướng Đờ Cuốc-xy mà tướng Gia-mông tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Bắc Kỳ phái tôi đến đưa, ông có đọc hay không đọc thì tùy ông nhé!
- Cứ để đấy, tôi sẽ đọc. Đọc hay không, ông bận tâm làm gì? Ông về báo với thống tướng Đờ Cuốc-xy và tướng Gia-mông rằng, chúng tôi thà chết chứ không đầu hàng!
Thấy bố chánh Hưng Hóa mìn cười, có ý phấn khởi đồng tình, Hiệp đốc Nguyễn Văn Giáp liền hạ giọng:
- Còn việc gì hệ trọng nữa mà ông lặn lội một mình vào đây? Không sợ quân lính chúng tôi giết à?
- Chúng tôi thà chết theo nghĩa quân! Vậy quan Hiệp đốc có nhận tôi là quân nội gián không? Gián quân muốn bàn với tướng quân việc hệ trọng đây. Có ai ngồi đây, xin tướng quân bảo họ ra ngoài, không được vào nữa.
- Không có một ai, có việc gì thì ông cứ bàn đi, tôi sẽ đảm bảo bí mật tuyệt đối.
- Hiệp đốc có tấm bản đồ phủ Lâm Thao thì mang ra đây. Tôi chỉ cho các hướng tiến công của giặc Tây sẽ đánh vào căn cứ Thanh Mai-Thạch Sơn. Còn việc chỉ đạo đánh hay lui thì là việc của quan quân.
- Tốt lắm! Quan bố chánh làm được việc này là có lợi cho dân, cho nước lắm; chúng tôi sẽ ghi nhớ công lao.
- Không cần! Việc này phải được giữ bí mật tuyệt đối. Tin tối mật chỉ có giá trị khi không có ai biết. Chúng ta đều hoạt động trên miền sông Thao, tôi hoạt động ở tuyến dưới thì gọi là “Hạ lưu”, các ông ở tuyến trên thì gọi là “Thượng lưu”. Đấy là mật danh, cứ thế mà gọi, không được tiết lộ danh tên.
Quan Hiệp đốc gật đầu, ông mở tấm bản đồ phủ Lâm Thao ra bàn. Viên bố chánh nhanh nhẹn chỉ ra các hướng tiến công của quân địch; quan Hiệp đốc ghi rõ ngày tháng, mục tiêu, hướng tiến công, số lượng quân quan, phương tiện, vũ khí, người chỉ huy của các cánh quân. Chỉ xong, viên bố chánh nói:
- Bây giờ thì việc đã hết, xin phép quan Hiệp đốc được cáo lui!
- Đã trưa, mời quan Bố chánh ở lại ăn cơm với chúng tôi!
- Không nên ở lâu, quan Hiệp đốc cho phép tôi lui đúng nghi lễ.
- Lính Tiền đâu! Đưa người này trở về đình Do Nghĩa cho ta! Không được bịt mắt người ta nữa. Người này ta biết rõ rồi, không được nói năng thô lỗ với quan bố chánh Hưng Hóa đấy!
Thuyền lại rẽ sóng từ đầm Chằm sang đầm Nghìa về Do Nghĩa giữa buổi nắng trưa rất đẹp. Hơi nước đầm Nghìa mùa thu mơn man dễ chịu vô cùng. Chẳng mấy chốc quan bố chánh đã được mấy người lính của Lãnh Mai đưa tới đình Do Nghĩa. Quan tri phủ, Lãnh Mai, Chánh Lành và mấy hào lý Sơn Vy đã hạ lễ đánh chén xong nói chuyện rinh ran, thấy Bố chánh Bùi Quang Thích về, ai nấy đều mừng đề nghị ông ngồi nghỉ ngơi, ăn uống. Ông mỉm cười:
- Xin cảm ơn Lãnh Mai nhé! Tôi đã gặp quan Hiệp Đốc của các ông. Ngài ấy cứng rắn lắm, không chịu lui binh mà cũng chẳng chịu hàng. Tôi đã bảo mà đi cho mất công, nhưng tướng Gia-mông đâu có chịu nghe, quả đúng là như thế.
Thấy đình làng phảng phất mùi hương, Bố Chính Bùi Quang Thích quay lại nói:
- Hôm nay là ngày mồng một, mọi người đến thắp hương khấn thần hoàng, ta là khách đến đây mà chẳng có lễ lạt gì, e không phải. Lãnh Mai lấy cho ta cái đĩa và thẻ hương ra đây!
Bố Chánh để một quan tiền lên đĩa dâng lên bàn thờ và thắp hương khấn vài. Sau đó nhờ Lãnh Mai chuyển quan tiền cho người thủ từ để mua lễ cúng Thần hoàng. Ông quay lại chào Lãnh Mai và những người dân, người lính. Song cùng mấy người đi lúc sáng, lại ngồi thuyền ba cắng trở về làng Hữu Bổ. Ngồi trên thuyền mọi người đều đã được ăn một bữa thụ lộc no nê tại đình Sơn Vy, rất lấy làm vui vẻ. Chỉ riêng quan bố chánh Hưng Hóa vẫn đối meo, nhưng lại là người vui nhất, vì đã được nhận làm nội gián cho nghĩa quân Cần Vương. Cuộc chiến đấu bảo vệ căn cứ Thanh Mai-Thạch Sơn, Tiên Động sẽ có kết quả bảo vệ được người và của để chiến đấu lâu dài.
Quan bố chánh Hưng Hóa không quên khen ngợi binh sỹ Thanh Mai có kỷ luật, tướng quân mưu lược, địa hình hiểm trở, hầm hào kiên cố, có lợi thế phòng thủ. Quân Pháp khó có thể tiêu diệt được nghĩa quân. Đánh vào Thanh Mai là một kế hoạch lớn của quân đội Pháp nhưng chưa chắc đã thu được thắng lợi theo ý muốn chủ quan của họ.
Sực nhớ ra nhiệm vụ phải đưa thư của thống tướng Pháp cho Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích, ông nói với viên tri phủ Lâm Thao:
- Sớm mai, tôi và ông lại lên tàu chiến đi Sơn Nga khoảng 60 dặm nữa và từ Sơn Nga lên Tiên Động khoảng gần 20 dặm đường. Vào Tiên Động nguy hiểm hơn vào Thanh Mai, tôi có quen một tên Phó tổng tên là Nguyễn Đích. Tôi đã cho người báo với ông ta là ngày mai tôi sẽ đến đưa thư của thống tướng quân đội Pháp. Ông ta cũng như Chánh tổng Bùi Đức Lành sẽ đưa chúng ta vào Tiên Động hội kiến với Hiệp thống Nguyễn Quang Bích.
- Có cần sắm sửa lễ nghi gì không?
- Ông là người dưới quyền của tướng quân hồi ở phủ Lâm Thao hơn mười năm trước, có quà gì thì tốt hơn.
- Thế thì tôi sẽ mua cho quan Hiệp thống 5 lạng cao hổ cốt và 10 lít mật ong để ngài bồi bổ.
- Đó sẽ là lễ nghi không nên vô ý, sơ suất.
Hơn một tiếng sau, quan bố chánh và tri phủ Lâm Thao đã về đến thành Hưng Hóa. Ông gọi điện báo cáo cho Gia-mông là Bố Giáp chỉ huy căn cứ Thanh Mai đã nhận được thư của quan thống tướng Pháp, nhưng ông ta không thèm đọc, có vẻ thách thức quân Pháp và quan quân Nam triều.
Thiếu tướng Gia-mông rất căm tức nói qua ống nghe:
- Bọn giặc cỏ ngoan cố, vô lễ độ, hãy đợi đấy, quân đội Pháp sẽ dạy cho nó bài học nên thân! Về công việc, ông nên gấp rút kiện toàn các bộ mày hào lý tại các làng xã. Quan lính sẽ đánh mạnh vào Thanh Mai-Thạch Sơn. Trong những ngày đó, ông và binh lính triều đình phải chiếm lại lỵ sở phủ Lâm Thao mà đưa ông Nguyễn Khắc Hợp về đó trị nhậm. Không nên để ông ta ở trong thành Hưng Hóa lâu ngày thì hỏng việc.
- Xin tuân lệnh!
*
Khoảng 10 giờ ngày hôm sau, hai viên quan bố chánh và tri phủ lại đi tàu chiến chuyên chở lính Tây lên chiếm đóng huyện Cẩm Khê. Đám lính toàn người An- giê-ri da dẻ đen như than được chở lên tăng cường cho một đồn quân tại làng Sơn Nga. Chúng đóng trên một quả đồi cao trên có đặt năm khẩu đại bác. Vừa lên, chúng bắn đại bác liên tục vào làng, dân lành sợ quá bỏ chạy tán loạn vào trong chân đồi, chân núi. Chúng cử một toán lính vào các nhà có người đi lính Cần Vương, biết đích xác ai, tên quan hai đồn trưởng lệnh cho cho đốt nhà ngay. Chúng vào nhà Tán tương quân vụ Nguyễn Văn Vị, gặp một cụ già ngồi trong nhà chúng giết ngay. Tại tòa nhà lớn của ông Vị, chúng tập trung lính đổ dầu sở vào rồi châm lửa đốt, lửa cháy bốc cao, khói đen bốc lên phủ kín chín từng trời.
Nhìn thấy cảnh lính Tây đốt nhà, giết người, hai tên quan An Nam đành câm họng không dám nói một lời. Bố chánh và tri phủ đi ra bến sông xuống một thuyền nhỏ thuê người bơi ngược sông Thao lên bến Phương Xá. Khi chỉ có hai người, bố chánh nói nhỏ với tri phủ:
- Cảnh Tây đốt nhà giết người thật ghê tởm! Chúng ta yếu hèn nên mới để dân mình khổ thế này. Quan tri phủ nghĩ sao, có thấy cay đắng không?
- Chúng ta phải tìm đường về với nghĩa quân, không thì lương tâm không cho phép, quan bố chính ạ.
- Quan tri phủ nói có thật lòng không đấy?
- Thật lòng mà. Quan bố chánh nghĩ mình phải làm gì cho nghĩa quân?
- Làm nội gián, nghĩa là vẫn làm việc cho Pháp nhưng cung cấp tin tức cho nghĩa quân và chờ thời cơ hành động.
- Thế thì ta phải làm ngay đi thôi, đóng góp công sức cho nghĩa quân càng nhiều thì càng tốt bấy nhiêu. Mai đây khi về lỵ phủ phải chú ý cung cấp lương thực, khí giới giúp nghĩa quân, che chở cho người nhà của họ và vận động nhân dân đóng góp tiền của ủng hộ quan quân ta.
- Khi nào quan bố chánh làm thì bảo tôi nhé!
Thuyền vào cập bến Phương Xá, người bơi phải cắm cờ vàng. Một lúc sau có người chạy ra, người đó tay giơ lên phất cao cờ vàng:
- Ai đi vào đàm đạo với các quan Tiên Động thì theo chúng tôi lên bờ?
Hai viên quan bước xuống bến, cảm thấy lo lắng, không biết tính mạng mình ra sao? Biết đâu, chỉ hai viên đạn hỏa mai bay ra là toi đời!
Qua một vườn chuối xanh ngát, lại qua mấy túp lều vắng người, người đi trước dẫn đường đi nhanh, thỉnh thoảng lại biến mất sau những bụi chuối phấn làm hai viên quan giật thót mình. Một lúc sau tới đình làng Phương xá, Phó tổng Nguyễn Đích và một số người mang súng ống đang ngồi chờ; hai vị quan đi vào đình thì viên Phó tổng đứng lên nói để giới thiệu và mời:
- Người đi đầu là quan bố chánh Bùi Quang Thích, người đi sau là tri phủ Lâm Thao Nguyễn Khắc Hợp. Hai ông muốn đi vào căn cứ Tiên Động để gặp quan Hiệp thống Đai thần Nguyễn Quang Bích. Chúng tôi đã báo cho các quan chỉ huy Tiên Động biết rồi, các ông ấy đi ra đình Hội tại Áo Lộc ngồi chờ đón. Xin mời các quan vào đình Phương Xá ngồi chơi thư thả xơi nước đã rồi hãy đi!
- Thôi, xin phép các chư vị! Việc gấp rồi, chúng tôi phải đi ngay để còn thời giờ bàn bạc.
Mấy người đi cùng Phó tổng Đích vào làng, men theo bờ đê sông Thao, khoảng 1 tiếng thì tới đình Hội. Phó Chỉ huy Khê Ông đang ngồi chờ, người mỏi mệt, mắt lim dim ngủ. Bố chánh nhận ra quan Án sát Sơn Tây ngày xưa có mái tóc hoa râm thì vội bẩm:
-Thưa quan Án sát! Tôi là Bùi Quang Thích hiện là bố chánh Hưng Hóa và tri phủ Lâm Thao Nguyễn Khắc Hợp đem thư của thống tướng quân đội Pháp, gửi ngài Hiệp thống Nguyễn Quang Bích và quan quân.
- Chủ tướng Nguyễn Quang Bích đi công cán, không có nhà. Các vị đưa thư cho tôi mang, khi nào Chủ tướng về thì nhận đọc và sẽ viết thư trả lời.
Thấy quan bố chánh vẻ lo lắng bối dối, có ý muốn nói vấn đề gì, Chỉ huy phó Khê Ông nhận ra nói nhỏ:
- Quan bố chánh có cần bàn riêng với tôi việc gì nữa không?
- Nhiều việc cần phải bàn lắm. Hiện nay nói chuyện với nhau ở đình Hội thế này e không tiện!
- Thế thì ta vào nhà Tào mạt của đình nói chuyện, nơi ấy rất kín, không ai biết và nghe được, tôi vẫn thường tiếp khách ở đó.
Bùi Quang Thích theo Khê Ông vào nhà Tào mạt của đình Hội. Khi hai người ngồi xuống bàn, bố chánh có lời luôn:
- Tôi thông báo cho Khê Ông được biết, quân Pháp đang tập trung tập trung binh lực đánh Thanh Mai-Thạch Sơn với lực lượng quân rất đông khoảng 7 hoặc 8 ngàn quân. Đồng thời đánh phủ đầu Tiên Động với lực lượng đông tới hàng ngàn tên. Vào khoảng thời gian ngày 20 hoặc 21 tháng 10 năm 1885. Quan quân phải chuẩn bị đánh địch bảo vệ căn cứ và điều quân chi viện cho Thanh Mai -Thạch Sơn.
- Thảo nào quân trinh thám báo về, địch đáng chở quân lên Sơn Tây, Việt Trì, Hưng Hóa. Sông Thao đã nổi sóng lên rồi, vì có gần chục ngàn binh sỹ Pháp hành quân từ Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh kéo lên Hưng Hóa. Chúng tôi vừa nắm được tin sáng nay, quân Pháp đã cho quân chiếm lại chốt Phong Vực, Tình Cương, Đông Phú và Sơn Nga. Chắc là chúng sẽ đánh Tiên Động trong thời gian tới.
Bùi Quang Thích còn thông báo cho Khê Ông nắm rõ các vị trí quân Pháp sẽ tấn công, các hướng tiến công, âm mưu thủ đoạn của địch. Khê Ông nghe và ghi cẩn thận tỷ mỷ để còn họp quan quân bàn kế hoạch bảo vệ Tiên Động, đối phó, ứng cứu quan quân Thanh Mai-Thạch Sơn và các đơn vị hoạt động độc lập. Nghe tin báo về quân địch, Khê Ông ngợi khen:
- Quan Bố chánh Bùi Quang Thích đem đến cho chúng tôi những thông tin tức còn quý hơn vàng. Từ nay có tin tức gì mới thì bố chánh gửi ngay cho chúng tôi biết nhé!
Bố chánh Hưng Hóa dạ vâng và nhắc:
- Khê Ông biết cho, hoạt động nội gián cần phải được bảo mật tuyệt đối. Cho nên chỉ một mình Khê Ông biết thôi. Mật danh của tôi là “hạ lưu”, mật danh của Khê Ông và nghĩa quân là “thượng lưu”, có gì liên lạc với chúng tôi nhé! Hạ lưu gọi thì thượng lưu trả lời và ngược lại.
Bùi Quang Thích cùng Khê Ông bước ra khỏi nhà Tào mạt, mọi người đến đón vào đình Hội ngồi uống nước chè tươi. Thấy ở lại không tiện, quan bố chánh Hưng Hóa muốn cáo lui, quan tri phủ Lâm Thao hiểu ý nên có lời:
- Hôm nay, chúng tôi lên đưa thư của thống tướng, tổng chỉ huy quân đội Pháp cho Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích. Được gặp Án sát Khê Ông và quan quân Tiên Động thấy mạnh giỏi cả chúng tôi rất mừng. Bây giờ xin phép được tạm biệt và hẹn gặp lại. Chúng tôi lên đây có mang theo mấy lạng cao hổ cốt và một ít mật ong làm quà gửi biếu quan Hiệp thống đại thần. Quà chúng tôi đang để trên bàn trà kia, xin quan Khê Ông nhận và chuyển giúp cho. Hôm nào có việc thì chúng tôi lại lên thăm.
Hai viên quan bố chánh Hưng Hóa và tri phủ Lâm Thao từ biệt mọi người trở về thành Hưng Hóa. Mấy người lính nghĩa dũng của làng Phương Xá cảnh giác dẫn hai người trở về bến sông và đưa hai viên quan đi thuyền về đồn Sơn Nga để lên tàu chiến trở về Hưng Hóa. Mặc dầu bụng đói như cào, nhưng bố chánh Bùi Quang Thích và tri phủ Nguyễn Khắc Hợp rất phấn chấn, vì đã tìm được vị trí chiến đấu của mình trong nghĩa quân Cần Vương chống giặc Pháp xâm lược, không phải xấu hổ với lương tâm là một người Việt Nam yêu nước thương nòi mà phản phúc đi làm tay sai cho giặc Pháp.