Nhận được tin từ bố chánh Bùi Quang Thích, Hiệp đốc quân vụ Nguyễn Văn Giáp nhanh chóng bố trí lực lượng đánh trả cuộc tiến công của hơn 6 ngàn quân Pháp vào Thanh Mai. Ông cho một đội quân nhỏ, do Phó Đốc Lê Thám chỉ huy ra làng Kim Đức, Hùng Lô cùng dân binh chặn giặc. Đội quân của Lê Thám cùng dân binh Hùng Lô đánh giặc Pháp ngay khi chúng từ Việt Trì mò theo bờ đê lên. Bọn địch vừa tiến vừa bắn tới tấp vào những nơi có tiếng súng hỏa mai bắn trả. Bọn lính Phi liều mạng xông vào làng Hùng Lô đốt phá nhà cửa, đình đền. Lửa cháy bốc cao ngùn ngụt. Trời cuối thu nắng hanh, mái nhà lợp lá cọ bùng cháy, tre nứa nổ đôm đốp, phút chốc xóm làng thành một biển lửa.
Mấy chục nghĩa quân Thanh Mai và dân binh với vũ khí thô sơ không cản được sức tiến công của hàng nghìn quân Pháp. Họ vừa bắn trả vừa nhanh trí rút lui sang làng Kim Đức. Họ được các ụ đất, bờ cây, đồi núi che chắn nên quân Pháp không thể bắn trúng. Ngược lại quân Pháp luôn bị thương vong vì trúng các loại tên nỏ, tên cung và đạn súng hỏa mai bắn thẳng. Nhiều tên chết thê thảm bởi nhưng hố chông, dưới cắm chi chít các loại gai bồ kết, gai sọc và chông tre. Nhìn các vị trí kháng cự của nghĩa quân trên sườn núi và đỉnh đồi, quân Pháp phải dùng các loại pháo bắn hủy diệt. Khi hô nhau lên, bọn chúng cũng chỉ chiếm được những bãi đất trắng, không thấy một người nào.
Đến làng Kim Đức, tướng Gia-me chia quân làm hai mũi. Một mũi tiến từ làng Kim Đức sang chiếm Thậm Thình và Hy Cương, mũi thứ hai từ làng Kim Đức tiến vào làng Thụy Vân trấn giữ con đường rút lui của nghĩa quân ra phía bắc. Y cho rằng nghĩa quân Thanh Mai không có đường rút, cố thủ mãi hết đạn, hết lương thực sẽ phải đầu hàng hoặc ngoan cố chống cự nhất định bị tiêu diệt.
Phó Đốc Lê Thám phải chia quân ra đánh trả. Nhiều chiến binh đã bị địch bắn chặn khi vượt qua những dộc ruộng, những bãi đất trống và bị chúng chia cắt ra nhiều tốp nhỏ. Mãi đến khi trời tối họ mới tìm gặp nhau và chia quân ra bám địch tại các xóm làng Hy Cương và Chu Hóa. Tuy bị dịch truy đuổi, nhưng nghĩa quân tỏ ra sáng suốt, tìm các vị trí thuận lợi bắn trả địch, làm cho quân Pháp bị thương vong nhiều, phải vất vả mới có thể vượt qua các ổ phục kích, đánh chặn.
Quân Pháp với lực lượng đông, vũ khí mạnh, đánh đuổi buộc các lực lượng nghĩa quân rút lui dần về Thanh Mai. Phải mất hai ngày, cánh quân của tướng Gia-me mới vào tới làng Hy Cương. Chúng phải dồn lực lượng chiếm từng khu vườn, từng quả đồi, từng ngôi nhà. Người Việt đã quen với cảnh phải làm vườn không nhà trống, chúng thấy cần phải thiêu hết, đốt hết, giết hết người và trâu bò lợn gà. Hàng nghìn quân Pháp tiến vào làng Hy Cương đã làm cái việc thất nhân tâm ấy, chúng tràn qua đến xóm nào là ở nơi đó trở nên điêu tàn.
Trong đêm tối, Phó Đốc Lê Thám cho quân tiến công vào các tốp quân Pháp đang hạ trại, nấu ăn, lưu trú nằm lại bên đường giết tại chỗ 5 tên địch cướp được 3 khẩu súng và hai trăm viên đạn. Đêm tối, Đốc binh Hà Đức Thành đưa quân từ đồn Cồ Đất ra thay thế và chi viện cho đội quân của Lê Thám đánh chặn. Một số thương binh được chuyển về bệnh xá xóm Dõng và một số binh sỹ khỏe mạnh được chuyển từ phía trong ra tuyến ngoài giúp sức ngăn chặn địch.
Trong thời gian này, cánh quân thứ 2 do thiếu tướng Mu-ni-e chỉ huy đã dùng hỏa lực pháo binh bắn phá làng Minh Nông, Cao Xá, Trịnh Xá. Một bộ phận lớn lực lượng đánh chiếm đồn Lú làng Minh Nông, vào đánh chiếm khu Bàn Cờ. Chúng rải quân, khắp triền bờ sông Thao lên tới làng Hữu Bổ, không cho quân của Thanh Mai vượt sông chạy sang miền núi Sơn Tây lên vùng núi Thanh Thủy, Thanh Sơn.
Chỉ huy phòng tuyến phía đông Thanh Mai, Đốc binh Lê Thanh nhận định rằng không thể giữ đồn Lú vì lực lượng địch đánh quá mạnh. Ông cho binh sỹ lui về phía trong thôn Bàn Cờ dựa vào chiến lũy đã dựng để chặn giặc. Quân địch hùng hổ tiến vào, đạn trong các chiến lũy bắn ra, giết nhiều tên tại chỗ. Xác giặc nằm lăn lóc sát mé ngoài hàng rào. Mấy ngày chúng không lấy được xác để chôn cất, thịt giặc thối rữa, uế khí bốc lên nồng nặc.
Giặc bị thương vong nhiều buộc phải rút lui về phía làng Minh Nông, Quất Thượng, Quất Hạ. Chúng dùng pháo bắn vào xóm Bàn Cờ và đại đồn Thanh Mai, nhằm tiêu hao dần lực lương nghĩa quân. Về đêm pháo địch từ đồn Lú bắn vào xóm Bàn Cờ và trung tâm Thanh Mai theo từng đợt. Đợt đầu bắn từ lúc 20 giờ tối đến 22 giờ, đợt 2 từ 2 giờ sáng đến 4 giờ, đợt ba từ 6 giờ sáng đến 8 giờ. Hàng trăm quả đại bác rơi xuống nổ đinh ta nhức óc.
Nhưng Đốc binh Lê Thanh và Phó Đốc binh Trịnh Viễn vẫn cùng quân sỹ bám trụ kiên quyết không rời vị trí. Sau các trận pháo bắn liên hồi như gõ trống, chiến binh lại bĩnh tĩnh chữa lại các hàng rào chặn địch và chuyển thương binh về trung tâm. Tại Đại bản doanh Lãnh Mai quyết định cho chuyển dần thương binh ra ngoài bằng con đường thủy bí mật, ra phía làng Bồng Lạng, qua sông Thao tới đình thờ Lý Nam Đế làng Văn Lang rẽ về phía tây lên làng Tề Lễ sang Ngọc Đồng băng rừng về làng Phục Cổ, Yên Lập.
Cánh quân thứ 3, do Đại tá Muốc-lăng chỉ huy nhanh chóng chiếm làng Tự Cường, Thanh Uyên, Hiền Quan và chiếm lại đồn Gia Dụ, ngăn chặn nghĩa quân rút lui theo đường sông Thao lên vùng núi Tiên Động. Muốc-lăng cho tàu chiến tuần tra cả ngày lẫn đêm, không cho một chiếc thuyền nhỏ nào vượt qua sang sông Thao. Theo kế hoạch, viên đại tá cho chuyển quân bộ tiến sang làng Cao Mại đánh chiếm lỵ phủ Lâm Thao. Bao vây nghĩa quân Thạch Sơn và mau chóng đánh chiếm làng Chu Hóa để hợp quân với cánh quân của tướng Gia-me.
Được tin địch đánh vào Thạch Sơn, Tán Dật đã cho dân sơ tán vào vùng đồi núi Tiên Kiên, làng Dòng, làng Hà Thạch. Người ở lại chỉ có quân sỹ và lính nghĩa dũng. Pháo địch từ bên kia sông Thao câu tới tấp vào làng. Chắng mấy chốc làng Thạch Sơn với hàng chục ngôi nhà đã bị pháo địch phá hủy. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tán Dật nghĩa quân đã chiến đấu dũng cảm bảo về các đồn tiền tiêu trên bờ sông Thao. Ngày thứ 2, địch tiến công chiếm phủ lỵ Lâm Thao với lực lượng hơn một ngàn tên, nghĩa quân phải rút về các đồn trên bãi Voi Đằm, đồi Bông và mom Dền. Trước thế giặc rất mạnh, Tán Dật nghĩ cách cho nghĩa quân rút lui để bảo toàn lực lượng. Theo kế hoạch đã bàn với Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích từ trước, nếu phải rút lui thì cho quân Thạch Sơn về lập căn cứ tại rừng núi Lang Sơn, thuộc Hạ Hòa để bảo vệ phía đông căn cứ Tiên Động.
Là người chỉ huy nghĩa quân Thạch Sơn, ông thực hiện chỉ thị của Hiệp đốc Nguyễn Văn Giáp là “nếu phải rút lui thì Thạch Sơn chỉ được phép rút sau khi lực lượng Thanh Mai rút hết”. Nếu không nhận được tin báo thì nhìn tín hiệu bên kia sông Thao, thấy “ đám khói đen đặc bốc lên” trong thời gian 7 giờ sáng hoặc 7 giờ tối, thì lập tức cho quân rút về phía núi rừng Tiên Kiên cắt một con đường lên rừng Trạm Thản, Võ Lao, núi Thắm về Vũ Yển lên Lang Sơn. Con đường này, Tán Dật đã thông thuộc từ nhỏ nên có thể chỉ huy quân rút rất dễ dàng.
Ông phái người về Hạ Hòa bảo với chánh tổng và lý trưởng các làng thuộc tả ngạn sông Thao phải sẵn sàng chuẩn bị lực lượng và quân lương. Khi ông kéo quân về thì phải chuẩn bị sẵn căn cứ, lực lượng, vũ khí, trang bị. Làng Lang Sơn có Lý trưởng Đỗ Lư người nhỏ bé nhưng khá tháo vát đã cho người về báo chọn vị trí đầm Đen làm nơi đóng quân. Chiếm lĩnh những quả đồi, bến nước khống chế bờ tả ngạn Sông Thao không cho địch đánh sang Tiên Động, lên chiếm Tuần Quán thuộc Trấn Yên.
Cái khó là phải bền gan đánh địch để giữ các vị trí chiến lược. Tán Dật vạch kế hoạch đánh chi viện cho Thanh Mai. Khi giặc Pháp tìm đường vào Thanh Mai bằng đường bộ, ông cho quân của Phó Đốc Trần Nhương đánh chặn quân Pháp tại làng Chu Hóa và Hy Cương. Làm cho hai cánh quân của tướng Gia-me và đại tá Muốc-lăng không hợp nhau được. Chúng phải lúng túng đánh trả nghĩa quân từ hướng tây làm cho quân Pháp mãi mới chiếm được cầu Miễu để tiến vào Thanh Mai.
Trận chiến bảo về Thanh Mai và Thạch Sơn đang diễn ra rất ác liệt. Hiệp đốc Nguyễn Văn Giáp chi huy đánh trả, đã nhận thấy sức mạnh tiến công ào ạt của quân Pháp. Vòng vây Thanh Mai của quân Pháp đang xiết chặt, nghĩa quân số lượng ít, vũ khí thô sơ, kiên cường chống đỡ nhưng ở thế yếu đã phải tự rút lui. Tinh thần chiến đấu của quan quân rất tốt, nhưng hạn chế về vũ khí, đang rơi vào thế bị động, tuyến phòng thủ bị co hẹp lại. Sức chiến đấu của nghĩa quân ở hai hướng tây bắc và đông bắc đang rơi vào thế bị cô lập dần khi lực lượng giảm sút, các vị trí tiền tiêu đã bị địch chiếm.
Quân Pháp tập trung quân, dồn sức tiến công từ hai hướng đông bắc và tây bắc, Lãnh Mai phải chạy đi chạy lại để điều quân, chỉ huy trực tiếp. Buổi sáng ở trận địa Bàn Cờ, ông đã phải động viên binh sỹ dũng cảm đánh địch, ông nói với Đốc binh Lê Thanh:
- Chúng ta phải cố giữ lấy trận địa quan trọng này, không cho chúng tiến vào trung tâm. Kiên quyết đánh trả và ngăn chặn cho được các cuộc phản công của giặc!
Lê Thanh băn khoăn:
- Sức tiến công của quân Pháp quá mạnh! Hơn một trăm quân ở hướng đông bắc, không thể chiến đấu chống lại lực lượng địch đông đến 2 nghìn tên. Hàng rào, chiến lũy không thể giữ vững trước sức mạnh của thuốc nổ công phá và đạn đại bác. Chúng ta phải có kế hoạch vừa cầm cự vừa phải rút dần ra ngoài đề bảo toàn lực lượng chứ. Thưa ông Lãnh Mai, chúng ta đã có lệnh rút ra chưa?
- Tôi đã bàn với quan Hiệp đốc rồi! Nhưng phải chiến đấu ngoan cường chặn địch để không bị động khi rút lui.
Buổi chiều, Lãnh Mai có mặt ở đồn Cồ Đất, ông được đốc binh Hà Đức Thành báo cáo:
- Các đội quân của ta từ Kim Đức, Hy Cương, Chu Hóa đang rút dần về phía Thanh Mai. Chiều qua phần lớn các đội quân của ta đã rút qua cầu Miễu. Quân số vẫn được duy trì, số bị thương chỉ có 2 người, đã được đưa vào trung tâm chạy chữa Chúng ta đã tiêu diệt gần ba chục tên địch, thu được 20 khẩu súng và vài nghìn viên đạn.
- Thế là tốt rồi! Giờ thì việc quan trọng là chốt giữ cho được các vị trí, không cho chúng tiến vào Thanh Mai.
- Nhưng địch đánh rất mạnh, quân bộ của chúng rất đông! Pháo địch bắn rất trúng, hầm hào bật tung lên, hoặc xập xuống. Đề nghị Chỉ huy phải cho quân tăng viện!
- Tôi và Hiệp đốc đã bàn, khi nào khu Bàn Cờ, khu đồn Cồ Đất bị đánh mạnh phải cho đạo quân Trung tâm xuống chi viện. Nhưng đạo quân Trung tâm hiện giờ phải làm nhiệm vụ chủ yếu bảo vệ cho được Chỉ huy Đại bản doanh, không để cho địch tập kích từ các hướng khác đến.
Buổi tối, Lãnh Mai có mặt tại Đại bản doanh, báo cáo tình hình thực tế trận địa cho Hiệp đốc Nguyễn Văn Giáp nghe:
- Quân Pháp thực hiện các mũi tiến công trong ba ngày nay rất dữ dội. Sức đột phá rất mạnh, quân ta đã phải rút lui khỏi đồn Lú, đồn tiền tiêu bên bờ sông Thao. Binh lính đang phải cố giữ chiến lũy Bàn Cờ, nhưng hy sinh nhiều. Về phía bắc, quân ta rút khỏi làng Kim Đức, làng Hy Cương và đã lui về phía đông cầu Miễu thuộc Khang Phụ và Chu Hóa. Lực lượng địch mạnh, quân ta không thể giữ được lâu.
- Nhưng theo ông, sức của ta hiện giờ thì có thể giữ được bao ngày?
- Chỉ có thể giữ được 5 ngày nữa là cùng!
Hiệp đốc nhìn Lãnh Mai:
- Như thế, chỉ có một cách rút lui để bảo toàn lực lượng! Nhưng rút theo cách thức nào thì tốt?
- Thưa Hiệp đốc! Chỉ có một cách rút lui theo đường thủy như ta đã định và chuẩn bị.
- Theo đường bộ thì ta không còn đường nào nữa. Địch đã cho quân chặn hết các lối rồi. Đất Thanh Mai hiểm trở nhưng cũng rất trở ngại đối với quân giữ, quân cố thủ khi bị bao vây tiến công.
Lúc ấy, quan Hiệp đốc Giáp nhớ tới Phó đốc binh Trần Đương khi đến thăm Thanh Mai đã nói về việc công thủ.
- Trần Đương, nó bàn đúng đấy. Phải cho đan nhiều thuyền nhỏ để có thể vượt vây. Người Việt chúng ta quen chiến đấu trên biển, sông, suối, ngòi, đầm, ao, hồ phải dùng đến thuyền mà di chuyển. Vậy, ta đã làm được bao nhiêu chiếc thuyền rồi?
- Tôi đã cho làm được 120 chiếc thuyền nhỏ. Cạp xong đã cho sơn, phơi khô và dìm xuống đầm Chằm để giữ bí mật và để tránh pháo. Tôi đã cho làm mỗi chiếc thuyền một chiếc sào dài, cứng để chống, đẩy, làm đòn khiêng bộ và sắm đủ các loại dầm bơi, cây cắn tiêu, mo tát nước, dây buộc. Tôi đã nghiên cứu cách bơi, cách khiêng vác bộ và lần lượt cho quân sỹ tập dượt.
- Thế thì tốt rồi! Ta sẽ cho quân trinh sát, tìm cách hướng dẫn vượt vây theo đường thủy. Còn bây giờ ta phải cố giữ trận địa thêm vài ngày nữa. Không để bị động khi quân ta rút ra!
- Về quân lương ta sẽ chuẩn bị ra sao?
- Cho chuẩn bị số lương thực ăn trong chừng một tuần. Còn bao nhiêu anh cho sơ tán ra ngoài khu vực Thanh Mai. Số lượng lương thực dự trữ rất cần thiết, không chuyển đi được thì dành cho nhân dân ở lại ăn, không để lọt vào tay giặc.
- Rút ra, thì quân ta sẽ hướng về đâu?
- Lên Tiên Động, hợp với quan quân Tiên Động, xây dựng một lực lượng mạnh để đón Vua Hàm Nghi ra Bắc đưa Phong trào Cần Vương chuyển sang một giai đoạn mới. Đó là chủ trương của Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích, ông đã cho người về thông tin để tôi biết, trước khi đi sứ nhà Thanh.
- Việc vượt vây phải theo hướng nào, đường nào? Địch đã bao vây kín các hướng bắc, hướng tây và hướng đông rồi.
- Phải theo con đường chuyển thương binh mà Lãnh Mai đã đưa. Đó là con đường tốt nhất hiện nay, còn thì không có con đường nào nữa. Con đường ấy rất mạo hiểm, nhưng giữ được yếu tố bất ngờ, bí mật. Chỗ nào mà địch không nghi ngờ, không tuần phòng thì chỗ ấy là chỗ quân ta đi ra.
- Khi rút lui, Hiệp đốc sẽ cùng đạo Trung quân rút trước. Đạo Tả quân và Hữu quân sẽ rút ra sau, không để cho quân địch biết. Số người bị tử vong mấy ngày qua thì chôn cất cẩn thận xong cho lấp bằng, trồng cỏ lên không để địch biết đào bới lấy xác đem đi.
Hiệp đốc Giáp nhìn Lãnh Mai có vẻ phân vân, lo lắng:
- Về vợ con của Lãnh Mai có thể chuyển theo nghĩa quân, không nên ở quanh đây nữa. Khi địch chiếm được Thanh Mai, chúng sẽ cho quân đốt hết, giết hết. Ngôi nhà thân yêu này, chỉ trong ngày một ngày hai, pháo sẽ bắn nát tan. Khi quân địch đến, cái gì còn lại chúng sẽ thiêu hết. Sự hy sinh của Lãnh Mai là rất lớn, sau này đất nước giải phóng sẽ ghi công! Vậy, ông còn có đề nghị nào nữa không?
- Quan Hiệp đốc không nên lo cho tôi nhiều! Chúng ta đã vì nước vì dân thì còn tính toán thiệt hơn gì nữa. Vợ con của tôi đã có anh em họ hàng lo rồi, không thể đem theo được đâu. Con đường kháng chiến chống Pháp còn dài và rất gian khổ, đến tính mạng của chúng ta còn chưa chắc được bảo toàn, thì lo sao được cho vợ con mãi. Tôi không có yêu cầu và nguyện vọng gì riêng!
Vừa lúc đó nhiều loạt đại bác bắn vào khu vực xóm Đình, xóm Dõng. Tiếng nổ rung chuyển đồng đất Thanh Mai. Quan Hiệp đốc và Lãnh Mai phải chạy vào hầm trú ẩn đào sâu trong thế đồi. Hàng loạt đại bác bắn liên tục như thế, nghe thình thịch, ùng oàng suốt một giờ liền. Ngồi nghe đại bác nổ, hai người lại nghĩ đến cảnh ngày thành Sơn Tây bị pháo kích, cảnh quan quân phải rút chạy ra cửa Tây về phía làng Đường Lâm và ra bờ sông Thao thoát về làng Cổ Đô.
Khi pháo của giặc Pháp vừa ngừng bắn. Lãnh Mai bàn:
- Để cho thật an toàn, Hiệp đốc Giáp và số quân trong Đại bản doanh nên rút ra trong đêm nay. Tất cả kế hoạch tôi đã nắm được rồi, sẽ chỉ đạo quan quân chiến đấu và rút ra trọn vẹn.
- Nhưng người chỉ huy mà rút trước, binh sỹ sẽ không yên lòng. Một mình Lãnh Mai không thể chỉ đạo được quân. Ta sẽ cùng anh em chiến đấu và cùng rút mới được. Tôi nhất trí với phương án là tôi sẽ đi cánh đầu đoàn quân rút lui và Lãnh Mai sẽ là người rút sau cùng. Lãnh Mai đừng lo cho tôi nhiều, chúng ta sống chết cùng nhau là lúc này đây. Phải nhắc anh em binh sỹ bình tĩnh không được dao động, phải chiến đấu kiên cường theo mệnh lệnh!
Nghe xong, trong nháy mắt, Lãnh Mai đã rời khỏi Đại bản doanh đi ra trận địa phía đông Bàn Cờ. Mấy người lính liên lạc, lính bảo vệ vội chạy theo bám sát Lãnh Mai. Trong ánh chớp của pháo chuyển làn, Hiệp đốc nhìn rất rõ dáng người Lãnh Mai cao lớn chạy thoăn thoắt ra cổng Bưng hướng về xóm Bàn Cờ. Trận địa lúc này đang phải hứng pháo địch từ các nơi tới tấp bắn đến.
*
Đã bốn ngày, tướng Gia-mông mới nắm được tình hình các cánh quân. Cánh quân của Gia-me đã vượt qua cầu Miễu đến Khang Phụ tiến vào Thanh Mai, nhưng vấp phải sự chống trả quyết liệt. Nghĩa quân đã chiếm những quả đồi cao bắn chặn quân Pháp tiến đến đồn Cồ Đất. Giặc Pháp quyết chiến đồi Bờ Hỗ, chúng gọi quan ba pháo binh Pi-e Ca-mi-lơ ( Pietri Camile) cho lính kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa Bờ Hỗ đã bị nghĩa quân chặn đánh bắn chết tại chỗ cùng với 5 pháo thủ. Cánh quân của Gia-me thiệt hại nặng bị loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên, hàng chục khẩu súng đã bị nghĩa quân tước đoạt. Nhưng vẫn chưa chiếm được các vị trí Cồ Đất, cửa ngõ quan trong để tiến vào Thanh Mai.
Cánh quân của tướng Mu-ni-e chiếm được vị trí đồn Lú, nhưng chưa chiếm được xóm Bàn Cờ. Mặc dù được pháo binh yểm hộ, cánh quân này vẫn bị giam chân tại xóm Bàn cờ. Hàng chục binh lính đã chết mà không chiếm được chiến lũy, do đó không thể tiến vào trung tâm Thanh Mai.
Cánh quân của đại tá Muốc-lăng đã chiếm được phủ lỵ Lâm Thao nhưng bị chặn đánh mạnh trên đất Cao Mại và Chu Hóa đã không hợp quân được với cánh quân của tướng Gia-me, đang bị đánh tơi bời trong một khu rừng rậm tại khu vực phía tây Chu Hóa. Binh lính của cánh quân này và bính lính cánh quân Mu-li-e, đang có hàng trăm binh lính bị bệnh dịch tả phải điều trị do ăn phải thịt trâu nhiễm bệnh, hơn ba chục binh sỹ đã tử vong. Số quân bị chết trận, chết dịch của cánh quân này đã lên tới con số gần một trăm.
Gia-mông gọi điện báo cáo cho thống tướng Đờ Cuốc-xy:
- Cuộc hành quân tiến đánh Thanh Mai và Thạch Sơn của chúng tôi cơ bản hoàn thành. Đã chiếm được phủ lỵ Lâm Thao và các vị trí tiền tiêu của địch. Nhưng tổn thất quả lớn, 310 binh sỹ đã bị chết và bị thương, trong đó có 30 binh sỹ chết vì bệnh tả. Quan ba pháo binh Pi-e Ca-mi-lơ bị bắn lén chết ngay tại trận địa. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để vài ngày nữa có thể chiếm toàn bộ căn cứ Thanh Mai và Thạch Sơn.
Tiếng của thống tướng Đờ Cuốc-xy gắt gỏng:
- Các anh phải tiêu diệt toàn bộ quân phiến loạn! Đó là mục tiêu cơ bản của cuộc hành quân. Chiếm được Thanh Mai và Thạch Sơn mà không tiêu diệt được đối phương thì coi như là thất bại. Cho nên bằng mọi giá các anh phải tiêu diệt toàn bộ quân địch. Bằng không thì chúng ta sẽ không có chỗ đứng ở đất Việt Nam này nữa đâu.
Quân Pháp điên cuồng bao vây, tiêu diệt Thanh Mai. Các cánh quân bao vây càng khép chặt. Gia-mông ra lệnh cho quân Pháp thực hiện đánh cuốn chiếu. Đánh đến đâu cho giết sạch, đốt sạch và chốt giữ. Mau chóng tiến vào trung tâm Thanh Mai bắt sống, những tên đầu sỏ. Chúng treo giá cao nếu ai bắt sống Bố chánh Nguyễn Văn Giáp sẽ được thưởng 1 vạn phật lăng ( phờ-răng). Ai bắt sống Lãnh Mai được thưởng 5000 nghìn phật lăng.
Cánh quân phía đông bắc, tiếp tục công phá các chiến lũy tại khu vực Bàn Cờ. Chúng tập trung lực lượng tinh nhuệ phản công quyết liệt. Chúng dùng trọng pháo bắn liên tục vào khu vực Bàn Cờ, khi pháo ngừng chúng cho hàng trăm lính xung phong lên đánh chiếm. Nhưng những hàng rào tre kiên cố đã không thể phá hủy, các công sự đào sâu và có nắp đậy đã che chắn cho binh sỹ khỏi bị thương vong. Quân Pháp phải vất vả, phải chịu tổn thất. Nhiều binh sỹ chết và bị thương nằm la liệt bên hàng rào. Với lực lượng mạnh, quân Pháp ào ạt xông lên đánh chiếm dần các chiến lũy của nghĩa quân. Quân lính dưới sự chỉ huy của Đốc binh Lê Thanh và Phó Đốc Trịnh Viễn tiếp tục ngăn chặn, phá tan các đợt tiến công của quân Pháp. Chúng hùng hổ phản công chiếm các chiến lũy. Không giữ được, các chỉ huy nghĩa quân cho rút quân dần về các chiến lũy phía sau để đủ sức đánh trả, ngăn chặn có hiệu quả các cuộc tiến công mới của địch.
Nhìn qua ống nhòm, tướng Mu-li-e đã nhìn thấy toàn bộ chiến lũy Bàn Cờ của quân Thanh Mai. Tất cả có 4 lớp thành lũy, mỗi lớp thành lũy, bên ngoài có lớp rào đơn bằng tre ken dày đặc, bên trong cách 5 mét, có một hàng rào kép bằng gốc tre chôn chéo, phía trong có hào sâu, binh lính có thể vận động được. Phía trong mỗi lớp thành lũy có nhiều hầm hào nối liền. Viên tướng nhìn Sa-môn (Chaumont) sỹ quan phụ tá trầm trồ:
- Sức chiến đấu của đối phương rất tuyệt vời! Họ có kỷ luật rất tốt, tinh thần chiến đấu rất cao, chịu đựng thật phi thường! Khi các đợt pháo của ta bắn liên hồi, vừa ngừng đã thấy họ đứng lên, ra chiến hào chờ quân Pháp phản công để bắn chặn.
Để cho quân lính hoàn toàn khỏe mạnh có sức chiến đấu, Hiệp đốc Nguyễn Văn Giáp đã lệnh cho Lãnh Mai điều quân từ đạo Trung quân ra thay thế, để cho binh lính khu Bàn Cờ được nghỉ ngơi, tắm giặt. Binh lính đạo Trung quân tự nguyện ra thay cho đạo Hữu quân và Tả quân. Việc thay quân chiến đấu đều xuất phát từ ý thức tự giác của binh sỹ. Họ vững vàng trực chiến và chịu đựng pháo bắn với các đợt hàng trăm quả đại bác và năm, bảy cuộc tiến công của giặc Pháp mỗi ngày.
Tướng Mu-ni-e nhìn Sa-môn than thở:
- Chúng ta không thể dùng quân lính phản công ào ạt như chiến tranh ở châu Âu hay ở Trung Đông. Đây là kiểu chiến tranh du kích của một dân tộc đã lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều. Chúng ta không thể liều mạng, liều mạng sẽ dẫn đến chỗ thí mạng.
Viên sỹ quan phụ tá băn khoăn hỏi lại:
- Thế thì chúng ta phải chôn chân ở đây đến bao giờ? Cánh quân của ta đang bị tiêu hao rất nhiều. Một số đông binh sỹ của ta đang bị bệnh tả không thể ra trận được nữa. Nếu chúng ta bị quân giặc phản công thì khả năng chống đỡ của ta là rất yếu, rất dễ bị tiêu diệt.
- Đó là gót chân A sin của ta mà đối phương chưa có khả năng nhận ra được đâu. Họ chưa có thực lực, chỉ biết cố thủ và rút lui.
- Nhưng tướng Gia-mông yêu cầu chúng ta phải đánh nhanh, tiêu diệt gọn!
- Thì chúng ta đang đánh nhanh thắng nhanh đó thôi!
Giặc Pháp không thể tiến nhanh, không thể diệt gọn được. Vì kiểu phòng thủ rất chắc chắn của nghĩa quân Thanh Mai. Chúng tập trung hàng chục khẩu pháo đặt từ đồn Lú, Minh Nông, Thanh Vân bắn liên tục vào khu Bàn Cờ. Khu Bàn Cờ rung chuyển bởi đạn pháo, đất đá như bị bới tung lên. Nhiều chiến hào bị bắn sập, nhiều đoạn rào bị đào lên, nhiều binh sỹ bị sức ép, bị điếc đặc. Mỗi lần pháo kích như vậy, thỉnh thoảng có vài ba người bị thương, bị chết. Địch tập trung quân phản công đã chiếm được chiến lũy ngoài cùng, nghĩa quân lui dần vào các chiến lũy phía trong và cuộc chiến đấu càng trở nên ác liệt.
Bên hướng đồn Cồ Đất tướng Gia-me đã cho lính phản công chiếm các điểm cao của làng Chu Hóa, chiếm thôn Khang Phụ và tiến vào đồn Cồ Đất. Nhưng cánh quân này bị đánh chặn bởi đạn bắn thẳng, quân lính không thể vượt qua những lớp hàng rào hết sức kiên cố có binh sỹ bám trụ. Họ rất bình tĩnh, dũng cảm và mưu trí. Vũ khí của họ cầm trong tay rất thô sơ, dễ bị đập nát nhưng tinh thần của họ là bất diệt. Một dân tộc với những người lính gan dạ như thế này, thì dân tộc ấy không dễ gì bị khuất phục. Viên tướng nói với Mông-tê-a ( Mouteaux), trung úy sỹ quan pháo binh thay quyền chỉ huy của viên quan ba vừa tử trận:
- Đã mất 6 ngày ra quân mà hàng nghìn quân Pháp không thắng nổi mấy trăm quân khởi nghĩa. Từ đây tiến vào trung tâm Thanh Mai chỉ chừng 1500 m mà chúng ta chưa biết bao giờ vào nổi. Trung úy ạ, ta tiếp tục phải dùng đại bác nã liên hồi vào trung tâm Thanh Mai và sau đó dốc toàn bộ lực lượng quân bộ xung phong; may ra ta mới hoàn thành việc tiêu diệt địch.
- Thưa thiếu tướng! Chúng ta cần huy động nhiều quân chiếm các điểm cao phía bắc Thanh Mai, sau đó ta hãy dốc lực lượng đánh xuống thì địch quân sẽ không chống cự nổi.
Viên tướng Gia-me lắng nghe và buồn bã trả lời:
- Chẳng đợi anh tham mưu đâu, chúng tôi đã cử các đội quân đánh chiếm các điểm cao, các quả đồi sau lưng Thanh Mai nhưng đều thất bại. Đã cử lính đi mà chưa có người lính nào trở về, chính chỉ huy chúng tôi chưa biết là tại sao nữa đấy. Thế thì chỉ còn có một cách đánh hiệp đồng giữa pháo và bộ binh để tiêu diệt chúng và không để một tên nào sống sót.
*
Ngày chốt giữ cuối cùng ở Thanh Mai là ngày 27/ 10/1885 , trời mưa rả rích. Vào nửa đêm tối mịt mùng Hiệp đốc Nguyễn Văn Giáp chỉ thị cho nghĩa quân rút khỏi Thanh Mai để bảo toàn lực lượng. Theo kế hoạch, ông là người cùng đạo Trung quân rút trước. Đốc binh Hoàng Kim là người đi đầu với 15 chiếc thuyền nhỏ, mỗi chiếc thuyền chở 3 người với vũ khí và lương thực. Đúng 1 giờ sáng. lệnh phát ra cho rút quân, các thuyền nhỏ được binh sỹ lôi lên chành nước, xếp người lên rời bến Dõng bơi ra đồng Chằm sang đầm Nghìa, vào đầm Con Lợn theo ngòi nhỏ ra đồng Bồng Lạng vượt sông Thao đi vào khu rừng già làng Văn Lang. Đội thứ hai, có15 chiếc thuyền bám theo, do Đội trưởng Nguyễn Bá Cương, người phụ trách huấn luyện binh sỹ tại núi Dõng đảm nhiệm. Đội thuyền này có một chiếc thuyền chở quan Hiệp đốc Nguyễn Văn Giáp. Đội thuyền cuối chở đạo Trung quân gồm 12 chiếc do Phó Đốc binh Nguyễn Dũng chỉ huy cho binh lính bơi theo. Đến những đoạn đất cao, đoạn bờ đê, bờ đập thì cho binh lính khiêng thuyền. Các thao tác của binh lính rất thuần thục, nhanh nhẹn, không gây ra một tiếng động nào nên giữ được bí mật.
Đúng 1giờ 30 phút sáng, đạo quân Hữu quân được lệnh rút. Những người lính trinh sát đã quen đường dẫn cả đạo đi từ đồn Cồ Đất, đồn núi Chùa vào cổng Dõng xuống bến Dõng, cũng lặng lẽ xuống những chiếc thuyền nhỏ hướng theo chiếc thuyền đi đầu, do Đốc binh Hà Đức Thành chỉ huy. Đội thuyền gồm 35 chiếc cũng theo con đường đã định mà bơi vượt sông Thao theo cọc tiêu cắm bên bờ sông đoạn từ làng Bồng Lạng sang làng Văn Lang.
Vào khoảng 2 giờ sáng, tại bến xóm Bàn Cờ, đạo Tả quân gồm toàn bộ binh sỹ đã ngồi lên 32 chiếc thuyền bơi ra đầm Chằm hướng ra đầm Nghìa. Đội thuyền quân đi trước đã cắm cọc tiêu để thuyền đi sau bơi theo được dễ dàng, không một chiếc thuyền nào bị lạc.
Lãnh Mai từ biệt ngôi nhà thân yêu của mình lúc 2 giờ sáng. Ngồi trên thuyền với hai người lính tên là Vĩnh và Đang cùng ông bơi ra đầm Chằm đón đoàn thuyền từ bến Bàn Cờ bơi ra đấm Nghìa, đầm Con Lợn. Mấy ngày qua pháo giặc bắn rất dữ vào xóm Dõng nhưng ngôi nhà của ông vẫn còn nguyên vẹn. Trước khi từ biệt ngôi nhà thân yêu do vợ chồng ông xây dựng, nước mắt ông chảy tràn vừa lo lắng vừa nhớ thương dân làng, họ hàng, vợ con và anh em ruột. Ông biết chắc rằng ngôi nhà của ông sẽ bị giặc đốt phá để trả thù. Ông đi gấp quá, không có thời gian đến chào người vợ xinh đẹp đảm đang và ba người con gái thân yêu còn nhỏ của mình đang sơ tán tại thôn Do Ngãi, làng Sơn Vy. Bản thân ông đã theo làm việc nghĩa cứu nước, cứu dân đã không tính toán thiệt hơn, thành hay bại, chết hay sống. Ông chỉ có một chí hướng là xả thân chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược đến cùng để đền nợ nước, trả thù nhà.
Nghĩ đến việc ra đi với mục đích cao cả, lòng ông thanh thản trở lại. Ông đã giao lại trận địa Thanh Mai cho 2 tổ đánh chặn với 6 người lính trẻ. Một tổ 3 người, ở khu Bàn Cờ do Nguyễn Đức Liên chỉ huy, một tổ 3 người ở đồn Cồ Đất lo Hoàng Hân phụ trách, cho phép giữ vị trí tiền tiêu, chiến lũy cuối cùng đến 5 giờ sáng ngày 28/10. Trước khi rút cho phép mỗi người bắn 5 phát súng và ném hai quả thủ pháo tự tạo về phía địch và rút lui ra bến Bàn Cờ và bến Dõng, lên thuyền nhỏ bơi qua đầm Chằm, sang đầm Nghìa lên rừng Sóc Lọi tạm trú lại một ngày tại đó. Đêm hôm sau thì theo con đường đã chỉ theo nghĩa quân lên Tiên Động. Súng đạn được trang bị đủ và lương thực được cấp theo tiêu chuẩn 10 ngày ăn đường. Vị trí được tiếp đón là trạm quân Ngọc Đồng châu Yên Lập.
Đạo Hữu quân sau ba ngày chiến đấu ác liệt tại xóm Bàn Cờ, số bị thương đã được đưa xuống thuyền cùng hành quân. Thuyền chỉ đi được ba người, nên mỗi thuyền chở 1 thương binh. Nghĩa quân đều là những người quen sống nơi sông nước nên bơi rất nhanh. Chẳng mấy chốc đã đến làng Bồng Lạng, chuyển thuyền qua đê ra bờ sông Thao. Nhưng thuyền có thương binh không đi được thì người khỏe quay lại khiêng, hoặc dìu qua đê xuống bờ sông. Lãnh Mai người đi sau cùng cho người xóa các vết chân đi trên đất trên cát để che mắt địch. Khi vượt sang bên kia sông Thao, các đơn vị đã vào hết khu rừng già Văn Lang. Thì nghe thấy tiếng súng bắn và sau đó nghe thấy tiếng của hàng chục khẩu đại bác bắn liên hồi về Thanh Mai nghe ùng oàng, ùng oàng.
Lãnh Mai biết rằng những người lính Thanh Mai đang làm nhiệm vụ đánh chặn địch và đang rút lui theo kế hoạch. Lúc trời sáng hẳn, pháo ngừng bắn thì lại nghe thấy tiếng bộc phá nổ. Đó là bọn giặc Pháp đang tiến quân vào trung tâm Thanh Mai, dùng bộc phá để đánh phá các công sự và hàng rào kiên cố. Ông mường tượng thấy ngôi nhà thân yêu của mình đang làm mồi cho lửa và bộc phá của giặc Pháp.
Lãnh Mai cho lính đốt một đổng lửa lớn, khói trắng bốc lên cao, báo cho binh sỹ Thạch Sơn biết là quân Thanh Mai đã rút. Trời tạnh mưa, bầu trời quang đãng, từ Thạch Sơn binh lính nhìn thấy, sẽ báo cho Tán Dật biết mà rút lui. Hoặc sớm nay, không thấy tiếng súng bắn trả của nghĩa quân có thể nhận ra nghĩa quân Thanh Mai đã rút lui mà tự mình hành động. Cánh quân Thạch Sơn, họ có thể rút ban ngày theo con đường rừng về Lang Sơn, Hạ Hòa lập căn cứ mới chống Pháp.
Khoảng 7 giờ sáng, nghĩa quân Thanh Mai đã đến rìa làng Văn Lang. Quan Hiệp đốc Giáp, Lãnh Mai và các đốc binh, phó đốc binh đã gặp nhau tại một khu rừng già rất kín đáo. Họ rất phấn khởi về cuộc lui quân diễn ra trong đêm thật bí mật, an toàn. Ai cũng náo nức tiến về căn cứ Tiên Động làm nhiệm vụ mới. Đường lên Tiên Động phải qua sông, qua ngòi, qua suối sâu, cho nên các thuyền nhỏ tiếp tục được mang đi, coi nó là một phương tiện cần thiết cho nghĩa quân. Thuyền nhỏ mới làm không nặng lắm nên khiêng vác đi rất nhẹ nhàng.
Lãnh Mai tới bên Đốc binh Lê Thanh yêu cầu cử cho 6 binh sỹ khỏe mạnh cùng ông đi tìm con đường ngắn nhất đi lên Tiên Động. Một người lính tên là Nguyễn Hữu Phú người Đồng Lương, Cẩm Khê đã quen con đường đi Tiên Động, anh ta chỉ ra con đường hành quân hết sức hợp lý:
- Tôi thấy quân ta đi bằng thuyền, nên đi theo đường Khe Trời.
- Khe Trời nào vậy?
- Đó là con đường từ Đồng Lương đi Văn Khúc, theo ngòi Me lên Yên Tập, Sơn Bình, sang đầm Mèn, cứ thế là bơi lên tận Áo Lộc, Tiên Động. Tôi đã đi theo con đường thủy ấy rồi, rất dễ đi. Chỉ chừng một đêm dài là tới nơi thôi. Còn con đường theo chỉ huy đã định đi vào châu Yên Lập thì phải mất ba ngày, nhưng rất mỏi mệt vì phải khiêng vác thuyền vất vả lắm.
Lúc đó, quan Hiệp đốc mới nhớ ra:
- Ngày đi Tiên Động năm ngoái, tôi đã nghe Hiệp thống Nguyễn Quang Bích kể về việc hành quân từ Sơn Bình lên Tiên Động đã đi qua đầm Mèn, đó là con đường tốt nhất. Lính Phú là người làng Đồng Lương, nên anh ta biết được con đường ấy. Hiện nay đất Cẩm Khê quân Pháp đã chiếm đóng nhiều nơi, ta cần đi đêm thì tốt hơn. Bây giờ, ta cho quân tạm nghỉ, Lãnh Mai cho người tìm đường lên Đồng Lương, tìm con đường thủy lên Tiên Động để sáng ngày mai quân ta có mặt ở Tiên Động thì rất tốt.
Lãnh Mai bàn thêm:
- Bây giờ, ta cho binh sỹ nghỉ ngơi, tắm giặt, ăn uống. Hơn một tuần nay đánh địch, quân quan rất vất vả bảo vệ Thanh Mai. Đêm qua phải hành quân rút lui, ai cũng rất mệt mỏi, cần phải cho binh sỹ nằm nghỉ lấy lại sức. Chiều tà, ta tìm đường hành quân tiếp.
Quan Hiệp đốc đồng ý và yêu cầu:
- Ở đây, rất gần địch, nên phải tiếp tục giữ bí mật. Không để địch thấy, ta cần phải chú ý lửa khói, đi lại không để ai trông thấy. Mỗi đạo quân phải cắt cử người canh gác cẩn thận. Quân trú ở đây, vẫn nằm trong tầm kiểm soát và tầm đại bác của địch nên cẩn thận vần là thượng sách.
Lính Phú dẫn Lãnh Mai và một số người đi tìm đường lên Đồng Lương và từ Đồng Lương theo Khe Trời lên Tiên Động vừa ra khỏi cánh rừng. Các đạo quân theo sự chỉ huy của Hiệp đốc Giáp cho tản vào trong những cánh rừng gỗ de già thuộc đất rừng làng Văn Lang tạm nghỉ ngơi để còn lấy sức chiều đi tiếp. Lúc ấy, quân Pháp đã vào được Thanh Mai đang cho phá các công sự, các chiến lũy, các công trình văn hóa, doanh trại và nhà dân.
Ông nói với lính Tiền cần vụ:
- Cậu có nghe thấy tiếng bộc phá của Pháp đang công phá căn cứ Thanh Mai-Thạch Sơn không?
- Vâng, đúng ạ! Chúng đang điên tiết vì thất bại, nên chúng không từ phá hoại một thứ gì của ta đâu. Thưa quan Hiệp đốc! Bao giờ chúng ta trở lại bắt lũ giặc ấy phải đền tội?
- Bọn chúng đang phải đền tội đó thôi! Viên chỉ huy pháo binh của chúng đã bị quân ta bắn trúng đầu. Chiếc mũ bù hụp của hắn bị vỡ tan, đầu hắn bị vỡ một mảng bằng cái bát ấy. Hàng trăm tên lính khác đã bị giết, chúng đang khóc nhau đấy, cậu có nghe tiếng khóc của bọn giặc không?
Lính Tiền nghe rất rõ tiếng nói của quan Hiệp đốc Giáp nhưng không trả lời. Anh chạy về nơi để đồ mắc cho ông chiếc võng gai nằm nghỉ dưới một gốc cây lim già sum suê cành lá.
*
Gần 5 giờ sáng, Gia-me nghe rất rõ tiếng súng, tiếng thủ pháo từ phía Thanh Mai vọng ra. Y liền ra lệnh cho các đơn vị pháo bắn liên tiếp vào Thanh Mai, vào các địa điểm gò Đình, núi Chùa, núi Quẫn, xóm Dõng. Ra lệnh cho một nghìn tên lính bộ binh tiến công trực diện vào đồn Cồ Đất, chiếm xóm Lảo Quân, xóm Dõng. Tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân phản loạn Thanh Mai, phải bắt và giết cho được những tên giặc cầm đầu ngoan cố là Nguyễn Văn Giáp, Lãnh Mai, Lê Thanh.
Hàng loạt pháo bắn tới tấp vào Thanh Mai, tiếng nổ ầm ầm liên hồi như hội trống. Một nghìn quân Pháp dưới sự chỉ huy quan tư Giem-pu-ri(Jiempuri) với lưỡi lê tuốt trần, hò hét tiến vào các vị trí đã định. Nhưng kỳ lạ không thấy đối phương bắn trả, họ tiến rất nhanh đến các vị trí kiên cố mà không thấy một bóng người. Khi đến các hàng rào bằng tre, binh lính phải đặt bộc phá để đánh đổ. Những cổng rào sụp đổ, quân lính tiến vào khu nhà Lãnh Mai mà nghĩa quân làm Đại bản doanh, cũng không thấy một đồ dùng gì để lại, chỉ thấy đôi ba mảnh đạn cắm vào các góc tường. Một quả đạn vừa bắn sớm nay đã trúng vào góc nhà làm tung mái ngói. Các căn hầm trú ẩn đào thông vào núi, cũng không còn một người nào. Bến nước trống vắng, không có dấu chân, một chiếc thuyền mới nào, chỉ nhìn thấy vài chiếc thuyền nát buộc chặt vào các gốc cây xi, cây sung ghếch mũi lên bờ gò.
Chúng tiến sang đại đồn cùng không thấy một tên phản loạn nào nữa. Các đồn lính đều bị trúng đạn pháo, nhiều ngôi nhà sụp đổ, chồng chất lên nào gạch, nào gỗ đá, chống trơ, cháy đen nhẻm. Khi chúng tiến sang khu xóm Bàn Cờ thì hàng loạt pháo từ đồn Lú, từ Quất Thượng, Quất Hạ bắn vào. Nhiều tên lính Pháp bị pháo của quân Pháp giết chết, những tên bị thương nằm kêu ô ố. Nhừng tên còn sống cuống cuồng lao xuống hào tránh đạn pháo. Viên quan tư Giêm-pu-ri hối hả gọi điện về phía trung tâm thông báo đã chiếm được Thanh Mai, cho dừng ngay pháo, không được bắn vào Thanh Mai nữa. Hiện nay chỉ có quân Pháp đang chiếm giữ, chứ không còn quân địch nữa.
Gia-me điện ngay cho các chỉ huy cánh quân của tướng Mu-ni-e, của đại tá Muốc-lăng. Quân của tướng Gia-me đã làm chủ căn cứ, không được bắn pháo vào Thanh Mai nữa. Đề nghị cho quân cùng tiến vào Thanh Mai để giải quyết hậu quả của cuộc chiến. Hơn một tiếng sau, cả ba viên chỉ huy của ba cánh quân đã vào Thanh Mai xem xét thực tế. Tướng Gia-me đã phải đau đớn thừa nhận:
- Cuộc hành quân của chúng ta cơ bản đã thất bại. Chúng ta đã bắn hàng vạn quả đại bác, dùng sức mạnh trực tiếp của gần chục ngàn quân mà không tiêu diệt được đối phương. Họ đã rút lui từ ban đêm, đi đằng nào biệt tăm tích, không để lại dấu vết. Kỳ lạ, họ cũng không để lại một xác chết nào, một người bị thương nào.
Viên tướng Mu-ni-e nói giọng chắc chắn:
- Họ không rút theo đường bộ thì chỉ rút theo đường thủy mà thôi. Phải lần theo dấu vết và phải lệnh cho đoàn tàu chiến kiểm soát con đường sông Thao từ Thạch Sơn lên Tiên Động ngay.
Đại tá Muốc-lăng truyền lệnh cho sỹ quan phụ tá Mi-nôt (Minots) phi ngựa về phủ lỵ Lâm Thao báo cho đại tá, chỉ huy phó Grê-gây-ri (Grégeire), lập tức cho quân bao vây tiêu diệt căn cứ Thạch Sơn. Nghe nói vậy, Gia -me lắc đầu:
- Đánh đấm gì nữa, chúng đã cùng quân Thanh Mai rút từ bao giờ rồi. Chúng ta chỉ một cách tập trung binh lực đánh thẳng vào Tiên Động, phá tan cái điểm đen ấy đi thì vùng Tây Bắc, Bắc Kỳ mới được yên.
Chẳng ai nói gì nữa, họ ra lệnh cho quân lính tìm xác của những binh lính đã chết mấy ngày qua, chưa tìm và thu xác được vì đạn bắn thẳng của quân lính đối phương. Xác viên đại úy Pi-e Ca-mi-lơ được chúng mang vào chôn trên gò Chùa và cho một đại đội công binh đến xây mộ. Mấy chục tên lính chết chưa lấy được xác trong các chiến lũy, chúng cho người cố tìm và lôi xác những tên vừa chết bởi trận pháo bắn nhầm sáng nay đem chôn một hồ chung tại rừng Dài bên xóm Bàn Cờ.
Trên đường về, Đại tá Muốc-lăng ghé vào Thạch Sơn, chỉ nhìn thấy những đống đổ nát. Quân sỹ của đối phương đã rút từ sáng sớm, cũng chẳng biết họ rút đi theo đường nào. Trên quả đồi xóm Trước viên chỉ huy dùng ống nhòm quan sát ra phía sông Thao vẫn nhìn thấy bóng những chiếc tàu chiến Pháp lượn lờ tìm kiếm quân địch. Hắn đưa ống nhòm về phía bắc, thấy những dãy đồi và rừng núi bao la. Y thất vọng nói với Trung tá Mi-nốt đi cùng:
- Tìm diệt đối phương mà chẳng thấy đối phương đâu. Đánh đấm kiểu này, người Pháp khó mà tiêu diệt được họ. Họ mà có vũ khí tốt, có sự chỉ huy thống nhất, thì chúng ta sẽ thất bại phải tìm đường rút quân về nước.
Viên sỹ quan nói thẳng:
- Chúng ta chỉ tạm thắng, chưa phải là toàn thắng đâu. Dẹp yên chỗ này thì chỗ khác họ lại nổi lên chống lại quân Pháp. Chúng ta đi phá nhà, giết người, đốt đền thờ Phật, đền thờ Hùng Vương, đền thờ Tiến sỹ, hóa ra chúng ta là kẻ vô lương tâm! Người có lương tâm chính là người luôn nghĩ đến đồng loại, thì không làm thế này.
Viên quan tư Met-ni-gơ ( Metzniger) nhìn Mi-nốt vừa trả lời, nói sắc sảo hơn:
- Anh là kẻ đi xâm lược thì học sao nổi cái chủ nghĩa nhân đạo của nhà văn Vích-to Huy-gô (Victor Hugo). Người mang chủ nghĩa nhân đạo cao cả chính là kẻ thù địch đang chiến đấu trực tiếp chống lại lũ chúng ta đó.
Mấy viên sỹ quan nghe hiểu ra cùng cười vang. Họ nhìn làng Thạch Sơn bị phá, ngôi chùa thờ Phật, đến thờ Tổ Hùng Vương, đến thờ Tiến sỹ Trần Đức Trinh được xây trên nền đất cao, phía sau là những ngôi nhà gỗ xinh xinh đã bị pháo bắn đổ hết, sập hết, cháy hết. Tự nhiên họ không cười được nữa, lặng lẽ đi ra bờ sông Thao, xuống tàu chiến trở về vị trí xuất phát.
Tại thành Sơn Tây, nơi đặt hành dinh của quân Pháp, thiếu tướng Gia-mông tổng chỉ huy phải thú nhận với thống tướng Đờ Cuốc-xy về cuộc hành quân đánh Thanh Mai và Thạch Sơn là thất bại thảm hại. Huy động tất cả hơn 10 ngàn quân tràn ngập vòng trong, vòng ngoài tiến đánh mà không tiêu diệt được một đội quân nhỏ chưa đến 500 tên. Chúng ta chiếm được một vùng đất trắng mà bị loại khỏi vòng chiến trên 400 quân. Đã gây ra tội ác, giết chết 200 người dân vô tôi, 15 làng bị phá, trong đó có 10 ngôi chủa thờ Phật, 5 ngôi đền thờ Hùng Vương và danh tướng, 8 ngôi đền thờ Tiến sỹ, chừng 500 nhà dân bị hủy hoại.
Theo tin tình báo, tướng Gia-mông chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Kỳ nắm được, 2 ngày sau cánh quân Thanh Mai do Hiệp đốc Nguyễn Văn Giáp chỉ huy đã hợp nhất với cánh quân Tiên Động. Cánh quân Thạch Sơn do tán tương quân vụ Lê Đình Dật đã về lập căn cứ tại Đầm Đen thuộc tổng Lang Sơn, huyện Hạ Hòa. Y yêu cầu cánh quân của tướng Gia-me tiếp tục hành quân lên bao vây để đánh Tiên Động. Hai nghìn quan lính của Gia-me thu quân về Việt Trì và chúng được những chiếc tàu chiến chuyên chở theo dòng sông Thao lên chiếm làng Sai Nga, Sơn Nga, Phương Xá. Vượt lên trên Áo Lộc, chúng cho quân chiếm các vị trí ven sông Thao thuộc làng Chí Chủ, Vũ Ẻn, Sơn Cương, Minh Cội, Bằng Giã, Động Lâm, Hiền Lương, Tuần Quán và tăng cường chiếm đóng các vị trí huyện lỵ Hạ Hòa, Thanh Ba, Cẩm khê, Trấn Yên. Thực hiện bao vây vòng ngoài, chuẩn bị thật kỹ càng tiến công tiêu diệt căn cứ Tiên Động.
Tháng 12 năm 1885, thống tướng hiếu chiến Đờ Cuốc-xy bị Chính phủ Pháp triều hồi về nước vì tội đã gây ra những vụ lộn xộn ở Kinh thành Huế, không khống chế nổi các vụ nổi loạn ở hai nơi Bắc Kỳ và Trung Kỳ, làm cho quân đội viễn chinh Pháp bị tổn thất nặng nề tại Thanh Mai. Thủ tướng Pháp Phrây-xi-nê (Freycinet) lên cầm quyền liền cử ông Pôn Be (Paul Bert) vốn là viên quan làm hành chính, không phải là tướng quân sự sang làm thống đốc nước Nam. Tại Bắc Kỳ tướng Gia-mông vẫn ngày đêm điều binh bao vây Tiên Động và các nơi có quân Cần Vương. Do vậy, vùng sông Thao, Hưng Hóa, ngày đêm tiếng súng chống Pháp vẫn rền vang.