Đêm hôm ấy, đoàn quân Thanh Mai đã theo con đường Khe Trời bơi thuyền lên Tiên Động. Khi đến ngòi Rành, Hiệp đốc Nguyễn Văn Giáp nói với Lãnh Mai:
- Anh thấy không, trí tuệ của dân và binh sỹ ta mới tuyệt vời làm sao. Không có lính Phú chỉ đường, chúng ta vẫn đi theo con cũ qua châu Yên Lập thì bây giờ quân quan còn đang vất vả hành quân. Ta rút lên Tiên Động chỉ có một ngày, một đêm đã tới nơi rồi, vừa được nghỉ ngơi lấy lại sức, vừa đạt được mục đích mà không mệt nhọc. Nhờ có trí tuệ của đại quần chúng sáng suốt mới được như vậy, anh nhớ lấy mà điều chỉnh phong cách làm việc.
- Vâng, tôi vẫn nhớ những người như Đội trưởng Nguyễn Bá Cương bày ra cách làm chiến lũy bằng tre phòng thủ, Phó Đốc binhTrần Đương gợi ý cách làm thuyền nhỏ vượt vây, lính Nguyễn Hữu Phú chỉ ra con đường Khe Trời ta đi. Tướng quân và tôi đã đều không nghĩ ra, không nghĩ tới, quần chúng nhân dân và binh sỹ sáng suốt góp phần quyết định cho chúng ta đi đến thắng lợi.
Mấy người lính đồn tiên tiêu ở bến thuyền Hoàng Lương chạy ra đón, đưa Hiệp đốc Giáp và các chỉ huy về đại đồn. Đề Kiều và Khê Ông, các ông tán tương quân vụ từ trong Đại bản doanh cũng vừa ra tới nơi. Họ rất phấn khởi chào đón đoàn quân Thanh Mai. Đề Kiều báo cáo tình hình cho quan Hiệp đốc:
- Thưa quan quân Thanh Mai! Quan Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích đi sứ, chúng tôi ở nhà vẫn giữ vững trận địa, mặc dù vòng vây của địch đang xiết lại. Khi Thanh Mai-Thạch Sơn bị đánh, quân Pháp thực hiện bao vây vòng ngoài Tiên Động, làm cho chúng tôi không thể ứng cứu. Chúng tôi biết quan quân chiến đấu rất kiên cường, bảo vệ vị trí chiến lược. Hiệp thống đại thần đã có mật thư báo cho Hiệp đốc, nếu không giữ được thì cho rút lui về Tiên Động để bảo toàn lực lượng. Khi quan Hiệp đốc về đây, thì tôi giao lại Quyền Chỉ huy Tiên Động và cho hợp quân của hai nơi làm một.
Hiệp đốc Giáp trịnh trọng nói:
- Thưa toàn thể chiến hữu! Tôi và Chỉ huy Thanh Mai-Thạch Sơn đã làm theo chỉ thị của quan Hiệp thống. Căn cứ Thanh Mai và Thạch Sơn đã bị giặc phá, quan quân đã rút hết ra ngoài, bảo toàn được lực lượng. Đó là một thắng lợi của quân ta và là thất bại lớn của quân Pháp. Nhưng giặc Pháp tiếp tục tiến công nữa, chúng ta phải phòng bị tích cực bảo vệ cho được căn cứ Tiên Động. Không để cho Hiệp thống đại thần thất vọng khi đi sứ trở về! Tôi đề nghị đạo Trung quân, do Phó Đốc binh Hà Đức chỉ huy và Lãnh Mai chịu trách nhiệm đón tiếp anh em Thanh Mai, cho người qua sông Thao đến Lang Sơn gặp Tán Dật nắm tình hình. Bây giờ chúng ta trở về Đại bản doanh Tiên Động để bàn cách đánh địch trong những ngày sắp tới!
Hiệp đốc Giáp cùng chỉ huy lên ngựa trở về Đại bản doanh Tiên Động. Quen đường về, con ngựa Hiệp đốc đang cưỡi hí lên và phóng rất nhanh, quan Hiệp đốc phải ghì dây cương nó mới chịu dừng. Đề Kiều và Khê Ông phải cho ngựa phóng theo để kịp Hiệp đốc.
Khi ngựa của Đề Kiều đi ngang với ngựa của Hiệp đốc, ông nói:
- Cảnh trí Tiên Động đẹp tuyệt vời! Mình đã lên đấy một lần, nhưng lần này thấy nó đẹp hơn. Có phải cảnh đẹp hay lòng ta đang vui hơn?
Đề Kiều nhanh nhẹn trả lời:
- Lòng người vui thì cảnh đẹp và cảnh càng đẹp thì lòng người càng vui! Ở Tiên Động mà buồn thì cảnh có đẹp cũng thành buồn thiu ra đấy. Tướng quân lòng đang vui, nhìn đất trời Tiên Động thấy hùng tráng là phải lắm. Đẹp là do sự hùng tráng của núi sông và của chính lòng người ta đó.
Quan Hiệp đốc Giáp không nói gì, chỉ đến khi người và ngựa lên đến bậc thềm nhà Đại bản doanh, ông mới nói:
- Đề Kiều, anh nói đúng đó, lòng ta đang vui nhìn núi sông thấy hùng tráng hơn thì cảnh càng đẹp và lòng người càng vui!
Khê Ông không nói và không tán dương gì, đi vào căn phòng của mình lấy tấm bản đổ bố trí lực lượng quân sự ra đưa cho quan Hiệp đốc.
- Chúng tôi trao tấm bản đồ này cho Tướng quân tạm lĩnh Quyền Tổng Chỉ huy. Ở đây chúng tôi đã ghi rõ việc bố trí các lực lượng của ta và đánh dấu các lực lượng của địch. Hiệp đốc cầm lấy mà nghiên cứu, có gì chưa nắm rõ thì hỏi tôi và các ông Đề Kiều, Tán Áo, Tán Khảm, Tán Vị và chỉ huy các đạo, các đội. Quân địch đang xiết chặt vòng vây và chuẩn bị tiến đánh chúng ta. Tinh chất ác liệt sẽ không kém Thanh Mai, Thạch Sơn đâu!
Quan Hiệp đốc Giáp cầm lấy tấm bản đồ, ngồi xuống ghế nghỉ ngơi vẻ đăm chiêu:
- Chiều nay ta họp quan quân thì hơi vội, tôi chưa nghiên cứu, tìm hiểu rõ tình hình, nhiều việc chưa nắm được cụ thể tỷ mỷ, chưa đề ra được kế hoạch gì mới. Hãy hoãn việc họp chỉ huy chiều nay để tôi và Đề Kiều, Khê Ông bàn bác thêm nữa. Việc họp phải cho nhanh và thiết thực, Đề Kiều cho triệu tập các chỉ huy từ cấp đội trở lên, vào 2 giờ chiều mai, có mặt tại đây để họp bàn. Các đạo quân Thanh Mai thì bảo Lãnh Mai báo, riêng quân Thạch Sơn thì báo người đại diện sang họp lĩnh hội nhiệm vụ mới.
Mọi người nhất trí kế hoạch của quan Hiệp đốc, Đề Kiều thấy phải liền nói:
- Ngày hôm nay, chúng ta làm tiếp các công việc đã bàn, các ông chỉ huy về nghĩ thêm tình hình và đưa ra kế hoạch mới để cùng bàn bạc vào cuộc họp chiều mai. Quân Pháp đã đánh Thanh Mai-Thạch Sơn, chúng sẽ tiến công Tiên Động. Hiện nay địch đang chuẩn bị ráo riết rồi, chúng ta phải nhận chiến tại đây. Quan Hiệp đốc cần phải cho chúng tôi kinh nghiệm mới từ Thanh Mai, Thạch Sơn để có thể đánh thắng địch. Giờ thì để quan Hiệp đốc nghỉ, vì cả tuần qua, đêm qua phải thức cùng anh em chiến đấu và hành quân về đây.
Quan Hiệp đốc Giáp được anh em lo phần ăn uống, xếp giương màn nằm nghỉ ngơi. Đêm qua ông đã xuất phát từ Đồng Lương đi theo đường Khe Trời, tận mắt thấy cái mênh mang của vùng đất Cẩm Khê này. Dọc đường ông đã nghe thấy tiếng súng bắn từ các đồn địch, từ tàu chiến đậu ngoài sông Thao. Các đồn giặc bên hữu sông Thao là Gia Dụ, Tứ Mỹ, Phong Vực, Cát Trù, Tình Cương, Yên Tập, Đông Phú, Sai Nga, Sơn Nga, Phùng Xá, Phương Xá. Các đồn bên tả sông Thao là Hà Thạch, Phú Thọ, Lương Lỗ, Hà Xá, Chí Chủ, Vũ Yển là các đồn địch mới làm khi địch rục rịch đánh Thanh Mai-Thạch Sơn. Với mục đích của chúng là ngăn cản sự tiếp viện và sự rút lui của nghĩa quân Cần Vương.
Ngủ thiếp đi một lúc, khi vùng dậy, ông cho lính gọi Đề Kiều, Khê Ông đến gặp để tiếp tục nắm tình hình binh sỹ và bàn cách bố trí lực lượng Thanh Mai, tăng cường cho Tiên Động ở các hướng cần thiết. Như ở Thanh Mai, ta vẫn phải bàn cách rút lui nếu địch kéo quân lên đông gấp bội đánh Tiên Động. Ông thấy rất lo lắng, việc quân đâu là chuyện rong chơi, thư thả; chậm một giây, một giờ, một ngày là nguy một tháng, nguy một năm, nguy một đời, một kiếp.
Đề Kiều là người đến bên ông đầu tiên, vô tư kể cho ông nghe về tình cảnh gia đình của mình và binh sỹ. Chuyện vể gia đình Đốc Biêu, Tán Áo, Tán Vị, Tán Khảm, Tán Chi. Chuyện về Khê Ông, Đề Hoan các lãnh binh, đốc binh trong quân ngũ tại Tiên Động. Chuyện về về các ông chánh tổng, lý trưởng trong vùng, trong các thôn, các làng của Cẩm Khê, Thanh Ba, Hạ Hòa, Trấn Yên, Yên Lập, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Sơn Vy, Đoan Hùng, Phù Ninh. Thấy trí nhớ và cách kể hấp dẫn của Đề Kiều, Hiệp đốc khen:
- Đề Kiều là một người có trí nhớ tuyệt vời đó! Một người tướng cầm quân thì phẩm chất đó là rất quý.
Đề Kiều được quan Hiệp đốc Giáp khen đỏ mặt lên chống chế:
- Trí nhớ của tôi cũng bình thường thôi ạ, nhiều khi còn quên tên vợ mình và tên mấy đứa con.
Lúc đó, Khê Ông và các tán tương quân vụ đã đến, thấy Đề Kiều nói vậy thì cười ồ, vui vẻ. Hiệp đốc Giáp còn tiếp tục khen:
- Nghe nói Đề Kiều có “tướng đi xin”, có phải không?
- Đúng dấy ạ, đúng đấy ạ. Đề Kiều xin giỏi lắm ạ!
Mấy người tán tương quân vụ nói họa vào, không để Đề Kiều trả lời. Quan Hiệp đốc nhìn mọi người cười:
- Bên Thanh Mai có Lãnh Mai xin giỏi. Ông ta đang ở ngoài đại đồn. Từ nay, quân Tiên Động có “ hai thằng ăn xin giỏi” đó là Đề Kiều và Lãnh Mai thì quân ta không bao giờ phải nhịn đói, có đúng không các vị?
- Đúng ạ!- Nghe tiếng Tán Áo trả lời - Ông quay người lại bắt tay Tán Áo và nói:
- Mình ở tận Thanh Mai cũng nghe cái tiếng bà vợ Tán Áo tên là Thuế rất đảm đang. Dốc tiền của tích hàng mấy đời bên tộc ngoại, tộc nội nhà mình mua hàng trăm bộ quần áo cho quan quân khởi nghĩa. Ngày Hội tướng ở Tiên Động vào mùa thu năm ngoái, tôi lên đây cũng được Chủ soái Nguyễn Quang Bích tặng cho một bộ còn mang theo đây.
- Có cả công lao của cô Năm vợ Đề Kiều nữa ạ.
- Thế thì một hôm nào, tôi phải đích thân tới thăm các bà ấy để cảm ơn!
- Ở Đất Tổ vua Hùng không có chuyện làm phúc mà phải cảm ơn đâu ạ.
Hiệp đốc Giáp quay về hướng người nói, nhận ra Tán Vị, ông hỏi:
- Anh đã viết xong, “Bình Tây sách” chưa đấy. Tôi cho anh về nhà nghỉ một năm viết cho xong sách ấy đi. Một năm có thể viết xong không?
- Tôi không còn nhà để về nữa ạ! Giặc kéo đến đốt nhà tôi mấy tuần nay rồi. Về “Bình Tây sách” tôi đang suy nghĩ và viết.
- Tôi xin chia buồn với anh! Nghe nói giặc đã đốt nhà, giết mất người chú ruột mà anh vô cùng kính mến.
Tán Vị bâng khuâng không nói nên lời. Mọi người im lặng cũng không nói gì, Hiệp đốc nói:
- Nghe tin nhà tôi ở làng Xuân Húc, Vĩnh Tường cũng bị giặc đốt rồi. Nhà Đề Kiều, nhà Khê Ông, nhà Lãnh Mai, nhà của nhiều anh em ta ở đây đã bị giặc đốt phá. Hành động giã man của giặc Pháp chỉ tạo ra lòng căm thù; chúng ta thề quyết không đội trời chung với chúng, chiến đấu đến cùng tiêu diệt hết lũ sói lang ấy mới thôi!
Để đi vào công việc cụ thể, ông nói với các quan chỉ huy:
- Thưa các chiến hữu! Tôi được quan Hiệp thống Nguyễn Quang Bích tin tưởng giao nhiệm vụ Quyền Tổng Chỉ huy căn cứ Tiên Động khi quân Thanh Mai-Thạch Sơn về đây hợp nhất với Tiên Động. Đây là một dự đoán tài tình của Chủ tướng. Bây giờ thì quân Thanh Mai-Thạch Sơn đã về, tôi cũng đã trở về đấy rồi. Không phụ lòng Chủ tướng, tôi xin lĩnh trách nhiệm vẻ vang này. Bước đầu, tôi xin phiên chế đội ngũ để hợp nhất như sau:
“ Đạo Trung quân của Thanh Mai nhập với đạo Trung quân của Tiên Động. Với quân số trước đây của Tiên Động có 300 người, cộng với 125 quân Thanh Mai, tổng là 425 người. Chỉ định ông Hoàng Kim ở Thanh Mai làm Đốc binh, ông Hà Đức ở Tiên Động làm Phó Đốc binh, ông Hà Thanh Bằng ở Tiên Động làm Phó Đốc binh,ông Nguyễn Dũng ở Thanh Mai làm Phó Đốc binh, ông Ông Đề Hoan làm Phó Chỉ huy Tiên Động phụ trách tham mưu, huấn luyện thôi giữ chức Đốc binh đạo Trung quân.
Đạo Hữu quân của Tiên Động nhập với đao Hữu quân của Thanh Mai, với quân số trước đây là 248 người cộng với lực lượng Thanh Mai vừa lên là 112 người, nay là 360 người. Ông Trần Nhì ở căn cứ Tiên Động làm đốc binh, ông Trần Tuế ở căn cứ Tiên Động làm phó đốc binh, ông Trịnh Viễn ở cánh quân Thanh Mai làm phó đốc binh. Ông Đốc binh Lê Thanh thôi giữ chức đốc binh về cơ quan tham mưu, giữ chức Tán tương quân vụ, làm phụ tá cho quan Hiệp đốc.
Đạo Tả quân của Tiên Động nhập với đạo Tả quân của Thanh Mai,với số quân Tiên Động 250 người, hợp với 100 quân Thanh Mai, cộng là 350 người. Ông Đặng Học ở Tiên Động giữ chức đốc binh, ông Lê Hoài ở Tiên Động giữ chức phó đốc binh, ông Nguyễn Văn Lệ ở Tiên Động giữ chức phó đốc binh, ông Lê Thám ở Thanh Mai giữ chức phó đốc binh. Ông Hà Đức Thành thôi giữ chức đốc binh về cơ quan tham mưu, tạm thời giữ chức tán tương quân vụ, phụ tá cho Đề Kiều phó chỉ huy căn cứ Tiên Động.
Các chức vụ đội, phó đội và các tổ trưởng, phó tổ trưởng thì các đạo quân tự biên chế, có báo cáo về cơ quan tham mưu để sau này còn làm căn cứ để thăng hàm cấp và khen thưởng.
Đạo Tiền quân ở vị trí như hiện nay, không cần tăng quân, sắp tới đây thì hai đạo tả quân và hữu quân sẽ vô cùng vất vả, địch sẽ đánh mạnh ở phía ấy. Đạo hậu quân cũng không phải phiên chế lại, giữ nguyên như cũ.
Bây giờ tôi cử Đề Kiều, Phó Chỉ huy căn cứ xuống ngay đại đồn cùng Lãnh Mai làm phiên chế cho binh sỹ Thanh Mai về đơn vị và vị trí chiến đấu. Số anh em thương binh, bệnh binh từ Thanh Mai lên cho vào bệnh xá trung tâm của Tiên Động điều trị”.
Hiệp đốc Giáp nhìn những người ngồi họp và chờ ý kiến phát biểu. Nhưng không ai có ý kiến gì, ông nói:
- Bây giờ thì tạm phiên chế thế, ngày mai ta họp chỉ huy có gì thay đổi theo kế hoạch tác chiến thì ta bàn bạc kỹ thêm. Việc hôm nay là phải tổ chức hợp nhất hai lực lượng Thanh Mai-Thạch Sơn và Tiên Động. Việc họp ngày mai rất quan trọng, tôi yêu cầu mọi người đi họp đầy đủ, đúng giờ.
Buổi tồi, quan Hiệp đốc lại mời Đề Kiều, Khê ông đến nói chuyện. Ông hỏi kỹ về tình hình để nghe và nắm cho chắc lực lượng của ta sau khi có Chiếu Cần Vương. Nhưng tin tức, ông cần biết để có quyết định xác đáng cho những nhiệm vụ của quan quân Tiên Động.
Hiệp đốc Giáp có tài gợi chuyện, không bắt người ta phải suy nghĩ sâu những vấn đề được thể hiện qua lời nói, cứ để chủ thể tự nhiên nói mới có giá trị thông tin. Hai người mà ông tiếp chuyện ở hai thế hệ khác nhau, người như Khê Ông, có học vấn nho học, lại từng trải chốn quân trường, ông hỏi chuyện một cách thận trọng, cả trong lựa chọn ngôn từ:
- Quan Án sát còn nhớ không, cách đấy gần hai năm chúng ta còn sống bên nhau? Thế mà nghĩ lại đã xa xôi quá rồi! Ngày giặc Pháp đánh thành Sơn Tây, quân ta không chống nổi, tôi cùng quan quân chạy về Thanh Mai-Thạch Sơn. Ông một mình chạy lên vùng núi Ba Vì chiêu mộ dân binh đánh giặc. Hai ta cùng một mục đích cao cả là chống giặc Tây xâm lược.
- Là sỹ phu, ta lấy việc trọng danh dự làm đầu, tự thấy việc nghĩa phải làm nên cố gắng thôi.
- Ông thấy Phong trào Cần Vương có thể mạnh lên được không?
- Các nơi đang nổi dậy và rục rịch nổi dậy nhưng sẽ bị giặc Pháp đem quân đàn áp nhiều khả năng bị thất bại.
- Vì sao vậy?
- Vì chính chúng ta, không có chuẩn bị từ trước về tinh thần và lực lượng. Nổi lên mang tính chất tự phát, tư tưởng chỉ đạo không rõ, không có tổ chức, không có kế hoạch, vũ khí thiếu lại thô sơ.
- Ông có suy nghĩ gì về việc nổi dậy ở Huế?
- Đã thất bại rồi, sau phát động Phong trào Cần Vương không có nhân tố đảm bảo thắng lợi. Thứ nhất, người lãnh đạo kiệt xuất không có, Chủ soái Tôn Thất Thuyết cũng không phải là nhân tài kiệt xuất, người đại đức. Chỉ xem lời nhận xét của Hoàng thượng Tự Đức lúc còn sống về ông ta thì rõ: “ Có tài dụng võ, kém lương thiện, không trung thực, hay trốn tránh nhiệm vụ. Học hành kém, không nhất quán, nhát gan, đa nghi, dễ làm mất lòng người khác. Hắn phải học hành thêm để trở thành người quân tử”. Thứ hai, tư tưởng chỉ đạo phong trào không rõ ràng, còn khá mù mờ, chưa có gì cụ thể. Thứ ba, thực lực của ta còn rất yếu kém, tướng quân đã trực tiếp chỉ huy một lực lượng nghĩa quân đã nhận ra điều đó. Thứ tư, nhân dân trong nước chưa hết lòng ủng hộ, nhiều người Việt Nam chưa thấy được bộ mặt gian xảo của thực dân Pháp, còn trông vọng vào triều đình nhà Nguyễn suy tàn. Thứ năm. chưa có đồng minh quốc tế, các nước quanh ta đang là nạn nhân của chế độ thực dân xâm lược. Cho nên sự nghiệp Cần Vương kháng chiến chống Pháp của chúng ta còn lâu mới có thể giành thắng lợi.
- Hiện nay sự nghiệp kháng chiến chống Pháp cần phải dựa vào ai?
- Còn dựa vào ai nữa, dựa vào nhân dân, lực lượng chính vẫn là nông dân!
Người như Đề Kiều mới sang tuổi tam thập nhi lập, nghĩa là còn tuổi thanh niên, sống hồn nhiên, ông vào chuyện trò một cách tự nhiên:
- Buổi sáng, mình có gọi cậu là “ thằng ăn xin”, cậu có giận mình không?
- Giận gì chứ, đó là Tướng quân khen tôi giỏi vận động nhân dân!
- Làm dân vận cần phải có năng khiếu, thủ thuật gì không?
- Có đấy Tướng quân ạ. Phải tạo được sự đồng tình, ủng hộ của dân, phải làm cho người dân tin tưởng ủng hộ nghĩa quân trao tiền bạc, cấp gạo thóc cho mình.
- Cần giữ tự trọng không?
- Tự trọng người ta mới cho, không thể khúm núm như thằng ăn xin. Chúng ta phải lấy danh nghĩa là quan quân chống giặc Tây cứu nước, cứu dân. Nhiều khi phải lấy danh của cá nhân Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích. Vào làng người Kinh thì phải dựa vào hào lý, vào bản vào mường dân tộc thiểu số thì phải dựa vào quan lang, phìa tạo. Người giầu, người sang cho trước, sau mới đến người thường, có khi ngược lại người thường cho trước sau mới tới người giầu, người sang cho sau, tùy từng nơi ạ.
- Người đi xin phải có “ tướng” có đúng không?
- Đúng đấy ạ! Có “ tướng” mới xin được. Cũng như người tướng giỏi có uy danh giặc nghe đã sợ. Có tinh tướng nên con kỳ đà bắt con rắn dễ dàng, rắn trườn nhanh vậy mà rắn nhìn thấy kỳ đà nằm sợ run để cho kỳ đà ăn thịt. Con chuột chạy nhanh thế mà nhìn thấy con chăn chuột thì nằm im thin thít cho chăn chuột ăn thịt.
Khê Ông ngồi nghe gật đầu, cười khì khen phải:
- Chính tôi đã có lần đi xin mà chẳng được gì; cũng nơi đó thôi, Đề Kiều đi xin người ta cho rất nhiều lương thực, nhiều tiền và cả voi, ngựa nữa.
- Đề Kiều đi xin những đâu rồi?
- Thưa Tướng quân, khắp các nơi thuộc tỉnh Hưng Hóa, Tuyên Quang, Sơn Tây. Có như vậy mới có đủ lương thực nuôi được ba quân tướng sỹ và vũ khí sử dụng mấy năm nay.
- Tốt lắm! Tiếp tục cử anh giữ chức Chỉ huy phó làm nhiệm vụ chủ yếu là đóng vai “ thằng ăn xin”. Lãnh Mai của tôi cũng là người xin giỏi, gần hai năm ở Thanh Mai cái mồm anh ấy xin đã nuôi được chúng tôi đánh Pháp. Bây giờ, có lẽ cử ông ấy cùng Đề Kiều tiếp tục đi xin để nuôi quan quân và cung cấp vũ khí, trang bị.
Khê Ông còn khen thêm:
- Đề Kiều còn là người Chỉ huy giỏi, có nhiều đóng góp vào thắng lợi của nghĩa quân. Đã lập được chiến công diệt địch khi giữ thành Hưng Hóa, đánh chặn địch ở Tình Cương, diệt gọn một đồn giặc ở Phong Vực.
Đề Kiều được khen đỏ mặt lên nói chống chế:
- Không, tôi chỉ là người tham gia lãnh đạo, chiến công đó là của Đốc Biêu, Phó Đốc Nhân, đội Thưởng, Đội Chính, Đội Kỷ, Đội Oanh, Đội Tất và toàn thể anh em đơn vị hoạt động độc lập tại chiến khu Rừng Già- Đọi Đèn.
Quan Hiệp đốc Giáp vui vẻ khen ngợi:
- Như vậy, Đề Kiều là người thủ lĩnh tương lai, giỏi chỉ huy quân tướng, giỏi dân vận! Khê Ông và tôi cần phải có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cho Đề Kiều và nhiều tướng sỹ nghĩa binh khác trở thành nhân tài cho đất nước, ngay trong thời buổi khó khăn này.
Quan Hiệp đốc Giáp nói chuyện với mọi người trong quân doanh đến nửa đêm. Với cách nói chuyện thân mật, vui vẻ, ông đã nắm được khá rõ tình hình địch, về những hoạt động của nghĩa quân, khó khăn, thuận lợi, đặc điểm từng người chỉ huy, hoàn cảnh gia đình và những vấn đề chính trị, xã hội liên quan đến thời cuộc; những khó khăn của chuyến đi sứ nhà Thanh của Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần Nguyễn Quang Bích.
Đêm đó, ông gặp viên thông sứ triều đình Phan Đức Huy vừa đi công tác từ vùng Sơn Nam, Hải Đông về. Chính viên thông sứ này đã đem bản sắc phong của vua Hàm Nghi phong cho ông chức “ Tuần phủ tỉnh Sơn Tây, sung Tham tán Hiệp đốc Bắc Kỳ quân vụ đại thần, Phấn trung tướng ” và Lãnh Mai chức “ Chánh Lãnh binh tỉnh Sơn Tây”.
Gặp lại ông, Thông sứ Phan Đức Huy nói:
- Tôi đi miền xuôi nắm tình hình, về đến Ba Vì, Sơn Tây thì nghe tin quân Pháp huy động hàng vạn quân vây đánh Thanh Mai-Thạch Sơn. Tôi rất lo lắng và tin rằng quan quân sẽ chặn đánh địch quyết liệt; không giữ được căn cứ sẽ phải rút lên Tiên Động để bảo toàn lực lượng. Nhưng không biết quan quân liệu có phá và vượt vây được không? Về Tiên Động, gặp lại quan quân đầy đủ thiệt vui khôn tả.
- Ông thấy phong trào Cần Vương nổi dậy đánh Tây ra sao?
- Các ông văn thân Lã Xuân Oai, Tống Duy Tân, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Đình Phùng, Trần Văn Dư đang lãnh đạo nhân dân hưởng ứng Cần Vương nổi dậy chống Pháp nhưng bị giặc Pháp vây đánh. Hiện nay, nổi lên 6 trung tâm kháng chiến mạnh mẽ: một là vùng Tiên Động, thuộc Hưng Hóa, hai là Ba Đình thuộc Thanh Hóa, ba là Bãi Sậy thuộc Hưng Yên, bốn là vùng Yên Thế thuộc Bắc Giang, năm là Hương Khê thuộc Hà Tĩnh, sáu là Quế Sơn thuộc Quảng Nam. Nếu mà tập họp lại có đến mấy chục ngàn quân và dân binh có thể chống chọi với giặc Tây. Nhưng giặc Pháp đã cấu kết với triều đình Đồng Khánh và bè lũ tay sai đang đàn áp, phong tỏa các nơi. Quân ta khó mà tập trung, thống nhất lại được. Vua Hàm Nghi, Đại tướng, Nguyên nhungTôn Thất Thuyết đang ở đất Quảng Trị, Quảng Bình đã bị bao vây, truy đuổi không có khả năng chỉ đạo các lực lượng nổi dậy trong toàn quốc.
- Cái khó khăn chính là ở chỗ đấy! Giải quyết được vấn đề đó mới mưu giành thắng lợi. Làm sao thống nhất các lực lượng, phá được thế thủ chuyển sang thế công thì tình hình sẽ sáng sủa hơn.
Quan Thông sứ Phan Đức Huy có vẻ lo lắng:
- Quân địch tập trung được quân, càng đánh càng mạnh. Quân ta ngày càng bị cô lập, vùng hoạt động bị thu hẹp lại. Nhìn vào lực lượng chống Pháp của vùng sông Thao, Hưng Hóa thì rõ, để giữ vững đã khó chưa nghĩ gì đến việc mở rộng vùng, tạo thanh thế.
Quan Hiệp đốc Giáp lặng yên chưa trả lời. Vừa lúc đó những quả đạn đại bác bắn vào phía căn cứ nổ đinh tai nhức óc. Một người lính chạy đến bảo rằng:
- Pháo của địch đã bắn vào trung tâm Tiên Động, yêu cầu các quan chạy vô hầm trú ẩn cho!
Quan Hiệp đốc Giáp và viên thông sứ xuống một căn hầm trú ẩn gần đó. Người lính nghe rõ tiếng quan Hiệp đốc phàn nàn:
- Vừa thoát khỏi pháo giặc ở Thanh Mai, đến Tiên Động đã bị pháo giặc nện rồi. Khó khăn ơi là khó khăn!
Sáng hôm sau, các đốc binh, phó đốc binh, đội trưởng, đội phó của các đạo quân tề tịu đông đủ tại hội trường Đại bản doanh. Ông đã bắt tay thân mật, làm quen với từng người. Có những chỉ huy ông đã gặp, có những người chưa gặp lần nào, chỉ qua giới thiệu, ông đã nhận ra và có lời động viên, khen ngợi thích đáng. Làm cho các chỉ huy rất phấn khởi, rất tin tưởng và rất khâm phục. Ông mừng gặp Tán Dât, Trần Đương, Chu Đô, ông khen quân Thạch Sơn rút nhanh, an toàn. Ông hẹn hôm nào gần nhất, ông sẽ qua sông Thao thăm Đầm Đen căn cứ mới lập của nghĩa quân Thạch Sơn.
Hiệp đốc Giáp chủ trì hội nghị, thông báo cho toàn thể các chỉ huy các đạo, các đội biết tình hình giặc đã tập trung nhiều binh đoàn đánh hiệp đồng: bộ binh, pháo binh, thủy binh với số lượng hàng chục nghìn quân. Quan quân Thanh Mai-Thạch Sơn đã chiến đấu vô cùng anh dũng, lập được chiến công, giữ vừng trận địa trong nhiều ngày. Nhưng thế giặc mạnh, để bảo toàn lực lượng đã cho toàn bộ quân sỹ rút ra ngoài căn cứ. Việc rút lui bí mật đã làm cho giặc Pháp chừng hửng, bất ngờ không biết nghĩa quân rút bằng đường nào, cách nào.
Nghĩa quân ở Thanh Mai đã rút lên Tiên Động, hợp nhất với quan quân Tiên Động. Nghĩa quân Thạch Sơn đã rút lên Lang Sơn lập căn cứ Đầm Đen bảo vệ phía đông căn cứ Tiên Động. Việc rút lên Tiên Động và Lang Sơn, việc cử ông lên nắm Quyền Tổng Chỉ huy là theo chỉ lệnh của quan Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích.
Ông Giáp nói rõ:
- Ngày hôm qua, quan quân lên đây, tôi đã ưu tiên bổ sung quân Thanh Mai vào các đạo: Trung quân, Hữu quân và Tả quân. Tôi đã phiên chế tổ chức lại chức danh chỉ huy, cơ quan tham mưu như tôi đã nói và sẽ có thông báo rõ đến từng tướng sỹ.
Ông báo trước cho các chỉ huy biết ngày mai, ngày kia, ông sẽ xuống từng đơn vị để nắm cụ thể tình hình. Ông yêu cầu các chỉ huy đến họp phát biểu nêu những khó khăn, thuận lợi của đơn vị mình để ông còn tìm cách giải quyết.
Đốc Nhì đứng lên bẩm báo:
- Hướng đông nam, giặc Pháp đã kéo lên Phùng Xá cho quân tiến dần đến Phương Xá; lực lượng của chúng rất đông, quân nghĩa dũng của Phó tổng Đích không đủ sức chặn, không đủ sức đánh lui. Khả năng chúng muốn lên đánh bật các vị trí tiền tiêu chốt giữ của ta ngoài đê sông Thao. Chúng thực hiện bao vây Tiên Động và chờ một ngày nào đó sẽ đánh vào trung tâm Đại bản doanh với quy mô lớn.
Hiệp đốc Giáp trả lời:
- Tôi đã được Tán Khảm, Tán Áo báo cáo rồi. Đạo quân của Đốc Nhì phải hiệp đồng với dân binh Phương Xá, Áo Lộc và các làng Thụy Liễu, Văn Bán, Tam Sơn, giữ vững mặt phía đông nam căn cứ Tiên Động. Giặc đã phái nhiều đơn vị thủy binh, bộ binh, pháo binh đến đánh, ta phải đánh chặn, quyết giữ cho được mặt trận này. Tuy vậy, việc chống đỡ sẽ rất khó khăn, sự hy sinh, mất mát sẽ lớn. Trong điều kiện có thể, đạo trung quân sẽ phải đánh chi viện.
Phó Đốc Hoài thuộc đạoTả quân đứng lên có ý kiến:
- Quân giặc đã đưa quân lên chiếm Hiền Lương, Chuế Lưu, Bằng Giã, Văn Lang, Minh Côi, cho quân đóng đồn tại cửa ngòi Vần, ngòi Lao, Minh Côi. Mạn phía đông bắc Tiên Động không còn yên như trước. Quân địch sẽ đánh vào hệ thống phòng thủ của nghĩa quân Tiên Động ở đồi Dọc, đồi Cỏ Rác. Vị trí phòng thủ của đạo Tả quân đã bị hở sườn, giặc dùng mấy ngàn quân đánh thì khó bề giữ vững. Chúng tôi báo cáo để cho Hiệp đốc biết và xin ý kiến chỉ đạo.
- Tôi được Đề Kiều, Khê Ông báo cáo, đã nắm được khó khăn của đạo Tả quân. Tôi đã bổ sung quân cho đạo Tả quân, nhưng vẫn cảm thấy thiếu, có thể phải bổ sung thêm quân nữa nếu chiến sự xảy ra. Một nửa số thuyền nhỏ 60 chiếc của Thanh Mai sẽ được bổ sung ngay cho đạo Tả quân để hàng ngày qua đầm Đào, liên hệ với đạo Tiền quân và đạo Trung quân. Bây giờ thì chỗ nào cũng khó khăn, tôi mong đạo Tả quân tích cực khắc phục, tìm cách đánh địch tốt nhất.
Khi Phó Đốc Hoài vừa ngồi xuống, Đốc Tiến đứng lên báo cáo:
- Chúng tôi có các chốt tiền tiêu ở ngoài bờ sông Thao đã bị địch đánh rất mạnh từ dưới sông lên. Vì thiếu người, thiếu súng đạn nên không thể giữ vững được lâu. Hiện nay các chốt tiền tiêu của ta bị địch dồn đánh từ hai phía bắc, nam và đánh từ sông Thao vào, việc tiếp tế lương thực và tăng viện cũng khó khăn. Trong tác chiến sắp tới, trận địa Mỹ Lương và phòng tuyến ngòi Rành đã sẵn sàng chiến đấu hỗ trợ cho các đạo Hữu quân, Tả quân và các đơn vị khác đánh địch.
Hiệp đốc nhìn chăm chú vào Đốc Tiến:
- Tôi đã được nghe chuyện về đạo Tiền quân của Tiên Động. Được nghe Đốc Tiến báo cáo, tôi đã nắm được rõ, rất cảm phục tinh thần của đạo Tiền quân luôn hướng ra sông Thao sẵn sàng chiến đấu bảo vệ căn cứ đến người cuối cùng. Trong trường hợp không thể giữ thì phải rút vào tuyến trong phòng tuyến ngòi Rành. Nhưng không để cho địch chiếm dễ dàng các chốt tiền tiêu của chúng ta.
Ông nhìn vào đội trưởng pháo binh Lê Văn Tấn:
- Đội trưởng pháo binh Lê văn Tấn có ý kiến gì không?
- Vâng , tôi có ý kiến ạ! Chúng tôi đã có một khẩu pháo 90 ly thu của Pháp với 99 viên đạn và 5 khẩu thần công, chúng tôi mang từ thành Tuyên Quang về nhưng đạn và thuốc nhồi rất ít, phương tiện bảo quản thiếu, bị ẩm ướt, bắn chưa chắc có hiệu quả. Tôi yêu cầu quan quân đánh địch, lấy thêm pháo của địch để bổ sung cho đội pháo của chúng tôi. Pháo ta thu của quân Pháp bắn rất hiệu quả, có thể ngăn chặn địch từ xa, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Chúng ta cần có 10 khẩu pháo và 2000 viên đạn thì giặc Pháp không thể tiến vào Tiên Động!
- Đúng, tôi vẫn thầm ao ước có 10 khẩu pháo và 2000 viên đạn để bảo vệ Thanh Mai thì chắc chắn giặc Pháp không thể chiếm được. Nhưng đáng tiếc là không có, nên đã không giữ được Thanh Mai. Đội trưởng pháo binh Lê Văn Tấn ước mong đúng đấy, chỉ cần ngần ấy thôi chúng ta sẽ vững vàng. Bây giờ quan quân nghĩ cách đánh để chiếm được pháo của địch có được không?
Không ai trả lời, ông nhắc nhở:
- Không cướp được pháo địch đánh địch thì chỉ có một cách làm hầm hào kiên cố để tránh pháo địch. Các làng phải tích cực rào làng, quan quân phải củng cố tuyến phỏng thủ bằng hàng rào tre kiên cố. Kiểu phòng thủ của Thanh Mai vừa rồi là tốt nhất, Lãnh Mai và các ông chỉ huy đạo, đội quân Thanh Mai, phổ biến kinh nghiệm cho binh sỹ Tiên Động, các làng xung quanh làm theo để bảo vệ con người, làng xóm và căn cứ một cách có hiệu quả nhất.
Hiệp đốc Giáp hỏi xem còn ai có ý kiến gì nữa; cả hội trường không ai có ý kiến gì, ông nói tiếp:
- Tôi đã bàn với Khê Ông và Đề Kiều, thống nhất về việc cử ông Lãnh Mai làm Phó Chỉ huy căn cứ Tiên Động. Ông Lãnh Mai phấn đấu từ một người lính, qua 13 lần phong chức, năm 1882 ông được triều đình phong chức Phó Lãnh binh tỉnh Sơn Tây. Năm 1883, ông đã cùng tôi chiến đấu bảo vệ thành Sơn Tây. Thành Sơn Tây bị chiếm, quân quan kéo về Thanh Mai xây dựng căn cứ chiến đấu chống giặc Pháp. Gần hai năm nay, tôi và Lãnh Mai cùng tướng sỹ đã giữ Thanh Mai đánh địch nêu một tấm gương sáng. Đến Phong trào Cần Vương. Ông đã được vua Hàm Nghi phong chức Lãnh binh Sơn Tây. Bây giờ lên căn cứ Tiên Động, chúng tôi trong ban chỉ huy nhất trí cử ông Lãnh Mai làm Phó Chỉ huy căn cứ Tiên Động, kiêm Thống lĩnh các ông lãnh binh, đốc binh các địa phương của tỉnh Hưng Hóa. Vậy thông báo cho toàn thể cácvị chỉ huy các cấp được biết đề thi hành nhiệm vụ.
Cuối cùng, Hiệp đốc Giáp khen ngợi quan quân:
- Trong thời gian qua, việc quan quân Tiên Động giữ vững, mở rộng căn cứ là một cố gắng rất lớn. Lực lượng ngày càng lớn mạnh, có ảnh hưởng tích cực cho Phong trào Cần Vương cả nước. Chúng tôi luôn học tập tinh thần chiến đấu, mưu trí dũng cảm của quan quân Tiên Động. Giờ tôi lên đây gánh trách nhiệm Quyền Tổng Chỉ huy lực lượng, khi Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích đi sứ, mong rằng anh em ta đoàn kết, cùng nhau gánh vác trách nhiệm, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ căn cứ. Kẻ địch sau khi chiếm được căn cứ Thanh Mai-Thạch Sơn, chúng sẽ kéo lên đây đánh Tiên Động. Việc bảo vệ căn cứ là nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt của tất cả mọi người. Khó khăn, gian khổ thì nhiều, nhưng được trải qua thử thách, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm sẽ giúp quan quân trưởng thành mau chóng trong chiến đấu và tìm đường đi đến thắng lợi.
Ngày hôm sau, Hiệp đốc Giáp cùng Đề Kiều, Tán tương quân vụ Lê Thanh đi thăm các đạo quân. Đến những vị trí đóng quân của đạo Tiền quân, ông rất ưng ý, thấy binh sỹ sẵn sàng chiến đấu cao. Tới thôn Mỹ Lương, thăm khẩu pháo chiến lợi phẩm được binh sỹ bảo quản khá tốt, đã sẵn sàng chiến đấu bắn tàu chiến địch trên sông Thao. Những khẩu thần công nhồi thuốc nổ và nạp đạn đã đưa lên giá bắn. Binh sỹ thuần thục những thao tác nạp đạn, lấy phương vị, độ cao, ngắm bắn. Ông rất mừng, nhưng lo vì ít pháo, ít đạn; số lượng súng thần công lâu ngày không sử dụng, khi chiến đấu, e không có hiệu quả. Ông yêu cầu binh sỹ phải đắp công sự cao che chắn cho pháo và người, phòng khi địch phản pháo hoặc địch đánh trực tiếp.
Phòng tuyến ngòi Rành theo địa thế tự nhiên, trơ trọi, địch có thể phát hiện rất dễ dàng. Ông yêu cầu binh sỹ phải trồng cây ngụy trang. Những vị trí cố thủ phải lấy gỗ tre rào chắn, không cho bộ binh địch biết tiến công. Phải tạo ra thế đánh tiêu diệt ngay được những tên địch, những tốp địch liều mạng xông lên đánh chiếm. Ông nói với chỉ huy đạo Trung quân phải cho binh sỹ gia cố thêm hầm hào. Như ở Thanh Mai pháo địch bắn liên hồi, công sự phải vững chắc mới chịu nổi.
Đến phòng tuyến ngoài bờ sông Thao, gồm các đồn tiền tiêu của các đạo Tiền quân, Hữu quân, Tả quân, ông cho đào thêm hầm hào trong dãy đồi phía trong đê. Phòng khi địch bắn pháo dữ dội thì cho lui quân vào phía trong. Địch tiến công còn có chỗ dựa để chặn đánh địch. Chỉ lập phòng tuyến ngoài đê, e khi ngập, nước lên to, địch phản công thì khó giữ nổi. Ông có nhận định địch sẽ tiến công từ hướng nam và bắc, hai vị trí tiền tiêu của đạo Hữu quân và Tả quân sẽ bị đánh bật trước, khi yêu cầu chi viện thì các đạo Tiền quân phải nhanh chóng giúp sức. Ông chỉ ra những sơ hở của chỉ huy các đội, của binh sỹ và chỉ định Đội trưởng Vũ thế thuộc đội Hữu quân là Chỉ huy trưởng phòng tuyến bờ hữu sông Thao.
Hiệp đốc Giáp cùng Đề Kiều, Tán Thanh vượt cửa ngòi Rành sang bờ bắc, đi vào dãy đồi Dọc thăm đạo tả quân. Ông đến thăm từng vị trí, các binh sỹ phấn khởi chào đón ông và Đề Kiều, Tán Thanh. Những chiến binh Thanh Mai gặp lại ông mừng rỡ, quấn quít như người cha đi xa trở về. Họ rất vui gặp Lê Thanh đốc binh đạo Tả quân Thanh Mai, được cất nhắc lên làm phụ tá cho quan Hiệp đốc. Lê Thanh gặp lại người lính trẻ Nguyễn Đức Liên, chỉ huy tiểu tổ 3 người đánh chặn đã trở về Tiên Động. Khi rút đã đi theo con đường chuyển thương binh về Ngọc Đồng đi theo đường Phục Cổ qua Hưng Long lên Mộ Xuân, xuôi ngòi Rành về Tiên Động. Lính Liên nói với Tán Thanh người chỉ huy trực tiếp của mình:
- Chúng tôi làm theo sự chỉ đạo của Đốc binh, làm nghi binh sau đó rút sang rừng Sóc Lọi, thuộc đất Sơn Vy. Quan Pháp chiếm được Thanh Mai đã đốt phá toàn bộ nhà cửa, hầm hào, chiến lũy. Đêm hôm sau chúng tôi mới lên đường, đi theo đường của trạm quân phải mất ba ngày ba đêm mới tới Tiên Động. Phải bỏ thuyền lại bên bờ sông Bứa dành chuyển thương binh và khách lên Tiên Động. Dọc đường, chúng tôi hỏi thăm quan quân nhưng chẳng ai biết cả. Khi về tới Mộ Xuân được tin đại quân ta đã nhập với quân Tiên Động và quan Hiệp đốc được tôn làm Quyền Tổng Chỉ huy căn cứ Tiên Động. Chúng tôi mừng lắm, về Tiên Động thì được Lãnh Mai đưa sang nhập vào đạo Tả quân.
- Cậu thấy trời đất ở đây thế nào?
- Đẹp và rộng rãi hơn Thanh Mai. Mới đến chưa quen biết nên còn lạ nước lạ cái. Không biết giặc Pháp sẽ đánh theo hướng nào và đánh cách nào, dùng loại vũ khí gì? Khi địch đánh mạnh thì rút theo đường nào?
- Về đây một vài ngày, một vài tuần thì cậu sẽ biết. Cố gắng giữ vững ý chí chiến đấu, không để anh em Tiên Động coi thường mình nghe chưa!
- Vâng ạ, chúc quan đốc binh khỏe mạnh nhé!
Tán Thanh mải nói chuyện với lính Liên sực nhớ ra việc của mình bèn chạy đuổi theo quan Hiệp đốc và Đề Kiều. Hiệp đốc Giáp đang được Đốc binh Đặng Học báo cáo về các vị trí đóng quân ở trên các đỉnh gò từ đồi gò Dọc đến đồi Cỏ Rác. Việc dùng thuyền nhỏ qua đầm Đào để liên lạc với đạo Tiền quân và Trung quân. Việc tiếp tế cho đạo Tả quân nhanh nhất cũng bằng thuyền. Nếu địch đánh chiếm đồi Dọc, đồi Cỏ Rác thì địch sẽ uy hiếp trực tiếp thôn Mỹ Lương và phòng tuyến ngòi Rành.
Ông Giáp nhớ ông Lệ là em ông Vị, hiện đang làm Tán tương quân vụ. Ông cũng chia buồn về hoàn cảnh gia đình của hai anh em.
- Hai anh em và nghĩa binh Sơn Nga theo nghĩa quân đã phải chịu thiệt thòi. Nhà cửa bị địch đốt, người thân bị giết hại. Sự đau thương tang tóc bao giờ nguôi được!
Phó Đốc Lệ trả lời rất rắn rỏi:
- Tướng quân đừng lo nhiều cho anh em tôi! Không phải chỉ có nhà anh em tôi mà nhiều anh em binh sỹ khác đều bị giặc đốt nhà, giết cha mẹ, người thân. Bây giờ chúng tôi thề quyết chiến đấu lập công để đền nợ nước trả thù nhà!
Quyền Tổng Chỉ huy Nguyễn Văn Giáp cảm động nói:
- Tôi rất quý trọng đức hy sinh và lòng nhiệt tình của anh em binh sỹ! Nghĩ rằng Vua Hàm Nghi sẽ rất cảm kích trước sự mất mát của anh em binh sỹ Sơn Nga. Hiện nay kẻ địch dùng âm mưu chia rẽ, mua chuộc. Chúng đã treo giá lấy đầu tôi 1 vạn phật lăng và Lãnh Mai những 5000 phật lăng đấy. Chúng đang treo giá nữa, đầu của các Phó chỉ huy Tiên Động những 1 vạn phật lăng. Các đốc binh, phó đốc binh những 3000, 2000 phật lăng đấy. Anh em phải cánh giác với âm mưu của giặc Pháp không được chủ quan đâu nhé! Bây giờ quân ta còn ít, các đơn vị ở xa, chưa có thể ứng cứu kịp thời. Anh em binh sỹ bị mua chuộc, dao động, tham lam tiền bạc của giặc Pháp có thể nghe theo lời súi giục của chúng làm liều. Nên việc gì cũng có thể xảy ra!
- Không đâu Tướng quân! Anh em mình không có ai làm thế đâu, tất cả đều thương nhau mà.
- Được như thế thì tốt! Nhưng tôi e, con người khi cùng quẫn vẫn có thể làm những điều không thể tưởng tượng được. Chỉ huy phải cảnh giác và theo dõi anh em. Đại đa số là tốt, nhưng biết đâu lòng người thay đổi, họ bị mua chuộc thì đầu những người anh hùng của ta có thể bị rơi.
Hai cái thuyền của nghĩa quân Tiên Động đưa tất cả 8 người bơi theo dọc đường đầm Đào. Sóng trên đầm nhè nhẹ vỗ vào mạn thuyền nghe lạch bạch. Dọc theo bờ đầm Đào đến đồi Cỏ Rác. Đồn Cỏ Rác do Phó Đốc binh Lê Thám và số đông anh em binh sỹ Thanh Mai được bổ sung về canh giữ. Gặp lại Tướng quân Nguyễn Văn Giáp anh em mừng lắm.
Hiệp đốc Nguyễn Văn Giáp hỏi:
- Anh em về đây đã đỡ mệt mỏi chưa, có thấy căng thẳng lắm không?
- Về đây là yên tâm rồi! Quân địch còn xa lắm ạ!
Tướng quân mìm cười nói:
- Thế là chủ quan khinh địch đấy. Kẻ thù có nhiều mưu mô, chỗ nào giặc cũng có thể tiến công! Chỗ mặt nước Hàm Rồng kia, rộng đến hơn trăm mét, địch có thể bí mật từ núi đi sang bằng thuyền nhỏ, hoặc có thể bắc cầu, có thể lội sang đánh sau lưng đội pháo binh và đội quân bộ của ta chốt tại thôn Mỹ Lương. Làm vỡ trận thường ở khâu yếu nhất, cho nên anh em nhớ phải cảnh giác, nhất là những đêm mưa gió, giặc có thể theo đồi Cỏ Rác kéo sang thì nguy cho cả mặt trận. Phó Đốc binh Lê Thám nhớ phải căn dặn binh sỹ chú ý, đôn đốc anh em canh gác cho thật tốt nhé!
- Vâng ạ, chúng tôi xin thực hành mệnh lệnh!
- Phải làm tốt nghe chưa, sai lệnh phải chém đầu đấy nhé!
- Vâng ạ! Chúng tôi hứa sẽ làm tốt và sẽ giết hết lũ giặc, nếu chúng liều lĩnh tiến công chúng ta!
Hiệp đốc Giáp sang gò Mai, lúc binh sỹ đang ăn trưa. Ông nhìn vào bữa ăn đạm bạc, chỉ có rau măng lấy trong núi và cá đánh được ở đầm Đình. Thấy anh em ăn ngon lành, ông rất mừng. Ông quay sang nói với Đề Kiều:
- Tướng quân lo cho anh em được như thế này đã là tốt, có thể lo cho anh em tốt hơn không?
- Tôi đã cố gắng hết sức rồi. Dân các huyện miền Tây Bắc của Hưng Hóa rất khó khăn. Dân còn đói thì quân làm sao no được!
- Có thể tìm đất lo cho anh em làm ruộng, tự cung cấp lấy lương thực. Ta phải có đội quân thường trực làm ruộng, chăn nuôi, trồng cấy rau xanh. Quân trực chiến cũng có thể làm ra rau xanh, cá thịt, lúa gạo. Kháng chiến còn lâu dài, còn khó khăn, tự lực được bao nhiêu tốt bấy nhiêu.
- Vâng ạ, chúng tôi xin lĩnh hội ý kiến của tướng quân!
Ông băng qua đồi và những tràn ruộng dộc sang gò Múc. Các vị chỉ huy đã chờ ông và mời ông ăn cơn trưa. Ông bắt tay thân mật và kéo các vị chỉ huy đạo Trung quân cùng ngồi. Mấy chiến sỹ phục vụ cơm nước bưng cơm rượu ra, bầy trên bàn. Ông nhìn thấy rượu ngon mỉm cười:
- Rượu ngon thế này lấy đâu ra thế! Lương lậu chẳng có, các cậu lấy đâu ra tiền mua?
- Rượu của Lý trưởng Nguyễn Gia Hè mang cho đó ạ.
- Chỉ huy nào có quan hệ tốt với địa phương thế?
- Dạ, chúng tôi quen Lý trưởng Nguyễn Gia Hè, từ hồi lên căn cứ.- Phó Đốc binh Hà Đức trả lời- Ông ấy đã đước Hiệp thống Đại thần Nguyễn Quang Bích phong chức Lãnh binh rồi, lần nào đến thăm cũng mang cho rượu ngon.
- Quan hệ tốt với nhân dân là tốt, nhưng nơi quen biết thì không sao, những nơi chưa quen biết thì phải cảnh giác đấy! Chú ý, không để mất cảnh giác! Kẻ thù, chúng lợi dụng mọi hình thức để tiến công chúng ta.
- Vâng ạ.- Đốc binh Hoàng Kim trả lời.
- Mình nhắc các cậu không thừa chứ?
- Không ạ.- Phó Đốc binh Hà Thanh Bằng trả lời.
Tướng quân Nguyễn Văn Giáp nhớ tới hai chỉ huy đạo Trung quân đều là người họ Hà, ông hỏi thêm:
- Hai chỉ huy đều là người họ Hà có anh em với nhau không? Họ Hà ở Hưng Hóa là họ gốc đấy. Có khi các vị là hậu duệ của tướng quân Hà Bổng đời Trần. Cụ được Vua Trần Thái Tôn phong chức thượng tướng quân mà đời Trần thì thượng tướng lại là bậc cao hơn đại tướng đó. Khi kháng chiến chống quân Nguyên Mông, cụ và các con cụ là Hà Đặc, Hà Chương có nhiều công lao đánh giặc, nhân dân vùng Sơn-Hưng-Tuyên này nhớ ơn cụ lắm đó.
Phó Đốc binh Hà Đức tươi cười trả lời:
- Dạ, tôi và Hà Thanh Bằng hậu duệ đời thứ 20 của ngài Thượng tướng quân Hà Bổng ạ. Đền thờ của cụ tổ tôi có ở nhiều nơi lắm. Hàng năm tôi vẫn đến đền Ba Nóc tại làng Hiền Đa thắp hương tưởng niệm cụ tổ của tôi ạ
- Làng Hiền Đa ở ngay huyện Cẩm Khê này đây. Bao giờ, diệt hết lũ chó Tây, Phó Đốc Đức, Phó Đốc Bằng và mình cùng về thắp hương tưởng niệm cụ nhé.
- Cảm ơn Tướng quân! Nhưng nghĩ đến ngày đó, cũng còn xa lắm đấy.
Tướng quân Nguyễn Văn Giáp nói động viên:
- Tất cả chúng ta theo sự nghiệp Cần Vương thì đừng nóng ruột nhé! Bình tĩnh, tin tưởng để phụng sự, theo Vua Hàm Nghi đến ngày chiến thắng!
Ăn cơm trưa xong, ông cùng Đề Kiều, Tán Thanh về đại đồn lấy ngựa đi về Đại bản doanh. Dọc đường về, ông lại nghe thấy tiếng pháo từ đồn Bùng bắn về. Tiếng nổ đinh tai, làm cho mấy con ngựa phi nhanh, mấy lần ông phải ghì và thả dây cương, ngựa mới chạy chậm lại. Ông nói với Đề Kiều:
- Già rồi, đi ngựa đêm nằm đâu lưng lắm. Xương như muốn giã rời ra; người mong mỏi ngày chiến thắng giặc Pháp đến nhanh, có lẽ không phải là các cậu đâu mà chính là tớ đấy.
Hai người đi theo cùng cười vang. Ông quay lại nói với Đề Kiều và Tán Thanh:
- Các cậu còn khỏe, mạnh chân mạnh tay phải thường xuyên xuống đơn vị nhắc nhở anh em gia cố hầm hào, ngụy trang nơi ở, trận địa, phải sẵn sàng chiến đấu. Nghe tin quân Pháp đã chuyển nhiều quân đến, nếu không có gì thay đổi, chúng sẽ đánh ngay đấy.
Ngày hôm sau, ông cùng Đề Kiều, Tán Thành xuống đạo Hữu quân. Đốc Nhì đưa ông đi thăm các đơn vị. Ông không ra thăm các đồn tiền tiêu mà chỉ đi thăm các đồn đóng từ làng Ngô Xá trở vào. Ông nhấn mạnh vai trò của đạo Hữu quân trấn giữ vị trí đông nam của căn cứ Tiên Động rất quan trọng. Địch đã chiếm các điểm cao ở Sơn Nga, Phùng Xá đang đánh bật các đội dân binh của Phương Xá ra ngoài làng. Giặc Pháp đã tiến công chiềm giữ cầu Lưu Phương, cho xây cầu đề chuyển pháo sang bờ bắc, nhằm bắn phá căn cứ Tiên Động. Đặc biệt khống chế các vị trí tiền tiêu của Tiên Động.
Ông nói với Đốc Nhì:
- Nếu quân của ông và quân của Tán Áo không giữ được Áo Lộc thì Tiên Động cũng không giữ nổi. Phải kiên quyết giữ, Đề Kiều và các ông Tán tương quân vụ phải chú ý đến trận địa phía đông nam này, phải cho pháo của ta bắn trả pháo địch, điều lực lượng đạo Trung quân ứng cứu ngay khi cần thiết.
Đề Kiều nói thêm:
- Đạo Hữu quân đã dày dạn kinh nghiệm đánh địch ở thành Hưng hóa, ở Tứ Mỹ; lần này phải đập tan ngay lập tức các đợt phản công của địch. Có thể cho tập kích địch mà cướp pháo địch như đội quân của Đốc binh Sơn đã làm ở trận cầu Gỗ. Chúng nó làm cầu Lưu Phương để đưa quân sang, pháo sang, ta nghiên cứu cách đánh mà tước đoạt pháo địch trang bị cho quân ta. Chúng đang mang pháo đến cho chúng ta đó!
- Chúng không để bất ngờ như lần trước.- Đốc Nhì khẳng định- Làm sao mà chống đỡ với hàng nghìn quân địch, canh gác vòng trong và vòng ngoài rất dày đặc. Chúng ta chỉ tìm cách phá được cũng là giỏi lắm rồi, không thể đánh tiêu diệt mà chiếm lấy pháo của chúng. Vì thế mà mưu kế ấy của quân ta không cho phép làm nữa. Giá như lực lượng ta đông, vũ khí hiện đại thì đánh tiêu diệt, tước vũ khí của chúng chẳng khó gì đâu.
- Đốc Nhì suy nghĩ đúng đó Đề Kiều ạ. Nhưng tìm ra những yếu tố bất ngờ mà địch không kịp trở tay thì vẫn đánh được, như trận đánh đồn Phong Vực thì thật tuyệt vời.
Nhìn Đề Kiều, Đốc Nhì thấy họ vui ra vì hiểu câu nói của mình, Hiệp đốc Giáp nói thêm:
- Đạo Hữu quân đóng ở trận địa quan trọng, chiều ngang có tới hơn 10 dặm mà quân chỉ có vài ba trăm người thì khó giữ. Giá như chúng ta có 1000 người với vũ khí tốt thì chẳng lo gì không giữ nổi. Căn cứ Tiên Động đang thiếu quân và vũ khí, ai là người lo được hai vấn đề này thì người đó xứng đáng là đại tướng quân.
Một lúc lâu ông lại hỏi:
- Đề Kiều và Đốc Nhì có lo được không?
Đề Kiều thưa:
- Dạ, chúng tôi vừa đồng ý cho Tán tương quân vụ Hà Công Cấn và con trai ông ta là Lãnh Hòa chuyển ba khẩu súng thần công với 100 viên đạn từ thành Tuyên Quang về làm nên “tiểu đồn Áo Lộc” ở trung tâm làng nhằm bảo vệ thật tốt hướng đông nam Tiên Động.
- Thế là rất tốt! Các ông cần phải mời số anh em binh sỹ của Đội trưởng Lê Văn Tấn biết sử dụng súng thần công, dạy lại cho cách sử dụng. Đây là đội quân mới, quan trọng sẽ góp phần vào thắng lợi vẻ vang vào chiến cuộc!
Hiệp đốc Giáp nhìn vào Đề Kiều, Tán Thanh lại hỏi:
- Còn có cách nào lấy pháo của địch trang bị cho ta được nữa không?
Cả hai người đều lắc đầu, tướng quân Nguyễn Văn Giáp tự trả lời:
- Ta vẫn phải trông chờ vào trí tuệ và sức mạnh của quân dân ta, còn riêng ta không lo được đâu. Đừng có trông vào ngoại viện nên trông vào thực lực dân ta thì hơn. Cái giá xướng máu của người nước ngoài làm sao ta trả được, mà không trả được thì lại phụ thuộc vào người ta thì có khác chi mất nước. Giờ thì ta phải nghĩ xem làm thế nào để mà tự lực cánh sinh. Hai người còn trẻ tuổi cố mà nghĩ ra nhé!
Đoàn được Đốc Nhì đưa đi theo con đường ngòi Rành về bến làng Hoàng Lương thì trở về Đại bản doanh. Trước khi chia tay Đốc Nhì, Quyền Tổng Chỉ huy Hiệp đốc Nguyễn Văn Giáp lại nói động viên:
- Cái khó ló cái khôn, Đốc Nhì cố giữ vững trận địa phía đông nam này nhé!
Về đến Đại bản doanh, thì trời đã quá trưa, Chỉ huy phó Khê Ông ra đón, báo cáo có nhận tin tình báo mới từ “ hạ lưu” lên. Quân Pháp chưa đánh Tiên Động ngay mà chỉ bao vây. Thống tướng Đờ Cuốc-xy đã bị chính phủ Pháp triệu hồi, sẽ trở về Pháp, viên thống đốc Pôn Be được chính phủ Pháp cử sang sẽ có một kế hoạch mới. Tiên Động tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình bằng các chiến công quân sự thì rất tốt. Khê ông nói riêng với Quyền Tổng Chỉ huy:
- Chắc chắn giặc Pháp lại tìm cách dụ hàng, mở rộng các hình thức mua chuộc, lôi kéo binh sỹ và dân chúng về với triều đình Đồng Khánh, cô lập và bôi nhọ Vua Hàm Nghi. Tiếp tục âm mưu“ chia để trị” và sau đó chúng lại tiếp tục tiến công về quân sự.
Buổi chiều, Quyền Tổng Chỉ huy Nguyễn Văn Giáp một mình đi ngựa sang thăm đạo Hậu quân. Đốc Biêu người chỉ huy tiếp và dẫn ông đi thăm các đơn vị. Chỉ huy các đội quân có kỷ luật nghiêm minh, sẵn sàng chiến đấu cao. Nhìn con đường sang châu Yên Lập theo đường ngòi Rành và theo đường bộ vượt núi cao. Đốc Biêu nói với Quyền Tổng Chỉ huy Nguyễn Văn Giáp:
- Bên kia núi là tổng Mộ Xuân, châu Yên Lập là một hậu phương của Tiên Động. Ở đó, chúng ta có cơ sở sản xuất, sửa chữa, vũ khí; có các trạm điều trị, điều dưỡng lo chăm sóc sức khỏe cho binh sỹ bị thương, bệnh binh bị ốm đau; có những đội quân toàn là phụ nữ làm công việc gùi thồ tiếp tế lương thực, thực phẩm cho quân ta ở Tiên Động.
- Ai phụ trách những công việc này?
- Ông Đề Kiều phó tướng chỉ đạo ạ.
- Thế thì mình phải hỏi Đề Kiều để nắm cho cụ thể. Trong cuộc chiến thì hậu phương rất quan trọng, là chỗ dựa vững chắc cho tiền phương.
- Tướng quân đã lần nào đến đấy chưa?
- Chưa đến bao giờ. Có phải con đường qua Mộ Xuân, Sơn Lương là con đường đi sứ của Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần, Thuần trung tướng Nguyễn Quang Bích không?
- Vâng ạ. Đã hai tháng nay, ngài đi thuận lợi, khó khăn thế nào mà chưa thấy trở về?
- Tôi thấy lòng bâng khuâng, lo lắng lắm!
Tướng quân Nguyễn Văn Giáp và Đốc Biêu nói rồi cùng nhìn lên dãy núi Cháy xanh thẫm. Đưa mắt nhìn ra xa, hai người chỉ thấy những dãy núi cao trùng điệp xa mờ trong mây, đôi ba cánh chim đang mải miết bay về nơi tổ ấm ngủ đêm. Mặt trời đã xuống núi, hắt những tia sáng hình dải quạt vàng rực lên bầu trời và bỗng nhiên bầu trời mờ tối dần. Đốc Biêu vội đưa tướng quân của mình trở về Đại bản đoanh, cảnh trí Tiên Động nơi núi đồi lúc này mờ ảo, thơ mộng như chốn bồng lai tiên giới.