Chương 21Hiệp thống Nguyễn Quang Bích đi sứ trở về,
Ngài viết thư trả lời thống đốc Pháp

Đoàn đi sứ nhà Thanh trở về Tiên Động vào ngày giữa mùa đông. Trời lạnh giá, những chiếc thuyền của đạo Hậu quân đón quan Hiệp thống Đại thần tại bến Cổi, Mộ Xuân, xuôi dòng nước ngòi Rành trở về bến Hoàng Lương.

Ngồi trên chiếc thuyền ba cắng, hai người bơi, Hiệp thống Nguyễn Quang Bích đã được Đốc Biêu cho biết, căn cứ Thanh Mai-Thạch Sơn bị giặc Pháp dùng lực lượng quân lớn gồm ba lữ đoàn tiến công. Nghĩa quân chiến đấu anh dũng hơn một tuần và rút ra an toàn. Sau đó, Hiệp đốc Giáp cho binh sỹ hành quân theo đường Khe Trời từ Đồng Lương về Tiên Động. Cánh quân Thạch Sơn rút ra theo đường bộ về Lang Sơn, thuộc Hạ Hòa mất hai ngày hai đêm đã tiến hành xây dựng căn cứ Đầm Đen chống giặc Tây. Tiên Động đã họp các chỉ huy các cấp, làm theo chỉ lệnh của Tướng quân tôn Hiệp đốc Nguyễn Văn Giáp lên nắm Quyền Tổng Chỉ huy căn cứ Tiên Động. Tướng quân Nguyễn Văn Giáp là người chỉ huy rất sâu sát đã đến thăm các đơn vị, chỉ đạo cụ thể và nhắc nhở binh sỹ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ cho được căn cứ, chờ Hiệp thống đại thần trở về.

Hiệp thống Nguyễn Quanh Bích ngồi lắng nghe, vui vẻ nói:

- Đúng như ta dự đoán, địch sẽ tập trung quân đánh Thanh Mai-Thạnh Sơn trước. Ta cũng đã bàn với Phó Chỉ huy Khê Ông và Đề Kiều chuẩn bị tinh thần đánh chi viện và có chỉ lệnh cho Hiệp đốc, Tán Dật, Lãnh Mai cố gắng giữ vững căn cứ và nếu như không chống cự nổi thì rút lui. Các phương án lui phải bàn kỹ để quan quân rút ra an toàn nhất. Ta cũng tính đến việc Hiệp đốc Giáp lên đây, nếu như khỏe mạnh, lành lặn cho giữ chức Tổng Chỉ huy thay ta. Bao nhiêu tính toán của ta trước lúc đi sứ gần như đã được thực hiện, thế là tốt lắm rồi.

Hiệp thống nhìn cảnh vật Tiên Động thấy có những vệt núi cỏ cây cháy xém, gẫy đổ, dăm ba quả đồi còn in những hố đại bác lỗ chỗ, quay nhìn hỏi Đốc Biêu:

- Giặc Pháp đã đem đại bác lên bắn vào Tiên Động nhiều thế này à?

- Vâng ạ. Giặc Pháp đã dồn quân lên đây, chiếm các vị trí quan trọng ven sông Thao, chiếm các quả đồi cao đặt đại bác bắn vào căn cứ Tiên Động. Hàng nghìn quả đại bác đã bắn vào đây, nhưng chưa ai việc gì. Dân làng Hoàng Lương, Tiên Động, Áo Lộc, Minh Côi chỉ bị thiệt hại dăm ba con trâu, vài ngôi nhà dân bị đổ nát.

- Như vậy, căn cứ Tiên Động đã nằm trong tầm pháo của giặc Pháp. Chỉ huy Tiên Động có kế hoạch phòng chống pháo của giặc Pháp chưa?

- Ông Đề Kiều đã quan triệt cho quan quân đào hầm hào tại nơi chiến tuyến, nơi nhà ở, dọc đường đi. Quân dân đều đã làm hầm nên mới đỡ thiệt hại.

- Tình hình phía bắc Tiên Động và châu Yên Lập ra sao?

- Quân Pháp đã chiếm các vị trí Tuần Quán, Âu Lâu, Đào Thịnh, Trái Hút cho quân khai thông sông Thao để mở con đường sang Vân Nam, nhằm mục đích tiến công nước Tàu khống chế nhà Thanh. Tại châu Yên Lập, Pháp đã chiếm vị trí Ngọc Lập xây đồn ở đó. Tôi và Đốc Sơn đã đem quân đến đánh diệt 20 tên địch, buộc chúng rút về đồn Vàng, Thục Luyện nhưng chúng vẫn muốn chiếm lại.

- Chính sách của giặc Pháp đối với vùng quê sông Thao, Hưng Hóa có gì thay đổi?

- Thưa tướng quân! Chúng vẫn dùng âm mưu “chia để trị”, trước mắt chia rẽ Giáo-Lương và chia rẽ các dân tộc thiểu số với người Kinh, mua chuộc, đe dọa những người theo Cần Vương. Việc trả thù những người theo Cần Vương kháng chiến ngày càng thậm tệ, khốc liệt.

Quan Hiệp thống ngồi trầm ngâm, ông nhìn mấy chiếc thuyền đang bơi sau:

- Đốc Biêu à, đoàn đi sứ đi bao nhiêu người về bấy nhiêu người đã là một thắng lợi rồi. Mình sẽ nói chuyện chung với quan quân về thắng lợi của chuyến đi ngoại giao này. Viên Thông sứ Phan Đức Huy còn ở đây không?

- Ông ấy vừa đi công cán ở miền xuôi, đồng bằng về. Hôm nay, quan quân Tiên Động ra bến làng Hoàng Lương đón quan Hiệp thống, chắc là ông Phan Đức Huy sẽ cùng đi ra đón.

Từ xa, Hiệp thống Đại thần đã nhìn thấy quan quân và nhân dân làng Áo Lộc, Tiên Động, Hoàng Lương đứng đón đoàn sứ trở về. Những chiếc thuyền bơi sau cố gắng bơi rẽ sóng để cùng cập bến, nước ào ào vỗ vào hai bờ. Người trên bờ đã nhận ra thuyền của Hiệp thống Nguyễn Quang Bích, giơ tay vẫy đón chào. Các Chỉ huy chạy ùa ra, đến đứng bên Phó Chỉ huy Khê Ông, thưa:

- Chúng tôi mong chờ mãi! Hôm nay mới nhìn thấy Người về! Anh em về đủ thế này là mừng rồi. Đề Hoan, Tán tương quân vụ Chu Thiết Nhai, Tư vụ Trần Ngọc Dư và số binh sỹ cùng đi về đầy đủ cả. Thật vui mừng khôn tả!

Tướng quân Nguyễn Văn Giáp chạy đến ôm chầm lấy quan Đại thần:

- Đoàn quân Thanh Mai-Thạch Sơn đã vâng lệnh của quan Hiệp thống chiến đấu ngoan cường, rút quân về hợp nhất với Tiên Động, thanh thế được nâng cao, quân Pháp chưa dám tiến công Tiên Động ngay.

- Như thế, ta có thể đảo được nước cờ khi có quân nhà Thanh sang tiếp viện không?

Hiệp đốc Giáp chưa kịp trả lời, mọi người đến vây quanh. Hiệp thống Nguyễn Quang Bích lui về sau, bước lên đứng trên bờ đất cao nói lớn:

- Thưa các chiến hữu và đồng bào! Tôi và đoàn đi sứ nhà Thanh đã trở về. Sau hơn 2 tháng trời, đi đường vất vả gian lao, hoạt động ngoại giao đã đạt được kết quả rất tốt. Chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân vùng biên giới Trung Quốc giáp Việt Nam. Vua quan nhà Thanh cùng chung hoạn nạn bị phương Tây xâm lược, chèn ép đã hứa viện quân, cung cấp vũ khí cho Việt Nam. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện để kháng chiến chống Pháp đến ngày thắng lợi.

Mọi người vỗ tay hoan hô, không khí buổi tiếp đón diễn ra rất vui vẻ. Đề Kiều đã chuẩn bị đủ ngựa để đưa các quan trở về Đại bản doanh. Một người lính dắt đến con ngựa hồng của Đại bản doanh. Con ngựa nhớ ra Tướng quân, nó lấy hai chân cào cào xuống đất, gật đầu vái, bờm đen rung trong gió sương mai. Quan Hiệp thống đến bên, đặt nhẹ bàn tay vào lưng ngựa và nhanh nhẹn nhảy lên ngồi trên yên. Ông quay lại giơ tay chào mọi người và nhằm đường phi về Đại bản doanh.

Về đến nơi, ông yêu cầu Tư vụ Trần Ngọc Dư sao giữ lại các văn bản của Vua quan nhà Thanh hứa sẽ chi viện quân và cung cấp vũ khí cho Việt Nam đánh Pháp. Sau đó, ông trịnh trọng đưa mật thư, sắc phong và toàn bộ các văn bản được ký kết cho viên Thông sứ Phan Đức Huy về Quảng Bình trao cho Vua Hàm Nghi và cho Đại tướng Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết. Ông giao nhiệm vụ cho Đề Kiều và viên Đốc binh Vũ Bách phụ trách thông tin liên lạc tổ chức đưa viên Thông sứ Phan Đức Huy trở về ngay để kịp thời trao cho Vua Hàm Nghi sắc phong và các văn bản được ký kết của chuyến đi ngoại giao hết sức đặc biệt này.

Buổi tối, ông gặp gỡ đại diện chỉ huy các đạo, các đội quân, các ông lãnh binh, phó lãnh binh, chánh tổng, lý trưởng các làng quanh Tiên Động. Ông nói chuyện thân mật về chuyến đi, kết quả đạt được và nói rõ khả năng có thể đón quân chi viện và vũ khi từ Trung Quốc đưa sang để chỉ huy các cấp cùng bàn.

Ông kể về chuyến đi:

- Chúng tôi xuất phát từ Tiên Động, sang Mộ Xuân đến Sơn Lương, châu Yên Lập và lên châu Văn Chấn và từ Nghĩa Lộ xuôi ngòi Thia ra sông Thao sang bở tả Mậu A huyện Văn Yên và cứ thế ngược lên huyện Bảo Thắng, có qua phố cổ Lào Cai và vượt sông Nậm Ty sang Trung Quốc. Từ Điền Phong biên giới đến thủ phủ Vân Nam khoảng trên 300 dặm đường rừng núi cũng khó đi như đường rừng núi ở Việt Nam. Đường dài, quan quân vừa đi vừa nghỉ, mất hơn hai mươi ngày mới tới thủ phủ Vân Nam. Chúng tôi tới Vân Nam được quan Tổng đốc Vân Quý ( Vân Nam, Quý Châu) là Sầm Dục Anh đón tiếp rất trọng thể. Tôi dâng quốc thư lên vua Quang Tự và đề xuất nguyện vọng, yêu cầu viện trợ của Vua Hàm Nghi cho quan Tổng đốc. Quan Tổng đốc Vân Quý đã cho người lên Yên Kinh dâng quốc thư và đệ trình những yêu cầu của vua Hàm Nghi. Phải chờ một tháng sau mới có thánh thư trả lời. Nhận được thư, sắc chỉ của vua Quang Tự nhà Thanh, quan quân chúng tôi lên đường trở về đất nước. Phải mất đi mất trên hai mươi ngày đường, đoàn chúng tôi mới về tớiTiên Động, để gặp mặt quan quân và mọi người hôm nay.

Các quan chỉ huy và các đại diện các làng sốt sắng hỏi về kết quả chuyến đi. Quan Hiệp thống thấy không cần phải giữ bí mật nữa, ông trả lời thẳng:

-Triều đình nhà Thanh vẫn có ý thức giúp nhà nước Việt Nam đánh Tây, bởi vì họ cũng là nạn nhân của giặc phương Tây xâm lược. Nước Tàu lớn, họ bị nhiều nước đến xâm lăng, ngoài Pháp ra còn nước Anh, nước Bồ Đào Nha, Tây Ba Nha, nước Đức, nước Nga, Hoa Kỳ, Hà Lan. Họ lo chống giặc phương Tây, nên muốn có đồng minh nhất là Việt Nam gần với họ. Việt Nam thất bại, họ khó có thể đứng vững được.

Đội trưởng pháo binh Lê Văn Tấn hỏi Hiệp thống:

- Trên danh nghĩa và thực tế Việt Nam ta đã thua Pháp, triều đình nhà Nguyễn của Việt Nam đã ký hiệp ước đầu hàng. Bây giờ, Việt Nam chống Tây dựa trên tinh thần yêu nước của nhân dân do các văn thân và võ tướng yêu nước tổ chức. Chúng ta muốn họ giúp ta về vũ khí, về quân lương là tốt lắm rồi. Vậy, có cần họ chi viện cho ta về lực lượng quân sự không? Đến lúc này, họ đưa quân sang ta theo cách nào? Số lượng là bao nhiêu, đánh vào các vị trí nào? Quân ta sẽ hiệp đồng với họ ra sao để giải phóng Bắc Kỳ? Và sau khi giải phóng đất nước, chúng ta sẽ làm gì để đưa họ về nước. Việt Nam độc lập mà phải nuôi quân Tàu mãi hay sao?

Quan Hiệp thống đành phải giải thích cho quân quan rõ:

- Chúng ta kháng chiến lúc này, rất cần thiết có sự giúp đỡ từ bên ngoài, nhất là Trung Quốc. Quan quân ta biết đấy, họ đã từng giúp ta đưa quân sang nhưng đánh không được như ở thành Lạng Sơn, Bắc Lệ, đồn Chũ, đồn Kép và phải chịu thất bại. Trong chuyến đi này, tôi đã xác định: trước hết, là giành lại sự đồng tình của họ, coi Hàm Nghi là vua chính thống, đại diện duy nhất của Việt Nam. Hai là, tranh thủ sự giúp đỡ của quan quân và nhân dân Trung Quốc kể cả về quân lực, về vũ khí, quân lương. Ba là, quan hệ tốt với nhân dân vùng biên giới Trung -Việt; trong trường hợp bất đắc dĩ ta phải chạy sang nước họ cần có đất đứng chân để kháng chiến lâu dài.

Đốc binh Tiến, đại diện cho đạo Tiền quân yêu cầu quan Hiệp thống nói rõ hơn về việc nhà Thanh giúp đỡ Việt Nam, nói:

- Thưa quan Hiệp thống! Họ hứa sẽ đưa quân sang Việt Nam như thế nào, sang hướng nào, có thể giúp ta một cách tốt nhất, hay cũng chỉ là là lời hứa hươu vượn mà thôi? Lúc này, nhà Thanh đã ký hiệp ước Thiên Tân với nước Pháp, họ khó có thể thay đổi lập trường mà không thay đổi lập trường thì quan hệ ta với họ khó mà được lâu dài, bền vững. Chúng tôi thấy khó nghĩ lắm, riêng tôi có một mong muốn, về ngoại giao làm sao họ bí mật giúp ta về vũ khí, quân lương là tốt nhất. Về việc đánh giặc Pháp chúng ta tự tìm ra cách đánh và sẽ tìm ra cách giải quyết thích hợp để đưa công cuộc kháng chiến mau chóng đến thắng lợi.

Quan Hiệp thống nói ra tin, nhà Thanh đã hứa đưa hai đạo quân lớn sang Việt Nam. Một đạo do Tổng đốc Vân Quý Sầm Dục Anh kéo quân từ Vân Nam thẳng xuống Hưng Hóa, Sơn Tây, một đạo do Tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Thụy Thanh đem quân từ Quảng Tây sang Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương. Cả hai đạo quân lớn này sẽ cùng quan quân nước ta giúp Vua Hàm Nghi cứu nước Việt Nam khỏi sự đô hộ của giặc Pháp. Về vũ khí, quân lương, vua Thanh giao cho hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây sang tiếp cận, nghiên cứu hình thức giúp đỡ một cách có hiệu quả và thiết thực.

Quan Chỉ huy phó Khê Ông nghe Hiệp thống nói thì có ý kiến ngay:

- Việc nhà Thanh hứa đưa hai đạo quân sang giúp ta sẽ chỉ là lời hứa xã giao mà thôi. Người Pháp đã đưa quân ra giữ Bắc Kỳ với số lượng hơn hai chục ngàn quân rồi, chưa tính đến đội quân tại chỗ của triều đình Đồng Khánh cũng đến vài chục ngàn quân nữa. Số lượng quân của nhà Thanh gồm hai đạo chỉ có ba chục ngàn quân cũng không đủ sức chống lại quân Pháp nữa rồi. Từ biên giới kéo sang tới các vị trí mà họ định đánh chiếm cũng không vươn tới được. Quân Pháp không để cho họ kéo quân sang như hồi năm 1883 nữa. Tôi xin khẳng định chắc chắn với mọi người là không có chuyện quân Tàu kéo quân sang giúp ta được nữa đâu. Chúng ta chỉ còn trông chờ họ giúp ta về mặt vũ khí, quân lương hay tiền bạc mà thôi.- Quan Khê Ông nhìn Hiệp thống đại thần nói thêm - Chuyến đi sứ của Chủ tướng đã đạt kết quả tốt, vì thực hiện được các mục tiêu mà ông vừa nói ra.

- Tôi cũng nghĩ như Khê Ông và mọi người. Vua quan nhà Thanh hứa như vậy là tốt rồi. Họ công nhân chính thể duy nhất do Vua Hàm Nghi đứng đầu là một thắng lợi về ngoài giao. Chúng ta hy vọng có sự giúp đỡ của quan quân và nhân dân Trung quốc, có ý nghĩa lâu dài, quan trọng lắm. Còn về phía ta, lấy tự lực cánh sinh là chính. Phong trào Cần Vương kháng chiến chống Pháp đang phải trải qua thử thách rất lớn, vượt lên được thì có cơ sở thắng lợi. Quan quân và nhân dân Tiên Động phải có cái nhìn lạc quan, hướng lên phía trước, chiến đấu anh dũng để lập công.

Trong buổi họp với Hiệp thống Nguyễn Quang Bích, tướng quân Nguyễn Văn Giáp, Đề Kiều và các lãnh binh, đốc binh đã báo cáo lại các hoạt động tác chiến trong thời gian Tổng Chỉ huy đi sứ. Qua những báo cáo, Chủ tướng nắm rõ tình hình hoạt động của ta và địch trong và ngoài căn cứ. Ông nhắc những việc phải làm ngay:

- Trước mắt phải sơ tán nhân dân, người già, phụ nữ và trẻ em ra ngoài khu căn cứ, bao gồm cả vòng ngoài và vòng trong. Đề Kiều, Lãnh Khanh, Tán Áo, Tán Khảm, Lãnh Hè, Lãnh Cát lo cho dân Tiên Động, Hoàng Lương, Áo Lộc, Minh Côi, Văn Lang, Bằng Giã, Vô Tranh, Phương Xá, Phùng Xá, Tăng Xá tạm tản cư đến nơi khác hoặc vào vùng đồi núi. Làm sao dân chúng đến nơi tản cư có điều kiện sản xuất lương thực, làm ra lúa gạo nuôi sống họ và góp một phần nhỏ nuôi quan quân. Quân dân phải có kế hoạch bảo vệ đại gia súc, gia cầm, không để binh lính Tây cướp bóc, giết hại. Việc chiến đấu thì yêu cầu quan quân và nhân dân phải thực hiện tốt những điều mà tướng quân Nguyễn Văn Giáp đã nhắc nhở.

Đốc binh Nhì chỉ huy đạo Hữu quân nóng lòng muốn ra quân đánh Pháp đứng lên, nói:

- Quân giặc Pháp đã kéo quân lên bao vây căn cứ Tiên Động. Bọn chúng chưa dùng đại quân đánh ngay, đang chờ lệnh cấp trên. Để chế ngự giặc và để tạo thanh thế cho quân Cần Vương, tôi đề nghị quan Hiệp thống cho các đạo quân nghiên cứu tiến công địch trước, lập chiến công diệt thù!

Quan Hiệp thống nhìn quan quân khích lệ:

- Đó là một đề nghị rất sáng suốt! Tôi yêu cầu các đốc binh, các vị lãnh binh sẽ điều tra, nghiên cứu chính xác tình hình, có thể tự ý chớp thời cơ ra quân đánh địch. Nhưng các đơn vị ra quân phải chú ý đánh chắc thắng, bảo đảm thắng lợi, tránh thương vong cho quân và dân ta.

Nhiều tiếng “vâng, dạ” vang lên rinh ran cả hội trường. Quan Hiệp thống lòng rất vui, còn đứng lên đưa tiễn các tướng sỹ của mình trở về đơn vị. Gió đông bắc thổi về căn cứ, lạnh thấu xương. Ông nhìn mặt nhiều người mặt tê tái, lòng ông bỗng trào dâng tình cảm yêu thương tướng sỹ của mình vô hạn. Chắc đêm nay nhiều người sẽ thức suốt đêm không ngủ được vì việc quân, việc nước và vì trời rét buốt.

Năm Ất Dậu trôi qua, năm Bính Tuất sang. Tết đến vùng quê Tiên Động và các vùng quê làng tổng Phương Xá, Áo Lộc, Văn Lang, Xuân Áng, Hiền Lương và vùng bên kia tả ngạn sông Thao, các làng Vụ Cầu, Vũ Yển, Lang Sơn, Ấm Thượng,Y Sơn vẫn rộn ràng tiếng trống tế lễ đình đền, tiếng hát soan, hát chèo, hát chầu văn. Các quan Chỉ huy Tiên Động phân công nhau đi đến các đình làng tham gia cầu tế và dự hội rước. Tại đình làng Tiên Động, sáng sớm mồng một Tết, Hiệp thống Đại thần Nguyễn Quang Bích đến làm lễ rất sớm, quân lính sắm sanh đủ cỗ mặn, hương hoa. Nhân dân Tiên Động cùng ra đăng đàn từ rất sớm. Dân làng yêu tiên cho Chỉ huy nghĩa quân dâng lễ trước; Hiệp thống Đại thần trong bộ xuân phục đại trào dâng lễ kính cáo Vua Hùng và các vị danh tướng đời Hùng Vương.

Ông trịnh trọng nói với dân làng:

- Năm mới Tiên Động sẽ phải chiến đấu quyết liệt với lũ giặc Pháp tham tàn. Tướng sỹ và đồng bào ta phải noi theo tấm gương tiên liệt các đời Hùng Vương và các đời Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, quyết đem xương máu của mình làm rạng danh Tổ quốc. Chưa bao giờ như bây giờ đòi hỏi sự hy sinh của đồng bào và tướng sỹ để gìn giữ cơ đồ nước Việt Nam.

Lãnh binh Nguyễn Gia Hè phấn khởi đáp lời:

- Kính thưa quan Đại thần! Nhân dân làng Tiên Động chúng tôi sẽ cùng tướng sỹ biến mỗi thôn, mỗi xóm thành một chiến lũy bất khả xâm phạm. Nơi đây ngòi Rành, đầm Đào và mỗi ngọn đồi, dãy núi, đồng ruộng sẽ là mồ chôn quân giặc, nếu như chúng liều lĩnh bén mảng tới nơi này.

Sau buổi dâng lễ, Hiệp thống Đại thần Nguyễn Quang Bích đi thăm binh sỹ tại các đồn binh, nhắc nhở binh sỹ cảnh giác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Nhiều đồn binh còn cố ý níu kéo quan Hiệp thống ở lại vào nhà rót rượu cùng nâng cốc chúc mừng sức khỏe, may mắn. Tướng sỹ ai cũng mừng, thấy năm nay quan Hiệp thống chạm cốc chúc mừng từng người làm cho không khí Tết tại Tiên Động càng thêm vui tươi đầm ấm.

Ngày Tết ở Tiên Động và các làng có nghĩa quân đóng càng sôi động. Quan quân Tiên Động vui vẻ hơn vì năm qua là năm lịch sử có nhiều chuyển biến lớn. Vua Hàm Nghi đã ra Chiếu Cần Vương, chuyến đi sứ sang Trung Quốc của quan Đại thần thắng lợi đã tạo được thanh thế cho nghĩa quân. Nghĩa quân Thanh Mai và Tiên Động đã kéo quân về hợp nhất tạo ra thế và lực mới, đông và mạnh hơn nhiều. Vùng sông Thao, Hưng Hóa đã trải qua một cuộc tiến công rất lớn của nhiều binh đoàn giặc Pháp, nhưng lực lượng nghĩa quân vẫn được bảo toàn. Sự nghiệp Cần Vương kháng chiến chống Pháp đang mạnh lên về thế và lực để đi đến ngày toàn thắng.

Mồng mười Tết, buổi sáng có quân của Phó tổng làng Phương Xá Nguyễn Đích vào báo có các quan bố chánh Hưng Hóa và tuần phủ Lâm Thao đem thư của thống đốc Pháp vào Tiên Động trao cho Hiệp thống Nguyễn Quang Bích. Sau khi nhận được tin, Hiệp thống cùng Khê Ồng và tướng quân Nguyễn Văn Giáp trao đổi nhanh. Nhất trí phương án là đón hai viên quan thông sứ của Pháp tại Đại bản doanh Tiên Động. Lần này, quan Hiệp thống Nguyễn Quang Bích quyết định viết thư trả lời quan thống đốc Pháp. Ông nói với Phó Chỉ huy Khê Ông:

- Hôm tôi vừa đi sứ về, ông có trao cho tôi thư của thống tướng Đờ Cuốc-xy, tôi vẫn thấy cái giọng mua chuộc, dụ dỗ và đe dọa của nó, đọc mà chúa ghét. Chúng ta không phải là lũ tham tiền, nhát gan, vô lim sỉ nên không thèm viết trả lời. Nhưng lần này, quân ta đã có vị thế chính trị rồi, dù sao cũng phải viết thư trả lời nhà cầm quyền mới của chính phủ Pháp. Khê Ông thấy có cần không?

- Cần thiết lắm ạ!

Quan Hiệp thống lại quay sang nói với Tướng quân Nguyễn Văn Giáp:

- Lần này là lần thứ 6, chúng tôi nhận được chỉ lệnh, thư yêu cầu bãi binh, đầu hàng trở về với triều đình, trở về với quân đội Pháp. Ông xem thái độ của chúng ta phải như thế nào?

- Phải rứt khoát trả lời với nhà cầm quyền Pháp là chúng tôi không bao giờ ra đầu thú! Yêu cầu người Pháp phải trả lại ngôi vị cho Vua Hàm Nghi đứng đầu chính thể hợp pháp, duy nhất của triều đình Việt Nam, phải phế bỏ vua Đồng Khánh ngay lập tức! Quân Pháp phải rút quân khỏi Bắc Kỳ và Trung Kỳ và sau đó phải rút quân khỏi Việt Nam thì quan hệ Việt Nam và Pháp sẽ trở về cái đích đã bàn là hòa bình và hữu nghị.

- Nhưng phải tùy nội dung thư gửi mà trả lời, không thể nói quá được!

- Tùy ý của Hiệp thống thôi!

Hiệp thống đại thần nhìn các quan hạ giọng:

- Chúng ta sẽ tiếp đón hai người này thế nào?

- Họ là người làm nội gián cho ta, nhân ngày xuân ta tiếp họ tử tế, nhưng không để cho thêm ai biết về mối quan hệ của họ với ta. Đó là một nguyên tắc bất di bất dịch trong hoạt động nội gián. - Khê Ông nhỏ nhẹ trả lời.

Quan Hiệp thống sai vệ binh lấy ngựa ra đền Hội tại Áo Lộc đón hai viên quan thông sứ. Hơn một tiếng sau, hai viên quan đã vào đến nhà Đại bản doanh Tiên Động. Khê Ông ra tiếp Bố chánh Bùi Quang Thích và quan Tuần phủ Nguyễn Khắc Hợp. Hai người rất vui, vì nhân dịp năm mới được vào thăm Đại bản doanh.

Bùi Quang Thích nói:

- Ở đây cao ráo thích thật! Ngày xuân tha hồ mà ngắm cảnh nước non!

Khê Ông bình thản nói:

- Chẳng thích đâu, vào hoàn cảnh bần cùng người quân tử mới đến nơi non xanh rừng thẳm! Người ở lâu trong gian nan, nếu không xác định tư tưởng, lập trường tốt cũng cảm thấy buồn thảm và cực thân.

Lúc đó, Hiệp thống Nguyễn Quang Bích từ trong phòng bước ra. Hai vị quan quỳ xuống vái tạ.

- Ta miễn lễ, mời cả hai quan đứng lên nào! Lâu lắm rồi, chúng ta lại mới được gặp nhau. Ta đi sứ, các ông đến không được tiếp kiến. Khi về Khê Ông đã mang quà của hai quan gửi biếu, ta chân thành cảm ơn! Hôm nay nhân ngày đầu xuân, hai người lại lặn lội đến thăm ta. Hẹn ta ra đình Hội tại Áo Lộc gặp gỡ nhau. Nhưng riêng lòng ta rất quý hai quan, sai vệ binh ra tận nơi đón về Đại bản doanh. Ban tiếp tân đâu, ngày xuân mang rượu ra tiếp hai quan đi!

Quan Tuần phủ Lâm Thao vốn là học trò của Đại thần Nguyễn Quang Bích từ tốn nói:

- Ngày xuân con và quan bố chánh Hưng Hóa có mang theo mấy lạng cao hổ cốt và mấy trai rượu bổ gửi biếu quan Đại thần.

- Ta rất lấy làm cảm động trước tấm lòng của hai quan. Về việc quân, vừa qua hai người có đóng góp đáng kể cho nghĩa quân Thanh Mai-Thạch Sơn và Tiên Động. Ta đã được các quan có trách nhiệm kể lại mới biết, ta trân trọng tuyên dương, kích lệ lòng yêu nước và những đóng góp cho nghĩa quân. Ta mong có được sự đóng góp tích cực của hai người hơn nữa.

Viên quan bố chánh Hưng Hóa có lời thưa:

- Thưa quan Hiệp thống! Chúng tôi được các tướng người Pháp cử đi gửi thư cho tướng quân. Chúng tôi là lũ quan bù nhìn bất đắc dĩ phải thi hành.

- Không đâu, hai quan càng có điều kiện đi lại về phía chúng tôi là rất tốt. Có tin gì mới thì có thể báo lại trực tiếp cho tôi, hay cho quan Hiệp đốc, quan Án Sát Khê Ông cũng đươc. Vừa qua những tin tình báo từ “ hạ lưu”, gửi “thượng lưu” đều đã được Khê Ông dịch ra văn bản rõ ràng, Rất có giá trị về mặt thông tin, để quan quân ra quyết định chỉ đạo sát thực có hiệu quả.

- Đây là lá thư của thống đốc Pháp tại Viêt Nam tên là Pôn Be ( Paul Bert) mà tên tướng Gia-me chỉ huy toàn quân Pháp tại Hưng Hóa giao cho chúng tôi đưa đến quan Hiệp thống Đại thần. Ngài Gia-me nói với chúng tôi cố gắng vận động quan quân ra hàng thì tốt.

- Thế thì hai ông vận động chúng tôi ra hàng đi nào!

- Vâng, quan quân đã không chịu hàng, thì chúng tôi cũng xin chịu ạ!

Mấy người nhìn nhau cười vang. Viên quan Bố chánh Bùi Quang Thích cầm là thư trong túi ra đưa cho quan Hiệp thống đại thần. Ông bình thản mở thư được viết bằng tiếng Pháp kèm theo bản dịch nghĩa bằng chữ Nôm:

Thư của Thống đốc Pháp toàn quyền tại Việt Nam

Hà Nội, ngày 15 tháng 2 năm 1886

Gửi Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích, đương chức Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần, Thuần trung tướng!

Tôi là Pôn Be được Chính phủ Pháp cử sang giữ chức thống đốc toàn quyền Việt Nam, thay cho thống tướng Đờ Cuốc-xy. Được vinh dự sang kinh lý nước Việt Nam với sự nghiệp bảo hộ, khai hóa trên cơ sở tình hữu nghị đã được xác lập hàng trăm năm nay. Người nước Nam đến nay quá nửa quân dân đã theo về, đồng tình ủng hộ, tán thành chính sách bảo hộ của Pháp mà mong mỏi sự hòa hiếu giữa hai quốc gia, dân tộc đề cùng phát triển kinh tế, xã hội.

Không ngờ những người sỹ phu văn thân như các người lại kết đảng làm càn. Đưa Vua Ham Nghi mà chúng tôi dựng lên chạy ra rừng núi, kêu gọi Cần Vương chống lại chính quyền, binh lính của nước Pháp. Chúng tôi đã chẳng nỡ dùng sức mạnh quân sự với binh hùng, tướng mạnh, vũ khí tối tân để hủy diệt kinh thành, giết hại vua tôi của nước các người. Chỉ trừng trị, kết tội kẻ phản nghịch như những tên phụ chính Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật và đang truy lùng những tên thủ phạm Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, Nguyễn Phạm Tuân. Các người là sỹ phu, văn thân, quan lại của nhà nước phong kiến Việt Nam đốn mạt, hèn nhát, mông muội như một lũ man di. Thế mà dám chống lại quân đội Pháp hùng cường, tội đáng phải nghiêm trị, phải diệt trừ nhưng chúng tôi thực thi chính sách nhân đạo, mong muốn các ông ra đầu thú, để từ nay Pháp-Việt không còn cái họa binh đao nữa. Hòa bình và ổn định là điều kiện phát triển để An Nam còn trong tối tăm, lạc hậu theo kịp văn minh mẫu quốc Pháp và phương Tây.

Chúng tôi tin tưởng vào sự tỉnh ngộ của quan quân, không nên dùng những thứ vũ khí thô sơ, cũ kỹ để chống lại quân đội Pháp có binh tinh, kỹ thuật tinh xảo và hiện đại. Con người và vũ khí của các ông còn lâu mới đủ sức đánh thắng quân đội Pháp và nhà nước Pháp được xây dựng trên cơ sở nền Cộng hòa và chế độ tư bản. Các ông dù có tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng dân tộc tự cường đến đâu thì các ông vẫn cứ thua. Cái thời cái thế của các ông không còn mà dựa vào nữa. Thời thế đổi thay rồi, một trí thức lớn như ngài tự nghĩ mà có hành động chuyển biến hợp với thời đại thì hơn. Về hàng chúng tôi, quan quân sẽ được nhà nước bảo hộ ân xá, cho qua mọi tội lỗi. Người thích cộng sự sẽ được nhận chức cũ, tùy theo công trạng sẽ được thăng thưởng lên. Chúng tôi nói lời, giữ lời không lật lọng như người nhà Thanh, Trung Quốc mà các ông còn nuôi hy vọng dựa vào.

Tôi rất tôn trọng nhân cách riêng của ngài Đình Nguyên Hoàng giáp, Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần, Thuần trung tướng Nguyễn Quang Bích. Ngài hiểu cho, tôi không phải là một tướng quân chỉ là một trí thức Pháp được thăng chức thống đốc toàn quyền Việt Nam, rất hân hạnh được đón tiếp ngài ở Hà Nội và lấy danh nghĩa cá nhân sẽ bảo đảm mọi quyền lợi riêng của ngài. Vua Đồng Khánh đang mong mỏi khôn nguôi người tài giỏi như Đình nguyên Hoàng Giáp Nguyễn Quang Bích trở về phụng sự cho trọn tình nghĩa vua tôi. Cái chức danh quan phụ chính đại thần của triều đình An Nam đang tha thiết chờ ngài về đảm nhận.

Cuối thư, nhân ngày đầu xuân năm mới, tôi xin chúc ngài mạnh khỏe, an khang! Mong nhận được thư trả lời và hân hạnh được gặp gỡ!

Kính thư

Thống đốc Pháp tại Việt Nam

Paul Bert

Quan Hiệp thống đọc xong đưa thư cho Khê Ông và nhẹ nhàng bảo:

- Ông và Hiệp đốc Giáp tiếp hai vị quan này, nhân đầu xuân mới cứ cho các quan mừng Tết chiến khu vui vẻ. Có điều gì cần trao đổi với hai vị này thì tự ý nhé. Tôi tranh thủ viết thư cho ngài thống đốc toàn quyền Pháp tại Việt Nam.

Ông vào phòng nghĩ lại nội dung bức thư của thống đốc Pháp và tìm ý để viết thư trả lời. Câu chữ thể hiện nội dung, hình thức văn bản, ông viết nhanh bằng chữ Nôm cho dễ đọc, dễ hiểu:

Hưng Hóa, ngày 25 tháng 2 năm 1886

Gửi ngài Pôn Be thống đốc Pháp tại Việt Nam.

Nay tiếp lời quý quốc cho biết rõ: Chúng tôi kết đảng làm càn, tội đáng nghiêm trị, đáng phải diệt trừ, cho nên phải mang thân ra đầu thú để khỏi tội. Chúng tôi biết quý quốc thật có lòng tốt nên mới có lời khuyên nhủ như vậy.

Chúng tôi cũng nghĩ: Quý quốc sang kinh lý nước chúng tôi, nào kỹ giỏi, thuật khéo, binh tinh, cho nên người nước Nam chúng tôi đã bỏ chỗ sáng đi theo quý quốc rõ ràng đã quá nửa, và cái nước ngàn vạn y quan lễ nhạc nay hầu như đã thành của Pháp rồi, thế mà chúng tôi không tự lượng sức cứ lấy hơn một trăm thân sỹ cùng với mấy ngàn quân đã mệt mỏi để chống lại quý quốc thì chúng tôi há chẳng phải là nguy lắm ư ? Nhưng chúng tôi lại nghĩ đến nghĩa vua tôi đứng trong trời đất mà không quản cái phận Hoa Di đã rõ ràng như sông Kinh sông Vị mà không dám quên phận của mình, ấy chính cũng chỉ quyết giữ trọn cái nghĩa ấy thôi.

Khi quý quốc sang đây, một rằng hòa hiếu, hai rằng bảo hộ để rồi chiếm thành trì chúng tôi, đuổi vua đuổi tướng chúng tôi, để rồi lại tự quyền lập vua Đồng Khánh, chẳng qua đó chỉ là cái kế “bịt tai ăn trộm chuông” mà thôi. Lợi quyền chính trị đều về tay quý quốc nắm cả. Văn thân, võ tướng đều bị quý quốc câu thúc trói buộc. Ôi còn lòng nào nữa? Gọi là hòa hiếu, gọi là bảo hộ mà lại có như thế ư ? Chúng tôi dấy đảng “làm càn”, còn quý quốc làm như vậy, thử hỏi ai là kẻ đúng sai ? Giả sử có một nước lớn khác đến kinh lý quý quốc cũng như quy quốc đã làm ở nước chúng tôi, thì quý quốc vẫn cứ phục tùng theo họ ư ? Hay là cùng nghĩa kích ở lòng, căm giận lộ ra mặt, rồi quý quốc cũng làm như chúng tôi đang làm? Mong rằng quý quốc nén bụng mà nghĩ lại, rồi đem trăm họ, đem thành trì mà trả lại cho vua chúng tôi, đặt lại vua Hàm Nghi lên ngôi, khiến cho vua với dân chúng tôi được yên vui hòa hiệp trong đất nước của mình, còn quý quốc vẫn lại thông thương như cũ. Điều đó há chẳng phải là việc nghĩa to lớn lắm sao!

Bằng không, quý quốc cứ cậy về cai hay cái giỏi của mình, thì chúng tôi cũng không chịu bỏ cái thua, cái kém của chúng tôi. Rồi, nếu mà thắng mà sống, thì là nghĩa sỹ của triều đình, nhưng chẳng may mà thua, mà chết, thì cũng làm quỷ thiêng giết giặc. Thà “chịu tội” với quý quốc, quyết không chịu tội với vua nhà; thà “chịu tội” với nhất thời, quyết không chịu tôi với vạn thế! Một chữ “thú” từ nay xin quý quốc đừng có nhắc lại nữa! Xin đừng có khuyên bừa! Chúng tôi xin cam lòng chịu chết vì nghĩa vua tôi!

Quý quốc tự lo liệu lấy!

Kính thư!

Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần, Thuần trung tướng Nguyễn Quang Bích.(1)

Chú thích:

(1) .Dẫn Thư trả lời quân Pháp của Nguyễn Quang Bích trong tập thi văn Ngư Phong và Tượng Phong NXB Văn học, HN, tr221-223

Viết xong thư, ông đưa thư cho viên Tư vụ Trần Ngọc Dư xem, ghi lại và cho vào phong bì gửi thống đốc Pháp. Ông đi ra ngoài phòng khách, tiếp đón hai viên thông sứ của Pháp, nói với viên tri phủ Nguyễn Khắc Hợp:

- Lâm Thao là một phủ lớn, đông dân, nơi có di tích lịch sử quốc gia Nghĩa Lĩnh quan trọng nhất nước. Là nơi có nhiều danh nho đỗ đạt nổi tiếng như Vũ Duệ, Nguyễn Mẫn Đốc, Nguyễn Đình Tương..., dòng họ và dân làng đều làm đền thờ ở nơi trang trọng trong làng. Nay chiến tranh ập đến, giặc giã đốt phá, khi nào tạm yên các ông nhớ cho tôn tạo, xây dựng lại để cho cái truyền thống lịch sử văn hóa đời đời được phát huy.

Ông nhìn viên quan bố chánh Hưng Hóa nói tiếp:

- Ông Bùi Quang Thích, có sáng ý làm nội gián cho chúng tôi, đã giúp cho tướng sỹ căn cứ Thanh Mai- Thạch Sơn chủ động đánh trả quân địch, bảo toàn được quân và dân. Như vậy là có công rất lớn, các quan nhớ lấy để mà còn thưởng công.

Cả hai viên quan vâng, dạ rất ngọt ngào. Có ý muốn tự rút lui, trở về nhiệm sở, định thưa bẩm gì đó thì nghe Hiệp thống dặn dò:

- Các ông về đưa thư của tôi cho tướng Gia-me gửi cho thống đốc Pháp Pôn Bê theo dõi thái độ của họ, tìm cách báo cho chúng tôi hay. Nhiệm vụ của các ông rất nặng nề, phải có cách ứng xử linh hoạt, khéo léo, giúp cho nghĩa quân càng nhiều càng tốt. Đồng thời phải trừng trị thích đáng những tên tay sai ác ôn, điên cuồng mất nhân tính. Địch đang dùng chính sách mua chuộc, ly gián, chia rẽ rất thâm độc, các người phải tỉnh táo, không để mất cảnh giác. Phải hướng nhân tâm về phía chính nghĩa, thì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, bảo vệ, giữ gìn giang sơn gấm vóc của dân tộc ta vẫn mãi được tiếp tục và đi đến thành công.

Ông đưa mắt nhìn chăm chắm vào hai người vẻ lưu luyến:

- Thế nhé, nhân dịp năm mới chúc cả hai quan mạnh khỏe và gửi lời chúc gia quyến năm mới vui vẻ, an khang!

Viên bố chánh Hưng Hóa cất lời:

- Chúc Hiệp thống đại thần và toàn thể tướng sỹ quyết giữ vững tinh thần chiến đấu, phụng sự đắc lực sự nghiệp Cần Vương kháng chiến! Chúng tôi hứa sẽ gắng sức giúp đỡ nghĩa quân trong những tình huống cho phép!

Lúc chia tay có mặt năm người trong căn phòng của Đại bản doanh kín đáo, Khê Ông thay mặt ban chỉ huy tiễn hai viên thông sứ của Pháp về đền Hội làng Áo Lộc lên thuyền xuôi sông Thao về nhiệm sở tại thành Hưng Hóa.

Dọc đường trở sang đình Hội, quan tri phủ Lâm Thao Nguyễn Khắc Hợp hỏi về kết quả chuyến đi sứ của quan Hiệp thống. Phó Chỉ huy Khê Ông nói về việc vua nhà Thanh hứa đem quân sang đánh mở đường cho đại quân ta tiến về giải phóng thành Hà Nội và các thành trì tại Bắc Kỳ. Tưởng làm cho hai viên quan thông sứ sợ hãi nhưng cả hai người này vẫn bình tĩnh như không. Viên bố chánh Hưng Hóa Bùi Quang Thích còn nhận định và đưa ra ý kiến rất sâu sắc:

- Họ hứa suông đấy thôi, Khê Ông ạ. Nhớ nhắc Hiệp thống Đại thần phải chuấn bị sẵn sàng đối phó với viên tướng Gia-me rất hiếu chiến và tàn bạo. Ngài thống đốc Pôn Be sẽ xem thư trả lời và sẽ có quyết định đánh ngay. Tất nhiên, Hiệp thống Đại thần của chúng ta bao giờ cũng có tinh thần khảng khái, kiên quyết. Tôi chưa xem thư nhưng nhân cách cao thượng và thái độ rứt khoát thì lời nói trong thư sẽ thể hiện ý chí sắt thép giáng trả những luận điệu gian trá của những kẻ đến xâm lăng lại mang danh nghĩa là bảo hộ, khai hóa và kết tình hữu nghị.

Hơn một tháng sau, theo tin từ “ hạ lưu”, viên thống đốc Pháp nhận được thư của Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần, Thuần trung tướng, rất khen tác giả bức thư là một trí thức lớn của nhà nước phong kiến Việt Nam có một lập trường sắt đá, kiên trung mà người Pháp không thể khuất phục. Đọc thư xong ông đã có lời khen người viết thư trước các sỹ quan cao cấp của Pháp quốc:

- Viên quan Đại thần Nguyễn Quang Bích gan sắt dạ vàng, trái tim của ông ta mang dòng máu của một dân tộc anh hùng bất khuất kết tinh truyền thống lịch sử chống giặc ngoại xâm mấy nghìn năm. Trước sau, người Pháp sẽ thất bại bởi những người như thế!

Thống đốc Pôn Be ra lệnh cho Gia-me:

- Không thắng địch về mặt chính trị, ta dùng sức mạnh quân sự. Nhà nước tư bản phương Tây tân tiến đang thắng nhà nước phong kiến phương Đông lạc hậu. Quân đội viễn chinh Pháp của nhà nước Pháp đã và đang thắng quân đội An Nam bạc nhược và bọn văn thân thủ cựu.

Gia-me nói một câu phù họa với thống đốc:

- Không đánh mạnh vào không thắng nổi đâu. Dù phải đổ bao nhiêu máu xương quân Pháp cũng không tiếc nữa. Chiến thắng bằng vũ lực trở thành phương châm của kẻ đi xâm lược. Không đè bẹp ý chí của kẻ thù thì đừng hòng đặt ách nô lệ lên đầu, lên cổ người ta.

Biết không dụ hàng được Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần Nguyễn Quang Bích, bộ chỉ huy Pháp tăng cường lực lượng bao vây Tiên Động. Tại miền rừng núi Hưng Hóa, Pháp cho quân lấn chiếm đất đai và lập thêm đồn tại Ngọc Lập, Ngòi Lao, Chí Chủ, Vụ Cầu, Ấm Thượng và lập các đồn dọc sông Thao từ Trấn Yên ngược lên Bảo Thắng tới phố cổ Lào Cai.

Lực lượng kháng chiến được củng cố và tiến công nhiều vị trí của quân Pháp. Nghĩa quân ở Hạ Hòa đã đánh địch ở Động Lâm, Xuân Áng, diệt địch ở Ấm Hạ, Ấm Thượng, bao vây đồn Ngòi Lao. Nghĩa quân ở Thanh Ba, Đoan Hùng, Sơn Vy đánh địch ở làng Phú Thọ, Ngọc Tháp, Thanh Hà, Lương Lỗ, Mạo Phổ, Hà Thạch, Chân Mộng. Nghĩa quân của huyện Cẩm Khê tiến công địch bảo vệ căn cứ Rừng Già, Đọi Đèn, Hố Trò. Đặc biệt lực lượng nghĩa quân tại hai làng Phương Xá và Áo Lộc đã đánh chặn địch không cho chúng chiếm làng, làm cầu Lưu Phương, xây dựng trận địa pháo, tiến theo con đường đê sông Thao nhằm đánh bật các đồn tiền tiêu, bao vây căn cứ Tiên Động thêm một bước mới, chuẩn bị đưa đại quân đến tiến công tiêu diệt.

Tại thành Hà Nôi, tướng Gia-mông nói với các sỹ quan Pháp:

- Quân Cần Vương nổi lên khá mạnh, có những lực lượng lớn đang tập trung ở Hưng Hóa, Thanh Hóa, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Bình Thuận. Các lực lượng quân sự mới nổi lên có xu hướng lập căn cứ cố thủ, không có chủ trương tiến công mở rộng và liên kết lại với nhau. Không có sự chỉ huy thống nhất, phần lớn lãnh đạo, tướng lĩnh là các văn thân không được đào tạo bài bản về mặt quân sự. Họ chỉ tiếp thu cách đánh truyền thống là tập kích, phục kích của lối đánh lấy ít địch nhiều. Vừa rồi chúng ta đã tập trung binh lực đánh vào Thanh Mai-Thạch Sơn, họ có bị thiệt hại nhưng không lớn, rồi bỏ chạy về miền Thượng du Tây Bắc cố thủ.

Tướng Gia-me nói với Trung tướng Gia-mông:

- Bây giờ lực lượng nổi dậy của họ còn yếu, nhưng nó là những cơn sóng ngầm rất có thể cuốn phăng chúng ta ra biển Đông. Các ông phải tập trung binh lực đánh mạnh vào Tiên Động, ngăn chặn, tiêu diệt cho hết lực lượng phản nghịch và kẻ cầm đầu là Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần, Thuần trung tướng Nguyễn Quang Bích, một người lãnh đạo quan trọng bậc nhất của Phong trào Cần Vương vừa đi sứ nhà Thanh về; nghe tin nhà Thanh có hứa viện trợ quân, vũ khí, trang bị và quân lương.

Tướng Gia-mông nói với Gia- me và các sỹ quan Pháp rằng:

- Sau những trận tranh giành với quân ta ở Cao Bằng, Lạng Sơn, quân Thanh bị thiệt hại nặng, không có khả năng đưa quân sang An Nam nữa đâu. Họ hứa thì cứ hứa, nhưng phải có thực lực thì họ mới làm được. Còn có rào cản nữa là các hiệp định họ đã ký kết với ta. Họ đang sợ ta không thể liều lĩnh phá bỏ các hiệp định để sang giúp Hàm Nghi tiến công ta. Vậy, chúng ta cứ yên tâm vừa tiến công tiêu diệt địch vừa làm công tác bình định, ổn định các bộ máy cai trị nước Nam. Thắng lợi của chúng ta ở Việt Nam đã đạt trên chín mươi phần trăm rồi, còn một ít phần nữa thôi, nên những người cầm quân chúng ta hãy cố gắng lên!

*

Vào thời điểm đó, tại miền Tây Quảng Bình, Đại tướng, Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết và các Đề đốc Trần Xuân Soạn, Nguyễn Phạm Tuân, Lê Trực sau khi làm cuộc chính biến tại kinh thành Huế thất bại, đưa Vua Hàm Nghi ra miền rừng núi, kêu gọi Cần Vương. Nhưng đã rơi vào thế bị động, từ khi Pháp đưa Đồng Khánh lên ngôi thì thế cô lập càng bộc lộ rõ ràng. Nhiều người trước đây hăng hái làm việc nghĩa, sau họ thấy sự nghiệp không thành đã bỏ ngũ, hoặc lại quay trở về với triều đình Đồng Khánh mong được yên thân.

Ngài Tôn Thất Thuyết nói với Trần Xuân Soạn:

- Cơ đồ nước Nam khó có thể khôi phục, cái nhuệ khí của vua quan ta cũng khó lấy lại. Vì thế quân sỹ không tự mạnh lên được, lòng dân cũng không muốn theo, sự nghiệp chống giặc Tây có thể đi đến thất bại.

Đề đốc Trần Xuân Soạn bình tĩnh bàn rằng:

- Chúng ta để Vua Hàm Nghi ở lại đây cho các ông Nguyễn Phạm Tuân, Lê Trực, Tôn Thất Đạm,Tôn Thất Thiệp bảo vệ, còn chúng ta là những người lãnh đạo Phong trào Cần Vương phải ra miền Bắc xây dựng lực lượng mới. Ngoài Bắc dân đông, quân mạnh còn chỗ dựa là nhà Thanh của nước Trung Quốc có thể xoay chuyển được tình thế. Còn ở Quảng Bình đất hẹp người thưa, không có thế để phát triển, tôi và chủ tướng ra ngoài đó tính toán, kêu gọi liên hiệp sức quân, sức dân lại để đưa Phong trào Cần Vương lên cao.

Ngài Tôn Thất Thuyết cho là phải, nhưng chưa quyết định ngay đi ra Bắc. Khi còn băn khoăn, do dự thì viên Thống sứ Phan Đức Huy trở về, mang theo báo cáo của Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích về chuyến đi sứ, mật thư của vua nhà Thanh và sắc phong đức Vua Hàm Nghi là vua chính thống của Việt Nam. Trong báo cáo của quan Hiệp thống đại thần, có trình bày lại kết quả hội đàm với các quan tổng đốc tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông và các viên tướng nhà Thanh dự định đem quân sang Việt Nam. Họ bàn định về việc chia đại quân nhà Thanh làm hai cánh. Cánh quân thứ nhất, đem quân tiến vào địa phận tỉnh Tuyên Quang, Hưng Hóa, Sơn Tây; cánh quân thứ hai đem quân tiến vào các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, giúp quan quân của Vua Hàm Nghi đánh Pháp khôi phục lại đất nước.

Vua Hàm Nghi được Đại tướng Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết báo cáo, trình mật thư và sắc phong. Nhà Vua nghe mừng đoàn sứ thần đã về và nhận được sắc phong của vua nhà Thanh, bèn nói với Tôn Thất Thuyết rằng:

- Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần,Thuần trung tướng thật xứng đáng làm rường cột của nước nhà. Ta muốn ra Bắc để gặp người này năm xưa đã “bất thụ kháng chỉ” lệnh triều đình không chịu hạ vũ khí, quyết giữ thành Hưng Hóa và đã kéo quân lên Thượng du kháng chiến chống Pháp. Người ấy đã được ta sắc phong và cử đi sứ nhà Thanh cầu viện rất thành công trở về, đáng được thăng thưởng xứng đáng!

Ngài Tôn Thất Thuyết đồng tình với lời khen của Vua Hàm Nghi, về tài ngoại giao của Chánh sứ Nguyễn Quang Bích, khi điều kiện triều đình nước Nam thất thế. Ngài nghiên cứu báo cáo và mật thư nhận thấy khả năng chi viện của quân Thanh đưa quân vào các khu vực nói trên là không thể thực hiện được nữa. Quân ta không thể hiệp đồng với quân nhà Thanh đánh bật quân Pháp ra khỏi đất Bắc Kỳ. Chủ tướng phong trào Cần Vương nóng lòng muốn ra Bắc, ông nói với Vua Hàm Nghi rằng:

-Thưa bệ hạ! Tôi và ông Trần Xuân Soạn phải đi ra miền Bắc một thời gian để cùng quân dân ngoài đó nổi dậy và đón quân chi viện của nhà Thanh đánh đuổi quân Tây ra khỏi đất Bắc Kỳ. Lúc ấy, quân Cần Vương có đất đai rộng lớn, sẽ về đón Đức Vua ra đó. Bây giờ, bệ hạ cứ ở đất Quảng Bình với các tướng trung thành là Nguyễn Phạm Tuân, Lê Trực, Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp. Không ai có thể xâm phạm đến tính mệnh của Đức Vua cả.

Vua Hàm Nghi cả mừng:

- Các ngươi cứ bình tĩnh mà đi ra Bắc, nếu tình hình xấu đi thì lấy danh nghĩa của ta, đích thân Phụ chính phải sang cầu viện nhà Thanh một lần nữa. Ta ở lại đất Quảng Bình với quan quân và dân lành, không ai làm gì nổi ta đâu mà phải lo lắng nhiều!

Sau đó mấy ngày, Đại tướng Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết, Đề đốc Trần Xuân Soạn, Thông sứ Phan Đức Huy cùng với đoàn tùy tùng hơn ba mươi người lên đường ra Bắc. Đoàn dự tính ra các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Hưng Hóa, đi đến đâu họ sẽ tập hợp lực lượng quân dân hùng hậu, chờ đón viện binh nhà Thanh sang sẽ đánh đuổi quân Pháp ra khỏi Bắc Kỳ.

Tại Tiên Động, Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích được chỉ lệnh đón Đại tướng Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết ra Bắc chỉ đạo trực tiếp phong trào Cần Vương kháng chiến. Lúc ấy, quân Pháp đã và đang rục rịch chuẩn bị một cuộc tiến công lớn vào Tiên Động khi âm mưu dụ hàng quan quân bị thất bại. Chúng đang có kế hoạch mới nhằm bình định nhanh chóng Việt Nam biến Việt Nam, Cao Miên và Ai Lao thành thuộc địa của nước Pháp với một chính quyền thực dân Pháp kết hợp với các nhà nước phong kiến được nhà nước Pháp bảo hộ lập nên.

Viên thống đốc Pôn Be đi đến quyết định cho mở mang thị trường, buôn bán kinh doanh, khai khoáng, khai thác lâm thổ sản, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, ổn định trật tự xã hội mang lợi ích thật nhiều cho nhà nước Pháp. Để công việc bình định được nhanh chóng, quân Pháp tiếp tục động binh, kết hợp làm binh vận mua chuộc, dụ hàng, thưởng hậu cho những người Việt tham gia giúp đỡ quân đội Pháp, nhà nước Pháp.

Việc đánh dẹp căn cứ Tiên Động là việc rất cấp bách, thống đốc Pháp Pôn Bê khôn ngoan đã giao cho tướng Gia-me ở Hưng Hóa và trung tướng Gia-mông chỉ huy quân đội Pháp tại Bắc Kỳ. Cuộc chiến đấu của các tướng sỹ Cần Vương kháng chiến đang bước vào giai đoạn ác liệt, khó khăn một mất một còn với quân đội viễn chinh xâm lược Pháp. Sông Thao lại tiếp tục nổi những đợt sóng ngầm và đồi núi Hoàng Liên đêm ngày lại ầm vang tiếng súng chống quân Pháp và bè lũ tay sai bạo tàn.