Đêm Tiên Động, pháo địch bắn liên hồi. Hiệp thống Đại thần Nguyễn Quang Bích nằm không ngủ được, không phải vì tiếng pháo mà khi nghe viên Thông sứ Phan Đức Huy đưa chỉ lệnh phải lên Sơn La gặp Đại tướng, Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết, lãnh tụ tối cao của Phong trào Cần Vương khiến ông thao thức. Hiện nay, ngài Tôn Thất Thuyết từ Quảng Bình ra đang bị ốm không thể đi được tới Tiên Động, nên cần lên gặp Hiệp thống ngay. Viên Thông sứ kể ra Bắc lần này đoàn quân quan gồm 50 người, khi tới Nghệ An ngài Tôn Thất Thuyết yêu cầu Đề đốc Trần Xuân Soạn ở lại, còn ông ra Bắc. Nhưng khi gặp Tống Duy Tân, Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Cao Điền tại Thanh Hóa, ngài lại có ý định đi Trung Quốc cầu viện nhà Thanh, không thì quan quân Cần Vương không tự mình đủ thực lực chống Pháp.
Sau khi nghe tin và chỉ lệnh, Hiệp thống Nguyễn Quang Bích nằm suy nghĩ mông lung. Ngài đặt câu hỏi: Tại sao ngài Tôn Thất Thuyết không đưa Đức Vua Hàm Nghi ra Bắc? Để Đức Vua ở lại đất Quảng Bình với mấy ông đề đốc còn trẻ, thiếu kinh nghiệm làm sao được an toàn? Đức Vua ở Quảng Bình trên vùng đất hẹp với một số quân ít ỏi, kém cỏi làm sao có thể đối trọng với vua Đồng Khánh ở thành Huế có quân Pháp hậu thuẫn? Đức Vua ra Bắc tập họp được lực lượng Cần Vương gồm đủ các văn thân, võ tướng, khuếch trương lực lượng và thanh thế có tốt hơn không? Ra đất Bắc gần với đất nhà Thanh thì việc ngoại giao sẽ tốt hơn nhiều, không phải chịu cảnh im hơi vắng tiếng.
Hiệp thống cùng với quân dân Tiên Động qua hơn hai tháng ròng cầm cự với quân Pháp. Quân ta đã thắng giữ được căn cứ nhưng tổn thất rất nặng nề, hàng trăm người bị thương vong. Quân Pháp tạm thời thất bại và phần lớn quân của chúng đã rút về thành Hưng Hóa, Sơn Tây, nhưng số còn ở lại chốt giữ cũng nhiều hơn nghĩa quân. Nhiều lần ra đài viễn vọng, ông đã nhìn thấy quân Pháp đông nghìn nghịt, ồ ạt lội qua đồng nước, qua ruộng dộc tiến vào làng Áo Lộc, Phương Xá, Minh Côi. Quân ta chống đỡ yếu ớt, phải thu quân lại không thể đương đầu với quân bộ binh của Pháp có lực lượng pháo binh, thủy binh yểm hộ.
Theo tin từ “hạ lưu”, quân Pháp sẽ đánh tiếp lần hai, quyết tiêu diệt bằng được căn cứ Tiên Động và đánh bại các căn cứ kháng chiến khác. Đang lúc còn phải tập trung binh lực chống lại quân Pháp, giữ vững căn cứ thì ngài Tôn Thất Thuyết ra Bắc tới đất Sơn La bị ốm nặng, chỉ lệnh phải lên gặp gấp. Đi lên Sơn La đường xá hiểm trở xa xôi cần phải đi mất khoảng 20 ngày cả đi lẫn về. Ở nhà nếu chiến trận lại xảy ra, Hiệp đốc Nguyễn Văn Giáp, Đề Kiều, Khê Ông, Nguyễn Quang Hoan liệu có chỉ huy quan quân chiến đấu, giữ vững được không? Căn cứ Tiên Động ở thế hiểm, nhưng cũng có nhược điểm dễ bị bao vây cô lập. Quân Pháp đã và đang thực hiện kế hoạch cầm quân đánh bình định chế ngự không để căn cứ Tiên Động được mở rộng.
Quân ta cần phải có căn cứ dự bị, các quan chỉ huy cũng đã bàn kỹ. Bây giờ có một hướng kéo quân lên Tây Bắc, chọn Mường Lò thuộc Văn Chấn làm căn cứ, phát triển về đất Lai Châu, Sơn La, Bảo Thắng, Lào Cai. Hướng thứ hai là lui về Rừng Già, Đọi Đèn mở rộng ra toàn châu Yên Lập, Cẩm Khê, Thanh Ba, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Thanh Sơn, Tam Nông, Lâm Thao, Ba Vì làm đất cơ bản, từ đó phát triển về miền xuôi, liên kết với các nghĩa quân vùng đồng bằng châu thổ Bắc Kỳ và miền đất Thanh Nghệ đồng loạt nổi dậy. Hướng thứ ba cứ giữ Tiên Động phát triển lực lượng sang phía Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn và các vùng khác của Việt Bắc, Tây Bắc. Lần này, ông và quan quân cùng đi khảo sát kỹ địa điểm Mường Lò, Nghĩa Lộ. Nếu có thể lập được căn cứ thì khi quân Pháp đánh mạnh Tiên Động, quan quân ta sẽ rút lên đó lập phòng thủ.
Dự họp ngày qua, Phó đốc Lê Thám có phát biểu về thế trận phòng thủ kiểu Thanh Mai, Tiên Động rất khó giữ. Đã vào thế phòng thủ thì bao giờ cũng khó giữ, anh ta nghĩ phải không đáng trách. Nhưng bung ra ở thế công phải có lực lượng lớn và phải có nhiều người chỉ huy tài năng, mưu lược, dũng cảm để dưỡng được sức, nuôi được uy. Trong quân chỉ có Hiệp đốc Giáp, Đốc Ngữ, Đề Kiều, Tán Dật và một số người trẻ như Lãnh Mai, Đốc Khiêm, Phó Đốc Thành, Đốc Sơn, Đốc Dị, Đốc Đức và một số vị đốc binh là có thể tự đứng một mình được. Tiếc thay, chỉ có một thời gian ngắn 5 tướng đã bị loại rồi. Đốc Biêu dũng mãnh nhưng có phần chủ quan khinh địch bị thương nặng phải cho về, Tán Vị chưa qua thực tế, mất cảnh giác, đến nỗi để thằng cần vụ Cỏn giết chết. Đốc Tiến, Đốc Nhì, Đốc Học hy sinh tại trận địa bảo vệ Tiên Động. Hiệp đốc Giáp, Khê Ông thì đã già, mà mình tuổi đã lão rồi, không đủ mạnh nữa, thật khó thay!
Ông nghĩ đến số quân hơn 200 người hy sinh, hơn 100 người bị thương. Nước mắt ông ứa ra vì vừa thương vừa tiếc. Giặc Pháp tập trung binh lực lớn tới 5000 quân trang bị vũ khí tối tân. Quân ta chỉ có hơn 1000 người mà đã cầm cự trên 2 tháng ròng. Sự tổn thất là dĩ nhiên, không thể tránh khỏi. Lịch sử chiến tranh của Pháp và lịch sử Việt Nam chống Pháp xâm lược sẽ chẳng bao giờ quên những trận đánh Hưng Hóa, Thanh Mai, Tiên Động. Nghĩ đến điều xa xôi ấy, bật giác ông mỉm cười và thấy mình đã tỉnh táo. Ông nghe rõ tiếng nói của Thông sứ Phan Đức Huy đang trình bày với Hiệp đốc Giáp:
- Hiệp thống đại thần đi lên Sơn La, Tây Bắc cần phải cho Cử nhân Trần Ngọc Dư, Đề Hoan, Phó đốc binh Đàm Đức Lương đi theo giúp việc. Cử những người lính dân tộc Quàng văn Long, Ma Đức Phổ, Sùng Mý Nô đi bảo vệ và với đoàn của tôi 10 người là đủ. Không nên cử đi nhiều, vì còn phải ở nhà bảo vệ căn cứ.
- Sao Thông sứ lại biết rõ từng người của chúng tôi thế?
- Tôi đã ra đây ở từ ngày cầm Chiếu Cần Vương và cầm Quốc thư của Đức Vua Hàm Nghi trao cho Sứ thần Nguyễn Quang Bích đi cầu viện nhà Thanh. Tôi đã trực tiếp tiễn đoàn đi sứ và đón đoàn trở về. Quân quan Tiên Động đã tiếp đón tôi, lo cho ăn ở, sống cùng với anh em, lại được binh sỹ đưa trở về Quảng Bình nên quen biết hết cả.
- Như vậy, Thông sứ là người nhà rồi. Nhưng việc bảo vệ Hiệp thống đại thần là việc hệ trọng không được khinh xuất. Tôi sẽ cho thêm một tiểu đội kỵ binh nữa đi theo bảo vệ Tướng công. Đề Kiều nghe tin đã chuẩn bị đủ rồi, chỉ chờ ngày xuất phát.
Lúc đó, Hiệp thống Nguyễn Quang Bích từ trong phòng làm việc bước ra.
- Sáng nay, ta cho tập trung người đi và chiều nay ta phải lên đường gấp. Ngài Tôn Thất Thuyết đang ốm nặng, có việc hệ trọng cần gặp ta, sợ không đi nhanh không kịp nữa.
Hiệp đốc Giáp giục:
- Thế thì quan Thông sứ về ngay đồn vệ binh thông báo cho số người của mình chuẩn bị sẵn sàng để chiều nay lên đường.
Quan Thông sứ đi rồi, chỉ có hai người nhà ngồi bàn bạc, Hiệp đốc Giáp nói:
- Ông với tôi còn lạ gì tính khí của Phụ chính Tôn Thất Thuyết? Ngài ấy đã đến hạt Sơn La hơn tháng nay rồi, nhưng biết quan quân Tiên Động đang chống lại sự tiến công điên cuồng của giặc Pháp. Ngài ngại chiến trận, lại sợ mất thể diện là Phụ chính mà quan quân thất thểu không có uy thế thì không cố gắng đi đến Tiên Động nữa, thế thôi. Ngài ấy là Đại tướng, Tổng Chỉ huy có quyền triệu tập người cấp dưới. Hiệp thống nhận chỉ lệnh rồi thì nên đi nhanh, biết đâu ngài ốm mất không kịp dăn dò!
Hiệp đốc Giáp nói với giọng mỉa mai, vì vẫn tức với Tôn Thất Thuyết và Hoàng Tá Viêm; khi các ngài ấy đã ám binh bất động bỏ mặc thành Hà Nội và thành Sơn Tây thất thủ.
Hiệp thống Nguyễn Quang Bích nhìn quan Hiệp đốc, vẻ bao dung:
- Chuyện khi trước xin Hiệp đốc Giáp cho qua. Việc ra quân đánh úp quân Pháp ở Huế không thành, khi trong tay có chừng hơn 2 vạn quân thì ta biết ngài ấy là người tướng thế nào? Ra Bắc để vua Hàm Nghi trẻ tuổi ở lại đất Quảng Bình cho mấy người đề đốc thì bảo toàn sao được? Đến đất Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa khi Phong trào Cần Vương đang lên mà không tập hợp được tướng sỹ để phất cao cờ ứng nghĩa phải ra Sơn La nằm ốm ở đấy, thì biết vị đại tướng này có tầm chỉ huy ra sao rồi? Biết vậy nhưng mà phải bình tâm xét đoán, cốt trên dười một lòng, để liệu có thể xoay nổi tình thế có lợi cho quân và dân ta không? Lúc này không được nghĩ sai về bất kỳ ai, Hiệp đốc ạ!
Hiệp đốc Giáp vẫn trong cơn bực tức, không kìm được:
- Nhưng Hoàng Tá Viêm đã thối chí, phản bội, đầu Tây và bỏ Vua Hàm Nghi quay về với bù nhìn Đồng Khánh rồi. Được cái ngài Thuyết quyết tâm đánh, không hàng giặc, nhưng mà chỉ huy, tính toán sai lạc nhiều, tôi không còn tin nữa đâu.
- Ông không tin Đại tướng, Nguyên nhung nhưng phải nghĩ về toàn cục, xoay chuyển tình thế có lợi cho quân Cần Vương là cần thiết chứ? Bây giờ, ông ở Tiên Động tiếp tục chỉ huy quân dân bảo vệ cho được căn cứ, ông nghĩ có làm được không nào?
Hiệp đốc Giáp nhìn quan Hiệp thống Nguyễn Quang Bích cười vang:
- Có, xin tuân lệnh Tướng công!
Buổi chiều đoàn người gồm 30 người đi ngựa đã qua cầu Oai sang đất Sơn Lương. Nhìn núi non trùng điệp phía tây ai cũng mong dùng ngựa vượt qua. Người dẫn đường là viên đội Hà Đình Lại đưa mọi người qua đất Mỹ Lương, đi theo một dải đất bằng nhỏ hẹp lên Thượng Bằng La thuộc đất châu Văn Chấn. Vùng này đa phần là người Mường sinh sống, viên đội người Mường này giỏi cưỡi ngựa, thuộc đường dẫn đoàn đi mải miết đến nhà Chánh tổng Trương Thẩm thì dừng. Quan quân được Chánh Thẩm lo cho ăn nghỉ, binh lính thay nhau canh gác đề phòng kẻ gian. Nhà sàn chăng đèn dầu dọc sáng trưng, chánh tổng có bàn đèn hút thuộc phiện, nhưng quan quân không ai dùng. Sau khi trò chuyện vui vẻ, quân lính mỏi mệt lăn ra ngủ ngáy khò khò. Chánh tổng Trương Thẩm ngồi tiếp chuyện với quan Hiệp thống vẻ rụt rè:
- Hình như Đại thần, Tướng công có việc gấp, nên đi qua không cho người đến báo trước. Dân làng tổng chúng tôi thất lễ quá, đón tiếp quan quân sơ sài, mong được đại xá!
- Việc đó chẳng quan trọng gì, đi gặp đêm thì cho quân nghỉ. Chánh Thẩm lo cho quân sỹ chỗ ăn ngủ thế là tốt quá rồi. Bây giờ quan quân ra sức chống Pháp, nhân dân miền ngược, miền xuôi ra sức giúp đỡ thì sự nghiệp đánh Tây mau chóng hoàn thành. Vua Hàm Nghi đã hạ Chiếu dụ Cần Vương, không biết các hào lý, quan lang, phìa tạo các bản vùng này đã nắm được rõ chưa?
- Vâng, chúng tôi đã truyền nhau đọc rồi. Dân Thượng Bằng La phải hết lòng, ra sức chống quân Tây xâm lược bạo tàn. Người góp của, người góp công, tướng sỹ ra sức đánh giặc, thì sự nghiệp cứu nước không chóng thì chày sẽ thành công. Người Mường chúng tôi bao đời đều phải ra sức chống giặc, nước có yên người Mường mới được tự do, mới được sung sướng chứ.
- Nếu như quân Tây đến đây thì dân làng ta phải làm gì?
- Phải tập hợp nhau lại đánh, quan quân giúp chúng tôi chứ?
- Nhất định là giúp đỡ rồi. Chánh tống Trương Thẩm phải lo cho quân dân có đủ lương ăn, quần áo mặc, vũ khí dùng. Chúng tôi sẽ cử quân về giúp sức, huấn luyện binh sỹ, chỉ cho cách đánh. Chánh tổng, lý trưởng thì hô hào tráng đinh tòng chinh, lo cho dân bản nơi sơ tán, làm ăn.
- Chúng tôi đã tập hợp được 50 tráng đinh, sẵn sàng tòng chinh theo lệnh Tướng công đánh giặc. Mong ngài xếp đặt cho, anh em đang nòng lòng chờ lệnh!
- Trước mắt Chánh Thẩm cho anh em tập họp lại thành một đơn vị cấp đội, cử ra một đội trưởng, hai đội phó. Còn Chánh Thẩm làm lãnh binh, vận động tráng đinh các làng khác tòng chinh, nhập vào làm một đạo quân. Lúc đầu được một trăm sau được vài ba trăm, càng đông càng tốt. Trước đây, Chánh Kiều ở Cát Trù Cẩm Khê đã làm thế, bây giờ dân Thượng bằng La cũng nên làm thế, được không?
Chánh Thẩm thấy còn nhiều cái khó nên chưa trả lời. Hiệp thống đại Thần liền hỏi:
- Có nghe và biết tiếng Đề Kiều Không?
- Đề Kiều thì chúng tôi biết, vẫn thân quen từ trước. Nhà ông ta ở gần chợ Trò, ngay bờ sông Thao. Trước đây ông ta thường lên đây quan hệ buôn bán các loại lâm thổ sản. Mấy năm nay, ông thường lên đây xin và thu mua lúa, ngô và trâu, bò, ngựa về cho nghĩa binh Tiên Động. Ông ấy rất nhiệt tình, quan hệ rộng, đồng bào ở đây rất quý trọng, cho nhiều lương thực lắm.
- Thế thì chúng ta là người một nhà rồi. Chúng tôi vừa ở Tiên Động lên chiều nay. Có việc rất quan trọng là phải đi Sơn La. Đường đến đó, đi như thế nào thì nhanh?
- Ngài đã lên đây, thì nên đi Mường Lò thuộc trấn Nghĩa Lộ, châu Văn Chấn, lên xứ Mù Căng Chải, đến Than Uyên, tới Quỳnh Nhai, vượt sông Đà, qua đất Thanh Bình, Thuận châu, sang Mường Giàng, Chiềng Khoang, Chiềng Ly, Chiềng La, Chiềng Đen, Chiềng An, Chiềng Ngân thì vào hạt Sơn La. Đường đi phải qua mấy chục núi, mấy chục con ngòi, con suối, vượt mấy con sông mới tới được Sơn La. Đi ngựa thì nhanh thôi, vừa đi vừa nghỉ vài ba ngày là tới nơi.
- Có con đường nào gần không?
- Có con đường đèo Lũng Lô sang Phù Yên đi Mai Sơn lên Sơn La, nhưng khó, không thuận, nhiều núi cao, sông suối sâu. Đi con đường trên thì đi bằng ngựa nhanh hơn nhiều.
Vui chuyện với Chánh Thẩm, Hiệp thống kể cho ông Thẩm nghe lần trước đi sứ đến Đại Lịch thì trời mưa như trút, suối khe nước chảy cuồn cuộn, đá trôi lởm chởm, sấm chớp đùng đùng, nước ngập mênh mông. Đêm ấy, tướng sỹ trải một phen kinh sợ màn trời chiếu đất, nhìn nhau mà nhịn đói.
Chánh Thẩm nghe thấu chuyện nói:
- Ở Đại Lịch cũng có dân, trời mưa to thì phải vào nhà dân mà trú mưa, không nên trầm mình ở ngoài trời, rất nguy hiểm. Cùng như đêm nay, đến Thượng Bằng La vào nhà tôi đây, quan quân được nghỉ ngơi, dân bản tiếp đón. Tuy không bằng được ở nhà nhưng không đến nỗi đứng giữa trời đất mà hứng mưa rơi.
Hiệp thống nghe gật đầu, có cái gì gần như chân lý, quân với dân phải gắn bó với nhau để cùng tồn tại. Nếu như lần trước có người dân đưa đi thì tướng sỹ không phải đứng đầu trần giữa trời mưa tầm tã. Trong chiến tranh sự gắn bó quân với dân là rất cần thiết, người ta thường ví quân dân như cá với nước là vậy đó.
Ngày hôm sau, khoảng hơn 1 giờ chiều, đoàn đi đã tới Mường Lò. Viên tổng trấn người Thái tên là Đào Chính Lục, người dân thì gọi là Giàng Nủ Cư Lâu và Phó tổng trấn Đặng Phúc Thành người Tày tiếp đoàn. Tổng Lục giới thiệu cho Hiệp thống đại thần biết:
- Mường Lò là vùng đất của tam tổng Văn Chấn. Nằm trong một bình địa rộng lớn của vùng Tây Bắc còn có gọi là trấn Nghĩa Lộ, lớn thứ 2 sau Mường Thanh, trên Mường Than, Mường Tấc, nên có câu:“nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”. Bắc Nghĩa Lộ, qua ngòi Đôi tới bản Bon có suối nước nóng. Phía tây bắc có đường lên Mù Căng Chải đi Than Uyên, qua đèo Khau Phạ. Phía đông nam có hang động Thẳm Né, có thể giấu quân, phía dưới là đèo Ách và Ba Khe núi dăng như thành có thể lập chiến lũy và chỗ Thượng Bằng La có đường đèo Lũng Lô sang Phù Yên, Sơn La. Ở Ba Khe có đường ra Âu Lâu, Trấn Yên. Phía bắc có con ngòi Hóp từ Phong Dụ chảy ra sông Thao. Bốn phía Nghĩa Lộ là suối nguồn ngòi Thia, con ngòi Thia bắt nguồn từ phía núi cao Trạm Tấu chảy ra bao bọc lấy trấn Nghĩa Lộ và cùng chảy ra sông Thao. Phía đông có suối Giàng nhiều hang động và cũng có suối nước nóng tự nhiên. Nghĩa Lộ địa thế cao bằng phẳng, cánh đồng rộng chừng 300 dặm vuông ( khoảng 2300 héc- ta), bốn bề núi non, suối ngòi bao bọc, thoáng mát. Một trung tâm dân cư, có nhiều dân tộc anh em chung sống lâu đời như Thái, Thổ, Miêu, Dao, Kinh. Nếu đóng quân tại đây, nghĩa quân có thể kiểm soát được vùng núi Tây Bắc, Việt Bắc. Đây là vùng đất giáp biên giới có thể quan hệ với nhà Thanh mà cầu viện. Khi bị đánh mạnh có thể rút sang Vân Nam Trung Quốc đóng quân và dễ dàng kéo quân về phản công đánh đuổi giặc Tây ra ngoài bờ cõi.
Nhìn địa thế Nghĩa Lộ, Hiệp thống Nguyễn Quang Bích rất ưng ý. Ông muốn đưa quân lên ngay đóng tại đây, chiếm giữ lấy vùng đất đai rộng lớn của Tây Bắc. Ngày làm Chánh sứ sơn phòng Hưng Hóa ông đã có ý định xây dựng căn cứ quân sự tại đây, nhưng không được triều đình chuẩn y. Nay cho xây dựng căn cứ phòng thủ, đón Vua Hàm Nghi ra, xây dựng “Triều đình kháng chiến” ở đây, đủ uy phong để khuyếch trương thanh thế. Khi ấy mới có thể xoay chuyển được tình hình có lợi cho nghĩa quân, đưa công cuộc Cần Vương chống Pháp xâm lược đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Nghĩ thế ông nói với Tư vụ Trần Ngọc Dư và Đề Hoan:
- Nếu Pháp đánh Tiên Động lần hai, quân quân ta đánh trả và chủ động cho rút lên đây. Hai người bàn xem có gì lợi hại để cùng suy xét đi đến quyết định.
Đề Hoan có ý kiến trước:
- Thưa Hiệp thống! Lập căn cứ ở đây có cái lợi là địa thế này dễ giữ vững hơn Tiên Động, có thế và lực để kiểm soát vùng đất Tây Bắc. Có điều kiện để quan hệ với nhà Thanh và với nhân dân các tỉnh biên giới Việt Nam Trung Quốc. Nhưng vùng này là vùng Thượng du rừng núi, ít dân, phần nhiều là dân tộc thiểu số sẽ khó động viên được binh lính tòng chinh, xa vùng đồng bằng lương thực khan hiếm, quân lính sẽ bị đói, lại là vùng núi lam chướng sẽ phát sinh bệnh tật, ốm đau. Lực lượng quân mà hao dần, không có quân bổ sung, dễ bị suy kiệt. Nên bần cùng mới phải đưa quân lên vùng này, còn như thuận buồm xuôi gió thì cho quân ta tiến về phía đồng bằng là hơn ạ.
Tư vụ Trần Ngọc Dư bàn thực tế hơn:
- Giặc Pháp đưa quân đánh Tiên Động lần một, ta chống cự đã hao binh, tổn tướng lắm rồi. Một phần ba nghĩa quân bị thương vong trong các trận đánh giữ. Số quân ở Tiên Động không nhiều, vũ khi trang bị có hạn, nếu bị quân Pháp tiến công lần hai, khó bề giữ nổi, cố giữ thì sẽ bị chúng tiêu diệt, hoặc sẽ bị thiệt hại rất nặng, không đủ sức chống lại nữa. Chi bằng hiện nay, quan quân còn đủ sức thì chủ động rút trước đi, lên đây ta xây dựng lại lực lượng quân binh hùng hậu. Nếu đưa được Đức Vua Hàm Nghi ra đây thì Nghĩa Lộ sẽ trở thành “Kinh đô kháng chiến” của Triều đình Hàm Nghi chống Tây dương xâm lược.
Hiệp thống Đại thần nói lời kết:
- Hai người bàn đều thấu tình đạt lý. Theo tôi thì phải cho quân rút ngay lên đây xây dựng căn cứ mới. Rút lên đây để phát triển thế và lực, chuyển nhanh từ thế phòng thủ bị động sang thế tiến công, xây dựng lực lượng mới với quân lực đông hơn, mạnh hơn. Đưa Đức Vua Hàm Nghi ra đây lập “Triều đình kháng chiến”, để tập hợp thống nhất tất cả các lực lượng chống Pháp, có sự chỉ huy chung trong phạm vi cả nước. Còn những khó khăn như Đề Hoan nói thì ta sẽ khắc phục dần, khi lực lượng mạnh lên, quân lương sẽ dồi dào, bệnh tật, ốm đau sẽ được khống chế lo gì.
Hiệp thống Nguyễn Quang Bích nói với Đào Chính Lục và Đặng Phúc Thành ý định của mình. Hai viên chánh, phó trấn Nghĩa Lộ rất mừng, xin chuẩn bị lực lượng, xây thành lũy để đón vua Hàm Nghi ra. Ông tấn phong cho hai người làm đốc binh và phó đốc binh, dặn dò mọi việc và hẹn gặp lại để bàn bạc kỹ hơn.
Hiệp thống còn nói nhiều về những dự định của mình, mọi người nghe đều gật đầu, lấy làm đắc ý lắm. Lần này, ông sẽ gặp Đại tướng, Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết tại Sơn La đề xuất ngay việc đưa Đức Vua Hàm Nghi ra Nghĩa Lộ và cả quyết định đưa quân lên đây xây dựng căn cứ phòng thủ mới.
Buổi chiều, đoàn từ biệt Đốc Lục và Phó Đốc Thành, lên ngựa vượt qua đèo Khau Phạ sang Mù Căng Chải. Nhìn sang phía tây núi non hùng vĩ, ruộng lúa bậc thang như những đường vân tay của người khổng lồ, quan quân càng háo hức muốn băng qua. Chiều, trời nắng đẹp, đoàn quân cưỡi ngựa rồng rắn đi trong mây trông thật hùng tráng. Quan quân Tiên Động nhìn thấy Thông sứ Phan Đức Huy đi đầu đoàn, người khỏe mạnh, tươi trẻ, mặc triều phục quan tứ phẩm trông như một vị thiên thần bay lên tiên giới.
Buổi tối đoàn đã tới cánh đồng Than Uyên, thấy trời đất bao la, khoáng đạt, các bản người Thái đã sáng đèn. Trưởng bản Na Cang bên sông Nậm Mu là Cầm Bá Hùng, người Thái trắng tiếp đón niềm nở, xếp sắp chỗ ở, mời ăn xôi vò, uống rượu cần. Đêm về bản còn mở hội xòe, nhảy múa hát ca chào mừng đoàn. Biết có quan đại thần của triều đình đi qua ai cũng nô nức kéo đến xem. Quan đại thần cùng ngồi xem hát, xem xòe với người dân bản Na Cang đến nửa đêm mới về nhà trưởng bản nằm ngủ. Người cùng đi ai cũng thấy vui mừng được sống với dân bản Thái, lòng xôn xang quên đi những ngày tháng gian khổ đánh giặc Pháp.
Chiều hôm sau, đoàn tới bản Mường Chiên thuộc châu Quỳnh Nhai, ngay bên bờ sông Đà. Trời mưa to, tiếng nước chảy ào ào như như thác dựng giữa trời. Bờ sông cao núi uốn khúc, gò đồi chập chùng cuộn cuộn mây bay, lòng sông đá ngầm nhấp nhô như giận như hờn. Đoàn không sang bờ hữu nổi đành phải nghỉ lại đêm trong nhà trưởng bản Cầm Sơn. Nửa đêm trời tạnh, bầu trời đầy sao, tiếng gà xao xác đêm trường, nhìn ra nghe thấy tiếng gà còn ngân vang trên cành cây cao. Hiệp thống Nguyễn Quang Bích thấy lòng xao xuyến. Dưới ánh sáng đèn dầu sở, ông cầm bút viết bài thơ: “ QUỲNH NHAI ĐẠO TRUNG” bằng chữ Hán:
Dạ bán kê thanh minh thụ diếu,
Nhất trung sơn ảnh đáo giang tâm.
Luân khuân kết lĩnh vân vi họa,
Liêu nhiễu hồi khê thủy tự khâm.
Dịch thơ:
TRÊN ĐƯỜNG QUỲNH NHAI
Nửa đêm gà gáy ở đầu cây,
Bóng núi in sông buổi giữa ngày.
Khe suối loanh quanh vòng dải áo
Núi non chồng chất, bức tranh này.
Sáng sớm dân bản Mường Chiên dậy lấy tre nứa kết bè mảng cho người và ngựa qua sông Đà. Mãi đến trưa, đoàn qua sông lại tiếp tục hành trình về Sơn La đến nhà Lãnh binh Đèo Văn Trì nơi ngài Tôn Thất Thuyết đang bị ốm, nằm nghỉ tại đây. Lại thêm một ngày nữa qua Thuận Châu, đất của mường của chiềng. Mường thì bao nhiêu mường: Mường Giằng, Mường Áng, Mường Sài, Mường Khiêng...Chiềng thì bao nhiêu chiềng: Chiềng Khoang, Chiềng Ly, Chiềng La, Chiềng Đen, Chiềng Ngân... Đất cao bằng phẳng, cỏ cây tươi tốt, núi non xa mờ tít tắp.
Lãnh binh Đèo Văn Trì người chắc khỏe, đeo kiếm dài bên hông ra đón Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích. Ông ta đưa đoàn đến một ngôi nhà sàn cao to. Đại tướng, Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết đang ở đấy. Ngài từ Quảng Bình ra đến đó vào đầu tháng sáu, trời bắt đầu vào mùa mưa. Đất Sơn La ẩm ướt, phát sinh nhiều bệnh tật. Bệnh phổ biến của người đi từ xa tới là bệnh sốt rét. Ngài cũng bị bệnh này, phải nằm lại nhà Đèo Văn Trì chữa chạy. Nay đã khỏi, Ngài có thể ngồi dậy tiếp khách.
Viên Thông sứ Phan Đức Huy đi sau Đèo Văn Trì, Hiệp thống đại thần đi thứ ba, tiếp đến là Đề Hoan, Tư vụ Trần Ngọc Dư. Từ xa, mọi người đã nhìn thấy ngài Đại tướng, Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết da vàng nghệ, trong bộ quan triều nhất phẩm. Mọi người cúi chào, Đại tướng, Nguyên nhung đứng dậy đáp lễ và thân mật mời mọi người ngồi trên những tấm phản gỗ lim bào nhẵn bóng.
- Đường từ Tiên Động lên đây có vất vả lắm không? - Ngài cất tiếng hỏi- Hôm ta ra đây vào đầu tháng sáu có ý định đến Tiên Động. Sau một hai ngày ở đây bị mắc bệnh sốt rét rừng, người mỏi mệt, nằm liệt giường, nên không đến thăm được, cứ áy náy mãi. Bệnh sốt không thuyên giảm, nóng ruột quá đành phải cử ông Phan Đức Huy cầm chỉ lệnh sang Tiên Động mời Đình Nguyên Hoàng giáp, Hiệp thống đại thần, sang đây bàn việc. Nằm chờ, mong mãi, đến hôm nay được gặp nhau thế này thật là mừng khôn xiết. Còn việc chống giặc Pháp ra sao nói lại cho ta nghe nào?
Hiệp thống Nguyễn Quang Bích trả lời:
- Quan Thông sứ đến đưa chỉ lệnh của ngài sang gặp, chúng tôi lập tức lên đường đến đây. Dọc đường được đồng bào các dân tộc bản địa đưa đường, tận tình giúp đỡ nên việc qua sông, qua suối, qua đèo dễ dàng không đến năm ngày đã đến nơi. Gặp Đại tướng, Nguyên nhung thấy bệnh đã giảm, người khỏe như thế này là mừng quá rồi. Việc chống giặc Pháp của quan quân Tiên Động vẫn đang trên đà tiến triển. Chúng tôi đã giữ vững Tiên Động làm pháo đài chống giặc Pháp, tập họp được anh em khắp nơi từ đồng bằng miền xuôi lên miền núi, từ nông thôn đến thị thành, nổi dậy nghe theo Chiếu Cần Vương của Đức Vua Hàm Nghi. Vừa rồi quân Pháp đã tập trung binh lực tiến công Tiên Động trong hai tháng liền, nhưng chúng đã thất bại, phải rút quân về thành Hưng Hóa và thành Sơn Tây.
Ngài Tôn Thất Thuyết nghe nói rất mừng. Để cho không khí được vui vẻ, quan Hiệp thống không nói về tổn thất của căn cứ Thanh Mai-Thạch Sơn, Tiên Động và các nơi khác. Ông nói về tình hình chung:
- Ở tất cả các nơi, phong trào đang lên, nhưng giặc Pháp, bè lũ tay sai đã và đang đàn áp rất dã man. Nhiều nơi, quân Cần Vương không giữ nổi, vì quân ít, vũ khí lại thô sơ, phòng thủ bị động, không có chỉ đạo thống nhất, không có trợ giúp từ bên ngoài. Nhà Thanh hứa đưa quân sang, vạch ra kế hoạch tiến công hẳn hoi, nhưng chưa thấy động tĩnh gì. Vũ khí trang bị chưa thấy gửi sang và tuyệt nhiên không có thư hồi âm.
Ngài Tôn Thất Thuyết có cùng một mối lo:
- Tôi đã đi qua Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa nhưng lực lượng kháng chiến vừa nổi lên còn yếu, phải có ngoại viện mới có thể phát triển lên. Tôi vội ra đây, gặp Hiệp thống bàn bạc để cùng lên đường sang Trung Quốc cầu viện nhà Thanh. Tôi phải trực tiếp sang đó mới được. Lần này, ông đi cùng tôi nhé! Đoàn sứ nên đi khoảng 50 người, tới Vân Nam trình bày việc căn kẽ với Tổng đốc Vân Quý, mong được lên Yên Kinh trực tiếp cầu viện vua nhà Thanh; để mau chóng được Hoàng đế Quang Tự chuẩn y đưa quân sang Bắc Kỳ giúp chúng ta đánh đuổi giặc Pháp.
Quan Hiệp thống Nguyễn Quang Bích hỏi:
- Bao giờ thì đoàn sứ thần chúng ta lên đường?
- Đi ngay trong tháng tám này! Việc rất gấp rồi, quân khởi nghĩa của các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa cũng đang nóng lòng chờ viện trợ. Không tính mau, thì Phong trào Cần Vương có thể bị dìm trong bể máu. Ông đã lên đây rồi, ngày mai trở về ngay, bàn giao công việc phòng thủ cho các tướng sỹ ở nhà giữ Tiên Động và cử người cùng đi. Tôi ở đây cùng số người này sẽ lên đất Lai Châu, chờ đoàn của ông lên. Quốc thư của Vua Hàm Nghi tôi đang cầm đây rồi. Chờ nhau ở đất Lai Châu nhé! Độ hơn mười ngày sau gặp lại, ta lập đoàn để cùng nhau sang Vân Nam, Trung Quốc cầu viện.
- Việc gấp thế, ngày mai chúng tôi lên đường về sớm! Xin hỏi Lãnh binh Đèo Văn Trì, trở về Tiên Động, Cẩm Khê có con đường nào gần không hay vẫn phải theo đường cũ?
- Có đường về Tiên Động rất gần, ngày mai chờ Đốc Ngữ đi Thanh Hóa ra đây thì đoàn cùng về.
Không phải chờ đến ngày mai, buổi chiều Đốc Ngữ đã trở về. Gặp lại Chủ tướng của mình sau mấy mùa xa cách, Đốc Ngữ mừng khôn tả, kể lại:
- Ngày Hội tướng ở Tiên Động, con trở về tập hợp lực lượng đã giữ đất Thanh Thủy, Thanh Sơn, Ba Vì, Vĩnh Tường, Quốc Oai, Thanh Oai và toàn bộ đất Sơn La, Lai Châu, Chợ Bờ, Ninh Bình. Lực lượng có lúc đông đến mấy ngàn người. Hiện nay, giặc Pháp kết hợp với quân triều đình Đồng Khánh đánh chiếm lại nhiều nơi. Quân của con chống đỡ quyết liệt, nhưng phải rút quân. Nghĩa quân trong những vùng con cai quản đang rất cần vũ khí và quân lương, yêu cầu Chủ tướng giúp đỡ. Vừa rồi con có đến đất Quan Hóa, Thanh Hóa gặp Lãnh binh Hà Văn Mao được biết quân dân Thanh Hóa cũng đang rất thiếu vũ khí và quân lương.
Hiệp thống nhìn Đốc Ngữ với tình cảm trìu mến:
- Đốc Ngữ làm được nhiều việc lớn quá, thật đáng khen! Nhưng bây giờ cần phải tích cực chống giặc Tây theo Chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi. Quân dân Tiên Động vừa đánh bại một cuộc tiến công điên cuồng của giặc Pháp. Nhưng chưa bằng Đốc Ngữ làm nhiều việc phi thường, giữ được nhiều vùng đất đai quan trọng của đất nước, gây được uy danh thật quý biết bao nhiêu!
Tối hôm đó, Hiệp thống Nguyễn Quang Bích đưa Đốc Ngữ ra mắt ngài Tôn Thất Thuyết. Ông đã trịnh trọng giới thiệu:
- Thưa Đại tướng, Nguyên nhung! Đây là Đốc binh Nguyễn Đức Ngữ, chỉ huy một đạo quân của thành Sơn Tây trước đây đã chiến đấu anh dũng giữ thành rất oanh liệt. Thành mất, Đốc Ngữ đã lên Hưng Hóa theo chúng tôi chống giặc Pháp. Sau này được giao nhiệm vụ gây dựng phong trào ở vùng sông Đà, Đốc Ngữ đã lập nhiều chiến công rất đáng khen thưởng.
Ngài Tôn Thất Thuyết nghe nói rất mừng:
- Người này, tôi đã nghe danh tiếng. Hôm nay ra đây mới được gặp, rất lấy làm mừng. Tôi rất mong từ nay về sau, nước ta xuất hiện nhiều người anh hùng như Đốc Ngữ, thì việc cứu nước sẽ chóng thành công. Nhiều sỹ quan Pháp đã ngợi ca Đốc Ngữ là người chỉ huy tài ba! Ngươi hãy cố gằng nhiều hơn nữa nhé!
-Vâng ạ, con trước sau chỉ là đốc binh tầm thường thôi ạ. Con xin cố gắng hết sức mình diệt nhiều giặc để đền ơn nước, ơn vua.
Đại tướng Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết khen Đốc Ngữ là người chỉ huy dũng mãnh nhất, đức độ khiêm nhường, rất xứng đáng được thăng thưởng. Ngài mong Đốc Ngữ chỉ huy quân xuất quỷ nhập thần, đánh những trận lớn, tiêu diệt nhiều giặc Pháp hơn. Đốc Ngữ không quên đề nghị Đại tướng Nguyên nhung và quan Hiệp thống cung cấp thêm vũ khí, quân lương. Cả hai người lãnh đạo cao nhất của Phong trào Cần Vương không thể trả lời ngay, chỉ hứa sẽ làm hết sức mình để cung cấp vũ khí, quân lương cho Đốc Ngữ và các nơi đang cần.
Đêm khuya, ngài Tôn Thất Thuyết còn đọc bài thơ làm trước đây đã gửi tặng Đại thần Nguyễn Quang Bích. Ngài nhớ bài thơ TẶNG NGUYỄN QUANG BÍCH bằng chữ Hán đọc lên nghe giọng trầm hùng:
Tinh trung bất nhẫn khí Tây Châu,
Chế thắng Thao Đà tự cổ lưu.
Độc vãn cô quân tri viễn tái,
Cộng hoài xích kiếm trảm đông lưu.
Y hy bắc địa du hồng nhạn,
Phảng phất nam phong trợ mã ngưu.
Báo quốc đan tâm hà nhạc tại,
Gian nan tương kiếm mấn sương thu.
Dịch thơ:
Lòng trung không nỡ bỏ Tây châu,
Giữ lấy Thao Đà mạn thượng lưu.
Họp đám cô quân nơi viễn cảnh,
Cầm ba thước kiếm chém quân thù.
Lẻ loi đất Bắc chim hồng nhạn,
Phảng phất trời Nam gió ngựa trâu.
Báo quốc lòng son sông núi tạc,
Trải bao sương tuyết bạc phơ đầu.
Hiệp thống Đại thần Nguyễn Quang Bích nhớ đã làm bài HỌA THƠ của Đại tướng Nguyên nhung đọc lên với giọng hào sảng:
Nam thiên định phận đế vương châu,
Tiền sử chiêu chiêu vũ liệt ưu.
Lân quốc giản thư tằng hữu ước,
Tuế quân xích hỏa chính phùng lưu.
Tấn văn Thành Bộc trì sài mã,
Gia Cát Kỳ Sơn(1) xuất mộc ngưu.
Thắng toán kỷ đa trù bút hạ,
Vân tiêu bằng cách chỉ cao thu.
Chú thích:
(1). Gia Cát lượng tự Khổng Minh, tước Vũ Hầu đời Tam quốc giúp Lưu Bị khôi phục nhà Hán, đánh giặc ở Kỳ Sơn đã chế ra trâu máy để chở lương thực.
Dịch thơ :
Non sông trời định cõi Nam Bang,
Võ liệt ghi truyền vẫn vẻ vang.
Nước bạn đã trao lời đính ước,
Hỏa tinh vừa độ bóng quay ngang.
Ngựa dong Thành Bộc đeo thêm củi,
Trâu gỗ Kỳ Sơn vận tải lương.
Trù tính quân cơ nơi bút địch
Cánh bằng nhằm đợi gió thu sang.
Các quan ngồi nghe đều khen thơ hay. Thơ tặng, thơ họa của hai ngài nhưng phản ánh tinh thần tự cường dân tộc, tâm hồn khí phách của hai vị đại thần hết lòng vì nước vì dân. Ai nghe thơ cũng đều tin tưởng vào sự chỉ huy tài tình và sự mẫn cán của hai trụ cột của phong trào Cần Vương. Mọi người nghe đọc thơ đều hào hứng, tin tưởng, quên đi sự gian khổ, hiểm nguy.
Ngày hôm sau, Hiệp thống Nguyễn Quang Bích theo Đốc Ngữ và một số binh sỹ giỏi đi thuyền xuôi sông Đà về bến Tà Khoa thuộc châu Phù Yên. Ngồi trên thuyền độc mộc, bơi trên mặt sông rộng, nước trong như thạch giữa những mỏm đá ngầm nhấp nhô. Thuyền xuống thác lao vun vút như mũi tên bay. Qua thác Chiến Than, lúc lên bờ nghỉ, nhìn những đoàn thuyền của người dân miền núi đi ngược lên thác, cảm xúc trào dâng ông cầm bút viết một bài thơ QUÁ CHIẾN THAN theo luật Đường thi thất ngôn bát cú:
Đà thủy tố châu ngại trách than,
Chiến Than hựu thị thập phần nan.
Thủy thanh bào háo thiên ngưu hống,
Thạch duẩn lân tuân vạn giáp hoàn.
Xà trận uyên diên vu ngạn chử,
Hùng sư ẩn hiện điệp cương loan.
Thánh triều đăng trật đa niên tuế,
Bằng trượng uy linh điện Thái Bàn.
Và ông dịch bài thơ ra tiếng Việt và đọc to để mọi người cùng nghe:
QUA THÁC CHIẾN THAN
Thuyền ngược sông Đà, thác khó lên,
Chiến Than thác ấy khó khăn thêm.
Nước reo sùng sục ngàn trâu rống,
Đá mọc lô xô tựa giáo tên.
“Thế trận rắn bò” sông uốn khúc,
“Đoàn quân gấu giữ” núi như nêm.
Thần thiêng bao thuở vinh phong đó
Phù hộ non sông mãi vững bền.
Quân quan nghe thơ vỗ tay và khen hay như để cùng vui với Hiệp thống. Quan Đại thần như khỏe ra, suốt dọc đường ông nói nhiều chuyện đánh giặc cho binh sỹ nghe nhằm giáo dục tình yêu cuộc sống chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược.
Thuận đường, Đốc Ngữ đưa Hiệp thống qua đèo Cón về Thu Cúc. Đốc Ngữ mời Hiệp thống Nguyễn Quang Bích về Thục Luyện họp quan quân. Sáng hôm sau có đủ các chỉ huy nghĩa quân về dự họp: vùng Khả Cửu có Đốc Đức, Đốc Dung, Quản Chú; vùng Võ Miếu có Quản Chảng, Tuần Vừng; vùng Thưởng Cửu có Cai Bút, Trùm Vùn. Vùng Ngọc Lập có Lãnh Tanh, Lãnh Tập; Tam Nông có Đốc Dị, Đốc Thành; Thanh Thủy có Lãnh Hiệp, Lãnh Đại; tống Đông Lỗ, Thượng Long có Chánh Tấn, Chánh Thắng; đội quân hoạt động tại Đọi Đèn-Hố Trò có Đốc Sơn, Phó Đốc Thành. Cuộc họp mặt diễn ra sôi nổi. Các chỉ huy đề nghị được cung cấp vũ khí, quân lương. Đốc Ngữ nêu quan điểm rất rõ ràng:
- Chúng ta phải tiến công địch bằng những đòn bất ngờ, không cho chúng kịp trở tay, đánh là tiêu diệt, cướp lấy vũ khí của địch trang bị cho mình. Bao năm nay, chúng ta đã tự mình chiến đấu để tồn tại và phát triển, không ỷ nại vào cấp trên cung cấp.
Hiệp thống Nguyễn Quang Bích nghe nói rất mừng căn dặn thêm:
- Trong hoàn cảnh khó khăn, quan quân phải tự mình. Nghĩ và làm như Đốc Ngữ là rất đúng, yêu cầu các đơn vị nghĩa quân phải khắc phục bằng cách liên tục đánh địch, cướp vũ khí của giặc Pháp tự trang bị cho quân mình. Ông nêu gương Đề Kiều, Đốc Biêu, Đốc Sơn, Lãnh Mai, Lãnh Khanh, Tán Dật, Tán Áo đã tích cực đánh địch, tiêu diệt nhiều địch thu vũ khí trang bị cho quan quân. Về quân lương đã dựa vào dân, nên không có lúc nào thiếu đói.
Hiệp thống căn dặn binh sỹ phải dựa vào dân, gắn bó với dân cùng dân chiến đấu giữ làng, giữ nước. Cấm không được cướp của dân, làm phiền dân, vì không khéo dễ dính cái bẫy“chia để trị” của quân thù. Không có dân, quan quân sẽ bị cô lập, quân thù dễ dàng đánh tiêu diệt.
Ông khen quan quân:
- Có thể khẳng định quân dân vùng Thanh Sơn và các vùng ven sông Đà, dưới quyền chỉ huy của Đốc Ngữ đã chiến đấu kiên cường, lập nhiều chiến công to lớn. Quan quân đã biết gắn kết với dân, tìm cách đánh táo bạo, bất ngờ tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ vững chắc vùng đất Tây Bắc của đất nước.
Họp quan quân xong, Hiệp thống Nguyễn Quang Bích còn nói riêng với Đốc Ngữ:
- Tôi có dự định đưa quân Tiên Động lên Nghĩa Lộ để đón Đức Vua Hàm Nghi ra lập “Triều đình kháng chiến”, ở đó để thống nhất chỉ đạo quân dân cả nước chống giặc Pháp xâm lược. Nhưng trước mắt phải phò tá Đại tướng Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết đi sứ nhà Thanh. Việc ở nhà Đốc Ngữ phải chỉ huy quan quân đánh giặc Pháp giữ vững vùng đất Thao Đà. Tôi luôn coi vùng Thao Đà là mặt trận chính. Khi lực lượng mạnh lên áp đảo quân Pháp, ta sẽ chuyển sang tổng phản công giải phóng thành Hưng Hóa, Sơn Tây và thành Hà Nội và tống cổ giặc Pháp ra khỏi Bắc Kỳ.
- Vâng, đó là dự định chiến lược có cơ sở để chiến thắng. Nhưng việc vào đón Vua Hàm Nghi ra là việc khó. Đáng nhẽ ra Phụ chính Tôn Thất Thuyết phải tính toán cho Đức Vua cùng ra thì hay biết bao nhiêu. Dịp đó Vua mà ra thì dân chúng tin tưởng ào lên theo Cần Vương thì tình thế đã khác. Bây giờ đón Đức Vua ra Bắc là công việc khó hơn đường lên trời. Nhưng khó mấy cũng phải làm, quan Hiệp thống cứ cử người đi, Đốc Ngữ này xin là người tiên phong đi đón Đức Vua!
- Không, Đốc Ngữ phải ở nhà chỉ huy mặt trận Thao Đà, sẽ là người trợ giúp việc đón, bảo vệ, đưa Đức Vua lên Nghĩa Lộ đó.
Đốc Ngữ vui vẻ nhận lời. Đốc Sơn nhận nhiệm vụ của Đốc Ngữ đưa Hiệp thống về Tiên Động. Khi ra về, Hiệp thống Nguyễn Quang Bích rất vui, tin tưởng vào hai viên tướng đầy năng lực sẽ góp phần thật xứng đáng vào công việc Cần Vương kháng chiến chống Pháp. Vì công việc gấp, nên ông phải trở về Tiên Động.
Sớm hôm sau khi qua làng Xuân Lôi, ông gửi lời qua Đốc Sơn thăm Đốc Biêu, Bà Sung, Cô Năm và khen quân dân tổng Đông Lỗ đã góp nhiều công sức và tiền của cho nghĩa quân Cần Vương.
Như vậy, không đến 10 ngày đi gặp Đại tướng Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết tại Sơn La, Hiệp thống Nguyên Quang Bích đã về tới Tiên Động. Hiệp đốc Giáp, Khê Ồng, Đề Kiều, Lãnh Mai rất mừng. Khi nghe kể lại chuyến đi, mọi người rất phấn khởi. Mừng hơn về quyết định chiến lược chuyển quân lên Nghĩa Lộ. Nhưng việc chuyển phải chờ Hiệp thống Đại thần đi sứ về sẽ bàn kỹ lưỡng hơn. Việc trước mắt phải lập đoàn, cử người đi sứ. Hiệp thống Nguyễn Quang Bích nói có sắc lệnh của ngàiTôn Thất Thuyết cử Khê Ông vào đoàn đi sứ nhà Thanh. Đại tướng Nguyên nhung còn cử Chu Thiết Nhai và một số người Hoa lần trước đi sứ theo giúp việc phiên dịch và quan hệ. Việc chỉ huy nghĩa quân ở nhà giao cho Hiệp đốc Nguyễn Văn Giáp và hai ông Đề Kiều và Lãnh Mai đảm nhiệm.
Một ngày sau, đoàn người theo ngả Sơn La do Đề Hoan chỉ đạo mới trở về tới Tiên Động; quan quân đi Sơn La đều về an toàn. Các Chỉ huy Tiên Động đã phiên chế người đi sứ lần hai, giữ lại những người đi sứ đợt trước, bổ sung thêm người mới. Chỉ huy phó Khê Ông được cử làm Phó đoàn kiêm luôn chức Tư vụ cho quan Hiệp thống đại thần. Cử nhân, Tư vụ Trần Ngọc Dư người Sơn Nam đi sứ lần trước được Hiệp thống cử trở về xuôi làm nhiệm vụ đặc biệt.
Ngày mồng 11 tháng 8 năm Bính Tuất (1886), đoàn lên đường đi Trung Quốc. Đoàn gồm 30 người như lần trước, lần này được Đề Kiều trang bị đủ súng ống, ngựa cưỡi để đi cho nhanh và an toàn. Hướng đi lần này không dừng ở Đại Lịch mà thẳng lên Nghĩa Lộ. Qua Nghĩa Lộ thẳng đến Than Uyên, Quỳnh Nhai sang Lai Châu thì dừng chân chờ Ngài Tôn Thất Thuyết từ Sơn La đến cùng đi lên Chiêu Tấn ( Phong Thổ ngày nay) vượt biên sang Mông Tự, Vân Nam, Trung Quốc, hướng về thủ phủ Khai Hóa đề trình Quốc thư.
Đi tiễn có Phó Chỉ huy Nguyễn Văn Giáp, các ông Lãnh binh Vương Văn Doãn, Tán tương quân vụ Hà Công Cẩn, Trịnh Bá Đanh , Lê Thanh và một số binh sỹ bảo vệ. Khi đến Nghĩa Lộ thì đoàn đi tiễn dừng lại làm việc với các ông Đốc binh Đào Chính Lục và Phó Đốc binh Đặng PhúcThành bàn về việc đưa quân rút lên Nghĩa Lộ, tìm nơi đóng đại bản doanh, bố trí các đạo quân, chuẩn bị quân lương. Khi về Hiệp đốc Giáp tìm gặp các ông chánh phó tổng Phạm Đình Tế, Lý Hữu Kim ở Đại Lịch; Lãnh binh Trương Thẩm ở Thượng Bằng La; Chánh Bài ở Quế Sơn bàn về việc lập tuyến phòng thủ phía nam Văn Chấn.
Hiệp thống Đại thần Nguyễn Quang Bích dự đoán, quân Pháp sẽ tiến công Tiên Động lần hai, vào khoảng tháng 11 năm 1886. Lúc đó, ông có thể còn mắc việc đi sứ nhà Thanh chưa về. Cho nên chiến sự nổ ra, thế quân ta yếu thì đồng ý để Hiệp đốc Giáp ra lệnh rút quân lên Nghĩa Lộ nhằm bảo toàn lực lượng.
Việc quân rất gấp, việc đi sứ ngoại giao cũng rất cần không thể cho người thay thế. Dọc đường Hiệp thống Nguyễn Quang Bích có phần âu lo, nhưng tin tưởng vào Hiệp đốc Nguyễn Văn Giáp là một vị tướng có tài lại đã kinh qua trận mạc chống giặc Tây ở thành Sơn Tây, ở Thanh Mai, ở Tiên Động. Vừa rồi giặc Pháp đánh mạnh, ông nhớ đến Hiệp đốc Giáp trực chiến cả ngày lẫn đêm, liên tục trên đài viễn vọng quan sát địch, điều binh khiển tướng mặc cho đại bác của địch bắn quanh mình mà người vẫn cứ bình thản, không hề nao núng. Ông thường khen:“Hiệp đốc Nguyễn Văn Giáp là một người chỉ huy gang thép!”.
Hiệp đốc Giáp chẳng ưa gì ngài Tôn Thất Thuyết và Hoàng Tá Viêm. Việc Tiết chế Hoàng Tá Viêm và ngài Tham tán Tôn Thất Thuyết đã án binh bất động để mất thành Hà Nội và Thành Sơn Tây đã làm ông rất căm tức. Ông đã chửi bới kịch liệt Hoàng Tá Viên là “ Đồ phản phúc!” vì tội chạy theo giặc Pháp làm hại giống nòi. Ông đã chửi Tôn Thất Thuyết là“ Đồ ngu xuẩn!” để mất mấy vạn quân vốn quân sự còn lại duy nhất của triều đình. Lại việc chỉ nhằm nhằm đi cầu viện nhà Thanh chẳng có ích gì, khác nào người chết đuối vớ phải bòn bọt trôi sông!
Nhưng cũng vì Hiệp thống đại nghĩa, bao dung mà Hiệp đốc Giáp yên lòng, tận tụy, nghe theo; nhất tâm mong có ngày xoay chuyển được cục diện đưa Phong trào Cần Vương đi đến thắng lợi. Nhiều lúc chỉ có hai người, ông cũng có suy nghĩ chân thật “ nay tuổi đã về già, theo Cần Vương không biết có làm nổi công việc đến cùng không, hay là giữa đường đứt gánh?”. Lúc đêm khuya cùng thức, ông thấy Hiệp đốc Giáp thở dài vẻ buồn bã, đứng hướng ra sông Thao nhìn về phía thành Sơn Tây, quê nhà Vĩnh Tường, Vĩnh Yên vẻ mặt đầy suy tư.
Đến Nghĩa Lộ, Hiệp thống đại thần giới thiệu với Đốc binh Đào Chính Lục và Phó đốc binh Đặng Phúc Thành là Hiệp đốc Giáp, Phó Chỉ huy nghĩa quân Tiên Động lên bàn bạc việc chuyển quân lên trấn Nghĩa Lộ. Dặn dò hai ông phải tận tình giúp đỡ Hiệp đốc Giáp làm việc, còn ông phải dẫn đoàn đi sứ lên Lai Châu cho kịp hẹn.
Đến động Hoài Lai, châu Mường Lay, thì nghe tin Đại tướng, Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết đã đến Lại Châu. Hiệp thống dục đoàn lên đường thẳng đến Lai Châu. Đường đi giữa những khe núi trập trùng, có những đỉnh núi đá cao chót vót, chỗ nhô lên nhọn như người vót, chỗ bằng phẳng như có người mài. Nhiều hang sâu, rộng và tối tăm; vài đám mây bay là là mang những hình thù kỳ quái lúc ẩn lúc hiện. Đến chiều bừng nắng, mây tan, nền trời cao xanh có những đám mây trắng nõn như bông bay lững lờ. Đến tối trăng tròn ông mới biết đêm nay là đêm Trung thu. Nhớ Trung thu năm ngoái, cả quan quân và dân Tiên Động ăn tết mừng Chiếu Cần vương của Vua Hàm Nghi vừa ban. Quân dân vui vẻ vô cùng chào đón và thề thực hiện bằng được lời dụ của Đức Vua dẫu chết cũng cam lòng.
Đêm Tết Trung thu này, nhân dân Lai Châu tổ chức ăn Tết như thường lệ, nhà nhà sáng đèn, bản làng tổ chức lễ hội mừng Trung thu. Đại tướng, Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết vừa ốm dậy người không được khỏe nhưng vẫn cố gắng đi xem xòe, xem nhảy sạp. Viên Tri châu Đàm văn Thìn đón ngài từ Sơn La lên và sẽ là người đưa đoàn lên châu Chiêu Tấn đi Huồi Luông, vượt biên sang phố Mông Tự, thuộc Vân Nam, nước Tàu.
Biết ngài Tôn Thất Thuyết đang ở Na Lay, Lai Châu; đoàn vội đến đó, nhưng phải chờ ngài xem hát xong mới được tiếp kiến. Khi về, ngài Đại tướng, Nguyên nhung có phần ốm mệt hơn. Ngài nhìn thấy quan Hiệp thống nhưng không còn vui vẻ, vồn vã như ngày gặp ở nhà Đèo Văn Trì. Ngài lạnh lùng bảo Tri châu Đàm Văn Thìn sắp xếp nhà nghỉ ngơi cho đoàn mới lên và dặn có việc gì ngày mai sẽ nói. Thấy ngài thay đổi thái độ làm cho Hiệp thống phải giật mình.
Trời bỗng kéo mây mưa, trăng Trung thu biến mất. Ngồi uống rượu suông trên nhà sàn, Hiệp thống nhìn ra phía núi mới nhớ đây là nơi gần cõi biên. Ngày mai mình phải đi tiếp lên biên giới, liệu những người cùng đi có được khỏe để theo mình không? Khê Ông tuổi đã lão rồi cố theo, mấy hôm vừa rồi cưỡi ngựa vượt đèo, leo dốc trông yếu lắm. Lên tới Lai Châu thì bệnh sốt rét đến, đang nằm mê mệt. Sùng Mý Nô, người lính dân tộc Miêu đã đi kiếm thuốc uống, không biết có thuyên giảm không? Lòng buồn man mác, ông cầm lấy bút viết bài thơ “TẶNG NGUYỄN KHÊ ÔNG”:
Bất nhục toàn tư quốc sỹ tài,
Khả liên tiến độ miệt trần ai.
Dao dao tử các trùng tiêu ngoại,
Trường đoạn linh nhân nhật kỷ hồi.
*
Trường đoạn linh nhân nhật kỷ hồi
Xa lân vọng vọng tái vân khai.
Gian tân vạn trạng như kim nhật,
Nhất kỷ trần ai cộng tửu bôi.
Dịch thơ:
TẶNG NGUYỄN KHÊ ÔNG
Đi sứ phen này những cậy trông,
Thương thay quốc sỹ bước long đong.
Trông vời xa giá ngoài muôn dặm
Mấy bận ngày đau muối sát lòng.
*
Mấy bận ngày đau muối sát lòng,
Mây quang biên ải ngóng chờ mong.
Gian truân trăm nỗi ngày nay trải,
Thế sự vần xoay chén rượu nồng.
Ngày hôm sau, đoàn đi sứ lại tiếp tục lên đường lên Huồi Luông, châu Chiêu Tấn để vượt biên sang nước Tàu. Người đưa đường là Tri châu Đàm Văn Thìn và hơn mười người lính hầu. Khi đến giáp biên thì Đại tướng, Nguyên nhung trở bệnh ốm nặng, đành phải trao Quốc thư cho Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích đi sứ nhà Thanh. Khê ông cũng phát bệnh sốt rét nặng, không đi được nữa. Hiệp thống bèn giao hai người lại cho quan Tri châu Đàm Văn Thìn chăm sóc. Ông cử Phó Đốc binh Đàm Đức Lương và 5 người lính ở lại bảo vệ và chăm sóc Khê Ông. Số người đi Trung quốc còn lại 24 người gồm chánh sứ và tùy tùng. Trước lúc vượt biên giới, ông đến bên Đại tướng, Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết tâu trình:
- Bây giờ trong nước đang cần Đại tướng, Nguyên nhung. Ở lại, nếu khỏi bệnh thì ngài quay về ngay Tiên Động họp các quan tướng, ra lệnh chuyển toàn bộ quân lên Nghĩa Lộ. Tìm cách đón Đức Vua Hàm Nghi ra ở đó, lập Triều đình kháng chiến cho đủ uy thế, tập hợp quân dân bốn phương lại, thế nào cũng chuyển biến được tình hình. Tôi đi Trung Quốc cầu viện, mong được nhà Thanh giúp đỡ về quân lực, vũ khí bằng không thì quay về Nghĩa Lộ cùng Đại tướng, Nguyên nhung phát động cao trào kháng chiến toàn dân, nhất định sự nghiệp chống Pháp cứu nước của ta sẽ thành công.
Ngài Tôn Thất Thuyết còn trong cơn sốt đáp lời:
- Tôi ốm nặng, Hiệp thống cứ yên tâm mà đi trình Quốc thư, cố gắng cầu viện cho được quân lực và vũ khí, quân Cần Vương đang nóng lòng chờ đợi. Còn tôi ở nhà sẽ liệu xoay chuyển tình thế có lợi cho quan quân cả nước.
Hiệp thống đại thần đến bên Khê Ông lặng lẽ trao bài thơ viết tặng Khê Ông đêm hôm trước. Nằm trên võng, Khê Ông đọc thơ rồi ôm mặt khóc:
- Thế là Hiệp thống đại thần đã biết tôi không thể đi được nữa phải nằm lại xứ Chiêu Tấn này để trông mong ngài xa giá. Thôi, chúng ta chia tay nhau nhé! Nếu bệnh không qua khỏi mà tận số ở đây, ngài về qua, nhớ cho quân lấy hoa rừng biên giới trải lên mộ tôi và làm cho tôi bài văn tế nhé, để con cháu sau này đọc mà nhớ thương tôi!
Quan Hiệp thống đưa tay ôm mặt khóc, rồi nắm tay Tán tương quân vụ Khê Ông từ biệt. Để cho những người cùng đi yên lòng, ông vội lấy khăn lau nước mắt. Bình thản nhìn binh sỹ như để lấy lại niềm tin làm cho người đi và người ở lại vững tâm hơn trong gian nan, thử thách.
Liền sau đó, Hiệp thống đại thần cùng mọi người lên ngựa vượt đèo, phụng mệnh Vua Hàm Nghi đi sứ. Con đường hướng tới Mông Tự đồi núi mênh mông, bát ngát. Vó ngựa bước đều, gió bắc thổi vi vu, phía trước sông Hồng cuộn cuộn trôi xuôi. Nhìn dòng nước màu đỏ như son, ông nhớ về dòng sông Thao vùng Hưng Hóa, Sơn Tây đang ngày đêm ầm vang tiếng súng chống giặc Pháp. Ông mường tưởng thấy các tướng sỹ của ông đang dầm trong nắng trong mưa, anh dũng cầm gươm súng lao lên giết giặc, chẳng sợ hy sinh thân mình. Lòng ông phấn chấn, vội kéo dây cương cho ngựa bước nhanh hơn trên con đường trường chinh nghìn dặm.