Bạn có giấu món quỹ đen nào cho mình không? Chẳng cứ gì phụ nữ mới lập quỹ đen, đàn ông cũng có thể có quỹ đen. Ngay đến cả mấy nguyên thủ quốc gia cũng ngầm đem tiền gửi bên ngân hàng Thụy Sĩ không để cho dân biết, đấy chẳng phải cũng là quỹ đen hay sao?
Sở dĩ phụ nữ ưa tích cóp lập quỹ đen, là vì túi tiền của họ có hạn. Có lẽ họ thường lo nghĩ xa xôi, nào là chuyện phải có tiền để dành sẵn cho con cái sau này đi học. Hoặc chẳng may chồng làm ăn thất bát, thì gánh nặng chi tiêu trong gia đình sẽ thế nào? Thậm chí, tiền dưỡng già sẽ kiếm ở đâu ra? v.v. Cho nên, họ luôn cảm thấy có quỹ đen để dành chuẩn bị sẵn cho những việc có thể phát sinh sẽ là một lựa chọn tương đối an toàn.
Đàn ông lập quỹ đen, có lẽ vì họ lo lắng nếu đưa hết tiền cho người nhà quản lý hộ rồi, thì lúc việc gấp cần tiêu sẽ vô cùng bất tiện. Hoặc họ không muốn “để tất cả trứng vào một giỏ”, đem hết tiền dồn vào một chỗ như vậy thực quá mạo hiểm, nên vẫn cần để riêng một khoản phòng khi cần đến. Thậm chí ngay đến nguyên thủ quốc gia cũng phải có quỹ đen, vì có nhiều chính khách, chúng ta rất khó biết được họ là loại người nào, và trong lòng họ nghĩ gì.
Đôi khi việc lập quỹ đen cũng tốt, ví dụ như gặp khi gia đình bạn bè có việc quan trọng cần dùng, hoặc khi cứu nạn gấp cần đến tiền mà không còn biết vay mượn ở đâu thì có thể mang quỹ đen ra dùng trước. Đây cũng là một cách ứng phó lúc nguy cấp. Hoặc khi quốc gia xã hội cần ủng hộ, cũng có thể trích phần quỹ đen ra sẻ chia nhằm thể hiện tấm lòng rộng mở vì lợi ích cộng đồng của bạn.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người đem quỹ đen gửi vào ngân hàng, bí mật xử lý thủ tục không để ai biết. Đến cuối cùng, số tiền này lại trở thành tiền của ngân hàng vì không ai khác biết đến nó cả. Hoặc có người đem quỹ đen cất giấu ở một nơi bí mật, bởi vì thời gian quá lâu đến nỗi tiền giấy ẩm ướt mục nát, chuột bọ gặm nhấm, v.v. thực là quá lãng phí.
Có người đem quỹ đen ủy thác cho bạn bè, giao hẹn sau này họ phải trả lại cho con cháu mình. Thế nhưng ai ngờ, cuối cùng bạn bè lại lật lọng nuốt lời vì muốn chiếm trọn số tiền đó, đây cũng là chuyện thường gặp ở đời.
Như chúng ta cũng biết, một khi tiền đã công khai rồi thì nó sẽ không còn thuộc về riêng cá nhân mình nữa. Cho nên mới nói, tiền bạc là “của chung năm nhà”1, tiền tham ô, tiền tiêu pha sai chỗ, tiền có được nhờ thủ đoạn phi pháp đều là tiền bất chính. Vậy nên, cách nhìn của Phật giáo đối với tiền bạc là: Tiền tiêu dùng đi rồi mới là tiền của mình, có tiền để tiêu dùng là phúc báo, biết tiêu dùng tiền đúng chỗ là trí tuệ. Ngược lại, biết thu vén, biết tích lũy tiền bạc chưa chắc đã là phúc báo và trí tuệ.
1 Đọc thêm câu chuyện Ngũ gia chi tài đại ý: Tiền tài của một người luôn có thể bị phân tán theo năm ngả: tham quan ô lại, lũ lụt, hỏa hoạn, trộm cướp, hay con cháu phá gia chi tử.
Thế gian vì một chữ “của riêng” mà dẫn tới rất nhiều hành vi trái tình nghịch lý. Hơn thế, ngay cả chế độ tư hữu của nhân dân cũng đều mang lại ít nhiều hệ lụy cho xã hội. Ví như, ngoài tiền riêng còn có con riêng, đất riêng, xe riêng, bởi vì đã “tư hữu” cho nên không thể cùng người khác “cộng hữu”. Trang trại tư nhân, biệt thự tư nhân, công ty tư nhân, trường học tư nhân, ngân hàng tư nhân, thậm chí có người còn dùng danh nghĩa việc công để bòn rút tham ô vơ vét làm của riêng, v.v.
Nếu như người người đều có thể tích tiền riêng vì muốn cống hiến cho việc chung, đem tiền riêng làm việc công ích, chia sẻ tiền riêng với những hoàn cảnh khốn khó, sống theo phương châm tất cả đều theo đúng phép công mà làm, thì cho dù bạn có lập quỹ đen cũng là điều thuận lý hợp pháp. Nên biết rằng có quỹ đen mà đem làm thành thiện tài1, tịnh tài2 thì lại là việc nên làm nhất.
1 Tiền làm việc thiện.
2 Tiền trong sạch.