Trong kinh Phật có ghi lại câu chuyện thế này: “Một người lữ khách nọ đi ngang qua con đường hoang vắng, đột nhiên bị một con voi dữ đuổi gấp phía sau. Ông ta sợ hãi cuống cuồng chạy trốn, nhưng xung quanh đồng không mông quạnh chẳng có chỗ nào cho ông ta ẩn náu cả. Đột nhiên nhìn thấy một cái giếng khô, ông ta vội vã bám vào đám dây leo bên bờ giếng để trèo xuống dưới. Lúc gần xuống tới nơi, lại thấy đáy giếng có bốn con rắn độc vừa to vừa dữ nhăm nhe nhào lên chực cắn, nên ông ta sợ hãi bám chặt lấy đám dây leo không dám nhảy xuống. Cũng ngay lúc ấy, lại có hai con chuột, một đen, một trắng đang gặm cắn đám dây leo. Giữa thời khắc ranh giới sống chết mong manh, tình thế nguy nan ngàn cân treo sợi tóc như vậy thì xuất hiện năm con ong mật bay quanh miệng giếng nhỏ xuống năm giọt mật ngọt vừa vặn rơi trúng miệng người lữ khách. Nếm được mật ngọt, nhất thời ông ta quên luôn những nguy hiểm rình rập xung quanh mình”.
1 Câu chuyện Bạch hắc nhị thử.
Ngụ ý trong câu chuyện này chính là: “Con voi dữ” chỉ cho lẽ sinh diệt “vô thường” của thời gian, luôn đuổi theo chúng ta không rời. “Chiếc giếng khô” mà người lữ khách trốn xuống đó chính là vực thẳm “sinh tử”. “Bốn con rắn độc” chính là bốn yếu tố “đất, nước, lửa, gió” làm nên thân “tứ đại” của chúng ta. Đám dây leo chính là tuyến sinh mệnh mà thân tứ đại dựa vào, nhất thời chưa bị vô thường thôn tính. Nhưng “hai con chuột đen và trắng” bên miệng giếng, chính là thời gian “ngày và đêm” không ngừng nối nhau, một cách từ từ sẽ cắt đứt đám dây leo. “Năm con ong cho mật” ở đây chính là “tài, sắc, danh, thực, thụy” trong “ngũ dục”. Người lữ khách vì nếm được một chút vị ngon ngọt của “ngũ dục” liền quên ngay mọi hiểm nguy khốn đốn đang bủa vây quanh mình.
Người xưa có câu “Thời gian như tên bắn, ngày tháng tựa thoi đưa”1. Chẳng phải dưới sự cắn phá của hai con chuột đen và trắng tượng trưng cho ngày và đêm kia, thì sinh mệnh của chúng ta đang dần dần tiến về phía vô thường hay sao?
1 Âm Hán Việt: “Quang âm tự tiễn, nhật nguyệt như thoa”.
Vô thường là một chân lý trong Phật giáo. Vạn vật trên đời, đâu có cái gì thoát khỏi sự chi phối của vô thường? Cuộc sống vô thường, đất trời sông núi cũng là vô thường. Đương nhiên vô thường có thể là chuyện tốt, nhưng vô thường lại dễ biến thành chuyện xấu hơn. Đặc biệt là sự vô thường của năm tháng cuộc đời, giống như tiền gửi trong ngân hàng, định kỳ rút ra nên mỗi ngày một ít, mỗi năm một vơi hụt. Khi rút hết tiền gửi, lại trông chờ xem chuột đen và chuột trắng có chiếu cố hay không.
Trong những tháng ngày vô thường, chúng ta phải khéo nắm bắt quỹ thời gian có hạn của cuộc đời để làm thật tốt và làm cho xong những việc cần phải làm, đừng để đến cuối cùng còn phải mang theo những di nguyện còn dang dở.
Cuộc sống vô cùng quý giá, thời gian lại càng quý hơn. Cuộc sống khó giữ, và thời gian đi rồi sẽ không bao giờ quay trở lại. Có được cuộc sống quý giá này rồi, chúng ta cũng cần để lại thứ gì đó cho cõi đời này.
Ngay cả khi chuột đen và chuột trắng không ngừng gặm nhấm cuộc sống này, chúng ta vẫn có thể nắm chắc thời gian để làm những việc chúng ta phải làm. Ví dụ đối với việc công ích xã hội, bạn đã dốc ra bao nhiêu phần công sức? Đối với gia đình, bạn đã làm tròn trách nhiệm đến đâu? Đối với bản thân, bạn đã lưu lại được những dấu ấn tốt đẹp gì khiến người khác phải trầm trồ tán thưởng? Dẫu cho chuột đen và chuột trắng có cắn đứt dây leo sự sống của chúng ta, nhưng tinh thần của chúng ta, công đức của chúng ta vẫn còn lưu lại ở cuộc đời này, hay chí ít là vẫn còn đọng lại trong lòng người thân, bạn bè.
Cuộc đời mỗi người đều phải có sức sống quật cường, một sát na1 cũng đủ làm nên sự nghiệp vĩnh hằng. Chỉ cần có chí khí, hành động chuyên cần nhanh nhẹn, há còn phải sợ chuột đen và chuột trắng hay sao?
1 Sát na (kṣaṇa) là một khoảng thời gian rất ngắn, thậm chí ngắn hơn cả khoảng thời gian mà một ý niệm sinh khởi.