Có người nói năng thích dùng dấu “?”. Có người lại thích dùng dấu “.” Nhưng có người thích dùng dấu “!”. Thậm chí có người còn thích dùng dấu “...”.
Người thích dùng dấu “.” trong giao tiếp, thì phàm trong việc gì họ cũng luôn cho bạn một lời giải thích hoặc đáp án. Người thích dùng dấu “...” trong ăn nói, chỉ cần biết khiêm tốn học hỏi thì bạn sẽ biết được “nội dung” còn để ngỏ của họ. Người thích dùng dấu “!” trong ăn nói, thường thích các chuyện giật gân gay cấn, khoa trương thanh thế. Duy chỉ có người thích dùng dấu “?” trong giao tiếp, thì nội hàm lại tương đối phức tạp.
Dấu “?” có lúc biểu thị một sự quan tâm đầy thiện chí, sẽ đưa đến một kết quả tốt. Nhưng đôi khi dấu “?” cũng sinh ra một kết cục không tốt. Ví dụ như khi hỏi thăm người khác rằng: “Bạn ăn cơm chưa?”, “Bạn khỏe không?”, “Gần đây bạn thế nào?”, đây đều là những câu hỏi thiện ý.
Cũng có người dùng câu hỏi để xin ý kiến người khác như: “Anh đánh giá thời cuộc này như thế nào?”, “Anh có cách nhìn thế nào với quá trình phát triển kinh tế của xã hội hiện nay?”, “Anh có đánh giá gì về chiến lược bốn trụ cột của chính phủ X?”, “Anh có hài lòng với thực trạng hoạt động của viện lập pháp Y hay không?”, đây đều là những câu hỏi mang tính trung tính, ý tứ tốt xấu còn chưa biểu lộ rõ ràng.
Đáng sợ nhất chính là những dấu “?” ngầm thể hiện ý trách móc như: “Anh còn đến đây làm gì?”, “Sao đến giờ cậu vẫn chưa làm xong việc tôi giao?”, “Sao tháng này em tiêu nhiều tiền thế?”, “Sao hôm nay lại đến muộn vậy?”, “Ăn gì mà nhiều thế?”, “Sao hôm nay anh ngủ dậy muộn như vậy?” v.v. Khi chúng ta dùng loại ngữ khí này để nói chuyện với người khác, kết quả có lẽ sẽ khó đoán trước được.
Nếu như cuộc đời chúng ta lại gắn liền với dấu “?”, thì đây là một chuyện rất đáng lo. Ví dụ, mọi người sẽ hỏi: “Anh ta có đáng tin không?”, “Bạn có tin anh ta không?”, “Anh ta có đủ tư cách không?”, “Anh ta có đảm đương nổi việc này không?”. Thậm chí bởi vì những lỗi lầm trong quá khứ của mình, cũng sẽ trở thành nỗi hoài nghi để người khác đem ra đặt câu hỏi như: “Trước kia không phải anh ta từng phản đối chuyện này hay sao?”, “Trước kia anh ta đã từng tự ý rời bỏ chức vụ, anh có nhớ không?”, “Trước kia anh ta từng nhiều lần không hoàn thành nhiệm vụ, anh quên rồi sao?”. Cho nên, một khi chúng ta đã trở thành nhân vật gắn liền với dấu chấm hỏi thì rất khó có thể giữ được niềm tin của người khác một cách trọn vẹn.
Chúng ta cần phải luôn luôn chủ động trước những tình thế bất ngờ. Trước khi ai đó định làm khó bạn bằng hàng loạt câu hỏi vặn, bạn cần đáp lại họ bằng những câu trả lời tích cực và thỏa đáng. Được như vậy, bạn mới có thể đứng vững trong xã hội đầy biến động này.
Thêm vào đó, chúng ta cũng không nên thường xuyên vặn hỏi người khác, câu khẳng định chắc chắn tốt hơn nhiều so với câu vặn hỏi. Có người nhờ chúng ta giúp đỡ họ một tay, chúng ta vội vã vặn hỏi: “Vậy còn anh thì sao? Sao anh không tự làm đi?” Người khác đến mượn chúng ta một cuốn sách, bạn có thể trả lời thẳng luôn rằng bạn không có cuốn sách đó, nhưng bạn lại cố ý hỏi vặn họ: “Sao anh không tự mua về mà đọc?” Có người đến vay tiền, bạn từ chối không cho họ vay là xong, nhưng bạn còn vặn hỏi thêm rằng: “Anh vay tiền làm gì?” Người ta tìm bạn giao việc, bạn có thể uyển chuyển cảm ơn rồi từ chối, nhưng bạn còn vặn hỏi lại: “Anh giao tôi việc này, vậy rồi thì anh làm cái gì?” v.v. Cung cách trò chuyện bằng câu hỏi vặn này, rất dễ làm tổn thương đến tình cảm và mối quan hệ giữa đôi bên.
Đặt câu hỏi chính là một môn nghệ thuật và người hỏi chính là một nghệ sĩ. Câu hỏi có nghệ thuật sẽ cho thấy thái độ biết tôn trọng đối phương, sự khiêm tốn, lễ phép cũng như sự chân thành cầu thị và tha thiết mong được giúp đỡ của người hỏi. Không nên đưa hàm ý hay thái độ trách móc vào trong câu hỏi. Cho dù dụng ý của bạn có tốt đến đâu chăng nữa, thì những câu vặn hỏi mang ý trách móc đều là những câu hỏi thiếu đi tính nghệ thuật.
Trong tác phẩm Chiến quốc sách1 có biết bao nhiêu màn hỏi đáp giữa vua với vua, vua với quan, quan với quan. Cho đến ngay cả một số sĩ phu đi du thuyết, chỉ qua màn hỏi đáp của họ thôi cũng cho thấy cả bầu trời trí tuệ và vô số luận lý cương thường của họ.
1 Là cuốn cổ sử Trung Quốc viết về lịch sử thời Chiến Quốc từ năm 490 TCN đến năm 221 TCN. Khi Cao Tiệm Ly ám sát Tần Thuỷ Hoàng không thành công. Bộ sách gồm có 12 sách lược như sau: Đông Chu sách, Tây Chu sách, Tần sách, Tề sách, Sở sách, Triệu sách, Ngụy sách, Hàn sách, Yên sách, Tống - Vệ, Trung Sơn.
Cho nên khi chúng ta nói chuyện cùng người khác, tốt nhất nên học theo phong cách hỏi đáp với bậc đế vương của người xưa, học cách đem đối phương xem như bậc thầy, học giả, chuyên gia của mình. Chính bởi nhờ vậy mà chúng ta ngày càng đúc kết được nhiều trí tuệ và kinh nghiệm sống quý báu thông qua những cuộc đối thoại cùng người khác.