Đất trời có đức hiếu sinh, con người dù có chia ra sang hèn giàu nghèo, nhưng mạng sống thì đều quý giá như nhau.
Bụi cỏ ven đường, mọc lên từ trong kẽ đá, cho thấy sức sống mãnh liệt của nó. Tôm cá trốn xuống đáy bùn khi mùa nước cạn, chính là vì muốn bảo toàn mạng sống. Quan sát sự sinh trưởng của cây cối hoa cỏ chúng ta sẽ thấy sinh mệnh của nó cũng giống như là sinh mệnh của chúng ta vậy, còn khi chúng ta ra sức bảo tồn các di tích lịch sử có giá trị thì chính là chúng ta đang trân quý sự tồn tại của lịch sử.
Có những người đội một chiếc mũ, đi một đôi giày ròng rã tám năm, mười năm, đó là vì họ trân quý sự tồn tại của vật chất. Và cũng có những người, vốn dĩ bàn ghế, đồ dùng có thể dùng được đến hai, ba mươi năm, nhưng lại không biết giữ gìn, cũng không chịu bảo trì khiến đồ đạc nhanh chóng hỏng hóc. Đây chẳng phải là đang rút ngắn “cuộc đời” của vật chất sao?
Trong Kinh Dịch có câu rằng: “Vũ trụ không ngừng xoay chuyển, con người phải không ngừng phát triển bản thân”1. Tất cả sinh mệnh ở trong trời đất đang không ngừng sinh sôi nảy nở. Tình yêu, chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự có mặt của một sinh mệnh, một sự sống hay sự tồn tại và tiếp diễn của một vật.
1 Âm Hán Việt: “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức”.
Phật giáo chủ trương quý trọng nhân duyên, quý trọng tình thương, quý trọng sự sống và quý trọng vận mệnh. Thậm chí nhà Phật tuyên bố chân lý của sự bình đẳng là: “Loài hữu tình và vô tình đều đầy đủ bản thể trí tuệ sáng suốt thanh tịnh”. Có thể nói điều này đã thể hiện tinh thần tôn trọng sự sống đạt đến đỉnh điểm của đạo Phật.
Thế giới tự nhiên chính là một sinh mệnh. Trời đất thì giống như cha mẹ của chúng ta và mặt trăng, mặt trời, sông núi, các loài thú vật chính là đồng bào của chúng ta, đều là anh chị em của chúng ta. Bởi vậy khi chúng ta biết “coi tất cả mọi người như anh em và xem vạn vật như bầu bạn” thì mới biết được sự quý giá của sinh mệnh là thế nào.
Một hạt giống, có thể sinh ra nghìn vạn quả ngọt; một dòng suối nhỏ, có thể nuôi dưỡng biết bao nhiêu sinh mệnh. Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông đều vun bồi sự sống; lòng từ, bi, hỷ, xả đều chăm sóc sinh mệnh. Ý nghĩa của sinh mệnh không phải là chạy vạy khắp nơi vơ vét lợi ích cá nhân. Mục đích của sinh mệnh cũng không phải là một ngày ba bữa ăn ngủ đủ giấc. Cuộc đời của con người đáng trân trọng vô cùng và mạng sống của con người quý giá biết bao!
Đời người không thể sống uổng phí, và cuộc sống này không thể trải qua vô ích. Ý nghĩa của đời người không phải ở chỗ sống thọ hay bất tử mà chính là chúng ta hãy sống sao cho có ích với xã hội, khiến sinh mệnh hữu hạn này của chúng ta trở nên vô cùng vô tận. Khiến nó giống như đốm lửa, mặc dù biến mất trong tích tắc, nhưng đã để lại cho thế giới ánh sáng rực rỡ.
Vật chất là hữu hạn nên không thể thỏa mãn hết những ham muốn của chúng ta. Tình người thì mong manh nên không thể cùng nhau chung sống hòa thuận lâu dài. Thế gian là vô thường nên thời gian sẽ làm cho vật chất tan rã. Sự quý giá của sinh mệnh chính là ở chỗ có thể thích ứng được với mọi hoàn cảnh và biết hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.
Tính mạng con người trong thời bình dĩ nhiên là rất đáng quý, nhưng có thể hy sinh tính mạng để làm tròn nhiệm vụ khi cần thiết thì còn đáng quý hơn. Khổng Tử dạy: “Người quân tử thì không nên vì tham sống mà tổn hại đến lòng nhân đức, và có thể hy sinh thân mình để thành tựu điều nhân đức vậy”.
Người vì tham sống mà huỷ hoại nhân đức thì tuy còn sống nhưng lại giống như đã chết, còn người hy sinh thân mình để thành tựu điều nhân đức thì tuy chết nhưng giống như bất tử.
Con người là loài thông minh nhất trong muôn loài. Nếu chúng ta có thể thật tâm ca ngợi, phát huy sự quý giá của sinh mệnh, thì còn phải lo lắng thế giới không trở nên tươi đẹp hay sao?