Phật giáo có một pháp môn tu tập, gọi là “quán chiếu”, nghĩa là xem xét hết thảy mọi sự vật sự việc xảy ra hằng ngày bằng con mắt của trí tuệ. Trong xã hội hiện nay, dù là trí thức, nông dân, công nhân, doanh nhân, viên chức, chính khách, minh tinh v.v, nếu có thể làm theo phương pháp này, thì sẽ giúp ích rất nhiều trong cuộc sống của họ.
Vậy chúng ta cần phải “quán chiếu” điều gì đây?
Thứ nhất, hãy “quán chiếu” mối quan hệ giữa ta với người khác và hãy tự hỏi bản thân liệu có phụ lòng ai không?
Thứ hai, hãy “quán chiếu” mối quan hệ giữa ta với vật chất và hãy tự hỏi bản thân liệu có lãng phí của cải vật chất không?
Thứ ba, hãy “quán chiếu” mối quan hệ giữa ta với tiền bạc và hãy tự hỏi bản thân liệu có cất chứa tiền của phi pháp không?
Thứ tư, hãy “quán chiếu” mối quan hệ giữa ta với tình yêu và hãy tự hỏi bản thân liệu có lạm dụng tình cảm không?
Thứ năm, hãy “quán chiếu” mối quan hệ giữa ta với xã hội và hãy tự hỏi bản thân liệu có tương tác gì với xã hội không?
Thứ sáu, hãy “quán chiếu” mối quan hệ giữa ta với chính tâm ta và hãy tự hỏi bản thân liệu có thể làm tâm mình thanh tịnh không?
Người ta thường chỉ nhìn thấy người khác mà không nhìn được chính mình, chỉ nhìn bề ngoài mà không nhìn vào nội tâm. Bởi vì thiếu sự “quán chiếu” nên không có cách nào biết được bản chất chân thật của vạn vật, từ đó sinh ra biết bao nhiêu phiền não. Nếu chúng ta biết cách “quán chiếu” bản thân, thường xuyên suy ngẫm về bản thân và hiểu được mối quan hệ giữa mình với thế giới, thì chúng ta mới có thể hoàn thiện bản thân.
Trong Bát Nhã tâm kinh có câu: “Bồ tát Quán Tự Tại1, khi quán chiếu thâm sâu, Bát Nhã Ba La Mật2, thấy năm uẩn3 là không”. Bởi vì biết cách “quán chiếu”, nên bạn mới có thể trở thành một vị Bồ tát “tự tại”. Bởi vì “thấy năm uẩn là không”, nên bạn mới có thể “lìa tất cả đau khổ”.
1 Bồ tát Quán Tự Tại là một cách dịch khác của Bồ tát Quán Thế Âm.
2 Hiểu một cách khái quát chính là trí tuệ hoàn hảo, trí tuệ cao nhất.
3 Còn gọi là Ngũ uẩn; Ngũ ấm gồm: Sắc: chỉ thân và sáu giác quan; Thụ: tức là toàn bộ các cảm giác, không phân biệt chúng là dễ chịu, khó chịu hay trung tính; Tưởng: là nhận biết các tri giác như âm thanh, màu sắc, mùi vị..., kể cả nhận biết ý thức đang hiện diện; Hành: là những hoạt động tâm lí sau khi có “Tưởng”; Thức: bao gồm sáu dạng ý thức liên hệ tới sáu giác quan: Ý thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
Trong Quán vô lượng thọ kinh hay còn gọi là Thập lục quán kinh, có nêu ra mười sáu phép quán, gồm: “Quán” mặt trời, “quán” mặt trăng, “quán” nước, “quán” đất, v.v. Nếu bạn có thể đặt tâm mình vào vị trí của trời đất sông núi, nhật nguyệt tinh tú thì tự nhiên tâm của bạn và những cảnh vật bên ngoài sẽ được giao hòa với nhau, bản thể và hiện tượng hòa thành một. Chỉ khi nào bạn “quán chiếu” được như vậy thì những khổ đau sẽ không còn mà thay vào đó là sự an vui.
Trước khi thuyết pháp, Đức Phật đều “quán chiếu” căn cơ của chúng sinh, sau đó ngài sẽ tùy vào căn tính cao thấp khác nhau của họ mà nói ra bài pháp phù hợp. Các vị lương y khi kê đơn thuốc, trước phải kiểm tra bệnh tình của bệnh nhân, sau mới theo bệnh mà cho thuốc. Người nông dân muốn mùa màng bội thu, trước phải xem xét thời tiết thế nào, sau mới chọn ngày thích hợp mà gieo giống. Bố mẹ muốn con cái ngoan ngoãn, trước phải hiểu tính cách của con cái, sau mới chọn cách giáo dục phù hợp vậy.
Chỉ có “quán chiếu” mới có thể khiến đôi bên hài hòa với nhau, chỉ có “quán chiếu” mới có thể khiến đôi bên tương ưng1 với nhau, chỉ có “quán chiếu” mới có thể giống như cá gặp nước, chỉ có “quán chiếu” thì chúng ta mới có thể thành tựu Phật đạo.
1 Tương ưng là thấy biết đúng như lý, như chân lý.
Doanh nhân cần nghiên cứu thị trường, đó là “quán chiếu”. Chủ thầu xây dựng công trình, cần phải biết rõ địa chất và môi trường nơi xây dựng, đây là “quán chiếu”. Chính trị gia, phải vắt óc suy nghĩ để đưa ra giải pháp cho các vấn đề dân sinh xã hội, cũng chính là “quán chiếu”.
Những người biết “quán chiếu”, sẽ phát hiện ra mối quan hệ của nhân duyên1. Những người thường xuyên “quán chiếu”, thì sẽ hiểu rõ chân tướng của vạn vật. Người tu Thiền, khi quan sát tâm, thì thấy trong tâm có Phật. Người tu niệm Phật thì thấy Phật ở trong tâm. Khi bạn đạt đến cảnh giới trong tâm có Phật và Phật ở trong tâm, thì cuộc đời bạn chắc chắn sẽ có được thành tựu viên mãn.
1 Mối quan hệ nhân duyên trong Phật giáo: Nhân là yếu tố chính để tạo ra sự sinh khởi, duyên là điều kiện hỗ trợ, tác động làm cho nhân được sinh khởi.