Phật giảng tất cả pháp,
Đối trị tất cả tâm
Nếu không tất cả tâm,
Cần gì tất cả pháp?
Hiện nay, “Khoa học quản lý”1 đang là một ngành học rất hot, gồm: Quản lý nhân sự, quản lý tài chính, quản lý kinh doanh, quản lý nhà kho, quản lý hồ sơ, cho đến quản lý trường học, quản lý bệnh viện, quản lý khách sạn, v.v. Nhưng thật đáng tiếc khi hầu hết mọi người lại quên mất rằng mình phải “quản lý bản thân” và đặc biệt là “quản lý tâm”.
1 Tiếng Anh: Management Science.
“Tâm” chính là cội gốc của vạn vật, không quản tốt gốc rễ mà chỉ quản phần ngọn, đời người sao có thể viên mãn được? Có thể quản lý tâm của mình cho tốt, tâm ngay thẳng tất cả đều ngay thẳng, tâm thanh tịnh tất cả đều thanh tịnh, tâm thiện tất cả đều thiện, đây mới là ngành khoa học quản lý quan trọng nhất.
Mỗi khi giáo hóa, Đức Phật luôn giảng nói về lợi ích của việc quản lý tâm. Cho nên có bài kệ rằng:
Phật giảng tất cả pháp,
Đối trị tất cả tâm
Nếu không tất cả tâm,
Cần gì tất cả pháp?
Con người chúng ta đều có tâm ích kỷ, nếu không quản lý tốt tâm ích kỷ, làm sao có khái niệm “thế giới là của chung” được đây? Không chỉ có tâm ích kỷ mà con người còn có tâm đố kỵ và tâm hoài nghi, nếu không quản tốt tâm đố kỵ, tâm hoài nghi thì làm sao có thể đối xử thật tâm với mọi người?
Ngoài ra, thành kiến, chấp trước, ngu si, keo kiệt, ngã mạn1 v.v, tất cả tâm xấu này đều là ma quái ở trong tâm ta. Cho nên nếu không gắng sức làm tốt việc quản lý tâm thì những bụi nhơ dơ bẩn sẽ bắt đầu bám vào trong tâm và vô số tật thói cũng từ đó mà sinh sôi. Như vậy thì sao có thể ra sức phục vụ mọi người? Sao có thể gánh vác trách nhiệm cứu độ nhân sinh được?
1 Ngã mạn cũng là hiểu sai, hoặc chấp vào có, hoặc chấp vào không, hoặc chấp về thường, hoặc chấp về đoạn.
Trong Phật pháp “tâm” của chúng ta được ví như khỉ vượn, trâu ngựa, giặc cướp, cho nên gọi là “tâm viên ý mã”, nghĩa là tâm của chúng ta giống như con khỉ, con vượn, chuyển động không ngừng; lại giống con trâu xổng chuồng, điên cuồng phá lúa mạ nhà người; lại giống như giặc cướp, không chỉ cướp đoạt tiền tài công đức của người khác mà còn làm tổn hại nhân duyên phúc đức của mình.
Ngạn ngữ có câu: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” tức người ở trên mà hư hỏng thì người dưới cũng hư hỏng theo. Cho nên nếu tâm không ngay thẳng thì sao có thể lãnh đạo mắt, tai, mũi, lưỡi, thân được chứ? Sao có thể khiến cho mắt, tai, mũi, lưỡi, thân trở thành “cấp dưới” thiện lương? Khi một người ngay cả thân tâm của chính mình cũng không quản nổi thì sao có thể quản đến việc của người khác?
Tâm của chúng ta cũng giống như là một nhà máy. Nhà máy tốt thì sản xuất ra sản phẩm tốt, nhà máy xấu thì chỉ tổ gây ô nhiễm môi trường. Quản lý nhà máy rất khó, quản lý tâm của mình càng khó hơn, nếu không có giới, định, tuệ, sao có thể quản lý tâm tốt được?
Tâm của chúng ta cũng giống như một vị vua. Vua mà nhân từ, biết quan tâm sẻ chia thì trăm họ được hưởng lợi ích còn vua mà bạo ngược vô đạo thì muôn người phải chịu khổ. Cho nên “tâm như người họa sĩ, có thể vẽ các vật”, quản lý tâm là ngành học khó để đạt đến thành tựu nhất trong tất cả các ngành học, nhưng nếu trong quá trình học có thể kết hợp cả Thiền và Tịnh thì lại là chuyện khác.
Quản lý tâm, đây là môn học không thể hòng dựa vào người khác mà cần phải dựa vào chính mình. Bạn phải bồi đắp cho cái tâm chân thật, tâm hiểu biết, tâm thương yêu, tâm tin tưởng, tâm kiên định, tâm trung thành v.v. trong mình càng thêm dồi dào, sau đó hãy dùng những tâm tốt, tâm thiện ấy để quản lý bản thân, quản lý hoàn cảnh, quản lý sự vật, quản lý đoàn thể. Bình thường chúng ta tham Thiền niệm Phật, sáng tối phản tỉnh, hỷ xả hành thiện, quên mình vì người, đều là vì để quản lý tâm cho tốt. Nếu không như vậy, thì làm sao bạn thi qua được môn “quản lý tâm”.