Xưa kia chúng ta lấy nông nghiệp làm gốc, cuộc sống nông thôn làm ruộng cũng cần có nhiều nhân lực tham gia, cho nên nhà nhà đều đông đúc nhân khẩu. Lại thêm con cái trưởng thành rồi vẫn sống cùng với cha mẹ mà không tách ra ở riêng, vì thế, đâu đâu cũng thấy những gia đình tam đại đồng đường1, thậm chí là ngũ đại đồng đường2. Đại gia đình sống chung, sớm tối sum vầy, ngày ngày quây quần như vậy nên vốn chẳng có cảnh “nhà vắng con cái”.
1 Tức gia đình có ba thế hệ cùng chung sống.
2 Tức gia đình có năm thế hệ cùng chung sống.
Còn nay, xã hội công nghiệp, mọi người đều tập trung về sống ở các thành phố lớn, lại thêm các chính sách kế hoạch hóa gia đình làm cho nhân khẩu trong mỗi một gia đình đều ít hẳn đi so với trước. Đến khi con cái lớn lên lại ra ngoài học hành lập nghiệp, giống như chim non ra ràng liền rời khỏi tổ, trong nhà đa số chỉ còn lại hai vợ chồng già. Cho nên “nhà vắng con cái” trở thành vấn đề mà phần lớn các bậc phụ huynh thời nay buộc phải đối mặt và thích ứng.
Người cha người mẹ bỗng nhiên thiếu vắng con cái bên cạnh, điều đầu tiên cần phải thích nghi là dám đối mặt với bầu không khí gia đình vắng vẻ và nỗi nhớ nhung con cái. Thật ra, đời người ly hợp vốn vô thường, có hợp ắt có tan, nên hãy bình thản đối diện hiện trạng này.
Ngày thường hãy rộng kết thiện duyên, chỉ cần bạn biết đường cư xử, người trong thiên hạ đều có thể trở thành con cái của bạn. Ngược lại nếu bạn không biết đối nhân xử thế, không chịu vun đắp mối quan hệ với con cái thì dù là con ruột của mình cuối cùng lại chẳng khác gì người dưng nước lã.
Do đó, chỉ cần bạn biết nghĩ thoáng ra thì nhà “trống” cũng là một chuyện tốt! Khi đó, bạn sẽ có thời gian hơn cho việc theo đuổi tín ngưỡng tâm linh, làm các việc công ích, tận hưởng những thú vui trong cuộc sống.
Những bậc cha mẹ đang còn trẻ tuổi đừng đợi đến lúc “nhà vắng con cái” rồi mới bị động ứng phó mà hãy chủ động chuẩn bị ngay từ bây giờ. Ví như hãy tự nuôi dưỡng các thú vui lành mạnh như đọc sách, vẽ tranh, nghe nhạc, đi du lịch, làm việc nghĩa, tham gia hội nhóm từ thiện, v.v. Chỉ có vậy trong tương lai mới có thể dám đối diện với sự hiu quạnh của cảnh nhà trống vắng.
Tôi cũng có một vài đề xuất dưới đây mời mọi người cùng tham khảo:
Thứ nhất: Khi con cái không ở bên cạnh, ngôi nhà trống vắng thì mời bạn bè đến nhà chơi sẽ có thể lấp đầy bầu không khí trống rỗng ấy.
Thứ hai: Khi con cái không ở bên cạnh, ngôi nhà trống vắng thì hãy đọc sách, bởi vì trong sách có con người, có sự việc và sách cũng có thể làm ta an lòng.
Thứ ba: Khi con cái không ở bên cạnh, ngôi nhà trống vắng thì hãy tìm kiếm niềm vui từ những hoạt động như viết chữ, trồng hoa, cắt cỏ, nuôi thú cưng, v.v. để biến ngôi nhà trống vắng thành nơi vui vẻ.
Thứ tư: Khi con cái không ở bên cạnh, ngôi nhà trống vắng thì nên tham gia vào các hoạt động công ích của xã hội, như đến cô nhi viện làm người mẹ yêu thương, đến bệnh viện chăm nom người bệnh cô đơn, đến chùa để rộng kết duyên lành với Phật tử mọi nơi.
Thứ năm: Khi con cái không ở bên cạnh, ngôi nhà trống vắng hãy tụng kinh, niệm Phật, dùng sự tu tập để thay thế việc đoàn tụ gia đình. Như Duy Ma Cật kinh có nói: “Lấy pháp hỷ làm vợ, lấy tâm thành thật làm con cái, dùng tứ thiền1 làm giường ghế, dùng vị giải thoát làm thức ăn”.
1 Tứ thiền (catvāri dhyānāni) là bốn phương pháp thiền định trong tu tập gồm có Nhất thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền nhằm đối trị các lậu hoặc và cũng để sinh ra các công đức.
Chỉ cần bạn biết nhìn nhận đúng đắn, biết tạo niềm vui cho bản thân, thì ngôi nhà tuy trống nhưng cuộc sống không hề vắng vậy.