Triết gia Phương Đông Mỹ1, trong một lần bị đuối nước, lúc đang vùng vẫy để ngoi lên, bỗng nhiên ông nghĩ: “Mình là triết gia, đối mặt với chuyện sinh tử, sao lại hoang mang sợ hãi như vậy chứ?”. Sau đó, ông dần bình tĩnh lại, thả lỏng cơ thể theo sức đẩy của nước, thế rồi người ông nổi dần lên và thoát chết. Điều này chứng tỏ, nếu chúng ta có niềm tin với bản thân, chắc chắn sẽ sinh ra sức mạnh.
1 Phương Đông Mỹ còn gọi Thomé H. Fang (1899 - 1977), triết gia người Hoa, tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học lớn trên thế giới.
Niềm tin chính là kho báu trong nội tâm chúng ta, chỉ cần trong tâm chúng ta có sự tin tưởng thì sẽ sinh ra lòng tin. Khi trong tâm chúng ta có lòng tin thì sẽ tạo ra một nguồn năng lượng bất tận, khơi mãi không hết, dùng mãi không cạn.
Thế mà con người thời nay thường chỉ biết tìm nguồn năng lượng từ bên ngoài, trong khi tài nguyên vật chất bên ngoài dù có phong phú thế nào cũng sẽ có ngày cạn kiệt. Bằng chứng là lâu nay các nước trên thế giới đều cắt cử chuyên gia đi khắp nơi dò tìm nguồn năng lượng mới để thay thế cho những nguồn năng lượng cũ đang ngày một cạn kiệt.
Kì thật, mỗi người chúng ta đều là những chuyên gia khai thác năng lượng. Chỉ cần chúng ta biết “trở về xem xét và tìm cầu chính nơi bản thân mình” và biết khai thác kho báu của lòng tin nằm trong nội tâm của chính mình, thì cuộc đời chúng ta tự nhiên sẽ trở nên phong phú, tràn ngập những nguồn năng lượng tích cực.
Niềm tin tuyệt đối, nghĩa là đối với chân lý bạn phải có sự tin tưởng vững chắc không lay chuyển, lĩnh hội và thực hành theo, đối với những đạo lý đã nghe đã hiểu thì không còn sinh lòng nghi ngờ. Chính ngay khi bạn có niềm tin tuyệt đối, thân tâm của bạn sẽ đạt được sự an định và niềm tin sẽ sinh ra nguồn năng lượng vô biên.
Như có bà lão nọ, một lòng chí thành tụng niệm Thần chú lục tự đại minh tuy bà vô tình niệm sai một chữ nhưng vì tin sâu không chút nghi ngờ nên bà có thể khiến cho những hạt đậu đang dùng để đếm lượt niệm chú có thể tự động nhảy tới đúng vị trí1, đây chính là sức mạnh của niềm tin vậy.
1 Tham khảo thêm sự tích: Tương truyền ở Tây Khương sát với Tây Tạng, có một bà lão chồng con đều chết sớm bỏ lại mình bà sống cô độc, bà lão cảm thấy có lẽ nghiệp chướng của bản thân quá nặng nên muốn sám hối. May thay, có người Phật tử gặp được bà, truyền cho bà câu thần chú “Án ma ni bát di hồng” và nói tin tụng thần chú này sẽ giúp giải trừ nghiệp chướng, nhưng vì lãng tai, bà lão nghe nhầm câu thần chú thành “Án ma ni bát di ngưu” nên vẫn luôn tụng theo thế. Mỗi lần tụng thần chú này, bà lão lại bày ra hai cái bát, một bát đựng đầy đậu, một bát để không. Mỗi khi tụng xong một câu chú bà lão lại nhặt một hạt đậu từ bát đậu bỏ sang cái bát không, khi nào cái bát không đầy thì bà lão lại chuyển đậu về bát đậu cũ. Bà lão thành tâm tụng chú như vậy suốt 30 năm ròng, lòng thành của bà lão ứng hiện nên về sau các hạt đậu tự động nhảy từ bát đậu sang bát không. Sau đó có vị Đại sư vô tình ngang qua, sửa lại giúp bà lão câu thần chú đúng, bà lão vì sợ công lao tụng niệm 30 năm qua của mình hóa công cốc, nên khi tụng chú đã phân tâm, làm cho hạt đậu không tự nhảy sang nữa. Sau đó vị Đại sư đoán biết bản thân đã khiến bà lão phân tâm nên lại trở lại trấn an bà lão. Bà lão lại chú tâm và tin tưởng niệm câu chú sai, và hạt đậu lại tự động di chuyển từ bát nọ sang bát kia như cũ.
Niềm tin có liên quan mật thiết đến cuộc sống của chúng ta. Cho nên, có nhiều danh từ, thuật ngữ đã được sử dụng để ấn chứng niềm tin như: Tín niệm, Tín phục, Tín nhiệm, Tín phụng, Tín thủ, Tín hạnh, Tín lại, Tín dự, Tín nghĩa, Tín thí, Tín giải, Tín nguyện, Tín điều, Tín vật, Tín thác, thẻ Tín dụng, thư Tín dụng v.v. Thậm chí trong loài chim cũng có chim “tín thiên ông”1, thế giới tự nhiên cũng có triều tín2, hoa tín3 v.v. Trước kia, Phật giáo lấy y bát để làm tín vật, hoàng đế lấy ngọc tỷ làm tín vật, bậc quân tử lấy danh dự làm niềm tin, bạn bè lấy phẩm hạnh làm niềm tin.
1 Chim hải âu lớn.
2 Nước thủy triều.
3 Tín hiệu báo việc hoa nở.
Làm người phải giữ chữ tín, càng phải có niềm tin. Nếu người có niềm tin, đối với mọi việc trước sau đều giữ vững niềm tin không thay đổi, thì lo gì việc làm không thành chứ? Như Đại sư Tăng Xán có viết trong tác phẩm Tín tâm minh: “Thành tựu Phật đạo không khó, chỉ sợ còn phân biệt, chọn lựa, dao động”.
Có lòng tin thì mọi vọng tưởng như đối lập, sai khác, đúng sai, được mất đều được dứt sạch, liền có thể an trú trong cảnh giới tự tại bình đẳng. Hoa Nghiêm kinh dạy rằng: “Lòng tin là mẹ sinh ra các công đức, nuôi lớn hết thảy mọi căn lành”. Nếu như chẳng có chút lòng tin nào với chân lý, làm sao có thể khế nhập vào con đường của chư Phật đây?
Lúc bạn gặp thất bại, lòng tin chính là ngọn lửa soi chiếu cho con đường trước mặt bạn, khi bạn đang lạc đường trong đêm tối, lòng tin chính là ánh sáng phá tan màn đêm. Trong bài hát Tín tâm môn của Phật Quang Sơn chúng tôi có đoạn như thế này: “Tiền tài trên thế gian, phải dùng bàn tay của lòng tin để nắm giữ; đại dương mênh mông, phải dùng con thuyền của lòng tin để vượt qua. Để cây trái sum suê, phải dùng gốc rễ của lòng tin mà nuôi dưỡng; muốn có kho báu vô tận, phải bước qua cánh cửa lòng tin mới vào được. Có lòng tin ắt có hy vọng, có lòng tin sẽ có sức mạnh. Lòng tin là cội nguồn của công đức, lòng tin là người mẹ của trí tuệ, trong cánh cửa lòng tin có kho báu vô tận”.
Kẻ thù lớn nhất của đời người chính là tự thân chúng ta! Thiếu lòng tin với bản thân là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại. Người có lòng tin, không những sự nghiệp thế gian được thành công, mà quả vị Phật xuất thế gian cũng có thể đạt đến. Vậy trên thế gian còn có kho báu nào đáng quý hơn lòng tin không?