Muốn biết nhân đời trước,
Xem phúc báo đời này;
Muốn biết quả đời sau,
Xem việc làm hiện tại.
Đối mặt với bí ẩn của cuộc đời, có người hồi tưởng về đời quá khứ, rốt cuộc mình đã làm những gì? Cũng có người vọng tưởng đến đời sau, không biết rồi sau sẽ ra sao? Cũng lại có người oán than đời này biết bao điều không như ý muốn. Kỳ thật, lúc mê thì không hiểu, nhưng khi đã ngộ thì sẽ thông suốt, cũng như Tam thế nhân quả kinh dạy rằng:
Muốn biết nhân đời trước,
Xem phúc báo đời này;
Muốn biết quả đời sau,
Xem việc làm hiện tại.
Soi xưa mà biết nay, do nay rõ đời sau, đây chẳng phải là “cuộc sống ba đời, một bài kệ thấu rõ” hay sao?
“Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”, nhân quả tuần hoàn, rõ ràng minh bạch, vậy mà lại có nhiều người hiểu sai về nhân quả, là tại vì sao? Lý do cũng bởi có người làm vô số điều ác, nhưng sống một đời vinh hoa phú quý; có người thiện lương đạo đức, nhưng lại cứ nghèo cùng khốn khổ. “Thiện không có quả báo lành, ác không có quả báo xấu”, như thế “nhân quả” ở đâu? “Nhân quả” như thế, làm sao khiến người ta tin phục được chứ?
Bởi vì nhân quả là thông suốt cả ba đời (quá khứ, hiện tại và vị lai), vì thế bạn không thể chỉ nhìn nhân quả ở một mốc thời gian cụ thể nào. Đạo lý này rất dễ hiểu, giả như, có một người trước kia gửi rất nhiều tiền tiết kiệm vào ngân hàng, tuy bây giờ làm ác phạm pháp, nhưng bạn có thể không cho phép anh ta dùng đến khoản tiền đã gửi ấy sao? Và nếu có người xưa kia mắc nợ quá nhiều, tuy nay làm người hiền lành, nhưng nợ thì phải trả đây là điều hiển nhiên, chẳng lẽ đời nay anh ta tu dưỡng đạo đức thì không cần phải trả nợ hay sao?
Nhân quả thiện ác, có thể trả trong một đời này, có thể trả trong đời sau thậm chí là nhiều đời sau nữa. Đời nay bạn làm điều thiện hay làm việc ác, không phải không có quả báo, chỉ là chưa đến lúc mà thôi!
Vả lại, nhân quả cũng có nguyên lý của nhân quả, ví như khỏe mạnh có nhân quả của khỏe mạnh, bạn muốn khỏe mạnh thì phải gìn giữ thân tâm vui vẻ, phải sống một đời sống thuận theo tự nhiên, phải có thói quen bảo vệ sức khỏe, nếu không làm theo những điều này mà lại vọng tưởng rằng cứ niệm Phật, làm thiện sẽ được khỏe mạnh, như vậy là không phù hợp với nguyên lý “nhân thế nào thì chiêu cảm quả như thế ấy”.
Cho nên, bạn muốn phát tài, phải siêng năng lao động. Bạn muốn có danh tiếng tốt, phải có nhân cách đạo đức tốt. Và nên biết rằng, khỏe mạnh có nhân quả của khỏe mạnh, đạo đức có nhân quả của đạo đức, kinh tế có nhân quả của kinh tế, tín ngưỡng có nhân quả của tín ngưỡng, chúng ta không thể khiến nhân quả lộn xộn được.
Giữa nhân và quả còn có một cái gọi là “duyên”, nhân quả là thứ chẳng thể thay đổi được, nhưng do có sự tham gia của “duyên” nên mối quan hệ giữa nhân và quả liền có sự thay đổi. Như sự sinh trưởng của một cái cây, hạt giống của nó quyết định quả nó chua ngọt, lớn bé. Nhưng điều kiện tốt xấu của các “duyên” phụ trợ như ánh sáng, không khí, phân bón, nước, đất v.v. đều có thể ảnh hưởng đến chất lượng của quả. Do đó “nhân duyên quả báo” phải thật tin là có vậy!
Cuộc đời của chúng ta, nếu lùi về đời quá khứ, có thể nói là từ “vô thủy”1 mà đến; nếu ngưỡng vọng đến tương lai, có thể nói là vô cùng vô tận. Chúng ta cứ mãi sinh rồi diệt, diệt rồi sinh, nghiệp báo cũng theo mãi bên ta từ quá khứ, đến hiện tại rồi cả đến vị lai. Cái được mất hay sự vinh nhục của chúng ta ở đời này, đều có liên quan đến đời trước và đời sau, nhân quả thật sự chẳng hề lệch đi một ti một tích nào.
1 Tức không có điểm bắt đầu.