Con người sinh hoạt trong tập thể, vì thế phải sống sao để được mọi người chào đón? Điều đầu tiên bạn phải làm được, đó là bất kỳ việc gì đều không nên chấp vào cái thấy biết của mình và cũng không nên nhìn nhận theo ý nghĩ chủ quan của bản thân. Đối với quan điểm và cách làm của người khác thì không nên một mực bác bỏ, nếu có gặp phải việc gì thì nên đứng ở vị trí của đối phương mà suy nghĩ. Có như vậy, chúng ta mới không bị mọi người xa lánh, thậm chí còn trở thành người có sức ảnh hưởng nhất định trong lòng mọi người.
“Hằng thuận chúng sinh”1 là một trong mười lời nguyện của Bồ tát Phổ Hiền, chính là phải tôn trọng ý kiến của mọi người, cũng chính là “không trái ý người” vậy.
1 Tức lời nguyện thứ 9 của Bồ tát Phổ Hiền.
“Không trái ý người” không phải là thuận theo những sở thích, ý muốn của mọi người một cách mù quáng, cũng không phải nịnh hót người khác một cách giả tạo. Mà “không trái ý người” là dùng từ bi để đối nhân, là dùng trí tuệ để xử thế, là khéo léo dung hòa mối quan hệ giữa người với người, là phương tiện để gieo duyên lành đến mọi người.
Tinh thần “tùy theo loài mà hiện thân, chung sự nghiệp để hóa độ” của Phật giáo và tư tưởng “giáo dục không phân biệt, dạy bảo theo năng lực” của nhà Nho, đều là dùng từ bi và trí tuệ để giáo hóa con người. Chỉ khi “không trái ý người” thì mới có thể “theo căn cơ mà thuyết pháp”, mới có thể “quán căn cơ mà đưa người vào đạo”.
Trong sự tìm cầu điều chân thật, thiện lương và tốt đẹp, thì “không trái ý người” chính là biết lắng nghe lời phải, không cứng nhắc. Người có tính cách “không trái ý người”, thì chắc chắn sẽ vui vẻ giúp đỡ người khác, không những mọi việc đều OK, mà cũng chẳng dễ dàng nói từ NO, cho dù có từ chối, thì cũng tìm cách khác để giúp đỡ.
“Không trái ý người” chính là tôn trọng, khoan dung đối với tất cả mọi người. Trong cuộc sống, con cái không trái ý cha mẹ, chính là hiếu thuận; cha mẹ không trái ý con cái, chính là văn minh; cấp dưới không trái ý cấp trên, chính là phục tùng; cấp trên không trái ý người dưới, chính là tôn trọng; bạn bè không trái ý nhau, chính là tri kỷ. Bạn nên học cách “không trái ý người” để có thể cùng nhau chung sống yên ổn, mọi việc được thuận lợi.
Thời nay, mọi người thường hay tỏ thái độ phản đối người khác, cần phải lấy tinh thần “không trái ý người” để tu dưỡng bản thân. “Không trái ý người” chính là sự tu dưỡng cao quý nhất, là phẩm hạnh cao thượng nhất.
Trong mười vị đại đệ tử của Đức Phật, Tôn giả Tu Bồ Đề là bậc “Giải không đệ nhất”1, ngài vô cùng tôn kính và vâng lời Đức Phật, có thể nói là nếu Đức Phật “muốn ngài đứng, ngài sẽ không ngồi; muốn ngài ngồi, ngài tuyệt đối không đứng”. Hay là, trong kiếp quá khứ lúc Đức Phật đang tu hạnh bố thí, ngài là thái tử Tu Đại Noa, ngài đã phát nguyện: “Nếu dân chúng có mong cầu điều gì, bất kể là y phục, ăn uống, vàng bạc, châu báu, xe ngựa, nhà cửa, ruộng vườn... thì đều đem cho hết thảy”, thế nên thế gian cũng gọi ngài là “Thái tử Thiện Thí”.
1 Tôn giả Tu Bồ Đề nhận thức sâu sắc về không tính của các pháp, hiểu thấu đáo không lý và thật chứng không trí, bởi thế ngài được tôn xưng là bậc “Giải không đệ nhất”.
Ngoài ra, còn có cách ứng xử của các vị Thiền sư, như: “Người nhổ vào mặt ta thì ta để mặc nước bọt tự khô đi; Người mắng ta thì ta xem như là người đang khen ta; người đánh ta thì ta xem như là người đang gãi ngứa cho ta”. Tất cả những điều này, không phải là chuyện mà một người bình thường có thể làm được.
Người mà “không trái ý người” thì dù làm việc gì cũng có được thành tựu, còn người mà “làm trái ý người” thì làm việc gì cũng chẳng có ai đến giúp. Quan chức nếu có thể “lấy mong muốn của dân làm mong muốn của mình”, thì đó là lãnh đạo có tâm và sẽ được nhân dân yêu kính.
Người tu đạo cũng thế, nếu trong tâm lúc nào cũng “mong cho chúng sinh hết khổ đau, không cầu an lạc cho chính mình”, thì tất đó là hành giả có đạo hạnh, chắc chắn đạo nghiệp sẽ có thể thành tựu vậy!
“Không trái ý người”, quả thật là tu dưỡng và trí tuệ tối cao để đối nhân xử thế!