Thời xưa, phụ nữ trong các gia đình nông dân thường đặt cỏ thơm vào trong tủ quần áo chính là vì muốn cho áo quần được thấm đượm mùi hương. Áo quần từ không có mùi thơm, thành áo quần đượm mùi thơm, đây chính là sức mạnh của “huân tập”. Cho nên nghĩa đầu tiên của “huân tập” là xông ướp mùi thơm. Sau đó mở rộng ra “huân tập” còn là làm việc gì đó nhiều lần lâu dần thành thói quen.
“Huân tập” là một loại sức cảm hoá, cũng là một loại sức ảnh hưởng. Trong Tam tự kinh có câu: “Nhân chi sơ, tính bản thiện; tính tương cận, tập tương viễn” nghĩa là bản tính con người khi sinh ra vốn lương thiện, nhưng do bị huân nhiễm những thói quen xấu, nên bản tính cũng bị thay đổi đi. Dân gian nói rằng: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, “học phải đi đôi với hành”, đây cũng là sức mạnh của sự “huân tập”.
Chủ trương của Phật giáo là: “Siêng năng học rộng, nghe nhiều giáo pháp”, và “tinh tấn huân tu những điều đức hạnh”. Trong quá trình tu dưỡng phẩm chất đạo đức, ngoài việc học theo những lời răn dạy (ngôn giáo), những hành vi cử chỉ (thân giáo) của các bậc thánh hiền, cha mẹ, thầy cô và huynh trưởng ra, thì hoàn cảnh môi trường sống (cảnh giáo) cũng rất quan trọng.
Ở lâu trong một hoàn cảnh thì tính tình của một con người sẽ dần bị thay đổi lúc nào không hay, đây cũng giống như là đi trong sương lâu ngày ướt áo. Thành ngữ xưa có câu “quất hóa thành quýt”, nghĩa là cây quất ngọt trồng ở vùng Hoài Nam1 mà đem sang vùng Hoài Bắc2 trồng thì trở thành quýt chua. Cũng như giai thoại mẹ Mạnh Tử phải ba lần chuyển nhà để tạo môi trường học tốt nhất cho con, nhờ đó thế gian mới có một vị á thánh nhân3 như vậy. Tất cả đều cho thấy sức mạnh của sự huân tập ảnh hưởng từ môi trường xung quanh là chẳng thể xem thường.
1 Khu vực miền trung tỉnh An Huy, Trung Quốc.
2 Khu vực miền bắc tỉnh An Huy, Trung Quốc.
3 Khổng Tử được tôn là thánh nhân, á thánh nhân là thấp hơn Khổng Tử một bậc.
Huân tập chính là thông qua sự tiếp xúc giữa các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý với cảnh giới bên ngoài, tức là khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý suy nghĩ mà tạo thành cái thấy biết, thái độ tâm lý, cảm xúc khác nhau. Những hạt giống này sẽ được gieo trồng trong ruộng tám thức1, đợi nhân duyên chín mùi, sẽ hiện ra bên ngoài, trở thành một loại quán tính thể hiện qua lời nói, hành động và cử chỉ, cho nên gọi là “tập quán” và cũng còn gọi là “tập khí”.
1 Tám thức (bát thức): Nghĩa là, tám hình thái khác nhau của cái biết, cái ta nhận thức được. Gồm: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, Mạt-na thức và A-lại-da thức.
Tập khí cũng giống như một chiếc bình đã đựng qua nước hoa, dù nước hoa đã dùng hết, nhưng hương thơm trong bình vẫn ngào ngạt không dứt. Tập khí cũng giống như hạt giống, dù hoa nở rồi lại tàn, nhưng chỉ cần đã từng kết trái và lưu lại hạt giống thì sẽ có một sinh mệnh mới bắt đầu.
Thế nên, Phật giáo có câu “lưu tập nhuận sinh”, nghĩa là chư Bồ tát vì lòng từ bi rộng lớn muốn cứu giúp hết thảy chúng sinh được thoát khỏi khổ đau, nên đã lưu lại chút tập khí, để chúng sinh thấy mình và Bồ tát không có khoảng cách cao xa, vì thế chư Bồ tát dễ dàng khuyên bảo họ.
Trong kinh cũng lại có câu: “Phiền não dễ đổi, tập khí khó trừ”. Ví như, có vị tuy đã chứng đắc quả vị A La Hán, nhưng bởi vì nhiều kiếp trước đã làm thân người nữ, nên đời nay khi thấy gương thì liền không kìm được lòng mà thích soi. Thậm chí ngay cả Tôn giả Đại Ca Diếp là bậc “khổ hạnh bậc nhất”, dù luôn gìn giữ giới luật, nhưng khi nghe tiếng đàn Càn Thát Bà1 hiến cúng âm nhạc cho Đức Phật, tôn giả liền đứng dậy nhảy múa, đây cũng là vì nghiệp lực đời trước còn sót lại.
1 Càn Thát Bà: Là vị Nhạc Thần chuyên việc tấu nhạc ca hát, vị thần này không ăn rượu thịt, chỉ tìm hương thơm làm thức ăn.
Có một nhà điêu khắc nọ, suốt một thời gian dài anh ta miệt mài tạc tượng quỷ La Sát, dần dần tướng mạo anh ta cũng biến thành đáng sợ giống quỷ La Sát vậy. Sau đó anh ta đổi sang tạc tượng Phật, không bao lâu sau gương mặt anh ta lại trở nên hiền hòa từ bi.
Lại có hai bà hàng cá kia, ngày ngày bán cá ngoài chợ, đến một hôm, hai người đi thu mua cá ở xa không kịp về nhà nên đành phải thuê khách sạn nghỉ lại. Trong phòng khách sạn hương thơm sực nức, ngửi không quen được, nên hai bà hàng cá cả đêm chẳng thể chợp mắt. Cuối cùng phải đợi khi lấy sọt cá ra, nhờ mùi tanh của cá mà cả hai mới có thể chìm vào giấc ngủ được.
Hai câu chuyện này, chính là để nói lên sức mạnh của sự huân tập.
Nếu bạn đã biết về sức mạnh của sự “huân tập” thì phải thường xuyên nhắc nhở chính mình: Nên nuôi dưỡng thói quen tốt, nên thường ngẫm nghĩ đến những việc thiện, những câu chuyện hay, những con người tốt. Như thế, bạn mới có thể lưu lại hạt giống của sự thiện lương và khi bạn đã có hạt giống thì còn lo gì không gặt được quả thiện?