“Qua cầu rút ván” là câu tục ngữ nói về người vô ơn bội nghĩa với ân nhân đã giúp đỡ mình những lúc khó khăn hoạn nạn, thành danh rồi liền quên hết ơn xưa, không biết đền ơn báo nghĩa. Còn nếu chúng ta biết làm theo câu tục ngữ “qua sông phải nhớ lạy cầu”, thì chính là đã biết nhớ ơn và báo ơn, biết báo đáp xứng đáng cho những người giúp đỡ mình.
Lúc bạn đi dưới trời nắng gắt, nếu gặp được bóng cây để nghỉ mát thì phải nên “cảm ơn” người đã trồng cây để hôm nay chúng ta được hưởng bóng mát; còn khi nhắc đến những thuần phong mỹ tục quê mình có được ngày nay, thì nên nhớ đến sự hy sinh cao cả và những thành tựu của các bậc tiền nhân.
Bởi nhờ có tiền nhân đi trước gieo trồng hạt giống, nên giờ đây chúng ta mới có may mắn thu hoạch hoa trái. Nếu không có người công nhân chịu cảnh vất vả để sửa chữa những đoạn đường hư hỏng, thì đâu đâu cũng là những đoạn đường đầy ổ voi ổ gà, như thế chúng ta đi đường sẽ rất dễ gặp tai nạn! Còn nếu không có người nông dân chịu cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để cày cấy và thu hoạch thì chúng ta sao có đủ cơm ăn áo mặc?
Cuộc đời mỗi con người, ai ai cũng đều nhờ vào những đóng góp của tất cả mọi người trong xã hội mới có thể tồn tại. Cho nên chúng ta phải biết “cảm ơn”, biết cống hiến sức mình cho xã hội.
Vì sao chúng ta phải đề xướng hiếu đạo? Chính là để cảm ơn sự vất vả, khó nhọc của bố mẹ đã sinh ra và nuôi dưỡng ta. Vì sao nên đóng góp tiền của và sức lực vào những việc làm có ích cho xã hội? Bởi để cảm ơn bác sĩ đã chữa bệnh cứu sống ta, cảm ơn thầy cô giáo đã dạy dỗ ta nên người!
Nhà gặp hỏa hoạn, nhờ có đội lính cứu hỏa cấp tốc chạy đến chữa cháy, cho nên những nhà hảo tâm quyên tặng dụng cụ chữa cháy, đây chính là hành động cảm ơn sự vất vả của những người lính cứu hỏa, nếu không có họ thì chúng ta sao có thể sống an ổn? Tất cả đều là để nói lên đạo lý “qua sông phải nhớ lạy cầu”.
Có một tỷ phú nọ, xây xong căn biệt thự khang trang, liền cho bày tiệc mời bà con họ hàng đến chung vui. Lúc mời khách vào bàn tiệc, tỷ phú này liền mời kiến trúc sư và đội thợ xây ngồi ở bàn trên, còn những người con của ông thì ngồi ở bàn dưới. Thấy mọi người lấy làm khó hiểu, vị tỷ phú liền giải thích rằng: “Bởi đó là những người xây dựng nên ngôi nhà, nên họ xứng đáng được ngồi bàn trên. Còn con cái tôi tương lai sẽ là người bán ngôi nhà này, nên phải ngồi ở bàn dưới”.
Uống nước phải nhớ nguồn hoặc như người nào có ân với ta ta phải tận lực báo đáp ân tình, làm được như thế thì khi chúng ta gặp khó khăn mới có người đến giúp. Người xưa rất coi trọng ân tình nên có thể “vì tri kỷ mà chết” thậm chí vì báo đáp ân tình mà “kết cỏ ngậm vành”1.
1 “Kết cỏ ngậm vành” xuất phát từ hai điển tích khác nhau: “Kết cỏ” là chuyện tướng Nguỵ Khoả thời Xuân Thu không bắt người thiếp yêu của cha phải chôn cùng cha như di huấn trước khi mất của cha mình. Sau Ngụy Khỏa làm tướng đi đánh nước Tần, gặp tướng Tần là Đỗ Hồi khỏe mạnh có tiếng, đang lúc đánh nhau, tự nhiên ngựa của Đỗ Hồi vấp phải đám cỏ mà ngã, bị Ngụy Khỏa bắt được. Đêm về, Ngụy Khỏa nằm mộng thấy một ông già đến nói rằng: “Tôi là cha người thiếp kia, cảm ơn ông tha cho con gái tôi nên tôi kết cỏ quấn chân ngựa của Đỗ Hồi cho nó ngã vấp để báo ơn”. Còn “ngậm vành” là chuyện về cậu bé Dương Bảo thời Đông Hán. Một hôm, khi đang đi chơi trong rừng, Dương Bảo gặp thấy một con chim sẻ vàng bị thương nặng. Dương Bảo đưa chim về chăm sóc đến khi mạnh khoẻ hẳn thì thả cho bay đi. Đêm ấy có một đồng tử mặc áo vàng đến tặng bốn chiếc vòng và nói rằng: “Ta là sứ giả của Tây Vương Mẫu may được cậu cứu mạng, xin cảm tạ đại ân”.
Trong lịch sử không thiếu những chuyện “nhận ơn một giọt báo ơn một dòng” ví như Gia Cát Lượng vì báo đáp ân tình của Lưu Bị mà hết lòng phò tá ấu chúa Lưu Thiện, tận tâm tận lực đến chết mới thôi. Tề Văn Công vì cảm nhớ công ơn, đức hạnh của Giới Tử Thôi mà đặt ra Tết Hàn Thực1. Ngũ Tử Tư vì trả ơn cứu mạng của ông lão đánh cá mà lui binh không đánh nước Trịnh. Hàn Tín từng được bà lão giặt quần áo ở sông cho cơm ăn, sau khi thành danh, liền quay lại tặng cho bà lão ngàn lượng vàng để trả ơn.
1 Đời Xuân Thu, Tấn Văn Công vì gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, được Giới Tử Thôi theo phò suốt 19 năm, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Về sau, vua lấy lại được nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người khác, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Khi Tấn Văn Công nhớ ra, cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải đi ra, nhưng Giới Tử Thôi nhất định không chịu đi ra, rốt cục cả hai mẹ con Giới Tử Thôi đều chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh nhân dân cả nước không nổi lửa vào ngày mồng ba tháng ba âm lịch hàng năm để tưởng nhớ, đây chính là nguồn gốc của Tết Hàn Thực ở Trung Quốc.
Nếu bạn không có lòng biết ơn, điều đó cho thấy nội tâm bạn nghèo nàn ích kỷ. Còn nếu bạn là người biết báo đáp ân nghĩa, biết hài lòng với những gì mình đang có thì của báu có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi.
Biết cảm ơn và biết làm điều thiện thì bạn sống trên đời mới tràn đầy ý nghĩa. Còn trong việc đối nhân xử thế, nếu bạn là người luôn có tâm biết ơn, thì dù cho có gặp việc không may cũng có thể chuyển hóa thành tốt.
Vậy nên, con người cùng sống chung với nhau trong xã hội này, nếu chúng ta luôn luôn dùng tâm yêu thương, tâm biết ơn mà cư xử với nhau, thì tự nhiên lòng hận thù, đố kỵ, thị phi, phiền não sẽ không còn nữa. Và nếu có thể giữ mãi được tâm biết ơn thì nhân cách đạo đức sẽ thêm lớn, tính tình sẽ thay đổi, cuộc sống tự nhiên sẽ hài hòa và hạnh phúc tròn đầy.