Trong xã hội, có bao nhiêu người phát tâm từ bi để làm những việc thiện như giúp đỡ người tàn tật v.v. tôi đều tùy hỷ1 và khen ngợi những việc làm đó. Trong xã hội, có bao nhiêu người dốc lòng xây dựng đất nước, lập nên công trạng và sự nghiệp, tôi cũng đều tùy hỷ và khen ngợi. Tùy hỷ thật là một hành động đẹp đẽ mà còn có phúc đức nữa!
1 Tiếng nhà Phật, tùy hỷ là vui theo niềm vui của người khác, bày tỏ thái độ hân hoan khi nghe người khác thành công, khi nghe người khác làm việc thiện v.v.
Làm việc tốt và nói lời hay, hai điều này dù tôi chưa làm được, nhưng mà bạn đã làm được, bạn đã nói lời hay, đã làm việc tốt, thì tôi vô cùng vui mừng và tùy hỷ ca ngợi việc làm của bạn. Đức Phật có dạy: “Người đích thân làm thiện và người có tâm tùy hỷ với việc thiện đó thì công đức của hai người bằng nhau”. Cho nên có thể thấy rằng, việc dùng tâm tùy hỷ để đối nhân xử thế là vô cùng quan trọng trong cuộc sống.
Đáng tiếc là trong xã hội hiện nay, số lượng người có tâm tùy hỷ là vô cùng ít, đa số chỉ thích vui cười trên nỗi đau của người khác, phần nhiều là không chịu tuỳ hỷ. Thấy người khác làm việc hữu ích đã không sinh tâm tùy hỷ lại còn ganh ghét đố kỵ.
Ví dụ lúc bạn giàu có, bạn đem tiền đi giúp đỡ những người tàn tật neo đơn, thế nhưng người khác lại chê trách bạn giúp chưa đủ nhiều, chê bai bạn “giàu mà ki bo”. Còn lúc bạn eo hẹp tiền tài nhưng vẫn tích cực đóng góp cho các việc thiện nguyện, lại bị người khác chỉ trích “đã nghèo còn làm ra vẻ”.
Vì sao vậy? Bởi vì xã hội không nuôi dưỡng thói quen “tùy hỷ” với những việc tốt của người, nên đi đến đâu cũng tự ý chê trách, tùy tiện o ép người khác. Một xã hội như thế thì nơi nào có người tốt việc hay đây?!
Trong xã hội không có tâm tùy hỷ, nếu bạn tốt, bạn giỏi, bạn vĩ đại, bạn giàu có, thì tôi sẽ đố kỵ với bạn. Còn nếu bạn nghèo, bạn khổ, bạn ngốc nghếch, bạn khờ dại, thì tôi sẽ coi khinh bạn.
Bạn không làm điều thiện nhưng khi tôi làm điều thiện thì bạn lại chê trách tôi không đúng. Còn tôi dùng lòng nhân từ để đối xử với mọi người, bạn không thể nhân từ, nhưng lại còn đi nói lòng từ bi của tôi chưa đủ.
Nên dẫu cho chúng ta làm gì đi nữa họ đều sẽ vu khống nói xấu, chỉ trích chúng ta mà thôi! Bởi thế, có người không thể chịu nổi mà vặn lại: “Bạn mong muốn có một thế giới tốt đẹp, nhưng bạn không làm, người kia không làm, mọi người đều không làm, chẳng lẽ bạn muốn mọi người cùng chết chung hay sao?”.
Đất nước có phát triển, xã hội có văn minh được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc chúng ta có dưỡng rèn được tâm “tùy hỷ” này hay không vậy. Nếu bạn muốn đứng ra ứng cử chức đại biểu hội đồng nhân dân vì phục vụ công chúng, thì tôi rất tùy hỷ bỏ cho bạn một phiếu ủng hộ.
Và nếu bạn thành lập công ty nhằm giúp người nghèo khổ có việc làm, thì tôi cũng vui vẻ tùy hỷ và ủng hộ bạn. Bạn làm báo, tôi tùy hỷ và đặt mua báo in làm ra; bạn làm trong đài truyền hình, thì tôi tùy hỷ thưởng thức tiết mục bạn sản xuất. Bạn làm cầu sửa đường, tôi cũng tùy hỷ làm thiện nguyện viên, chung sức để làm việc thiện. Bạn cứu giúp người nghèo khổ cô đơn, tôi cũng tùy hỷ ra sức tuyên dương việc bạn làm, để những việc thiện được thành tựu. Sự tuyệt diệu trong thế giới tùy hỷ là không gì có thể so sánh được.
Do đó, từ nay trở đi hy vọng mọi người trong xã hội đều có thể tùy hỷ nói ra những lời hay, làm những việc tốt và đối với những hành động việc làm có ích cho xã hội thì hãy nên tùy hỷ tham gia cũng như nhiệt tình ủng hộ. Nếu như tất cả mọi người trong xã hội đều có thể nuôi dưỡng và phát huy được tâm tùy hỷ, thì sẽ làm cho đất nước dần thêm hòa bình thịnh vượng, đây chẳng phải là phúc của nhân dân sao!