Năm 2000, khi tia sáng đầu tiên của thiên niên kỷ thứ II chiếu sáng mọi ngóc ngách trong sự mong chờ háo hức suốt đêm của người dân trên toàn thế giới. Khi mặt trời cao muôn trượng của thiên niên kỷ mới vừa mọc lên, xuyên qua những đám mây đen chiếu rọi xuống mặt đất, con người được tắm mình trong ánh sáng ấy đều tràn ngập niềm vui sướng, ai ai cũng có thể cảm nhận được ánh sáng của bình minh thiên niên kỷ mới đang chiếu vào tâm hồn mình.
Sống tại nhân gian, đã làm cho chân tâm1 của chúng ta bị lu mờ bởi những cảnh vật bên ngoài, bị trói buộc bởi vô số phiền não và những ham muốn về ngũ dục2 cho nên chúng ta thường xuyên hoang mang lo lắng, khó có một phút giây nào tinh thần được thanh nhàn.
1 Tức Phật tính, đức tính thiện lương cao tột nhất.
2 Ngũ dục gồm năm thứ: Tiền bạc, sắc đẹp, danh lợi, ăn uống, ngủ nghỉ.
Bạn hãy nhìn mọi người xung quanh mà xem! Có người thì quen đắm mình trong cảnh buồn bã ủ rũ, tâm trí như sống trong cảnh Địa ngục, tự giày vò bản thân. Có người vì chấp chặt vào quan điểm cá nhân, tự cho mình là đúng nên không chịu tiếp thu kiến thức mới, người này giống như tự mua dây buộc mình. Có người do vì lòng tham che mờ lý trí, nên đã trở thành tội đồ của lòng tham. Và có người lại vì tham đắm vật chất để thỏa mãn thân này, mà khiến bản thân sa vào lưới dục vọng.
Nhưng mỗi khi nửa đêm tỉnh mộng, người ta lại tha thiết và mong chờ sẽ có một luồng ánh sáng có thể chiếu soi tâm hồn, nhờ đó mà xua tan đi sự thù hận, tham lam, ham muốn, nghi hoặc, lòng đố kỵ và hết thảy những khổ đau phiền não trong cảnh tối tăm của vô minh.
Trong Tâm vương minh1 có câu: “Tâm trí trong sạch, giống như kho báu ở thế gian; kho tàng pháp bảo, trí tuệ Bát Nhã vô tận, đều ở nơi thân tâm của con người”. Và ngay cả Đức Khổng Tử lúc ăn cơm, uống nước, tuy vô cùng thanh đạm vẫn luôn có được “niềm hoan hỷ an vui trong đó”. Từ xưa đến nay, trong chốn Thiền môn, những vị đệ tử từng làm trái lời dạy của thầy mình nhưng sau khi tỉnh ngộ đã biết quay đầu hối cải, cảm nhận được sự tỉnh giác “do niệm trước vô minh, niệm sau giác ngộ” nên hổ thẹn, đó đều là nhờ có sự sáng suốt nơi tâm hồn, nhờ có trí tuệ chiếu soi nên đã hết mê lầm.
1 Minh: Tên một thể văn. Bài minh thường được khắc chữ vào đồ vật, hoặc để tự răn mình, hoặc ghi chép công đức. Ngày xưa khắc vào chuông, đỉnh, đời sau hay khắc vào bia. Tâm vương minh hay còn gọi là Phó đại sĩ tâm vương minh hoặc Tâm vương luận do cư sĩ Phó Hấp đời Lương biên soạn, chép trong Cảnh đức truyền đăng lục quyển 30 thuộc Đại Chính Tạng.
Đường Thái Tông cho dù có chân mệnh đế vương, nhưng trở thành vua sáng là do giỏi nhìn người và dùng người, đặc biệt là do vua biết “lắng nghe và tiếp thu” lời can gián của trung thần, đây cũng chính là vì Đường Thái Tông có sự sáng suốt nơi tâm hồn vậy.
Thời Đức Phật còn tại thế, có Đề Bà Đạt Đa là người mà không có việc xấu gì là không làm, nhưng nhờ “một niệm từ bi” thả con nhện dưới chân và nhờ cơ duyên này mà về sau được thoát khỏi biển khổ của Địa ngục, giả như không có tâm trí sáng tỏ thì sao làm được như thế?
Vì thế bậc cổ nhân có đức có dạy: “Không sợ vọng tâm khởi lên, chỉ sợ giác ngộ chậm trễ”. Mà giác ngộ chính là ánh sáng của chân tâm, thế nên mới nói: Khi phúc đến tâm sáng, mây tan trời hiện, liễu rủ hoa nở, cây khô gặp mưa. Một khi trí tuệ tỉnh giác được khai mở thì tâm ý sáng tỏ rõ ràng, và lúc đó ánh sáng chân tâm của chúng ta cũng được hiển lộ.
Tuy hồng trần cuồn cuộn, thế sự ngổn ngang, nhưng chúng ta hãy cùng nhau thắp lên ánh sáng nơi tâm hồn để hiển bày bản tâm thanh tịnh sáng suốt vốn tròn đầy nơi mỗi chúng ta; để có thể gieo xuống những hạt giống của lòng từ bi ngay trong lúc sân hận; để có thể khoan dung tha thứ cho người ngay trong lúc hận thù; để có thể nuôi dưỡng lòng tin ngay trong lúc hoài nghi; để có thể thắp lên tia sáng trí tuệ trong lúc mê mờ; để có thể nhen lên ước vọng ngay trong khi tuyệt vọng; để có thể trao đi sự an ủi ngay trong lúc đau buồn; mà không bị sự nghi hoặc làm mê mờ, không bị tư lợi làm mờ mắt.
Chân lý có được là từ sự minh mẫn sáng suốt, đức hạnh là đến từ tâm từ bi. Vẻ đẹp của con người trong cuộc đời này cũng đều bắt nguồn từ ánh sáng nơi tâm hồn vậy.