Trong tự nhiên, loài cá hồi phải bơi ngược dòng để đẻ trứng, vậy nên chúng có thể sinh hạ các thế hệ sau; máy bay phải bay vững vàng trong thời tiết xấu, mới có thể đến đích an toàn; một ngọn cỏ nhỏ phải dốc hết sức để vươn lên từ trong khe tường nứt; bông cúc dù đã héo tàn, nhưng cành của nó vẫn đứng vững hiên ngang trong mưa gió.
Người xưa có câu: “Nước chảy chỗ trũng, người hướng lên cao”. Vạn vật trên đời đều phải “nỗ lực phấn đấu” để có thể sinh tồn, vậy thì, loài người được mệnh danh là linh hồn của muôn loài, sao có thể không biết nỗ lực phấn đấu đây?
Trong thế giới tự nhiên, trời càng lạnh thì hoa mai càng ngát mùi thơm, còn càng nóng thì hoa sen lại càng khiến người say đắm. Trên đời này, có biết bao nhiêu người con hiếu thảo trong cảnh cơ hàn phải vất vả khổ nhọc để kiếm tiền dưỡng chăm cha mẹ; cũng có biết bao nhiêu học sinh, sinh viên đã phải trải qua biết bao năm tháng nỗ lực học tập để bản thân, cùng với gia đình có được cuộc sống sung túc và tốt đẹp hơn.
Trong nhà Phật có câu: “Đức Thích Ca không phải trời sinh ra đã là Phật; Ngài Di Lặc chẳng phải tự nhiên mà thành Bồ tát”, sở dĩ các ngài thành Phật là do đã tu qua vô lượng kiếp. Cho nên mọi người đều phải dựa vào sự “nỗ lực phấn đấu” của chính bản thân mình, không ngừng làm việc, cố gắng chịu khổ, mới có thể đạt được thành công.
Đức Phật có dạy rằng mọi chúng sinh đều có Phật tính, mọi chúng sinh đều là Bồ tát. Nhưng bậc Bồ tát tu tập còn phải trải qua 51 giai vị1, phải tự mình nỗ lực tu tập, tinh tiến không biếng lười, phát tâm dũng mãnh không thoái lui, cứu giúp chúng sinh ra khỏi sông mê mà không từ gian lao khổ nhọc, thì mới có thể đạt đến quả vị viên mãn.
1 Chỉ cho các giai đoạn tu hành mà Bồ tát phải trải qua, kể từ lúc mới phát tâm Bồ đề rồi qua nhiều kiếp tu hành tích góp công đức, cho đến khi đạt đến quả vị Phật. 51 giai vị bao gồm: Thập tín vị, Thập trụ vị, Thập hành vị, Thập hồi hướng vị, Thập địa vị, Đẳng giác.
Nước tôi xưa kia đời sống nhân dân còn rất nhiều khó khăn, việc phát triển đất nước là một thách thức lớn. Tuy nhiên nhờ sự “nỗ lực phấn đấu” của toàn dân nên hiện nước tôi đã là một trong bốn con Rồng châu Á về kinh tế.
Nhân viên của những cửa tiệm bán đồ ăn sáng phải dậy thật sớm để chuẩn bị hàng hóa, cũng chỉ là vì tranh thủ thời gian rảnh lúc sáng sớm để buôn bán kiếm lời. Giữa đêm khuya những người lao công quét rác không quản vất vả quét dọn đường phố, cũng vì để đến sớm mai mọi người được đi trên những con phố sạch đẹp. Trong xã hội này, mọi ngành nghề đều phải trải qua rất nhiều gian nan khổ nhọc, nhưng chỉ cần biết “nỗ lực phấn đấu” thì ngành nào cũng sẽ xuất hiện “chuyên gia đầu ngành”.
Loài bồ câu phải bay xa ngàn dặm để đưa thư, mới được con người nuôi dưỡng. Loài ngựa phải phi nhanh như gió mới được con người quý hóa. Trên đời này, dù bạn là ai, nếu muốn trở thành người thành công nổi bật, thì đều phải “nỗ lực phấn đấu”. Và nếu bạn muốn có thương hiệu cá nhân, muốn bản thân người gặp người thích, nếu không tự mình “nỗ lực phấn đấu” thì không có cách nào khác.
Con người nên nỗ lực phấn đấu như thế nào? Đó là, phát nguyện lập chí học Phật, siêng năng phục vụ mọi người, phát tâm phụng sự đất nước, thực hành hạnh từ bi hỷ xả, vui vẻ kết thiện duyên rộng rãi, học hạnh nhẫn nhục tinh tấn, tích cực dũng cảm học hỏi, làm mọi việc trong vui vẻ lạc quan, mạnh dạn, biết hổ thẹn mà sám hối, giữ gìn giới luật, hay giúp đỡ người, thanh liêm chính trực, v.v. Tất cả đều là những hành trang thiết yếu cần có để mọi người nỗ lực phấn đấu. Nếu hành trang đã chuẩn bị đầy đủ, thì lo gì không đủ sức cho chuyến hành trình xa?