Ngạn ngữ phương Đông có câu: “Siêng năng thì không việc gì là khó” và “siêng năng sẽ thành công, ham chơi không lợi ích”. Ngạn ngữ phương Tây cũng nói: “Vàng ròng dưới đáy biển theo nước thuỷ triều dâng lên, bạn cũng phải dậy thật sớm để đi tìm, mới có thể nhặt được”. Tất cả đều nhằm nhắc nhở chúng ta một đạo lý, đó là làm người phải biết siêng năng. Chỉ có những gì tự thân siêng năng cố gắng làm ra mới càng đẹp đẽ và bền lâu. Nếu không, cho dẫu có ruộng tốt mà không chịu siêng năng cày cấy thì biết lấy đâu ra thu hoạch?
Nhưng nhìn chung chúng ta lại thường quên mất đạo lý “có làm thì mới có ăn” này, lúc nào trong lòng cũng chỉ muốn “không làm mà cũng có ăn”, cho nên mới sinh ra các tệ nạn như trộm cắp, lừa đảo, tham nhũng, cướp đoạt, buôn gian bán lận, bắt cóc tống tiền, v.v. Kết quả là, không chỉ bản thân cả đời lầm đường lạc lối mà còn tạo ra bao nhiêu vấn nạn cho xã hội, mối họa cho nhân dân, đất nước. Tội lỗi của những người đó nhiều không kể hết.
“Lười biếng” là hành vi rất xấu. Cho nên trước đây chính phủ nước tôi đã đưa ra tiêu chí “cần chính liêm minh”, công ty hay đơn vị nào đề cao tính trung thực, thanh liêm thì đơn vị sẽ được gọi là “đơn vị liêm chính”, còn đơn vị nào đề cao sự siêng năng, cần cù thì gọi là “đơn vị cần chính”. Với cá nhân, những việc lớn như thăng quan tiến chức cũng đều dựa trên sự chăm chỉ và tài năng của người đó để bình xét.
Con người hiện nay, ai cũng mong muốn bản thân trở nên giàu có, thực ra chỉ cần biết siêng năng làm việc thì đó đã chính là một loại tài sản rồi. Còn nếu bạn không siêng năng làm việc, thì dù cho có gia tài bạc vạn, nhưng miệng ăn núi lở, chẳng mấy chốc “mỏ vàng cũng cạn”. Bởi vì bản thân tính siêng năng đã là của báu rồi, cho nên khi bạn dưỡng thành thói quen siêng năng thì cũng là lúc bạn trở thành người “giàu có”.
Trong Phép tắc cho thanh niên1 có nói: “Sống, hãy lấy phục vụ làm mục đích”. Chúng ta bước ra xã hội làm việc, nếu muốn được cấp trên coi trọng và khen ngợi, thì trước hết chúng ta phải có đức tính siêng năng, luôn tích cực chủ động trong mọi việc. Đừng sợ năng lực mình không bằng người khác, bởi vì “cần cù bù ngốc nghếch”, đáng sợ nhất là bản thân lười biếng chểnh mảng, bởi vì không chịu làm gì thì chắc chắn sẽ không đạt được gì!
1 Là bộ nguyên tắc ứng xử dành cho thanh thiếu niên Trung Quốc thời Dân Quốc gồm 12 điều do Tưởng Giới Thạch đưa ra.
Đại trí độ luận cũng có nói: “Người cư sĩ tại gia, nếu lười biếng không chịu làm việc, thì sao có thể đạt được thanh danh, lợi lộc ở thế gian; còn người xuất gia, nếu lơ là trong việc tu học, thì không thể nào thoát ra khỏi ‘ngôi nhà lửa’1 của ba cõi2”.
1 Cả tam thiên đại thiên thế giới, giống như căn nhà đang cháy hừng hực, đầy lửa lớn.
2 Tức là cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc.
Lười biếng đương nhiên là hành vi không tốt, nhưng siêng năng cũng phải là loại siêng năng mang tính tích cực. Như có người thức suốt đêm để ngồi đánh bài hay miệt mài theo các cuộc cá độ v.v. thì tinh thần và sức lực của họ đã bị sử dụng một cách sai lầm vào những việc làm không mấy tốt đẹp. Nó không chỉ khiến họ phá sức hại thân, mà còn không có lợi ích cho xã hội, cho nên hành vi như thế không đáng gọi là siêng năng.
Trong nhà Phật có giáo lý gọi là “Tứ chính cần”, tức là: “Tinh tiến ngăn ngừa điều ác chưa sinh, tinh tiến đoạn trừ điều ác đã sinh, tinh tiến phát triển điều thiện chưa sinh, tinh tiến đề cao điều thiện đã sinh”. Nỗ lực vì sự tiến bộ, vì sự hướng thiện, và với mục đích làm lợi cho mình và làm lợi cho mọi người, đây chính là “chính tinh tiến”.
Ví như ngài Thiền sư Triệu Châu lúc tám mươi tuổi vẫn còn vân du hành đạo khắp nơi; ngài Pháp Hiển ngoài sáu mươi tuổi nhưng vẫn đi bộ đến Ấn Độ để tìm cầu kinh điển; Tôn Trung Sơn khi bệnh gan đang tái phát những vẫn đến Bắc Kinh để bàn việc phát triển đất nước; Khổng Tử lúc bị vây khốn ở nước Trần, nước Thái1, vẫn mặc nhiên ngồi đàm luận cùng các vị học trò, v.v. Những tấm gương siêng năng, không sợ gian khổ để mang lại điều tốt đẹp nhất cho mọi người, luôn sống và làm việc với tinh thần “vô ngã” như họ thì chính là Bồ tát vậy!
1 Nước Tần, nước Thái, hai nước chư hầu thời nhà Chu. Tương truyền trong quá trình bôn ba du thuyết, Khổng Tử nhiều phen rơi vào khốn đốn như bị hãm hại ở đất Khuông, bị vây và tuyệt lương ở nước Trần, nước Thái.
Hiện nay “ăn không ngồi rồi” đã trở thành căn bệnh chung của nhiều người. Nhưng họ đâu biết, lối sống hưởng thụ không chịu làm việc, sẽ đưa đến biết bao sự khổ đau cho họ trong suốt cuộc đời, chẳng khác gì người “há miệng chờ sung rụng” vậy. Ngược lại, người siêng năng tuy phải chịu vất vả một thời gian ngắn, nhưng sau này sẽ có được nhiều điều lợi ích ngoài mong đợi.