Trong làm ăn, kinh doanh buôn bán có lãi thì gọi là thành công, còn thua lỗ gọi là thất bại. Trong học thuật, có thể đạt được mục tiêu đề ra, thì gọi là thành công, còn nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì gọi là thất bại.
Trên đời, có bao nhiêu người một lòng theo đuổi thành công và sợ hãi gặp thất bại. Có câu rằng “Thắng làm vua, thua làm giặc”, khoảng cách giữa thành công và thất bại đã tạo nên cảnh “mấy nhà vui vẻ, mấy nhà lo âu”.
Học sinh đi thi, ai lại không muốn đề tên bảng vàng, nếu được như thế thì gọi là thành công, còn nếu không may thi trượt thì gọi là thất bại. Lính chiến ra trận, nếu chỉ một trận liền tiêu diệt được hết quân địch, chiến thắng trở về, được gọi là thành công, còn nếu thương vong nặng nề, lãnh thổ bị kẻ địch chiếm lấy, gọi là thất bại. Giống như cảnh sát ngày nay, ngăn chặn được những việc làm phạm pháp, bắt giữ được tội phạm, đó là thành công, còn nếu vụ án chưa phá được, oan tình chưa sáng tỏ, thì đó là thất bại.
Có người đem thành công quy cho vận mệnh, có người đem thất bại đổ tại vận số. Ngay như trong các cuộc bầu cử hiện nay, người đắc cử thì bảo tại mồ mả tổ tiên có phong thủy tốt, còn người thất bại thì đổ lỗi cho dân chúng không có mắt nhìn người.
Thành công hay thất bại, không phải do nơi phong thủy, không phải ở vận mệnh, không phải do quỷ thần, thậm chí cũng không phải bởi người khác phá hoại; bởi điều kiện của thành công chính là ở chỗ biết tự hoàn thiện bản thân.
Sở dĩ thương nhân có thể buôn gì lãi đấy chắc chắn là vì họ đã nghiên cứu kĩ thị trường, có nguồn vốn lớn, kinh nghiệm nhiều và quan hệ rộng. Quân lính có thể đánh đâu thắng đấy, nhất định là vì đã được huấn luyện kỹ càng, có lòng trung thành, có lòng dũng cảm và biết đoàn kết thành một thể. Còn học sinh có thể thi đâu đỗ đấy ắt vì đã siêng năng học hành, biết đặt ra mục tiêu để phấn đấu và không ngừng cố gắng.
Kì thực, định nghĩa thành công của mỗi người sẽ mỗi khác, cho nên không thể “dùng thành bại luận anh hùng” được. Xưa nay có không ít anh hùng tuy thất bại nhưng thật ra lại là thành công thật sự, như Quan Vân Trường, Nhạc Phi, Văn Thiên Tường, Sử Khả Pháp họ đều là những người hết lòng trung thành và hy sinh vì chính nghĩa, nên được lưu danh muôn đời, bởi vậy đây là thành công.
Vua Kiệt, vua Trụ, vì hoang dâm vô đạo, tàn bạo bất nhân, nên mọi người đều oán ghét, ô danh cho đến muôn đời, do đó tuy được làm vua, nhưng thành ra là kẻ thất bại!
Thậm chí như hai anh em Bá Di, Thúc Tề1 tuy chết đói ở núi Thủ Dương, nhưng nhân cách cao cả của họ đã sống mãi trong lòng mọi người, nên họ tuy bỏ mạng nhưng lại là thành công vậy.
1 Bá Di và Thúc Tề là hai hoàng tử nước Cô Trúc thời vua Trụ nhà Thương. Sau khi Chu Vũ Vương diệt nhà Thương, Bá Di và em trai là Thúc Tề lấy việc nước mất làm xấu hổ, bỏ lên núi Thủ Dương hái rau vi mà ăn, không chịu ăn lương thực của nhà Chu, cuối cùng chết đói trên núi. Người đời sau ca ngợi họ là những người trung thành với đất nước.
Tiến sĩ Hồ Thích1 có nói: “Muốn thu hoạch được kết quả như thế nào, thì trước tiên phải bỏ ra nỗ lực như thế ấy”. Trong nhà Phật có câu: “Nhân như thế nào, quả như thế ấy”. Nếu không trải qua mùa xuân cày cấy, mùa hè làm cỏ, thì làm sao mùa thu có thể thu hoạch, mùa đông có thể tích trữ? Do đó, người thành công tất có nguyên nhân dẫn đến thành công; kẻ thất bại cũng nhất định có lý do của sự thất bại, “khoảng cách giữa thành công và thất bại” chính bạn cần nắm rõ, không thể xem nhẹ!
1 Hồ Thích (1891 - 1962), tự Thích Chi, ông theo học tại Đại học Cornell, Mỹ. Ông từng được tặng 36 bằng Tiến sĩ danh dự (chủ yếu ở Mỹ), ông nổi tiếng là người có nhiều cống hiến trong nhiều lĩnh vực.