Con người, phải luôn biết tự nhìn lại bản thân thì mới có thể sửa lỗi bồi đức và phát triển sự nghiệp. Mười hai câu hỏi dưới đây, đều là những vấn đề mà chúng ta nên tự phản tỉnh. Không biết bạn đã bao giờ tự hỏi bản thân những vấn đề này chưa?
Một, ta sinh ra trên đời, đã từng làm việc gì có ích cho xã hội chưa?
Hai, ta có tận tâm tận lực báo đáp công ơn của cha mẹ, thầy cô không?
Ba, ta được hưởng mọi điều tốt đẹp trên thế giới, vậy ta đã báo đáp lại gì chưa?
Bốn, ta có làm điều gì tổn hại đến thầy cô, người thân, bạn bè và mọi người không?
Năm, cuộc đời cho ta quần áo, thức ăn, nơi ở, phương tiện đi lại, giáo dục và y tế, vậy ta đã làm được gì cho cuộc đời này chưa?
Sáu, ta có biết bản thân ta từ đâu đến và đến đây như thế nào sau đó sẽ đi về đâu và đi như thế nào không?
Bảy, ta đã đừng xét qua thế giới nội tâm của bản thân, mỗi ngày đã đi qua lại Thiên đường và Địa ngục bao nhiêu lần?
Tám, ta có thể chỉ ra hàng ngày bản thân đã sống cuộc sống đầy những tham lam, sân hận, ngu ngốc, hoài nghi và đố kỵ như thế nào không?
Chín, có câu rằng “mỗi ngày xét lại bản thân ba lần”, thế ta phải phản tỉnh những điều gì?
Mười, ta phải sống sao mới có thể vui vẻ tự tại?
Mười một, ta nên làm thế nào để không còn phiền não, không còn vô minh? Và làm sao để tìm được tâm tính chân thật của ta?
Mười hai, làm thế nào để có thể sắp đặt mọi nhân duyên tốt đẹp trong đời này?
Mười hai vấn đề được nêu ở trên, bao gồm những vấn đề của bản thân ta với người khác và có cả vấn đề của ta với xã hội và quốc gia.
Chúng ta hàng ngày thường chỉ suy nghĩ về lợi ích của bản thân, hiếm khi quan tâm đến phúc lợi của người khác. Bởi vì, chúng ta đặt lợi ích của bản thân lên trên lợi ích của quốc gia xã hội, cho nên đã phạm rất nhiều sai lầm. Lại có nhiều người mới gặp chút khó khăn, trở ngại đã không chịu xét lại bản thân lại còn oán trời trách người, thậm chí đổ tại số phận trớ trêu, trong khi không biết rằng đó là do tư tưởng, hành vi và mục đích sai trái của bản thân gây ra, thế nên thường xuyên phải sống trong cảnh lo âu khổ não.
Chúng ta có thể tổng kết quy luật của nhân quả thế này:
Mệnh cùng tâm đều tốt
sớm thành công, phú quý;
Tâm tốt mệnh không tốt,
đời đầy đủ ấm no;
Mệnh tốt tâm không tốt,
tiền đồ khó giữ vững;
Tâm, mệnh đều không tốt,
nghèo khổ mãi tới già.
Thời Đức Phật còn tại thế, có Tôn giả Châu Lợi Bàn Đặc1 bản tính vốn ngốc nghếch, nhưng nhờ sám hối những lỗi lầm đã tạo, tinh tấn tu tập, nghiêm giữ giới luật, cuối cùng chứng đắc quả vị A La Hán. Còn Đề Bà Đạt Đa2 tuy là một vương tử có địa vị cao quý, nhưng vì chỉ lo cho lợi ích cá nhân mà phạm phải trọng tội “phá Tăng hại Phật”, nên sau đó phải chịu quả báo, đọa xuống Địa ngục.
1 Tức trưởng lão Cūlapanthaka. Trưởng lão là một trong mười đại đệ tử của Đức Phật.
2 Tức Devadatta. Ông ta là em họ của Đức Phật nhưng từng âm mưu sát hại vua cha và Đức Phật.
Xét xưa biết nay, thế nên dù khoa học kĩ thuật có phát triển đến nhường nào, thì chúng ta cũng phải yêu cầu bản thân, kiện toàn bản thân, vậy mới có thể tồn tại. Và chúng ta nhất định phải biết tự quán xét, tự phản tỉnh, vun bồi thiện duyên, mới có thể bước vào cảnh giới tốt đẹp.