Nhẫn nhịn là sự tu dưỡng vĩ đại nhất của con người. Trên thế gian, sức mạnh của cái gì là lớn nhất? Vấn đề này không cần tranh luận vì dĩ nhiên “nhẫn nhịn” chính là nguồn sức mạnh lớn nhất! Có câu: “Nhịn một câu trời yên biển lặng”. Ngược lại, cũng có câu: “Việc nhỏ không nhịn, nghiệp lớn khó thành”. Bởi thế nên giữa nhẫn nhịn và nóng giận, có một khoảng cách rất lớn.
“Không thể nhẫn nhịn sự nóng giận nhất thời” chính là nguyên nhân dẫn đến những sự vụ bạo loạn. Trong xã hội hiện nay, nhiều người vì không kiềm chế được sự nóng giận nhất thời, nên đã khiến cho việc vốn chỉ là tranh cãi vặt vãnh bỗng biến thành động tay động chân với nhau. Thậm chí đám thanh niên choai choai, hơi tí là sửng cồ gây gổ đánh nhau, không những tự chuốc họa vào thân, mà còn làm cho gia đình và xã hội càng thêm rắc rối.
Con người ngày càng hung ác tàn bạo, cũng bởi vì không biết kiềm chế cảm xúc của bản thân vậy. Thật ra, nếu bạn nhịn một câu nói thì đâu có thiệt gì, ngược lại bản thân bạn còn được lợi.
Bàn sâu về nhẫn nhịn chịu đựng thì chịu lạnh chịu nóng thì khá dễ dàng, chịu đói chịu khát chưa phải là khó, chịu đau chịu khổ nếu cố gắng cũng có thể vượt qua. Thế nhưng nhịn nói một câu lại là việc không dễ chút nào.
Ngô Tam Quế khi biết tin người thiếp yêu của mình là Trần Viên Viên bị Lý Tự Thành cướp đoạt, “tướng quân nổi giận vì tình hồng nhan”, để xả nỗi giận của bản thân mà khiến cho giang sơn hơn ba trăm năm của nhà Minh sụp đổ từ đó. Chu Du, sau ba lần bị Khổng Minh khích tướng, liền uất hận mà chết.
Hàn Tín có thể chịu nhục mà chui qua háng người, sau đó miệt mài nghiên cứu binh pháp, chăm chỉ luyện võ, cuối cùng được Hán Cao Tổ Lưu Bang phong làm Hoài Âm hầu; Tô Tần1 đi du thuyết thất bại, tuy bị cha mẹ, anh trai, chị dâu khinh chê, nhưng ông không buồn nản, còn ngày đêm khắc khổ học tập, cuối cùng đi du thuyết thành công, trở thành Tể tướng của liên minh sáu nước.
1 Tô Tần (382 TCN - 284 TCN), là đại diện tiêu biểu nhất của phái Hợp tung thời Chiến Quốc. Ông là học trò của Quỷ Cốc Tử, đã từng thất bại trong việc di du thuyết và bị người nhà coi thường, một năm sau ông lại đi du thuyết lần nữa, thành công thuyết phục sáu nước hợp lại cùng chống nước Tần, và ông trở thành Tể tướng của cả sáu nước.
Nhẫn với không nhẫn liên quan rất lớn đến chuyện thành bại! Nhẫn nhịn không phải là hèn nhát ngược lại nhẫn nhịn chính là tượng trưng cho người dũng cảm. Một người chỉ cần có thể kiềm chế bản thân để không nóng giận trước bất cứ việc gì, thì chắc chắn có được thành công. Trong xã hội ngày nay, mỗi người càng cần phải có lòng bao dung để tha thứ lẫn nhau, cho nên lúc nóng giận phải nhẫn nhịn, như vậy không chỉ các mối quan hệ được hài hòa mà còn tránh được những việc đáng tiếc xảy ra.
Nắm đấm đã đánh ra thì không còn uy lực nữa, nhưng nếu nắm đấm còn thủ bên người, thì vẫn đầy sức uy hiếp!
Đời nhà Đường ở Trung Quốc có hai vị đại sĩ là Hàn Sơn và Thập Đắc chơi thân với nhau. Một hôm, Hàn Sơn hỏi Thập Đắc: “Nếu người đời nói xấu tôi, ức hiếp tôi, nhục mạ tôi, khinh chê tôi, bỉ bôi tôi, căm ghét tôi, lừa gạt tôi, thì tôi nên làm như thế nào?”.
Thập Đắc trả lời: “Chỉ có thể nhẫn nhịn họ, thuận theo họ, tránh xa họ, chịu đựng họ, tôn kính họ, đừng tranh luận với họ, trải qua vài năm ông hãy xem họ thế nào!”.
Đối với Thập Đắc nhẫn nhịn người khác chính là một loại trí tuệ, là một loại sức mạnh, là một loại hóa giải, là một loại từ bi. Trong thế giới của sự nhẫn nhịn, không có sân hận, không có đố kỵ, mà chỉ có hòa bình và bao dung. Cho nên, nhẫn nhục là một sự tu dưỡng cần thiết để có một sự nghiệp thành công.
Trong Di Giáo kinh Đức Phật có dạy nếu một người không thể vui vẻ chịu đựng sự mắng nhiếc, hủy báng và ức hiếp của người khác, giống như đang uống nước cam lồ, thì không thể gọi là người có sức mạnh lớn. Người từ bi trước nay không có kẻ thù, người nhẫn nhục cũng sẽ không có địch thủ!