Mỗi một quốc gia, nhờ củng cố quốc phòng, quốc gia mới có thể giàu mạnh và an ổn; nhờ đầu tư vào văn hóa giáo dục, mà xã hội mới hài hòa, con người thêm lịch sự; nhờ phát triển kinh tế, cuộc sống của người dân mới sung túc đầy đủ và thoải mái; nhờ xây dựng hệ thống giao thông, thì nơi ấy mới có thể phát triển phồn vinh. Con người, cũng phải “xây dựng bản thân”, để con đường đời càng thêm rộng lớn, ý nghĩa cuộc đời càng thêm rộng mở.
Cho nên “xây dựng bản thân”, chính là phải tự mình nâng cao năng lực, tự mình phát triển tiềm năng, tự mình học cách trưởng thành, tự mình xây dựng lòng tin, tự mình thay đổi tư duy, tự mình bỏ thói quen xấu, tự mình giữ gìn quan hệ, tự mình mở ra cơ hội, tự mình tạo dựng sự nghiệp, v.v.
Xã hội hiện nay, dường như mọi người đang đánh mất chính mình, lúc nào trong tâm cũng muốn đi tìm những điều gì đó ở bên ngoài, luôn hy vọng mình sẽ được người khác giúp đỡ. Nếu một người không có năng lực tự thân, mọi việc đều dựa vào người khác, đến khi mất đi chỗ dựa, ngừng lại rồi thì sẽ không còn sức để tự tiến lên. Cho nên, mọi người phải tự “xây dựng bản thân”, phải làm vị kiến trúc sư cho chính mình, tự vẽ ra quy tắc, lập kế hoạch cho cuộc đời mình và sống với con người thật của mình.
Nhưng có một số người, đã không biết “xây dựng bản thân” là vô cùng quan trọng, trái lại còn “tự phá hoại bản thân”, “tự giết chết bản thân”. Ví như phung phí sức khỏe, lãng phí thời gian, không chịu kết giao với ai, buông bỏ cơ hội, lười biếng cẩu thả, tiêu cực chán nản, trốn tránh hiện thực, v.v.
Lại có trường hợp đặc biệt thế này, ấy là nhiều năm trước tại Mỹ, có một vận động viên môn trượt tuyết, vì muốn nắm chắc huy chương vàng nên anh ta đã thuê người sát hại đối thủ, kết cục là huy chương chưa đến tay thì bản thân đã rơi vào vòng lao lý. Những người lấy việc hại người để mưu lợi cho bản thân như vậy không những tự hủy hoại bản thân mà đồng thời cũng làm tổn hại người khác. Do đó, hãy bắt đầu từ việc “xây dựng tâm lý”, vì đây là điều quan trọng nhất trong việc xây dựng bản thân.
Trong binh pháp có câu “tâm phòng quan trọng như quốc phòng”, xây dựng bản thân về phương diện tâm lý, chính là phải thiết lập tư tưởng, quan niệm, đạo đức và nhân cách cho đúng đắn. Đặc biệt phải xây dựng lòng tin và phải tự khẳng định bản thân, mà khẳng định bản thân chính là khẳng định trình độ học vấn, năng lực, quyết tâm, lòng từ bi, v.v. của bản thân. Ngoài ra, tôn trọng chính mình, tự mình nỗ lực, tự mình bắt đầu, đều là những vấn đề quan trọng trong việc xây dựng bản thân.
Do đó, chúng ta phải thường tự hỏi mình: Đức hạnh của ta đã kiện toàn hay chưa? Lời nói của ta có mang đến điều tốt đẹp hay không? Công lao của ta đã hoàn thành chưa? Nên “Tam bất hủ” tức lập đức, lập ngôn và lập công chính là mục đích cuối cùng của việc “xây dựng bản thân”.
Vì thế chúng ta nên đề cao tinh thần “lấy nỗi buồn của thiên hạ làm cái buồn của mình, lấy niềm vui của thiên hạ làm chuyện vui của mình”, mà chớ nên “phá hoại người khác, để thành tựu mình”.