Phương pháp giáo dục Shichida dành cho trẻ sơ sinh
1. Rèn luyện khả năng trực giác từ ba đến năm phút mỗi ngày
Trong thế kỷ 21, chúng ta đang áp dụng những phương pháp giáo dục mới cho trẻ sơ sinh như thế nào? Ngay từ bây giờ chúng ta cần phải cân nhắc về việc sử dụng phương pháp nào để giáo dục trẻ em. Để giáo dục trẻ em phát triển toàn diện, cha mẹ không nên chỉ tập trung vào việc giáo dục não trái mà cũng phải chú trọng nuôi dưỡng não phải phát triển. Trong chương này, tôi sẽ nói chi tiết về những phương pháp giáo dục để nuôi dưỡng não phải của trẻ phát triển. Độc giả đọc đến chương này chắc hẳn cũng đã nhận ra rằng trẻ nhỏ ngày nay bộc lộ những khả năng kỳ diệu mà người lớn chúng ta khi còn nhỏ vốn chưa từng thể hiện.
Những khả năng đặc biệt ở não phải đã được đề cập ở chương 3 là:
1. Khả năng trực giác
2. Khả năng ghi nhớ bằng hình ảnh
3. Khả năng tính toán tốc độ cao
4. Khả năng cao độ hoàn hảo
5. Khả năng tiếp nhận nhiều ngôn ngữ
Sau đây tôi xin giải thích về phương pháp phát triển những khả năng này theo thứ tự lần lượt.
Một trong những bài tập để rèn luyện não phải phát triển đó là chơi các trò chơi trực giác. Khả năng trực giác của trẻ được bộc lộ rõ nhất từ giai đoạn trẻ còn là thai nhi. Khi trẻ ngày một lớn tuổi hơn, từ sơ sinh đến một tuổi rồi lên hai tuổi, khả năng trực giác sẽ ngày càng giảm dần. Tuy nhiên, nếu cha mẹ biết chú trọng quan tâm, nuôi dưỡng và phát triển khả năng trực giác của trẻ thì cho dù trẻ có ngày một lớn lên cũng sẽ không bị mất dần khả năng này. Khả năng trực giác vốn là khả năng có thể duy trì trong suốt cuộc đời của con người, vậy nên cha mẹ chỉ cần dành ra từ ba đến năm phút mỗi ngày để rèn luyện cho con tới một mức độ nào đó, khả năng trực giác sẽ trở thành một phần của đứa trẻ.
Trước hết, tôi xin giới thiệu bài báo cáo của cô Suzuki Yukiko đến từ Viện giáo dục Shichida Nhật Bản ở tỉnh Ibaragi.
Tôi xin được nêu ra một vài hoạt động để rèn luyện khả năng trực giác cho trẻ được tiến hành trong các lớp học Tsuchiura, Mito và lớp Katsuta.
1. Trò chơi nhìn xuyên thấu màu sắc. Cha mẹ hãy chuẩn bị một chiếc túi và sáu quả bóng có màu đỏ, xanh dương, vàng, mỗi màu hai quả. Đặt vào túi hai quả bóng có hai màu khác nhau. Lấy một quả bóng trong túi ra và hỏi trẻ quả bóng đó có màu gì rồi cất lại vào túi.
Tiếp đó, nói với trẻ thò tay vào túi và gợi ý với trẻ rằng: “Con hãy mở con mắt thứ ba ở giữa trán của mình ra, con sẽ nhìn thấy được màu sắc rất rõ. Đâu là quả bóng con vừa nhìn thấy?”.
Khi đó, tôi chắc chắn rằng trẻ sẽ lấy ra được quả bóng mà trẻ đã được nhìn trước đó.
Mẹ và trẻ chơi trò nhìn xuyên thấu với túi
2. Cha mẹ hãy chuẩn bị hai thẻ bài có màu đỏ và đen, sau đó nói với trẻ rằng: “Có một con mắt thứ ba ở giữa hai con mắt của con. Nếu con tập trung nhìn thì con sẽ thấy được màu sắc của lá bài đó con ạ”. Ngay sau đó, cha mẹ hãy lấy một lá bài cất sau lưng trẻ và hỏi con: “Lá bài này có màu đỏ hay màu đen con nhỉ?”. Ban đầu, người ta còn chơi trò chơi này với trẻ trong khi hát những giai điệu vui nhộn để trẻ được khích lệ chơi với tâm trạng hào hứng như: “Chuột Mickey, hãy đoán xem màu nào ở đằng sau lưng tôi, đỏ hay đen?’’.
Khi đó, tôi chắc chắn rằng hầu như 100% trẻ sẽ đưa ra câu trả lời chính xác. Trò chơi đoán trúng những ký hiệu được vẽ trên lá bài cũng có thể được tiến hành tương tự.
Mẹ và trẻ chơi nhìn xuyên thấu với thẻ bài
2. Cần chú trọng vào khả năng tưởng tượng hình ảnh để kích thích hoạt động của não phải
Khả năng trực giác gồm có năm yếu tố sau đây:
1. Khả năng thần giao cách cảm
2. Khả năng nhìn xuyên thấu
3. Khả năng chạm cảm nhận
4. Khả năng linh cảm
5. Khả năng di chuyển đồ vật bằng ý nghĩ
Tôi xin giải thích về từng khả năng một.
2.1. Trò chơi nuôi dưỡng khả năng thần giao cách cảm
Trong suốt cuộc đời con người, khả năng thần giao cách cảm thể hiện mạnh mẽ nhất ở thời kỳ thai nhi. Ngay thời khắc vừa thụ thai, nguồn năng lượng sống đi vào trong thai nhi và do đó tâm hồn của con cũng bắt đầu hoạt động. Hoạt động của tâm hồn chính là thần giao cách cảm. Thần giao cách cảm là khả năng có thể đọc được tâm hồn của người khác. Tâm hồn không chỉ giới hạn ở con người. Thực vật và động vật cũng có tâm hồn. Tất cả mọi loài có tâm hồn đều có thể giao tiếp giữa tâm hồn với tâm hồn thông qua năng lực thần giao cách cảm này. Hãy cùng rèn luyện khả năng thần giao cách cảm cho trẻ qua các trò chơi về khả năng trực giác.
Chơi cùng những tấm thẻ động vật
Hãy chuẩn bị cho cả mẹ và trẻ mỗi người một bộ thẻ hình gồm có năm tấm thẻ vẽ hình các con vật: gấu trúc, hươu cao cổ, voi, gấu và nai. Bộ thẻ đầu tiên sẽ được lật ngửa và xếp thành hàng ngang trước mặt trẻ, và bộ còn lại úp xuống đặt trước mặt mẹ.
Mẹ sẽ rút một tấm thẻ trong số năm tấm thẻ của mẹ, sau đó nhìn thật kỹ tấm thẻ đó và ghi nhớ hình ảnh tấm thẻ ấy trong đầu. Sau khi đã ghi nhớ hình ảnh thật kỹ, mẹ hãy bảo với trẻ rằng:
“Trong số những tấm thẻ ở trước mặt con, tấm thẻ nào giống với tấm thẻ mẹ cầm trên tay vậy?”
Hãy chơi trò chơi này năm lần. Trong năm lần đó, trẻ có thể chơi rất tốt và có lúc lấy ra được đúng tấm thẻ giống của mẹ. Với sự luyện tập dần dần, càng ngày trẻ sẽ càng chọn tốt hơn và đúng tất cả năm lần.
Mẹ và trẻ chơi cùng tấm thẻ động vật
Chơi đoán ý nghĩ
Mẹ và trẻ hãy ngồi đối diện với nhau. Mẹ hãy cho trẻ đoán về vật mẹ đã tưởng tượng ra trong đầu mẹ. Mẹ có thể chọn một số chủ đề khác nhau như hình dáng, màu sắc, động vật, phương tiện giao thông.
Mẹ và trẻ chạm đầu vào nhau, mẹ truyền hình ảnh trong đầu mẹ đến con
2.2. Trò chơi nuôi dưỡng khả năng nhìn xuyên thấu
Thần giao cách cảm là khả năng mà trẻ có thể đoán trúng những gì được hình dung trong đầu mẹ hoặc giáo viên. Trong khi đó, khả năng nhìn xuyên thấu là khả năng trẻ có thể đoán trúng được đặc điểm của tấm thẻ đã bị lật úp xuống, hoặc nhận biết quả bóng giấu trong hộp có màu gì. Khi đó, trẻ phải thực sự sử dụng khả năng nhìn xuyên thấu vì cả cha mẹ cũng không biết được đáp án chính xác nên trẻ không thể dùng khả năng thần giao cách cảm để đọc hiểu tâm trí của cha mẹ. Chính vì vậy khả năng nhìn xuyên thấu khác với thần giao cách cảm.
Chơi đoán thẻ bài
Cha mẹ hãy đặt những tấm thẻ hình hoặc thẻ bài lật úp xuống trước mặt trẻ mà không cho trẻ nhìn thấy. Sau đó, cha mẹ hãy chỉ vào một tấm bất kỳ và hỏi trẻ là tấm thẻ đó có hình gì.
Chơi đoán đồ vật trong hộp
Cha mẹ hãy chuẩn bị năm quả bóng với các màu đỏ, xanh dương, trắng, đen, vàng. Đặt một trong năm quả bóng vào trong một chiếc hộp. Cha mẹ không để cho trẻ sờ vào bóng mà cho trẻ nhìn xuyên thấu qua chiếc hộp. Cha mẹ hãy cho trẻ đoán thử xem quả bóng trong hộp có màu gì.
Trò chơi thu thập cặp thẻ bài
Đặt úp sấp tất cả các tấm thẻ bài xuống, mỗi người được lật hai tấm thẻ ở mỗi lượt chơi của mình. Nếu hai tấm thẻ bài giống hệt nhau, người chơi được giữ lại chúng, nếu hai tấm thẻ không giống nhau, người chơi sẽ úp chúng xuống. Ai có nhiều thẻ bài nhất sẽ chiến thắng.
Chơi bịt mắt
Để chắc chắn 100٪ là trẻ có thể đưa ra đáp án đúng trong trò chơi đoán thẻ bài và trò chơi đoán đồ vật trong hộp thì cha mẹ hãy cho trẻ chơi trò chơi bịt mắt. Cha mẹ hãy bịt mắt trẻ lại, không cho trẻ lấy tay sờ và cho trẻ đoán xem đồ vật đặt ở trước mặt trẻ là vật gì. Cha mẹ cũng có thể bịt mắt trẻ lại và để cho trẻ đoán xem nước Nhật, Mỹ, Anh hay các quốc gia khác ở vị trí nào trên tấm bản đồ được đặt trước mặt trẻ.
Chơi bịt mắt bắt dê cùng mẹ
Để trẻ có thể trả lời chính xác đáp án trong trò chơi bịt mắt, hãy cho trẻ chơi trò bịt mắt bắt dê cùng mẹ. Sau khi mẹ bịt mắt của trẻ lại, mẹ hãy di chuyển khỏi chỗ đã đứng và nói trẻ hãy đến tìm mẹ.
2.3. Trò chơi về khả năng chạm cảm nhận
Trò chơi về khả năng chạm cảm nhận là những trò chơi để cho trẻ đoán thử món đồ mà mình đang sờ là vật gì.
Chơi đoán màu sắc của quả bóng
Cha mẹ hãy chuẩn bị một hộp giấy bằng bìa cứng được dán kín. Đục một lỗ nhỏ hình tròn trên bìa hộp đủ để cho trẻ có thể thò tay qua được. Bỏ vào hộp giấy năm quả bóng với các màu như đỏ, xanh dương, vàng... Để trẻ thò tay qua lỗ và sờ vào một quả bóng, đoán màu sắc của chúng trước khi rút quả bóng ra. Trong lần chơi đầu tiên, chỉ cần con đoán đúng màu sắc của một quả bóng đã là rất tốt. Nếu cha mẹ cho trẻ chơi trò này năm phút mỗi ngày, trẻ sẽ có thể đoán chính xác hoàn toàn 100%. Trong lúc chơi, quan trọng là cha mẹ hãy để cho trẻ ở trong trạng thái bình tĩnh, thoải mái và cảm nhận màu sắc thật rõ ràng.
Chơi cùng những tấm thẻ
Cha mẹ hãy lật úp mười tấm thẻ bài xuống, cho trẻ sờ vào lần lượt từng thẻ bài một rồi đoán màu sắc của tấm thẻ trẻ đang chạm vào. Cha mẹ cũng có thể thay thế những tấm thẻ bài bằng tấm thẻ hình động vật rồi cho trẻ đoán thử tấm thẻ mà trẻ đang sờ có hình con vật gì.
Chơi đoán những chữ cái được viết trên giấy
Cha mẹ hãy viết một chữ cái bất kỳ lên một tờ giấy hình vuông có cạnh là hai centimet. Sau đó, cha mẹ hãy vo tờ giấy lại thành một quả bóng rồi đưa qua cho trẻ sờ và để trẻ đoán chữ cái đã được viết trên giấy là chữ gì. Cha mẹ cũng có thể để con đưa quả bóng giấy ghé sát tai hoặc kẹp vào nách trẻ rồi cho trẻ đoán xem trong đó có chữ gì. Khả năng chạm cảm nhận là khả năng trẻ có thể nói được đó là vật gì chỉ bằng cách chạm vào bằng tay và khác với khả năng nhìn xuyên thấu.
2.4. Trò chơi về khả năng linh cảm
Trò chơi về khả năng linh cảm là những trò chơi nuôi dưỡng khả năng dự đoán được những việc sẽ xảy ra ở tương lai.
Chơi dự đoán thời tiết
Cha mẹ hãy cho trẻ dự đoán thời tiết ngày mai sẽ như thế nào.
Chơi đoán thẻ
Cha mẹ hãy cho trẻ dự đoán thứ tự năm tấm thẻ theo cách mà trẻ nghĩ rằng cha mẹ sẽ xếp theo thứ tự như vậy vào ngày mai và viết dự đoán của con xuống. Hôm sau, cha mẹ hãy sắp xếp úp những tấm thẻ của mình xuống và lần lượt lật ngửa từng tấm thẻ bài mình vừa úp xuống lên để xem chúng có đúng với thứ tự mà trẻ đã dự đoán ngày hôm qua hay không. Khả năng linh cảm là khả năng mà ngay sau khi trẻ dự cảm được rằng: “Có điện thoại từ bà ngoại gọi đến” thì thực sự bà ngoại đã gọi đến ngay sau đó.
2.5. Trò chơi về khả năng di chuyển đồ vật bằng ý nghĩ
Trong những trò chơi về khả năng trực giác thì những trò chơi về khả năng di chuyển đồ vật bằng ý nghĩ chính là quan trọng nhất. Khả năng di chuyển đồ vật bằng ý nghĩ là khả năng con người có thể khiến những việc mà mình mong muốn trở thành sự thật. Nhờ có sức mạnh ý chí này, con người có khả năng chữa khỏi bệnh, dùng ý chí của mình để gây ảnh hưởng đến con người và vạn vật.
Gửi năng lượng ý chí cho thực vật
Cha mẹ hãy đặt hai chiếc đĩa trong một căn phòng. Đặt hai miếng bông lên hai đĩa và thấm nước đến khi nào bông ngập hết. Đặt một hạt đậu lên trên miếng bông và quan sát sự nảy mầm của hạt đậu. Ở hạt đậu thứ nhất, cha mẹ hãy cho trẻ trò chuyện cùng hạt đậu hàng ngày để hạt đậu có thể phát triển thật tốt, còn đặt tên cho hạt đậu còn lại một cái tên thật xấu xí và quan sát điểm khác nhau trong sự phát triển của hai hạt đậu.
Ba mẹ và con thủ thỉ với cây trồng để cây lớn nhanh hơn
Trò chơi xoay đồ chơi thăng bằng Yajirobe
Yajirobe là một loại đồ chơi sẽ không ngừng xoay tròn nếu hai “nhánh” hai bên được giữ cân bằng
Cha mẹ hãy đặt Yajirobe được làm từ những sợi dây kim loại mỏng lên trên một khối gỗ xếp hình nhỏ. Cha mẹ hãy cho trẻ ngồi trước Yajirobe và để trẻ tập trung ý chí rằng “xoay tròn, xoay tròn” và bằng cách này, để trẻ chơi trò chơi xoay Yajirobe bằng sức mạnh ý chí của mình.
Có một điểm chung trong tất cả những trò chơi về khả năng trực giác mà tôi đã giới thiệu ở trên, đó chính là tầm quan trọng của khả năng tưởng tượng hình ảnh. Khả năng trực giác chính là một khả năng của não phải. Để não phải hoạt động có hiệu quả thì điều quan trọng là phải hình dung được những hình ảnh trong tâm trí một cách thành thục.
Trong những trò chơi để rèn luyện khả năng thần giao cách cảm ở mục 2.1 thì điều quan trọng là mẹ phải tưởng tượng được rõ ràng những hình ảnh ở đỉnh đầu của mình, và để con đọc được nó. Khi cả mẹ và con đều bình tĩnh, thư giãn, những hình ảnh mà mẹ đã tưởng tượng sẽ dễ dàng hiện lên trong não bộ của con và giúp con có thể đoán được chính xác. Nếu mẹ nói những gợi ý tích cực cho con, con có thể hình dung được hình ảnh dễ dàng hơn.
Trong những trò chơi để rèn luyện khả năng nhìn xuyên thấu ở mục 2.2, khả năng tưởng tượng cũng đóng một vai trò quan trọng. Mẹ hãy gợi ý rằng con có một con mắt thứ ba ở giữa trán và khi con bình tĩnh, bằng con mắt ấy, con có thể biết được những hình ảnh trong tấm thẻ đã được gửi hiện lên trên màn hình.
Những trò chơi để rèn luyện khả năng chạm cảm nhận ở mục 2.3 cũng giống vậy. Điều quan trọng là cha mẹ hãy nói cho con hiểu rằng, khi con có thể giữ cho trái tim mình thư giãn, bình tĩnh, con có thể biết được những chữ cái và ký tự được viết trong tờ giấy đã bị vo tròn bằng con mắt thứ ba của mình.
Trong những trò chơi để rèn luyện khả năng linh cảm ở mục 2.4, cha mẹ hãy gợi ý cho con rằng con sẽ có thể thấy được hình ảnh của những sự việc sẽ xảy ra trong tương lai nhờ con mắt thứ ba của mình.
Những trò chơi để rèn luyện khả năng di chuyển đồ vật bằng ý nghĩ ở mục 2.5 cũng tương tự như vậy. Trẻ không chỉ dựa vào mong muốn mà còn thực sự tưởng tượng ra tình huống đó sẽ xảy ra ở thực tế và dẫn đến kết quả giống như vậy.
Cha mẹ nói chung thường không quan tâm đến việc rèn luyện những khả năng trực giác cho trẻ mà chỉ toàn tập trung vào việc nhồi nhét nhiều kiến thức vào não trái. Họ cho rằng cách dạy của họ mới là đúng đắn và hợp lẽ tự nhiên, còn nuôi dưỡng tâm hồn của trẻ theo phương pháp não phải thật là kỳ quặc. Cách suy nghĩ đó là sai lầm! Trong cơ chế sinh tồn, con người đã sở hữu một cơ chế mới mẻ và cao hơn rất nhiều. Nếu chúng ta biết cách đánh thức những khả năng kỳ diệu ấy thì loài người sẽ có thể tiến hóa rất nhanh. Do đó, tất cả chúng ta cần phải chú trọng nhận biết những khả năng của não phải nhiều hơn nữa. Khả năng của não phải chính là chìa khóa cho sự tiến hóa của nhân loại.
Những khả năng của não phải càng được sử dụng nhiều ở thời kỳ sơ sinh thì càng được phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Tất cả những khả năng như sự tinh tế, trực giác, sự sáng tạo, sự nhạy cảm sâu sắc đều là khả năng của não phải. Việc phát triển khả năng trực giác của trẻ chính là phát triển thế giới của trẻ về não phải và mở ra con đường đến với cảm hứng vượt xa suy nghĩ logic thông thường.
3. Cách phát triển khả năng ghi nhớ bằng hình ảnh
Tôi đã viết về khả năng ghi nhớ bằng hình ảnh ở chương 1 (rèn luyện khả năng quan sát sắc bén). Ở đây tôi sẽ nói về cách dạy trẻ phát huy khả năng ghi nhớ bằng hình ảnh từ một góc độ khác.
Trò chơi ghi nhớ đồ vật trong khay
Cha mẹ hãy đặt ba hoặc bốn món đồ vào trên một chiếc khay và che chiếc khay lại bằng một tấm khăn vải. Mở tấm khăn vải ra một vài giây cho trẻ nhìn rồi phủ lại ngay lập tức sau đó hãy hỏi trẻ là có những đồ vật gì trong khay. Hãy tăng dần số lượng đồ vật được bỏ vào trong khay lên từ từ. Hãy rèn luyện cho trẻ khả năng có thể ghi nhớ được khoảng mười đồ vật khi chỉ cần nhìn thoáng qua.
Chơi cùng thẻ bài
Cha mẹ hãy đưa cho trẻ ba tấm hình thẻ để trẻ vừa nhớ từng hình vừa lật úp những tấm thẻ xuống. Sau khi trẻ đã ghi nhớ và úp hết tất cả các tấm thẻ xuống, cha mẹ hãy đưa cho trẻ ba tấm hình thẻ tương tự và nói trẻ đặt các tấm thẻ này ở phía dưới các tấm thẻ tương tự đang úp. Sau khi trẻ đã đặt xong, cha mẹ mở những tấm thẻ hình ở trên lên rồi xác nhận xem có trùng với những tấm hình thẻ trẻ vừa mới đặt xuống hay không. Khi trẻ đã đặt đúng vị trí của ba tấm thẻ hình thì cha mẹ hãy tăng lên bốn hình, năm hình. Với cách làm như vậy thì trẻ sẽ có thể dễ dàng nhớ được khoảng mười đến hai mươi tấm thẻ.
Trò chơi xếp khối gỗ
Cha mẹ hãy chồng những khối gỗ có kích thước và màu sắc khác nhau lên thành hai tầng, mỗi tầng có ba khối. Sau đó cho trẻ nhìn trong vòng một vài giây rồi làm đổ những khối gỗ đi và để trẻ chồng lại như hình mẫu lúc ban đầu. Hãy luyện tập cho trẻ đến lúc trẻ có thể xếp được ba tầng, mỗi tầng năm khối.
Trò chơi đọc nhanh
Cha mẹ hãy viết ba hoặc bốn chữ cái lên một tấm thẻ, cho trẻ nhìn lướt qua rồi hỏi trẻ chữ đó là chữ gì. Đối với những trẻ chưa nói được, cha mẹ hãy để trẻ chọn các chữ cái từ xấp thẻ có viết các chữ cái trên đó. Sau đó, cha mẹ hãy để trẻ sắp xếp những tấm thẻ chữ này theo thứ tự những chữ cái có trên tấm thẻ ban đầu. Nếu cha mẹ cứ tăng dần số lượng chữ cái lên thì trẻ sẽ dần rèn luyện được khả năng đọc nhanh.
4. Phát triển năng lực đọc nhanh của trẻ
Dưới đây là trích dẫn nội dung từ bức thư của một người mẹ đã phát triển được những khả năng tuyệt vời của não phải cho bốn đứa con của mình.
Tôi xin thông báo về tình hình gần đây của bốn đứa con mình.
Đã hai tháng trôi qua từ lúc con gái lớn M của tôi nhập học. Con đã có chút bối rối với nhịp sinh hoạt mới và hầu như con không có thời gian để đọc sách và cũng không thể chơi những trò chơi cùng các tấm thẻ Dot với mẹ. Nhưng bây giờ, mỗi sáng con thức dậy cùng lúc với tôi, con đọc một mạch hết một quyển sách khoảng một trăm năm mươi trang rồi vui vẻ và tự tin đến trường.
Giờ đây tôi đã thấy hình ảnh của con chào tôi: “Con về rồi mẹ ạ” với chiếc ba lô đeo trên vai, tay vẫn còn lật nhanh trên những trang sách.
Năm ngoái, lúc ở dưới chân núi Yatsugatake, M đã hoàn toàn bị lôi cuốn vào thế giới của những cuốn sách. Trong vòng một năm, giữa bầu không khí tràn đầy năng lượng của những cánh đồng trên cao nguyên bát ngát cùng ngọn núi có độ cao mười hai nghìn mét so với mực nước biển, con đã đọc hết bốn nghìn quyển sách.
Vào một ngày mùa đông, con đã nói với tôi rằng: “Chỉ cần nhìn lướt qua một trang sách con đã có thể ghi nhớ được trang sách đó trong đầu. Sau đó dù có đóng sách lại thì con vẫn có thể đọc lại được nội dung trang sách ấy”. Con nói như vậy khi thấy tôi còn đang ngạc nhiên vì thấy con mang đến cho tôi một bài thơ con đã đọc từ vài tháng trước và con chép lại vào cuốn sổ tay của con. Con nói với tôi rằng: “Con không sáng tác ra bài thơ này mẹ ạ. Con chỉ chép lại những dòng thơ hiện lên trong đầu thôi”.
Trong khoảng thời gian này chúng tôi cũng thay đổi trò chơi với thẻ Dot. Khi mà tôi còn chưa đọc xong hết câu hỏi: “38 + 64 – 25 =...” thì con đã nói cho tôi đáp án chính xác. Khi tôi hỏi con: “Tại sao con lại biết kết quả!?” Con trả lời tôi rằng: “Có một vị bác sĩ xuất hiện trong đầu con rồi chỉ cho con kết quả đấy ạ”.
Vị bác sĩ ấy biến đổi thành những hình dáng khác nhau, khi thì biến thành một diễn viên múa balê, khi thì trở thành hai cái cột, và thay đổi hình dạng dựa theo thời gian và từng tình huống khác nhau. Vị bác sĩ đóng vai trò tích cực trong tâm trí của M (có vẻ như là khi M suy nghĩ điều gì đó thì vị bác sĩ sẽ nói cho con biết câu trả lời).
Đối với M thì việc học trong lúc ngủ khoảng ba mươi phút mang lại hiệu quả rất tốt. Khi học trong lúc ngủ, con có thể dễ dàng nhớ được rất nhiều bài thơ Haiku và tiếng Anh.
Đứa con gái thứ hai Y của tôi yêu sách không khác gì M. Thậm chí Y còn là một cô bé mọt sách hơn cả chị. Khi được đi học ở một nhà trẻ với thư viện đầy sách, tốc độ đọc sách của con lại càng được tăng nhanh. Bây giờ, dường như việc được đọc những cuốn sách ở trình độ năm hai tiểu học là điều vui vẻ nhất đối với con.
D là em trai sinh đôi với Y, lại có tính cách hoàn toàn khác biệt, đến nỗi thật khó để tưởng tượng chúng đã cùng chung sống với nhau từ khi còn trong bụng mẹ. Con trai D của tôi luôn vui cười và có thể xếp được đến một trăm bốn mươi miếng xếp hình chỉ trong chốc lát. Con còn có những khả năng tiềm ẩn khác mà đến chính tôi - dù là mẹ nhưng vẫn chưa thể biết hết được. D nói: “Trong cơm nắm hôm nay có vị mơ đó mọi người ạ!” Y hỏi lại D: “Tại sao em biết?”. Chị M lại nói: “Mẹ ơi! D rất giỏi đó ạ. Em ấy có thể chọn đúng tất cả mọi tấm thẻ ghi nhớ”. Những lúc như vậy, D chỉ cười đầy tự tin còn tôi cũng mỉm cười âu yếm lại với con.
Đứa con trai G hai tuổi của tôi thì đang đắm chìm trong thế giới của những chữ cái và con đang tiến bộ rất nhanh. Con tiến bộ vượt bậc trong việc đọc thầm, mọi người xung quanh thường lắc đầu tự hỏi mỗi khi thấy con đứng im lặng đọc lướt sách trước hiệu sách hay ở trường mẫu giáo với dáng vẻ tràn đầy hạnh phúc. Từ mùa thu năm hai tuổi, con đã thuộc hết lời của hai trăm bài hát trẻ em và con cũng có thể hát lại được rất đúng âm điệu của những bài hát đó. Tôi đã phì cười khi nghe con hát và nhận ra rằng con muốn truyền đạt những mong muốn của mình bằng việc tự phổ lời bài hát cho các giai điệu nổi tiếng.
Một ngày khác, khi con đang vẽ tranh thì đột nhiên nói với tôi rằng: “Mẹ ơi, có phải mẹ đang nghĩ về cà chua không ạ?”.
“Sao con lại biết được nhỉ?”, tôi trả lời con, bởi đúng là tôi đang nghĩ về món ăn có sốt cà chua trong lúc đang ngồi bên cạnh con.
Tôi đã dành rất nhiều nỗ lực và thời gian để chăm sóc con, ôm ấp con và trò chuyện cùng con. Sau quãng thời gian hơn hai năm rưỡi trải nghiệm vừa rồi, điều khiến tôi còn hạnh phúc hơn cả việc tin rằng tâm hồn của chúng ta có thể giao tiếp được với nhau và tôi có thể khẳng định rằng trẻ có khả năng thần giao cách cảm, đó là khả năng mà tôi luôn muốn nuôi dưỡng cho con. Để làm được điều này, yêu cầu quan trọng là cha mẹ phải làm cho các con hiểu được rằng chúng luôn được chở che trong tình yêu của gia đình.
5. Phương pháp nuôi dưỡng khả năng tính toán tốc độ cao
Trong bộ não trẻ em vốn luôn ẩn chứa khả năng tính toán tốc độ cao rất siêu việt mà ở người lớn đã không còn. Thực sự thì bộ máy con người còn tính toán chính xác hơn máy móc nhiều. Khả năng tính toán tốc độ cao của máy móc chỉ là sự mô phỏng lại những thao tác của bộ não con người mà thôi.
Khả năng tính toán tốc độ cao của con người được thể hiện trước hết ở khả năng tính toán chấm Dot phức tạp và nhanh hơn bất kỳ loại máy tính nào. Tôi đã đưa ra nhiều ví dụ về năng lực này ở chương 1. Ở đây tôi xin nêu ra những phương pháp để kích hoạt khả năng tính toán tuyệt vời này. Để kích hoạt khả năng tính toán những phép tính phức tạp nhanh hơn cả các công cụ tính toán thì những tấm thẻ Dot đóng vai trò hết sức quan trọng. (Tôi đã viết một chút về những tấm thẻ Dot này ở chương 1.)
Cha mẹ hãy cho con được tiếp xúc với những tấm thẻ Dot sớm nhất có thể sau khi chào đời. Lần đầu tiên, cha mẹ có thể cho trẻ nhìn mười tấm thẻ. Tốc độ tráo các tấm thẻ là một giây một thẻ, tráo từ sau ra trước. Cha mẹ chỉ cần hết mười giây để cho trẻ xem qua hết mười tấm thẻ. Trẻ sẽ tập trung nhìn những tấm thẻ. Nếu trẻ chán với việc chỉ nhìn những tấm thẻ Dot thì cha mẹ có thể cho trẻ xem xen kẽ khoảng hai mươi tấm thẻ hình, tiếp đến mười tấm thẻ Dot, rồi lặp lại với hai mươi tấm thẻ Dot. Cha mẹ hãy cho trẻ xem tổng cộng năm mươi tấm thẻ ấy với tốc độ một giây một thẻ. Chìa khóa để mở ra những mạch trong não phải là tráo từng tấm thẻ Dot nhanh và dứt khoát nhất có thể. Xin hãy hiểu rằng chúng ta không luyện cách ghi nhớ cho não phải bằng cách tráo thẻ cho trẻ xem từ từ.
Ngày tiếp theo cha mẹ hãy cho trẻ nhìn từ sáu đến mười lăm thẻ. Ngày thứ ba là từ mười một đến hai mươi thẻ. Cứ mỗi ngày cha mẹ lại tăng thêm năm thẻ cho đến khi đạt mốc tổng cộng là một trăm tấm thẻ. Ngay khi trẻ đã xem qua hết một trăm thẻ, cha mẹ hãy cho trẻ làm quen với phép cộng.
• Cách dạy phép cộng
Để dạy phép cộng cho trẻ thì cha mẹ hãy làm phép cộng. Đọc “1+1=2” và cho trẻ thấy tấm thẻ có ghi kết quả là số 2. Đọc “1+2 = 3” và cho trẻ nhìn tấm thẻ Dot có số 3. Cha mẹ cần lưu ý là khi đọc đáp án phép tính thì cần cho trẻ thấy ngay tấm thẻ ghi kết quả cùng một lúc. Cha mẹ không nhất thiết phải dạy trẻ theo một trình tự từ 1+1 mà có thể bắt đầu từ 5+3 = 8 rồi cho trẻ xem tấm thẻ Dot có ghi kết quả là số 8.
Trong một ngày hãy cho trẻ xem mười thẻ phép cộng. Trẻ em không cần phải ghi nhớ các phép tính hay cố gắng đạt được khả năng tính toán gì cả bởi vốn dĩ khả năng tính toán này đã có sẵn ở não phải của trẻ rồi. Vì vậy chỉ bằng cách cho trẻ xem khoảng từ mười đến hai mươi phép cộng thì trẻ đã có thể hiểu được hoàn toàn phép cộng.
Đến khi nào trẻ lờ đi không muốn xem các tấm thẻ phép cộng thì đó là dấu hiệu chứng tỏ con đã hiểu được phép cộng rồi, vậy nên cha mẹ hãy chuyển sang dạy cho trẻ phép tính trừ.
• Cách dạy phép trừ
Hãy bắt đầu bằng cách nói: “Hãy cùng học phép trừ nào!”. Việc giải thích phép cộng là gì, phép trừ là gì hoàn toàn không cần thiết.
Cha mẹ hãy đọc cho trẻ nghe những phép tính như 2 – 1 = 1, 3 – 1 = 2, trong lúc đọc đến đáp án nào thì đồng thời hãy cho trẻ xem các tấm thẻ Dot ghi kết quả của phép tính đó. Cha mẹ không cần cho trẻ xem thẻ theo thứ tự nào cả. Cho trẻ xem khoảng hai mươi phép tính thì trẻ đã có thể hiểu về phép tính trừ. Khi trẻ lờ đi không xem những tấm thẻ này có nghĩa là đã đến lúc cha mẹ nên chuyển sang dạy cho con về phép nhân.
• Cách dạy phép nhân
Hãy bắt đầu dạy trẻ bằng cách giới thiệu: “Hãy cùng làm phép nhân”. Cũng giống như học các phép tính trước, cha mẹ không cần phải tuân theo một thứ tự hệ thống phép tính nào cả. Cha mẹ hãy đọc cho trẻ nghe các phép tính như 5 x 2 = 10, 2 x 8 = 16, mỗi ngày cho trẻ xem khoảng mười tấm thẻ với tốc độ một giây một thẻ. Cha mẹ không cần thiết phải giải thích bất cứ điều gì. Chỉ đơn giản là đọc phép tính và đồng thời đưa ra tấm thẻ Dot ghi kết quả cho trẻ xem là đủ. Khi trẻ không còn chú ý nhìn các tấm thẻ phép nhân, hãy chuyển sang dạy phép chia.
• Cách dạy phép chia
Cha mẹ bắt đầu bằng cách nói: “Hãy cùng làm phép chia nhé”. Tương tự như trên, cha mẹ không cần tuân theo thứ tự nào mà hãy đọc những phép tính 12 : 2 = 6, 8 : 4 = 2… Khi đọc đến kết quả thì đồng thời cho trẻ xem những tấm thẻ Dot có ghi kết quả tương ứng. Hoặc có lẽ tốt hơn nữa là cha mẹ tự tạo ra các phép tính mà kết quả được ghi trên thẻ Dot mà cha mẹ đang cầm trên tay. Trong trường hợp những phép tính được in ở mặt sau của tấm thẻ thì cha mẹ hãy đọc to phép tính đó, và khi đọc đến câu trả lời thì đồng thời cho trẻ xem mặt trước tấm thẻ Dot ghi kết quả.
• Cách dạy những phép tính kết hợp
Bắt đầu bằng cách nói: “Hãy cùng làm phép tính kết hợp”. Tương tự, cha mẹ lặp lại những biểu thức bao gồm các phép tính cộng, trừ, nhân, chia và khi đọc đến câu trả lời, hãy đồng thời cho trẻ xem tấm thẻ Dot có ghi đáp số đúng. Cha mẹ không cần giải thích cho trẻ việc phải làm phép nhân chia trước, cộng trừ sau mà chỉ cần đọc phép tính và cho trẻ xem kết quả. Thông qua quá trình như vậy, câu trả lời chính xác sẽ hiện lên trong đầu trẻ.
Nhờ vào cách dạy các phép tính toán cùng với thẻ Dot như vậy, não bộ của trẻ sẽ được kích hoạt đến mức dù có là phép tính phức tạp cỡ nào cũng có thể làm được. Cha mẹ có thể biết được trẻ đưa ra câu trả lời chính xác cho các phép tính hay không bằng cách chơi trò “Đâu là?” cùng trẻ.
• Trò chơi “Đâu là?”
Cha mẹ hãy đưa ra hai tấm thẻ và nêu ra một phép tính rồi cho trẻ chọn tấm thẻ nào là đáp án chính xác. Nếu con có thể trả lời đúng hết tất cả 100% các câu hỏi thì chứng tỏ con đã phát huy được khả năng tính toán tốc độ cao, nhanh hơn bất kỳ chiếc máy tính nào.
Nếu độc giả nào muốn biết thêm thông tin về phương pháp nuôi dưỡng tài năng thực hiện những phép tính phức tạp nhanh hơn cả máy tính, xin hãy đọc thêm cuốn: Các phương pháp dạy thẻ Dot hiệu quả của Viện Nghiên cứu và Giáo dục Shichida Nhật Bản phát hành.
6. Phương pháp nuôi dưỡng khả năng cao độ hoàn hảo
Nếu cha mẹ đợi cho đến khi trẻ vào tiểu học mới bắt đầu rèn luyện cho trẻ khả năng cao độ hoàn hảo thì rất khó để trẻ đạt được khả năng này. Cần hiểu rằng trẻ em bốn tuổi có khả năng đạt được cao độ hoàn hảo gấp hai lần trẻ em năm tuổi, và trẻ em ba tuổi thì có khả năng đạt được khả năng cao độ hoàn hảo gấp ba lần trẻ em năm tuổi. Ngược lại, trẻ em sáu tuổi chỉ có một phần hai năng lực so với trẻ em năm tuổi. Từ bảy tuổi trở lên trẻ hoàn toàn không còn khả năng để nuôi dưỡng được khả năng cao độ hoàn hảo. Quy luật thuyên giảm tài năng được thể hiện rất rõ ở đây.
Có bốn bước như sau để nuôi dưỡng khả năng cao độ hoàn hảo.
• Bước 1
Ngay từ khi trẻ còn trong bụng mẹ, hãy chọn các bản nhạc cổ điển và cho trẻ nghe lặp đi lặp lại nhiều lần.
• Bước 2
Ngay khi trẻ vừa được sinh ra hãy cho trẻ nghe lại các tác phẩm mà trẻ đã từng nghe từ lúc còn trong bụng mẹ. Hãy làm cho môi trường xung quanh trẻ lúc nào cũng tràn ngập những bản nhạc cổ điển. Việc cho trẻ nghe những tác phẩm kinh điển trong vòng sáu năm đầu đời sẽ tạo một tác động đến vùng não thính giác (ở dưới vùng thị giác), vốn nằm ở vùng não cơ sở.
Mẹ cho bé nghe nhạc lúc bé đã ra đời
• Bước 3
Khi trẻ được sáu tháng hãy cho trẻ chạm vào các phím đàn piano và đồng thời cho trẻ xem các tấm thẻ hình nốt nhạc tương ứng. Hãy vừa cho trẻ nghe các nốt đơn, nốt đôi, nốt ba và các hợp âm vừa xem các tấm thẻ có vẻ hình nốt nhạc tương ứng. Một ngày hãy cho trẻ xem từ ba đến năm thẻ là đủ.
Khi bấm nốt “Đô”, cha mẹ hãy cho trẻ xem tấm thẻ vẽ nốt đô trên khuông nhạc. Nếu tấm thẻ có mặt trước là hình vẽ quả sồi và mặt sau là hình các nốt nhạc thì rất tốt cho khả năng kết hợp với hình ảnh.
Cho trẻ chơi đàn Piano
Bước 4Nếu cha mẹ liên tục cho trẻ nghe các nốt nhạc được chơi trên piano như vậy trong vòng một đến hai tháng thì âm thanh của các nốt nhạc sẽ in sâu vào đầu trẻ. Cha mẹ có thể đặt ba tấm thẻ nốt nhạc trước mặt trẻ, cho trẻ nghe nốt nhạc đó được đánh trên đàn piano và hỏi trẻ đó là nốt gì. Nếu trẻ có thể chỉ ra tấm thẻ nốt nhạc đúng 100% thì trẻ đã đạt được khả năng cao độ hoàn hảo.
Cho trẻ xem thẻ nốt nhạc
7. Phương pháp nuôi dưỡng khả năng tiếp nhận nhiều ngôn ngữ
Tất cả mọi trẻ em đều là thiên tài trong lĩnh vực ngôn ngữ. Nếu trẻ sống trong môi trường có năm ngôn ngữ thì trẻ có thể sử dụng tốt được cả năm ngôn ngữ, nếu có sáu ngôn ngữ thì có thể thành thạo cả sáu ngôn ngữ mà không hề bị nhầm lẫn một chút nào giữa những ngôn ngữ ấy. Cha mẹ không cần phải dạy cho trẻ về bất kỳ cấu trúc ngữ pháp nào. Tất cả những gì cha mẹ cần làm là cho trẻ lắng nghe ngôn ngữ của quốc gia đó.
Các bậc phụ huynh và giáo viên ở Nhật cho rằng nếu cho trẻ nghe nhiều loại ngôn ngữ khác nhau ngay từ khi vừa chào đời thì tiếng mẹ đẻ của trẻ sẽ bị ảnh hưởng không tốt, trẻ sẽ lớn lên với lối suy nghĩ kỳ quặc. Đó là một quan niệm cực kỳ sai lầm. Trẻ em Nhật Bản có khả năng ngoại ngữ kém chính là bởi vì cha mẹ đã bỏ lỡ mất giai đoạn cực kỳ quan trọng để rèn luyện cho trẻ khả năng tiếp thu nhiều ngôn ngữ.
Khả năng tiếp nhận nhiều ngôn ngữ cũng hoạt động theo quy luật thuyên giảm tài năng. Trẻ càng nhỏ, năng lực này càng tốt và trẻ càng lớn tuổi, năng lực này cũng sẽ giảm dần, khiến trẻ sẽ rất khó để thành thạo ngoại ngữ.
Xin độc giả nhớ rằng thai nhi lúc còn trong bụng mẹ và trẻ sơ sinh có khả năng giao tiếp cấp cao mà không cần dùng đến ngôn ngữ (tôi đã trình bày điều này ở chương 2). Mọi đứa trẻ đều có thể sử dụng khả năng này để dễ dàng học được hai đến ba ngôn ngữ.
Bức thư sau đây kể về câu chuyện của một cậu bé mười bốn tháng tuổi.
Thành phố Ito, H.K.
Vì con của tôi rất thích sách nên cả một ngày con cứ ôm theo một cuốn sách và đi theo mẹ.
Ngay từ lúc còn nhỏ, rất lâu trước sinh nhật lần đầu tiên của con, con đã biết nài nỉ tôi để đọc to cho con nghe những cuốn sách thiếu nhi khác nhau.
Tôi thường đặt những quyển sách ảnh bằng tiếng Anh ở những chỗ con có thể dễ dàng lấy được, bởi vậy con cũng thường nài nỉ tôi đọc cho con nghe những cuốn sách tiếng Anh nhiều hơn những cuốn khác.
Vì con rất thích xe hơi nên lúc nào cũng muốn tôi đọc cho con nghe hai chương: “Wheels” (Những chiếc bánh xe) và “The old steam train” (Đoàn tàu hơi nước cổ xưa) trong bộ truyện Jelly Beans. Con sẽ xoay tay mình thành vòng tròn mỗi khi nghe đến đoạn “All kinds of wheels go round and round” (Tất cả các loại bánh xe xoay vòng quanh vòng quanh).
Con cũng rất thích chương “Going to school” (Đi đến trường) trong bộ sách Get ready Books, khi tôi đọc đến đoạn “I wave” (Tôi vẫy tay) trong câu “I wave to my friend, the car driver” (Tôi vẫy tay chào bạn tôi, là anh tài xế) thì con sẽ vẫy tay chào tạm biệt theo.
Có mười bộ sách tiếng Anh mà con rất yêu thích. Con luôn nghe rất chăm chú những câu tiếng Anh mà cha mẹ nghĩ là khá khó. Sau khi tôi đọc cho con nghe hết hai bộ Jelly Beans và Get ready Books thì con luôn muốn cha mẹ đọc lại cho con nghe nhiều lần nữa.
Đối với trẻ em, tiếng Anh hay tiếng Nhật dường như không có sự khác biệt nào cả, trẻ sẽ ngay lập tức bắt chước theo những từ mà mình đã được dạy.
Tôi cũng có dạy tiếng Anh cho các anh chị của con (một cặp sinh đôi chín tuổi), nhưng rõ ràng năng lực tiếp thu của đứa con nhỏ thực sự khác biệt: con thẩm thấu ngôn ngữ dễ dàng và chúng nhanh chóng trở thành một phần trong vốn từ vựng mà con sử dụng, hơn nữa, con cũng sẽ không bị quên, giống như từ ngữ đó đã lưu trữ trong đầu con rồi vậy.
8. Rèn luyện khả năng tưởng tượng là rất quan trọng với việc phát triển não phải
Trong việc nuôi dưỡng não phải thì rèn luyện khả năng tưởng tượng là rất quan trọng. Não trái là bán cầu của sự căng thẳng. Nếu như người mẹ chỉ nuôi dạy con bằng việc nói với con những lời như là: “Không được”, “Không thể làm vậy”, “Nhanh lên” thì não phải của con sẽ không hoạt động và khi đó chỉ có não trái lúc này đã tràn ngập sự căng thẳng. Nếu trẻ chỉ sử dụng bán cầu não trái thì việc học tập sẽ không đem lại những hiệu quả tốt.
Bán cầu não phải là phần não hoạt động trong trạng thái thư giãn. Nếu cha mẹ tin tưởng vào năng lực của trẻ, thể hiện một thái độ bình tĩnh, kiên nhẫn, nhẹ nhàng, không thúc ép trẻ, não phải của trẻ sẽ mở ra và nhờ đó việc học sẽ được tiến hành trôi chảy.
Sẽ là tốt nhất nếu cha mẹ ở trong tâm thế thư giãn và thấy tâm trí của con cũng thư giãn theo để đảm bảo rằng não bộ của trẻ sẽ ở trong trạng thái thuận lợi và dễ dàng nhất cho việc học. Chỉ cần não phải được thư giãn, trẻ sẽ dễ dàng bộc lộ được những khả năng tuyệt vời vốn đã có sẵn trong não phải của trẻ.
Một phương pháp khác giúp não phải của trẻ được thư giãn, đó là cho trẻ luyện tập khả năng tưởng tượng. Luyện tập khả năng tưởng tượng là một phương pháp làm an tĩnh lại tâm trí của trẻ, khơi mở não phải và khiến cho tâm hồn của trẻ kết nối với nguồn năng lượng trí tuệ của vũ trụ.
Sau đây tôi xin giới thiệu một phương pháp rèn luyện khả năng tưởng tượng dành cho trẻ em. Mẹ và con hãy ngồi đối diện nhau và nói chuyện với con theo cách dưới đây:
• Luyện tập khả năng tưởng tượng
Nào, con hãy nhẹ nhàng nhắm mắt lại.
Hít thở chậm rãi con nhé.
Con cảm thấy thật yên bình.
Cảm giác thật an lành.
Nào, con hãy chuyển sự chú ý xuống tay. Tay của con rất ấm áp.
Tay con rất ấm áp và dễ chịu.
Con hãy tiếp tục nhắm mắt và lắng nghe mẹ nói nhé.
Bây giờ con đang ở trên một bãi cỏ rộng lớn với bầu trời trong xanh.
Ông mặt trời tỏa ánh nắng rực rỡ.
Con đang cầm năm quả bóng bay.
Những quả bóng bay đó có màu đỏ, xanh dương, vàng, xanh lá và trắng.
Con hãy thả từng quả bóng bay lên bầu trời.
Quả bóng bay màu đỏ đã rời khỏi tay con và nhẹ nhàng bay vút cao lên bầu trời
Xem kìa, lên cao, lên cao, vi vu, vi vu, chầm chậm chầm chậm bay lên cao.
Lên cao, lên cao, vi vu, vi vu.
Đến lượt quả bóng bay màu vàng bay vút lên cao.
Lên cao, lên cao, vi vu, vi vu.
Bây giờ đến lượt quả bóng bay màu xanh lá cây bay lên.
Lên cao, lên cao, vi vu, vi vu.
Bây giờ đến lượt quả bóng bay màu xanh dương bay lên.
Chầm chậm, chầm chậm, vi vu, vi vu
Cuối cùng quả bóng bay màu trắng cũng rời khỏi tay con.
Quả bóng màu trắng từ từ, từ từ vi vu, bay vút lên cao, lên cao.
Con hãy nhìn lên năm quả bóng bay xinh xắn mà con đã thả lên bầu trời đi nào.
Ông mặt trời tỏa nắng trên gương mặt con và ánh nắng thật ấm áp.
Ông mặt trời bao bọc con với ánh nắng và con cảm thấy thật ấm áp.
Vì ánh nắng chói chiếu vào mắt nên con giơ hai tay che mắt lại.
Đó, vậy là con đã che mắt lại rồi.
Bàn tay con đón nhận ánh nắng mặt trời nên trở nên rất ấm áp.
Đôi tay con thật là ấm.
Những quả bóng bay bay lên rất cao, thành những chấm nhỏ dần, nhỏ dần rồi biến mất.
Con đang ở trên một bãi cỏ rộng lớn.
Bãi cỏ tràn ngập ánh nắng mặt trời thật ấm áp.
Trên bãi cỏ ấy có rất nhiều những bông hoa xinh đẹp đang nở.
Có rất nhiều những bông hoa màu đỏ đang đua nở, những bông hoa màu vàng và rất nhiều những bông hoa màu trắng cũng đua nhau nở.
Thật đẹp, thật đẹp làm sao!
Thật yên bình làm sao!
Bây giờ con hãy trở lại căn phòng với cảm giác thật dễ chịu và yên tĩnh học nào!
Mọi thứ con học sẽ đi vào đầu con thật nhanh chóng và con sẽ học thật tốt và dễ dàng!
Mẹ và con cùng tưởng tượng khung cảnh yên bình