Tuổi càng lớn, tài năng của trẻ sẽ ngày càng thuyên giảm
1. Tuổi tác càng lớn, con người càng dễ giảm sút năng lực của mình
Phương pháp giáo dục của tôi khác biệt hoàn toàn với những phương pháp sáo mòn thông thường vốn vẫn có từ trước đến nay. Tôi muốn các bậc mẹ hãy thay đổi những cách tư duy đã có về giáo dục trẻ theo hướng hoàn toàn ngược lại. Thông thường, sự phát triển của trẻ em vẫn được mô tả dưới hình dạng của một hình tam giác ngược như hình 1.
Tôi tin những nhà giáo dục nghiên cứu về sự phát triển của trẻ thường nghĩ rằng: lúc không tuổi, trẻ hoàn toàn không biết gì, qua quá trình tiếp xúc và học hỏi từ những người chăm sóc mình, trẻ sẽ dần trở nên thông minh hơn. Tuy nhiên, tôi muốn bạn hãy nhìn nhận phương thức phát triển như hình 2, một phương thức phát triển hoàn toàn ngược lại với những gì nhiều người vẫn nghĩ.
Thật sự, trẻ sơ sinh có những khả năng vô hạn. Chính vì vậy, tôi mới nói rằng mọi đứa trẻ ngay từ khi chào đời đã là một thiên tài. Theo tôi, so với bộ não của trẻ sơ sinh, các chức năng não bộ của cha mẹ đã bị giảm đi đáng kể. Nhiều người không biết rằng những tố chất tuyệt vời của trẻ sẽ mất dần nếu không nhận được sự hỗ trợ từ những người chăm sóc trẻ. Không chỉ cha mẹ mà cả người chăm sóc trẻ ở nhà trẻ, giáo viên ở trường mẫu giáo, chứ đừng nói là giáo viên tiểu học cũng đều không biết về sự thật này. Vì vậy, họ đã vô tình không chú ý đến giai đoạn sơ sinh quan trọng này và khiến chúng trôi qua vô ích.
Nếu không có những kích thích cần thiết, cho đến khi tám tuổi, những năng lực đặc biệt này sẽ thực sự hoàn toàn biến mất. Sáu tuổi là độ tuổi những năng lực này bắt đầu chững lại. Vì vậy, khi trẻ được sáu tuổi những khả năng của trẻ sẽ dừng phát triển và cố định lại ở mức đó.
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng, đối với trẻ em, vui chơi rất quan trọng, hoặc trong lúc chơi, trẻ cũng có thể học, hoặc với những trẻ có nhiều thời gian để chơi đùa, chúng sẽ học tốt khi ở trường. Bởi vậy, nếu cha mẹ quên việc phải phát triển khả năng của trẻ trong giai đoạn từ không tuổi đến sáu tuổi, trẻ sẽ gặp khó khăn và dễ vấp ngã sau này.
Do đó, chúng ta cần phải thay đổi hoàn toàn những quan điểm vốn được đồng tình từ trước đến nay. Nói cách khác, khi tuổi ngày càng lớn thì tài năng của trẻ cũng sẽ ngày càng thuyên giảm. Trẻ càng nhỏ, khả năng tiếp nhận ngôn ngữ càng vượt trội, cho đến năm trẻ được sáu tuổi thì giai đoạn tiếp thu tốt nhất cũng trôi qua. Tại đúng độ tuổi mà những khả năng vô hạn của trẻ đã dần mất đi, việc giáo dục trẻ mới bắt đầu. Đây đúng là một phương pháp giáo dục kỳ lạ và không hợp với lẽ tự nhiên nhưng vẫn được áp dụng phổ biến trên toàn thế giới.
Đường cong tăng trưởng Scammon
Chúng ta hãy cùng giải thích về đường cong tăng trưởng được vẽ bởi tiến sĩ Scammon. Sự phát triển của trẻ gồm ba yếu tố. Đó là trí não (A), thể chất (B) và tính dục (C). Não bộ phát triển mạnh mẽ ngay sau khi trẻ chào đời. Đến năm ba tuổi trí não phát triển gấp từ ba đến bốn lần thời điểm mới sinh.
Đến năm sáu tuổi não bộ của trẻ đã hoàn thiện được gần 90%. Trong thời kỳ sơ sinh, não chính là bộ phận phát triển nhất trong các bộ phận của cơ thể. Vì vậy, việc giáo dục để phát triển não bộ nên là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn sơ sinh của trẻ. Từ biểu đồ, chúng ta có thể hiểu rằng: đến năm sáu tuổi não bộ đã hoàn thiện gần hết. Vì vậy sẽ là vô ích nếu lúc này cha mẹ mới bắt đầu giáo dục trẻ để phát triển não bộ.
Về yếu tố thể chất, khi trẻ bắt đầu tuổi đến trường, các yếu tố về thể chất mới có sự tăng trưởng đáng chú ý. Trong một năm trẻ có thể tăng chiều cao lên đến 10 cm. Trong giai đoạn tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, thể chất của trẻ sẽ dần phát triển ổn định. Về phát triển tính dục, ở trung học cơ sở, các hoóc-môn giới tính bắt đầu tiết ra đáng kể và tính dục của trẻ cũng bắt đầu phát triển kể từ thời kỳ này.
Tuy nhiên, ngay trong giai đoạn trẻ phát triển về thể chất và tính dục, cần cho trẻ tham gia nhiều hoạt động để phát triển thể lực, người lớn lại bắt đầu cho trẻ học tập và trẻ bị buộc phải tham gia những lớp học thêm sau giờ học chính bởi ở lứa tuổi này, não bộ của trẻ không còn nhạy bén và việc học hành trở nên không thuận lợi nữa. Đây chính là cách giáo dục ngày nay, hết sức kỳ lạ và không phù hợp với lẽ tự nhiên.
Người ta cho rằng cách giáo dục kỳ lạ này mới là đúng đắn và đáng được làm theo. Tuy nhiên tôi muốn nói rằng quan điểm sáng suốt mà tôi vừa nêu ra sẽ làm đảo lộn mọi thứ.
2. “Quy luật thuyên giảm tài năng” – trẻ hai tuổi giỏi hơn trẻ ba tuổi, trẻ ba tuổi giỏi hơn trẻ bốn tuổi
Việc tuổi càng lớn tài năng lại càng giảm dần được gọi là “quy luật thuyên giảm tài năng”. Tuy nhiên, hầu hết các bậc phụ huynh không biết đến quy luật này nên đều có suy nghĩ ngược lại rằng trẻ em bốn tuổi sẽ thông minh hơn trẻ ba tuổi và trẻ năm tuổi thông minh hơn trẻ bốn tuổi.
Một vài năm trước, khi tôi còn giảng dạy tại trường mẫu giáo Hirose ở Semdai, hiệu trưởng nhà trường đã kể với tôi rằng: “Trong tháng Hai, tôi đã tổ chức một chương trình biểu diễn ca nhạc dành cho học sinh tại trường mẫu giáo. Khi đó, các em được yêu cầu hát bài Giao hưởng niềm vui trong bản giao hưởng số 9 của Beethoven bằng tiếng Đức. Nhóm trẻ có thể nhớ được lời bài hát nhanh nhất chính là những trẻ ở lớp nhỏ chứ không phải ở các lớp giữa hay lớp lớn. Những trẻ ba tuổi có thể dễ dàng ghi nhớ được lời nhất. Những trẻ bốn tuổi khó nhớ lời hơn một chút so với trẻ ba tuổi và trẻ năm tuổi rất khó khăn để nhớ được lời bài hát”.
Vì tôi đã được biết về quy luật thuyên giảm tài năng cho nên ngay lập tức tôi có thể lý giải được việc này, tuy nhiên nếu suy nghĩ theo lối mòn rằng trẻ em bốn tuổi sẽ thông minh hơn trẻ ba tuổi và trẻ năm tuổi thông minh hơn trẻ bốn tuổi, hẳn sẽ không thể nào lý giải được.
Trong mười tháng tôi giảng dạy tại trường mẫu giáo Takaba ở tỉnh Ibaraki, viện trưởng Shimizu đã kể cho tôi nghe câu chuyện như thế này: “Tất cả những trẻ em tại trường mẫu giáo Takaba đều có thể thực hiện hoạt động nâng người trên xà phức tạp. Khi tôi kể điều này với các giáo viên làm việc tại các trường khác, họ đều cho rằng tôi nói dối và không tin lời tôi. Hoạt động nâng người trên xà là môn học trẻ được dạy vào năm thứ ba tiểu học, thế nhưng có đến 50% học sinh không thể thực hiện được. Thậm chí khoảng 30 - 40% trẻ em ở lớp Sáu vẫn không làm được hoạt động này. Vì vậy, không ai tin rằng tất cả trẻ ở trường mẫu giáo của chúng tôi lại có thể làm được. Tuy nhiên, thực sự ở nhà trẻ Takaba chỉ có một trẻ chưa làm được, là vì bé vừa mới được chuyển đến từ một trường khác. Ngoài ra, tất cả các trẻ còn lại đều có thể làm được”. Tôi có thể quan sát thấy lũ trẻ đều thực sự có thể nâng người trên xà. Sau khi tôi thắc mắc rằng: “Tại sao tất cả bọn trẻ đều có thể thực hiện được như vậy?”, viện trưởng đã trả lời rằng: “Nếu cho trẻ bắt đầu học từ năm ba tuổi, tất cả đều có thể thực hiện dễ dàng. Tuy nhiên, nếu bắt đầu từ năm bốn tuổi, sẽ có một số trẻ không làm được. Còn nếu bắt đầu từ năm năm tuổi, sẽ có rất nhiều trẻ không làm được”. Đây chính là quy luật thuyên giảm tài năng.
Trẻ mẫu giáo đang thực hiện động tác đu xà
Ở Fukuoka có một học viện dành riêng cho trẻ em chậm phát triển tâm thần gọi là Shiinomi Gakuen. Tại đây, người ta tiến hành việc giáo dục rất kỹ lưỡng theo chương trình đào tạo về ngôn ngữ cho trẻ từ lúc trẻ còn ba tuổi. Nhờ quá trình rèn luyện này, những đứa trẻ chậm phát triển tâm thần sẽ phát triển và đạt đến mức độ giống như những đứa trẻ bình thường. Các báo cáo ghi chép lại rằng chương trình này áp dụng với những trẻ bốn tuổi sẽ khá khó để mang lại kết quả tốt và nếu bắt đầu với trẻ năm tuổi thì hầu như không đạt được kết quả gì. Điều này là hiển nhiên khi được giải thích theo quy luật thuyên giảm tài năng.
Do vậy, giai đoạn từ hai đến ba tuổi rất quan trọng.
Tôi đã biết đến và đọc được cuốn sách viết về quy luật thuyên giảm tài năng vào khoảng năm 1952, 1953, tức là từ trước khi kết hôn. Lúc đó tôi nghĩ rằng, sau khi kết hôn và sinh con, tôi sẽ phải nuôi dạy con theo cách này, nhưng tôi đã không biết rằng quy luật thuyên giảm tài năng cũng ứng dụng cho cả năng lực thể chất. Con trai lớn của tôi vì không rèn luyện thể chất nhiều nên không thể chạy nhanh được. Tôi nghĩ việc con không giỏi vận động là do giống ba mẹ, vì bản thân tôi khi chạy luôn là người đứng cuối nên tôi nghĩ việc con chạy chậm cũng là điều đương nhiên thôi.
Tuy nhiên, với hai bé sau, tôi đã cho các con chạy bộ năm phút mỗi ngày từ lúc các con được hai tuổi và rèn luyện độ dẻo dai của chân bằng cách cho các con leo lên ngọn núi cao 460 mét ở gần nhà vào mỗi ngày cuối tuần. Nhờ đó, các con chạy rất nhanh và luôn giành được những thứ hạng cao trong các cuộc thi chạy đường dài hay chạy nước rút ở trường học.
Tôi đã từng đọc một cuốn sách của cô Ikeda Keiko – một vận động viên Olympic. Cô đã kể trong cuốn sách rằng: vì chồng cô cũng là một tuyển thủ môn thể dục dụng cụ nên khi con gái đầu chào đời, hai người đã cực kỳ vui mừng và nuôi dưỡng bé theo những huấn luyện đặc biệt về thể dục thể thao. Nhờ đó, khi vừa mới vào tiểu học, con đã trở thành một học sinh có khả năng xuất sắc trong thể thao, con có thể thực hiện được liên tiếp hai cú nhảy lộn nhào trên không trung từ giường ngủ một cách dễ dàng. Cô Ikeda cho rằng đây là điều hết sức bình thường vì cả ba và mẹ đều có khả năng vận động cực kỳ tốt, nên tố chất vận động này sẽ di truyền cho con một cách tự nhiên. Đến khi sinh con thứ hai, vì công việc trở nên bận rộn hơn, cả hai vợ chồng đều nghĩ rằng dù không được rèn luyện, con cũng sẽ vẫn trở thành một vận động viên xuất sắc bởi yếu tố di truyền, bởi vậy, cả hai vợ chồng đã không rèn luyện gì cho đứa con thứ hai. Đến năm con được bốn tuổi, cả hai chợt nhận ra rằng con đã trở thành một cậu bé có khả năng vận động kém, con sợ hãi ngay cả việc nhảy xuống từ độ cao 30 cm. Lúc này hai vợ chồng mới gấp gáp tiến hành chương trình huấn luyện đặc biệt cho con nhưng tất cả những nỗ lực lúc này đều đã quá muộn. Cô Ikeda viết rằng cô đã hiểu ra năng lực vận động không hề được di truyền. Khả năng vận động đã hoàn thiện được 78% vào năm trẻ được bốn tuổi, nếu sau năm bốn tuổi mới tiến hành rèn luyện thì dù có tiến hành những rèn luyện đặc biệt như thế nào đi chăng nữa cũng sẽ không đem lại những kết quả như ý.
Khi tôi đọc được cuốn sách này và biết rằng quy luật thuyên giảm tài năng được ứng dụng cho cả lĩnh vực vận động thì đã không kịp vì con trai đầu của tôi đã bốn tuổi rồi, bởi vậy, con tôi đã lớn lên và không có thế mạnh về khả năng vận động. Tuy vậy, sau đó tôi đã rất chú ý nuôi dưỡng rèn luyện khả năng vận động cho hai đứa con sau, và các con đã trở thành những đứa trẻ chạy rất nhanh. Sau khi nhập học, các con luôn được chọn làm đại diện cho lớp trong các cuộc thi chạy và luôn giành được hạng nhất hoặc hạng hai trong tất cả các cuộc thi chạy cự ly ngắn, cự ly dài hay chạy tiếp sức. Sau những cuộc thi đấu điền kinh cấp khu vực, giáo viên thể dục của các con đến gặp để nói với tôi rằng: “Các bé nhà anh chị có tố chất vận động rất tốt. Chắc hẳn rằng anh hoặc mẹ của bé khi còn đi học cũng là những người rất xuất sắc trong thể thao nhỉ?”.
Sau khi tôi trả lời rằng: “Không đâu, trong môn chạy tôi luôn là người xếp hạng cuối”, giáo viên lại nói: “Vậy chắc chắn là mẹ bé chạy rất giỏi rồi?”.
Về đến nhà, tôi đã hỏi lại vợ mình và cô ấy nói rằng cô ấy cũng chạy rất chậm. Nếu vợ tôi là một người có tố chất nhanh nhẹn, chắc hẳn cô ấy sẽ có khả năng chạy nhanh nhưng cô ấy không phải là mẫu người như vậy. Cậu con trai nhỏ nhất của tôi có khả năng vận động tốt đến nỗi giáo viên thể dục đã nói với tôi rằng: “Nếu anh để tôi huấn luyện cậu bé, tôi sẽ giúp con có thể đứng trong top đầu của đội tuyển điền kinh của tỉnh. Hãy để con tham gia vào câu lạc bộ thể thao của chúng tôi”. Đây chính là kết quả của việc áp dụng quy luật thuyên giảm tài năng.
Nhờ vào sự phát triển của sinh lý học não bộ, chúng ta có thể biết đến những quy luật như vậy. Đặc biệt, giai đoạn hai, ba tuổi là giai đoạn cực kỳ quan trọng. Hai tuổi là độ tuổi những tài năng được hình thành và hoàn thiện và chúng có ảnh hưởng đến suốt cuộc đời trẻ. Nên bắt đầu giáo dục trẻ từ lúc hai tuổi hơn là ba tuổi. Tôi muốn nói rằng cha mẹ hãy trân trọng và tận dụng tối ưu giai đoạn này.
3. Ba khám phá về sinh lý học não bộ được phát hiện
Tiếp theo, tôi xin giải thích về ba khám phá trong nghiên cứu sinh lý học não bộ. Gần đây, người ta đã phát hiện ra bộ não bao gồm bán cầu não phải và bán cầu não trái, và chúng có sự tương hỗ lẫn nhau rất quan trọng để thực hiện được chức năng của mình; bởi vậy các nghiên cứu về cả hai bán cầu não được tiến hành liên tiếp.
Ví dụ, trong não bộ của trẻ em cho đến sáu tuổi có một năng lực rất đáng ngạc nhiên, đó là khả năng xử lý như một chiếc máy tính. Khả năng này giúp trẻ có thể học nói dễ dàng thông qua sức mạnh ghi nhớ. Một gia đình khi chuyển đến định cư ở nước ngoài, hơn ai hết, thành viên có thể học nói ngoại ngữ nhanh nhất chính là trẻ dưới sáu tuổi. Nếu quá sáu tuổi, khả năng xử lý như một chiếc máy tính để học ngôn ngữ sẽ dần mất đi.
Sử dụng phương pháp Dot mà tôi đã giới thiệu ở chương 1 để dạy cho trẻ khoảng một tuổi, đứa trẻ khoảng một tuổi rưỡi đã trả lời chính xác đáp số bài toán “69 chia 3 cộng 16 bằng bao nhiêu?” là 39. Chúng có thể làm được vì trẻ ở độ tuổi này có khả năng xử lý như một chiếc máy tính cấp cao hoạt động mạnh trong não bộ,
Qua đó, chúng ta có thể hiểu rằng não bộ của trẻ em chắc chắn rằng không hề non nớt hoặc chưa phát triển hết. Ngược lại, chúng sở hữu những khả năng vượt trội mà người lớn không có được. Mọi đứa trẻ đều sở hữu những khả năng trong giai đoạn sơ sinh này nếu có môi trường để rèn luyện và nuôi dưỡng.
Giáo dục sớm nhưng không biết khuyến khích, thúc đẩy khả năng này thì cũng không thể giúp trẻ phát huy được hết những khả năng tuyệt vời của mình.
Hiện nay, ngành sinh lý học não bộ đã có ba phát hiện mới về sự phát triển của não bộ trẻ sơ sinh:
1 Tế bào não phát triển dựa vào việc nhận những kích thích từ bên ngoài chứ không phải phát triển một cách tự nhiên từ bên trong như nhiều người vẫn tin.
2 Tế bào não phát triển tốt dựa vào việc nhận được những kích thích đa dạng từ bên ngoài, kích thích càng ít, sự phát triển của não càng nhiều hạn chế.
3 Sự phát triển của não bộ được kích hoạt ngay từ khi trẻ chào đời, nếu bỏ qua giai đoạn sơ sinh này não bộ sẽ không thể nào phát triển hoàn thiện được nữa.
Tiến sĩ Fasta người Đức, một nhà hóa sinh nổi tiếng đã chứng minh sự thật này qua một thí nghiệm thực tế ở chuột như sau:
Tiến sĩ Fasta đã phân chia những con chuột vừa mới sinh thành hai nhóm A và B, sau hai tuần, ông lấy ra từ mỗi nhóm một vài con chuột và giải phẫu não của chúng, ông đếm được mười bốn kết nối thần kinh xuất hiện từ mỗi tế bào thần kinh nằm tại trung khu thị giác của tế bào não ở những con chuột trong cả hai nhóm.
Tại thời điểm đó, ông khâu mí mắt của những con chuột còn lại của nhóm B để đảm bảo chúng không thể nhận được những kích thích từ bên ngoài. Sau hai tuần, ông lại tiếp tục giải phẫu não một vài con chuột trong mỗi nhóm. Trong khi ở nhóm A số lượng kết nối thần kinh ứng với một tế bào đã tăng lên đến 8.000, ngược lại số lượng kết nối thần kinh của những con chuột ở nhóm B lại không tăng lên chút nào.
Khoảng một tháng sau đó, ông mở mắt của những con chuột ở nhóm B ra nhưng chúng đã mất đi khả năng phát triển mạnh mẽ vốn có ngay sau khi sinh, số lượng kết nối thần kinh dừng lại ở mức thấp đến nỗi chúng không thể nào đuổi kịp những con chuột ở nhóm A, và hầu hết những con chuột ở nhóm B đều trở thành những con chuột ngốc nghếch.
Một nhà tâm lý học người Mỹ đã chọn ra hai mươi tám cặp ba mẹ có con vừa chào đời một tuần, chia thành hai nhóm A và B rồi tiến hành một thí nghiệm quan sát thực tế như sau:
Mười bốn cặp ba mẹ ở nhóm A được phép ở cùng với con vào thời kỳ cho con bú và một ngày ở cùng con năm giờ. Các cặp ba mẹ ở nhóm B chỉ ở cùng với con ba mươi phút mỗi ngày vào thời kỳ cho con bú.
Tiến sĩ tiếp tục tiến hành một nghiên cứu theo sau cho cả hai nhóm này đến khi những đứa trẻ vào trường tiểu học. Kết quả là những đứa trẻ ở nhóm A đã phát triển thành những đứa trẻ có trí tuệ tuyệt vời, những đứa bé ở nhóm B lại phát triển kém hơn rất nhiều.
Sự khác nhau của môi trường một tuần sau khi sinh đem lại một ảnh hưởng lớn đến vậy. Rất hiển nhiên là có sự khác biệt rất lớn giữa những đứa trẻ một tháng tuổi.
Điều quan trọng để giáo dục trẻ em có hiệu quả là phải hiểu rõ về quy luật hoạt động của não bộ trẻ em. Đối với trẻ em vừa chào đời, việc hiểu rõ nguyên tắc hoạt động của quy luật thuyên giảm tài năng như tôi đã trình bày ở chương này lại càng quan trọng hơn nữa.
Chỉ vì không biết về quy luật thuyên giảm tài năng, rất nhiều cặp ba mẹ đã biến những đứa trẻ sẽ vốn sở hữu những tố chất thiên tài trong tương lai trở thành những đứa trẻ có năng lực yếu kém. Và những đứa trẻ có khả năng tiếp thu kém sẽ phải chịu sự chỉ trích, phàn nàn. Ngược lại, nếu mọi người hiểu rằng mọi đứa trẻ ngay từ khi sinh ra đã là thiên tài thì dù đứa trẻ ấy có bị chậm phát triển trí tuệ đi chăng nữa cũng sẽ luôn nỗ lực mà không bị đánh mất hy vọng và vượt qua được khó khăn bằng chính khả năng của mình.
Nếu biết về quy luật thuyên giảm tài năng và hành động tích cực, dù đứa trẻ đó có hội chứng Down hay bại não đi chăng nữa cũng có khả năng trở nên thông minh.
Ngay từ khi con được sinh ra, nếu cha mẹ dành nhiều thời gian để trò chuyện với con theo những cách được nói đến ở cuốn sách này: chỉ vào từng đồ vật và gọi tên chúng, đọc cho con nghe những cuốn sách tranh ngay khi con vừa chào đời, cho con xem những tấm thẻ Dot, nhất định con sẽ trở thành những đứa trẻ thông minh.
Điều quan trọng nhất trong việc nuôi dạy trẻ để trở nên thông minh đó là nói chuyện thường xuyên với trẻ ngay từ khi trẻ chào đời. Ngôn ngữ nuôi dưỡng và làm phong phú tâm hồn. Con người khác với động vật ở chỗ con người có ngôn ngữ. Việc chỉ vào từng đồ vật và gọi tên chúng cho trẻ hiểu được là rất quan trọng.
Ngôn ngữ chính là chìa khóa để chống lại chứng rối loạn học tập. Ngược lại, chứng rối loạn học tập là do não bộ có khó khăn trong việc tiếp thu ngôn ngữ. Tế bào thần kinh ở trẻ sơ sinh vẫn chưa cố định, nên giai đoạn sơ sinh chính là thời kỳ các mạch ngôn ngữ của trẻ phát triển. Vì vậy, nếu dạy cho trẻ một nguồn từ vựng phong phú ngay từ giai đoạn sơ sinh thì dù trẻ bị khuyết tật hay có rối loạn học tập đi chăng nữa cũng có khả năng trở nên thông minh.
4. Chỉ cần ba mươi phút mỗi ngày để nuôi dưỡng cho trẻ những khả năng vượt trội
Việc dành ra ba mươi phút mỗi ngày để rèn luyện cho trẻ những khả năng vượt trội là rất quan trọng. Mức thời gian này là có thể thu xếp ổn thỏa dù với những bậc phụ huynh bận rộn nhất.
Ngay từ khi sinh ra, trẻ em vốn dĩ đã sở hữu những tố chất thiên tài, vậy nên chỉ cần một chút thời gian rèn luyện là đã có thể phát huy được. Ngược lại, nếu những đứa trẻ từ khi chào đời không được kích hoạt bất kỳ hoạt động nào ở não bộ thì phải tốn rất nhiều thời gian cùng với việc phải tiến hành những rèn luyện hết sức nghiêm khắc để nuôi dưỡng tài năng cho trẻ.
Tuy vậy, cha mẹ cần nhận thức được rằng việc nuôi dạy những đứa trẻ có khuyết tật cần phải có sự cố gắng gấp hai, ba lần.
Sau đây tôi xin trích bức thư của một học viên trong khóa hướng dẫn nuôi dạy con tại nhà, bà mẹ này đã nuôi dạy con ít nhất ba mươi phút mỗi ngày từ lúc trẻ không tuổi đến sáu tuổi theo lời chỉ dẫn của tôi và đạt được những kết quả tốt đẹp.
Mẹ của bé một tuổi ba tháng – Kyoto, Y.M.
Hôm nay, khi nhìn vào những đứa trẻ cùng một tuổi với con tôi ở công viên, tôi đã cảm nhận được sự khác biệt trong biểu cảm khuôn mặt của con và các bạn khác, đặc biệt là đôi mắt sáng lấp lánh rạng rỡ của con, mặc dù không biết có phải do tôi thiên vị con hơn hay không.
Con tôi luôn luôn cười giòn tan, không bao giờ khóc khi tranh giành đồ chơi với các bạn, thay vào đó, con dường như hiểu được lời tôi nói: “Nào, chơi cùng nhau thân thiện với bạn nhé!” và con sẽ thích nghi với tình huống đó rất nhanh.
Hôm nay tôi cảm thấy mình đã được chứng kiến một mặt khác hẳn với mọi ngày của Kenji, con trai mình.
Vì vậy, tôi cảm thấy rằng nuôi dạy trẻ ngay từ lúc không tuổi không chỉ dạy trẻ phát triển về trí tuệ mà còn giúp phát triển cả nhân cách của trẻ nữa.
Thành phố Kumamoto - M.K.
(Lược đoạn đầu) Sau khi được nghe buổi diễn thuyết của thầy Shichida tại Kumamoto, tôi đã ngẫm nghĩ lại một vài điều về việc nuôi dạy con của mình vào mười năm trước. Đồng thời tôi cũng rất ngạc nhiên về việc có nhiều học viên từ Kumamoto cũng đến nghe buổi diễn thuyết của thầy như vậy.
Con gái tôi hiện nay đã mười ba tuổi và đang học năm hai trung học, nhờ vào việc áp dụng giáo dục sớm từ giai đoạn sơ sinh, thành tích ở lớp của con lúc nào cũng đứng đầu, con được yêu quý bởi tất cả mọi người nhờ cá tính của mình và con đang tận hưởng một cuộc sống trung học rất vui vẻ.
Tôi gặp giáo sư Shichida và biết đến giáo dục sớm cho trẻ sơ sinh vào năm hai mươi hai tuổi. Tôi đã nửa tin nửa ngờ về việc nếu tôi nuôi dạy con theo phương pháp này con có thật sự sẽ trở thành thiên tài hay không, liệu kết quả sẽ đi đến đâu khi tôi thực hành phương pháp này? Tuy nhiên, sau khi kết hôn và sinh con tôi vẫn quyết định áp dụng giáo dục sớm cho con ngay từ không tuổi.
Nhìn vào con gái ở thời điểm hiện tại, tôi đã hiểu được một điều rằng giáo dục sớm cho con từ lúc không tuổi mục đích không phải để con trở thành thiên tài mà là để phát triển tối đa những tiềm năng sẵn có của con.
Hiện nay, giữa lúc xu hướng học phụ đạo ngày càng phổ biến, những lớp học thêm dành cho các kỳ thi ở trường, các lớp học gia sư tại nhà ồ ạt được mở ra cho các bạn không theo kịp chương trình trên lớp, điều tuyệt vời là con gái tôi vẫn luôn đạt được những vị trí đầu dù con chỉ tham gia những buổi học chính khóa tại trường. Con bé tạo ra cho mình một cuộc sống trung học rất vui vẻ bởi mỗi ngày con đều tham gia các câu lạc bộ, đọc sách, vẽ tranh mà con yêu thích.
Có một ngày con gái đã chợt nói với tôi rằng: “Con thật sự không chuẩn bị bài hay ôn bài trước ở nhà, con chỉ ôn thi có một ngày trước buổi kiểm tra nhưng vì lý do nào đó, con thực sự có thể tập trung tốt ngay trước ngày kiểm tra và ghi nhớ được hết những gì mình học mẹ ạ, lạ thật mẹ nhỉ”.
Đó là sự thật vì chúng tôi cũng hiếm khi thấy con học thường xuyên, đúng như con nói, con có thể tập trung cao độ trong một khoảng thời gian ngắn. Tôi muốn con trở thành một đứa trẻ có khả năng tiếp thu dễ dàng và có năng lực tốt. Tôi không muốn con phải gắng sức để trở thành một thiên tài.
Sau khi nghe bài diễn thuyết của thầy, tôi về nhà và mở cuốn nhật ký nuôi dạy con mà tôi đã viết từ lúc con chào đời không bao lâu và thấy rằng tôi đã dạy con chữ cái vào khoảng tháng thứ chín sau khi sinh.
Tôi đã dán một bảng gồm năm mươi chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Nhật lên tấm cửa kéo. Sau đó, tôi viết chữ cái mà tôi muốn dạy con vào ngày hôm đó lên một mẩu giấy màu, dạy con chữ cái nào trên bảng giống hệt với chữ cái trên tấm giấy màu và dán chúng lên một tấm cửa kéo khác.
Đến khoảng hơn hai tuổi, con đã có thể tự mình đọc rất nhanh chóng. Đến trước khi con vào tiểu học, tôi tăng dần số lượng sách đọc cho con và con đã đọc hết hai bộ sách xuất bản với Gakken; gồm mười tám quyển Những tác phẩm nổi tiếng thế giới và mười sáu quyển Những câu chuyện cổ tích nổi tiếng trên toàn thế giới.
Khi tôi đọc lại những cuốn nhật ký nuôi dạy con được đặt trên bàn, con gái tôi cũng lấy một quyển và đọc, sau khi đọc xong con hiểu được rằng cha mẹ mình đã nỗ lực để nuôi dưỡng mình như thế nào và cũng hiểu ra rằng tại sao khả năng tập trung của bản thân ở hiện tại lại tốt hơn các bạn khác, con bé đã rất cảm động.
Cho đến thời điểm đó, thỉnh thoảng cũng có lúc con gái tôi ganh tỵ vì cho rằng tôi dành sự chăm sóc nhiều hơn cho cậu em trai nhỏ hơn bốn tuổi, cho rằng tôi đã quá chiều chuộng em trai và yêu em hơn mình, thế nhưng sau khi đọc được nhật ký nuôi dạy con của tôi, con đã không còn ganh tỵ nữa. Tôi cảm thấy rằng sự kết nối yêu thương giữa cha mẹ và con cái như được hàn gắn bền chặt hơn.
Tôi thực sự cảm thấy biết ơn vì những gì mình đã dành cho con từ không đến sáu tuổi, mỗi ngày tôi đều đặn dành khoảng ba mươi phút (hầu như không bỏ qua một ngày nào) để rèn luyện cho con theo phương pháp giáo dục sớm từ không tuổi cũng như xây dựng kết nối yêu thương với con.
Con gái của tôi không chỉ giỏi trong học tập, cả thể chất lẫn tâm hồn con đều phát triển rất tuyệt vời. Con trở thành cánh tay phải đắc lực giúp đỡ tôi những việc trong gia đình, việc bếp núc khi công việc của tôi trở nên quá bận rộn. Khi nhìn vào sự trưởng thành tuyệt vời của con gái mình, tôi càng được thuyết phục một cách chắc chắn rằng việc giáo dục sớm từ lúc không tuổi mang lại thành công 100%.
Nếu mỗi ngày chỉ cần khoảng ba mươi phút thì những gia đình hiện đại, những bậc cha mẹ dù có bận rộn làm việc đến cỡ nào cũng có thể tranh thủ được. Tuy nhiên, để có thể duy trì được mỗi ngày tới khi con vào cấp một, kiên trì là yếu tố vô cùng cần thiết. Sự kiên trì của cha mẹ sẽ giúp đảm bảo rằng những siêu năng lực tuyệt vời đó sẽ được lưu giữ lại dù trẻ có lớn lên.
Tất cả trẻ em vừa mới được sinh ra đều sở hữu những tố chất tuyệt vời. Nuôi dưỡng những tố chất vượt trội từ chỗ không có gì là điều vô cùng khó khăn. Thế nhưng nếu nuôi dưỡng trẻ từ chỗ đã có sẵn những tố chất vượt trội, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Để dạy trẻ nói tiếng Anh, mỗi ngày ba mươi phút vào mỗi bữa ăn, cha mẹ nên cho trẻ nghe băng tiếng Anh như một kiểu nhạc nền. Điều này đơn giản đến mức chưa thể coi là nỗ lực. Nếu vào lớp Bảy, cha mẹ mới bắt đầu cho trẻ học tiếng Anh thì trẻ cũng đã không còn khả năng tiếp thu giỏi như giai đoạn sơ sinh.
Nếu những năng lực tiềm tàng mà trẻ sở hữu (khả năng tiếp thu, khả năng tập trung, khả năng ghi nhớ) được phát triển tới một mức độ chúng trở thành một phần của trẻ, thì khi đến trường trẻ sẽ có khả năng học tập tốt bằng chính năng lực của mình.
6. Không quá chú trọng đến kết quả học tập, nên tập trung phát triển tính cách cá nhân
Nếu cha mẹ kiên nhẫn dành cho trẻ ba mươi phút mỗi ngày từ khi còn bé, khi vào tiểu học trẻ sẽ có thể dễ dàng đạt được hạng nhất ở lớp. Khi trẻ phát triển tốt như vậy, cha mẹ phải dạy con đừng đánh giá các bạn khác là tài giỏi hay yếu kém chỉ vì điểm số cao hay thấp ở trường.
Giá trị của con người không thể nào được quyết định bởi thành tích ở trường học. Mọi đứa trẻ, bất kể thành tích ở trường như thế nào, đều giống như một viên kim cương, nếu được mài giũa đều sẽ trở nên sáng lấp lánh. Mọi đứa trẻ nếu được cha mẹ chú trọng khuyến khích mài giũa chắc chắn sẽ phát huy được tài năng sáng giá ở một vài lĩnh vực nào đó. Vì vậy, cha mẹ phải dạy con biết rằng không nên đánh giá một người chỉ dựa vào học lực, mà cần biết trân trọng và đánh giá cao cá tính của trẻ. Nếu dạy cho trẻ hiểu được cách nhìn nhận như vậy, những vụ bắt nạt học đường sẽ không xảy ra chỉ vì nguyên nhân cho rằng bạn nào đó khác biệt với các bạn còn lại.
Mọi người có những cá tính khác nhau là việc rất tốt. Những bà mẹ Nhật Bản, khi con vào tiểu học, thường dặn con rằng: “Con hãy học tập nghiêm túc để đứng đầu lớp con nhé”. Khi đó, trẻ sẽ nghĩ rằng đạt được thành tích học tập cao là vấn đề quan trọng nhất. Trong khi đó, những bà mẹ ở Mỹ luôn dạy trẻ rằng: “Không sao cả nếu con khác biệt với tất cả mọi người. Vì vậy con hãy nói ra những ý kiến của riêng con nếu con không đồng ý với ý kiến của người khác”.
Hãy dạy cho con biết trân trọng cá tính của các bạn khác. Dạy cho con có một tấm lòng vị tha để con luôn biết trân trọng những người bạn của mình, luôn biết nghĩ cho bạn trước dù có phải đặt lợi ích của mình xuống cuối cùng. Những đứa trẻ chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình sẽ bị các bạn cùng lớp xa lánh, còn những đứa trẻ biết nghĩ cho bạn trước bản thân sẽ nhận được sự tin tưởng to lớn từ các bạn cùng lớp.
Để nuôi dạy con thành đứa trẻ có trái tim vị tha như thế, việc chú trọng quá trình giáo dục trẻ trong khoảng từ không đến sáu tuổi là rất quan trọng. Nếu kiên trì dành thời gian ba mươi phút mỗi ngày để dạy con thông qua quá trình chơi cùng con, giáo dục dựa trên kỷ luật nghiêm, con sẽ có thể đáp ứng tuyệt vời những kỳ vọng của cha mẹ.
Mẹ của một học sinh lớp Sáu (tỉnh Kawaguchi T.I.)
Tháng này gia đình chúng tôi có một sự kiện rất đáng vui mừng. Con trai cả của tôi đã đậu vào trường trung học Kansai. Đây chính là kết quả của quá trình giáo dục từ lúc không tuổi. Từ lúc con được sáu tháng tuổi đến khi con vào tiểu học, hầu như mỗi ngày tôi đều đọc cho con nghe các tập sách ảnh và cho con hoàn thành khóa học viết chữ.
Từ khi con vào tiểu học, tôi và chồng cũng luôn muốn con sẽ đạt được một trăm điểm trong các bài kiểm tra mà không cần cha mẹ hỗ trợ. Nhờ luôn được cha mẹ đọc sách cho nghe nên con tôi có niềm đam mê đọc sách từ khi còn ở trường mẫu giáo đến bây giờ, mỗi khi có thời gian rảnh con luôn đọc sách hoặc báo.
Nhờ vào khả năng đọc hiểu của con nên dù cha mẹ không hỗ trợ, con vẫn có thể hiểu được những bài học ở trường và hoàn thành tốt việc học tập. Để chuẩn bị cho kỳ thi vào trung học, con có đi học thêm hai năm, nhưng vì con đã có nhiều kiến thức nhờ việc đọc hiểu nên dù không học nhiều các môn tiếng Nhật và các môn xã hội, con vẫn có thể đạt được kết quả tốt. Tôi tin rằng thành công đó chính là nhờ vào việc con thích đọc sách.
Có lẽ cũng vì con trai tôi được nuôi dạy theo suy nghĩ của người lớn, tính cách thằng bé cũng rất thoải mái và vui vẻ, các giáo viên và bạn bè hay nói với tôi rằng con trai của tôi thật thân thiện và dễ gần.