Tài năng của trẻ được quyết định bằng phương pháp giáo dục não phải trong ba năm đầu đời
1. Sự khác biệt giữa chức năng của bán cầu não trái và não phải
Thế kỷ 21 – khi mà thế hệ con trẻ của chúng ta sẽ lớn lên và xây dựng tương lai, là thời đại mà những người phát triển não phải sẽ đóng vai trò quan trọng. Đây sẽ là một thời đại bất lợi với những ai chỉ thiên về phát triển não trái. Trong trường hợp này, hẳn là các bậc cha mẹ sẽ mong muốn rằng: Tôi muốn dạy con của mình thành những người có não phải phát triển.
Hiện nay, trong kỳ thi tuyển vào đại học, các bài đọc hiểu ngày càng dài nhưng nhiều học sinh không có kỹ năng đọc nhanh nên không thể hoàn thành bài thi. Trong kỳ kiểm tra môn tiếng Anh, thậm chí có những trường đại học còn cho phép thí sinh mang từ điển vào phòng thi (Đại học Keio(*)). Nhưng nếu thí sinh đó không có kỹ năng đọc nhanh thì dù có dựa vào từ điển, việc đỗ kỳ thi tuyển vẫn thật khó khăn.
(*) Đại học Keio là một trường đại học ở Minato, Tokyo, Nhật Bản. Đây là cơ sở giáo dục bậc cao lâu đời nhất của đất nước này, do Fukuzawa Yukichi thành lập vào năm 1858 ở Edo với mục đích ban đầu là giảng dạy về phương Tây.
Để đỗ vào trường Đại học Tokyo, tốc độ đọc của thí sinh được cho là phải đạt 1.500 từ một phút, trong khi tốc độ đọc trung bình của học sinh bình thường chỉ từ 600 đến 1.000 từ một phút. Do đó để tăng tốc độ đọc, quan trọng là phải nghĩ cách tận dụng tối đa não phải. Việc luyện tập kỹ năng đọc nhanh đã ngày càng phổ biến và trở thành một kỹ năng cần phải có ở thế kỷ 21.
Trong thế kỷ 21, yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp hiện nay đều hướng đến nguồn nhân lực có hiểu biết sâu sắc cũng như có tính sáng tạo. Những yêu cầu này cũng chính là những chức năng hoạt động của não phải. Nếu dạy trẻ bằng phương pháp giáo dục não trái truyền thống như từ trước đến nay, vô hình trung chúng ta đang nuôi dạy nên một thế hệ tương lai không đáp ứng được nhu cầu làm việc của xã hội.
Vậy nên làm gì để giúp trẻ phát triển não phải?
Để dạy trẻ phát triển não phải, chúng ta cần phải phân biệt được sự khác nhau trong cách vận hành của não trái và não phải, đồng thời biết đâu là cách thức đúng đắn để khơi dậy những tiềm năng của cả não trái và não phải. Não phải được cho là có khả năng nhận biết không gian, khả năng trực giác, khả năng tổng hợp và điều hành sự hiểu biết của con người trong các lĩnh vực như âm nhạc, hội họa, điêu khắc, sáng tạo. Ngược lại, não trái được cho là sở hữu khả năng ngôn ngữ, lý luận logic, khả năng phân tích và đảm nhiệm các nhiệm vụ liên quan đến ngôn ngữ viết, ký hiệu, tính toán,…
Điểm khác biệt lớn nhất cần phân biệt là: Não phải thích hợp để nạp thông tin với khối lượng lớn mà không đòi hỏi áp dụng các quy tắc suy luận hay lý giải, và quan trọng là không yêu cầu cần phải học thuộc lòng hay phải hiểu khi làm việc với những khả năng này.
Chúng ta cần phải hiểu được sự khác biệt trong phương thức xử lý thông tin của não trái và não phải. Não phải xử lý thông tin bằng phương thức xử lý song song nên thích hợp với cách học đi từ toàn thể đến bộ phận mỗi khi tiếp nhận bất cứ thông tin gì. Não trái hoạt động với phương thức xử lý chuỗi thông tin nên phù hợp để tiếp nhận thông tin từ bộ phận đến tổng quát.
Điều quan trọng nhất là, mặc dù não phải sở hữu những khả năng thiên tài nhưng não trái lại luôn có xu hướng chiếm ưu thế và không để cho não phải được thực hiện đúng chức năng trong não bộ của mình. Vì vậy trong một thời gian dài, mọi người đã không nhận ra tài năng thiên phú được cất giấu trong não phải.
2. Những năng lực đang được cất giấu bên trong não phải
Độc giả đã từng nghe đến tên của tiến sĩ J. L. Down(*) chưa? Vị tiến sĩ nổi tiếng này là học giả đã đưa ra những báo cáo đầu tiên về trường hợp mắc hội chứng Down một trăm năm trước trong Hiệp hội bác sĩ Luân Đôn. Ông còn nổi tiếng vì đã gọi tên hội chứng “bác học ngốc nghếch”(**) (hội chứng Savant). Hội chứng “bác học ngốc nghếch” là cụm từ được dùng để chỉ những trường hợp trẻ em bị khiếm khuyết về mặt trí tuệ nhưng vẫn thể hiện được những tài năng đặc biệt.
(*) Tiến sĩ John Langdon Down là người Anh đầu tiên xuất bản các bài báo về hội chứng Down trên thế giới vào năm 1966.
(**) Hội chứng Savant là hội chứng hiếm gặp trên thế giới, những người mắc hội chứng Savant thường vượt trội hơn so với người khác ở một lĩnh vực nào đó. Tuy nhiên họ lại thường bị khiếm khuyết về tâm lý hoặc rối loạn phát triển thần kinh. Hơn 50% người mắc hội chứng Savant bị tự kỷ, một số khác nghiêm trọng hơn là bị tổn thương não.
Để hiểu rõ sự vận hành của não phải, chúng ta cần tiến hành nghiên cứu nhiều trường hợp trên những trẻ em này.
Dưới đây là những trường hợp ghi chép lại các trẻ có hội chứng “bác học ngốc nghếch”. Những đứa trẻ này có não trái phát triển chậm, IQ chỉ từ 25 đến 70:
1 – Một số trẻ có thể lặp lại những câu phức tạp chính xác đến từng từ nhưng không thể giải thích chính xác ý nghĩa câu chúng vừa đọc.
Ví dụ một trẻ có thể nhớ được hết tác phẩm The history of the decline and fall of the Roman Empire(*) (Lịch sử suy tàn và sụp đổ của Đế chế La Mã) hay trường hợp của trẻ khác có thể thuộc được toàn bộ cuốn thánh ca.
(*) Tác giả Edward Gibbon đã xuất bản tác phẩm này trong giai đoạn 1776 – 1778.
2 – Một trẻ khác có thể ghi nhớ địa chỉ của tất cả các cửa hàng bánh kẹo ở Luân Đôn và nhớ được chính xác ngày tháng nào đã đi đến cửa hàng bánh kẹo đó. Ngoài ra, có những trẻ còn nhớ được toàn bộ các sự kiện lịch sử quan trọng diễn ra vào ngày nào trong năm.
3 – Có trẻ trả lời được chính xác đó là ngày thứ mấy trong tuần trên lịch bất kể ngày tháng nào trong quá khứ.
4 – Có những trẻ ngay lập tức đưa ra kết quả phép tính chính xác dù phép toán có phức tạp đến đâu.
5 – Có những trẻ lại thể hiện năng khiếu về âm nhạc. Một trẻ nọ sau khi xem buổi biểu diễn nhạc kịch và trở về nhà đã có thể nhớ được và nhẩm lại toàn bộ các bản giao hưởng đã được chơi. Một trẻ khác sau khi tham dự buổi hòa nhạc có thể chơi lại những ca khúc đã nghe được bằng đàn piano.
6 – Có trẻ vì sở hữu khả năng xuất chúng về địa lý nên có thể ghi nhớ toàn bộ bản đồ của những vùng lân cận, do đó có thể nói nhanh chóng và chính xác hành trình đi từ địa điểm này đến địa điểm khác.
7 – Cũng có trường hợp trẻ là những nhà điêu khắc xuất sắc và có thể làm nên mô hình tàu vô cùng đẹp mắt.
8 – Có những trẻ vẽ được những bức tranh tuyệt đẹp.
9 – Một vài đứa trẻ khác lại sở hữu khả năng cảm nhận siêu giác quan với khả năng nhìn xuyên thấu và thần giao cách cảm.
10 – Có những trẻ sở hữu năng lực trí nhớ chụp hình.
Những trẻ em mắc hội chứng “bác học ngốc nghếch” thường thể hiện những năng lực này. Nếu độc giả muốn biết thêm thông tin, xin mời đọc tác phẩm Extraordinary people: Redefining the “ idiotsevant”(*) của tác giả Darold A. Treffert(**), Nhà xuất bản Kusashi.
(*) Tạm dịch: Những người phi thường: Tái định nghĩa hội chứng “bác học ngốc nghếch”.
(**) Tiến sĩ Darold Treffert – một chuyên gia hàng đầu đã nghiên cứu về hội chứng “bác học ngốc nghếch” trong hơn năm mươi năm.
Nhiều học giả trên thế giới chưa hiểu tường tận về sự khác nhau trong chức năng của não trái và não phải nên không thể lý giải thắc mắc: Tại sao trẻ mắc hội chứng “bác học ngốc nghếch” lại sở hữu những năng lực như vậy?
Các nhà khoa học tin rằng do não trái của những trẻ này bị tổn thương, vì vậy não phải đã phải hoạt động để “bù đắp” cho những chức năng của não trái.
Cách suy nghĩ đó dễ gây lẫn lộn giữa chức năng của não trái và não phải. Các nhà khoa học không nhận thức được rằng khả năng tính toán cũng như khả năng ghi nhớ kỳ diệu của trẻ đã có sẵn bên trong não phải mà lại cứ đinh ninh những khả năng đó chỉ là những tính năng mở rộng thêm của khả năng tính toán và ghi nhớ của não trái. Do đó, họ sẽ không bao giờ tìm được câu trả lời cho thắc mắc: Vì sao những trẻ em mắc hội chứng “bác học ngốc nghếch” có thể làm được những điều kỳ diệu như đã nói ở trên?
Cần phải biết rằng não trái của chúng ta có năng lực ghi nhớ, năng lực tính toán và năng lực tiếp nhận nhiều ngôn ngữ; não phải cũng sở hữu chức năng ghi nhớ, tính toán và năng lực tiếp nhận nhiều ngôn ngữ. Tuy nhiên, chúng là những chức năng có bản chất hoàn toàn khác biệt nhau. Ở những trẻ mắc hội chứng “bác học ngốc nghếch”, hoạt động của não trái kém hơn và không thể “lấn át” hoạt động của não phải, bởi vậy não phải với năng lực thiên bẩm sẽ được kích hoạt một cách dễ dàng.
Vì vậy, chúng ta cần phải hiểu rằng: Ở trẻ bình thường, mặc dù những khả năng thiên tài ở não phải từ trước đến nay vốn có sẵn nhưng hầu như không thể hoạt động tối ưu được vì não trái luôn chiếm ưu thế.
3. Từ khi chào đời đến ba tuổi, trẻ sẽ học ngôn ngữ bằng não phải
Thông thường mọi người luôn nghĩ rằng từ vựng được học thông qua não trái. Tuy nhiên, trong thực tế, học ngôn ngữ cần sử dụng cả bán cầu não trái và não phải. Học từ vựng bằng não trái thường được ưu tiên hơn nhưng cũng không được xem nhẹ tầm quan trọng của việc học bằng não phải.
Khi học từ vựng có sự kết hợp cả não trái và não phải, khả năng ngôn ngữ của trẻ sẽ hoàn thiện hơn. Nếu chỉ chú trọng vào một khía cạnh mà không có sự kết hợp hài hòa thì sẽ không thể nuôi dưỡng khả năng ngôn ngữ tối ưu cho trẻ.
Cha mẹ hãy thử áp dụng cho trẻ học tiếng Anh bằng phương pháp này.
Phương pháp học tiếng Anh từ trước đến nay ở Nhật Bản là phương pháp học sử dụng hoàn toàn não trái. Kể từ trung học trở đi, cách học của học sinh hầu như là học bằng não trái. Với phương pháp học bằng não trái, dù có học sáu năm hay mười năm, trẻ cũng rất khó sử dụng tiếng Anh để giao tiếp thành thạo.
Hầu hết những người Nhật đang học bằng phương pháp não trái kể từ trung học trở đi đều có thể là minh chứng cho điều này.
Trong ba năm đầu đời học tập bằng não phải, trẻ có khả năng học tập dễ dàng và có thể thành thạo tiếng mẹ đẻ trong ba năm đầu đó.
Trẻ sơ sinh ban đầu chưa hiểu được ý nghĩa của từ vựng mà chỉ đơn thuần là nạp một lượng lớn thông tin bằng não phải, đồng thời khi đó, não trái sẽ liên kết từ ngữ với những hình ảnh của não phải, sau đó vừa lý giải vừa ghi nhớ từ vựng, từ đó thiết lập được sự liên kết giữa não trái và não phải.
Từ sáu tuổi trở đi, hoạt động ở não trái sẽ hoàn toàn chiếm ưu thế và từ đó hạn chế các chức năng của não phải, do đó hoạt động luyện tập nhằm liên kết giữa não trái và não phải càng trở nên khó khăn hơn.
Điều quan trọng là cần nhận biết tường tận hoạt động của não phải và não trái trong quá trình học ngôn ngữ.
Phương pháp học bằng não trái đi theo tiến trình nắm bắt từ bộ phận đến toàn thể để vun đắp dần kiến thức, đây là phương pháp học mang tính ý thức, yêu cầu khả năng lý giải và ghi nhớ. Não trái có chức năng xử lý những vấn đề đã học theo chu trình chuỗi nối tiếp liên tục.
Ngược lại, phương pháp học bằng não phải không yêu cầu khả năng ghi nhớ hay lý giải. Khi một lượng lớn kiến thức được não bộ tiếp nhận trong vô thức, não phải sẽ phát huy chức năng như một chiếc “máy tính” để xử lý những thông tin vừa được tiếp nhận bằng phương thức xử lý song song. Nếu cách xử lý của não phải là đi từ toàn thể đến bộ phận thì phương thức xử lý của não trái lại hoàn toàn ngược lại. Quá trình học ngôn ngữ cần sử dụng khả năng xử lý tốc độ cao này của não phải.
Nếu hiểu được điều này, hoạt động tiếp thu ngôn ngữ của trẻ sẽ đạt được kết quả hoàn toàn khác biệt.
Nghe nhiều băng đĩa khi học tiếng Anh là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta nên nghe như thế nào? Đầu tiên chúng ta đọc đoạn văn viết, sau đó cố gắng nắm bắt nội dung của đoạn băng và cố gắng ghi nhớ. Khi ta thực hiện quy trình học ngôn ngữ như trên, não trái sẽ hoạt động thay vì não phải. Sẽ hiệu quả hơn nếu chúng ta làm ngược lại. Khi nghe băng đĩa tiếng Anh, đừng cố gắng lý giải hay ghi nhớ, hãy nghe lặp lại ngày qua ngày mà không cần để ý đến nó sẽ tốt hơn. Khi làm như vậy, não trái không thể lý giải nên tạm ngưng hoạt động, khi đó não phải sẽ có cơ hội được kích hoạt. Ngay khi chúng ta có ý định ghi nhớ, não trái sẽ hoạt động trở lại, và não phải sẽ lùi lại để nhường chỗ cho não trái. Việc hiểu những hoạt động này của não bộ là vô cùng quan trọng.
Thậm chí kể cả những người trưởng thành như chúng ta nếu mỗi ngày đều nghe một lượng lớn các băng đĩa tiếng Anh như nghe một loại nhạc nền thì sau khoảng ba tháng, dần dần sẽ có một ngày đột nhiên chúng ta hiểu được toàn bộ nội dung của đoạn băng và có thể cải thiện khả năng nói tiếng Anh của mình. Đây chính là phương pháp học bằng não phải.
Đây là lá thư của một người mẹ đã nhận thức được sâu sắc lý thuyết về học ngôn ngữ. Ngay từ khi con trai được hai mươi tháng tuổi, chị đã giữ thói quen cho con nghe liên tục một ngày ba mươi phút các băng đĩa tiếng Anh mà không yêu cầu con phải giải thích hay ghi nhớ.
Thành phố Ito (thuộc tỉnh Shizuoka, Nhật Bản) H.K.
Hai đứa con đầu của tôi là cặp song sinh. Vì tôi đã học được nhiều điều qua những lời khuyên của giáo sư Shichida nên tôi đã cho các con nghe các băng đĩa tiếng Anh từ lúc hai mươi tháng tuổi. Bây giờ hai con đã chín tuổi. Cuối tháng Tư vừa rồi, vì hàng xóm nhà tôi là một giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh nên tôi đã cho hai con đến đó học lớp tiếng Anh giao tiếp một tuần một lần.
Mặc dù trong lúc dạy các con tôi không nhận ra, nhưng lũ trẻ nhà tôi đã có khả năng nghe hiểu đáng kinh ngạc. Khi giao tiếp, con có thể trả lời bằng tiếng Anh những câu chào hỏi và hội thoại đơn giản.
Khi tôi mười chín tuổi, tôi hiếm khi có cơ hội được nghe phát âm của người bản địa: tôi đã cố gắng lặp đi lặp lại và học thuộc lòng những câu đơn giản và cuối cùng cũng có thể bắt kịp tốc độ nói của giáo viên. Thế nhưng hai con tôi lại có thể lặp lại cực kỳ dễ dàng câu nói tiếng Anh của giáo viên người nước ngoài dù chỉ mới nghe lần đầu tiên.
Tôi cảm thấy vô cùng sửng sốt. Có lẽ việc nghe các băng đĩa tiếng Anh trong vô thức đã giúp cho các âm tiếng Anh trở nên quen thuộc và trở thành một phần trong não bộ các con, do đó tai sẽ dễ nắm bắt thu nhận những từ vựng hơn.
Một ngày khác, chúng tôi cùng nhau luyện tập những câu dưới đây: (Tôi ở đó học cùng các con, ôm con một tuổi vào lòng và cùng con luyện tập)
“It’s a morning of a new day. The sun is shining. Little bear gets up out of bed.”
(Đây là buổi sáng của ngày mới rồi. Mặt trời đang chiếu sáng. Gấu nhỏ thức dậy rời khỏi giường.)
Chúng nhắc lại những câu trên theo giáo viên, vì các con tôi có thể nói rất tốt nên thầy giáo khuyến khích: “Let’s speak in natural speech” (Hãy nói với tốc độ tự nhiên nhé), sau đó thầy giáo đã tăng tốc độ nói lên và con vẫn bắt kịp tốc độ nói của thầy.
Đây buổi học thứ hai, đoạn văn được sử dụng là tài liệu có sẵn ngay tại nhà riêng của thầy và đó là lần đầu tiên con được nghe đoạn văn đó. Tiếp đó, những câu trên được sử dụng lặp đi lặp lại, và các con đã có thể nói thành thạo những câu văn tiếng Anh sau đây:
“First he washes his hands and face. Then he brushes his teeth. He combs his hair. He dresses himself. He makes his bed. He comes promptly when he is called to breakfast.”
(Đầu tiên cậu rửa tay và rửa mặt. Sau đó cậu đánh răng. Cậu chải tóc. Cậu thay đồ. Cậu dọn giường. Khi được gọi ra ăn sáng cậu liền chạy đến thật nhanh.)
Sau khi nói xong những câu trên, giáo viên đã sử dụng chính những câu nói này để đặt câu hỏi:
“What do you do after getting up?”
(Các con làm gì sau khi thức dậy?)
Ngay khi đó con tôi đã trả lời rằng:
“I wash my face and my hands.”
(Con rửa mặt và rửa tay.)
“What do you do then?”
(Sau đó con làm gì?)
Con cũng dễ dàng trả lời câu hỏi tiếp theo của giáo viên:
“Then I comb my hair.”
(Sau đó con chải tóc.)
Nếu các con tôi cứ chỉ chăm chú học từng cấu trúc ngữ pháp một, chúng sẽ chẳng thể nào tiến bộ được đến vậy.
Tôi chưa bao giờ dạy con một cấu trúc ngữ pháp nào mà đã nghe theo lời hướng dẫn của giáo sư, chỉ cho các con nghe các băng đĩa tiếng Anh một cách nghiêm túc từ khi chúng khoảng hai tuổi. Khi con được bảy, tám tuổi, tôi bắt đầu tìm mua các quyển sách tranh và đọc cho các con nghe, tôi không làm gì ngoài việc mỗi ngày đọc cho các con khoảng ba mươi quyển sách tranh. Tôi không giải thích ý nghĩa hay ngữ pháp trong những quyển sách này mà để các con tự ghi nhớ.
Những chuyện tôi kể hoàn toàn là sự thật. Với quá trình tiếp nhận thông tin liên tục, mạch liên kết thần kinh có liên quan đến ngôn ngữ tiếng Anh dần được hình thành và hai con có thể giao tiếp bằng tiếng Anh trôi chảy như tiếng Nhật - tiếng mẹ đẻ.
Quan sát hai con lớn phát triển về ngôn ngữ tốt như vậy, tôi tiếp tục bật cho đứa con thứ ba của tôi nghe các băng đĩa tiếng Anh khi con vừa chào đời.
Cậu bé út còn phát triển tốt hơn cả hai anh lớn, và trong lòng tôi tràn đầy hy vọng khi thực sự áp dụng những lý thuyết mà ông hướng dẫn vào thực hành.
4. Đọc sách sẽ giúp trẻ dần khai mở được não phải
Mọi người đều tin rằng những năng lực của con người là vô hạn. Những trải nghiệm tiến hóa của nhân loại trong suốt hai mươi triệu năm quá khứ vẫn được lưu trữ trong DNA của con người. Để chúng có thể bộc lộ ra thực tế, nhất thiết phải có môi trường và cơ hội cho những DNA này hình thành và phát triển.
Khả năng tính toán tốc độ cao nhanh hơn cả máy tính của não phải là năng lực đã được thiết lập trong não bộ con người từ rất nhiều năm trước nhưng không được mọi người biết đến trong một thời gian dài. Ngoài khả năng tính toán tốc độ cao, chúng ta đã biết đến sự tồn tại của những năng lực tiềm ẩn khác như khả năng tiếp nhận nhiều ngôn ngữ, khả năng cao độ hoàn hảo, khả năng trực giác trong não bộ của trẻ sơ sinh.
Để có thể phát hiện những năng lực này, cần tạo điều kiện thuận lợi để những năng lực đó được bộc lộ.
Để khai mở được năng lực tính toán của trẻ sơ sinh, chúng ta có thể cho trẻ xem thẻ Dot không tới một phút một ngày. Để nuôi dưỡng năng lực trực giác, cha mẹ hãy dành một ngày ba đến năm phút cho trẻ chơi các trò chơi trực giác là đủ. Để trẻ xuất sắc trong việc học tiếng Anh, hãy cho trẻ nghe các băng đĩa tiếng Anh mỗi ngày ba mươi phút. Với khả năng cao độ hoàn hảo cũng vậy, cho trẻ nghe và đoán âm thanh các nốt nhạc nào được chơi từ ba đến năm phút một ngày.
Nhờ vậy, càng ngày càng nhiều thông tin chứa đựng trong DNA sẽ được bộc lộ.
Chúng ta cần phải hiểu rằng những hoạt động kể trên hoàn toàn khác biệt với các phương pháp nuôi dưỡng những năng lực ở não trái. Năng lực của não phải là năng lực rất khó được phát triển nếu trẻ đã bị vuột mất khoảng thời gian quý giá.
Do đó, với những trẻ vừa chào đời, chúng ta nên tác động như thế nào để có thể khơi mở được “bí ẩn não phải” ở trẻ?
Đầu tiên, với những trẻ vừa mới sinh, hãy dùng thẻ Dot và thẻ hình để cho trẻ xem với tốc độ một hình một giây. Đó chính là cách để khai mở não phải. Chúng ta – thế hệ lớn lên với lối tư duy bằng não trái, vì chưa biết đến những khả năng não phải nên vẫn cho rằng vừa cho trẻ xem các thẻ vừa chậm rãi giải thích sẽ giúp trẻ ghi nhớ tốt hơn, tuy nhiên, đây là phương pháp giáo dục của não trái.
Khi chúng ta thực hiện những cách thức như cố gắng ghi nhớ hay cố gắng lý giải, lúc đó não trái sẽ hoạt động và não phải sẽ không thể thực hiện chức năng hoạt động của mình nữa.
Giáo viên ở các trường học chú trọng giáo dục não trái cho rằng dạy cho trẻ ba tuổi các phép nhân đến chín là vô nghĩa vì trẻ không hiểu ý nghĩa về điều mình được học, dạy Luận ngữ(*) cũng không có lợi ích gì, và học các tác phẩm thi ca kinh điển bằng tiếng Nhật cũng là vô ích. Những suy nghĩ này thể hiện rằng họ chưa hề biết đến giáo dục não phải.
(*) Luận ngữ được biên soạn bởi Khổng Tử và các đệ tử của mình, là một trong bốn sách được gọi là “Tứ Thư”, tức bốn quyển sách kinh điển của Nho học Trung Quốc.
Giáo dục não phải là phương thức tiếp nhận một lượng lớn thông tin vào não bộ một cách vô thức mà không yêu cầu phải ghi nhớ. Sự đơn thuần lặp đi lặp lại theo trình tự không cần lý giải sẽ làm khai mở các mạch trong não phải. Khi các mạch liên kết được hình thành, việc xử lý và hiểu thông tin sẽ tự nhiên được tiến hành, từ đó, việc ghi nhớ dần được thiết lập.
Mặc dù trẻ không cần ghi nhớ bằng ý thức, tiềm thức của trẻ vẫn đang hoạt động để thu nhận. Đây chính là phương pháp giáo dục não phải. Hơn nữa, những điều được đưa vào não phải trong vô thức sẽ trở thành tính nhạy cảm, trở thành một cảm giác đặc biệt. Những trẻ ba, bốn tuổi khi được nghe thường xuyên các tác phẩm thi ca kinh điển của Nhật Bản, trái tim thấu hiểu hay sự nhạy cảm về thi ca của các em cũng sẽ được nuôi dưỡng. Với những học sinh mười lăm, mười sáu tuổi lần đầu tiên đọc các tác phẩm đó, các em chỉ có thể hiểu được chúng một cách khô khan, buồn tẻ. Do đó, các em sẽ khó có thể trải nghiệm được cảm giác xúc động trào dâng của trái tim từ trong tiềm thức.
Vì não phải có chức năng xử lý song song tốc độ cao nên những hoạt động chức năng sau đó sẽ tự động được hoàn thành. Hãy tráo cho trẻ xem mười tấm thẻ Dot và một trăm tấm thẻ hình mỗi ngày và đừng giải thích ý nghĩa của chúng.
Từ khi còn là trẻ sơ sinh, hãy đọc cho trẻ nghe từ mười đến hai mươi quyển sách tranh một ngày. Cha mẹ hãy để trẻ học các bài thơ cũng như thơ Haiku(*) gồm mười bảy âm tiết, và bật cho trẻ nghe các băng đĩa tiếng Anh khoảng ba mươi phút mỗi ngày.
(*) Thơ Haiku là một thể thơ truyền thống của Nhật Bản. Mỗi bài thơ có mười bảy âm tiết, được chia thành ba dòng, lần lượt mỗi dòng có năm từ, bảy từ, năm từ. Thơ Haiku thường miêu tả thiên nhiên để qua đó nói về các triết lý đời sống.
Cha mẹ cho con nghe băng đĩa tiếng Anh hoặc đọc sách cho con nghe
Trẻ sơ sinh chưa thể giải thích được ý nghĩa từ vựng và khả năng ghi nhớ cũng chưa hoạt động thật tốt, do đó não phải luôn hoạt động bằng tất cả “công suất” của nó. Và khi các hoạt động giáo dục não phải kích hoạt tốt bán cầu não phải sẽ mang đến những thành quả tuyệt vời.
Các bà mẹ thông thường hay nói chuyện với con mà không có ý thức dạy cho con từ vựng ngay từ khi con vừa chào đời. Nếu người mẹ nghĩ rằng chỉ khi trẻ được sáu tháng, trẻ mới bắt đầu hiểu được nội dung mà mẹ nói, điều này đồng nghĩa với việc thời kỳ quan trọng của phát triển não phải đã bị trôi qua lãng phí.
Lối suy nghĩ cho rằng chỉ nên nói chuyện hay đọc truyện cho trẻ nghe khi trẻ bắt đầu có khả năng hiểu là phương pháp giáo dục bằng não trái. Còn cách thức giáo dục não phải hiệu quả là cha mẹ nói chuyện nhiều với trẻ ngay từ khi trẻ mới chào đời, mỗi ngày đều đọc nhiều loại sách tranh cho trẻ nghe.
Trẻ lắng nghe cha mẹ trò chuyện
5. Trẻ sẽ phát triển tối đa tố chất thiên tài khi não phải được khai mở
Trong những lớp học thực hành phương pháp Shichida, tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện được chia sẻ như dưới đây:
Dù giáo viên ở đây cho trẻ xem các mặt sau (phần không có chữ) của những tấm thẻ lớn có viết các bài thơ hay các bài thơ Haiku ở mặt trước, các em vẫn có thể đồng thanh đọc các bài thơ ấy lên dù các thẻ bài thơ đã được tráo ngẫu nhiên.
Báo cáo từ Viện Giáo dục Shichida Nhật Bản – Lớp học Takamatsu(*) - Cô Misako Yamaga
(*) Tại Viện Giáo dục Shichida Nhật Bản, lớp học này dành cho các bé từ không tuổi.
Lớp học Takamatsu ở Viện Giáo dục Shichida Nhật Bản đã khai giảng vào tháng Chín năm ngoái. Hiện tại có khoảng một trăm học sinh đang theo học ở đây.
Từ khoảng hai, ba tháng trước, tôi đã nhận được rất nhiều những ghi chép đến từ các bà mẹ cho con theo học ở đây. Đó là các trẻ nhập học lúc hơn một tuổi và hiện tại đã sắp hai tuổi.
Cậu bé Miki hiện nay đã được hai mươi hai tháng tuổi, con có thể giao tiếp trôi chảy và tự tin với người lớn. Con thích thơ Haiku và cờ các nước. Con có thể đọc thuộc khoảng hai mươi bài thơ Haiku và nhận biết được rất nhiều quốc kỳ khác nhau.
Bé Naoka cũng vừa hai mươi hai tháng tuổi. Con luôn luôn chọn đáp án chính xác 100% trong trò chơi thẻ Dot và các thẻ trực giác. Con nói tiếng Anh tốt như thể tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của con vậy.
Hôm qua, khi hai mẹ chơi cùng nhau trên sân, con đã nói rằng:
“Mommy, quick, come on!” “Here we go.”
(Mẹ ơi, nhanh lên, nào! Đây rồi.)
“Mommy, catch me.” “Naoko sits down.”
(Mẹ, bắt con đi. Naoko ngồi xuống.)
“Bạn nhỏ kia và Naoka đều là girls (con gái) mẹ nhỉ.”
Tất cả những điều đó đã làm cho người mẹ vô cùng ngạc nhiên. Gần đây con thường dùng tiếng Anh ở thể tiếp diễn để diễn đạt ý muốn của mình. Vì mẹ không nói tiếng Anh nên mỗi khi Naoko nói điều gì đó, mẹ đều cố gắng tra cứu lại. Dần dần, Naoko bắt đầu sử dụng được các từ khó hơn như “tadpole” (nòng nọc), “squirrel” (con sóc),...
Mùa đông năm nay con đã đi trượt tuyết cùng với giáo viên người nước ngoài, khi đang chơi trên ván trượt tuyết, con chợt la lên: “One more time!” (lần nữa nhé!) và điều này đã khiến giáo viên đó vô cùng kinh ngạc. Con cũng đang tập nối chữ in hoa và chữ in thường trong bảng chữ cái.
Mari Ichihara đã được ba tuổi. Khi ở nhà, mẹ thường hay chơi trò chơi với thẻ trực giác để con luyện tập và lần nào con cũng đoán chính xác 100%.
Tôi là một giáo viên tiếng Anh dạy luyện thi đại học và tiếng Anh giao tiếp cho người lớn đã sáu năm. Vào mỗi buổi chiều tối, tôi sẽ dạy các lớp cho học sinh trung học phổ thông đang ôn thi và những người đã đi làm.
Đến nay, tôi vẫn thường chủ yếu áp dụng phương pháp giáo dục não trái trong các tiết học tập trung vào dạy ngữ pháp và các phương pháp gián tiếp. Hiện tại, tôi phải đặc biệt nỗ lực nhiều hơn vào những lớp chiều tối (bao gồm cả các bạn học sinh từ cấp hai trở lên). Việc giúp cho các học sinh lớn tuổi của tôi có thể ghi nhớ những gì vừa mới học năm phút trước thật sự rất vất vả.
Trái ngược với điều này, khả năng tiếp thu nhanh nhạy và tiếp nhận của trẻ nhỏ thực sự kỳ diệu. Tất cả trẻ sơ sinh đều là thiên tài, tôi chắc chắn đây là một sự thực.
Trong bài kiểm tra IQ(*) dành cho trẻ từ bốn đến năm tuổi, số điểm cao nhất là một trăm chín mươi tám. Hơn nữa, điều làm tôi hạnh phúc nhất là một cậu bé lúc vừa mới nhập học, IQ của cậu chỉ đạt sáu mươi chín nhưng hiện nay đã lên tới một trăm hai mươi. Mẹ của cậu bé đã tâm sự rằng những người thân thiết với cậu bé và giáo viên trong trường mẫu giáo đều khen: “Kể từ tháng Chín đến nay, con đã thay đổi và tiến bộ hơn rất nhiều, con thật là ngoan”.
(*) Kiểm tra chỉ số thông minh.
Tôi nghĩ sẽ thật tuyệt vời nếu tôi có thể giúp từng đứa trẻ phát triển được tố chất thiên tài tiềm ẩn và cá tính độc đáo của mình, tôi tin trẻ sẽ trở nên cực kỳ xuất sắc và tuyệt vời.