1. Các học giả trên thế giới đều nhận định rằng mọi em bé đều là thiên tài
Đã 40 năm trôi qua kể từ năm 1951 khi tôi bắt đầu tiến hành nghiên cứu về giáo dục thai nhi. Kết quả của quá trình nghiên cứu này là tôi càng ngày càng tin tưởng vào sự thật: Mọi em bé được sinh ra đều là thiên tài.
Bốn mươi năm trước, tài liệu nghiên cứu về giáo dục trẻ sơ sinh hầu như không có. Mãi đến cách đây hai mươi lăm năm, nghiên cứu về giáo dục trẻ sơ sinh của các học giả trên thế giới mới dần phát triển. Người ta phát hiện ra những sự thực vô cùng mới mẻ và đều đi đến kết luận giống như tôi đã từng phát biểu: Mọi em bé được sinh ra đều là thiên tài.
Ví dụ, bác sĩ Berry Brazelton(*) ở Đại học Harvard đã gọi những em bé sơ sinh là thiên tài. Giáo sư Lewis Lipsitt ở Đại học Brown cũng cho rằng giai đoạn trẻ sơ sinh là thời kỳ mà trẻ có khả năng học tập tốt nhất. Điều này đồng nghĩa với việc nói trẻ sơ sinh là thiên tài.
(*) Tên đầy đủ là Thomas Berry Brazelton, sinh vào tháng 10 năm 1918. Ông là một bác sĩ khoa nhi và cũng là tác giả của hơn 200 bài viết đăng trên các tạp chí và 24 quyển sách. Ông cũng là người phát triển Neonatal Behavioral Assessment Scale - NBAS (tạm dịch: Thang đo hành vi ứng xử trẻ sơ sinh) và là người dẫn chương trình của What Every Baby Knows.
Tiến sĩ Tom Bower của Đại học Edinburgh ở Vương Quốc Anh - bậc thầy trong nghiên cứu về trẻ vừa chào đời, đã khẳng định: Khả năng lý giải, khả năng học tập, và khả năng giao tiếp của những em bé sơ sinh là vô cùng tuyệt vời.
Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều người vẫn nghĩ rằng trẻ sơ sinh chưa nhận thức được. Tuy nhiên, ngày nay đã có rất nhiều học giả trên thế giới đang dần chứng minh điều ngược lại: Chính thời kỳ sơ sinh mới là thời kỳ “thiên tài” nhất trong cả cuộc đời của con người.
Nguyên tắc quan trọng trong tâm lý học phát triển của trẻ em thường được phát biểu như sau: “Những khuôn mẫu hành vi phức tạp của trẻ luôn bắt nguồn từ những khuôn mẫu hành vi đơn giản”. Tuy nhiên nguyên tắc này đã trở nên lạc hậu và lỗi thời.
2. Bào thai thậm chí còn thông minh hơn trẻ sơ sinh
Cho đến nay, nhiều người vẫn tin rằng những em bé vừa mới chào đời chưa có cảm giác hay cảm xúc rõ ràng, chưa hiểu được lời nói và đương nhiên năng lực trí tuệ chỉ là con số không.
Tuy nhiên giờ thì suy nghĩ đó đã được xác định là rất sai lầm.
Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng, thai nhi năm tháng tuổi đã có thể nhận biết rất tốt những đặc trưng trong cách nói chuyện của mẹ. Điều này được chứng minh một cách khoa học thông qua cách con phản ứng với các khuôn mẫu âm thanh khác nhau.
Bởi vì người ta đã nghĩ những em bé vừa được sinh ra chưa có nhận thức về cảm giác rõ ràng nên các bác sĩ không cần sử dụng thuốc gây mê trong quá trình phẫu thuật cho con. Điều này thật khủng khiếp và quá sức tưởng tượng. Ngày nay kỹ thuật để xử lý các ca trẻ mới sinh cần phải được cân nhắc một cách nghiêm túc và kỹ lưỡng.
Vài năm trước, tiến sĩ Burton L. White(*) - người được tôn vinh trong lĩnh vực giáo dục dành cho trẻ sơ sinh đã phát biểu: “Những em bé vừa chào đời sẽ không biết suy nghĩ, không thể sử dụng ngôn ngữ và cũng không thể tương tác với người khác”. Tuy nhiên, bất kỳ một nhà nghiên cứu nghiêm túc nào cũng biết điều này không đúng.
(*) Tác giả hai cuốn sách The new first three years of life (Ba năm đầu tiên của cuộc đời) và Raising a happy, unspoiled child (Nuôi nấng một đứa trẻ hạnh phúc, ngoan ngoãn).
Sai lầm trong quá trình quan sát và tư duy từ trước đến nay là: Trẻ sơ sinh không có từ vựng nên sẽ không thể suy nghĩ hay ghi nhớ.
Tuy nhiên, từ quá trình quan sát và thực nghiệm ở trẻ sơ sinh, chúng ta có thể thấy được rằng: Các em bé được sinh ra đều lưu giữ ký ức của giây phút chào đời và điều này đã dần được thừa nhận như một sự thật.
Gần đây, quyển sách viết về những chủ đề như vậy đã được xuất bản bởi Nhà xuất bản Shinjusha với nhan đề Babies remember birth: And other extraordinary scientific discoveries about the mind and the personality of your newborn(*).
(*) Tạm dịch: Những đứa trẻ nhớ được lúc chào đời. Và những khám phá khoa học phi thường khác về tâm trí và nhân cách đứa con mới chào đời của bạn.
Tôi tin rằng so với trẻ sơ sinh, thai nhi thậm chí còn thông minh hơn.
Mọi người vẫn nghĩ không thể dạy điều gì cho trẻ sơ sinh cho đến khi chúng được một tuổi. Về mặt lý thuyết, điều này được xem là không thể. Trong thực tế, những em bé vừa chào đời dù không cần luyện tập vẫn có khả năng tự nhiên là “bắt chước”, do đó những quan điểm như hiện nay cần phải được xem xét lại.
Mẹ hãy thử há to miệng hay lè lưỡi ra với đứa con vừa chào đời. Chẳng phải chúng ta sẽ thấy con sẽ ngay lập tức “bắt chước” mẹ hay sao? Có nhiều nhà khoa học đã làm những cuộc thí nghiệm như vậy và chứng minh rằng trẻ cảm thấy rất thích thú khi nhận được những kích thích học tập ngay từ khi mới sinh.
Trẻ lè lưỡi bắt chước mẹ
Giáo sư Tom Bower của Đại học Edinburgh phát biểu: “Trẻ sơ sinh tìm thấy niềm vui trong việc học hỏi mà không cần bất kỳ phần thưởng nào”.
Với trẻ sơ sinh, việc học hỏi tự bản thân nó vốn đã là phần thưởng, như một sự tặng thưởng dành cho bản thân. Trẻ sẽ tìm được hứng thú ngay trong việc học mà không đợi được tặng thưởng. Đây chính là những phát hiện mới mẻ nhưng không kém phần ngạc nhiên của các nhà khoa học.
Một khám phá đáng ngạc nhiên hơn nữa là: Trẻ có khả năng suy nghĩ và giao tiếp mà không cần đến ngôn ngữ, rằng trẻ có năng lực tinh thần vượt hơn cả khả năng não bộ. Các nhà khoa học khi biết sự thật này đã vô cùng sửng sốt.
Nếu trẻ sơ sinh có những năng lực như vậy thì thai nhi cũng sẽ có những khả năng tương tự. Những năng lực này của trẻ sơ sinh không phải đột nhiên mà có. Khi thai nhi được ba hay bốn tháng đã sở hữu năng lực ESP – năng lực trực giác.
Những năng lực đó của trẻ sơ sinh và của thai nhi đều bắt nguồn từ hoạt động của bán cầu não phải. Đứng trên quan điểm của phương pháp nuôi dạy trẻ mới, các nhà khoa học đã nêu ra một điểm quan trọng là: “Thai nhi sẽ phát triển bán cầu não phải hoàn thiện trước khi phát triển bán cầu não trái”.
Giáo dục trẻ từ giai đoạn thai kỳ chính là thời điểm thích hợp nhất cho sự phát triển não phải của trẻ. Trong giai đoạn này, hãy cho thai nhi nghe nhạc cũng như đọc thật nhiều sách tranh cho trẻ.
Cha mẹ đọc sách cho con nghe từ khi con còn trong bụng
3. Từ không đến ba tuổi là “Thời kỳ của não phải”
Giai đoạn từ không đến ba tuổi là giai đoạn vô cùng quan trọng.
Người ta vẫn cho rằng trong não bộ của con người, não trái và não phải phát triển không cân bằng và não trái có chức năng vượt trội hơn hẳn. Tuy nhiên, đối với thai nhi, sự phát triển của não phải đã đạt đến sự hoàn thiện trước khi não trái vừa mới chỉ bắt đầu quá trình phát triển của mình.
Mặt khác, từ không đến ba tuổi là thời kỳ phát triển vượt trội của não phải. Kể từ lúc ba tuổi trở đi, sự phát triển về mặt tư duy đã bắt đầu khi não trái chiếm ưu thế. Vì vậy, phương pháp tiếp cận trong độ tuổi từ không đến ba tuổi là rất quan trọng.
Ở thời kỳ này, cha mẹ cần chú ý phát triển các tế bào thần kinh ở não phải càng nhiều càng tốt và việc nuôi dạy con với não phải phát triển tốt là điều hoàn toàn có thể.
Hãy lấy ví dụ về năng lực nhanh chóng giải được những phép toán phức tạp (năng lực Dot: khả năng tính toán tốc độ cao). Với những em bé từ không đến ba tuổi, bé nào có khả năng tính toán tốc độ cao sẽ có thể cho ra đáp án phép tính một cách nhanh chóng.
Trẻ chỉ tay vào đáp án chọn thẻ Dot chính xác khi mẹ chơi trò “Đâu là?”
Ở trẻ từ không đến ba tuổi, não phải sẽ mang những chức năng đặc biệt sau đây:
1 – Khả năng trực giác
2 – Khả năng ghi nhớ bằng hình ảnh
3 – Khả năng tính toán tốc độ cao
4 – Khả năng cao độ hoàn hảo
5 – Khả năng tiếp nhận nhiều ngôn ngữ
Nhờ có những chức năng đặc biệt của não phải, trẻ có khả năng thiên tài trong quá trình tiếp nhận ngôn ngữ. Để lĩnh hội ngôn từ, sự rèn luyện ở cả não phải và não trái là cần thiết. Từ không đến ba tuổi là thời kỳ tiếp thu ngôn ngữ bằng não phải. Trong thời kỳ này nếu không được dạy về ngôn ngữ cẩn thận, chắc chắn khả năng tiếp thu ngôn ngữ sẽ trở nên cực kỳ khó khăn.
4. Thiên tài hay người “phi thường” đều xuất phát từ những cá nhân có thể phát huy tối đa tiềm năng não phải
Ngày nay, những câu chuyện về chủ đề phát triển năng lực của con người ngày càng phổ biến. Chìa khóa để thành công trong việc phát triển năng lực của con người là phát huy tối đa tiềm năng của bán cầu não phải, vốn vẫn đang hoạt động một cách vô thức.
Nếu một người chỉ sử dụng não trái để suy nghĩ thì sẽ dẫn đến sự bóp méo trong tư duy. Khi có sự can thiệp của não trái, não phải không thể hoạt động tốt được.
Vì tôi được tiếp nhận nền giáo dục não trái nên thường vô thức suy nghĩ bằng não trái. Nói cách khác, tôi thường tư duy theo chiều hướng logic hay theo lối mòn tư duy thông thường.
Đầu tiên, để não phải được kích hoạt, cần tập thói quen tư duy những điều vượt xa mức thông thường. Điều quan trọng cần phải biết là sự phát triển của não phải bắt đầu từ việc tư duy rời xa những logic thông thường như vậy. Ở trẻ sơ sinh, tư duy ở não trái chưa hoàn toàn hoạt động. Vì sự can thiệp của não trái rất ít nên đây chính là thời kỳ thích hợp nhất để phát triển não phải.
Trên thế giới, có những người thuận não trái và cũng có những người thuận não phải. Giáo dục phổ thông từ trước đến nay đều phát triển não trái là chủ yếu nên trên thế giới có rất nhiều người thuận não trái. Đặc trưng của người thuận não trái là tư duy bằng logic, họ không thể lý giải được những sự việc không đúng với logic và cũng không quan tâm đến những thứ như năng lực tiềm ẩn của con người. Bởi vậy, họ không bao giờ tin rằng trẻ em có khả năng trực giác. Tuy nhiên, ẩn đằng sau não bộ của trẻ là nhiều hình thái của các mạch giao tiếp và mạch tư duy mà người lớn không thể tưởng tượng được.
Cha mẹ và giáo viên thường không biết đến sự tồn tại của những mạch kiểu như vậy. Do đó họ thậm chí không buồn cố gắng để tìm hiểu về chúng. Tuy nhiên, có thể nói niềm hạnh phúc cũng như sự thành công của thế hệ trẻ em tương lai phụ thuộc rất lớn vào việc liệu có phát huy được tối đa toàn bộ những năng lực tiềm ẩn này hay không.
Tất cả những điều này đều liên quan đến sự phát triển của não phải mà đến nay vẫn chưa được nhiều người biết đến.
Thiên tài và những người phi thường chỉ xuất hiện khi họ tận dụng tối đa được sức mạnh của não phải. Sự thật này luôn đúng cả ở trong quá khứ và tương lai.
Não bộ con người ẩn chứa năng lực vượt xa phạm vi suy nghĩ thông thường của chúng ta. Trong một nghiên cứu mới nhất có nói: Não bộ của con người có khả năng ghi nhớ gấp một triệu lần bộ nhớ của chiếc máy tính mạnh nhất trên thế giới.
Trong bài báo cáo của trung tâm nghiên cứu kỹ thuật tiên tiến RCA, dung lượng bộ nhớ trong não bộ là 125 nghìn tỷ và năm trăm triệu bit. Để giải thích dễ hiểu hơn về con số lớn này, tôi sẽ lấy ví dụ về tiền bạc. Nếu mỗi ngày chúng ta chi tiêu hết 10 triệu yên(*), một năm tổng số tiền mà chúng ta tiêu là 3 tỷ 650 triệu yên. Để tiêu hết 125 nghìn tỷ và 500 triệu yên sẽ mất đến 34 nghìn năm. Từ đó chúng ta có thể hiểu được: Dù có dùng hết cả đời người cũng không thể sử dụng hết một phần nghìn sức mạnh tiềm ẩn của não bộ.
(*) Đơn vị tiền Nhật.
Não bộ không những sở hữu năng lực ghi nhớ như đã nói ở trên mà còn có một siêu năng lực khác biệt nữa.
Nhà văn người Anh Colin Wilson(*) có nói rằng: “Ba nghìn năm trở lại đây, nhân loại đã trả giá cho những sai lầm ngớ ngẩn. Năng lực của con người là không có giới hạn”. Thực tế năng lực của con người đúng là không có giới hạn. Chỉ là những lối mòn tư duy thông thường đang gây cản trở sự phát triển của năng lực con người. Khi những lối mòn đó bị phá vỡ, mọi thứ sẽ trở thành có thể.
(*) Colin Henry Wilson (1931 - 2013) sinh ra tại Leicester, Anh. Cha là một công nhân trong xưởng sản xuất giày. Năm 16 tuổi ông rời trường và làm nhiều nghề. Trong những năm tháng lịch sử, trải qua những biến cố, ông đã viết nhiều tác phẩm để đời như The Outsider, The Occult: A History, The Mind Parasites.
Một chức năng hoàn toàn khác biệt với bất kỳ chức năng nào được biết đến trước đó đang ẩn giấu trong não bộ và chúng ta mong chờ sự phát triển của nó.
Thực tế, cho đến ngày nay, con người vẫn dùng não trái là chủ yếu. Và năng lực siêu nhiên ẩn trong não bộ của con người nằm trong bán cầu não phải – vùng não bộ vẫn chưa được tìm hiểu và nghiên cứu nhiều. Trong phương pháp nuôi dạy con cái, các bậc cha mẹ cần phải biết đến phương pháp giáo dục não phải.
Sự phát triển não phải đã thu hút được sự chú ý kể từ năm 1981 khi Roger Wolcott Sperry(*) đoạt giải Nobel với nghiên cứu về não trái và não phải. Vì vậy, có thể nói, lịch sử hành trình nghiên cứu não phải chỉ mới được mười năm.
(*) Roger Wolcott Sperry (1913 - 1994), một nhà tâm lý học thần kinh người Mỹ.
Do đó, những kiến thức về não phải vẫn chưa phổ biến và còn rất nhiều điều chưa được biết đến.
Chúng ta được nuôi dạy và lớn lên theo phương pháp và hệ thống giáo dục với khuynh hướng tư duy bằng não trái, vốn không giúp ích được nhiều. Vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn liên quan đến não phải chưa được khám phá.
Tôi đã đề cập trước đó về những năng lực thuộc não phải của trẻ sơ sinh như: Khả năng trực giác, khả năng ghi nhớ bằng hình ảnh, khả năng tính toán tốc độ cao, khả năng cao độ hoàn hảo, khả năng tiếp nhận nhiều ngôn ngữ. Những năng lực này thực tế hoàn toàn không thông qua luyện tập mà được thiết đặt sẵn ở não phải.
Để phát hiện và nuôi dưỡng những năng lực này hoặc các tài năng tiềm ẩn khác, cha mẹ cần tạo ra môi trường hay cơ hội để nuôi dưỡng chúng. Nếu không được kích hoạt, những năng lực này sẽ dần yếu đi và cuối cùng sẽ biến mất, đơn giản là vì chúng không có điều kiện để phát triển.
Về vấn đề này sẽ được trình bày tường tận trong chương 10.
5. Nếu não phải được phát triển tối đa, chúng ta sẽ nuôi dạy nên những đứa trẻ thiên tài
Từ trước đến nay, chúng ta vẫn không biết nhiều về sự vận hành của não phải cho nên việc giáo dục não phải hầu như chưa được biết đến. Và hầu hết trẻ em hiện nay đều được nuôi dạy bằng phương pháp giáo dục não trái.
Tuy nhiên, khi nuôi dạy trẻ bằng phương pháp giáo dục não phải, chúng ta sẽ được chứng kiến những điều kỳ diệu. Trong lớp học, một em học sinh trung học vốn xếp hạng cuối lớp đã tiến bộ vượt bậc và đứng đầu lớp sau quá trình học tập rèn luyện bằng phương pháp giáo dục não phải.
Phương pháp giáo dục não phải hoàn toàn khác biệt với phương pháp giáo dục não trái với xu hướng nhồi nhét kiến thức.
Cô Noriko Nagaoka của Viện Giáo dục Trẻ em Shichida Nhật Bản tại Nishi - Isahaya(*) được yêu cầu làm gia sư của một cậu bé học sinh trung học năm hai thường chỉ đạt được 20% số điểm trong bài kiểm tra tiếng Anh của mình. Cô đã thử áp dụng phương pháp giáo dục não phải với cậu bé. Trong phương pháp giáo dục não phải, nghi thức mười phút trước khi bắt đầu học là rất cần thiết. “Thiền tập” – “Hít thở sâu” – “Gợi ý tích cực” – “Tự thực hiện tưởng tượng hình ảnh thành công” là những phương pháp được tiến hành trong mười phút trước khi bắt đầu học. Hiệu quả nhanh chóng được thấy rõ khi bài kiểm tra tiếng Anh tiếp theo, cậu bé đã được 76 điểm. Thành tích của những môn học khác cũng được cải thiện nhanh chóng. Khi trở thành học sinh trung học năm ba, cậu bé luôn đứng trong nhóm đầu của lớp. Lúc còn là học sinh trung học năm hai, cả cha mẹ và thầy cô trong trường đều nghĩ rằng cậu là một học sinh kém và rồi cậu đã có sự cải thiện vượt bậc. Trong kỳ thi vào trung học phổ thông, cậu bé đã đỗ vào trường danh tiếng của địa phương đúng như tâm nguyện. Cha mẹ và cậu bé đều vô cùng vui mừng với kết quả của quá trình luyện tập này.
(*) Một tỉnh ở Nhật.
Phương pháp học bằng não phải không phải là một phương thức học tập vất vả đòi hỏi nỗ lực, ngược lại đây là một phương thức học tập mà quá trình ghi nhớ trong tiềm thức chỉ có thể xảy ra khi người học cảm thấy thư giãn và vui vẻ. Não trái là não có ý thức. Não phải là não của vô thức, nơi cất giấu những năng lực đáng kinh ngạc.
Vì khi trẻ mới chào đời, não phải được khơi mở một cách tự nhiên nên những nghi thức khó mà học sinh trung học được dạy như “Thiền tập” – “Hít thở sâu” – “Gợi ý tích cực” là không cần thiết. Thời kỳ sơ sinh là thời kỳ não phải được hoạt động tối đa mà không cần thực hiện những nghi thức như trên.
Nếu hiểu và thực hành những điều này, việc khai mở những năng lực tự nhiên đáng kinh ngạc của trẻ sơ sinh không còn quá khó khăn. Điều quan trọng là bạn nên nhận thức được rằng: Việc giáo dục não phải sẽ dễ dàng hơn rất nhiều khi con còn là trẻ sơ sinh, hay nói cách khác, càng bắt đầu sớm càng tốt.
Bây giờ, chúng ta hãy cùng nhớ lại những lời của Yatori mà tôi đã đề cập trong chương 1:
“Con người hiện đại ngày nay có não trái phát triển vượt trội đến mức khác thường. Thế nhưng ở thế hệ loài người mới với những siêu năng lực, não phải của họ lại phát triển tối ưu và họ đạt đến sự phát triển cân bằng của cả não phải và não trái”.
Chúng ta hãy dành hết tâm huyết của mình tận dụng tối đa giai đoạn sơ sinh nhằm phát triển não phải cho trẻ, đồng thời phải luôn tâm niệm nuôi dạy con với sự cân bằng của cả hai bán cầu não phải va bán cầu não trái.