Bí quyết để sinh ra một đứa trẻ thông minh
1. Người mẹ sẽ sinh ra một em bé thông minh khi em bé được nhận những kích thích từ khi còn trong bụng mẹ
Từ trước đến nay, người ta vẫn cho rằng thai nhi là một sinh thể sống giống như một dạng động vật bậc thấp hơn con người và không có trí tuệ. Tuy nhiên, từ hai mươi năm trở lại đây, người ta đã khám phá ra rằng trẻ em vẫn lưu giữ những ký ức khi còn là thai nhi. Những khám phá đó đã châm ngòi cho những nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này. Ví dụ, nhà tâm thần học Thomas R. Verny tại thành phố Toronto, Canada, trong quá trình chữa trị cho một bệnh nhân hai mươi tuổi, ông đã khám phá ra rằng người thanh niên này vẫn nhớ những sự việc xảy ra ngay sau khi anh ta được sinh ra. Sự kiện này đã thúc đẩy quá trình nghiên cứu xa hơn và trong quá trình tổng hợp những trường hợp khác nhau - những người vẫn lưu giữ ký ức ngay sau khi được sinh ra, ông đã nhận ra trong thực tế có rất nhiều trẻ em vẫn lưu giữ ký ức khi còn trong bụng mẹ và thai nhi sở hữu những năng lực phi thường.
Vì vậy, những bộ môn khoa học mới đã được hình thành là Sinh lý học thai nhi trong bụng mẹ và Tâm lý học thai nhi. Tiến sĩ Verny đã giới thiệu với mọi người một vài trong số rất nhiều trường hợp mà ông đã tổng hợp được dưới đây.
1 - Trường hợp của Peter
Trong quá trình mang thai Peter, mẹ của Peter đã nhiều lần hát Khúc hát của Paul và Marry. Khi Peter được sinh ra, bài hát đó đã cho thấy những hiệu quả bất ngờ: Peter dù có quấy khóc dữ dội như thế nào đi nữa thì khi nghe bài hát này, con cũng sẽ nín ngay.
2 - Trường hợp của một bé gái hai tuổi
Bé gái vừa ngồi trên sàn chơi một mình vừa bi bô lặp lại những từ “hít vào, thở ra”, đó là những từ mà mẹ của bé đã nói khi tập theo phương pháp Lamaze(*) khi đang mang bầu. Sau khi con chào đời, người mẹ không còn nói những từ đó nữa.
(*) Phương pháp Lamaze là phương pháp hít thở khống chế thần kinh cơ và kỹ năng hô hấp giúp giảm đau trong quá trình sinh nở.
Verny ban đầu nghe mọi người đồn rằng những lời của bé gái đó chính là lời nguyền rủa (như một lời nguyền của phù thủy). Trường Đại học Toronto, nơi ông đã từng theo học vốn là một trường khá bảo thủ, hay cả ở Đại học Harvard, nơi ông nghiên cứu về tâm bệnh học trong vòng một năm, đều không có ai tin vào những câu chuyện như thế. Verny dù mang hoài nghi về những câu chuyện như vậy nhưng ông vẫn bắt đầu tìm kiếm những tư liệu có sẵn về chúng, cuối cùng ông đã thành công trong việc khám phá ra một “khái niệm” hoàn toàn mới về thai nhi. Chẳng mấy chốc đã có rất nhiều nhà nghiên cứu bắt đầu nghiên cứu về não bộ của bào thai. Có một vài nhà khoa học đã khám phá ra rằng sóng não của thai nhi khi ngủ khác với sóng não khi đang thức. Những phát hiện mới về sinh lý học não bộ của thai nhi cứ thế lần lượt ra đời.
Tôi muốn giới thiệu đến độc giả những nghiên cứu tiên tiến nhất của Mỹ trong lĩnh vực “Giáo dục thai nhi” còn mới mẻ này. Người ta vẫn cho rằng rất nhiều tế bào não của con người chết ngay trước khi được sinh ra. Điều này đã trở thành lý thuyết mang tính học thuật được công nhận từ lâu.
Tiến sĩ Brent Logan – Giám đốc Viện Nghiên cứu và Giáo dục trẻ em ở Washington, Mỹ phát biểu rằng: Nếu để thai nhi được học trước khi sinh, mạng lưới tế bào não của thai nhi sẽ phát triển vượt bậc, hơn nữa, quá trình này còn giúp ngăn chặn sự chết đi của các tế bào thần kinh trong mạng lưới này; do đó, những em bé sẽ được sinh ra với số lượng tế bào não nhiều hơn so với thông thường. Tiến sĩ Logan đã mô tả rằng: “Tốc độ phát triển và trưởng thành của các tế bào thần kinh trong thời kỳ mang thai từ mười đến mười tám tuần là mạnh mẽ nhất, thúc đẩy việc tạo thành các kết nối thần kinh trong thời kỳ tiếp theo. Nhờ vậy, các tế bào thần kinh sẽ ngày càng lớn lên và phát triển hoàn thiện, các sợi trục thần kinh cũng lớn dần lên, các đầu kết nối của sợi trục nhô lên này sẽ phát triển mạnh mẽ. Sau đó, một lượng lớn các tế bào não không tham gia vào mạng lưới này sẽ chết đi. Logan đã tìm ra rằng: cuối cùng, có tới tận 90% trong tổng số các tế bào não đã chết đi.
Logan còn tiếp tục đề cập đến một sự thực vô cùng nghiêm túc nữa. Ông nói rằng khi bạn cảm nhận thai nhi một cách sâu sắc, thường xuyên trò chuyện tâm tình với thai nhi bằng cả trái tim, em bé sau khi chào đời sẽ lớn lên cực kỳ thông minh vì những tế bào não đặc biệt phát triển hoàn thiện đã được nuôi dưỡng trong giai đoạn thai kỳ.
Theo tiến sĩ Logan, nếu ta trao cho trẻ những kích thích vào giai đoạn phát triển quan trọng nhất – giai đoạn thai kỳ thì số lượng những tế bào thần kinh bị chết ngay trước khi trẻ được sinh ra sẽ giảm đáng kể, vì vậy ta có thể nuôi dạy những em bé rất thông minh. Tiến sĩ cũng phát biểu rằng nếu ta cho thai nhi nghe băng thu lại nhịp tim của người mẹ, nghĩa là thai nhi có thể nghe số lượng nhịp tim nhiều gấp đôi so với những thai nhi bình thường, thì số lượng các kết nối thần kinh sẽ nhiều lên gấp đôi và chắc chắn các tế bào não cũng sẽ tăng gấp đôi. Phát biểu này là kết quả của rất nhiều thực nghiệm về các em bé được sinh ra với khả năng học hỏi nhanh hay có năng khiếu về nghệ thuật hoặc có chỉ số thông minh cao.
Trường Đại học California cho rằng những em bé được áp dụng thai giáo khi sinh ra sẽ có thêm các tế bào não nguyên thủy (tế bào não gốc) mà vốn không có ở những em bé bình thường khác, bởi vậy, những em bé này sẽ lớn lên và thông minh hơn những trẻ em bình thường khác. Hơn thế nữa, những nghiên cứu tiếp sau đó theo dõi những trẻ em được áp dụng thai giáo cho đến khi các em học lớp Sáu đều cho thấy những em này đều đứng đầu lớp.
Học giả Charlotte M. Mistretta và Robert M. Bradley đã phát biểu: “Khi thai nhi được trải nghiệm những kích thích cảm giác khác thường, thì phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển khác nhau mà sự phát triển của các tế bào thần kinh cũng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
2. Những em bé có thể kể lại những ký ức khi còn trong bụng mẹ
Các nghiên cứu chỉ ra rằng thai nhi có năng lực giao tiếp mà không cần sử dụng ngôn ngữ, năng lực trí tuệ và khả năng ghi nhớ của thai nhi đã đi vào hoạt động ngay từ trong bụng mẹ. Từ những sự thực đó, tôi đã khích lệ và hướng dẫn các hội viên của Câu lạc bộ Những người bạn giáo dục cho trẻ sơ sinh hãy cảm nhận sâu sắc cũng như tìm cách để trò chuyện với con từ khi con vẫn còn là một bào thai trong bụng mẹ.
Đến giờ tôi đã làm công việc giảng dạy và hướng dẫn thai giáo được gần mười năm, tôi đã và đang nhận được rất nhiều những ghi chép về hiệu quả của thai giáo.
Ví dụ, tôi đã nói với những hội viên trong khóa học thai giáo rằng: “Khi bé được hai tuổi, mẹ hãy thử hỏi con những ký ức khi còn trong bụng mẹ và thời khắc lúc con được sinh ra”, vì trẻ em ở giai đoạn hai tuổi hầu hết đã có thể nói được. Sau đó những hội viên lần lượt từng người kể những câu chuyện của mình.
Tôi đã thử hỏi con vào ngày sinh nhật lúc hai tuổi:
“Cảm giác ở trong bụng mẹ như thế nào vậy con?”
Ngay lập tức con đã trả lời là:
“Cứ như là đang lội trong nước mẹ ạ.”
“Lúc con chào đời con đã thấy những gì?”
“Có nhiều bác sĩ lắm ạ.”
Nghe con nói những điều này, tôi đã rất ngạc nhiên. Vì thật sự khi tôi sinh con, đã có rất nhiều bác sĩ nội trú đến xem ca sinh của tôi để học hỏi.
***
Vì giáo sư đã nói rằng khi con hai tuổi, hãy hỏi ký ức của con khi còn trong bụng mẹ nên tôi đã hỏi con mình rằng:
“Ở trong bụng mẹ con cảm thấy thế nào?”
“Chật chội lắm ạ.”
“Con còn nhớ lúc mình vừa ‘chui ra’ khỏi bụng mẹ không?”
“Có ánh sáng chiếu vào mắt của con. Bác sĩ đã đặt cái gì vào mắt con mẹ ạ.”
Tôi đã vô cùng kinh ngạc. Con tôi thật sự nhớ được ký ức khi còn ở trong bụng mẹ cũng như lúc được sinh ra.
***
Trong số phát hành của tờ “Giáo dục cho trẻ sơ sinh” lần trước có đề cập việc nên hỏi về những ký ức thai nhi khi bé được hai tuổi, vì bé Serina nhà tôi đã hai tuổi tám tháng nên tôi đã thử hỏi con những chuyện khi còn trong bụng mẹ. Bản thân con vẫn chưa biểu đạt bằng ngôn ngữ được tốt nên tôi đã hỏi con bằng câu hỏi lựa chọn.
“Rina ơi, khi con ở trong bụng mẹ, con thấy ấm hay lạnh?”
“Ấm ạ.”
“Có sáng không con? Hay tối nhỉ?”
“Tối ạ.”
“Vậy, trong bụng mẹ rộng hay hẹp?”
“Hẹp ạ.”
“Có nước ở trong bụng mẹ không con?”
“Có mẹ ạ.”
“Con có nghe rõ tiếng của mẹ không?”
“Con nghe tiếng mẹ rất rõ.”
“Con đã nghe được gì nào?”
“Mẹ gọi ‘Bố Rina ơi, bố Rina ơi’.” (Mỗi ngày, khi tôi tắm, đúng là tôi đều gọi chồng như thế.)
“Lúc con ra khỏi bụng mẹ có đau lắm không con?”
“Không đau mẹ ạ.” (Đó là sự thật. Tôi đã có một ca sinh nở dễ dàng. Tôi đã sinh con ngay tại nhà mình và con được sinh ra khi tôi đang đứng.)”
“Sau đó, con có thấy cô đơn không?”
“Không ạ, con đã rất vui.” (Hai giờ đầu tiên sau khi sinh, con không khóc mà mở to đôi mắt sáng ngời nằm cuộn người trong lòng tôi cười tủm tỉm. Da của con sạch sẽ và sáng bóng đến mức không cần tắm qua lần đầu như những đứa trẻ khác.)
“Sau đó, mẹ có luôn ở bên cạnh con không?”
“Không mẹ ạ! Con đã rất cô đơn.” (Vì bị sót nhau thai, hai tiếng sau khi sinh tôi đã phải nhập viện cả ngày nên hai mẹ con đã xa nhau hai mươi bảy tiếng.)
Chính vì vậy, sau khi hỏi con, tôi cảm thấy thực sự kinh ngạc. Khả năng của trẻ em quả thật vượt xa những điều lạ lùng nhất mà chúng ta có thể tưởng tượng được.
***
Tiếp theo là những lợi ích mà một người mẹ đã nhận được từ khi tham gia các khóa học thai giáo của tôi.
Cảm thấy hối hận vì đã áp dụng thiếu nghiêm túc những gì được học khi sinh con trai đầu lòng Atsuhiro, nên lần này tôi đã thực sự đặt quyết tâm để áp dụng thai giáo. Ơn trời, ngày 5 tháng 10 năm 1990, dù phải sinh thai ngược nhưng tôi đã sinh ra bé thứ hai an toàn. Khi mang thai tôi luôn tưởng tượng rằng “Con sinh ra nặng 3.200 gram và là một bé gái khỏe mạnh, hiền lành, ngoan ngoãn, đáng yêu”.
Tôi đã đặt tên con là Sayuri từ khi con vẫn còn trong bụng mẹ và tôi luôn gọi con như vậy. Sau đó, con sinh ra giống hệt như tôi đã tưởng tượng.
Sayuri ngay sau khi sinh đã có thể di chuyển mắt để nhìn chăm chú những đồ vật chuyển động, chỉ hai tháng sau, cổ con đã cứng cáp, cuối tháng thứ ba con lật được, tháng thứ tư con nhấc được mông lên cao và bắt đầu tập bò. Con tự ngồi vững được ở tháng thứ năm, tháng thứ sáu con tập vịn vào đồ vật để bước đi, cẳng chân của con rất cứng cáp. Con có thể “a” để đáp lại lời gọi của cô y tá vào ngày thứ hai ngay sau khi sinh, điều đó khiến cho cô y tá vô cùng ngạc nhiên. Khi được bốn tháng tuổi, con đã nói được bảy từ. Ví dụ “Mẹ ơi, chào buổi sáng”, “Chào Akkun (tên của anh trai).”
Tôi tin vào năng lực trực giác của thai nhi theo như lời giáo sư dạy, tôi thường luôn nghĩ rằng không gì tốt hơn việc tương tác với Sayuri từ trái tim mình, nói chuyện trực tiếp với con khi con còn trong bụng mẹ. Tôi tin đó là những điều tốt nhất mà tôi có thể làm được cho con. Tôi bắt đầu thực sự cảm nhận được khả năng tiếp thu xuất sắc của bé ngay từ khi vừa chào đời.
Nếu cha mẹ áp dụng thai giáo, cha mẹ sẽ nuôi dưỡng trái tim của trẻ và trẻ phát triển cảm xúc ổn định, thế nên sau khi chào đời trẻ sẽ ít quấy, không khóc đêm, luôn mỉm cười và lớn lên trở thành một đứa trẻ thích giao tiếp chan hòa với mọi người, tiếp thu nhanh chóng những điều vừa được dạy. Tóm lại, một đứa trẻ với những tính cách tuyệt vời sẽ được sinh ra.
3. Thai nhi tiếp nhận được tâm tình của mẹ thông qua thần giao cách cảm
Chúng ta vẫn cho rằng giáo dục trẻ thường bắt đầu sau khi trẻ vừa chào đời. Tuy nhiên, trong thực tế, ngay từ khi còn là thai nhi, trẻ đã có thể bắt đầu cảm giác hay nhận biết được những tác động từ tinh thần của người mẹ thông qua sóng hay tác động dưới dạng sóng từ ý thức của người mẹ. Khi được thông báo có thai, nếu người mẹ vui mừng, thai nhi sẽ cảm nhận được điều đó và phát triển hoàn toàn vui vẻ. Ngược lại, nếu người mẹ sống trong cảm giác tiêu cực khi biết mình có thai, sau khi chào đời trẻ sẽ có cảm giác khó chịu và trẻ sẽ lớn lên cùng sự bất an. Chúng tôi đã từng nhìn thấy trên màn hình chiếu của máy chẩn đoán siêu âm hình ảnh của một bào thai ba tháng tuổi. Khi được thông báo có thai, người mẹ đã nói: “Ôi, tôi không biết phải làm sao bây giờ, tôi nghĩ là tôi muốn phá thai”, ngay lập tức sau câu nói của người mẹ là hình ảnh co giật của thai nhi xuất hiện trên màn hình. Thai nhi được ba tháng hiểu được cảm xúc của người mẹ nhờ năng lực giao tiếp theo chiều thứ tư mà không phải thông qua lời nói.
Mọi người đều nghĩ rằng bởi vì trẻ mới chào đời không hiểu ngôn ngữ, và chức năng tinh thần lẫn cảm xúc của trẻ vẫn chưa phát triển nên thời kỳ này không phải là lúc để giáo dục trẻ. Tuy nhiên trong thực tế, từ khi còn là thai nhi trẻ đã học hỏi thông qua sóng dao động phát ra từ mẹ nhờ thần giao cách cảm. Năng lực thần giao cách cảm vẫn còn rất mạnh mẽ ở trẻ từ lúc chào đời cho đến hai tuổi. Khi cha mẹ nói chuyện với trẻ, trẻ sẽ tiếp nhận được thông điệp từ trái tim của người mẹ thông qua thần giao cách cảm.
Mẹ nói chuyện âu yếm với con ở trong bụng
Trẻ dù không hoàn toàn hiểu được ngôn ngữ nhưng vẫn có khả năng hiểu đúng ý nghĩa của những từ đó. Khi mẹ trò chuyện, trẻ có thể cảm nhận một cách chính xác cảm xúc của mẹ là tích cực hay tiêu cực. Trẻ có thể đọc và nắm bắt một cách chính xác những rung động cảm xúc tận sâu trong trái tim của người mẹ dù mẹ có cố gắng che đậy cảm xúc của mình. Tiến sĩ người Mỹ John Allan World đã đặt tên cho mối liên hệ tác động dưới dạng sóng giữa mẹ và con này là “Quan hệ thần giao cách cảm giữa mẹ và con”. Sự kết nối tốt nhất giữa mẹ và con chỉ có được khi trong trái tim người mẹ đầy ắp sự yên bình và vui vẻ. Chỉ trong mối quan hệ đó, trẻ mới có thể mở cửa trái tim của mình để lắng nghe và dần tiếp nhận được tiếng lòng của người mẹ. Nếu như trong tâm trí của người mẹ chỉ toàn sự bất an, thiếu kiên nhẫn, nghi ngờ hay cảm giác tiêu cực đối với sự phát triển của trẻ; trẻ sẽ từ chối lắng nghe những lời mẹ muốn truyền đạt.
Thần giao cách cảm không chỉ giới hạn trong sự giao tiếp giữa mẹ và con mà trong quan hệ cha con, thần giao cách cảm cũng chính là phương pháp giao tiếp quan trọng. Nếu trong giai đoạn thai nhi của trẻ, người cha nói chuyện với trẻ thì ngay từ giây phút chào đời trẻ sẽ là một em bé yêu quý cha.
Cha trò chuyện với con trong bụng
4. Ngay từ khi biết mình mang thai, hãy truyền tải thương yêu và trò chuyện với trẻ
Tôi luôn khuyến khích những người mẹ đang mang thai hãy truyền tải tình yêu thương và trò chuyện với con thông qua trái tim mình từ lúc bắt đầu thai nghén. Khi thai nhi bắt đầu biết đạp, tôi hướng dẫn những người mẹ hãy vỗ nhẹ lên bụng để đáp lại con. Sau đó hai đến ba tuần, người mẹ hãy chủ động vỗ lên bụng của mình, em bé trong bụng sẽ bắt đầu đạp để đáp lại. Khi người mẹ nói “Đạp hai cái đi con!” sau đó vỗ hai cái lên bụng, bé sẽ đạp lại hai cái. Thai nhi có thể phản ứng với những con số.
Nếu bằng cách này, người mẹ thông qua trái tim và tâm hồn của mình để truyền đạt tình cảm đến con từ khi con còn là thai nhi thì sự kết nối giữa mẹ và con sẽ được thiết lập.
Lá thư dưới đây được gửi đến cho cô Shirakawa Misumi, cô cũng đang giảng dạy về thai giáo và là tác giả của cuốn sách: Okasan Gambare Undo (Các bà mẹ hãy cố gắng hết sức trong thời kỳ này).
Trước đây tôi từng viết thư trao đổi với cô về việc em họ tôi mang thai ngược và nhờ có sự hướng dẫn của cô mà thai nhi đã tự xoay người lại đúng hướng. Em tôi đã nói với đứa con trong bụng: “Con là cậu bé rất ngoan, con hãy tự xoay người lại nhé!”, sau đó cô ấy cảm nhận rất rõ ràng cậu bé đã thật sự xoay người lại.
Ngày tiếp theo đến bệnh viện, khi được bác sĩ nói lại rằng đầu của thai nhi đã ở đúng vị trí, cô ấy đã vô cùng kinh ngạc và hết sức vui mừng. Tuy nhiên, vì một vài rắc rối ở nhà chồng mà quá trình đó lại lặp lại, đầu em bé đã quay ngược lên, vì vậy em họ tôi đã tiếp tục tâm tình với con để con tự xoay ngược trở lại. Vị bác sĩ ở bệnh viện đã ngạc nhiên vô cùng khi được nghe về điều này. Em tôi cũng đưa ra một đề nghị khác với đứa con trong bụng: “Con hãy chui ra thật nhanh trong lúc mẹ kêu ‘Ah’ một tiếng thôi nhé!”. Vào ngày hai mươi mốt tháng Hai, đúng hai giờ, chúng tôi đã vô cùng hạnh phúc chào đón cháu - một bé trai nặng 3.400 gram đã được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh và an toàn.
Khi tôi giảng bài tại thành phố Takatsuki, đã có một người mẹ kể lại câu chuyện sau:
Trong chín tháng mang thai đứa con đầu, bác sĩ đã nói với tôi: “Vì thai nhi quá lớn nên cô cần sinh mổ, nếu cần thiết, chúng tôi sẽ dùng kẹp để lôi em bé ra ngoài”. Khi đó tôi đã nói với con: “Bị mổ sẽ đau lắm nên mẹ không thích bị mổ đâu con à”. Vậy là ba ngày sau, lúc bốn giờ sáng, tôi đã bắt đầu chuyển dạ và con đã rất nỗ lực để tự chui ra thật nhanh chóng.
Ví dụ trên cho thấy rằng, thai nhi hiểu được chính xác tấm lòng cũng như những lời tâm tình của mẹ. Khi được hướng dẫn rằng nên nói chuyện với thai nhi trong bụng, có những người mẹ mang thai chia sẻ rằng họ không có khả năng tốt lắm trong lĩnh vực giao tiếp và bởi vậy, họ không biết nên nói gì với con. Trò chuyện với thai nhi trong bụng thật sự không khó khăn đến thế. Tất cả những gì người mẹ cần làm là trò chuyện với con về những việc mẹ đang làm ở thời điểm đó.
Mẹ làm các công việc hằng ngày và kể cho con ở trong bụng nghe
Ví dụ sau khi thức dậy, mẹ đến bên cửa sổ và kéo rèm cửa ra. Khi đó, mẹ có thể trò chuyện cùng thai nhi như sau: “Con yêu (gọi con âu yếm với tên ở nhà của con), chào buổi sáng. Sáng rồi đó. Hãy mở rèm cửa ra nào! Con có nghe thấy không? Đó là âm thanh phát ra khi mẹ mở rèm! A, hôm nay thời tiết ở ngoài kia thật đẹp. Mẹ có thể nhìn thấy bầu trời xanh đấy. Mở cửa ra cho không khí tươi mát tràn vào phòng nào. Đó, mẹ đang mở cửa sổ đó! Con có cảm nhận được không? Làn gió mát mẻ dễ chịu vừa lùa vào phòng đấy con”. Đơn giản vậy thôi.
Hay khi người mẹ rửa mặt: “Con ơi, mẹ sắp rửa mặt đó. Đây là bồn rửa mặt. Mẹ đang đứng trước bồn rửa mặt đó. Hình ảnh khuôn mặt của mẹ đang phản chiếu trên gương kìa, con yêu thấy chưa nhỉ? Hãy cùng chào hình ảnh phản chiếu của mẹ trong gương nào. Chào buổi sáng. Mẹ cũng chào bé yêu trong bụng của mẹ nè, chào con yêu. Giờ thì mẹ vặn vòi nước đây, nước chảy ra rồi nè. Nước mát lắm. Thật sảng khoái làm sao! Đây là cách để mình rửa mặt nhé”.
Đó là cách mà người mẹ nói chuyện với trẻ. Thường ngày ắt hẳn mẹ sẽ luôn làm một việc nào đó, bởi vậy mẹ hãy giải thích cho thai nhi những việc làm của mình. Nếu người mẹ duy trì thói quen luôn tâm sự, trò chuyện cùng thai nhi mỗi ngày thì mọi buồn phiền lo âu sẽ dần tan biến. Mẹ cũng hãy trò chuyện cùng trẻ cả khi trẻ đã chào đời. Khi cho trẻ xem một vật gì, mẹ hãy gọi tên đồ vật đó cho trẻ nghe. Tôi gọi đó là phương pháp bao bọc trẻ trong ngôn ngữ. Các bậc cha mẹ xin đừng quên bao bọc trẻ trong ngôn ngữ.
5. Câu chuyện về gia đình Susedik áp dụng thai giáo nuôi dạy nên bốn người con thiên tài
Cặp vợ chồng Susedik sinh sống tại New Concord thuộc tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ. Họ đã trở nên nổi tiếng bởi áp dụng thai giáo cho cả bốn cô con gái của mình ngay khi còn trong bụng mẹ để phát triển chúng trở thành những thiên tài.
Cô con gái đầu tên Susan được nuôi dạy bằng phương pháp thai giáo, từ tuần thứ ba kể từ khi chào đời đã bắt đầu chập chững nói những từ như “sữa”, “xinh”, “mẹ”; chín tháng bé đã có thể đọc được những chữ đơn giản; năm tuổi Susan nhập học trường trung học phổ thông; mười tuổi nhập học trường Đại học Muskingham, sau đó theo học tại trường Đại học Illinois năm mười bốn tuổi.
Trong vòng chín tháng kể từ khi chào đời, những người con của Susedik đều có thể đọc được bảng chữ cái. Ông Susedik cũng đã viết một quyển sách có tựa là A spark of Genius: The world’s first prenatal teaching book(*). Dưới đây tôi sẽ thảo luận về nội dung quyển sách này.
(*) Tạm dịch: Sự tỏa sáng của thiên tài.
Thai nhi cảm thấy buồn chán khi ở trong bụng mẹ. Thai nhi sở hữu năng lực trực giác (năng lực có thể mất đi khi trẻ chào đời) nên có thể hiểu được tâm tình, suy nghĩ của cha mẹ. Những người sinh ra mà không mất đi năng lực trực giác được gọi là “người siêu năng lực”. Những tác động mạnh ở thời khắc chào đời làm cho năng lực này bị mất đi ở trẻ sơ sinh. Do đó, khi người mẹ sinh con càng an toàn và dễ dàng thì khả năng trẻ giữ lại được năng lực trực giác càng cao.
Vì mọi thai nhi đều sở hữu năng lực này nên các con đều giỏi trong việc hiểu tiếng lòng cha mẹ. Vậy, bạn có thể tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu như người mẹ đang mang bầu một đứa trẻ mà lại có suy nghĩ: “Tôi không muốn có đứa bé này.”?
Sẽ rất tốt nếu tận dụng năng lực này của bào thai để dạy trẻ về tâm lý học trẻ em, xã hội học, khoa học, số học, ngôn ngữ, lịch sử, đánh vần, đọc sách, mỹ thuật, âm nhạc,...
Cha mẹ hẳn cho rằng dạy cho thai nhi những điều này là khó khăn, tuy nhiên nếu chúng ta hiểu về năng lực trực giác của thai nhi, điều này không còn là khó khăn nữa.
Để không làm mất đi năng lực này của trẻ, cha mẹ nên tránh các bệnh viện sẽ gây ra những cú sốc quá mạnh cho trẻ như để điện quá sáng khi sinh hay ngay lập tức nhỏ thuốc vào mắt trẻ… Cha mẹ nên chọn những nhà hộ sinh tạo điều kiện để người mẹ có thể ôm ấp vỗ về trẻ ngay từ giây phút chào đời. Hơn nữa, sau khi chào đời, được nghe mẹ nói chuyện sẽ làm trẻ cảm thấy hoàn toàn yên tâm.
Xin cha mẹ hãy hiểu rằng trải nghiệm chào đời của trẻ càng dễ chịu và yên bình chừng nào, thai giáo được áp dụng nhiều chừng nào, thì trẻ được sinh ra sẽ càng thông minh chừng ấy. Nếu áp dụng giáo dục thai nhi một cách hợp lý, trẻ sau khi chào đời có thể nhớ được những thứ đã học khi còn trong bụng mẹ, cũng như nhanh chóng làm được những điều được dạy sau khi sinh một cách dễ dàng. Hơn nữa, thai giáo còn giúp xóa đi những bất mãn, khó chịu giữa mẹ và con đối với việc học.
Tôi muốn khuyến khích tất cả thành viên trong gia đình tham gia vào giáo dục thai nhi chứ không chỉ riêng người mẹ. Nhờ vậy, thai nhi sẽ dần nhận biết được vai trò của mình trong gia đình cũng như cảm nhận được tình yêu thương của tất cả mọi người dành cho mình.
Những nhà chuyên môn về giáo dục khuyến cáo: “Để trẻ học tập trong giai đoạn trẻ còn chưa đến độ tuổi đến trường (khi mà không cần thiết phải dành nhiều nỗ lực) sẽ hủy hoại cả cuộc đời của trẻ sau này. Thật vậy sao? Khi quan sát thế hệ trẻ tốt nghiệp đại học ngày nay, tôi thấy sợ hãi khi nhận thấy rằng họ đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề vì tin tưởng vào những lời dạy cứ ngỡ là đúng đắn nhưng thực ra chỉ đang cản trở sự phát triển những năng lực thực sự của con trẻ. Để thay đổi được điều này, chỉ còn cách thay đổi cách thức giáo dục.
Susedik cho rằng hầu hết thai nhi đều có năng lực trực giác và có thể đọc hiểu được tâm tình của mẹ thông qua năng lực này. Susedik giải thích như sau: Nếu người mẹ hiểu về năng lực trực giác cũng như sử dụng năng lực này với thai nhi, thai nhi sẽ bắt đầu học hỏi ngay từ khi còn trong bụng mẹ và sinh ra với năng lực vốn đã được nuôi dưỡng đầy đủ và tuyệt vời.
Susedik cũng đã có những giải thích về năng lực trực giác như sau.
Năng lực trực giác được ví như máy thu thanh, điện thoại, tivi, đặc biệt có thể nói là giống với tivi. Vì nhờ vào năng lực trực giác, không chỉ âm thanh mà cả hình ảnh cũng được truyền tải cùng với vị, mùi hương, hình dáng, màu sắc, xúc giác hay tình cảm. Để tận dụng được năng lực trực giác, cần thiết phải tạo ra một “màn hình” trong đầu của chúng ta. Trong trường hợp thai nhi tiếp nhận những thông điệp của cha mẹ, “màn hình” này sẽ nằm gần đỉnh đầu của trẻ. Nơi đây là “bình chứa” của những suy nghĩ của trẻ. Cần sử dụng sóng não để truyền đi những thông tin trực giác. Những nỗ lực bước đầu là cần thiết, tuy nhiên càng thực hành nhiều thì việc truyền thông tin trực giác sẽ càng dễ dàng hơn. Xin hãy nghĩ rằng sóng não gần giống như tia la-de. Khi sóng não truyền đi, bạn đọc hãy hình dung trong tâm trí của mình não bộ của trẻ và tưởng tượng ra những “lối đi” đến phần đỉnh đầu của não. Thông qua “lối đi” này để gửi đi những thông điệp đến màn hình. Truyền đi bất kỳ điều gì mà cha mẹ muốn dạy cho trẻ thông qua con đường này để đi đến não bộ của trẻ.
6. Phương pháp giáo dục thai nhi của vợ chồng nhà Susedik
Dưới đây là phương pháp thai giáo mà vợ chồng nhà Susedik sử dụng được giới thiệu trong cuốn sách Sự tỏa sáng của thiên tài.
Thai giáo từ tháng đầu tiên đến tháng thứ năm
Ở trong bụng mẹ thai nhi sẽ tiếp thu tốt hơn vì không bị tác động bởi các yếu tố gây xao lãng. Bài học đầu tiên trong kế hoạch học tập dành cho con là người mẹ vừa nhìn vào gương vừa mô tả về mình. Người mẹ hãy nói với con những đặc trưng trên cơ thể của mình như màu tóc, màu mắt, mũi, tai, miệng, cằm, đầu, cổ, tay, chân... Tiếp đó, mẹ hãy mô tả cho con về đặc điểm của những người thân trong gia đình theo cách tương tự.
Sau đó, mẹ hãy nói với thai nhi về chính con. Ví dụ như sự lớn lên của con trong bụng mẹ ra sao, mẹ bảo vệ con bằng cả sự trân trọng như thế nào, mẹ ăn nhiều những thức ăn bổ dưỡng vì con, hay chuyện mẹ luôn yêu thương con và khi con chào đời mẹ sẽ luôn ôm ấp con. Tiếp theo, hãy đọc truyện tranh cho con nghe. Hãy chọn những cuốn truyện tranh đa dạng sắc màu và vui vẻ, đọc bằng chất giọng to rõ và đừng quên kể với con về đời sống và hình dáng của những con vật xuất hiện trong truyện tranh.
Thai nhi năm tháng
Thai nhi năm tháng sở hữu năng lực ghi nhớ tốt hơn so với bất kỳ thời kỳ nào trong cuộc đời. Hãy kể với con về các bữa ăn thường ngày, về cách mẹ nấu thức ăn, cách sử dụng nhiệt để nấu chúng, làm sao để ăn cũng như những vitamin hay các khoáng chất có trong thức ăn. Mẹ cũng hãy cố gắng đi tham quan những địa điểm khác nhau nhiều nhất có thể rồi kể lại với con về những điều đã nghe và chứng kiến. Ví dụ như các công trường và cửa hàng bánh mì, trang trại sản xuất bơ sữa, xưởng đông lạnh, nhà máy đóng hộp, xưởng chế tạo hàng điện tử, nhà máy sản xuất xe ô tô hay các tòa nhà đang thi công, siêu thị, trạm phòng cháy chữa cháy hoặc các bác sĩ khoa mắt, nha sĩ,....
Hãy dành riêng một phòng cho con, nơi mà đồ chơi và truyện tranh đã chuẩn bị sẵn và nói với con rằng: “Đây là phòng của con!”. Cha mẹ hãy trang trí căn phòng thật nhiều màu sắc và mô tả chi tiết với trẻ về căn phòng: màu sắc và hình dáng của các hộc tủ, rèm cửa, thảm trải sàn, màu sắc hoa văn của tường.
Hãy kể với con chuyện con người đã đặt chân lên mặt trăng thế nào, hay những chuyến đi vào vũ trụ của tàu không gian. Khi người mẹ trò chuyện với thai nhi theo cách này thì con sẽ có những hiểu biết về thế giới này, có thể ra đời mà không có bất kỳ lo lắng sợ hãi nào.
Một ngày trong cuộc sống của một thai nhi
Tôi sẽ trình bày dưới đây một ngày điển hình ở giai đoạn này.
1. Đầu tiên, sau khi người mẹ thức dậy hãy chào con. Mẹ sẽ rửa mặt, đánh răng; sau đó giải thích với con kem đánh răng là vật như thế nào, mùi vị và hương thơm ra sao cũng như hình dáng thế nào. Nếu ngày nào mẹ cũng chỉ dùng những từ giống nhau để trò chuyện với con thì sẽ khiến con nhàm chán. Do đó hãy thay đổi cách dùng từ phong phú hơn. Người mẹ có thể vừa chải tóc vừa ngâm nga hát. Mẹ cũng nói với con về những màu sắc cụ thể, hình dáng, chất liệu của chiếc lược nữa.
2. Người mẹ sẽ đánh thức chồng dậy và nói với con: “Đây là cha, cùng gọi cha thức dậy nào”. Sau đó hãy kể với con chuyện mẹ chuẩn bị thức ăn, mẹ đã chuẩn bị cái gì, sẽ nấu ra sao, nguyên liệu thế nào. Nói với con mẹ dùng cái gì để nêm gia vị, mẹ để thức ăn ở những vị trí khác nhau như thế nào, nếu mẹ không chú ý khi dùng ớt thì sẽ bị làm sao, có thể bị hắt hơi, mẹ hãy kể hết với con.
3. Mẹ sẽ cùng cha ngồi ở bàn ăn và sẽ cùng con cầu nguyện trước khi ăn, mẹ sẽ kể về mùi vị của bữa ăn, kể cho con về những cuộc hội thoại vui vẻ trong khi ăn, những kế hoạch trong tương lai.
4. Khi tiễn cha đi làm, mẹ cũng có thể kể cho con nghe về những cái ôm và hôn của cha trước khi đi.
5. Vừa làm những công việc mỗi sáng vừa kể với con về trình tự những công việc đó. Sau khi nhà cửa đã được dọn dẹp sạch sẽ, mẹ hãy lấy các thẻ chữ cái ra, sau đó chỉ cho con cách đọc và cách viết của những chữ cái đó: một ngày năm chữ, năm từ là vừa phải với con. Mẹ nên dạy con với các chữ cái nhiều màu sắc vì chúng sẽ thu hút sự chú ý của con.
6. Vừa ngâm nga hát vừa làm việc nhà.
7. Sau đó hãy đọc cho con nghe những cuốn truyện tranh đầy màu sắc.
8. Chơi nhạc bằng các nhạc cụ cho con nghe. Dạy cho con nghe về các nốt nhạc và chơi các bài hát đơn giản.
9. Vào bữa trưa, mẹ hãy kể với con mẹ sẽ chuẩn bị món gì, nấu làm sao, có những vitamin hay các chất dinh dưỡng nào trong thức ăn. Rau củ quả để làm món salad trông thật hấp dẫn và có chất dinh dưỡng phong phú như thế nào.
10. Sau khi dọn dẹp bữa trưa, mẹ vừa hát vừa lấy ra các thẻ ghép cặp đôi và thẻ số, dạy con kết hợp các thẻ với nhau cũng như kết hợp dạy các con số. Hãy dạy con một ngày năm phép toán.
11. Tiếp theo là thời gian để đi bộ. Mẹ có thể đi dạo ở bờ ao hay bờ hồ. Mẹ hãy trò chuyện với con về hình dáng của những người đang câu cá hay màu sắc, kích thước của những con cá câu được. Hãy dạy con việc cá thở bằng vây như thế nào. Giải thích với con rằng chúng ta có thể ăn cá và chúng rất ngon.
12. Sau khi đi dạo xong, mẹ hãy nghỉ ngơi một chút trước bữa tối. Hãy thông báo với con rằng cha đã về và để cha trò chuyện cùng con. Cha có thể kể với con về việc tắm rửa và cạo râu trong lúc làm những việc đó.
13. Sau bữa tối, và sau khi đã dọn dẹp hết bát đũa, cha hãy dạy cho con về khoa học, cơ khí, xã hội học… bằng những cuốn sách đầy màu sắc. Cha hãy đọc cho con nghe thật chậm rãi. Nếu là gia đình Nhật Bản, hãy kể với con về ngôi nhà của gia đình Nhật Bản, về chiếu tatami(***), mùi thơm của thức ăn được nấu bằng nước tương, mùi vị của thức ăn vừa được nấu, loại giấy dán trên cửa kéo, nhà tắm kiểu Nhật…. Về cơ khí máy móc, cha mẹ có thể nói với con một cách chi tiết về máy hút bụi hay máy giặt. Ngoài hai vật dụng trên, trong nhà còn có những đồ dùng điện tử khác, cha mẹ hãy giải thích với con về những đồ vật này.
(***) Chiếu tatami là một vật liệu truyền thống dùng để trải sàn trong nhà ở Nhật Bản. Kích cỡ chuẩn truyền thống của chiếu là 910mm×1820mm, dày 55mm. Người Nhật tính diện tích mặt bằng các căn phòng truyền thống của mình (washitsu) bằng số lượng tấm chiếu tatami. Có hai cách xếp chiếu tatami, cách thứ nhất gọi là Syugijiki thường áp dụng cho các tatami trong phòng ở. Cách thứ hai gọi là Fusyugijiki thường thấy ở các chùa, lâu đài và những phòng có không gian lớn.
14. Cuối cùng, đã đến lúc chúc con ngủ ngon, người mẹ hãy đặt tay lên bụng, nhẹ nhàng ôm con và nói: “Con hãy ngủ ngon nhé”.
7. Ghi chép từ một người mẹ đã nghe bài giảng của tôi và áp dụng thai giáo
Cô Yukiko Suzuki ở tỉnh Ibaragi đã gửi đến tôi bản ghi chép về những trải nghiệm của chính cô sau khi lắng nghe bài giảng của tôi và áp dụng giáo dục thai nhi vào thực tế.
(Cô Suzuki hiện tại đang vận dụng những kinh nghiệm trong việc nuôi dạy con của mình trong vai trò là giảng viên của Viện Giáo dục Shichida ở tỉnh Ibaragi.)
Tôi e rằng mình không phải là một người viết văn tốt, tuy nhiên tôi vẫn muốn viết lại về phương pháp tập trung vào thai nhi để nuôi dạy đứa con thứ hai của mình, đồng thời tôi cũng muốn nhìn lại những nỗ lực của bản thân cho đến giờ.
Tôi là giáo viên của một trường mẫu giáo trực thuộc trường cao đẳng nơi tôi từng học và tốt nghiệp. Tôi kết hôn với chồng mình vào tháng Ba năm 1987. Con trai đầu Atsuhiro của tôi sinh vào ngày 17 tháng 3 năm 1988, và tháng Tư năm sau tôi quay trở lại làm việc. Ban đầu chúng tôi đã nghĩ đến việc áp dụng cho con phương pháp giáo dục cho trẻ sơ sinh và đã cân nhắc bàn bạc khá nhiều về những nhà trẻ ở gần nhà, nhưng tôi không thể tìm được nhà trẻ nào mà mình hoàn toàn tin tưởng. Cuối cùng, tôi đã quyết định nhờ cậy bà ngoại sống gần nhà để chăm sóc con vào ban ngày.
Mỗi buổi sáng trước khi đi làm, chồng tôi sẽ đặt con vào nôi xách tay, lái xe đưa con đến nhà bà ngoại. Đến xế chiều, trên đường đi làm về, tôi sẽ ghé sang nhà bà ngoại để đón con. Chúng tôi sống một cuộc sống của những cặp vợ chồng đi làm điển hình, những phút giây cả gia đình ở cùng nhau tuy rất ngắn ngủi nhưng tôi và chồng vẫn luôn nỗ lực hết mình.
Khi mang thai năm tháng, tôi đã mua cái máy hát và cho con trong bụng nghe những bản nhạc cổ điển. Hơn nữa, vào buổi tối trước khi đi ngủ, chồng tôi đã đọc truyện cổ tích cho con nghe. Vợ chồng tôi cố gắng tránh không xung đột với nhau vì sợ rằng việc này sẽ ảnh hưởng xấu đến tinh thần của cả mẹ và con.
Khi thai được tám tháng, tôi đã đến lễ diễn tập của máy bay chiến đấu ở căn cứ Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản Hyakuri. Con đã quẫy đạp rất mạnh nhiều lần để phản ứng lại tiếng nổ lớn của máy bay phản lực. Không nghi ngờ gì là con đã nghe được tiếng nổ và đã giật mình. Có lẽ con đã cảm thấy bất an. Chúng tôi đã tin rằng khi đó chắc chắn con có thể nghe được. Atsuhiro lúc hai tuổi đã kể với chúng tôi về khoảng thời gian khi con còn ở trong bụng: “Máy bay đã kêu ‘bang’ đó mẹ!”.
Tuy nhiên, bây giờ nghĩ lại tôi thấy bản thân vì đã không trang bị kiến thức đầy đủ nên chưa thực sự dành cho con sự chăm sóc thấu đáo. Từ tận đáy lòng, tôi cảm thấy rất tiếc nuối khi không thể giúp được con vì sự thiếu hiểu biết của mình. Ví dụ như tôi đã ép bản thân uống rất nhiều sữa để bổ sung canxi cho thai nhi. Kết quả là tôi đã bị nổi mề đay, sau đó ở giai đoạn cuối thai kỳ, chân của tôi còn bị phù nề. Tôi cảm thấy mình phải chịu những tác dụng có hại như vậy là vì đã không quan tâm đúng mực đến chế độ dinh dưỡng và lẽ ra tôi có thể làm tốt hơn. Do đó, con đầu lòng của tôi cũng bị dị ứng nhẹ. Cuối cùng tôi cũng đã bắt đầu áp dụng những thứ tương tự với thai giáo từ tháng thứ năm.
Tôi đã từng nghe về giáo sư Shichida trước đây, nhưng chỉ có cơ hội gặp gỡ trực tiếp và lắng nghe sự chỉ dạy của giáo sư sau khi sinh con được bảy tháng. Những tháng ngày sau đó, tôi đều cố gắng tham gia các khóa học cũng như các buổi thuyết giảng của giáo sư nhiều nhất có thể, cũng như nỗ lực đọc thật nhiều các cuốn sách của giáo sư.
Kể từ mùa hè năm 1989, vợ chồng tôi đã cầu nguyện: “Giữa năm nay chúng con mong sẽ có một bé gái và khoảng mùa hè năm sau con sẽ sinh ra một bé gái cách con trai đầu ba tuổi”. Sau đó, vợ chồng tôi đã bàn bạc thảo luận và bắt đầu chú trọng nâng cao mức sống cũng như tình trạng sức khỏe của bản thân.
Đầu tiên, vì 60٪ đến 70٪ trong cơ thể con người là nước nên tôi đã thay đổi thói quen uống nước. Tôi chỉ dùng nước ion kiềm và cố gắng tránh nước chứa clo. Vì caffein không tốt cho sức khỏe nên chúng tôi không còn uống cà phê như trước đây. Chất cồn cũng là chất kích thích gây ảnh hưởng không tốt cho em bé thông qua đường máu, do đó, chúng tôi đã không còn uống rượu và bia nữa. Chồng tôi đọc được quyển sách có đề cập rằng khí oxy rất tốt cho hoạt động trí não và nhận ra tầm quan trọng của không khí sạch. Sau đó anh ấy đã nhanh chóng tìm được “máy tạo oxy” tại một siêu thị ở Tokyo và chúng tôi đã đặt mua nó ở một chi nhánh địa phương. Trong khoảng bốn mươi ngày tính từ giữa tháng Tám đến cuối tháng Chín, chúng tôi dùng máy này để hít khí oxy, một ngày một lần và mỗi lần chỉ mười phút, dần dần tăng lên hai lần một ngày vào buổi sáng và tối, mỗi lần mười phút. Chúng tôi đã nỗ lực đều đặn hàng ngày để tập hít thở sâu hơn. Đương nhiên, chúng tôi đã cố gắng để không hít phải khói thuốc lá. Thêm nữa, chúng tôi cũng đã đổi từ gạo trắng sang gạo lứt cho bữa chính. Ban đầu vì chúng tôi chưa quen dùng gạo lứt nên thật sự rất khó ăn nhưng rồi cũng dần quen được. Loại gạo này cần được nhai kỹ để tốt cho sức khỏe và ngăn chặn chứng táo bón. Chúng tôi ăn nhiều rau củ vào bữa chính, cố gắng tránh thực phẩm có chứa chất phụ gia và không ăn trứng. Ngoài ra, tôi còn thử các loại thực phẩm khác như vừng, rong biển, quả mận, các loại hạt, súp miso (đậu tương lên men). Tôi hay dùng Lecithin (thực phẩm chống oxy hóa giúp ngăn chặn hoạt tính có hại cho cơ thể). Đương nhiên, chúng tôi cũng dùng nước ion kiềm để nấu ăn.
Khi mang thai, có nhiều bà mẹ không ngờ rằng nguồn không khí, nước và thức ăn mà họ nạp vào chính là những yếu tố vô cùng quan trọng. Khi chúng ta để tâm đến những yếu tố này, tình trạng ốm nghén sẽ được giảm đáng kể.
Dựa trên những trải nghiệm của mình, tôi đã hướng dẫn và đưa ra những lời khuyên cho các bà mẹ đang tham gia lớp học nhóm.
Vào đầu tháng Hai, tôi biết mình mang thai. Tôi nghĩ khi đó thai nhi được khoảng hai tháng.
Trước đó, khi tôi tham gia vào khóa học nhóm của giáo sư Shichida, giáo sư đã dạy chúng tôi rằng: “Nếu dùng đồng xu 5 yên để ‘giao tiếp’ cùng thai nhi (phương pháp quay đồng xu trên dây và diễn giải hướng quay), cha mẹ sẽ biết được con là con trai hay con gái. Khi đã xác định được con trai hay con gái rồi thì ngay từ giai đoạn đầu thai kỳ, cha mẹ hãy đặt cho con một cái tên ở nhà để gọi con”.
Vì vậy, tôi và chồng đã thử thực hành ngay sau khi nghe giáo sư hướng dẫn. Khi làm như vậy, câu trả lời thật đúng với kỳ vọng của chúng tôi, là “bé gái”. Và kể từ khoảnh khắc đó, chúng tôi đã gọi con bằng tên “Sayuri”. Vợ chồng tôi và cả con trai Atsuhiro cũng đồng lòng gọi em bé là Sayuri.
Giữa thai kỳ, mọi suy nghĩ của tôi đều được con hiểu, và tôi đã hình thành thói quen trò chuyện với con. Mỗi sáng sau khi thức giấc, tôi luôn chào con “Chào buổi sáng con yêu Sayuri”, đến trưa thì gọi con “Cùng chào ông mặt trời nào Sayuri”.
Về những sự vật ở xung quanh cũng vậy, tôi vừa hình dung trong tâm trí những đồ vật ở xung quanh mình, vừa giải thích về chúng cho con nghe. Chồng tôi cũng đọc sách tranh cho Sayuri nghe vào mỗi tối như đã từng làm với Atsuhiro.
Sự lo lắng trong thời kỳ này hoặc nói lời không hay về người khác là không tốt cho con. Có thể nói thai giáo là sự giao tiếp ngôn ngữ truyền tải thông qua những dòng mạch máu của mẹ. Bởi vậy tôi luôn liên tục trò chuyện với con bằng cả trái tim và luôn cố gắng nhìn nhận mọi suy nghĩ cũng như hành động đều là những kích thích tích cực tới con. Khi một ngày khép lại, tôi đều thư giãn tâm trí, nằm trên giường và nghĩ về những gì mình đã làm trong ngày. Vào những lúc tôi bận rộn, chồng đều giúp tôi việc nhà để tôi có thời gian rảnh rỗi. Con trai đầu cũng hỗ trợ tôi rất nhiều.
Vì tôi tin rằng thai nhi trong bụng là bé gái nên tôi đã tâm sự với con: “Con là một cô bé xinh xắn tốt bụng với nụ cười đáng yêu nên mọi người đều yêu thương con và con là cô bé luôn biết lắng nghe lời mẹ nói”. Hơn nữa, tôi còn nhắn nhủ với con rằng: “Mẹ hy vọng khi sinh ra con sẽ nặng 3.200 gram nhé”.
Tôi đã lựa chọn âm nhạc thật cẩn thận để mang lại lợi ích tốt nhất cho con và hạn chế xem tivi. Thay vào đó, tôi đã dần hình thành thói quen thường xuyên đọc báo.
Tuy nhiên không phải tất cả đều diễn ra thuận lợi. Ở tháng thứ sáu của thai kỳ, bác sĩ đã nói với tôi: “Thai của chị là thai ngược”. Vì tôi đã nghe qua khá nhiều trường hợp thai ngược đến trước khi sinh đã tự xoay lại được, do đó tôi hy vọng vấn đề sẽ tự được giải quyết. Chồng tôi đã nỗ lực và hỗ trợ tôi bằng cách đã áp tay vào và xoa bóp bụng của tôi để giúp em bé xoay người trở lại. Tuy nhiên, mọi thứ diễn ra không như kế hoạch của chúng tôi. Ban đầu, chúng tôi đang quá đỗi vui mừng vì tưởng chừng đã đưa được đầu con quay xuống, tuy nhiên con lại quay ngược lại trở về vị trí cũ. Cuối tháng Chín, trên tivi có quảng bá “Chương trình bấm huyệt” (bấm những huyệt trên cơ thể theo phương pháp y học Trung Quốc) và giới thiệu một bệnh viện chuyên điều trị những trường hợp thai ngược bằng phương pháp bấm huyệt nên chúng tôi đã nhanh chóng hỏi thăm, tuy nhiên vì thai đã chín tháng nên đã quá muộn để áp dụng phương pháp này. Vào ngày sáu tháng Mười, chồng tôi phải trình bày công trình nghiên cứu tại Hiệp hội thư ký nên ngày mùng năm anh ấy xin nghỉ làm và trong buổi sáng ngày năm đó, tôi đã có dấu hiệu chuyển dạ (theo dự kiến của bác sĩ là ngày một tháng Mười, thế nhưng tôi đã nhắn nhủ với con hãy chào đời khi có cha bên cạnh). Chiều hôm đó, những cơn đau dồn dập hơn sau khi nước ối vỡ, Sayuri đã chào đời với đôi chân ra trước.
Chồng tôi có việc bận nên đã đi ra ngoài, tuy nhiên hẳn con đã bằng cách nào đó nhắn nhủ với anh vì anh đã trở về ngay kịp lúc. Tôi sinh con chỉ trong vòng ba mươi phút, quá trình sinh thật dễ dàng và nhanh chóng. Quá trình sinh nở kết thúc ngay cả trước khi tôi cảm nhận được, con đã chào đời đúng như tôi mong ước với cân nặng 3.260 gram.
Sau khi sinh con, tôi đã yêu cầu bệnh viện không cho con uống sữa bột và chỉ sử dụng nước glucoza. Trong quá trình tôi nằm viện, một chuyện rất thú vị đã xảy ra. Ngày tiếp theo sau khi Sayuri chào đời, một cô y tá đã ngạc nhiên thông báo với tôi rằng: “Khi em gọi con của chị là ‘Bé Sayuri ơi’ thì bé đã đáp lại ‘A’ đó chị. Bé được học thai giáo nên khác hẳn chị nhỉ”. Đúng là như vậy. Khi chồng tôi nhìn chăm chú vào mặt của con và gọi “Sayuri ơi”, con đã hướng ngay ánh mắt về phía anh ấy. Nếu anh di chuyển, Sayuri cũng hướng mắt nhìn theo. Bản thân tôi cũng đã vô cùng ngạc nhiên.
Sayuri biết nói rất sớm, ngoài “Ạ” con còn có thể nói “Akkun” (tên gọi ở nhà của anh trai) ngay trong tháng đầu tiên. Từ tháng thứ hai, con cũng nói được các từ như: chào buổi sáng, mẹ, cảm ơn.
Từ khoảng ba tháng, con bắt đầu thể hiện sợ người lạ và làm ông bà ngoại khá bối rối vào những lúc con khóc lớn. Tuy nhiên, tôi lại nghĩ tích cực rằng đây là minh chứng cho thấy con có phản xạ tốt và có thể khóc với giọng rất to.
Vào buổi sáng, khi Sayuri thức giấc, con thích thú nằm trong chăn nghe băng. Tôi vừa lo chuyện bếp núc vừa thường xuyên để ý đến con và cất tiếng gọi con. Sau đó, khi cảm thấy con có vẻ đã chán, tôi sẽ đặt con nằm trong nôi đung đưa. Chúng tôi cũng gắn rất nhiều đồ chơi ở vị trí con có thể nhìn thấy và vươn tay tới. Tôi đã quan sát thấy con có thể tự chơi một mình bằng cách với tay lên một quả bóng bằng gỗ với màu sắc vô cùng sặc sỡ. Tay con rất khéo léo và khả năng tập trung cũng được nâng cao. Chức năng vận động của cơ thể con cũng phát triển. Khi con được hai tháng thì cổ con đã rất cứng cáp và ngay khi được ba tháng con đã bắt đầu cố gắng tự lật và cuối cùng cũng đã làm được.
Chân con cũng rất khỏe và khi tôi nắm lấy hai tay con, con đã ngay lập tức đứng thẳng được. Sau hơn bốn tháng, khi chồng tôi thả tay đang giữ cánh tay của Sayuri, con có thể đứng được một chút. Con có thể tự ngồi và khi được năm tháng, con đã có thể vịn vào cạnh bàn và đứng được khá lâu. Khi được nắm tay, con có thể đung đưa chân và tiến lên từng bước. Con có thể duỗi thẳng cả hai chân để đạp nước khi tắm cùng cha trong bồn. Chân con quả thực rất khỏe. Tay con cũng chắc khỏe, cứ đập nước bắn tung tóe.
Chồng tôi vốn có tính hiếu kỳ cao nên đã quyết định bắt chước vợ chồng nhà Nikitin sau khi Sayuri chào đời được hai tháng. Anh ấy tính khoảng cách những lần con khóc để cởi tã và cho con đi vệ sinh trong toilet. Cứ đến giờ, Sayuri sẽ đi vệ sinh trong toilet và cách này có vẻ tốt hơn nhiều so với dùng bỉm. Nếu chúng tôi chú ý đến những biểu hiện của con cẩn thận, tôi nghĩ con sẽ sớm chẳng cần dùng đến bỉm nữa.
Trong quá trình mang thai, tôi đã để con trai đầu cũng gọi em là “Em Sayuri”, cho con trai sờ bụng tôi để cùng vui vẻ chờ đợi sự chào đời của em gái. Thực tế sau khi sinh xong, con trai đã nói rằng: “Đây là em gái của con đó!” và lúc nào cũng dịu dàng với em. Thỉnh thoảng khi tôi ôm Sayuri, con trai sẽ đến năn nỉ: “Ôm con nữa!”, tôi sẽ giải thích với con rằng: “Vì ôm cả con và em thì hơi nặng mà mẹ lại không đủ sức, xin lỗi con nhé”. Khi nghe tôi nói vậy, con trai tôi hiểu và đồng ý ngay lập tức rồi để ba ôm. Thi thoảng con nài nỉ và nói rằng: “Nếu ba ôm em Sayuri thì hay biết mấy!”, “Ba ôm em Sayuri đi!”, và chúng tôi cũng đáp ứng con nhiều nhất có thể. Rất ít khi con ganh tị với em gái hay làm nũng, cư xử như một em bé, ngược lại, con thể hiện sự quan tâm chăm sóc em bằng những việc làm nhỏ.
Quả thật không thể thiếu sự phối hợp của người chồng trong việc nuôi dạy con cái. Tôi thật biết ơn cuộc sống đã dành cho tôi những phút giây vui vẻ như vậy khi nuôi dạy con mỗi ngày. Tôi cũng hiểu sâu sắc thêm điều quan trọng nhất là nhận ra những khả năng mà thai nhi sở hữu.