Trẻ em ẩn chứa những khả năng vô hạn
1. Ngay khi vừa chào đời trẻ đã sở hữu những khả năng kỳ diệu
Trẻ sơ sinh sở hữu những khả năng kỳ diệu và bí ẩn mà đến ngày nay thế giới vẫn chưa thể nào lý giải hết được. Một ví dụ điển hình cho những khả năng kỳ diệu của trẻ em đó chính là năng lực tính toán chính xác những phép tính phức tạp còn nhanh hơn cả các công cụ tính toán. Não bộ của con người vốn dĩ vẫn luôn ẩn chứa những khả năng kỳ diệu.
Cha mẹ hãy cho trẻ sơ sinh được chơi cùng với một trăm tấm thẻ, được gọi là thẻ Dot. Trên một trăm tấm thẻ Dot này có vẽ từ một đến một trăm các chấm tròn màu đỏ. Phương pháp được dùng để khai thác tối đa năng lực tính toán tốc độ cao của não phải này được gọi là “phương pháp Dot”, bởi các thành viên trong Câu lạc bộ Những người bạn giáo dục trẻ sơ sinh do tôi quản lý, một câu lạc bộ nhắm đến việc giáo dục cho trẻ em trên dưới một tuổi. Cha mẹ nên cho trẻ sơ sinh xem mười tấm thẻ mỗi ngày (tráo mười tấm thẻ trong vòng vài giây). Cha mẹ hoàn toàn không cần phải giải thích tỉ mỉ cho trẻ về những tấm thẻ đó. Nếu cha mẹ kiên trì dạy cho trẻ mỗi ngày thì sau vài tháng trẻ sẽ có thể tính toán được các phép tính phức tạp còn nhanh hơn cả các công cụ tính. Trong não bộ của trẻ sơ sinh vốn đã ẩn chứa những khả năng thần kỳ như vậy.
Mẹ và con chơi chọn thẻ Dot
Tôi muốn giới thiệu với độc giả một vài trường hợp thực tế, được dẫn ra từ những bức thư đến từ các thành viên trong Câu lạc bộ Những người bạn giáo dục trẻ sơ sinh (câu lạc bộ nuôi dạy trẻ sơ sinh do tôi điều hành):
Mẹ của một bé mười lăm tháng tuổi (Thành phố Ageo Y.I.)
“Phương pháp Dot” (tập luyện để tính những phép toán phức tạp nhanh hơn cả máy tính) có hiệu quả tuyệt vời. Ngay cả khi tôi đưa ra những phép tính rất phức tạp, bao gồm cả các phép tính cộng, trừ, nhân, chia, con tôi cũng có thể tính toán theo đúng thứ tự phép tính. Tôi liên tục bị bất ngờ khi thấy con luôn chỉ vào đáp án đúng và dù tôi có kết hợp các phép tính phức tạp đến đâu, con bé chẳng hề gặp chút khó khăn nào. Ví dụ, các phép tính nhân giữa số có ba chữ số với số có hai chữ số.
Tổng lượng thời gian con tôi học cùng những tấm thẻ Dot chỉ có một vài giờ, thế nhưng con vẫn có thể đưa ra những đáp án tính toán chính xác. Điều này chứng tỏ rằng não phải của con đang phát triển rất tốt. Đây chắc chắn là một thành quả xứng đáng cho những nỗ lực của cả hai mẹ con. Tôi thật sự rất vui mừng.
Mẹ của một bé sáu tháng tuổi (Thành phố Joyo E.O.)
Trong tháng này, tôi cảm thấy mình đã khá xao nhãng trong việc cho con học cùng thẻ Dot, nhưng rất may là chúng tôi đã hoàn thành việc nhận diện một trăm chấm trên thẻ. Vì con đã trả lời chính xác hết tất cả các câu hỏi nên chúng tôi đã tạm dừng lại việc nhận diện số lượng chấm ở đó.
Chúng tôi bắt đầu chuyển sang học phép cộng, khi tôi hỏi con rằng: “38+18 là bao nhiêu?” thì con đã cười thật tươi và chỉ ngay tấm thẻ 56. Con mới chỉ học phép cộng được bốn ngày, mỗi ngày khoảng mười lăm phút. Tôi rất vui mừng và khen ngợi con rất nhiều. Chồng của tôi cũng đã thử chơi với con giống như vậy và lần nào con cũng trả lời đúng. Tôi đã luôn muốn nuôi dạy con để con có thể vượt trội hơn cả cha mẹ mình. Nhưng những gì con đã làm được dù mới chỉ sáu tháng tuổi là điều mà dù có nằm mơ tôi cũng không ngờ đến. Từ đáy lòng mình tôi chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của giáo sư.
Mẹ của một bé mười bốn tháng tuổi (Tokyo Y.M.)
Con tôi bắt đầu giải phép tính trên thẻ Dot khi chúng tôi còn ở nhà ông bà ngoại của bé, đến giờ, con đã bắt đầu học về phân số, phép chia có dư và biểu thức bằng chữ. Mỗi khi tìm ra căn bậc hai của một số, con thường vỗ tay hoan hô thích thú.
Một ngày con giải khoảng ba bài toán, dù con không học đều đặn mỗi ngày, nhưng khi chơi trò “Đâu là?”, con rất thích và luôn chỉ ra đáp án đúng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng tôi nên chuyển sang học điều gì đó mới hơn. Con dường như đã tự biết đọc các con số như là một kết quả tự nhiên của việc đọc đa dạng các số khác nhau.
Mẹ của một bé ba tuổi tám tháng (Yokohama T.H.)
Hôm nay, con bắt đầu học phép nhân cùng với các tấm thẻ Dot. Con có thể đưa ra đáp án chính xác ở cả phép cộng, phép trừ và phép nhân bằng phương pháp chọn thẻ “Đâu là?”. Đối với các phép tính cộng, trừ và nhân, dù chỉ được nhìn qua các tấm thẻ một lần duy nhất nhưng con vẫn có thể biết làm các phép tính ấy và điều đó khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Những tấm thẻ Dot thật sự rất tuyệt vời.
Bé gái ở cạnh nhà tôi (sinh vào tháng Ba năm 1986) đã bắt đầu chơi cùng với thẻ Dot và con bé đã có thể thao tác với tấm thẻ lên đến hai mươi chấm. Daisuke (con trai tôi) đã chơi câu đố phép trừ cùng với con bé và con khóc òa lên vì không làm được. Khi đó, tôi đã nói với con trai mình: “Dai ơi, hay là chơi thẻ Dot với mẹ nhé”, và tôi cho con trai mình xem các thẻ phép trừ trong phạm vi từ 1 đến 10. Sau đó, tôi đưa cho bé gái bộ xếp hình phép trừ và nói với bé rằng: “Con cứ thoải mái làm và quan sát kỹ vào nhé”. Và sau đó, cả hai bé đã giải đúng câu đố phép trừ. Khi chúng tôi làm tương tự với phép cộng, lũ trẻ cũng đạt được kết quả tốt như vậy. Thẻ Dot thật sự rất tuyệt vời. Kể từ đó, hai đứa trẻ cùng nhau vui vẻ giải những câu đố phép tính.
Hôm nay, con muốn biết câu trả lời cho phép tính 1 – 4, cho nên tôi bắt đầu dạy con về số âm và cho con xem công thức. Con tỏ ra đã hiểu rõ các phép tính ấy và có thể chọn ra đáp án đúng. Phép chia con cũng có thể làm giống vậy. Thật tuyệt vời.
Mẹ của một bé hai tuổi sáu tháng (Bắc Kinh Y.O.)
Trong tháng này, tôi đã cho con làm toán cùng những tấm thẻ Dot. Con đều trả lời chính xác tất cả các câu hỏi.
Ngày 17 tháng 8
(9 + 2 – 6) x (7 + 3 – 2) = 40
(10 – 5 + 1) x 6 : 18 + 2 = 200
599 – (38 + 409) + 3216 : 67 = 200
1000 – 32 x 25 + 20 x 15 = 500
4099 – 67 x 58 + 90 x 43 – 81 x 43 = 60
Ngày 20 tháng 8
290 – 5265 : 45 + 1848 : 7 + 63 = 500
7 – (477 + 23) : 250 + 95 = 100
3899 – 67 x 58 + 90 x 43 – 81 x 43 = 400
Tôi thường hỏi con những câu hỏi như trên trong khi con làm những việc như là tắm rửa. Khi con đang chà xà phòng, có vẻ con sẽ không đủ thời gian để nhìn những phép tính này, thế nhưng ngay khi tôi vừa kết thúc câu hỏi con đã lập tức chỉ ra được đáp án chính xác với hai bàn tay đầy bọt.
Dù có thử bao nhiêu lần thì tôi cũng vẫn thấy khó tin và hay hỏi lại con rằng: “Con chắc chắn với đáp án của mình chứ?”, và con luôn đáp lại: “Con chắc chắn mẹ a”.
Ngày 22 tháng 8
45920 + 54250 = 100170
25462 x 1531 = 38982322
8846103 : 25347 = 349
742760 – 253470 = 489290
Con cũng trả lời chính xác cả những phép tính với các con số lớn như vậy.
Ngày 25 tháng 8
100 – 6 x [{70 – 2 x (45 – 30)} : 8 + 9] = 16
Ngày 27 tháng 8
{7 x (12 + 4 x 2) : 5 – 5 x 4} x 3 : 2 = 12
Ngày 31 tháng 8
21 – 2 x [11 – {(16 + 12) : 7 – 3}] = 1
Con hoàn toàn có thể đưa ra câu trả lời chính xác cho những câu hỏi như trên, chỉ cần tôi nói cho con biết cách sử dụng của các ký hiệu [], {}, ().
2. Trẻ em có thể thấy được những vật không thể thấy
Ngay từ khi vừa chào đời trẻ em đã sở hữu một khả năng rất kỳ diệu, gọi là khả năng trực giác (ESP). Khả năng trực giác gồm có: khả năng thần giao cách cảm, khả năng nhìn xuyên thấu, khả năng chạm cảm nhận, khả năng linh cảm, khả năng di chuyển đồ vật bằng ý nghĩ.
Một vài ví dụ về khả năng trực giác của trẻ được trình bày ở đây trích từ những lá thư được gửi tư các thành viên trong Câu lạc bộ Những người bạn giáo dục trẻ sơ sinh.
Thành phố Sayama H.S.
Thật kỳ diệu khi con trai tôi vẫn biết được nhiều việc mà không được tận mắt chứng kiến.
Khi ai đó làm một việc gì đó ở phía sau lưng con, mặc dù con vẫn đang nhìn về phía trước nhưng con vẫn có thể nói những câu như là “Mẹ ơi, đừng làm vậy ạ” hoặc “Chị ơi, chị đừng ngủ mà”. Hôm trước, khi tôi đang chuẩn bị xếp tấm chăn của con lại, từ đằng sau con đã nói với tôi rằng: “Mẹ ơi, có cuộn băng về Robin Hood ở trong chăn đấy ạ”. Tôi vốn không hiểu con nói gì hết, thế nhưng khi tôi lật tấm chăn lên thì thấy đúng là có một cuộn băng ở trong đó thật. Tôi nghĩ thầm rằng hẳn là con đã đặt cuộn băng vào trong tấm chăn, bởi vậy tôi đã hỏi con: “Tại sao con lại để băng vào đây?”, thế nhưng tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi con gái lớn nói với tôi rằng: “Là con đã giấu cuộn băng vào đó đấy mẹ ạ.”
Mẹ của một bé một tuổ i mười thá ng (Thành phố Takamatsu N.T.)
Tôi trải ra năm tấm thẻ ESP, tôi khắc hình ảnh tấm thẻ có hình tròn vào tâm trí mình và truyền nó đến tâm trí của Waka, ngay khi tấm thẻ đó được rút ra hay vừa giơ lên thì con đã lập tức nói: “Là tấm thẻ này, nó có hình tròn đúng không mẹ?”.
Hồi mới bắt đầu chơi cùng các tấm thẻ ESP, tôi hay hỏi con: “Mẹ đã chọn tấm nào nhỉ?” con sẽ lấy một tấm thẻ bất kỳ nào đó, nhưng giờ thì con sẽ trả lời ngay: “Là tấm này mẹ ạ”, với nét mặt và giọng điệu đầy tự tin. Con luôn lấy được tấm thẻ chính xác một cách dễ dàng.
Thậm chí từ trước khi đặt mua những tấm thẻ, tôi đã nhận ra là con sẽ đoán chính xác những tấm thẻ rồi. Đó là bởi vì tôi đã chứng kiến rất nhiều việc tương tự như vậy. Như một lần tôi cùng con đi bộ trên con đường mà lần đầu tiên tôi dẫn con đi qua, đột nhiên con nói với tôi rằng: “Mẹ ơi, con muốn chơi xích đu ạ”. Vì tôi không thấy chiếc xích đu nào ở đó cả nên tôi đã bảo con rằng: “Nhưng mẹ không thấy chiếc xích đu nào ở gần đây hết! Con thấy xích đu ở đâu cơ?”, thì con đáp lại tôi rằng: “Ở đó ạ”. Dù tôi đã chỉ rõ cho con thấy là ở đó chỉ có một bức tường thôi nhưng khi chúng tôi đi vòng ra phía bên kia bức tường, thì trên cả ngạc nhiên, đúng là có một chiếc xích đu ở đó. Những sự việc tương tự như vậy đã xảy ra rất nhiều lần rồi.
Mẹ của bé hai tuổi (Yokohama M.K.)
Trong bản báo cáo tháng Hai, tôi đã đọc được một bài viết rất thú vị về năng lực trực giác của trẻ.
Cũng giống như một vài bức thư khác của các thành viên trong câu lạc bộ, nhiều lần con tôi đã khiến tôi rất ngạc nhiên khi bất ngờ nói ra những việc mà tôi cho rằng con không tài nào biết được.
Thi thoảng, tôi đứng sau lưng con nên chắc chắn rằng con không thể nào thấy được hành động của tôi, vậy mà con vẫn tự nhiên bắt chước theo hành động của tôi được. Con dường như rất dễ dàng cảm nhận được cảm xúc của tôi. Sau khi được nghe kể từ các bà mẹ khác về con của họ, tôi mới hiểu ra rằng: “À, thì ra khả năng trực giác của trẻ em chính là như vậy”. Khi tôi mơ thấy một giấc mơ đáng sợ trong lúc ngủ, con chắc chắn sẽ bật khóc. Điều đó khiến cho tôi cảm thấy rằng sợi dây rốn liên kết vô hình dường như vẫn đang kết nối giữa hai mẹ con chúng tôi.
Liệu rằng khi con ngày càng lớn lên, những khả năng thần kỳ như vậy liệu có dần bị mất đi hay không?
Thành phố Fukuoka S.O.
Con trai của tôi đã thể hiện khả năng trực giác đáng kinh ngạc, và có thể bởi con rất yêu thích xe ô tô, nên con đã dự đoán được sẽ có một vụ hỏa hoạn xảy ra ở Đại học Seinan liên quan tới xe ô tô, ba tháng trước khi tai nạn thật sự xảy ra.
Trước đó nữa, khi chúng tôi ở nhà, con nói với tôi thông tin dưới đây với thì quá khứ, như thể nó đã xảy ra rồi: “Mẹ ơi! Ngôi nhà bên cạnh cây cầu gần nhà bà ngoại đã bị cháy rụi rồi, con nhìn thấy một chiếc xe cảnh sát, ba chiếc xe cứu hỏa và cả một chiếc xe cứu thương nữa!”. Tôi gọi cho mẹ mình để kiểm tra và bà nói rằng không có vụ hỏa hoạn nào xảy ra hết. Rồi chúng tôi đi ngủ và khoảng sáu giờ sáng hôm sau, tiếng còi báo động vang lên rền rĩ. Lúc tôi cùng con đến hiện trường thì sự việc diễn ra đúng như những gì con trai tôi đã nói. Cảm xúc của tôi lúc đó thật lạ lùng, không thể diễn tả được bằng lời.
Một lần khác con nói với tôi rằng: “Từ nhà bà ngoại, nếu đi về hướng biển thì sẽ có hai nhà hàng ở phía bên trái. Đi xa hơn một chút về bên phải là một đường hầm, đúng không mẹ? Ở chỗ khúc cua giữa nhà hàng và đường hầm, một chiếc xe Skyline của hãng Nissan đã gặp phải một vụ tai nạn giao thông nên bị hư hỏng nặng”. Tôi lái xe dọc theo con đường con kể với vẻ nửa tin nửa ngờ. Khi đó không có vụ tai nạn nào xảy ra, nhưng trên đường lái xe trở về nhà (khoảng sáu giờ sau), tôi đi qua con đường đó và tất cả diễn ra đúng như những gì con trai tôi đã nói.
3. Rèn luyện khả năng ghi nhớ chụp hình của bán cầu não phải
Não bộ trẻ em sở hữu trí nhớ chụp hình. Trí nhớ chụp hình được những người thực hành Yoga ở Ấn Độ phát hiện ra từ thời cổ xưa. Nghiên cứu của những nhà tâm lý học người Đức đã chỉ ra rằng 60٪ trẻ em dưới mười hai tuổi sở hữu trí nhớ chụp hình.
Trí nhớ chụp hình chính là khả năng chỉ cần được nhìn trong một vài giây đã có thể lưu giữ được tất cả những gì nhìn thấy vào tâm trí. Nếu ba mẹ phát triển được khả năng này cho trẻ, trẻ sẽ có thể đọc được một trang sách trong vài giây và chỉ cần hai, ba phút để đọc hết một quyển sách. Khả năng ghi nhớ tức thời này vốn là năng lực có sẵn trong tất cả mọi người.
Khoảng hai, ba năm trước, một thử nghiệm dành cho trẻ em người Nhật và châu Phi đã được phát trong chương trình “Mắt thần” của đài truyền hình NHK. Người lớn sẽ cho trẻ nhìn các viên sỏi nhỏ được xếp thành năm hàng, mỗi hàng ba viên, sau đó làm lộn xộn vị trí các viên sỏi lên và cho trẻ sắp xếp lại. Những đứa trẻ châu Phi có thể xếp lại được tất cả vị trí của các viên sỏi giống như ban đầu mà không hề gặp khó khăn gì. Trong khi đó, những đứa trẻ người Nhật chỉ có thể xếp đúng vị trí của khoảng hai đến ba viên. Trẻ châu Phi đã rèn luyện trí nhớ chụp hình ngay trong cuộc sống hằng ngày. Chúng đếm số ngựa hoặc số con cừu đang tụ tập thành đàn chỉ bằng cách nhìn qua trong vài giây.
Khả năng ghi nhớ của con người bao gồm cả khả năng ghi nhớ của não phải và não trái. Bán cầu não trái ghi nhớ ngôn ngữ trong khi bán cầu não phải ghi nhớ hình ảnh. Não trái ghi nhớ thông tin một cách logic theo thứ tự lần lượt, bởi vậy cần mất khá nhiều thời gian. Đây là phương thức ghi nhớ để xử lý thông tin theo tuần tự. Não phải ghi nhận tất cả các sự vật như một hình ảnh chỉ trong vài giây nên không tốn nhiều thời gian. Đây là phương thức ghi nhớ để xử lý song song, giúp thu nhận thông tin mà chỉ mất 1% công sức và thời gian so với phương thức ghi nhớ kia.
Nếu trẻ đạt được khả năng ghi nhớ và xử lý song song này, trẻ sẽ dễ dàng vượt qua tất cả các kỳ thi mà mỗi người phải trải qua trong suốt cuộc đời mình. Xã hội ngày nay đánh giá con người dựa trên thực lực, hay còn gọi là năng lực xã hội chứ không phải với bằng cấp được chứng nhận.
Những người nổi tiếng về các lĩnh vực như cờ vây, cờ tướng hay nhà soạn nhạc chính là những người đã đạt được khả năng xử lý song song của não phải. Những nhạc sĩ hàng đầu có thể vừa biểu diễn vừa nhìn vào bản nhạc, ngay lập tức đọc được các hợp âm và có thể nhớ được tận hai mươi nốt nhạc cùng lúc. Những tên tuổi nổi tiếng về cờ vây, cờ tướng cũng nhờ vào năng lực ghi nhớ của não phải để dễ dàng hình dung, tái hiện lại hình ảnh những trận đấu cờ trước đó họ đã tham gia.
Não phải của tất cả mọi người đều sở hữu khả năng xử lý song song. Tuy nhiên nếu không được sử dụng thường xuyên, khả năng này sẽ bị thoái hóa. Ngược lại, với một chút tập luyện, mọi người đều có thể dễ dàng phát triển khả năng này.
Cậu chuyện dưới đây được trích trong tiểu thuyết Chùm nho phẫn nộ của tác giả người Mỹ John Steinbeck.
Một tài xế vừa lái xe chở hành khách vừa kể rằng: “Đến giờ tôi đã rèn luyện khả năng này được một thời gian rồi. Ví dụ như khi tôi đi lướt qua một người đàn ông trên đường. Sau khi ông ta đã khuất tầm mắt, tôi sẽ cố nhớ lại mọi thứ có thể về ông ta: quần áo ông ta mặc, giày ông ta mang, mũ ông ta đội, chiều cao, cân nặng, cách ông ta đi đứng, ông ta có vết sẹo nào không. Tôi có thể ghi nhớ được khá tốt. Tôi ghi nhớ tốt đến mức có thể vẽ ra chân dung ông ta trong đầu mình. Con người thật sự có khả năng ghi nhớ tốt hơn nhiều so với họ vẫn nghĩ”.
Ẩn dưới cuộc trò chuyện thường ngày này là bí quyết về phương pháp đặc biệt nhằm rèn luyện khả năng ghi nhớ.
Bà Stoner, vợ của một bác sĩ phẫu thuật người Mỹ đã cho con bà rèn luyện theo phương pháp ghi nhớ này từ lúc hai, ba tuổi và con đã thi đậu đại học khi chỉ vừa chín tuổi. Bà đã rèn luyện cho con bằng cách này: Đầu tiên bà cho con đi dạo dọc theo những cánh rừng, bờ biển, rồi bà bảo con hãy gọi tên những màu sắc mà con đã nhìn thấy trên đường. Tiếp theo, bà gợi ý con hãy liệt kê màu sắc quần áo của những người đang đi trên đường phố hay ở bên trong những ngôi nhà. Nhờ đó bà đã rèn luyện được cho con khả năng quan sát sắc bén. Bà Stoner gọi đó là “Rèn luyện khả năng quan sát”. Nếu cho trẻ luyện tập dần dần, khả năng quan sát của trẻ sẽ trở nên giỏi hơn và cấp độ quan sát cũng dần được nâng lên mức khó hơn. Một khi đã quen với việc quan sát như vậy, trẻ sẽ tiến bộ và ghi nhớ tốt hình ảnh những vật mà trẻ vừa đi ngang qua. Ví dụ, mẹ dắt trẻ đi ngang qua tủ kính ở các cửa hàng và chăm chú quan sát, sau đó mẹ sẽ cùng trẻ thi xem ai có thể ghi nhớ được nhiều món hàng được trưng bày ở trong tủ kính hơn.
Mẹ và con cùng dắt tay nhau đi qua cửa hàng và mẹ hỏi con ghi nhớ và nhìn thấy những gì?
Khi bà Stoner cùng con đến thăm nhà một người bạn thân của bà, bà bảo cô bé hãy nhìn thoáng qua thật nhanh toàn bộ căn phòng rồi sau đó bà bảo con hồi tưởng lại cách trang trí của ngôi nhà đó. Bà cũng rèn luyện cho con khả năng đọc hiểu được một trang sách chỉ trong vài giây. Khi con được năm tuổi, trước mặt các giáo sư ở trường Đại học New York, bà đã cho con xem lướt qua một bài thơ rất dài tên là The Battle Hymn of the Republic (Bài thơ ca tụng cuộc chiến vì nền Cộng hòa) và cô bé có thể ghi nhớ và đọc lại được ngay bài thơ ấy.
Nếu mẹ cứ kiên trì luyện tập cho trẻ mỗi ngày, trẻ sẽ đạt được khả năng ghi nhớ tuyệt vời. Dưới đây là một số bức thư từ những thành viên trong Câu lạc bộ Những người bạn giáo dục trẻ sơ sinh, những người đã nuôi dạy con theo phương pháp này.
Mẹ của một bé bốn tuổi (Tỉnh Tochigi, T .H.)
Chỉ cần nhìn qua một lần con trai tôi đã có thể thuật lại được toàn bộ mười bức tranh được vẽ trong các tấm thẻ hình. Hiện tại tôi đang luyện tập cho con đê con có thể đọc được mười từ vựng mà chỉ cần nhìn một lần.
Mẹ của một bé sáu tuổi (Tỉnh Nagano, Y.H.)
Con gái tôi đã trả lời chính xác 100% các thẻ Dot. Khi đọc sách con cứ lật các trang sách thật nhanh và rồi con đọc xong một cuốn sách chỉ trong vòng vài phút. Bây giờ con đang đọc truyện kể về các nhân vật nổi tiếng. Mỗi tuần con mượn khoảng hai mươi cuốn sách từ thư viện. Con gái tôi nói rằng chỉ cần nhìn qua một lượt là con đã có thể hiểu hết được nội dung một trang sách.
4. Sự ra đời của những thế hệ con người mang năng lực mới
Tôi đang có trong tay quyển sách với tựa đề Loài người chưa được biết đến: Sự ra đời bí ẩn của một chủng loại mới (Nhà xuất bản KK Bestseller) của một tác giả người Anh tên là Yatri. Trong quyển sách này, ông đã giải thích về sự ra đời lần đầu tiên của một thế hệ loài người chưa được biết đến. Nhiều năng lực tiềm ẩn kỳ diệu cho sự tiến hóa ẩn giấu sâu bên trong bộ não con người và với sự tiến hóa về nhận thức, thế hệ loài người mang những năng lực nhận thức khác biệt sẽ ra đời.
Có thể thấy rằng loài người hiện nay đang phát triển lệch về bán cầu não trái một cách bất thường, nhưng thế hệ loài người mới này lại hướng đến phát triển bán cầu não phải và nhờ vậy đạt được sự cân bằng giữa hai bán cầu não. Ý thức được con người hiện đại là một lĩnh vực bí ẩn, và những khả năng như thần giao cách cảm cùng khả năng di chuyển đồ vật bằng tâm trí được cho là những ảo giác chiều thứ tư (hiện tượng ngoại cảm).
Người tối cổ sống ở châu Phi khoảng một triệu năm trăm năm trước có những vùng trong não bộ vẫn chưa được sử dụng để tiến hóa. Khu vực này là vùng trung khu ngôn ngữ nằm xung quanh vùng ngôn ngữ Broca(*). Để vùng trung khu ngôn ngữ này tiến hóa, con người đã mất khoảng một triệu năm. Cuối cùng con người đã tiến hóa để có thể sử dụng và nói chuyện bằng ngôn ngữ. Tương tự trong thời đại ngày nay, con người với những khả năng đặc biệt cũng được sinh ra. Thế hệ loài người mới này không phải được nuôi dạy để phát triển những năng lực giống như hình thái loài người trước đây mà từ khi sinh ra, họ vốn đã sở hữu những năng lực như vậy.
(*) Vùng Broca nằm ở thùy trán, phía trước rãnh Rolando. Vùng Broca có chức năng tạo tín hiệu ngôn ngữ, còn được gọi là vùng ngôn ngữ vận động. Nếu vùng Broca bị tổn thương, bệnh nhân sẽ mất khả năng nói mặc dù khi nghe người khác nói vẫn hiểu được, nhưng khó khăn trong việc diễn đạt ý của mình muốn nói.
Yatri đã nói rằng, từ bây giờ trở đi, vì thai nhi sẽ được sinh ra trong hình thái đã tiến hóa, các hình thức sinh nở của các bà mẹ cũng sẽ thay đổi sang sinh đứng, sinh ngồi hay sinh dưới nước. Thông qua quá trình sinh nở tự nhiên nhẹ nhàng, trẻ khi sinh ra sẽ ở trong trạng thái tinh thần ổn định, có khả năng thích nghi nhạy bén và khả năng nhận biết sâu sắc. Yatri dự đoán rằng những đứa trẻ này sẽ tự do phát triển những năng lực tinh thần mà ngày nay nhiều người vẫn cho là những phép lạ, như khả năng thần giao cách cảm, khả năng nhìn xuyên thấu.
Để nuôi dưỡng những đứa trẻ tự tin sống trong thế kỷ 21, tôi nghĩ việc vô cùng cần thiết bây giờ là mọi người hãy thức tỉnh để nhận biết một sự thật là trẻ em vốn vẫn sở hữu những khả năng chưa từng được biết đến, chưa từng được giải thích. Và thực hành các phương pháp giáo dục mới giúp trẻ phát triển những khả năng này là vô cùng cần thiết.
Do đó, để nuôi dạy trẻ phát triển, trước tiên chúng ta cần phải có cách nhìn nhận mới ngay từ giai đoạn thai giáo. Peter Lorie, tác giả của cuốn sách Wonder child: Rediscovering the magical world of innocence and joy within ourselves and our children(**) đã nói như sau:
(**) Tạm dịch: Đứa trẻ diệu kỳ: Tìm lại thế giới diệu kỳ của sự thơ ngây và niềm vui bên trong chúng ta và con cái.
Trẻ em sở hữu những khả năng vô cùng tuyệt vời và kỳ diệu. Khả năng dễ nhận thấy nhất ở trẻ là năng lực trực giác. Bên cạnh đó, còn có khả năng giao tiếp mà không cần đến ngôn ngữ và những năng lực cao cấp hơn nữa vẫn hoàn toàn chưa được nghiên cứu đến.
Cũng cần thiết lưu ý rằng ngày nay nhiều học giả cũng đã cho rằng loài người mới với sự sở hữu những năng lực mới đang được sinh ra và họ không cần được rèn luyện để phát triển những năng lực đó giống như hình thái loài người trước đây.
Tôi đã có khoảng thời gian dài hướng dẫn về phương pháp giáo dục trẻ sơ sinh cho các bà mẹ trong Câu lạc bộ Những người bạn giáo dục trẻ sơ sinh. Từ những lá thư hàng ngày mà họ gửi cho tôi, tôi càng hiểu thêm về sự thật sống động mà các học giả đang đề cập đến.
Con người được cho rằng chỉ sử dụng 3 - 4% tế bào não bộ trong suốt cuộc đời mình. Tuy nhiên gần đây, những nghiên cứu về não bộ đã được đẩy mạnh và những phương pháp giúp khai phá khả năng tiềm ẩn của não bộ cũng đang được làm rõ. Kể từ khi thử kết hợp những kết quả nghiên cứu mới vào quá trình nuôi dạy trẻ, những kết quả đáng ngạc nhiên như tôi đã giới thiệu ở trên liên tục được các bà mẹ xác nhận.