1. Nuôi dưỡng khả năng hình dung hình ảnh rõ ràng như một bức ảnh
Tôi đã từng viết rằng luyện tập khả năng hình dung hình ảnh vô cùng quan trọng trong phương pháp giáo dục não phải. Tôi đã giải thích các chi tiết kỹ càng hơn ở chương 1.
Não phải có năng lực hình dung hình ảnh rõ ràng như một bộ phim. Vận động viên thể thao đứng top đầu thế giới ngày nay cũng đang học cách thực hiện hoạt động tưởng tượng để hình dung hình ảnh.
Tại kỳ Olympic năm 1984 tại Los Angeles, đội thể dục dụng cụ của Mỹ đã có một màn trình diễn tuyệt vời. Đằng sau sự thành công của họ là quá trình thực hiện hoạt động tưởng tượng tích cực. Trước buổi trình diễn, các thành viên trong đội đã tập hình dung rõ ràng và sống động những bước nhảy hay chuyển động của họ.
Tưởng tượng hình ảnh là khả năng có thể nhìn thấy những hình ảnh trong tâm trí một cách rõ ràng như khi xem một cuốn phim chiếu trước mắt. Bác sĩ Shake của Đại học Western Ontario ở Canada là người đặt ra thuật ngữ này.
Điều quan trọng trong quá trình hoạt động tưởng tượng là có thể hình dung hình ảnh thực tế, trực quan. Hoạt động hình dung hình ảnh này được nghiên cứu trên toàn thế giới như một lĩnh vực nghiên cứu mới.
Khi sở hữu khả năng hình dung hình ảnh rõ ràng như một bộ phim, những khả năng phi thường sẽ được hình thành. Jack Nicklaus, một cầu thủ đánh gôn nổi tiếng, trước khi vung cây gậy lên đánh bóng, đã hình dung hình ảnh cú đánh này sẽ khiến quả bóng bay vù qua không trung và bay thẳng đến mục tiêu như thế nào, nó sẽ rơi xuống đâu và lăn đi như thế nào. Anh gọi đó là “xem một cuốn phim”.
Sau khi một người có khả năng nhìn rõ hay phóng chiếu ra một hình ảnh, những gì người đó hình dung sẽ trở thành sự thật. Không chỉ những vận động viên thể thao mà hầu hết những người thành công trong tất cả các lĩnh vực đều sử dụng khả năng não phải này để hình dung những hình ảnh rõ nét.
Những kết quả đáng giá như vậy không thể có được nếu chỉ sử dụng khả năng của não trái dù người đó có cố gắng đến đâu đi chăng nữa.
Nền giáo dục trong tương lai không thể là một nền giáo dục thiên về não trái với phương thức nhồi nhét kiến thức, mà phương pháp giáo dục não phải có khả năng tận dụng tối đa năng lực tưởng tượng và phương pháp này nên được nhìn nhận nghiêm túc.
Thời kỳ sơ sinh là một giai đoạn vô cùng quan trọng. Cũng giống như luyện tập khả năng tính toán thông qua thẻ Dot và khả năng trực giác, trong giai đoạn này để trẻ nuôi dưỡng năng lực tưởng tượng hình ảnh là tương đối dễ dàng. Vậy thì chúng ta nên làm gì để phát triển năng lực tưởng tượng hình ảnh của não phải trong giai đoạn sơ sinh này?
2. Trẻ sơ sinh vốn đã sở hữu 100% năng lực tưởng tượng
Người trưởng thành đã mất đi năng lực hình dung hình ảnh, nhưng trẻ khi sinh ra đã có khả năng này đạt đến 100%.
Không may là khả năng thiên bẩm của não phải này lại bị mất đi nhanh chóng ngay khi não trái tập trung phát triển ngôn ngữ nói và viết - con số và từ vựng nhanh chóng trở thành một phần chức năng trong ý thức.
Cần đến sáu tháng cho đến một năm để một người trưởng thành lấy lại được khả năng tưởng tượng hình ảnh và có thể tạo ra một hình ảnh rõ ràng sống động như một bức ảnh chụp.
Não trái càng hoạt động chức năng mạnh bao nhiêu, chức năng của não phải lại càng bị chèn ép bấy nhiêu.
Khả năng ghi nhớ hình ảnh này được cho là hoàn toàn tự nhiên ở những đứa trẻ châu Phi bản địa, vốn ít sử dụng não trái và có xu hướng sử dụng thường xuyên hơn các chức năng của não phải.
Những đứa trẻ thiểu năng về trí tuệ thường có chức năng của não trái kém phát triển, bởi vậy, chức năng hình ảnh thiên bẩm của não phải không bị lấn át và chúng dễ dàng bộc lộ khả năng đó một cách tự nhiên.
Một số trẻ tự kỷ thích xem lịch, và chúng có thể chăm chú nhìn cuốn lịch rất lâu, những trẻ đó có khả năng ghi nhớ hình ảnh tốt đến mức chúng có thể đưa ra câu trả lời ngay lập tức ngày đó trên lịch là thứ mấy trong tuần.
Mọi người xung quanh trẻ nếu không biết về chức năng của não phải sẽ rất ngạc nhiên nhưng khả năng này thực ra chỉ là một trong số những năng lực thiên bẩm mà trẻ vốn đã sở hữu.
Bé Bun (bảy tuổi) ở chi nhánh Osaka, học sinh của Viện Giáo dục Shichida Nhật Bản cũng rất thích xem lịch và trong quá trình quan sát các cuốn lịch, con có thể ghi nhớ và đưa ra câu trả lời chính xác mỗi khi được hỏi ngày nào đó là thứ mấy trong tuần.
Bé Shizuo Yoshida (năm tuổi) ở Saitama cũng có khả năng tương tự như vậy.
Đó là những đứa trẻ bình thường và không khó khăn chút nào để nuôi dưỡng những khả năng như vậy ở những đứa trẻ bình thường.
3. Cần thiết lập cho trẻ môi trường nuôi dưỡng năng lực tưởng tượng
Để phát triển năng lực tưởng tượng, điều thiết yếu đầu tiên là cần phải nhận ra rằng năng lực đó thực sự tồn tại, từ đó cho trẻ cơ hội cũng như môi trường để chúng tự bộc lộ. Đây gọi là lý thuyết cơ hội để hình thành tài năng.
Ẩn giấu bên trong não bộ của trẻ là rất nhiều năng lực bí ẩn mà người trưởng thành đã bị mất đi. Nếu con người không thể nhận thức được chúng, chúng sẽ mãi chỉ là những năng lực tiềm tàng và không có cơ hội được bộc lộ, từ đó biến mất mãi mãi. Những năng lực đó bao gồm: khả năng trực giác, khả năng tính toán tốc độ cao như máy tính, khả năng ghi nhớ bằng hình ảnh và khả năng tiếp nhận nhiều ngôn ngữ.
Tiếp theo là báo cáo từ giáo viên Kamahara của chi nhánh Nagasaki, Viện Giáo dục Shichida Nhật Bản:
Bé Kosuke Kanamaru (sáu tuổi) có khả năng thiên bẩm về tưởng tượng. Giáo viên đã hướng dẫn con làm hoạt động tưởng tượng để hình dung hình ảnh như sau:
“Con hãy vẽ một hình tròn thật lớn trong đầu. Con đã vẽ xong chưa?”
“Dạ, con đã vẽ xong rồi ạ.”
“Tiếp theo, con hãy tô hình tròn đó màu đỏ! Con đã tô chưa?”
“Dạ con đã tô rồi ạ.”
“Tốt lắm, giờ con hãy tô nó với màu xanh lá cây nào! Con đã tô chưa?”
“Rồi ạ.”
“Con đã thực sự tô màu hình tròn chưa?”
“Dạ rồi ạ, thầy có thấy không?”. Cậu bé vươn đầu về phía trước.
Hình ảnh về hình tròn màu xanh ghi dấu rõ nét trong đầu cậu bé, mặc dù tiếc là thầy giáo của cậu không thể thấy được hình ảnh mà cậu bé đã hình dung ra.
Một ngày nọ trong giờ học nhạc ở trường mẫu giáo, lúc cô giáo chọn một bài hát và đặt lên trên đàn organ, Kosuke đọc to tiêu đề một bài hát bất chợt xuất hiện trong đầu cậu bé. Cô giáo nghĩ chắc cậu bé đã tình cờ đoán trúng tên bài hát nhưng sau đó, cô giáo vô cùng ngạc nhiên khi thấy cậu liên tiếp đọc đúng cả năm bài hát tiếp theo, lần lượt hết bài này đến bài khác.
Khi cô giáo hỏi cậu: “Sao con có thể đoán trúng hết tất cả tên bài hát như vậy?”, cậu trả lời: “Dạ, tại chúng cứ hiện lên trong tâm trí con”.
Tôi đã giải thích cho những người mẹ có con học ở các lớp học của chúng tôi rằng khả năng như vậy là một năng lực rất tự nhiên của não phải. Và rồi tôi hỏi họ liệu những đứa con của họ đã bao giờ bộc lộ những năng lực như vậy chưa.
Dần dần lần lượt từng người mẹ kể cho tôi nghe rằng con của họ cũng đã từng có lần làm được giống như vậy: con đoán trúng bên trong hộp quà có món quà gì dù không được nói trước, hay đoán trúng tất cả năm thẻ may mắn có trong hộp gà rán Kentucky…
4. Đảm bảo việc hỏi trẻ nhìn thấy sự việc như thế nào khi trẻ biết điều gì đó (nhìn xuyên thấu)
Khi trẻ thể hiện năng lực nhìn xuyên thấu, hãy hỏi trẻ: “Làm sao con biết vậy?”. Trong những trường hợp như vậy, trẻ sẽ nhìn thấy hình ảnh rất rõ ràng trong đầu chúng. Sau khi nghe lời giải thích của tôi, cô Tanaka ở Yokohama đã hỏi cậu con trai năm tuổi Syuichiro xem con đã nhìn thấy gì khi con thao tác với các chấm Dot.
“Trước đây, ngay khi nhìn vào một phép tính, con thường nhìn thấy rất nhiều quả bóng màu trắng chạy thành vòng tròn và tạo thành các nhóm hình tam giác, sau đó chúng biến mất và kết quả phép tính hiện lên dưới dạng con số. Nhưng dạo gần đây con không còn nhìn thấy chúng nữa.”
Cô Tanaka đọc bài viết của tôi nói về tầm quan trọng của hoạt động tưởng tượng, và bắt đầu thực hiện luyện tập ngay lập tức. Cô đã viết lại những trải nghiệm của mình trong lá thư dưới đây:
Khi vừa đọc bài viết của ông, tôi đã chơi các trò chơi trực giác mỗi tối với con trai của tôi, Syuichiro. Trong khi bật băng giúp đưa não bộ về trạng thái sóng alpha, chúng tôi tắt đèn để làm tối căn phòng, thư giãn tâm trí và chơi trò chơi tưởng tượng và sau đó chơi trò chơi thần giao cách cảm. Tôi nói với con: “Tâm trí của con luôn luôn thư giãn và con đang cảm thấy thật dễ chịu. Con có thể nhìn thấy một chiếc màn hình rõ ràng trong đầu đúng không? Bây giờ bức tranh từ màn hình trong đầu mẹ sẽ xuất hiện trên màn hình của Syu nhé! Được rồi!”. Khi tôi nói như vậy và gửi cho con hình ảnh, con nhận được và đưa ra câu trả lời đúng.
Độ chính xác càng ngày càng được tăng cao theo quá trình luyện tập. Tôi tập trung và giữ hình ảnh trong tâm trí, và khi không còn nghi ngờ gì nữa, tôi gửi cho con và con đã trả lời chính xác hầu hết những gì tôi đã gửi.
Ngược lại, những khi tôi không thư giãn hay tôi nghĩ rằng có thể lần này sẽ không thành công, con sẽ thường không trả lời đúng.
Gần đây con kể rằng chiếc máy tính với quả bóng màu trắng đã quay trở lại trong tâm trí con. Và con nói với tôi: “Với chiếc máy tính này, mẹ không cần phải ấn nút tắt hay bật như là khi mẹ làm với chiếc đàn piano điện, bởi vậy, con không cần phải lo lắng về việc quên không tắt nó đi”. (Điều này có nghĩa là nó luôn sẵn có ở đó để sử dụng.)
Em gái của Syuichiro là Rina (ba tuổi) cũng đã đạt đến trình độ tương tự. Khi tôi kiểm tra bằng cách chơi thẻ Dot với trò “Đâu là?”, con luôn luôn chỉ ra cho tôi đáp án chính xác. Con cũng nói rằng có rất nhiều quả bóng xuất hiện trước trán của con. Con nói: “Mẹ ơi, mẹ không biết điều đó sao?”.
5. Học ngôn ngữ thành công thông qua hoạt động hình ảnh của não phải
Trẻ sơ sinh có thể học nhiều ngôn ngữ thông qua khả năng hình ảnh của não phải. Dù người trưởng thành có học tiếng Anh bao nhiêu năm đi chăng nữa, họ cũng không thể hoàn toàn làm chủ ngôn ngữ vì họ chỉ có thể học nó bằng não trái.
Hoạt động tưởng tượng là một phần quan trọng trong chương trình học ở Nagasaki, chi nhánh Omura của Viện Giáo dục Shichida Nhật Bản. Dưới đây là lá thư của cô giáo Urahana kể về quá trình mọi thứ diễn ra như thế nào ở đây:
Syuhei là một cậu bé có khả năng tưởng tượng hình ảnh rất phát triển, con thích được chơi các trò chơi tưởng tượng. Nếu những chiếc đệm gối được xếp thành một đường thẳng, chúng sẽ trở thành một dòng sông. Con sẽ đặt chân rón rén đi trên dòng nước lạnh, con còn hành động như đang diễn tả cho chúng tôi rằng con đang đuổi bắt cá. Khi một giáo viên nói: “Có một con cá vướng trong lưới rồi!”, con bối rối dùng hết sức của mình để kéo con cá ra khỏi lưới và thả cho cá bơi đi. Những lúc như vậy, với con đó dường như không còn là trò chơi tưởng tượng mà con đã thực sự nhìn thấy dòng nước, chiếc lưới bắt cá và những con cá.
Syuhei yêu thích tiếng Anh và mẹ của con cũng tích cực dạy cho con từ khi con mới sinh. Khả năng tiếng Anh của con không còn chỉ là hiểu ngôn ngữ mà đã trở thành một phần trong con người của con. Khi sử dụng ngôn ngữ, con hoàn toàn trở thành hình ảnh mà con tưởng tượng về một người nước ngoài. Ở thời điểm đó, những bài hát mà con ngâm nga và hát thầm là những bài hát tiếng Anh. Khi được hỏi bằng tiếng Nhật, con sẽ luôn trả lời bằng tiếng Anh. Con còn tự nói chuyện với chính con bằng tiếng Anh trong khi chơi đùa.
Những giáo viên người nước ngoài rất ngạc nhiên và khen ngợi: “Tiếng Anh của con trai cô thật tuyệt vời!”.
Trẻ nói chuyện với người nước ngoài bằng tiếng Anh
Nếu cha mẹ có thể kèm các bài học tiếng Anh (bài học tiếng nước ngoài) vào trong hoạt động tưởng tượng thì sẽ rất tốt cho con. Đây là một phương pháp học tập được gọi là học tăng tốc, có hiệu quả cao gấp nhiều lần so với phương pháp học tập hiện nay được thực hành ở hầu hết các trường học. Đây mới thực sự là phương thức học tập thông qua hình ảnh của não phải. Phương pháp học tập mới này đã thu hút sự chú ý của rất nhiều học giả và giáo sư. Họ cho rằng cách học tăng tốc này sẽ được áp dụng nhiều trong tương lai.
Năm yêu cầu dưới đây là rất cần thiết cho phương thức học tăng tốc:
1. Bật nhạc Baroque(*) làm nhạc nền.
(*) Nhạc Baroque là thể loại nhạc cổ điển thịnh hành vào thế kỷ 17-18. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng nhạc Baroque có nhịp điệu đều đặn 60 nhịp/phút. Khi nghe dòng nhạc này, các cơ quan trong cơ thể sẽ hoạt động đều đặn hơn, nhịp tim chậm lại, huyết áp được điều tiết cho bạn trạng thái thư giãn tốt nhất, đồng thời, sóng não beta giảm 6% trong khi loại sóng tốt cho học tập và ghi nhớ là sóng alpha lại tăng lên 6%, đây là điều kiện rất tốt cho việc tiếp thu thông tin, bắt đầu học tập và làm việc.
2. Học cách thực hiện hoạt động tưởng tượng hoặc hoạt động kích hoạt (hình dung ra một hình ảnh, hòa mình vào hình ảnh tưởng tượng đó).
3. Tất cả mọi người học cách biến đổi, đóng vai trò của nhân vật mà họ muốn trở thành.
4. Sử dụng một số học liệu như là tranh, bài hát, búp bê, đồ chơi,…
5. Tưởng tượng rõ nét hình ảnh thành công.
Chúng ta có thể thấy rằng sử dụng hình ảnh đóng vai trò rất quan trọng trong phương thức học tập này.