1. Khả năng trực giác là khả năng hình ảnh của não phải
Khả năng trực giác đối với người lớn là một năng lực bí ẩn. Họ cho rằng nó không tồn tại đơn giản vì họ không sở hữu nó. Tuy nhiên, những người mẹ đã từng nuôi dạy con sẽ từng trải nghiệm khả năng trực giác được viết trong cuốn sách này, dù ít hay nhiều, và họ sẽ nhận biết rằng khả năng này tồn tại ở trẻ thật tự nhiên.
Ở chương 2, tôi đã giải thích về khả năng trực giác có liên kết với khả năng hình ảnh của não phải. Khả năng cơ bản của não phải là hình dung hình ảnh. Khả năng trực giác có liên kết mạnh mẽ với năng lực này. Trong chương 2, tôi có viết rằng bào thai có cách giao tiếp không cần sử dụng ngôn ngữ. Trẻ sử dụng khả năng trực giác kể từ khi con còn là bào thai. Nếu mẹ có thể nhận ra điều đó, và giao tiếp bằng trái tim với bào thai và nói chuyện với con, con sẽ được luyện tập trò chơi thần giao cách cảm bằng cách đọc suy nghĩ của mẹ và khi sinh ra, con sẽ trở thành đứa trẻ có khả năng trực giác tốt.
Tại thời điểm đó, khi mẹ gửi hình ảnh thần giao cách cảm cho bào thai, mẹ cũng sẽ hình dung màn hình trong đầu và tái hiện hình ảnh ở đó. Sau đó mẹ cũng nên hình dung có một màn hình trên trán của thai nhi, và tưởng tượng gửi hình ảnh của mình sang màn hình của thai nhi. Đây là cách thức cải thiện năng lực trực giác của thai nhi.
Trẻ em với những trải nghiệm này được sinh ra sẽ có năng lực trực giác tốt. Con càng cảm thấy yêu thương bao nhiêu, người mẹ càng dễ gửi cho con những hình ảnh thần giao cách cảm dễ chịu. Nếu việc sinh nở diễn ra dễ dàng, năng lực trực giác của con càng mạnh. Một bào thai từ khi còn ở trong bụng mẹ đã có thể cảm nhận nhìn xuyên thấu để biết khi nào cha trở về nhà, và khiến mẹ biết bằng cách chuyển động.
Đứa trẻ sẽ bộc lộ khả năng như vậy sau khi được sinh ra. Dưới đây là bức thư của cô Suzuki từ Tokyo:
Khả năng trực giác của con gái tôi, Rina, được nuôi dưỡng từ khi con còn là một bào thai thật tuyệt vời: con có thể dự báo thời tiết hàng ngày chính xác 100%, biết khi nào ba trở về nhà từ nơi làm việc chính xác 100%, “Mẹ không cần chuẩn bị bữa tối cho ba đâu, ba sẽ ra ngoài để đi ăn cùng với bạn mẹ ạ.” Con bé thậm chí còn đoán đúng tên người bạn mà ba đi ăn cùng.
Trẻ có thể nhìn thấy mọi thứ rõ ràng. Trẻ có năng lực giao tiếp bằng hình ảnh như vậy từ trước khi sinh ra. Nếu mẹ tin vào điều đó và gửi hình ảnh đó đến bào thai thông qua màn hình trong đầu trẻ, bào thai sẽ thực sự nhìn thấy hình ảnh đó.
Tôi muốn bạn hỏi những đứa trẻ đã thể hiện những khả năng trực giác về ký ức của chúng khi còn ở trong bào thai, liệu chúng có nhìn thấy cha của chúng đi làm về vào thời điểm đó không.
Tôi đã thử bảo một số người mẹ có con thể hiện khả năng trực giác hỏi con: “Làm sao mà con biết được?”. Tôi đã nhận được hồi đáp bằng lá thư dưới đây của cô Sumiko Koyama.
Buổi tối thứ hai mươi ba của tháng trước, sau khi giảng dạy xong và trở về nhà, con trai tôi đã thể hiện khả năng dự đoán trước sự kiện như con đã từng làm trước đây. Con nói: “Airi (cháu gái của tôi) đang bị một người đàn ông đuổi theo ở cửa hàng gà rán Kentucky mẹ ạ”. Khi cháu về nhà, tôi đã hỏi cháu và cháu nói: “Cháu bị một người đàn ông đuổi theo trên đường về nhà từ cửa hàng gà rán Kentucky và cháu sợ lắm cô ạ”. Mẹ và tôi thực sự sửng sốt.
Sau khi tôi nghe bài giảng của ông, tôi đã gợi ý với con: “Con hãy sử dụng con mắt thứ ba, nhìn vào thứ mà mẹ đang nghĩ đến trong đầu nào”. Tôi đã hình dung ra màu vàng, màu xanh dương, màu đỏ, màu trắng, hình tròn, hình ngôi sao, và số 5, lần lượt từng hình một, và con đã đoán chính xác tất cả những hình ảnh đó.
Sau đó, tôi đã cùng con xem chương trình tivi có tên là “Đấu vật Sumo”, và để con dự đoán đô vật nào sẽ giành chiến thắng. Con đã đoán chính xác 100%.
Tiếp đó, chúng tôi cùng tiến hành hoạt động tưởng tượng. Chúng tôi bắt đầu với tưởng tượng màu sắc, và khi chúng tôi luyện tập đến hình ảnh có màu tím và đi vào thế giới truyện tranh, con thực sự trở thành một phần trong thế giới hình ảnh của mình và nói: “Con quên không nói tạm biệt với bạn nòng nọc và bác ếch, để con quay lại đã nhé!”.
Tôi đã từng từ bỏ chương trình thẻ Dot nhưng khi tôi thực hiện lại sau hoạt động tưởng tượng, con có thể trả lời đúng cả mười câu.
Khi đã đạt được đến mức như vậy, con còn có thể đoán 100% đúng trong trò chơi “Đâu là?”. Khi tôi hỏi: “Sao con lại biết vậy?”, con trả lời: “Chúng cứ xuất hiện trong đầu con”.
Hay khi tôi hỏi con làm thế nào con biết trước những điều chưa diễn ra, con nói: “Con thấy chúng trong đầu của con”.
Trước khi con được sinh ra, con đã có thể biết trước khi nào cha đi làm về và con sẽ đạp vào bụng tôi, con luôn đoán chính xác 100%, bởi vậy tôi hỏi con: “Làm sao con biết khi nào cha về đến nhà khi con vẫn còn ở trong bụng mẹ?” và con nói: “Cha đã đứng ngay ở trước cửa mẹ ạ.”
Ông đã nói đúng khi nói với chúng tôi rằng thai nhi có khả năng tưởng tượng.
Thậm chí ngay sau khi được sinh ra, con cũng thường đoán đúng cha sẽ về nhà lúc nào. Chồng tôi thường cảm thấy bối rối: “Dù anh đã mở cửa rất nhẹ, Daisuke vẫn luôn biết và đã chạy đến để đón anh rồi!”.
2. Giai đoạn sơ sinh là một giai đoạn mà các trò chơi trực giác đóng vai trò quan trọng
Vào nửa cuối thế kỷ 20, một khám phá mang tính cách mạng trong lĩnh vực y học và tâm lý học cũng như lĩnh vực giáo dục trẻ sơ sinh đã được phát hiện. Đó là khám phá ra rằng não bộ con người được chia làm hai phần. Não trái có năng lực logic, tư duy và phân tích. Não phải sở hữu khả năng trực giác, độ nhạy cảm, có khả năng nhận thức và hiểu biết theo tổng thể vốn đã được cài đặt sẵn.
Mỗi bán cầu não có cách tư duy riêng biệt. Điều quan trọng cần lưu ý là ở bán cầu não phải đặc biệt có khu vực tư duy phi ngôn ngữ. Một điều quan trọng nữa cũng nên biết là phương pháp nhằm kết hợp những khả năng vốn có ở cả hai bên bán cầu não nhằm giúp chúng phối hợp với nhau, hỗ trợ lẫn nhau. Chủ đề cấp thiết hiện nay là theo đuổi các khám phá kỹ thuật cho phép hai bán cầu não có thể hoạt động trơn tru khi phối hợp cùng nhau.
Công chúng bắt đầu hiểu ra rằng có những năng lực rất bí ẩn còn đang ẩn giấu bên trong não phải. Cảm hứng và sự sáng tạo cũng thuộc về bán cầu não phải. Chúng lóe lên bên trong não phải dưới dạng những hình ảnh. Não phải là một nguồn năng lượng tinh thần mở ra tương lai. Xem xét các cách thức phát triển não phải thì khả năng trực giác thực sự là một chủ đề quan trọng trong giáo dục kể từ bây giờ.
Những nghiên cứu phát triển năng lực trực giác mới chỉ bắt đầu triển khai rộng rãi trên toàn thế giới và mới chỉ có ít người biết được những đặc tính của quy luật nhằm khơi gợi những năng lực đó.
Nếu bản chất tự nhiên của những quy luật đó được hiểu rõ, sự phát triển trí tuệ của con người sẽ còn đạt được những bước tiến xa nhanh chóng hơn nữa.
Chìa khóa khám phá bản chất của những quy luật này nằm ở những nghiên cứu về khả năng não phải của trẻ sơ sinh. Nó dựa trên sự hiểu biết rằng mọi khả năng của não phải được liên kết với hình ảnh.
Kết quả là luyện tập tưởng tượng hình ảnh là quan trọng nhất.
Năng lực trực giác bao gồm: (1) thần giao cách cảm, (2) nhìn xuyên thấu, (3) chạm cảm nhận, (4) linh cảm và (5) di chuyển đồ vật bằng ý nghĩ và tất cả đều có liên kết với khả năng tạo ra hình ảnh rõ ràng như một bức ảnh. Chìa khóa để phát triển tối đa khả năng trực giác hoàn toàn nằm ở khả năng hình dung hình ảnh sống động một cách dễ dàng.
Khi nào là khoảng thời gian tốt nhất để bắt đầu luyện tập để phát triển khả năng hình ảnh của não phải hay khả năng trực giác?
Một ngôi trường ở Trung Quốc đã tiến hành luyện tập khả năng trực giác cho trẻ từ sáu cho đến mười hai tuổi. Nhưng theo quan điểm của tôi, đó là một sai lầm vì khả năng trực giác của trẻ sơ sinh cho đến sáu tuổi cao hơn rất nhiều so với trẻ từ sáu đến mười hai tuổi. Những người mẹ đã gửi hình ảnh cho con từ khi con là thai nhi và rồi khả năng hình dung hình ảnh đó sẽ phát triển kể từ khi con còn trong bụng mẹ. Sau khi con sinh ra, hãy chơi trò chơi trực giác hàng ngày cùng con.
3. Phát triển tuyến tùng trong não bộ và con mắt thứ ba
Để có thể nhìn thấy mọi thứ, chúng ta cần phải sử dụng mắt. Để có thể nghe thấy âm thanh, chúng ta cần có tai. Chúng ta cũng cần có những bộ phận khác phục vụ cho những mục đích khác nhau. Nếu điều này là đúng, chắc chắn sẽ phải có một cơ quan nào đó trong cơ thể đảm nhận khả năng trực giác. Cơ quan đó nằm ở đâu?
Có một bộ phận được gọi là tuyến tùng nằm ở vị trí sâu phía bên trong trán từ tám đến chín centimet. Đó chính là nguồn phát ra năng lực trực giác mà đạo Phật và yoga đã đề cập đến từ ba đến bốn nghìn năm trước. Tuyến tùng được kết nối với hoặc có liên hệ với “con mắt thứ ba”, vốn được cho là nằm ở giữa trán, và thông qua con mắt thứ ba này, tuyến tùng có khả năng tạo ra được những hình ảnh rõ nét trên màn hình tâm trí. Con mắt thứ ba này có thể được coi là một nguồn ánh sáng trong suốt quá trình tuyến tùng truyền dẫn bộ phim lên trên màn hình.
Tuyến tùng là một bộ phận có hình dạng giống quả thông, màu đỏ và nặng khoảng 0,2 gram. Trẻ em được cho là có phần tuyến tùng lớn hơn so với người lớn và phụ nữ thường có bộ phận này lớn hơn so với đàn ông.
Mọi thứ trở nên rõ ràng hơn khi những nghiên cứu của những nhà khoa học về tuyến tùng đã phát hiện ra rằng tuyến tùng chứa đựng các loại enzim và chất dẫn truyền thần kinh serotonin sản sinh ra melatonin có liên kết với ánh sáng. Thực sự là con người sở hữu khả năng phát ra ánh sáng. Bởi vậy, khi thực hiện hoạt động tưởng tượng, sẽ dễ dàng thành công hơn nếu chúng ta bắt đầu với hoạt động luyện tập phát ra ánh sáng.
Tốt nhất là trong quá trình luyện tập hoạt động tưởng tượng, hãy bắt đầu với việc tạo ra hình ảnh của bảy sắc cầu vồng theo thứ tự đỏ, vàng, xanh lá, xanh dương và tím. Khi trẻ bộc lộ năng lực trực giác, nguồn ánh sáng này sẽ xuất hiện ở màn hình trong đầu trẻ.
Dưới đây là lá thư từ một người mẹ mô tả về trò chơi chạm cảm nhận cùng con:
Mẹ của hai bé, một bé bốn tuổi mười một tháng và một bé sáu tuổi (tỉnh Nagano, A.H.)
Vào thứ Ba ngày 18 tháng Sáu lúc 9 giờ, tôi đã xem một chương trình truyền hình có tựa đề “Những trải nghiệm tiếp sau những trải nghiệm cá nhân sau khi đăng ký học tại một trường ở Trung Quốc chuyên về khả năng trực giác – Tình trạng hiện nay của cô bé Nhật Bản đã tham gia các lớp học phát triển khả năng trực giác – Phim tư liệu”.
Chồng tôi đã tìm thấy chương trình này và thu hình lại nó, và đây là lần đầu tiên trong suốt một khoảng thời gian dài cả gia đình chúng tôi dán mắt vào màn hình tivi.
Kết quả là, con tôi, Naoko (sáu tuổi) nói: “Mẹ ơi, con muốn làm như vậy. Mình bắt đầu từ hôm nay luôn mẹ nhé!”. Bé Yoko cũng nói: “Yoko cũng muốn chơi”. Không chần chừ gì hết, chồng tôi và tôi cùng nhau vẽ những hình dạng đơn giản lên một tờ giấy hình vuông có cạnh là 3 cm, cuộn chúng lại rồi đưa chúng cho hai con. Yoko trả lời hoàn toàn chính xác. Tôi đã nhìn thấy vẻ hạnh phúc của con khi con vẽ ra đáp án . Khi mở tờ giấy đã gập ra, bên trong có đúng là có hình .
Tiếp theo, con vẽ hình , tờ giấy mở ra có hình , như vậy là con đã vẽ đúng một nửa.
Đến tờ giấy tiếp theo, con vẽ hai lần hình khá tỉ mỉ, và tờ giấy khi được mở ra có hình .
Naoko thực sự chăm chú và con nhắm nghiền mắt lại. Ở lần thứ ba, con đã đưa ra đáp án đúng. Đó là dấu . Con nói rằng trong khi con nhắm mắt, toàn bộ khoảng không trong đầu con biến thành màu vàng, ngập tràn ánh sáng và những đáp án dần xuất hiện. Những đáp án này khá giống với hình ảnh ban đầu, nhưng không giống hệt nhau: đã trở thành ; biến thành .
Naoko nói rằng: “Lần đầu tiên con thấy ánh sáng nhạt màu tím, rồi dần dần màu tím đậm dần lên, và rồi đột ngột chuyển thành màu đỏ và con nhìn thấy hình ảnh”.
Con cảm thấy vô cùng hào hứng và nói: “Hãy chơi trò chơi này hàng ngày mẹ nhé!”. Và gần như chúng tôi đã liên tục chơi trò chơi này suốt một thời gian dài.
Sau đó, tất cả bọn trẻ đều thường xuyên trả lời chính xác 100% trò chơi nhìn xuyên thấu. Điều quan trọng là hãy luyện tập các trò chơi trực giác như vậy trong nhiều năm. Tiếp tục ghi lại kết quả luyện tập của con sẽ giúp cha mẹ theo dõi được các bước phát triển quan trọng của trẻ. Sự phát triển của năng lực trực giác là chỉ số báo hiệu sự phát triển tài năng sáng tạo. Trong nền giáo dục tương lai, biết tích hợp các trò chơi trực giác như một phần trong chương trình học tiểu học ở trường là điều rất quan trọng.
4. Sự phát triển của năng lực trực giác sẽ trở thành một đề tài trong phương pháp giáo dục mới
Thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của những đứa trẻ có não phải phát triển. Chúng là những đứa trẻ có những khả năng tiềm ẩn đến giờ vẫn chưa từng được biết đến. Mọi người tin rằng con người từ khi sinh ra cho đến khi chết đi chỉ sử dụng từ 3 đến 4% năng lực mà họ sở hữu trong suốt cuộc đời mình.
Những người có khả năng sử dụng năng lực tiềm tàng sẽ được gọi là thiên tài và là những người có khả năng trực giác. Những người này đơn giản chỉ là tận dụng tối đa hệ thống não bộ mà người bình thường vốn không sử dụng đến.
Ẩn giấu bên trong não bộ con người là khu vực tiềm tàng cho sự tiến hóa. Con người nhận thức được sự thực này từng bước trong quá trình phát triển khả năng trí tuệ và những cách thức để phát triển điều kiện thuận lợi cho sự tiến hóa này đã dần dần được biết đến.
Trí tuệ như vậy xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới. Nếu tất cả chúng được tích lũy lại, và hệ thống được xây dựng, việc nuôi dưỡng một thế hệ mới với cách thức tận dụng tối ưu não bộ theo một phương thức hoàn toàn khác biệt là điều hoàn toàn khả thi.
Mục đích của giáo dục trong tương lai không phải là để tạo ra những con người nhồi nhét kiến thức trong đầu mà là để nuôi dưỡng những đứa trẻ biết cách sử dụng hiệu quả hệ thống não bộ. Nuôi dưỡng trẻ với khả năng lớn lao, sự sáng tạo phong phú và năng lực tận dụng tỷ lệ lớn não bộ sẽ là mục tiêu nuôi dạy trẻ. Khái niệm về giáo dục trước kia đã trở nên vô ích nếu não bộ ở trẻ đã đạt đến một tầm cao hơn. Cân nhắc những phương thức vốn chưa từng được nghĩ tới để sử dụng não bộ là điều quan trọng hiện nay.
Nguồn năng lực trực giác của con người thực sự nằm ở phần não giữa. Não giữa nằm ở giữa vỏ não mới và vỏ não cũ và đó là vị trí của tuyến tùng. Phần não giữa không bao giờ được nuôi dưỡng bởi những phương pháp giáo dục cũ. Những phương pháp giáo dục trong truyền thống thường huấn luyện phần vỏ não mới, được gọi là cái nôi của kiến thức. Quy luật thoái hóa những bộ phận không được dùng đến sẽ áp dụng cho những năng lực của loài người. Quy luật này được phát biểu rằng những năng lực không được sử dụng đến sẽ trở nên vô ích và do đó dần bị mất đi.
Phần não giữa đang ở hình thái nguyên vẹn và đóng một vai trò quan trọng trong não bộ của trẻ sơ sinh. Nếu sự rèn luyện được áp dụng từ tuổi sơ sinh và mọi việc được tiến hành để duy trì năng lực này, năng lực đó sẽ tự bộc lộ đến mức độ đáng kể ở trẻ.
5. Những trẻ có khiếm khuyết lại thường vượt trội trong khả năng tưởng tượng hình ảnh
Giáo dục hình ảnh là phương pháp giáo dục được sử dụng để hỗ trợ những trẻ có khiếm khuyết về trí tuệ. Trẻ có khiếm khuyết trí tuệ thường vượt trội về khả năng tưởng tượng hình ảnh hơn so với trẻ thông thường. Những đứa trẻ này cũng có xác suất trả lời đúng các câu hỏi về trực giác hơn so với trẻ thông thường.
Khi quan sát chỉ đơn thuần từ khía cạnh trí tuệ, có vẻ như những đứa trẻ có khiếm khuyết về trí tuệ sẽ kém hơn rất nhiều. Tuy nhiên, chúng sẽ lại xuất sắc hơn rất nhiều so với trẻ thông thường nếu tính đến những năng lực về tinh thần.
Khi những đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ nhận thức được năng lực tinh thần của mình, chúng sẽ bắt đầu tăng dần sự tự tin. Chúng có thể thành công trong việc cân bằng giữa tính cách cá nhân và môi trường xung quanh, dần dần phát huy khả năng sáng tạo.
Những đứa trẻ hay nghịch ngợm và hiếu động quá mức không thể ngồi yên được thường khá giống với những bé có khiếm khuyết trí tuệ: chúng đều rất xuất sắc về năng lực tinh thần.
Đầu tiên hãy để cả những trẻ có khiếm khuyết trí tuệ và những trẻ quá hiếu động cùng tham gia trò chơi liên quan đến thiền. Để trẻ nhắm mắt và chìm đắm trong những ký ức và trải nghiệm vui vẻ trong quá khứ. Cần giúp trẻ thả lỏng những thớ cơ trên cơ thể và để trẻ thư giãn. Để đạt được mục đích này, hãy gợi ý để trẻ thả lỏng mọi cơ bắp trong cơ thể, nhờ vậy cơ thể của con sẽ hoàn toàn mềm mại. Khéo léo sử dụng gợi ý tích cực là chìa khóa để đưa trẻ vào trạng thái thiền sâu.
Con người sống theo khuôn mẫu xuất phát từ chính tâm hồn của họ. Nếu khuôn mẫu đó thay đổi, cuộc sống của họ cũng hoàn toàn thay đổi. Bằng cách tận dụng hình ảnh, hãy thay đổi khuôn mẫu trong tâm trí và tâm hồn của trẻ. Sau đó những hình ảnh được vẽ ra trong tâm trí của con sẽ trở thành sự thật.
Trẻ sẽ thay đổi thông qua hoạt động tưởng tượng.
Vấn đề nằm ở chỗ cần quyết định loại khuôn mẫu nào sẽ được vẽ ra trong tâm trí trẻ. Điểm cần lưu ý là hạn chế không nạp cho trẻ những suy nghĩ không hạnh phúc, những khuôn mẫu không tích cực. Giúp trẻ nhớ lại những kỷ niệm quá khứ vui vẻ, và tạo ra những hình ảnh thành công trong tương lai.
Sự cảm động từ trái tim sẽ tự nhiên lan truyền đến cả cơ thể. Khi hình ảnh mạnh mẽ đến mức khiến cuộc sống của trẻ trở nên sống động, vui vẻ và hài hòa, tràn đầy tình yêu thương, những suy nghĩ đó sẽ tự nhiên tràn đầy trong cơ thể và khiến trẻ cảm thấy hạnh phúc.
Sau khi luyện tập thiền và chơi hoạt động tưởng tượng, hãy dẫn dắt trẻ chuyển sang chơi trò chơi trực giác. Khi chơi trò đoán thẻ và ghi nhớ thẻ, trẻ có thể đoán thẻ đúng với tỷ lệ chính xác cao. Khi trẻ làm được điều đó, hãy khen ngợi trẻ thật nồng nhiệt. Kết quả là trẻ sẽ có sự tự tin lớn hơn và điều này dẫn đến sự cải thiện ở trẻ.
Ở chi nhánh Osaka của Viện Giáo dục Shichida Nhật Bản, có một bé gái năm tuổi bị chậm nói và chậm phát triển trí tuệ. Chúng tôi đã áp dụng thiền tập và luyện tập hoạt động tưởng tượng với bé và sau đó cho bé chơi trò chơi ghi nhớ thẻ. Cô bé có thể tìm các cặp thẻ giống nhau với tỷ lệ chính xác cao. Cô bé có một chị gái đang học lớp Một. Bé luôn thắng khi chơi trò chơi ghi nhớ với chị gái, đến mức cuối cùng, chị cô bé bắt đầu không thích chơi trò chơi ghi nhớ thẻ cùng em nữa. Kể từ khi bé có những điểm vượt trội hơn chị gái, bé cũng đã nhanh chóng cải thiện những mặt khác. Giờ bé có thể nói trôi chảy và phát triển đến mức không còn bị coi là chậm chạp và kém cỏi hơn so với chị nữa.
6. Thậm chí trẻ khiếm thị cũng có khả năng hình dung hình ảnh
Cần phải biết rằng thậm chí trẻ khiếm thị cũng có khả năng hình dung hình ảnh. Các nhà khoa học người Nga đã xuất bản một nghiên cứu với kết quả cho thấy có đến 75% trẻ em có khả năng tiềm tàng cảm nhận ánh sáng thông qua da. Họ phát triển khả năng này ở trẻ khiếm thị để trẻ cảm nhận màu sắc bằng cách cho trẻ chạm vào những tờ giấy màu, và cuối cùng họ đã có thể kích hoạt khả năng tiềm ẩn này ở trẻ đến mức trẻ có thể đọc được con số và chữ cái.
Tại Học viện Nghiên cứu Sinh lý học thị giác ở Odessa, Nga, một thấu kính được gắn vào trước trán của một cậu bé bảy tuổi vốn đã không còn nhãn cầu và dây thần kinh thị giác; bởi vậy, họ đã luyện tập cho cậu bé để cậu có thể nhìn thấy mọi thứ với con mắt này.
Mọi người thường cho rằng nguyên nhân của việc người khiếm thị có thể phân biệt giữa các màu sắc, các hình dạng và giữa các con chữ là bởi vì da của họ hoạt động như thị giác, nhưng thực ra sẽ là chính xác hơn nếu nói những khả năng này đến từ khả năng tưởng tượng hình ảnh của não phải. Hình ảnh mà não phải tạo ra sẽ xuất hiện trên màn hình tâm trí thông qua tuyến tùng và con mắt thứ ba.
Những nhà khoa học Liên Xô đã từng báo cáo rằng những đứa trẻ vừa khiếm thị, vừa khiếm thính sở hữu khả năng thần giao cách cảm và nhìn xuyên thấu cao hơn rất nhiều so với trẻ bình thường. Họ cho rằng để bù đắp cho những khiếm khuyết về thể chất và trí tuệ, những trẻ vừa khiếm thị vừa khiếm thính đã có một sự phát triển đặc biệt lạ thường, và chúng học được cách tạo ra giác quan thị giác hoàn hảo trong đầu mình.
Giáo dục hình ảnh là một phương pháp giáo dục khác biệt, có thể áp dụng cho cả trẻ có khiếm khuyết.
Một buổi sáng, tôi ngẫu nhiên nói với vợ mình rằng những đứa trẻ có khiếm khuyết sẽ có khả năng vượt trội hơn cả trẻ bình thường về khả năng trực giác – khả năng của não phải. Vợ tôi là hiệu trưởng của một trường mẫu giáo. Ngày hôm đó, cô ấy đưa cho các giáo viên một phong bì có chứa bài báo cáo. Trong phòng giáo viên lúc đó có một cậu bé năm tuổi mắc hội chứng tự kỷ đứng bên vợ tôi, cậu bé cứ bám chặt lấy cô ấy và nhất quyết không chịu bỏ ra. Với sự dẫn dắt của cô, cô ấy đã bắt đầu nói chuyện và giao tiếp được với cậu.
Khi vợ tôi đưa tất cả những chiếc phong bì đó cho các giáo viên, cậu bé gọi to những cái tên được viết bên trong phong bì. Tất cả những giáo viên đều cảm thấy sững sờ. Ngay sau khi vợ tôi đưa cho một cô giáo khác những chiếc phong bì có đựng hóa đơn học phí của trường mẫu giáo, cậu bé lại đọc đúng cả địa chỉ được viết trong phong bì đó. Cậu bé đó chưa biết đọc. Tại sao thi thoảng cậu bé lại có thể đoán chính xác nội dung các cuộc hội thoại giữa các giáo viên đến vậy? Bởi vì vợ tôi đã nghe tôi nói về điều này buổi sáng hôm đó, nên vợ tôi đã kể cho tôi nghe chuyện xảy ra ngay khi cô về đến nhà. Vợ tôi cứ khăng khăng là cô ấy không thể giải thích được chuyện gì đã xảy ra, tôi liền nói với cô ấy: “Cậu bé ấy có thể đọc được suy nghĩ của em đấy”.