Đừng thiếu kiên nhẫn, hãy dạy dỗ con một cách từ tốn!
1. Nuôi dưỡng tâm hồn là điều quan trọng nhất trong nuôi dạy con
Những người mẹ muốn dạy dỗ con tốt đều dễ rơi vào những sai lầm khi có xu hướng quá chú trọng đến việc phát triển tri thức cho con mà lơ là đi sự phát triển tâm hồn. Người ta nói có đến 80% những người mẹ đang nuôi dạy con cái mà hoàn toàn không thể thấu hiểu những suy nghĩ chân thành và sự hoạt động của tâm hồn con trẻ. Việc thấu hiểu trái tim của con thật sự khó như vậy đó!
Do đó, trong chương này chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về việc làm thế nào để nuôi dưỡng trái tim của con. Những người mẹ giỏi nuôi dạy con là những người hiểu về những tình cảm khác nhau trong tâm hồn và trái tim con, từ đó biết cách đáp lại khéo léo những tình cảm ấy.
Để yêu thương con trẻ, cha mẹ cần phải biết quá trình hoạt động tâm trí ở trạng thái vô thức của con. Tuy nhiên nhiều bậc cha mẹ không hiểu được điều này nên đã dẫn đến việc gặp khó khăn vì không biết nên làm như thế nào với con.
Điều nan giải nhất là cha mẹ thường nhất quyết cho rằng họ phải có trách nhiệm giáo dục con cái. Giáo dục con có nghĩa là tác động vào phần tri thức, vỏ ngoài cùng của cấu tạo ba lớp của bộ não. Hoạt động này không hề giúp con phát triển về mặt “Tâm hồn” (Tham chiếu biểu đồ).
Bởi vì các bậc cha mẹ tin rằng trẻ mới chào đời không biết bất cứ điều gì cho nên họ phải dạy con tất cả mọi thứ.
Tất cả những sai lầm của cha mẹ cũng từ đây mà ra. Nếu cha mẹ cố gắng, nỗ lực chỉ tập trung “dạy con” thì quá trình nuôi dạy trẻ sẽ đi đến thất bại. Điều quan trọng nhất là người làm cha mẹ cần phải hiểu rõ các hoạt động, chức năng của tâm hồn, trái tim con và bồi đắp chúng.
Những người mẹ xem việc dạy kiến thức cho con là trọng tâm của giáo dục thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi nuôi dạy con. Bởi vì khi trẻ không được thỏa mãn về mặt tâm hồn, trẻ chắc chắn sẽ không chịu tiếp thu, chống đối cha mẹ, không có động lực, hay khóc nhè và khó dạy bảo.
Hầu hết mọi đứa trẻ đều vô thức có mong muốn được yêu thương, được nhìn nhận, được khen ngợi bởi cha mẹ. Nếu các bậc cha mẹ giáo dục con bằng cách đáp ứng trọn vẹn những mong muốn vô thức này thì việc nuôi dạy con sẽ trở nên cực kỳ dễ dàng.
Khi cha mẹ không thấu hiểu trái tim của con và vô tình nhìn nhận con một cách tiêu cực, việc giáo dục con sẽ dần trở thành một công việc khó khăn. Để nuôi dưỡng trái tim con trẻ, điều cần thiết là các bậc cha mẹ đừng nhìn nhận con một cách tiêu cực mà trước hết phải học cách nhìn nhận con một cách tích cực.
Đầu tiên, hãy thử viết ra sáu yếu tố quyết định đến sự tự tin của một đứa trẻ.
Sáu điều làm mất đi sự tự tin của con
Tất cả những điều dưới đây sẽ khiến việc nuôi dạy con trở nên khó khăn hơn là vì cha mẹ làm mất đi sự tự tin ở con.
Điều 1: Chỉ tập trung vào khuyết điểm của con mà không nhìn nhận điểm mạnh cũng như khả năng của con.
Điều 2: Chú trọng vào kết quả hơn là quá trình cố gắng và nỗ lực của trẻ. Cha mẹ không nhìn vào quá trình trưởng thành của con mà chỉ chú ý đến những biểu hiện hiện tại của con.
Điều 3: Đánh giá con dưới lăng kính cầu toàn. Lúc nào cũng giữ suy nghĩ con phải đạt 100 điểm ở mọi lĩnh vực.
Điều 4: Bắt con thi đua và so sánh con với những đứa trẻ khác.
Điều 5: Suy nghĩ rằng việc con đứng nhất trong học tập là quan trọng hơn bất cứ điều gì khác.
Điều 6: Chỉ công nhận con khi con đáp ứng những điều kiện của mình.
Ngược lại, cũng có sáu điều để khích lệ và động viên con. Để thành công trong việc khích lệ con trẻ, chúng ta nên làm ngược lại hoàn toàn với “sáu điều làm tổn hại đến sự tự tin của con”.
Sáu điều khích lệ sự tự tin của con
Điều 1: Hãy bỏ qua những khiếm khuyết, chỉ tập trung vào những điểm mạnh cũng như tài năng của con.
Điều 2: Coi trọng quá trình tiến bộ và nỗ lực của con hơn kết quả.
Điều 3: Hãy nhìn nhận một cách tích cực việc con có những điểm chưa hoàn hảo.
Điều 4: Đừng so sánh khả năng của con với những đứa trẻ khác.
Điều 5: Nhấn mạnh cá tính và tính cách đặc trưng của từng trẻ.
Điều 6: Hãy nhìn nhận con xứng đáng đạt 100 điểm vô điều kiện.
Những người mẹ nuôi dạy con cái, nghĩ rằng mình hiểu rõ về con sẽ bắt đầu có xu hướng so sánh con với những đứa trẻ khác và chỉ nhìn thấy những điểm trừ của con. Điều này đang trở thành căn bệnh nan y đối với tâm hồn con trẻ.
2. Nuôi dạy con với sự kiên nhẫn và thoải mái
Khi hướng dẫn những người mẹ trong việc dạy dỗ trẻ, điều tôi cảm nhận được rõ ràng nhất là có khá nhiều người trong số họ hay so sánh con mình với những đứa trẻ khác và kết quả là trở nên thiếu kiên nhẫn. Vội vàng, thiếu kiên nhẫn chỉ dẫn tới những điều tiêu cực như gây ra nhiều căng thẳng cho cha mẹ. Và hiển nhiên là những căng thẳng ấy sẽ truyền sang cả trẻ. Sự căng thẳng sẽ làm não phải của trẻ đóng lại.
Nếu cha mẹ cứ vội vàng hấp tấp cố gắng bắt trẻ làm thế này làm thế kia thì chỉ càng tạo ra áp lực nhiều hơn cho trẻ. Ngược lại, nếu cha mẹ hiểu được điều này, tin tưởng trẻ và tương tác thoải mái với trẻ thì trẻ sẽ cảm thấy thư giãn và không căng thẳng. Khi trẻ thư giãn và bình tĩnh, não phải sẽ ở trạng thái mở để tiếp nhận kích thích bên ngoài dễ dàng hơn.
Có rất nhiều người mẹ đã viết về việc này trong thư gửi tôi. Họ chia sẻ rằng mỗi khi họ cảm thấy thư giãn, dành cho con sự tin tưởng và tiếp xúc với con thoải mái hơn thì con sẽ dần tiếp thu được tốt hơn và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.
Khẩu hiệu của “Giáo dục sớm cho trẻ sơ sinh” là “không so sánh”, “không vội vàng”, “kiên nhẫn chờ đợi kết quả”. Tôi hy vọng rằng các bậc phụ huynh sẽ hoàn toàn công nhận và đồng ý điều này từ tận đáy lòng.
Những người mẹ vẫn đang đi làm thì chỉ có thể chơi với con mình khoảng từ hai mươi đến ba mươi phút mỗi ngày. Tuy nhiên, điều này vẫn giúp con đạt được kết quả tốt. Dù mẹ ít có thời gian chơi cùng con nhưng biết sử dụng khoảng thời gian đó một cách hiệu quả thì sẽ đạt được kết quả tốt hơn nhiều những người mẹ đang bị hoàn toàn đắm chìm trong việc chăm sóc con. Tôi sẽ để chính họ giải thích lý do tại sao lại như vậy.
Mẹ của cậu bé ba tuổi mười tháng – Cô N.A. (tỉnh Ibaraki)
Tôi rất cám ơn giáo sư vì lời khuyên hữu ích của ông. Nếu có tầm nhìn xa trông rộng và không bị hoàn toàn đắm chìm trong việc chăm con thì mọi việc trở nên tốt hơn rất nhiều. Bởi vậy tôi đã lùi lại, rời con ra một chút để nhìn nhận lại, nếu tôi luôn bên cạnh chăm con suốt một ngày dài, cả mẹ và con đều cảm thấy căng thẳng. Sau khi đọc đi đọc lại bức thư của ông và bản ghi chép của câu lạc bộ, tôi đã quyết định chỉ dành thời gian ở bên con một tiếng buổi sáng và một tiếng buổi tối trong một ngày, khoảng thời gian còn lại tôi cho con ra ngoài chơi thỏa thích, từ đó mối quan hệ mẹ con đã được cải thiện tốt hơn nhiều.
Dường như nếu chỉ có một con thì không tốt lắm. Tôi luôn chỉ nhìn thấy những điểm chưa tốt của con. Sau khi có thêm con gái thứ hai, sự chú ý của tôi chia sẻ bớt cho con bé, tôi ít chú ý đến cậu anh lớn hơn và dường như điều đó lại tốt hơn cho con. Hơn nữa, bây giờ, con cũng không còn sự lựa chọn nào khác là phải tự làm mọi việc, mặc dù trước đó con còn chẳng thể làm những việc này dù tôi có nhắc nhở con hãy làm đi. Còn bây giờ, con đã tự mình làm xong mọi việc trước cả khi tôi nhận ra và nhắc nhở.
Mẹ của một bé hai tuổi tám tháng - Gia đình H.M. (Nerima, Tokyo)
Tôi chân thành cảm ơn sự chỉ dạy của giáo sư.
Trong khoảng thời gian này, tôi cũng cảm nhận được việc tiếp xúc với con đã trở nên vui vẻ hơn và tôi đang dần cố gắng để hiểu được những cảm nhận của con trẻ. Thật thú vị là kể từ khi tôi quan tâm hơn đến cảm xúc của con, con đã nghe lời tôi hơn. Khi nhớ về nghiên cứu mà ông giám sát, sự thiếu kiên nhẫn của tôi và cảm giác “chúng ta phải làm chuyện này cho dù có xảy ra việc gì” đã biến mất và bây giờ tôi nghĩ rằng nếu con có thể làm việc này, tôi sẽ vui vẻ để con làm; chúng tôi sẽ làm cùng nhau thật vui vẻ với thái độ “đây là một trò chơi vui!”.
Theo cách này thì cả cha mẹ và con đều cảm thấy vui vẻ và bất kỳ công việc nào cũng không trở thành gánh nặng. Dù con tôi không giỏi chơi thẻ Dot lắm, nhưng cả con và tôi đều không cảm thấy phiền lòng và chúng tôi vẫn không từ bỏ mà vẫn tiếp tục từ từ luyện tập.
Cho đến tận gần đây, tôi vẫn còn lo lắng cho những khuyết điểm của con và so sánh con với những đứa trẻ khác. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng nhờ việc thay đổi cách nhìn của mình, những đặc điểm vốn bị coi là xấu thì giờ lại trở thành những điểm mạnh của con. Trẻ em sẽ không phát triển nếu cha mẹ lý tưởng hóa việc nuôi dạy con như một thứ gì đó phải đạt tuyệt đối 100 điểm. Tôi tin rằng cha mẹ nên kiên nhẫn chờ đợi con trưởng thành với tình yêu thương ấm áp. Kể từ giờ trở đi, tôi luôn muốn quan sát sự phát triển của con với một trái tim yên bình.
3. Tuyệt đối không nhìn vào khuyết điểm của con
Các bậc phụ huynh hãy cố gắng đừng nhìn vào điểm yếu của con. Nếu cha mẹ đánh giá con qua khiếm khuyết thì chỉ nuôi dưỡng nên một đứa trẻ tiêu cực mà thôi. Ngược lại, nếu nhìn vào những điểm tích cực của con thì sẽ dẫn đến những kết quả tốt. Những người mẹ không thể nhìn ra điểm tốt của con xin hãy học cách nhìn nhận trạng thái hiện tại của con chỉ là tạm thời.
Sẽ là sai lầm nếu cha mẹ đánh giá trạng thái hiện tại của con là trạng thái đã hoàn thiện hoặc mãi mãi không thay đổi. Cha mẹ nên nhìn nhận rằng cho dù con có những khuyết điểm thì khuyết điểm ấy chỉ là cái bóng. Thật tốt khi cha mẹ tin rằng dáng vẻ thực sự của con vẫn còn ở trạng thái tiềm tàng và không bao lâu nữa, những khả năng tuyệt vời của con sẽ dần được bộc lộ và đơm hoa kết trái.
Không nhất thiết con phải luôn là số một. Bí mật của việc nuôi dạy con thành công là tin tưởng rằng mỗi đứa trẻ, mặc dù bây giờ có thể đứng ở cuối nhưng chắc chắn trẻ sẽ lớn lên và trở thành một người xuất sắc. Tin tưởng con, nói với con điều đó chính là cốt lõi trong giáo dục trẻ và còn là nền tảng đầu tiên của xây dựng kỷ luật.
Xin đừng nghĩ rằng trẻ cần phải đạt 100 điểm trong mọi bài kiểm tra. Những đứa trẻ được thế giới công nhận không phải là những đứa trẻ luôn đứng đầu trong mọi bài kiểm tra. Bất cứ đứa trẻ nào cũng có khả năng để đứng đầu ở một lĩnh vực nào đó, và điều này không thể bị hạn chế hay đánh giá bởi những bài kiểm tra. Vì vậy, nuôi dưỡng cá tính của trẻ là vô cùng cần thiết.
Khuynh hướng của thế giới hiện nay là cần những người vượt trội về một lĩnh vực nào đó, hơn là những người có khả năng làm mọi thứ ở mức trung bình và không thực sự nổi trội ở một lĩnh vực nào cả. Những người xuất sắc ở một lĩnh vực nào đó là do họ tập trung phát triển chỉ vào lĩnh vực đó. Do đó, có thể nói rằng cha mẹ có vai trò rất lớn trong việc nhận ra và phát triển được tài năng tiềm tàng của con.
Đừng phán xét trẻ thông qua học lực của trẻ, mà hãy chú trọng vào những điểm đặc biệt chỉ riêng trẻ mới có. Khi đó, chắc chắn trẻ sẽ lớn lên và trở thành một người xuất sắc trong lĩnh vực này.
Vậy, công cụ quan trọng nào sẽ giúp nuôi dạy con trở thành những người tài năng?
Oswald đã nghiên cứu về những con người vĩ đại trong quá khứ và tìm hiểu nguyên nhân hình thành sự vĩ đại của họ. Học thuyết được ông xây dựng sau nhiều năm nghiên cứu là: “Những nhân vật vĩ đại trong quá khứ đều trở thành những người tài năng xuất chúng nhờ việc đọc sách và những lời gợi ý tích cực”.
Để nuôi dạy trẻ thành vĩ nhân xuất chúng, không có gì mạnh mẽ hơn được nhận những lời gợi ý tích cực của cha mẹ.
Giáo sư O – một nhà phát minh mà tôi đã được gặp ở Kyoto vài ngày trước, đã kể với tôi câu chuyện vô cùng thú vị sau đây. Khi dạy con mình, giáo sư đã dùng những lời gợi ý tích cực nên việc nuôi dạy con rất vui vẻ. Kể từ khi con gái đầu vừa lọt lòng, giáo sư đã bế con trên tay và ru con bằng cách lặp đi lặp lại hàng ngàn lần những câu sau:
“Đừng trở nên một cô bé bướng bỉnh, ích kỷ, hay khóc nhè con nhé!
Con là cô bé tốt bụng, lịch sự và luôn nói ‘Dạ’ khi cha mẹ gọi con!”
Mỗi khi con khóc, ông sẽ bế con lên và nói với con những lời ru thủ thỉ này, khi nghe được những lời đó, con nín khóc ngay. Sau đó, con đã lớn lên và trở nên vô cùng ngoan ngoãn, lịch sự và biết phép tắc khi giao tiếp. Giáo sư đã nói rằng nếu dạy con bằng cách đó, con sẽ ngừng khóc như một phản xạ có điều kiện và việc giải thích cho trẻ là không cần thiết.
4. Phương pháp truyền đạt tình yêu của người mẹ đến trẻ
Những người mẹ hầu hết đều nghĩ rằng họ đã yêu thương con mình một cách đầy đủ. Tuy nhiên, đa số trẻ em lại nghĩ rằng bản thân không được mẹ yêu thương đầy đủ. Khoảng cách này khiến việc nuôi dạy con trở nên khó khăn hơn. Liệu các bậc cha mẹ có đang truyền đạt đầy đủ tình yêu thương đến con mình hay không? Thực sự thì họ chưa biết truyền đạt nó đúng cách. Nếu như người mẹ biết cách truyền đạt tình yêu thương đến con mình thì ngay lập tức con sẽ trở thành đứa bé ngoan ngoãn.
Tôi muốn nhấn mạnh ba phương pháp để cha mẹ truyền đạt tình yêu thương đến con. Ba phương pháp này là: Một là ôm chặt con; Hai là chăm chú lắng nghe những câu chuyện của con; Ba là phương pháp Năm phút thủ thỉ.
Phương pháp Ôm chặt con là phương pháp ôm con thật chặt trong vòng tám giây mà tôi luôn đề cập trong các bài giảng và trong sách.
Cái ôm tám giây
Đầu tiên hãy nhờ con giúp đỡ công việc nhà. Sau khi con đã hoàn thành, cha mẹ hãy ôm chặt con và thì thầm với con:
“Yuko à, cảm ơn con vì đã giúp mẹ. Con thực sự đã giúp đỡ mẹ rất nhiều. Mẹ rất yêu Yuko của mẹ, con là cô bé vui vẻ, ngoan ngoãn và tốt bụng.”
Đừng chỉ ôm con nhẹ nhàng hời hợt mà cha mẹ hãy tiếp tục ôm chặt con trong khoảng thời gian tám giây.
Khi làm được điều này, ngay lập tức tình yêu của cha mẹ sẽ nhanh chóng được truyền đến trái tim con và con sẽ trở nên không còn phản kháng lại cha mẹ, lúc đó con sẽ là một đứa bé ngoan ngoãn và vui vẻ. Những vấn đề rắc rối sẽ nhanh chóng được giải quyết. Con sẽ trở nên ngoan ngoãn và vui vẻ nói rằng: “Con sẽ giúp mẹ nhiều hơn”.
Trẻ sẽ cảm thấy hạnh phúc khi được mẹ nói cảm ơn và có động lực để cố gắng làm nhiều việc hơn nữa để khiến mẹ cảm thấy hạnh phúc.
Bằng cái ôm chặt trong vòng tám giây, cha mẹ sẽ nuôi dưỡng nguồn cảm hứng và tinh thần tự lập tuyệt vời cho con trẻ. Khi cha mẹ bắt đầu nhận ra rằng mình chưa làm đủ để thỏa mãn trái tim và tâm hồn con và từ đó thay đổi chính mình thì những hành vi gây rắc rối của trẻ như bắt nạt em nhỏ, bạn bè, chống đối cha mẹ, thiếu động lực, đái dầm, mút tay,... ngay lập tức đều sẽ được giải quyết.
Bằng cách này, các bậc cha mẹ đã đặt nhiều chú trọng vào việc làm thỏa mãn trái tim con trẻ. Tuy nhiên, nếu cha mẹ thực hiện cái ôm trong tám giây chỉ mang tính hình thức thì sẽ không có hiệu quả. Nếu cha mẹ vẫn tiếp tục la mắng hay quở trách con và truyền những cảm xúc tiêu cực đến con thì cũng chẳng mang lại kết quả gì.
Tôi nghĩ quan trọng hơn bất cứ điều gì là mỗi bậc cha mẹ hãy yêu thương con bằng cả trái tim của mình, tôn trọng con và luôn dành cho con sự tin tưởng.
Thực hành cái ôm tám giây
Tiếp theo, tôi sẽ trình bày thật chi tiết phương pháp thứ hai.
Lắng nghe chăm chú câu chuyện của con
Các bà mẹ luôn thường xuyên nói cho con nghe, thế nhưng, ngược lại chẳng mấy quan tâm đến việc lắng nghe câu chuyện của con. Nhưng điều quan trọng trong việc giáo dục con cái là cha mẹ phải thật sự lắng nghe những câu chuyện của con. Trong khi nuôi dạy con, nếu cha mẹ chỉ đơn phương nói chuyện thì sẽ mãi mãi không thể nào nắm bắt được tâm tư tình cảm của con. Hơn nữa, tâm hồn của trẻ sẽ không phát triển đầy đủ được.
Nếu mẹ chỉ nói cho con nghe từ một phía trong suốt những năm con phát triển thì trái tim của con sẽ không được thỏa mãn, con cũng sẽ không cảm nhận được mình được yêu thương đầy đủ. Ngược lại, chính việc cha mẹ thường xuyên lắng nghe câu chuyện của con và hiểu những biến đổi trong trái tim con, khi đó bản thân con sẽ nghĩ rằng những cảm xúc tận đáy lòng mình được cha mẹ thấu hiểu, con được nhìn nhận và được yêu thương.
“Phương pháp tiếng vọng”(*) trong việc lắng nghe con trẻ
(*) Lặp lại những gì con nói và thêm vào câu hỏi dẫn dắt.
Nếu nuôi dạy con bằng cách la mắng, cha mẹ sẽ không thể lắng nghe những lời giãi bày của con. Khi trẻ bị la mắng, trái tim trẻ sẽ khép lại.
Khi thay vì la mắng, người mẹ biết nhìn nhận con và học cách khen ngợi con thì con sẽ mở cửa trái tim và bắt đầu trò chuyện với mẹ. Các bậc cha mẹ hãy lắng nghe con thật chân thành nhé.
Bằng cách sử dụng phương pháp tiếng vọng, cha mẹ cũng giúp con bộc lộ bản thân tốt hơn. Phương pháp tiếng vọng còn được gọi là phương pháp Không ra lệnh của Roger. Những lời mà mẹ hay dùng để nói với con như “con làm... đi” thường là những câu mệnh lệnh. Sẽ tốt hơn nếu cha mẹ dừng việc nói những câu ra lệnh này, thay vào đó là sử dụng phương pháp tiếng vọng với những câu không ra lệnh cho trẻ.
Khi con nói gì đó với cha mẹ, phương pháp tiếng vọng không phải là đóng sầm cửa bằng lời nói: “Con bị làm sao vậy? Con không thể kiên nhẫn hơn hả?” mà thay vào đó, hãy đặt mình vào vị trí của con và hiểu cho tâm trạng của con. Hình thức đối thoại như dưới đây nên được áp dụng:
“Mẹ ơi, bạn Kuni là người xấu.”
“Vậy hả, bạn Kuni là người xấu. Bạn Kuni đã làm gì vậy con?”
“Bạn ấy đánh con ạ.”
“Bạn Kuni đã đánh con hả? Tại sao bạn ấy lại đánh con?”
Cha mẹ hãy vừa trả lời con bằng cách lặp lại nguyên câu của con vừa đặt câu hỏi cho con như trên và để con trả lời. Đây vốn dĩ là một trong những liệu pháp tư vấn tâm lý cho những bệnh nhân có khó khăn về tâm lý và cũng là phương pháp hiệu quả để trò chuyện với trẻ.
Phương pháp năm phút thủ thỉ có hiệu quả cao nhất
Để sử dụng gợi ý tích cực cho trẻ, không gì hiệu quả hơn phương pháp “Năm phút thủ thỉ”, phương pháp này được thực hiện khi trẻ vừa chìm vào giấc ngủ. Phương pháp năm phút thủ thỉ này có thể dễ dàng chữa những thói quen xấu của trẻ ích kỷ, đái dầm hay mút tay.
Trong năm phút từ sau khi trẻ vừa chìm vào giấc ngủ, mặc dù ý thức đã ngủ nhưng tiềm thức của con vẫn còn thức và đang hoạt động. Vì thế, việc cha mẹ tận dụng khoảng thời gian này để tác động lên tiềm thức của trẻ sẽ rất hiệu quả.
Cha mẹ sử dụng phương pháp năm phút thủ thỉ với con lúc con ngủ
Ví dụ, mẹ muốn con trở thành một đứa trẻ ngoan ngoãn, muốn con chịu ngủ trưa hay có thể ngủ ngon vào buổi tối... Khi đó, mẹ hãy thủ thỉ vào tai con nhẹ nhàng những lời gợi ý tích cực sau đây trong năm phút khi con vừa chìm vào giấc ngủ.
“Có phải Nana (tên của con) của mẹ đang ngủ rồi không? Con đang ngủ rất ngon và cảm thấy thật dễ chịu. Nhìn kìa, con đang ngủ thật say. Khi con ngủ càng ngon thì tâm trạng con cũng tốt hơn nhiều. Con có thể ngủ rất ngon! Nana à, con là một đứa trẻ rất ngoan và biết nghe lời. Con có thể hiểu được tất cả những điều mẹ nói. Mẹ rất yêu thương con vì con luôn vui vẻ và ngoan ngoãn. Mọi người cũng rất yêu quý Nana vì con là một cô bé tốt bụng. Vì Nana ngoan và tốt bụng nên cha, mẹ và cả nhà đều rất yêu con. Con là một đứa trẻ tốt bụng. Mẹ biết rằng con có thể nghe rõ được những lời nói của mẹ mà.
Nana sau khi ăn xong bữa trưa sẽ cảm thấy buồn ngủ một chút. Khi đó, con hãy chui vào chăn và ngủ đi nhé. Khi con đi ngủ, con sẽ ngủ rất ngon. Thật là một cảm giác dễ chịu. Bởi vậy con cũng sẽ trở nên yêu thích ngủ trưa hơn. Giấc ngủ trưa sẽ trở nên vui vẻ hơn. Con có thể ngủ sâu ngay lập tức. Buổi tối khi mẹ đọc truyện tranh cho con nghe, con dần dần chìm vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn. Con chìm vào giấc ngủ sâu một cách nhẹ nhàng. Mỗi khi mẹ bắt đầu đọc truyện tranh, mắt con sẽ trĩu nặng xuống và nhắm lại. Sau đó, con sẽ ngủ rất sâu.
Nana của mẹ giờ đã lên hai tuổi và trở thành cô bé lớn rồi. Cô bé hai tuổi thì không còn mút tay nữa. Vì Nana ngoan ngoãn, vui vẻ và có thể nghe rõ những điều mẹ nói nên mẹ rất yêu con.
Nào, bây giờ con hãy ngủ thật ngon. Con đang cảm thấy thật thoải mái. Ngủ thật ngon đến sáng mai, buổi sáng khi thức dậy con sẽ cảm thấy sảng khoái, và đón chào một ngày mới với thật nhiều niềm vui. Xem kìa, Nana đang ngủ rất ngon và cảm thấy thoải mái.
Nana ngoan ngoãn của mẹ hãy ngủ thật ngon đến sáng mai con nhé.”
Cha mẹ có thể thu âm những lời nói này vào cuộn băng, đặt chúng vào bên cạnh gối của con và bật băng với âm lượng nhỏ để cho con nghe khoảng nửa tiếng sau khi con vừa chìm vào giấc ngủ mỗi đêm.
Tôi đã dạy phương pháp này cho những người mẹ hỏi xin lời khuyên của tôi về những vấn đề như: muốn con không đánh bạn, muốn con không ghét đi nhà trẻ hay là muốn con sửa thói quen không mút tay nữa... Và tôi đã nhận được nhiều tin vui liên tiếp từ những người mẹ này như: sau một tuần, trẻ bỏ được thói quen mút tay, sau ba ngày, con đã có thể đi nhà trẻ một cách vui vẻ...
Nếu bạn muốn thay đổi những nét tính cách không mong muốn của con thì nhất định nên thử phương pháp này.
5. Hãy dạy dỗ con và đừng la mắng
Giáo dục trẻ với phương thức la mắng thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Bất kỳ ai cũng sẽ cảm thấy không vui khi bị la mắng, kể cả người làm mẹ. Mẹ hãy thử tưởng tượng chuyện mình bị mẹ chồng la mắng và bắt bẻ mỗi ngày. Hoặc, hãy thử nghĩ đến chuyện mỗi ngày chồng bạn đều phàn nàn về những thứ nhỏ nhặt và giận dữ la mắng mỗi khi không vừa ý. Người bị la mắng liệu có cảm thấy thoải mái không? Chồng bạn có thể sẽ trở nên khó chịu và tiếp tục thêm dầu vào lửa trong cơn giận.
Khi áp dụng phương pháp la mắng trong nuôi dạy trẻ, chắc chắn trẻ cũng sẽ ở trong trạng thái cảm xúc khó chịu như vậy. Những hạt mầm của sự giận dữ sẽ được gieo đầy trong trái tim trẻ. Có thể, trẻ sẽ trở nên dễ nổi cáu, hay chống đối cha mẹ, hoặc sẽ không có hứng thú và không có khả năng tập trung vào việc gì nữa.
Khi người ta giận dữ, khó chịu hay sợ hãi, thì nồng độ axit của máu trong não tăng lên. Nội tiết tố kích thích sự học tập sẽ bị ức chế và không hoạt động được. Ngược lại, khi được khen, não bộ sẽ hoạt động tốt hơn gấp hai mươi lần so với thông thường.
Đừng quở mắng lỗi lầm của một đứa trẻ.
Trong nuôi dạy con, cha mẹ thường có xu hướng chỉ nhìn thấy những điểm tệ nhất của con. Khi nhìn thấy những điểm chưa tốt của con, họ nghĩ mình phải có trách nhiệm chỉnh sửa cho con ngay từ khi con còn nhỏ, và thế là họ cứ la mắng hoặc trách phạt con. Đây là cách làm không khôn ngoan. Nếu chúng ta cứ tập trung để tìm ra những điểm xấu thì điểm xấu chỉ càng nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn mà thôi.
Trẻ trong khoảng một tuổi học cách di chuyển xung quanh tùy thích và muốn đưa tay ra với những đồ vật khác nhau ở trong phòng. Trẻ sẽ lôi ngăn kéo của bàn trang điểm ra và lấy hết những đồ vật bên trong bỏ ra ngoài. Trẻ còn ném nhiều loại đồ vật khác nhau, từ nhỏ đến lớn, không chừa một vật nào. Thậm chí, trẻ còn trèo lên bàn nữa. Khi đó, cha mẹ thường ngay lập tức nghĩ rằng đây là những hành vi không tốt và cần phải được chỉnh sửa bằng kỷ luật. Và họ bắt đầu la mắng con: “Con không được làm thế này...”.
Tuy nhiên, với trẻ, đây là những mong muốn tự nhiên trong quá trình phát triển của mình, nên trẻ đơn giản là không thể ngừng làm vậy. Vậy là người mẹ lại phạt và đánh con.
Vậy thì kết quả của những hành động đó sẽ như thế nào? Câu nói “Không được làm thế này...” của cha mẹ sẽ khiến sự phát triển của trẻ bị chững lại hoặc trở nên sai lệch với hướng phát triển ban đầu. Trẻ có thể sẽ trở thành người hay phản kháng và không còn ngoan ngoãn nữa. Ngược lại, nếu cha mẹ không cho rằng những điều trẻ làm là trò nghịch ngợm mà hãy xem chúng là những trải nghiệm thực tế cần thiết cho sự phát triển của con, và sẵn sàng giúp đỡ con tất cả những việc mà con đang làm thì sao? Khi đó, cảm xúc của trẻ sẽ được thỏa mãn. Trẻ sẽ phát triển rất nhanh chóng.
Cha mẹ cần biết rằng trẻ ở độ tuổi này đang trong giai đoạn rất muốn được trải nghiệm và khám phá thế giới xung quanh. Với những hành động của con trẻ trong giai đoạn này, cha mẹ đôi lúc cần có sự kiên nhẫn.
Khi con bắt đầu ném đồ vật, nếu cha mẹ dự vào và giúp con ném thì con sẽ nhanh chóng bước qua giai đoạn thích ném đồ của mình. Với những trẻ thích leo lên trên bàn, cha mẹ hãy chồng nệm lên và để con trèo lên đó hoặc cho con trèo lên ghế. Nếu làm như vậy, cha mẹ sẽ giúp con nhanh chóng kết thúc quá trình “trải nghiệm” hoạt động leo trèo của mình.
Ném đồ hay phá hỏng đồ đạc tuy đều là những hành động gây phiền toái nhưng cha mẹ cần kiên nhẫn và khoan dung với con để không khiến con có thái độ chán ghét việc học hỏi trong tương lai. Bởi tâm trí vô thức của trẻ sẽ hoạt động và phản ứng lại với những mệnh lệnh, những cấm đoán đó để làm ngược lại mong muốn của cha mẹ.
Nếu trẻ được bảo phải học đi, điều đó càng khiến trẻ không muốn học. Hay với những trẻ vốn đã chậm chạp vào buổi sáng sẽ càng làm chậm hơn nếu cha mẹ thúc giục: “Con nhanh lên xem nào!”. Giải pháp tốt nhất để ứng phó là để mặc trẻ và kiên nhẫn xem trẻ làm.
Dù trẻ trễ giờ học, cha mẹ cũng đừng nói gì cả. Hãy lặng lẽ quan sát trẻ và không trách phiền trẻ trong suốt một tuần. Khi đó, trẻ sẽ dần tự mình suy nghĩ và tự biết thay đổi. Trẻ sẽ nhanh chóng thức dậy và tự mình lo liệu những công việc của bản thân.
Khi cha mẹ thôi can thiệp thì trẻ sẽ tự mình thay đổi. Trong khoảng một tuần, cha mẹ hãy kiên nhẫn và giữ im lặng, không nói những câu thúc giục con như: “Nhanh lên con”, “Đến giờ con phải học bài rồi”... Khi đó, trẻ sẽ bắt đầu thay đổi và cha mẹ phải nhìn ra những thay đổi đó để nhanh chóng khen ngợi trẻ. Khi được khen, tâm trạng của trẻ sẽ tốt hơn, do đó, trẻ sẽ có động lực để thay đổi và tự giải quyết được khó khăn của mình.
6. Không ngừng khen ngợi trẻ
Bây giờ, xin hãy thử ngẫm lại những lời nói mà bạn thường nói với con mỗi ngày.
Có phải là có rất nhiều những câu cấm đoán và ra lệnh cho con như: “Không được”, “Mẹ cấm con...”, “Con hãy nhanh lên”, “Con hãy ...”?
Có bao nhiêu lời bạn nói với con là lời khen ngợi? Nếu như tỷ lệ giữa những lần khen và la mắng là khen con khoảng bảy lần, la mắng ba lần thì bạn đã làm rất tốt trong việc giáo dục con rồi đấy.
Tuy nhiên thực tế lại có nhiều bà mẹ đang dạy con bằng cách thường xuyên la mắng và ít khen ngợi con. Điều này hẳn bởi vì cha mẹ xem con mình là một sự sống thấp hơn chính họ. Theo quan điểm của họ, mức độ nhận thức của người lớn bao giờ cũng cao hơn so với trẻ. Kiểu nuôi dạy con này sẽ luôn dẫn đến thất bại.
Một góc nhìn bình đẳng cũng không tốt. Khi cha mẹ trở nên ngang hàng với con, thì không nghi ngờ gì nữa, con sẽ cho rằng người lớn cũng ngang hàng với mình, từ đó, con có thể hay chế giễu hay trêu chọc những người lớn tuổi hơn. Do vậy, tốt nhất là cha mẹ nên đặt tầm nhìn của mình thấp hơn so với của con. Cha mẹ hãy dành cho con sự tôn trọng từ tận đáy lòng. Trẻ vẫn đang cất giấu những khả năng tiềm tàng vô hạn lớn lao hơn rất nhiều so với người lớn.
Nếu cha mẹ luôn dành sự tôn trọng cho con thì sẽ không có những hành vi như la mắng hay vô ý trêu chọc con. Nếu như cha mẹ đặt mình thấp hơn con và sử dụng ngôn ngữ lịch sự khi muốn nhờ con làm một việc gì đó thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Có những giai đoạn trong quá trình phát triển của trẻ, bản thân trẻ rất háo hức muốn làm hết mọi việc, cha mẹ hãy nhờ trẻ phụ giúp việc gì đó. Khi cha mẹ nói với con rằng: “Con giúp cha mẹ việc này được không?” thì con sẽ vui vẻ làm dù đó là bất cứ việc gì.
Qua những lúc như vậy, bạn đã có thể dễ dàng dạy con về tinh thần lao động. Sau khi được con giúp đỡ, cha mẹ hãy nói lời cảm ơn và khen ngợi con, nói với con rằng con đã làm rất tốt dù có thể sản phẩm con làm ra vẫn còn rất vụng về.
Tâm hồn của trẻ sẽ cảm thấy thỏa mãn khi được khen ngợi và nhìn nhận. Do đó, cha mẹ phải tạo nhiều cơ hội hơn để khen con như vậy.
Để con giúp đỡ công việc hàng ngày
Cách làm này sẽ không còn hiệu quả khi trẻ quá bốn tuổi. Bởi vậy, thói quen này cần phải được thực hiện đến trước khi con ba tuổi.
Bức thư từ thầy giáo Momose Ikumi – Viện Giáo dục Trẻ em Shichida tại quận Nagano
Tôi đã từng dạy tại một trường tư thục trong khoảng hai mươi năm trước khi biết đến Viện Giáo dục Shichida. Tôi tự dạy học mà không thuộc bất cứ tổ chức nào, tuy nhiên sau nhiều năm, qua quan sát tôi thấy một số học sinh thay đổi theo chiều hướng xấu hơn, chúng không phát triển hơn, không biết điềm tĩnh, không có khả năng tập trung, ăn nói vô lễ,...
Tôi nhận thấy nhiều đứa trẻ cho rằng chuyện học tập thật tẻ nhạt và tôi thậm chí còn thấy chán ghét bản thân mình vì đã chẳng thể làm gì giúp được chúng.
Tôi đã luôn động viên chúng rằng: “Cuộc đời con mới chỉ bắt đầu thôi” hay “Nếu con thử thì chắc chắn con có thể làm được”, thế nhưng những đứa trẻ vốn luôn nhìn nhận bản thân một cách tiêu cực sẽ không thể vui vẻ tiếp thu những gì người khác nói.
Tại sao có nhiều đứa trẻ lại buông xuôi cuộc đời mình đến như vậy? Những đứa trẻ này chỉ mới sống được hơn chục năm của cuộc đời, sao chúng có thể quyết định tự giới hạn những khả năng của bản thân như thế? Khi tôi nhìn lại hai mươi, hay thậm chí chỉ mười năm trước, tôi dường như nhìn thấy từng có rất nhiều cô bé cậu bé với ánh mắt long lanh tràn đầy ước mơ, hoài bão; và đây không phải là cảm giác của chỉ riêng tôi.
Tuy nhiên, sau khi biết đến Viện Giáo dục Shichida, tình thế đã hoàn toàn thay đổi. Theo như tôi hiểu về Viện Giáo dục Shichida, điều thuyết phục tôi nhất là giáo sư đã chú trọng dạy phép tắc và kỷ luật cho trẻ.
Có sáu điều trong phương pháp giáo dục trẻ theo lời dạy của giáo sư Shichida, đó là:
1. Đừng tập trung vào khuyết điểm của con
2. Đừng xem trạng thái hiện tại của con là trạng thái hoàn thiện (hoặc cho rằng con sẽ trở thành như vậy khi con hoàn toàn trưởng thành)
3. Đừng theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo trong việc nuôi dạy con
4. Đừng so sánh con với những trẻ khác (mỗi đứa trẻ đều sở hữu những tố chất khác nhau để trở thành số một)
5. Đừng quá chú trọng vào thành tích học tập của con
6. Hãy nhìn nhận con vô điều kiện và hoàn toàn chấp chận con
Khi tôi biết về triết lý này, tôi cảm thấy rằng đây thực sự chính là nền tảng của giáo dục và ngay lập tức tôi đã nhanh chóng áp dụng một số điều này trong lớp học.
Có một buổi học tại lớp với nội dung về thơ Haiku, tôi đã yêu cầu các bà mẹ làm một bài thơ có tên con mình trong thể thơ năm – bảy – năm ấy và tôi nhờ các bà mẹ đọc bài thơ đó ngay trong lớp học:
“Takaya con yêu
Con là đứa trẻ thông minh nhất
Thông minh nhất trên đời.”
Hay
“Aya con thân yêu
Con của mẹ xinh đẹp biết bao
Tin lời mẹ con nhé!” (tạm dịch)
Những đứa trẻ đều chăm chú lắng nghe. Có những người mẹ không thể nghĩ ra được điểm tích cực nào của con, nhưng dẫu sao cố gắng viết một vài dòng thơ cũng tốt hơn là không có gì, bởi vậy tôi đã yêu cầu họ hãy cố gắng hết sức. Khi được cha mẹ khen thông qua những bài thơ Haiku như thế, ánh mắt trẻ sáng rực hẳn lên và động lực học tập trong lớp của trẻ cũng đã hoàn toàn thay đổi.
Ngoài thơ Haiku, tôi cũng để những người mẹ viết về Năm điểm tốt của con. Mỗi tuần mẹ hãy nói trước mặt con những điểm tốt mới khác nhau của con, đây là một cách luyện tập để suy nghĩ một cách tích cực.
1. Aya của mẹ rất thích đọc sách.
2. Takuya của mẹ đẹp trai nhất lớp.
Những nỗi lo lắng về bệnh tật hay thương tổn là nỗi lo mà cha mẹ nào cũng có, nhưng cũng có những lo lắng mà cha mẹ tự tưởng tượng ra. Khi cha mẹ không nhìn ra được điểm tốt của con thì những khuyết điểm của con lại càng nổi bật lên.
Có đôi khi trẻ trở thành nơi để cha mẹ trút giận hay giải tỏa căng thẳng. Nếu cha mẹ nghĩ con như một vật sở hữu thì sẽ nói không ngừng nghỉ như một chiếc băng thu, liên tục ra lệnh, ép buộc con và áp đặt suy nghĩ của mình lên con. Nhưng rồi, nhờ phương pháp mà tôi áp dụng trong lớp học, những người mẹ cảm thấy rất vui khi họ có thể nhìn ra điểm tốt của con mình. Tôi cũng khuyên họ viết những bài thơ Haiku khen ngợi điểm tốt của chồng mình.
Kết quả của việc hướng dẫn những người mẹ có những tư duy tích cực hơn là gì? Là trẻ sẽ luôn phát triển trong sự vui vẻ và có động lực phấn đấu. Dưới sự hướng dẫn của tôi, lớp học luôn vui vẻ, thoải mái và các bà mẹ luôn rất háo hức dẫn con mình đến lớp học. Nhờ vậy, cho đến nay, cách nhìn nhận bi quan của tôi đối với con trẻ cũng đã hoàn toàn thay đổi.
Khi người làm mẹ thay đổi, tôi thay đổi, cả lớp học đã trải qua sự thay đổi hoàn toàn và tôi cũng đã có lối suy nghĩ rất tích cực.