Giáo dục trẻ em trong thế kỷ 21
1. Những học thuyết lần lượt bị bác bỏ có liên quan đến thai nhi
Kiểu giáo dục nào chúng ta cần hướng đến trong thế kỷ 21?
Trong thế kỷ 21, những đứa trẻ của chúng ta sẽ lớn lên và sở hữu những năng lực như thể một người trưởng thành. Ở thế kỷ 21, chúng ta có nên tiếp tục giữ nguyên phương thức giáo dục trẻ em như trước đó? Theo tôi, giáo dục ở thế kỷ 21 nhất định sẽ có một sự thay đổi to lớn, một sự chuyển biến toàn diện về mọi mặt. Điều này có thể được rút ra từ những nghiên cứu về trẻ sơ sinh đã và đang được tiến hành hiện nay.
Hiện nay, những nghiên cưu về trẻ sơ sinh đang phát triển với tốc độ vượt bậc. Đầu thế kỷ 20, chỉ mới có một vài nghiên cứu liên quan đến trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, đến những năm 1950, số lượng nghiên cứu liên quan đến trẻ sơ sinh đã tăng lên nhanh chóng. Theo tôi được biết, trong những năm 1950, số lượng nghiên cứu về trẻ sơ sinh được các học giả trên toàn thế giới công bố đã lên đến năm trăm nghiên cứu. Vì vậy, thập niên 1960 đã đánh dấu một “thời kỳ phục hưng” của giáo dục trẻ sơ sinh.
Đến nay, giáo dục trẻ sơ sinh được phân thành hai học thuyết, đó là thuyết phát triển tự nhiên và thuyết đợi trẻ sẵn sàng. Thuyết phát triển tự nhiên nghĩa là trẻ sẽ khôn lớn và phát triển trí tuệ một cách tự nhiên. Trong khi đó, thuyết đợi trẻ sẵn sàng nghĩa là có một thời điểm thích hợp để trẻ bắt đầu học tập, đó là vào khoảng thời gian trẻ được sáu tuổi.
Đến những năm 1960, sự phát triển của trẻ không chỉ dựa vào hai học thuyết trên mà còn có sự thay đổi dựa trên hai học thuyết khác, đó là thuyết tác động từ môi trường và thuyết nhận thức. Thuyết tác động từ môi trường cho rằng trí tuệ của trẻ bị chi phối chủ yếu bởi yếu tố môi trường xung quanh từ khi trẻ được sinh ra và bởi những gì mà trẻ được dạy. Thuyết nhận thức thì phát biểu rằng trẻ sơ sinh vốn đã có khả năng học tập ngay từ khi chào đời.
Đến đầu những năm 1970, những bài nghiên cứu liên quan đến trẻ sơ sinh của các học giả trên toàn thế giới đã đạt con số trên hai nghìn nghiên cứu. Đến những năm 1990, nhiều học thuyết liên quan đến vấn đề giáo dục trẻ em mà trước đó nhiều người vẫn tin là đúng đắn, là chính xác đã dần bị những nghiên cứu mới chỉ ra điểm sai lầm.
Ví dụ, Piaget đã từng nói rằng: “Trẻ sơ sinh thường hướng nội, hoàn toàn tách biệt khỏi thế giới bên ngoài và được bao bọc hoàn toàn trong thế giới của riêng chúng”. Tuy nhiên, đến giờ thì ai cũng biết rằng điều đó là hoàn toàn sai lầm. Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, trẻ sơ sinh đã kết nối với thế giới bên ngoài. Các nhà nghiên cứu đã dần dần tìm ra những bằng chứng chứng minh rằng trẻ mới sinh ngay lập tức đã cố gắng giao tiếp với mọi người xung quanh.
Giáo sư Burton Howard, được mệnh danh là người tiên phong trong lĩnh vực giáo dục trẻ sơ sinh đã từng nói rằng: “Trẻ sơ sinh không thể suy nghĩ. Bởi vì trẻ sơ sinh không thể sử dụng ngôn ngữ nên hoàn toàn không thể giao tiếp với những người xung quanh được. Trẻ sơ sinh cũng không thể tự di chuyển theo ý muốn của chúng, không thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ với những thứ bên trong tầm nhìn của chúng”. Tuy nhiên, cho đến nay ai cũng biết rằng quan điểm này là hoàn toàn sai lầm.
2. Các học giả đã tìm ra nhiều phát hiện mới liên quan đến sự phát triển của trẻ sơ sinh
Trong vòng hai mươi năm, các học giả trên toàn thế giới đã tiến hành rất nhiều nghiên cứu liên quan đến trẻ sơ sinh và đạt được nhiều phát hiện mới.
2.1. Chức năng não của trẻ em phát triển cao độ
Trong quá khứ, người ta tin rằng trẻ em không hề có cảm giác và tư duy, bởi vậy, đương nhiên là chúng chưa thể nào có khả năng ghi nhớ và khả năng học tập. Đó là những gì mà các học giả đã ra sức tuyên bố. Vì lý do đó, có nhiều bậc phụ huynh dù thấy con mình thông minh như thế nào đi chăng nữa vẫn cứ khăng khăng cho rằng con mình thật ra không hề biết gì.
Vì những mạch thần kinh trong não bộ của trẻ em vẫn chưa được hình thành hoàn thiện nên nhiều người tin rằng trẻ em chưa thể có khả năng kết hợp khả năng cảm giác và khả năng lý giải.
Tuy nhiên, sự thật là trẻ em ngay từ khi vừa chào đời các giác quan đã hoạt động với chức năng đầy đủ, khả năng lý giải và khả năng ghi nhớ cũng phát triển cực kỳ mạnh mẽ.
2.2. Trẻ em là những thiên tài trong giao tiếp
Chúng ta thường cho rằng trẻ em khi còn trong bụng mẹ và trẻ em vừa chào đời không có năng lực giao tiếp. Tuy nhiên, sự thật thì trẻ em sở hữu một khả năng giao tiếp phi ngôn ngữ còn tuyệt vời hơn cả người lớn.
Một nghiên cứu mới nhất đã chứng minh rằng: kể cả khi cha mẹ không thể nào hiểu được những thông điệp mà thai nhi muốn truyền đạt đến mình thì thai nhi vẫn có khả năng tiếp thu tốt những thông điệp mà cha mẹ muốn nói với con.
2.3. Trẻ em sở hữu những năng lực tuyệt vời từ trước khi bắt đầu học tập
Trong quá khứ, nhiều học giả cho rằng vì vỏ não của trẻ em vẫn chưa phát triển hoàn thiện nên não bộ cũng chưa thể thực hiện đầy đủ hết các chức năng, do vậy nếu nói một cách logic thì trẻ em vẫn chưa có khả năng học tập tốt. Tuy nhiên, theo những nghiên cứu mới nhất thì trẻ có khả năng giao tiếp chính xác ngay lập tức.
Năng lực giao tiếp phát triển từ rất sớm của trẻ khiến chúng ta phải thay đổi suy nghĩ rằng đó không phải là khả năng trẻ học được mà là khả năng trẻ vốn có sẵn ngay từ lúc sinh ra.
Khả năng thực hiện các phép tính Dot chính là một trong số những ví dụ chứng minh trẻ có năng lực học tập ngay từ khi chào đời.
2.4. Trẻ em vừa chào đời đã có sẵn khả năng giao tiếp
Cho đến nay, vẫn còn nhiều người cho rằng trẻ em vừa sinh ra vì không thể sử dụng lời nói nên không thể nào giao tiếp được. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh sở hữu một thị giác rất phát triển, trẻ có thể phản ứng và học tập rất nhanh từ thế giới mà trẻ quan sát, lắng nghe được. Hơn thế nữa, những đứa trẻ còn biết cách nhìn khẩu hình miệng để hiểu.
Vào năm 1978, đã có một thực nghiệm được tiến hành tại Pháp. Thực nghiệm này đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ rất muốn được cha mẹ đọc cho nghe những câu chuyện thông thường, thế nhưng trẻ sẽ không muốn nghe nếu cha mẹ cầm cuốn sách lộn ngược.
Một thực nghiệm khác được tiến hành ở Luân Đôn với việc sử dụng những bài hát ru. Khi trẻ nghe bài hát ru, nếu chuyển động của môi cùng với lời bài hát khớp với nhau thì trẻ sẽ thể hiện sự hứng thú muốn lắng nghe, còn khi chuyển động của môi cùng lời bài hát có sai lệch dù chỉ là 0,4 giây, trẻ sẽ không còn hứng thú nữa.
Khả năng cảm nhận sự hòa hợp giữa của chuyển động môi cùng giọng hát của trẻ cũng đã được chứng minh ở thí nghiệm tiếp theo. Những đứa trẻ sinh ra ở nước nói tiếng Anh được xem những gương mặt của người Nhật và sau đó được xem một đoạn tiếng Nhật. Trong đó, chỉ có một người là đang nói lời thoại khớp với những gì trẻ đang được nghe. Cuối cùng, trẻ sẽ nhìn ra được đúng người có khẩu hình miệng khớp với đoạn tiếng Nhật mà trẻ đang được nghe.
Thậm chí ngay từ khi mới sinh ra, trẻ sơ sinh người Pháp sẽ thích được nhìn gương mặt của những người nói tiếng Pháp và trẻ sơ sinh người Nhật sẽ thích được nhìn gương mặt của những người nói tiếng Nhật.
2.5. Trẻ ghi nhớ được khoảnh khắc mình chào đời
Một trong những phát hiện quan trọng của thế kỷ 20 là các nhà khoa học đã chứng minh được rằng trẻ em còn lưu giữ lại những ký ức chào đời của mình.
Tôi đã đề nghị với các bà mẹ trong Câu lạc bô Những người bạṇ giáo dục trẻ sơ sinh rằng khi con họ được hai tuổi hãy trò chuyện và hỏi con về ký ức khi con vừa mới chào đời. Nhiều bà mẹ đã kể lại với tôi rằng con họ đã kể lại cho họ nghe những ký ức mà các con nhớ được khi mình chào đời.
2.6. Trẻ sơ sinh đều là thiên tài và đây là giai đoạn trẻ có khả năng học tập tốt nhất trong cuộc đời
Đã có những thời điểm mà trẻ em được cho là chưa phát triển nhận thức và cảm giác, chưa có năng lực, bởi vậy không được nhìn nhận như là một con người hoàn thiện. Tuy vậy, ngày nay các học giả đã thay đổi cách nhìn nhận hoàn toàn.
“Nhận thức cộng đồng về giáo dục sớm dành cho trẻ sơ sinh đang trong quá trình thay đổi lớn lao dựa trên những sự thật đã được khám phá này. Sự thay đổi này không chỉ đơn thuần là trong nhận thức của con người về giáo dục sớm cho trẻ nhỏ. Đây còn là sự thay đổi về nhận thức cơ bản hay kiến thức về não bộ con người đã tạo ra sự thay đổi trong nhận thức của chúng ta trong quan điểm về loài người.” (David Chamberlain, Những đứa trẻ nhớ được lúc chào đời).
3. Nhận thức cộng đồng đang thay đổi nhanh chóng
Thế kỷ 21 được kỳ vọng chính là thời đại cách mạng hóa về nhận thức. Các học giả chỉ ra rằng vào thời điểm cuối thế kỷ 21, nhận thức của con người sẽ có sự thay đổi to lớn.
Vậy thì, nhận thức của con người đang thay đổi nhanh chóng như thế nào? Để tìm được câu trả lời cho câu hỏi này, đầu tiên chúng ta hãy cùng nhìn nhận xem từ xưa đến nay nhận thức của nhân loại đã chuyển biến như thế nào.
Trong quá khứ, con người đã từng cho rằng mặt trời chuyển động xung quanh trái đất, đây chính là thuyết Địa tâm. Sau đó, thuyết Địa tâm đã dần chuyển thành thuyết Nhật tâm hay còn gọi là thuyết Copernicus, nghĩa là trái đất quay xung quanh mặt trời. Tiếp sau đó, từ Thuyết vũ trụ của Newton dần dần chuyển đến Thuyết vũ trụ tương đối của Einstein và từ Chủ nghĩa duy lý chiếm ưu thế cho đến Chủ nghĩa khoa học mới của thế kỷ 21, các học thuyết tiếp tục phát triển và rồi lại bị thay thế bằng những học thuyết khác.
Hiện nay, các nhà vật lý đang nghiên cứu những lĩnh vực khoa học mới – những lĩnh vực đã vượt xa những nhận thức liên quan đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Thực tế là nhận thức của con người đang bước vào một giai đoạn mới. Một quan điểm nhìn nhận tự nhiên mới đang dần được lan truyền rộng rãi trên thế giới.
Vậy thì quan điểm nhìn nhận tự nhiên mới đó là gì?
Quan điểm nhìn nhận tự nhiên mới là quan điểm xem vũ trụ dưới dạng toàn thể: nhìn nhận toàn thể vũ trụ như một cơ thể hoàn chỉnh chứa đựng sự sống và những nhận thức về vũ trụ là để hợp nhất toàn bộ thế giới và mỗi cá nhân con người sẽ được kết nối với nhau thông qua những nhận thức chung về vũ trụ đó.
Sau đây, tôi sẽ trình bày sự khác biệt giữa nền Khoa học mới, làm thức tỉnh nhận thức vũ trụ, và Khoa học hoàn toàn dựa trên những giải thích của Chủ nghĩa duy lý.
Ba đặc trưng của Khoa học dựa trên Chủ nghĩa duy lý là:
1. Sự tách biệt giữa vật chất và tinh thần.
2. Sự tách biệt của con người khi quan sát các hiện tượng vật lý như là những đối tượng nghiên cứu.
3. Cái nhìn về vật chất, không gian và thời gian là tách biệt và độc lập với nhau.
Ngược lại, nền Khoa học mới có các đặc trưng là:
1. Luật phân chia thể xác và tinh thần, tự nhiên và con người thành những đối tượng tách biệt là một quan điểm sai lầm. Sự vật phải được đặt trong tính tổng thể, các yếu tố có tính phụ thuộc qua lại lẫn nhau.
2. Hiện tượng di truyền không phải là bất biến, mà có khả năng biến đổi.
Năm 1951, nhà khoa học nữ người Mỹ Barbara McClintock đã phát hiện ra gen (phân tử di truyền) chuyển động một cách tự do. Tuy nhiên, những nhà khoa học thời đó vẫn tin vào việc gen di truyền là không thể thay đổi và không chịu thừa nhận phát hiện này.
Tuy nhiên, ba mươi năm sau, nhóm các nhà khoa học ở Đại học Osaka đã trình bày phát biểu về việc các gen có khả năng thay đổi trình tự sắp xếp, đến lúc này nghiên cứu của McClintock mới được thừa nhận và bà đã nhận giải thưởng Nobel vào năm 1983.
Hiện tượng gen di truyền không phải là cố định mà chúng có thể thay đổi linh hoạt đã được chứng minh một cách khoa học. Như vậy, khoa học đã chứng minh rằng những khả năng của trẻ em không nhất thiết phải được kế thừa từ cha mẹ.
Ngày nay, con người đã dần tin vào việc ý thức của con người có thể khiến cho con người, động thực vật hay vật thể… dịch chuyển (do đặc tính phụ thuộc lẫn nhau). Nói cách khác, việc con người có sức mạnh siêu nhiên, khả năng trực giác dần được xem là chuyện đương nhiên. Quan điểm của Khoa học mới xem những năng lực đó là hiện tượng khoa học tự nhiên.
Chúng ta sẽ không thể nào bàn về việc giáo dục cho trẻ em ở thế kỷ 21 nếu không có sự hiểu biết về những khả năng kỳ diệu mà trẻ sở hữu. Vài năm về trước, chủ tịch danh dự của Sony - Masaru Ibuka đã từng nói: “Tôi nghĩ rằng tất cả trẻ em đều sở hữu những năng lực trực giác kỳ diệu” và gần đây, ông cũng rất ủng hộ những bài viết về năng lực trực giác của trẻ sơ sinh trên tờ tạp chí Phát triển trẻ sơ sinh.
Ví dụ, khi đọc lướt qua số phát hành tháng 8, năm 1989 của tạp chí Phát triển trẻ sơ sinh, bạn sẽ thấy có một bức ảnh miêu tả khi một người lớn cầm cây gậy và định đánh một đứa trẻ từ phía sau thì đứa trẻ ấy nhanh chóng cúi xuống để tránh được. Ở trang tiếp theo có một bức ảnh miêu tả cảnh những đứa trẻ tuy bị bịt mắt nhưng vẫn có thể nhanh chóng chạy đến đúng chỗ mẹ của chúng đang đứng.
Tuy nhiên, khi đến lượt những người mẹ bị bịt mắt thì họ mãi không tìm thấy con của mình. Đối với trẻ em thì làm được những việc như vậy là rất đỗi bình thường và không đến mức phải gọi là khả năng kỳ diệu gì cả. Nhưng đứng từ quan điểm của người lớn thì đây có thể được coi là những biểu hiện của khả năng trực giác.
Trẻ sơ sinh vốn đã ẩn chứa rất nhiều khả năng trực giác mà người lớn không biết.
Tôi tin rằng trong tương lai, trọng tâm của vấn đề giáo dục trẻ em là chúng ta cần phải phát hiện, nuôi dưỡng và phát triển được những khả năng kỳ diệu vẫn ẩn chứa trong trẻ.
Cha mẹ và giáo viên – những người trực tiếp chịu trách nhiệm nuôi dạy trẻ nên quan tâm và tìm hiểu những nghiên cứu khoa học vẫn đang ngày càng phát triển liên quan đến não bộ con người. Họ không nên để bị tụt hậu mà nên tham gia tích cực vào quá trình giáo dục, nuôi dưỡng trẻ để đi trước thời đại một bước.
Những đứa trẻ được sinh ra trong tương lai chính là những đứa trẻ của thời đại mới. Chúng là những đứa trẻ mang trong mình những năng lực và sứ mệnh không thuộc về chúng ta, những người ở thời đại cũ.
Vì vậy, tôi tin rằng chúng ta phải nuôi dạy thế hệ trẻ này với sự tôn trọng. Chúng ta không thể tiếp tục cách giáo dục trẻ như chúng ta đã từng làm trong quá khứ, nuôi dạy chúng nhằm thúc ép chúng tham gia những cuộc thi cạnh tranh để vào được những trường học mà chúng ta cho là tốt nhất.
Vậy thì chúng ta nên làm như thế nào để phát triển được những khả năng não phải của những đứa trẻ này? Và khi bán cầu não phải của trẻ phát triển sẽ đem lại những kết quả gì?
Trong não bộ và tiềm thức của con người còn ẩn chứa những năng lực vẫn chưa được con người biết đến. Những chức năng bí ẩn này có liên kết với tình trạng của ý thức ở cấp độ cao. Cấp độ ý thức này chính là vấn đề. Ý thức làm thay đổi con người. Ý thức kiểm soát cơ thể có thể giúp chữa lành bệnh tật. Nó có thể loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể con người.
Những người có não phải phát triển có thể sử dụng ý thức một cách tự nhiên như vậy. Chính nhờ những khả năng của não phải mà con người có thể phát hiện được nguồn gốc những bệnh tật bên trong cơ thể mình. Nghe có vẻ như đó là những năng lực siêu nhiên nhưng đó là sự thật. Con người ở thời đại mới là những người có thể sử dụng những năng lực tinh thần như thế.
Tôi đã giải thích những khả năng mà trẻ có não phải phát triển có thể thực hiện được vì tôi mong muốn có một cuộc thay đổi cách mạng trong nhận thức của các bạn. Càng nhiều người chấp nhận những quan điểm nhận thức mới này thì sẽ càng có nhiều trẻ em nhanh chóng phát triển được những khả năng đã tiềm ẩn sẵn có và từ đó đóng góp vai trò tích cực trong thời đại mới với tư cách là những con người mới.
4. Thuyết cơ hội tạo nên tài năng
Tôi đã giải thích rằng trẻ em ngay từ khi sinh ra đã sở hữu những khả năng vô cùng vượt trội, tuy nhiên nếu chúng ta không tạo ra cơ hội để những khả năng này phát triển thì chúng sẽ không bộc lộ và sẽ dần biến mất. Đó chính là lý thuyết cơ hội tạo nên tài năng.
Đó cũng là một trong những khả năng tự nhiên của con người, những khả năng đặc biệt được ẩn giấu trong các DNA (các phân tử mang thông tin di truyền). Để những khả năng này bộc lộ thì chúng ta cần phải tạo ra điều kiện, môi trường thuận lợi, nếu không chúng sẽ dần mất đi và không thể nào sử dụng được nữa theo đúng quy luật thuyên giảm tài năng.
Có hai học thuyết cũng nêu ra những quan điểm tương tự với Thuyết cơ hội tạo nên tài năng của tôi. Đó là Thuyết hình thái cộng hưởng của Rupert Sheldrake và Thuyết hệ thống phụ thuộc của Lyall Watson. Sau đây, tôi sẽ giới thiệu với các bạn về hai học thuyết này.
Theo Rupert Sheldrake thuộc trường Đại học Cambridge, khi một hình thái nào xuất hiện lần đầu tiên, thì môi trường tạo ra hình thái đó cũng sẽ xuất hiện đồng thời. Theo quan điểm này, ví dụ như, khi một đứa bé bắt đầu thể hiện khả năng tính toán còn nhanh hơn cả các công cụ tính toán nhờ vào thẻ Dot thì môi trường hay cơ hội thuận lợi để nuôi dưỡng hình thái này cũng được tạo ra, và thông qua việc tận dụng cơ hội, các hình thái thứ hai, hình thái thứ ba khác cũng sẽ dần được hình thành theo. Với mỗi lần môi trường này được lặp lại, sức mạnh của môi trường hay cơ hội sẽ tăng lên, nhờ vậy, việc hình thành hình thái sẽ ngày càng trở nên dễ dàng hơn.
Câu chuyện sau đây sẽ giúp bạn kiểm chứng quan điểm này.
Hai trăm năm mươi năm trước, glycerin là chất lỏng. Các nhà khoa học đã cố gắng để kết tinh glycerin, nhưng suốt hai trăm năm đã trôi qua, nỗ lực này vẫn chưa đạt được thành công. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ này, một nhà máy ở Viên, thủ đô của Áo đã vận chuyển glycerin cho một khách hàng ở Luân Đôn trên một chiếc tàu chuyên chở. Chuyến hàng gặp phải cơn bão lớn ở giữa đường nhưng rất may hàng hóa cuối cùng đã đến nơi mà không bị hư hại gì. Khi khách hàng mở các thùng hàng hóa ra để kiểm tra thì một thùng glycerin đã được kết tinh lại. Khi các nhà khoa học đặt tinh thể glycerin vào glycerin lỏng thì glycerin lỏng kết tinh một cách dễ dàng. Nhờ vậy, glycerin đã được kết tinh bằng cách đó trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tại một viện nghiên cứu ở Mỹ, khi người ta đang kết tinh glycerin bằng cách cho glycerin đã kết tinh vào glycerin lỏng, thì toàn bộ số glycerin có trong phòng nghiên cứu, kể cả số glycerin lỏng chưa được cho glycerin kết tinh vào cũng bắt đầu kết tinh. Kể từ đó, tại tất cả các phòng nghiên cứu, glycerin kết tinh một cách tự nhiên như vậy.
Khả năng tính toán cùng thẻ Dot cũng hoạt động tương tự như vậy. Đầu tiên chỉ có một, hai đứa trẻ có thể phát triển được khả năng này. Nhưng rồi số lượng trẻ em có thể có khả năng thực hiện thẻ Dot tăng dần lên, và số lượng những đứa trẻ có thể thực hiện thành công hoạt động này cũng sẽ tăng lên.
Tiếp theo là Thuyết hệ thống phụ thuộc của Lyall Watson, một nhà sinh vật học kiêm hải dương học ở Anh, cũng là tác giả cuốn sách Lifetide. Thuyết hệ thống phụ thuộc còn thường được gọi là Hiệu ứng con khỉ thứ một trăm.
Có một bầy khỉ sinh sống ở đảo Yukijima thuộc huyện Kagoshima. Sau khi thấy một chú khỉ trong bầy dùng nước biển để rửa đi lớp bùn trên củ khoai tây để ăn thì những chú khỉ khác cũng lần lượt bắt chước làm theo. Khi số lượng chú khỉ bắt chước theo hành động này từ chín mươi chín con đạt đến một trăm con thì hành động này đã truyền qua cả đại dương để ảnh hưởng đến cả những con khỉ trong đất liền ở Oita và Miyazaki, và hành động này lan đi giống như một tia lửa đã lan truyền đến tất cả những chú khỉ trên khắp nước Nhật.
Lyall Watson đã đặt tên cho loại hệ thống trong thế giới tự nhiên này là “Thuyết hệ thống phụ thuộc”. Thuyết hệ thống phụ thuộc này cũng có thể áp dụng đối với con người. Một khi số lượng những người biết đến những tri thức mới đạt đến một giới hạn nào đó thì tất cả mọi người sẽ thay đổi nhận thức ở cùng thời điểm đó và cũng sẽ biết đến tri thức mới. Nó tương tự như việc mọi người thay đổi nhận thức từ Thuyết Địa tâm chuyển thành Thuyết Nhật tâmvậy.
Thuyết cơ hội tạo nên tài năng của tôi nói rằng: não bộ của trẻ em chứa đựng rất nhiều khả năng kỳ diệu như khả năng trực giác, khả năng ghi nhớ bằng hình ảnh, khả năng tính toán tốc độ cao,... Hiện nay, số người tin vào việc trẻ em sở hữu những khả năng kỳ diệu như vậy vẫn còn ít nhưng tôi tin rằng không bao lâu nữa tất cả mọi người đều sẽ tin vào điều này.
5. Ba trụ cột trong giáo dục trẻ em
Từ năm 1971 đến nay, tôi đã viết khá nhiều những quyển sách liên quan đến vấn đề giáo dục trẻ em. Cuốn sách đầu tiên là Bí mật giáo dục trẻ từ không tuổi (O- Sai kyoiku no himitsu), đây là cuốn sách viết về những chức năng tiềm ẩn trong não bộ trẻ sơ sinh.
Sau đó, tôi đã viết thêm khoảng ba mươi quyển sách khác liên quan đến vấn đề giáo dục trẻ em. Trong tất cả những quyển sách này, tôi đã chỉ ra ba yếu tố quan trọng trong vấn đề giáo dục trẻ em.
Tôi xin được tóm tắt ba yếu tố đó như sau:
1. Thuyết cơ hội tạo nên tài năng
2. Quy luật thuyên giảm tài năng
3. Thuyết rèn luyện năng lực tiềm ẩn của trẻ em (rèn luyện bán cầu não phải)
Tôi đã trình bày chi tiết về Thuyết cơ hội tạo nên tài năng ở chương 10 này, Quy luật thuyên giảm tài năng ở chương 5 và Thuyết rèn luyện năng lực tiềm ẩn của trẻ em (rèn luyện bán cầu não phải) cũng đã được trình bày ở chương 4.
Con người được kế thừa tất cả những khả năng từ tổ tiên mình thông qua DNA. Tuy nhiên, nếu chúng ta không tạo ra cơ hội để những khả năng này được khai phá và phát triển thì chúng sẽ dần mất đi. Hơn nữa, những khả năng này hoạt động theo quy luật thuyên giảm tài năng, nghĩa là giai đoạn trẻ có thể học tập tốt nhất là ở thời kỳ thai nhi, khi con càng nhỏ, khả năng học hỏi của con càng lớn. Nếu cha mẹ hiểu được nguyên tắc hoạt động quy luật thuyên giảm tài năng này thì dù con có là đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ cũng có thể khôn lớn và phát triển như một đứa trẻ bình thường, khỏe mạnh. Ngược lại, nếu cha mẹ không biết về nguyên tắc hoạt động của quy luật này để nuôi dạy con thì những khả năng kỳ diệu mà con vốn sở hữu sẽ dần bị mất đi. Hơn thế nữa, não phải chứa đựng nhiều khả năng mà loài người sở hữu. Những khả năng bí ẩn nằm ở đó và chúng ta sẽ không thể nào khai phá được hết các khả năng tiềm ẩn của con người nếu vẫn cứ áp dụng phương pháp giáo dục não trái như trong quá khứ.
Nếu như chúng ta đều hiểu được cơ chế của não bộ, nắm rõ những lý thuyết mới liên quan đến vấn đề giáo dục trẻ em thì một cách tự nhiên, nền giáo dục dựa trên những lý luận mới, phù hợp với cấu tạo và cơ chế hoạt động của não bộ sẽ dần dần được áp dụng một cách rộng rãi và trở nên phổ biến.
Giáo dục não phải thực sự sẽ giúp con người bộc lộ, phát huy khả năng sáng tạo. Con người có thể đáp ứng được yêu cầu của thế kỷ 21 chính là những người có khả năng sáng tạo, với những nguồn cảm hứng phong phú, hay nói cách khác, là những người có não phải phát triển…
Nền giáo dục từ trước đến nay là giáo dục chỉ tập trung vào não trái. Đó là phương pháp giáo dục chỉ chú trọng vào hoạt động của trí tuệ, nhồi nhét kiến thức một cách lý thuyết. Ngược lại, kể từ thế kỷ 21, nền giáo dục sẽ tập trung vào não phải mà ở đó, dù không cần phải cố gắng để học, tiềm thức của học sinh cũng sẽ tận dụng tối đa sức mạnh của mình để học hỏi một cách tự nhiên. Tuy nhiên, đó cũng không phải là phương pháp học tập chỉ phụ thuộc quá mức vào việc rèn luyện não phải mà phải tập trung giáo dục cân bằng cả hai bán cầu não. Đặc trưng của phương pháp rèn luyện kiểu này là chú trọng quy tắc xem trọng sức mạnh hình dung hình ảnh ở não phải. Giờ học sẽ bắt đầu và kết thúc bằng thiền tập, bên cạnh đó, tập trung rèn luyện trí tưởng tượng, chơi những trò chơi trực giác cũng chính là một trong những hoạt động trong giáo trình.
Sau khi biết được những hạn chế của việc ghi nhớ bằng não trái trong quá khứ, chúng ta mới chú trọng rèn luyện ghi nhớ bằng não phải thông qua việc sử dụng hình ảnh. Đây sẽ là thời đại mà khả năng ghi nhớ bằng hình ảnh và khả năng đọc nhanh được xem là những kỹ năng hoàn toàn tự nhiên.
Thế kỷ 21 chắc chắn là thời đại mà những người có não phải phát triển sẽ đạt được thành công trên mọi lĩnh vực. Họ sẽ trở thành những người tiên phong và phát triển tất cả các lĩnh vực như khoa học, nghệ thuật, thể thao, phát minh, phát kiến.
Cho đến tận gần đây, người ta vẫn không biết rằng những thiên tài từ trước cho đến nay đã được giáo dục như thế nào. Tuy nhiên, những ai đọc cuốn sách này nhất định sẽ hiểu được cách mà những thiên tài đã được nuôi dạy. Nhất định sẽ có những bậc cha mẹ hiểu được phương pháp giáo dục này và mong muốn sử dụng những phương pháp này để nuôi dạy con của họ. Cũng có những bậc cha mẹ không kỳ vọng đến việc con mình sẽ trở thành thiên tài, nhưng cũng sẽ nuôi dạy con theo những phương pháp này để phát triển những khả năng của con từ giai đoạn sơ sinh và để con có thể học tập tốt và thoải mái ở trường.
Những bậc cha mẹ có con chậm phát triển trí tuệ, nếu biết được phương pháp giáo dục mà tôi đã trình bày, chắc chắn sẽ tìm ra ánh sáng hy vọng để nuôi dạy con mình khôn lớn như những đứa trẻ bình thường.
Không bao giờ là quá chậm trễ, dù con bạn đã lớn hơn sáu tuổi. Phương pháp học tập với não phải này vẫn có thể áp dụng cho các bé học tiểu học hoặc cấp hai để giúp con cải thiện thành tích học tập từ đứng cuối lớp cũng có thể nhanh chóng vươn lên dẫn đầu (tham khảo chương 3).
Phương pháp rèn luyện não phải ở thế kỷ 21 có thể nói là phương pháp rèn luyện giúp phục hưng nền giáo dục và học tập của thế giới và mang lại hy vọng cho tất cả mọi người. Từ tận đáy lòng mình, tôi rất mong rằng thông qua phương pháp rèn luyện này, tất cả trẻ em đều có thể khai phá và phát huy những khả năng tuyệt vời vốn có của mình, để từ đó đạt được thành công trong thế kỷ 21.