Chương này mở đầu bằng việc xem xét bản chất của giáo dục khai phóng hiện đại cũng như tầm quan trọng của mục tiêu giáo dục như là đạt được sự tự chủ cá nhân trong một xã hội. Tiếp theo là tìm hiểu tự chủ gồm những gì, đối chiếu nó với sự độc lập. Có ý kiến tranh luận rằng năng lực tự chủ là một năng lực phức tạp và cần được bồi dưỡng, vun xới thông qua giáo dục nếu thực sự muốn đạt được. Sau đó chúng tôi xem xét sự tương phản giữa “sự tự chủ mạnh” với “sự tự chủ yếu” và lập luận rằng, dù phần lớn các xã hội tự do thừa nhận sự tự chủ mạnh, nhưng rất khó nhận ra các trường học có thể làm gì hơn là khuyến khích năng lực tự chủ ở học sinh. Chúng tôi sẽ rút ra nội hàm giáo dục của tự chủ để chúng ta thấy rằng một con người tự chủ sẽ phải có khả năng làm được những gì để trở nên tự chủ. Cuối cùng, chúng tôi sẽ tìm hiểu địa vị của nền giáo dục vị tự chủ trong một xã hội tự do và tóm lược những hàm ý chính sách của giáo dục vị tự chủ.
Giáo dục khai phóng cổ điển và giáo dục khai phóng hiện đại
Xuyên suốt cuốn sách này chúng tôi đã xem xét những khía cạnh khác nhau của một quan niệm khai phóng về giáo dục (liberal conception of education), thứ liên quan đến việc chuẩn bị cho các cá nhân sống cuộc đời của chính họ. Giáo dục khai phóng cổ điển (conservative liberal education) trước đây đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm quen với nền văn hóa thống trị của xã hội và việc thụ đắc những nét tính cách như tính tự kiểm soát hay tính độc lập để làm được như vậy. Chúng tôi giới thiệu một phiên bản hiện đại của nền giáo dục khai phóng trong phần trình bày của mình về văn hóa và chương trình giáo dục. Tuy nhiên, trong khi hình thức giáo dục khai phóng truyền thống vốn được thiết kế dành cho những người được ấn định sẵn vào những vị trí nhất định trong xã hội và [chính nó] cũng bảo lưu nhiều đặc trưng trong lối sống của giới thượng lưu, thì phiên bản chúng tôi đề xuất lại được thiết kế dành cho tất cả những ai đang thụ hưởng giáo dục.
Tuy nhiên, một trong những đặc trưng của giáo dục khai phóng phiên bản hiện đại là nó chú trọng tới khả năng tự chuẩn bị cho cuộc sống của cá nhân trong một xã hội nơi mà các giá trị, niềm tin và các vai trò xã hội không phải bất di bất dịch và nơi nếu có thì thực sự rất ít những nghề nghiệp ổn định đến mức một người có thể tự tin tiên đoán địa vị xã hội của mình trong tương lai sẽ như thế nào. Người ta nhấn mạnh sự chuẩn bị cho việc lựa chọn giá trị, niềm tin và nghề nghiệp trong bối cảnh xã hội thường xuyên thay đổi. Chủ nghĩa tự do hiện đại chú ý rất nhiều vào năng lực ứng phó trong những hoàn cảnh như vậy bằng cách cho phép các cá nhân đưa ra lựa chọn có cân nhắc, đồng thời không cho phép số lượng lựa chọn gây ra sự tê liệt trong việc ra quyết định. Các nhà giáo dục khai phóng theo trường phái cấp tiến nhấn mạnh vai trò của giáo dục trong việc chuẩn bị cho người trẻ tuổi đưa ra những lựa chọn tiềm ẩn khả năng thách thức các giá trị và niềm tin của xã hội mà họ sẽ sống trong. Đứng đầu trong những nhà giáo dục khai phóng theo truyền thống này là Rousseau ([1762], 1910). Ông tin rằng vai trò của giáo dục là chuẩn bị cho xã hội để bước vào biến chuyển mang tính chất triệt để. Tuy nhiên, tư tưởng cấp tiến (radicalism) của Rousseau có những giới hạn nghiêm ngặt, như có thể thấy trong cách ông xem xét các mối liên hệ giữa các giới tính (sđd., Quyển V). Trong thực tiễn, giữa các nhà giáo dục khai phóng hiện đại và các nhà giáo dục khai phóng cấp tiến có nhiều điểm chung. Kỳ thực, sẽ không sai khi nói rằng một số nhân vật tiêu biểu ủng hộ giáo dục khai phóng hiện đại đã tiếp nhận một trong những mục tiêu trung tâm của quan niệm cấp tiến, đó là cam kết thách thức trật tự hiện đang tồn tại. Điều này làm nảy sinh một số vấn đề đối với quan niệm khai phóng hiện đại mà chúng tôi sẽ xem xét dưới đây.
Cách diễn giải hiện đại về giáo dục khai phóng
Mục tiêu trung tâm của giáo dục khai phóng hiện đại là chuẩn bị cho cá nhân sự tự chủ. Một người có tính tự chủ hoàn toàn có thể đưa ra những lựa chọn về cách họ sống hay những giá trị mà họ dự định tiếp nhận. Tự chủ không chỉ là được tự do lựa chọn cách mình dự định vươn tới những mục tiêu trong cuộc đời, mà còn có tự do ý chí để tự mình đặt ra/xác lập những mục tiêu của đời mình. Tại sao sự tự chủ được các nhà giáo dục khai phóng cho là quan trọng như vậy? Lý do chủ yếu nằm ở bản chất của xã hội đương thời. Các xã hội dân chủ tự do hiện đại có những đặc trưng cốt lõi sau đây. Chúng cho phép sự tự do đi lại, tự do lựa chọn lối sống và tự do đức tin. Các lực lượng thị trường, vốn chi phối đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của những xã hội đó đã liên tục làm mới các thiết chế như gia đình, doanh nghiệp và kể cả niềm tin tôn giáo. Không nhiều thể chế quen thuộc mà chúng ta có thể kỳ vọng không bao giờ thay đổi trong cuộc đời của mình. Với những thay đổi kinh tế nhanh chóng do thị trường thôi thúc, chúng ta cũng khó có thể kỳ vọng mình sẽ làm một công việc hay thậm chí một vị trí suốt cả đời. Loại hình chính phủ dân chủ đồng nghĩa với chuyện người dân có quyền lựa chọn chính phủ của họ và ở một mức độ nào đó là lựa chọn các giá trị mà xã hội của họ thể hiện.
Trong những cảnh huống này, nhiều người nghĩ rằng sự tự chủ cá nhân là mục tiêu giáo dục khả thi duy nhất. Đặc trưng duy nhất của cuộc đời chúng ta mà sẽ mãi mãi không thay đổi chính là liên tục thay đổi. Chúng ta chỉ có thể ứng phó với điều này nếu chúng ta có thể chọn lựa, từ một loạt các lựa chọn thay thế khiến ta hoang mang đang mở ngỏ trước chúng ta những thứ phù hợp nhất với mối quan tâm cũng như năng lực của chúng ta. Chúng ta cũng cần có khả năng suy ngẫm về, và nếu cần thì thay đổi, các mục tiêu của đời mình nếu muốn bắt kịp với sự thay đổi mau lẹ. Quan trọng là một số người lại tư duy rằng điều này đồng nghĩa với việc chúng ta buộc phải có quyền tự do đưa ra những lựa chọn mà xã hội hiện tại sẽ xem là không có giá trị. Nếu chẳng có giá trị hay cơ hội nào nhất thành bất biến, chúng ta sẽ không thể yêu cầu mọi người đưa ra lựa chọn như thể những lựa chọn thay thế khả dĩ của họ là vĩnh cửu. Kể cả nếu sự tự chủ cá nhân không phải mục tiêu cho mọi xã hội, thì theo lý lẽ này sẽ không khó để nhận ra rằng sự tự chủ vô cùng cần thiết cho một cuộc đời đáng giá trong hình thái xã hội của chúng ta. Vậy thì việc giáo dục để chuẩn bị cho mọi người sự độc lập không thôi sẽ không đủ, nếu tất cả những điều này cho thấy con người ta được tự do lựa chọn các phương tiện để đạt được những mục tiêu mà người khác đã chọn cho họ.
Giả sử một xã hội nào đó cho rằng phụ nữ nên kết hôn. Giả dụ họ phải làm thế nhưng họ lại có quyền lựa chọn người đàn ông để kết hôn, thì một xã hội như vậy sẽ cho phép người phụ nữ có sự độc lập ở mức độ nhất định. Họ chỉ không có sự tự chủ nếu họ không thể đưa ra một lựa chọn có ý nghĩa với cuộc đời họ ở khía cạnh kết hôn hay không kết hôn. Khi phụ nữ được phép quyết định kết hôn hay không, họ không chỉ độc lập và chủ động trong chuyện hôn nhân, mà còn tự chủ trong chuyện hôn nhân. Một phụ nữ có đối tượng kết hôn được chọn sẵn cho cô ấy bất kể cô ấy có muốn kết hôn hay không thì không hề độc lập.
Mục tiêu tự chủ và các xã hội dân chủ phi truyền thống
Theo cách xem xét mọi sự vật, hiện tượng kiểu này, đặc điểm cần thiết của một cuộc sống đáng giá trong một xã hội dân chủ theo định hướng thị trường là mọi người được [quyền] tự chủ. Do năng lực tự chủ đưa ra các lựa chọn không tự nhiên có mà phải được nuôi dưỡng, nên một trong những chức năng trung tâm của giáo dục là chuẩn bị cho người trẻ để trở nên tự chủ. Điều này không có nghĩa là cuộc sống chỉ trở nên có ý nghĩa khi có được sự tự chủ. Xét đến sự tự chủ như một điều kiện cần thiết của cuộc sống đáng giá trong xã hội của chúng ta, điều này không có nghĩa nó là một điều kiện cần thiết của một cuộc sống đáng giá trong bất cứ xã hội nào. Tiếp tục với ví dụ ở trên, một phụ nữ không có quyền lựa chọn kết hôn hay không kết hôn, nhưng có thể kết hôn với người mà cô ấy muốn thì vẫn có cơ hội sống cuộc sống ý nghĩa. Cũng có thể tranh luận rằng một vài người sống cuộc sống bị kiểm soát vẫn có thể đáng giá. Có thể một số người bất đồng với quan điểm này. Người ta thường lập luận rằng có những đặc điểm phổ quát về những thứ khiến cho nhân sinh trở nên đầy ý nghĩa, những đặc điểm này không khác biệt giữa các nền văn hóa. Trong số những đặc điểm này, yếu tố cốt lõi là sự tự quyết của cá nhân về những mục tiêu trong cuộc đời họ. Theo đó, chuẩn bị cho cuộc sống mà không có sự tự chủ thì sẽ không phải giáo dục đích thực, vì sẽ thiếu đi hành trang cho cuộc sống mà ta truy cầu. Chúng tôi không chấp nhận khẳng định này. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng sự tự chủ là điều kiện cần thiết của một cuộc sống đáng giá trong hình thái xã hội mà chúng tôi đã mô tả. Tuy nhiên, cũng cần công nhận rằng một số người không muốn tự chủ. Để khiến họ nhận ra được đâu là những lựa chọn khả dĩ tốt hơn với họ, họ cần có năng lực đưa ra lựa chọn một cách hoàn toàn chủ động, nghĩa là nhận thức được những lựa chọn có thể thay thế.
Những người theo chủ nghĩa tự do phổ quát tin rằng các giá trị khai phóng không loại trừ sự tự chủ, luôn luôn đúng ở mọi nơi và trong mọi cảnh huống. Nhưng một cá nhân không nhất thiết phải tin điều này để ủng hộ quan điểm rằng sự tự chủ là một điều kiện cần thiết cho một cuộc đời đáng giá đặt trong xã hội dân chủ mang định hướng thị trường. Chủ nghĩa tự do phổ quát đôi khi được biện hộ bằng phương thức truy vấn bất cứ ai không quen thuộc với những hoàn cảnh cụ thể của họ rằng họ sẽ chọn điều gì làm quy tắc nền tảng cho một xã hội mà ở đó họ có thể kiến tạo một cuộc sống ý nghĩa hơn cho bản thân (xem ví dụ, Rawls 1993, Bài giảng VIII). Trong những hoàn cảnh như vậy, sẽ không có gì lạ khi [người ta] chọn một xã hội khuyến khích tự chủ cho cá nhân, vì những cách sắp đặt khác có thể áp đặt lên cá nhân những lối sống không thoải mái. Tuy nhiên, kể cả có đúng đi chăng nữa, thì điều này cũng không dựa trên thực tế rằng trong những hoàn cảnh đó, một cá nhân sẽ chọn cuộc sống tự chủ, rằng cách sống nhân văn duy nhất trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn là cuộc sống tự chủ. Do đó, theo chúng tôi, có vẻ không phải giá trị tự chủ với tư cách là một mục tiêu giáo dục có tầm quan trọng phổ quát. Nó chỉ [thực sự] có tầm quan trọng lớn lao trong các nền dân chủ vận hành theo khuynh hướng thị trường tự do.
Những quan niệm về lẽ phải và cái thiện hảo: Các phiên bản của chủ nghĩa tự do
Cái gọi là chủ nghĩa tự do phổ quát theo cách mô tả ở trên gợi ý rằng một người có lý trí nhưng lại thiếu hiểu biết về tình thế thực tế của họ trong cuộc sống sẽ chọn các điều kiện cho sự tự chủ, cùng với một số điều kiện khác như bình đẳng về cơ hội hay các nguồn lực ở mức độ nhất định (sđd.) Tuy nhiên, ngoài điều này ra, sẽ không có yêu cầu gì về một nhà nước tự do, công bằng và sáng suốt để chỉ định đâu là thành tố tạo nên một cuộc đời đáng sống. Trong những điều kiện về lựa chọn kiểu này, chúng ta sẽ không có hiểu biết về các năng lực, sở thích hay các giá trị cộng đồng của mình. Hơn nữa, chúng ta hoàn toàn có thể chắc chắn rằng các thành viên khác trong xã hội của chúng ta sẽ có những quan niệm về cuộc sống ý nghĩa khác hẳn quan niệm của chính chúng ta. Do đó, sẽ không nhiều người chọn sống trong một xã hội cố áp đặt người khác rằng họ nên sống thế nào, bởi điều này sẽ tước đoạt lý trí, khiến những giá trị riêng của chúng ta có thể bị đàn áp. Theo cách tiếp cận này, mọi thứ mà nhà nước đó có thể làm là thiết lập nền tảng cho sự công bằng, đồng thời trao lại trách nhiệm phát triển những quan niệm về thế nào là và không phải là cuộc sống đáng giá cho các cá nhân và các cộng đồng.
Có vẻ điều này dẫn đến việc một hệ thống giáo dục được nhà nước tài trợ và có trách nhiệm giải trình trước nhà nước. [Tuy nhiên, hệ thống giáo dục này] không nên can dự vào việc chỉ định sẵn cho người trẻ những lựa chọn phù hợp với họ.
Điều này dường như không quá cấp thiết bởi vì việc khuyến nghị bất cứ lối sống cụ thể nào không phải là việc của nhà nước, nó chỉ cần tuân thủ những tiêu chuẩn về sự công bằng. Thoạt nhìn thì có vẻ việc này sẽ khiến hệ thống giáo dục không đóng vai trò gì đáng kể, song thực ra không phải vậy. Hệ thống giáo dục vẫn cần trang bị cho người trẻ tuổi kiến thức và kỹ năng để họ đưa ra những lựa chọn riêng trong cuộc sống của họ. Những kiến thức và kỹ năng mà họ cần để đưa ra những lựa chọn riêng trong cuộc sống của họ thì rất rộng. Các trường phổ thông và các trường cao đẳng, đại học vẫn có một trọng trách trong việc mở rộng tính tự chủ kể cả khi không khuyến khích các hình thức khác nhau của một đời sống đáng sống. Vấn đề không phải là một hệ thống giáo dục nhà nước không có vai trò trong những hoàn cảnh này, mà đúng hơn là nó có một vai trò không thể được hoàn thành. Nó không thể chuẩn bị cho trẻ em trở thành những người lớn tự chủ, đồng thời chuẩn bị cho các em đưa ra những lựa chọn không đáng giá. Chúng ta đã tìm hiểu trong Chương 6 rằng giáo dục công dân theo tinh thần khai phóng yêu cầu trẻ em được nuôi dưỡng để đánh giá như người lớn cái gì nên và không nên được xã hội của mình coi là đáng giá. Đây là một nhiệm vụ rất khác so với nhiệm vụ khuyến khích một số lựa chọn không đáng giá như là những lựa chọn thật sự. Mặc dù có lẽ có thể hình dung một xã hội vận hành theo những cách đã được đề cập, sao cho không một quan niệm cụ thể nào về cái tốt, cái thiện hảo được khuyến khích bởi nhà nước (mặc dù một số người như Gray 1995 chẳng hạn, không tán đồng với điều này), việc hình dung một hệ thống giáo dục vận hành theo đường hướng này sẽ khó hơn nhiều bởi những lý do mà chúng ta sẽ tìm hiểu dưới đây.
Những đặc điểm chủ yếu của sự tự chủ
Trước hết, chúng ta cần xem xét kỹ hơn các thành tố chính có liên quan đến sự tự chủ. Thứ nhất, như chúng ta đã xem xét, là khả năng lựa chọn cuộc sống mà cá nhân đó muốn hoặc nói theo một cách khác, là những mục tiêu trong cuộc đời người đó. Chúng có thể bao gồm không chỉ là những lựa chọn nghề nghiệp mà cả những vấn đề như hình thái tôn giáo hay hệ thống đạo đức mà cá nhân đó muốn chọn theo. Một số tác giả, như Callan (1993) chẳng hạn, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tự kiểm soát bản thân hay năng lực gắn bó với các dự án của bản thân khi phải đối mặt với những cám dỗ, nghi ngờ và khó khăn, như là đặc điểm then chốt của khái niệm đó. Quan điểm của chúng tôi là sự tự kiểm soát bản thân quan trọng đối với sự tự chủ, nhưng như là một điều kiện cho việc đưa ra và hiện thực hóa những lựa chọn trong cuộc sống. Một người nô lệ và muốn bộc phát tối đa khả năng của bản thân chẳng hạn, có thể sở hữu năng lực tự kiểm soát nhưng lại không được tự chủ. Tuy nhiên, khó biết được làm thế nào người ta có thể tự chủ mà không đồng thời có một mức độ tự kiểm soát bản thân. Một người [có thể] sẽ rơi vào tình trạng chịu sự chi phối của hoàn cảnh, tâm trạng và ý kiến của người khác, những thứ có nguy cơ gây cản trở cho những dự án mà người đó đã tự do chọn lựa.
Nói rằng ai đó có khả năng đưa ra một lựa chọn quan trọng như hình thái cuộc sống mà người đó dự định sống rồi sau đó hiện thực hóa lựa chọn đó, đồng nghĩa với việc nói rằng người đó có một mức độ tự kiểm soát bản thân cần thiết để làm vậy. Vì thế tự kiểm soát bản thân là một phẩm chất thiết yếu của sự tự chủ. Có những điều kiện quan trọng hơn nữa. Thứ nhất, điều cần thiết là cá nhân vừa có đủ lý trí vừa có đủ thông tin để hành động. Có lý trí theo nghĩa này tức là có năng lực đánh giá những lựa chọn xét về những ý thích ưu tiên, năng lực, kiến thức cá nhân và kiến thức về những lựa chọn khả dĩ trong xã hội mà cá nhân đó sống. Đa số các nhà bình luận không hài lòng với quan điểm cho rằng một người tự chủ có thể đưa ra những lựa chọn quan trọng một cách bốc đồng mà không cân nhắc tới hệ quả có thể xảy ra, hoặc là người thay đổi suy nghĩ của họ trong một quãng thời gian ngắn. Với sự đồng thuận này, điều quan trọng là nhận thấy được điều kiện lý tính cho lựa chọn tự chủ rốt cuộc là gì và những hệ quả của nó đối với quá trình giáo dục của một cá nhân là gì. Chúng tôi sẽ đề cập tới ý này ở phần sau. Điều này đưa chúng ta tới một ý nữa. Tự chủ là thứ mà nếu một cá nhân thực sự đạt được nó tại một giai đoạn trưởng thành nhất định, cá nhân đó không thể đạt được trước tuổi vị thành niên. Sự tự chủ liên quan đến những quyết định mà cá nhân phải đưa ra về định hướng tương lai cho cuộc đời khi trưởng thành của họ và không thể dựa trên một thế giới quan trẻ con trong đó khả năng ra quyết định về phương hướng tương lai cho cuộc đời của người đó chưa được định hình đầy đủ.
Nội dung bàn luận tiếp theo là ý thích ưu tiên. Những ý thích ưu tiên mà cá nhân cần tính đến là những cái dài hạn và được xem xét kỹ lưỡng. Những ham thích bất chợt và bốc đồng của thời thơ ấu, hay thậm chí những khoảnh khắc ngớ ngẩn hơn khi đã trưởng thành của một cá nhân không phải là cơ sở thích hợp cho việc ra quyết định một cách độc lập. Lý do là một cá nhân cần tự tin rằng những ý thích ưu tiên của họ sẽ duy trì, nâng đỡ cá nhân đó thông qua một lựa chọn trong cuộc sống, rằng chúng sẽ không khiến người ta thất vọng bằng cách biến mất và để lại cho họ một quãng đời có vẻ như vô ích hay không đáng. Những ý thích ưu tiên bám sâu và kéo dài thường bắt nguồn từ những suy ngẫm cẩn trọng trong thời gian dài xoay quanh những khả năng mở ngỏ đối với cá nhân nhờ có sự tự thức nhận (self-knowledge) hợp lý về các giá trị, mối quan tâm và năng lực của người đó. Sẽ hoàn toàn tự nhiên khi khẳng định giáo dục đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành các ý thích ưu tiên, nhất là thông qua quá trình phát triển của sự tự thức nhận. Nhưng vai trò của giáo dục còn đi sâu hơn thế. Vì một người chỉ có thể tự thức nhận nếu như có điều gì đó đáng để biết về chính bản thân người đó. Nói cách khác, cá nhân phải có các giá trị, mối quan tâm và năng lực. Những thứ này không tự nhiên xuất hiện, mà cần được bồi dưỡng thông qua các quá trình giáo dục.
Ít nhất thì về mặt giá trị, điều này đòi hỏi rằng cá nhân cần biết một số nguyên tắc có thể đáng giá để sống cuộc đời của mình. Những nguyên tắc này có thể gồm: niềm tin vào công bằng (fairness) và công lý (justice), sự lưu tâm đến môi trường tự nhiên và xã hội, sự cam kết với giá trị của một số dạng hành động tập thể. Người nào đó có thể đáp lại rằng chẳng ai theo chủ nghĩa tự do lại ưu ái cho một hệ giá trị này hơn hệ giá trị khác. Chúng ta có nên giới thiệu cho trẻ em những nguyên tắc hình như không mấy dễ chịu của Thuyết vị kỷ (egotism) và sự phủ nhận giá trị của hành động tập thể với tư cách là một hệ giá trị khả dĩ mà trẻ có thể tiếp nhận như một kế hoạch cho cuộc đời? Chúng tôi sẽ giữ lại đánh giá về câu hỏi này thoáng chốc, và tự giới hạn bản thân ở khẳng định rằng nó không phải là một câu hỏi vô lý đối với những người theo chủ nghĩa tự do, những người tin rằng việc lựa chọn các giá trị có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành con người tự chủ. Người ta có thể nói rằng, những lựa chọn về giá trị càng bị hạn chế thì việc tự chủ đúng nghĩa lại càng khó khăn. Câu hỏi về sự hình thành các mối quan tâm và năng lực có lẽ đơn giản hơn. Một khi chúng ta loại trừ những ý thích bất chợt, chúng ta có thể giả định rằng những mối quan tâm sẽ tạo nền tảng cho một kế hoạch cuộc đời là hợp lý, đáng tin cậy và ổn định. Một lần nữa, chúng ta cần cho trẻ em biết một loạt các mối quan tâm tiềm năng sẽ cho phép các em phát triển một số mối quan tâm đáng tin cậy và ổn định. Tuy nhiên, các em không thể làm được điều này nếu không lĩnh hội được kiến thức và kỹ năng. Ví dụ, những đứa trẻ băn khoăn liệu những hứng thú của mình thuộc về phương diện học thuật chuẩn mực hay thiên về khía cạnh thực tế trong cuộc sống cần thiết phải tiếp xúc với cả hai để có một lựa chọn có ý nghĩa về một trong hai phương diện đó.
Trong trường hợp đó, chúng ta cần cung cấp một loạt những khả năng phù hợp trong hoặc ngoài phạm vi trường học, bao gồm cả những khả năng có tính thực thi. Một trong số những khả năng này thực sự có thể phát triển bên ngoài trường học, một số khả năng học thuật cũng vậy. Tuy nhiên, việc không giới thiệu bất cứ điều gì một cách quy củ, chặt chẽ và hệ thống đều có nguy cơ tước đoạt của một số lượng lớn trẻ em, có thể là đa số, những cơ hội trải nghiệm mối quan tâm học thuật tiềm ẩn, nơi các em thể hiện tố chất hay thiên hướng học thuật rõ rệt. Khi đó, sự phát triển của tính tự chủ dường như đòi hỏi một chương trình giáo dục bao quát, trong đó các giá trị và môn học mang tính hàn lâm và cả các môn học có tính ứng dụng đều được giới thiệu sao cho trẻ có thể kết nối với chúng một cách đầy ý nghĩa. Từ đó hình thành ở các em sự tự thức nhận cần thiết cho một lựa chọn tự chủ có cân nhắc.
Chi tiết cuối cùng cần đề cập ở đây là những yêu cầu của sự tự chủ. Đa số các nhà bình luận tán đồng rằng một lựa chọn tự chủ cần phải có lý trí. Trong ngữ cảnh này, điều đó có nghĩa là căn cứ vào giá trị, năng lực cũng như kiến thức của bản thân, một cá nhân sẽ đưa ra lựa chọn phù hợp nhất với phẩm cách của mình. Do đó, cá nhân phải có khả năng lập luận theo dạng sau: “Dựa vào hiểu biết về những gì tôi coi trọng, những thứ tôi thích và những thứ tôi có sở trường, và nếu tôi biết có những khả năng nào sẵn có dành cho mình trong xã hội mà tôi sống cũng như mình có thể hiện thực hóa điều mình xem là mục tiêu, tôi sẽ chọn trong số những cái khả thi sẵn có cái phù hợp nhất với những gì tôi biết”. Dù một người tin rằng tư duy lý tính như thế có thể phát triển độc lập với việc lĩnh hội kỹ năng và kiến thức môn học, hay tin rằng nó phải được phát triển trong phạm vi các môn học đã được xác lập trong chương trình, thì rõ ràng người đó vẫn cần một năng lực như thế nếu muốn đưa ra một lựa chọn thấu đáo. Do đó, chương trình giáo dục hướng tới phát triển năng lực ra quyết định tự chủ phải tập trung trang bị [cho người học] cả lý tính (rationality), kiến thức cũng như khả năng vận dụng.
Độc lập, tự chủ yếu và tự chủ mạnh
Chúng ta vừa xem xét những gì quy thuộc sự tự chủ nói chung, giờ là lúc tập trung vào những dạng thức tự chủ khác nhau và cố gắng xác định xem nên kỳ vọng hệ thống giáo dục nhà nước phát triển dạng thức tự chủ nào. Như chúng ta đã thấy, một người được xem là độc lập nếu họ có thể lựa chọn phương tiện cho những mục tiêu đã được xác định trước. Quay lại ví dụ chúng tôi đã đề cập ở phần trước, một phụ nữ trẻ được coi là độc lập trong hôn nhân nếu cô ấy có thể chọn đối tượng kết hôn. Cô ấy sẽ không có quyền tự chủ trong chuyện hôn nhân nếu như chồng cô ấy chọn cô ấy. Chúng ta có thể cho rằng, trong một xã hội công nhận điều này, hôn nhân sẽ được coi như cuộc sống đáng giá duy nhất đối với một phụ nữ trẻ. Một điều đáng chỉ ra là trong nhiều xã hội, mọi người độc lập chứ không [có quyền] tự chủ, còn nhiều người trong một số xã hội khác thậm chí không có cả sự độc lập (xem ví dụ trên). Nên tránh rút ra kết luận vì chúng ta có thể không nghĩ rằng một cuộc sống độc lập sẽ là một lựa chọn đáng giá đối với chúng ta, nên nó cũng không phải là lựa chọn ý nghĩa đối với bất cứ ai trong bất cứ xã hội nào. Nói vậy không có nghĩa là không thể đưa ra những đánh giá chủ quan mang tính so sánh về giá trị, đạo đức và hành vi của các xã hội khác nhau, mà chỉ là để chấp nhận rằng có thể tồn tại những cách sống một cuộc đời đáng giá khác với cách của riêng ta. Khi nào chúng ta khăng khăng rằng chỉ cuộc đời tự chủ mới đáng giá, chúng ta mới có khuynh hướng đánh giá các kiểu cuộc sống khác là những kiểu không đáng giá. Tuy nhiên, chúng ta có thể thừa nhận rằng ngay cả trong xã hội này, chúng ta vẫn có thể sống một cuộc đời độc lập hay thậm chí là không độc lập nếu chúng ta hoàn toàn tự chủ khi lựa chọn làm việc đó. Ví dụ, chúng ta có thể chủ động quyết định có nên gia nhập một tổ chức tôn giáo hay trở thành một quân nhân chuyên nghiệp.
Chúng ta vừa thấy rằng một người tự chủ có thể chọn những mục tiêu của đời họ. Song điều này có đồng nghĩa với việc họ có thể chọn bất cứ mục tiêu cuộc đời nào hay không? Một số mục tiêu sẽ được xem là đáng giá trong các nền dân chủ tự do hiện đại: chọn theo một hệ giá trị được công nhận, có một công việc hữu ích và hài lòng, chăm lo cho một gia đình, làm việc cho các tổ chức thiện nguyện, v.v… Những khả thể này nên cho các cá nhân và cả xã hội xem tại sao chúng lại đáng giá. Không phải chúng là những lựa chọn hợp pháp duy nhất, mà thay vào đó là đa số các thành viên của xã hội ấy coi chúng như những cấu phần khả dĩ (possible constituent) của một cuộc sống đáng giá. Nhưng những lựa chọn mà không được bất cứ nhóm quan trọng nào trong xã hội đó xem là đáng giá thì sao – chẳng hạn đánh bài, nghiện rượu, ăn xin, cả đời chơi lướt sóng? Lưu ý rằng những việc này không hoàn toàn bất hợp pháp trong phần lớn xã hội dân chủ tự do, nhưng chúng cũng không được xem là những thành tố của một cuộc sống đáng giá. Đa phần các xã hội không cấm đoán tất cả những hoạt động bị xem là không có ý nghĩa, mặc dù các xã hội đó sẽ không chấp nhận chúng. Miễn là người nghiện rượu không gây hại cho người khác qua việc lái xe khi say rượu, hoặc không kiếm tiền trả cho thói quen của anh ta bằng hành vi trộm cắp, thì những hoạt động của anh ta sẽ được khoan dung, nghĩa là xã hội đó đã được chuẩn bị sẵn sàng để chấp nhận họ, sau khi cân nhắc chuyện những tổn hại lớn hơn sẽ phát sinh khi cấm đoán họ.
Hầu hết các xã hội tự do đều tự chủ mạnh theo nét nghĩa rằng họ khoan dung với một loạt những hoạt động không có ý nghĩa mặc dù không thực sự bất hợp pháp, rằng họ được chuẩn bị sẵn sàng để chấp nhận chúng ở mức độ nhất định. Không nhiều xã hội có thái độ trung lập đối với những hoạt động không đáng giá và hiếm xã hội còn thực sự khuyến khích chúng. Một xã hội chỉ cho phép mọi người theo đuổi những hoạt động đáng giá sẽ có sự tự chủ yếu. Xã hội như vậy sẽ bị nhiều người xem là rất áp chế, vì sẽ có hành động ngăn cản quyết liệt hoặc thậm chí là những hình phạt hình sự đối với những hoạt động bị coi là vô đạo đức hoặc không đáng giá.
Hãy lưu ý rằng một xã hội sẽ phải hoặc tự chủ mạnh hoặc tự chủ yếu. Nếu chỉ những hoạt động đáng giá mới được phép, thì việc chọn những cái không đáng giá là chuyện bất khả. Tuy nhiên, đặt câu hỏi liệu giáo dục có nên chuẩn bị cho người trẻ tuổi để thực hành tự chủ mạnh hay tự chủ yếu đối với cuộc sống của họ hay không lại là một vấn đề khác. Cụ thể, một xã hội tự chủ mạnh không đồng nghĩa rằng mục tiêu giáo dục của nó là người trẻ tuổi nên được chuẩn bị để thực hành tự chủ mạnh. Điều này có vẻ là một kết luận gây ngạc nhiên bởi đa số các nhà triết học giáo dục đều mặc nhiên công nhận rằng nếu sự tự chủ là một mục tiêu của giáo dục, thì nó nên được diễn giải là tự chủ mạnh (White 1990; Norman 1994).
Các khái niệm về cái đáng giá và cái hợp lý
Chúng ta hãy mổ xẻ khẳng định sự tự chủ mạnh nên là một mục tiêu của giáo dục. Nếu một xã hội cho rằng nó có thể chấp nhận sự tự chủ mạnh thì một biến thể đáng chú ý của sự tự chủ mạnh mà xã hội đó có thể cho phép là trường hợp một cộng đồng thiểu số coi hàng loạt lựa chọn cuộc sống nhất định là đáng giá, trong khi phần còn lại của xã hội lại không nhìn nhận như thế. Chúng có thể hợp lý theo nghĩa tạo lập nền tảng cho sự hợp tác với các nhóm khác trong xã hội ấy, nhưng lại không phù hợp với các quan niệm phổ biến về sự đáng giá. Tại sao giáo dục được chính phủ tài trợ không nên chuẩn bị để người trẻ tuổi có cuộc sống thoải mái, để tự họ quyết định cái gì đáng giá và cái gì không.
Câu trả lời có thể được tìm thấy khi suy ngẫm về các điều kiện đối với sự tự chủ. Chúng tôi đã lập luận rằng sự chuẩn bị cho sự tự chủ bao gồm tiếp thu kiến thức, sự tự nhận thức bản thân và một loạt các năng lực. Trường học chỉ có một thời lượng hạn chế để truyền tải những cái này. Nó thậm chí không thể hy vọng chỉ cho trẻ em thấy mọi khả năng cho một cuộc sống đáng giá có thể tồn tại trong xã hội của các em. Một vài trong số này sẽ phải được học bên ngoài nhà trường hoặc có lẽ sau khi hoàn tất giáo dục học đường chính quy. Câu hỏi, “Nhà trường nên ưu tiên cái nào?” là hợp lý. Khó mà thấy được câu trả lời sẽ ra sao ngoại trừ, ở mức độ tối thiểu, nhà trường nên bảo đảm rằng càng có nhiều lựa chọn đáng giá khả dĩ càng tốt. Không có cơ sở tất yếu nào cho việc xác định lựa chọn này thì ít giá trị hơn so với những lựa chọn mặc định là đáng giá. Lý do duy nhất để một người tiếp tục bảo lưu quan điểm đó là việc người đó tin rằng tốt nhất hãy cho trẻ em một vài lựa chọn không đáng giá, rằng những lựa chọn này nên được ưu tiên hơn so với một số lựa chọn [được coi là] đáng giá. Song dù một cá nhân suy nghĩ ra sao về quan điểm này, nó vẫn là một quan điểm vững chắc hơn nhiều so với quan điểm nên chuẩn bị sẵn cả lựa chọn không đáng giá lẫn lựa chọn đáng giá cho con trẻ. Trong những nền dân chủ hiện đại, có sẵn nhiều lựa chọn thuộc nhóm không đáng giá cùng những cơ hội phong phú để làm quen với chúng. Ý kiến cho rằng trường học nên ưu ái một số lựa chọn trong số đó trở nên rất kỳ quặc. Nhưng kể cả khi các trường học có làm thế thì việc thực sự khuyến khích một số lựa chọn không đáng giá vẫn sẽ trở thành chủ đề đáng bàn.
Ở phía phản đối những điều nói trên, người ta có thể nói rằng không có sự thống nhất về việc đâu là những lựa chọn đáng giá và đâu là những lựa chọn không đáng giá. Nhưng dù thế nào đi nữa thì chủ nghĩa tự do cũng không có đủ khả năng để giải đáp đến nơi đến chốn vấn đề này, vì [bản thân] nó đã tự khẳng định rằng nhiều đồng thuận đối với cùng một vấn đề hợp lý là cơ sở của nhà nước tự do. Nó không thể khẳng định rằng sống trong một xã hội dân chủ tự do thì không phải một lựa chọn tốt, [nhưng] chí ít cách bạn sống trong một xã hội tự do đã đáng giá rồi. Điều đó giải thích vì sao những người theo chủ nghĩa tự do không lo ngại việc áp đặt nền tảng giáo dục công dân ủng hộ những nguyên tắc này. Nhưng chúng ta có thể thừa nhận rằng, trong phạm vi một chính thể tự do, một số cộng đồng sẽ xem những lựa chọn này là đáng giá trong khi những cộng đồng khác lại xem những lựa chọn đó không đáng giá. Song tất cả những điều này cho chúng ta thấy, với những cộng đồng theo đuổi quan niệm riêng về thứ đáng giá trong khuôn khổ một chính thể tự do, họ có quyền sử dụng hệ thống giáo dục phổ thông công lập để thúc đẩy một trong nhiều thứ họ xem là lựa chọn đáng giá. Điều này vẫn đúng cho dù chủ nghĩa tự do [đã cố gắng] loại bỏ mọi hình thức giảng dạy tôn giáo khỏi hệ thống giáo dục học đường. Một cộng đồng tôn giáo sẽ vẫn luôn muốn hệ thống giáo dục công lập trong cộng đồng của họ giới thiệu và khuyến khích những lựa chọn tương thích với, hoặc lựa chọn ủng hộ những quan niệm của riêng họ về thứ đáng giá.
Tự chủ với tư cách một điều kiện cần thiết của sự đáng giá và những hàm ý giáo dục của nó
Nếu chúng ta giả định rằng điều kiện tiên quyết để sống một cuộc sống đáng giá trong một xã hội dân chủ tự do là có sự tự chủ, thì dường như việc một nền giáo dục không thể chuẩn bị cho cá nhân sự tự chủ sẽ không nên được ủng hộ, với lý do nó đã không thể chuẩn bị cho cá nhân một cuộc sống đáng giá. Lưu ý rằng những người chủ trương tự chủ mạnh trong giáo dục gặp khó khăn nhất định với điều này, bởi họ tin rằng một cá nhân có thể được chuẩn bị cho một cuộc sống không đáng giá. Tuy nhiên, dễ thấy quá trình chuẩn bị để có được tự chủ rất phức tạp, và một cá nhân có thể được trang bị một vài trong số đặc tính cần thiết để tự đưa ra một lựa chọn: khả năng tự kiểm soát bản thân, tự thức nhận, năng lực đánh giá, v.v… chứ không phải lúc nào cũng được chuẩn bị đầy đủ. Vì vậy nhiều đặc tính trong quá trình chuẩn bị cho một cuộc sống phụ thuộc sẽ tương tự với chuẩn bị cho một cuộc sống tự chủ. Khác biệt mấu chốt sẽ nằm ở khả năng lựa chọn một kế hoạch cuộc đời phù hợp với đòi hỏi của tính tự chủ.
Sự lựa chọn tự chủ có nhất thiết phải có ý thức không? Hãy hình dung một người xuất thân từ một cộng đồng hay gia đình không-khuyến-khích-tự-chủ, nhưng người này lại có nền tảng giáo dục khuyến-khích-tự-chủ. Cá nhân đó có thể đưa ra “lựa chọn mặc định” là ở trong phạm vi cộng đồng không-khuyến- khích-tự-chủ của mình, mà không có ý thức lo lắng về việc nên hay không nên làm vậy. Tuy nhiên, người đó vẫn sẽ được trao những lựa chọn thay thế có ý nghĩa. Những lựa chọn thay thế này sẽ cần được thúc đẩy như những thành phần khả dĩ để một cuộc sống trở nên có ý nghĩa, và sẽ phải được trình bày theo cách nào đó để một người trẻ có kiến thức nhất định về những đòi hỏi của lựa chọn thay thế cùng lý do tại sao một số người bị chúng thu hút. Như đã thấy trong chương trước, điều này có thể được nhìn nhận như một đặc tính cần thiết của giáo dục công dân ở một hệ thống giáo dục công trong một xã hội dân chủ ra sao. Trước đó chúng ta cũng đã thấy rằng giáo dục công dân và giáo dục văn hóa đòi hỏi phát triển năng lực phê phán, để cho cả nền dân chủ và nền văn hóa đều hưng khởi. Khi đó chúng ta có thể nói rằng, để thực hiện thỏa đáng trách nhiệm giải trình với xã hội, ngay cả một nền giáo dục không trang bị cho một số người trẻ cuộc sống tự chủ cũng phải phát triển một nhận thức tốt về những hình thức thay thế khả dĩ để sống một cuộc đời đáng giá. Cho dù người đó quyết định tiếp tục một cuộc sống lệ thuộc và được cộng đồng của họ ủng hộ, họ cũng đã được trao cơ hội để lựa chọn việc không làm như thế.
Vậy điều này có đủ không? Một số người có thể lập luận [tình trạng] thiếu rõ ràng trong giáo dục sự tự chủ nhằm đáp ứng kỳ vọng giúp họ đưa ra lựa chọn là một sự sai trái về đạo đức và vi phạm nhân quyền. Do đó, các gia đình cần nuôi dạy làm sao để trẻ tin vào những nguyên tắc đạo đức nhất định nhưng không cùng lúc kích thích trẻ chất vấn về những nguyên tắc đó. Ví dụ, có bất công với trẻ không khi các em được nuôi dạy trong một hệ thống đức tin tôn giáo cụ thể? Câu trả lời có thể là “có” với lý do những đứa trẻ đó có quyền lựa chọn đức tin của riêng mình. Chúng ta đã nhận thấy việc đưa ra những lựa chọn nghiêm túc và không tùy tiện rất phức tạp. Chúng ta cũng giả định rằng từng có rất nhiều hoạt động giáo dục trước khi một người đạt đến điểm mốc nào đó. Vẫn còn câu hỏi là liệu có thể đưa ra một lựa chọn tự chủ về việc cá nhân nên chọn theo tôn giáo nào nếu họ từng trưởng thành trong môi trường tôn giáo cụ thể hay không. Rõ ràng, những lựa chọn thay thế có ý nghĩa luôn sẵn có và một người trẻ sẽ phải có kiến thức chính xác về những lựa chọn đó cũng như cơ hội để kết nối với chúng. Một điều không hề rõ ràng là những điều kiện đó không thể được đáp ứng trong một xã hội đa nguyên với các hình thức giáo dục công dân đã được ủng hộ ở chương trước. Nếu chuỗi suy luận này đúng, thì điều nối theo đó sẽ là, tùy thuộc vào những ràng buộc kể trên, một người sẽ được nuôi dạy để có thể đưa ra lựa chọn tự chủ một cách có ý thức, ngoại trừ việc chọn những giá trị mà họ đã được dạy là không gắn với tự chủ. Có một sự khác biệt rất đáng kể giữa một quá trình giáo dưỡng trong đó cá nhân được giới thiệu một cách nghiêm túc những lựa chọn thay thế có ý nghĩa với một quá trình nuôi dưỡng trong đó cá nhân không được làm như vậy. Một khi đã giới thiệu cho một người trẻ tuổi những lựa chọn thay thế có ý nghĩa, người đó được phép chọn lựa từ những cái đó, dù người làm cha mẹ có muốn điều này hay không.
Ai đó có thể nói rằng mọi người cần có khả năng lựa chọn một hệ giá trị bao hàm việc tuân theo hay không tuân theo một dạng niềm tin tôn giáo nếu họ được tự chủ. Điều này bao gồm tham gia thực hành tôn giáo ở một mức độ nào đó và một nhận thức rằng có những lựa chọn thay thế chúng, như việc không theo bất cứ tôn giáo nào. Giải pháp được một số hệ thống giáo dục áp dụng mà chúng tôi sẽ bàn kỹ hơn ở Chương 10, là thừa nhận các trường tôn giáo (faith school) nhằm đáp ứng đòi hỏi của những phụ huynh muốn con họ được thụ hưởng không gian tôn giáo.
Song có một vấn đề sâu sắc hơn rất đáng bàn ở đây. Những người theo chủ nghĩa tự do như Rawls đã rất cố gắng chỉ ra rằng cái tôi cá nhân mà một xã hội tự do yêu cầu không phải là hình thái chẳng có giá trị hay niềm tin gì (Rawls 1993). Cái cần thiết duy nhất là cá nhân có thể tạm thời tách những giá trị, niềm tin đó ra khỏi bản thân để cân nhắc những dàn xếp chính trị hợp lý. Họ tin điều này bởi một lý do chính đáng; một cái tôi không có niềm tin hay giá trị gì là cái tôi có thể không có hiểu biết về cái gì đáng giá, cái gì không đáng giá đối với mình. Nhưng để trở thành một cái tôi trọn vẹn theo nghĩa này, cá nhân phải tiếp thu những giá trị và niềm tin ở một thời điểm mà về mặt trí tuệ họ không thể xác định được những giá trị và niềm tin nào bản thân muốn tiếp thu. Thậm chí niềm tin theo kiểu chủ nghĩa tự do được yêu thích là cá nhân nên có khả năng đánh giá mọi niềm tin với tinh thần phê phán, nếu đây là niềm tin đặt nền tảng cho việc giáo dục một đứa trẻ, cũng sẽ cần khắc sâu vào tâm trí trẻ mà không có sự đồng tình của đứa trẻ ấy. Bao quát hơn thì, [đứa trẻ] được nuôi dạy trong một cộng đồng đồng nghĩa với được nuôi dạy để tiếp thu một hệ giá trị và niềm tin, và việc này không loại trừ các cộng đồng theo chủ nghĩa tự do. Khi đó, có vẻ như giáo dục phải chứa đựng cả việc khắc sâu một số giá trị và niềm tin. Khác với sự ép buộc, thực tiễn này là một phần thiết yếu của quá trình lĩnh hội có ý thức về tính cá nhân đủ phong phú để có thể đưa ra những lựa chọn quan trọng trong tương lai về kiểu người mà ai đó muốn trở thành.
Kết luận: Vị trí của chuẩn bị cho sự tự chủ về giáo dục trong một xã hội dân chủ tự do đương đại
Một xã hội có, với tư cách là những thiết chế trung tâm của nó – chính quyền dân chủ, thượng tôn các quyền cá nhân, sự biện hộ cho chủ nghĩa đa nguyên giá trị và kinh tế học thị trường – thì hầu như không thể tránh khỏi việc khuyến khích sự tự chủ như là một mục tiêu giáo dục. Điều này không có nghĩa là hình thức cuộc sống đáng giá duy nhất là cuộc sống tự chủ trong đó cá nhân được tự do lựa chọn niềm tin chính trị, đạo đức, tôn giáo và cả nghề nghiệp của mình. Trong một xã hội nơi mà những thiết chế trung tâm này mang giá trị nội tại, hay chính là giá trị tự thân, tức là nơi mà chúng được tin là cấu thành một phần của cuộc sống tốt đẹp trong xã hội đó, bản thân sự tự chủ phải có giá trị nội tại, vì nó cấu thành một phần của việc sống một cuộc đời đáng sống trong các xã hội mà cá nhân có năng lực tự chủ.
Câu hỏi một người nên được nuôi dạy theo hình thức tự chủ nào là vấn đề gây tranh cãi và chương này đã bàn luận các vấn đề chính yếu đang gây tranh cãi. Những vấn đề này giờ đây có thể tóm lược như sau. Thứ nhất, người ta không thể nuôi dạy con cái mà không định hướng cho các em đến một số niềm tin về giá trị. Việc này sẽ thật đáng trách nếu nó được thực hiện theo cách phi đạo đức, mặc dù tự nó không thể phi đạo đức, dù cho có những người sẽ coi việc khắc sâu một số giá trị vào tâm trí con trẻ là sai lầm. Thứ hai, tự chủ tức là sở hữu một năng lực đã hoàn thiện để đưa ra lựa chọn đồng thời hiểu được những lựa chọn của một người để đi đến những kết luận thành công; nó không nhất thiết bao gồm việc cân nhắc có ý thức, có chủ định về các lựa chọn thay thế. Thứ ba, không cộng đồng nào có nghĩa vụ nuôi dạy con trẻ để các em có thể đưa ra những lựa chọn mà cộng đồng đó không xem là lựa chọn đáng giá cho thành viên cộng đồng. Cuối cùng, nhà nước phải xem xét các cộng đồng muốn gì cũng như điều gì là cần thiết để duy trì các thiết chế chính trị của xã hội, trong việc quyết định điều gì nên diễn ra trong nền giáo dục do chính phủ tài trợ. Kết luận nào ở đây cũng gây tranh cãi, nhưng chúng tôi tin rằng chúng là lập trường bền vững nhất đối với một nhà giáo dục cam kết với tự chủ.
Chúng tôi nghĩ rằng, sự phát triển của sự tự chủ có những hàm ý chung cho chính sách giáo dục công như sau:
1. Vai trò của nhà nước trong quá trình giáo dưỡng trẻ em là tối thiểu. Tùy thuộc vào nghĩa vụ chăm sóc cũng như tính hợp lý, phụ huynh có trách nhiệm hàng đầu đối với việc nuôi dạy trẻ trên bình diện xã hội, đạo đức và tôn giáo trong những lĩnh vực không được đề cập của chương trình giáo dục ở trường.
2. Nhà trường nên cung cấp cho trẻ đủ lựa chọn thay thế cần thiết để các em có thể tương tác với những lựa chọn nghề nghiệp khác nhau một cách có ý nghĩa.
3. Giáo dục tôn giáo trong nhà trường, dù có phải trường tôn giáo hay không, nên cung cấp cho trẻ em những lựa chọn thay thế có ý nghĩa đủ để các em có một mức độ tương tác với những lựa chọn đó nếu các em muốn làm vậy, miễn là các cộng đồng quan trọng trong chính thể đó cho rằng những lựa chọn thay thế đó đáng giá.
4. Trẻ em nên có cơ hội phát triển những mối quan tâm chắc chắn và ổn định, cái sẽ cho các em đủ sự tự thức nhận để đưa ra những lựa chọn có ý nghĩa đối với cuộc đời mình.
Câu hỏi thảo luận
1. Những thành tố chính yếu của sự tự chủ là gì?
2. Một người trẻ tuổi nên có lựa chọn tự chủ về những phương diện nào trong cuộc sống?
3. Nuôi dạy trẻ theo một hệ thống niềm tin đạo đức hoặc tôn giáo cụ thể thì có sai không?
4. Các cộng đồng địa phương nên đóng vai trò ra sao trong việc xác định nội dung giảng dạy ở nhà trường?
5. Trẻ em lớn lên trong các gia đình thế tục nên được giáo dục ra sao để đưa ra lựa chọn tự chủ về việc theo tôn giáo nào, nếu có?
Đọc thêm
Tự chủ là một chủ đề được bàn luận nhiều trong triết học giáo dục cũng như triết học chính trị. Cuốn Những Đòi hỏi của Giáo dục khai phóng (The Demands of Liberal Education, Oxford, NXB Đại học Oxford, 2000) của Meira Levinson xem xét khái niệm tự chủ trong bối cảnh học thuyết chính trị tự do và rút ra những hệ quả của mối quan hệ giữa quá trình nuôi dạy trẻ và giáo dục học đường. Cuốn Lựa chọn trường học và công bằng xã hội (School Choice and Social Choice, Oxford, NXB Đại học Oxford, 2000) của Harry Brighouse đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ giữa giáo dục khuyến-khích-tự-chủ với sự bình đẳng trong giáo dục học đường. Một cuốn sách ra đời sớm hơn của Eamonn Callan là Tự chủ và Giáo dục học đường (Autonomy and Schooling, Kingston, ONT, NXB Đại học McGill-Queen, 1993), bàn luận một số lĩnh vực mà Levinson và Brighouse đã bàn, với việc nhấn mạnh cụ thể vào quan niệm tự chủ như là sự tự kiểm soát. Tác phẩm Emile hay về giáo dục của Rousseau (1910) có lẽ là ấn phẩm kinh điển đại diện cho quá trình phát triển quan điểm hiện đại về tự chủ. Tuy nhiên, những chỉ dẫn về giáo dục của Rousseau vừa có tính độc đáo cao vừa gây tranh cãi gay gắt. Cuốn Giáo dục và Cuộc sống tốt đẹp (Education and the Good Life, London, Routledge, 1990) của John White là một dẫn luận hữu ích về tự chủ mạnh như một mục tiêu của giáo dục, trong khi bài báo của Richard Norman, “Tôi đã làm theo cách của tôi: Một số suy ngẫm về tự chủ” (I Did It My Way: Some Reflections on Autonomy, Journal of Philosophy of Education, 28, 1:25-34, 1994) là một phần giới thiệu cô đọng và dễ tiếp cận về vấn đề trên. Cuốn Những tự do hão huyền (Illusory Freedoms, Oxford, Blackwell, 1997) của Ruth Jonathan thể hiện một thái độ hoài nghi hơn đối với chủ nghĩa tự do khi nhìn nhận về sự tự chủ. Trong những tác phẩm khác, cuốn Luân lý của Tự do (The Morality of Freedom, Oxford, NXB Clarendon, 1986) là lời biện hộ bổ sung cho “tự chủ yếu” trong các xã hội tự do. Bài báo của Christopher Winch, “Tự chủ mạnh và Giáo dục” (“Strong Autonomy and Education”, Educational Theory, 52, 1:27-42, 2002) nghiên cứu câu hỏi liệu một hệ thống giáo dục công có thể cho phép tự chủ mạnh trở thành một mục tiêu của giáo dục hay không.