Sự cần thiết của trách nhiệm giải trình.
Thị trường có thể đem lại điều này không?
Phụ huynh có phải là người đánh giá đúng
các cơ hội giáo dục không?
Trong phần Dẫn nhập, chúng tôi đã hướng sự chú ý đến vấn đề trách nhiệm giải trình hay những người hữu trách được yêu cầu phải biện giải về những gì họ đã làm với nguồn lực được cung cấp cho dịch vụ đó khi được yêu cầu. Trong Chương 5 chúng tôi đã bàn luận vấn đề này trong mối quan hệ với công tác đánh giá. Một trong những vấn đề nảy sinh với việc cung ứng giáo dục là nó có thể không đáp ứng được nhu cầu của những người sử dụng, bao gồm phụ huynh và con cái họ. Trong sự độc quyền giáo dục của nhà nước, phụ huynh không có lựa chọn nào khác ngoài gửi con đến các trường do nhà nước tài trợ và quản lý. Về cơ bản, họ không có nhiều hoặc không có lựa chọn gửi con đến trường nào. Ngay cả ở nơi nhà nước không áp dụng chính sách độc quyền, hầu hết phụ huynh cũng không thể trả các khoản phí cần thiết để con cái họ học ở ngoài hệ thống công lập. Thế nhưng có thể có một vài lý do chính đáng giải thích tại sao nhà nước không nên áp đặt một thứ quyền lực như vậy để chi phối chuyện trẻ nên được học tập tại đâu và học như thế nào. Chương này khảo sát những lý lẽ ủng hộ việc cho phép các lực lượng thị trường, chứ không phải nhà nước, quản trị việc cung cấp dịch vụ giáo dục. Chương này xem xét khái niệm thị trường và sau đó tìm hiểu xem một thị trường cung ứng dịch vụ giáo dục sẽ hoạt động ra sao. Điều này dẫn tới việc cân nhắc liệu mục tiêu của các hệ thống giáo dục là cung cấp dịch vụ giáo dục hay là các cơ hội giáo dục, và việc cung cấp dịch vụ giáo dục được biện luận như là vai trò hợp lý của loại hình giáo dục do chính phủ tài trợ. Bản chất hàng hóa của giáo dục sẽ được khảo sát và tầm quan trọng của giáo dục như một loại hàng hóa có địa vị (positional goods) sẽ được nhấn mạnh. Tiếp theo chương này xem xét: Ai là khách hàng của giáo dục, những lợi ích của “phiếu tài trợ giáo dục” (educational vouchers) đã được thừa nhận, câu hỏi liệu thị trường giáo dục đang thúc đẩy hay cản trở bình đẳng trong giáo dục và sau rốt, liệu chúng có khả năng đem lại sự đa dạng trong cung cấp giáo dục hay không.
Nhà kinh tế học Adam Smith từng nhấn mạnh, một giáo viên chỉ được trả lương bởi nhà nước “sẽ sớm học cách lơ là công việc của chính mình”. Smith cho rằng nếu giáo viên được nhà nước đảm bảo một mức thu nhập, họ sẽ không có động lực để thực hiện công việc một cách tốt nhất. Cách duy nhất phụ huynh có thể bảo đảm rằng giáo viên sẽ có động lực để làm vậy là trả lương cho giáo viên theo hiệu quả công việc trong quá trình giáo dục con cái họ. Trong một hệ thống như vậy, những giáo viên giỏi sẽ được trả lương cao còn những giáo viên dở sẽ được trả lương thấp. Nếu chúng ta tiếp tục giả định rằng những trường tốt nhất sẽ quy tụ những giáo viên giỏi nhất, thì mức lương cao hơn mà các giáo viên giỏi nhận được cũng đồng nghĩa với những trường tốt nhất đã có những giáo viên được trả lương cao nhất. Mặc dù các trường như vậy hứa hẹn khả năng cung cấp nền giáo dục tốt nhất, nhưng nó cũng sẽ đắt đỏ nhất.
Song còn một vấn đề nữa bên cạnh vấn đề hiệu quả. Nếu nhà nước kiểm soát giáo dục, thậm chí nếu nhà nước vận hành giáo dục với những ý định tốt đẹp nhất và với mức độ hiệu quả nhất có thể, thì sẽ luôn có nguy cơ nhà nước thực hiện việc giáo dục theo cách không tương thích với những mong muốn của các bậc phụ huynh. Ví dụ, phụ huynh có thể muốn con họ được giáo dục về mặt tôn giáo, hoặc muốn giáo dục con họ điều hành một doanh nghiệp. Cả hai khả năng này chưa chắc đã có sẵn trong một hệ thống giáo dục được nhà nước bảo trợ. Làm thế nào phụ huynh có thể sử dụng ảnh hưởng của họ để có được loại hình giáo dục mà họ muốn? Như chúng ta đã thấy, nếu không có sự độc quyền của nhà nước, thì đơn giản là phụ huynh sẽ phải chấp nhận loại hình giáo dục mà mình mong muốn dành cho con mình với chi phí cực kỳ đắt đỏ, vượt xa khả năng đáp ứng nếu xét từ những nguồn lực riêng của họ. Một giải pháp khả dĩ cho những khó khăn này là cho phép một thị trường trong lĩnh vực giáo dục.
Thị trường là gì?
Hiểu đơn giản, thị trường là nơi mà người bán và người mua được kết nối với nhau để trao đổi hàng hóa. Lý tưởng là, người mua và người bán nên lập tức biết được tất cả các mức giá của hàng hóa được chào bán (giá chào bán) và tất cả những mức giá đề nghị mua từ các khách hàng tiềm năng (giá hỏi mua). Thông tin đó cho phép người mua và người bán điều chỉnh giá chào bán và giá hỏi mua cho tới khi thị trường “thông qua”, đó là tất cả mọi giá hỏi mua đều được chấp nhận. Ví dụ rõ nhất về thị trường là một hội chợ rau quả ở nông thôn, nơi các chủ quầy hàng trưng bày hàng hóa của mình và người mua có thể quan sát tất cả các sản phẩm chào bán của các chủ quầy khác nhau. Họ cũng có thể “mặc cả” về mức giá. Từ quan điểm của người bán, giá đó phải phản ánh được giá trị lao động được đầu tư vào sản phẩm đó, cùng với một phần lợi nhuận. Giá đó cũng sẽ phản ánh nhu cầu về sản phẩm, thứ phụ thuộc vào sự cạnh tranh giữa những người bán với số lượng người mua. Sự khan hiếm cũng như chi phí lao động đầu vào sẽ quyết định giá cả. Từ quan điểm của người mua, điều quan trọng là hàng hóa chào bán phù hợp với ý muốn của họ và chúng được chào bán ở một mức giá có thể mua được. Một yếu tố quan trọng nữa là người mua cần có kiến thức để xác định liệu hàng hóa được chào bán có chất lượng phù hợp hay không. Chẳng nghĩa lý gì khi mua một con ngựa kiệt sức hoặc một chiếc xe đã bị chỉnh công-tơ-mét, cho dù giá cả hấp dẫn và bạn rất cần phương tiện vận tải đi nữa. Trong mô hình đơn giản về chợ rau quả mà chúng tôi đề cập, người mua và người bán có thể kiểm tra các mức giá hỏi mua và giá chào bán bởi vì họ ở gần nhau về mặt không gian. Nhưng tất nhiên, nguyên tắc đó vẫn có thể được áp dụng nếu giá chào bán và giá hỏi mua được đưa ra bằng những cách khác, ví dụ như ở dạng viết trên giấy hoặc điện tử. Đây là cách hoạt động của thị trường chứng khoán. Trong trường hợp của thị trường chứng khoán, chất lượng của sản phẩm đôi khi được đánh giá bởi một chuyên gia được gọi là một “nhà phân tích” – người dành thời gian nghiên cứu thực chất hoạt động kinh doanh của một công ty. Đây là một phiên bản lý tưởng hóa của các thị trường. Trong thực tiễn, ngay cả trong một chợ rau quả, sự nhận biết ngay lập tức về giá hỏi mua và giá chào bán cũng không có sẵn, chứ chưa nói đến các thị trường được phân phối theo không gian rộng hơn. Cũng không có một sự đánh giá chính xác về chất lượng. Phiên bản lý tưởng hóa của thị trường mà nhà kinh tế học đó đưa ra có vẻ giống một thứ hoạt động rất tốt theo lý thuyết nhưng lại không tương thích với thực tế. Nếu đúng là vậy thì điều đáng ngờ là liệu học thuyết kinh tế có liên quan nhiều đến thực tiễn thị trường hay không. Vì lý do này, một số nhà kinh tế học đã chọn mô hình theo trường phái kinh tế học Áo (tên được đặt như vậy do ý tưởng này bắt nguồn từ nhà kinh tế học người Áo Ludwig von Mises). Trong mô hình này, người mua và người bán không có nhận thức tức thời về tất cả giá hỏi mua và giá chào bán. Thay vào đó, họ chú ý đến về giá chào bán và giá hỏi mua trong vùng lân cận của họ. Tuy nhiên, thông tin này dần lan truyền khắp thị trường và tác động đến hành vi của người mua cũng như người bán ở những khu vực khác của thị trường đó. Như vậy, nếu nhu cầu thấp trong một khu vực của thị trường dẫn tới sự hạ giá chào bán, người mua và người bán ở những khu vực khác của thị trường nghe ngóng được điều này và [chắc chắn] người bán trong khu vực này của thị trường sẽ điều chỉnh giá chào bán của họ căn cứ theo tình hình mới. Người mua cũng phát triển cái mà đôi khi được gọi là tri thức “ngầm” (“tacit” knowledge) về hàng hóa được chào bán. Bằng cách lặp lại việc kiểm tra và so sánh các giá hỏi mua, họ biết được điều gì đó về chất lượng của thứ được chào bán so với giá chào bán của nó và kiến thức này được bao hàm trong quyết định mua hàng sau cùng của họ.
Một điểm cuối cùng. Yếu tố thị trường có thể được áp dụng vào việc trao đổi mọi loại hàng hóa và dịch vụ. Rau quả, xe ô tô và ngựa là những ví dụ rõ ràng. Cổ phiếu thì trừu tượng hơn, nhưng vẫn là một loại hàng hóa khả thương, bởi vì chúng tồn tại lâu dài cho dù không hữu hình. Tuy nhiên, các dịch vụ cũng có thể được bán trên thị trường, mặc dù dịch vụ vừa không hữu hình vừa không tồn tại lâu dài. Không phải mọi thứ đều có thể mua bán. Ví dụ, tôi có thể bán chiếc áo sơ mi của mình, chiếc áo là một mặt hàng chứ không phải bán chiều cao của tôi, vốn là một phần không thể chia tách khỏi tôi.
Thị trường trong lĩnh vực giáo dục
Đối mặt với những vấn đề về lựa chọn và trách nhiệm giải trình đã đề cập ở các chương trước, một giải pháp thị trường cho giáo dục là khá hấp dẫn. Trước hết, nó hứa hẹn giải quyết những bất đồng về các mục tiêu của giáo dục. Một khi nhà nước rút lui khỏi nhiệm vụ có vẻ bất khả thi là đáp ứng các mục tiêu giáo dục của tất cả các nhóm, thì mỗi nhóm có những mục tiêu riêng biệt lại có thể thiết lập hệ thống trường phổ thông và đại học của riêng mình. Lấy ví dụ, nếu các phụ huynh có tư tưởng tôn giáo không muốn con họ học tập trong một hệ thống giáo dục thế tục thì họ có quyền thiết lập các trường tôn giáo. Lợi thế thứ hai mà hướng tiếp cận thị trường mang lại là câu trả lời dành cho câu hỏi về trách nhiệm giải trình. Một hệ thống giáo dục dựa trên cơ chế thị trường sẽ vận hàng qua trao đổi giữa nhà cung cấp và người mua hàng. Nếu người mua không thích thứ được chào bán, họ sẽ không phải mua thứ đó hoặc họ có thể không bao giờ mua hàng nữa. Không cần những hệ thống thanh tra phức tạp để đảm bảo rằng các trường đều đạt chuẩn. Một điểm thú vị, mà chúng ta sẽ trở lại, là liệu đánh giá có cần thiết như một chỉ dấu về mức độ giá trị của thứ được chào bán hay không. Chúng ta nên nhớ rằng người mua hàng cần được thông tin không chỉ là mức độ sẵn có và giá cả của mặt hàng, mà cả chất lượng của nó. Nhìn nhận những điều này như thế nào là một vấn đề lớn mỗi khi đánh giá đề xuất về thị trường dành cho giáo dục. Cuối cùng, một hệ thống thị trường sẽ linh hoạt và nhanh chóng phản hồi trước những thay đổi theo nhu cầu. Các trường không được yêu thích sẽ đóng cửa và các trường được ưa chuộng sẽ thế chỗ. Một hệ thống thị trường giáo dục hứa hẹn xử lý một số vấn đề thực sự khó khăn ẩn dưới hoạt động cung cấp dịch vụ giáo dục.
Xem xét lại các mục tiêu của giáo dục: Giáo dục hay cung cấp các cơ hội giáo dục?
Trước tiên, chúng ta cần biết chính xác cái gì đang được chào bán trong một hệ thống giáo dục dựa trên thị trường. Nếu giáo dục không phải là một loại hàng hóa thì hiển nhiên nó không thể được chào bán trên thị trường. Chúng ta đã thấy trong Chương 1 một định nghĩa tổng quát về giáo dục, rằng nó là sự chuẩn bị cho cuộc sống. Chuẩn bị cho cuộc sống là điều xảy ra với một cá nhân; nếu bạn đồng ý, nó là một thành tựu cá nhân, một điều mang tính riêng có đối với bất cứ người nào được giáo dục. Nếu tôi có học thức (become educated), tôi không thể bán cho bạn nền tảng giáo dục của tôi, cũng giống như không thể bán cho bạn chiều cao của tôi. Cho nên có vẻ như một thị trường trong giáo dục là một ý tưởng không khả quan, do giáo dục không phải là một mặt hàng khả thương. Đáp lại, có những người khẳng định rằng mục tiêu thích hợp hơn cả của các tổ chức giáo dục không phải mang tới một nền giáo dục như thế, mà là cung cấp các cơ hội giáo dục. Cơ hội là những cái có thể được mua và bán, do đó nói về một thị trường trong các cơ hội giáo dục sẽ hợp lý hơn. Chúng ta đã xem xét sơ lược khẳng định này ở Chương 5 trong mối quan hệ với các vấn đề về đánh giá. Câu hỏi nổi lên lúc này, “Chúng ta coi giáo dục là sự chuẩn bị cho cuộc sống, hay là cơ hội để chuẩn bị cho cuộc sống?” Cách người ta thường hay bàn về giáo dục gợi ý rằng giáo dục là cái mà một người đạt được, không phải là một cơ hội để đạt được cái gì đó. Lấy một ví dụ thật nổi bật, nếu tôi đề nghị giáo dục đạo đức cho con bạn, bạn sẽ kỳ vọng tôi làm cho con bạn hiểu được sự khác biệt giữa đúng và sai, làm điều đúng và tránh làm điều sai. Bạn sẽ không đơn thuần kỳ vọng tôi cung cấp những cơ hội để con bạn làm người tốt. Bạn sẽ không hài lòng nếu tôi trao lại bạn đứa con không khác gì một thiếu niên phạm tội, với lý lẽ rằng tôi đã cho nó mọi cơ hội để làm một người tốt, nhưng học sinh đã chọn không nắm bắt những cơ hội đó.
Vì vậy có vẻ không ổn khi phát biểu rằng giáo dục chỉ cung cấp các cơ hội. Tuy nhiên, những người ủng hộ thị trường có thể đáp lại rằng tất cả những gì các trường học có thể cung cấp thực tế là cơ hội để trở nên có học thức, chứ các trường không thể làm người ta trở nên có giáo dục. Ở một mức độ nào đó, điều này đúng. Tuy nhiên, người ta thường kỳ vọng rằng trường học sẽ gây áp lực đáng kể lên học sinh để trẻ học cách cư xử, học đọc, đếm, viết, v.v… và áp lực đó là chính đáng, do việc không thể làm một người tốt, không biết chữ hay không biết tính toán không chỉ là một thảm họa cá nhân đối với đứa trẻ đó mà còn tạo gánh nặng đối với xã hội, điều này sinh ra nguy cơ phải đối phó với tình trạng người dân phạm tội, mù chữ và mù tính toán. Vậy nên trông như thể một số người ủng hộ thị trường giáo dục cam kết xem xét một quan điểm rất mạnh mẽ về các quyền của trẻ em để từ chối nền giáo dục được cung cấp cho chúng.
Bây giờ chúng ta cần xét kỹ việc cung cấp các cơ hội giáo dục cho ai đó nghĩa là gì. Câu trả lời rõ ràng là đây là các cơ hội để lĩnh hội kiến thức, thái độ và kỹ năng. Như vậy sẽ thật tự nhiên khi cho rằng chức năng giải trình trong thị trường được thực hiện thông qua việc đánh giá mức độ học sinh đã thực sự học được. Tuy nhiên, lạ lùng là, đây không phải là một phương án mà các nhà lý thuyết thị trường có thể lựa chọn. Vì, như chúng ta đã thấy trong Chương 5, đối tượng của đánh giá là mức độ mà người học đã học được, không phải mức độ mà họ đã được cung cấp các cơ hội. Do đó, không có gì ngạc nhiên, khi thấy một nhà lý thuyết thị trường khẳng định rằng cách thức để đánh giá các cơ hội giáo dục là nhìn vào sân chơi, đánh giá cơ sở vật chất của trường, và hỏi học sinh xem các em học tập ở trường như thế nào (Tooley 1998, tr.273). Phản bác dễ thấy đối với phiên bản trách nhiệm giải trình này là những kỳ vọng của nhà lý thuyết thị trường đó và vị phụ huynh trả tiền cho giáo dục cực kỳ không tương thích với nhau. Như chúng ta đã thấy, phụ huynh sẽ bất bình nếu được giải thích rằng đứa con dốt kém hoặc phạm tội của họ tuy vậy đã được cung cấp những cơ hội tuyệt vời mà chúng đã từ chối đón nhận. Do đó, quan điểm về thứ người ta chào bán trong thị trường giáo dục là một điều ngớ ngẩn và phải bị bác bỏ, cùng với ý tưởng rằng giáo dục là một loại hàng hóa.
Theo đó, nếu chúng ta muốn hiểu được thị trường trong giáo dục, chúng ta phải nghiêm túc xem xét ý tưởng rằng cái được chào bán, theo một nghĩa nào đó, là một sự chuẩn bị cho cuộc sống. Như vậy, “khách hàng” đối với giáo dục là cha mẹ hoặc người giám hộ của đứa trẻ, không phải là đứa trẻ đó.
Trẻ em, đặc biệt là các em ít tuổi, sẽ không có một cái nhìn rõ ràng về cách tốt nhất để chuẩn bị cho cuộc sống. Trong một thị trường giáo dục, phụ huynh chi trả ít nhất là một phần cho việc dạy dỗ con cái họ và họ xem xét sự thành công hay không của nội dung giáo dục đó phụ thuộc vào những thành tựu được xác định thông qua đánh giá và thông qua những yếu tố ít đo lường được như kỹ năng xã hội, sự tự tin và điềm tĩnh. Tất cả những điều này hàm ý rằng sự cam kết với một ngôi trường là một quá trình dài hạn, vì việc thường xuyên thay đổi trường học của một đứa trẻ chính là làm gián đoạn quá trình giáo dục mà phụ huynh đã chi trả. Điều này làm cán cân quyền lực nghiêng hẳn về phía nhà trường, bên biết rằng một khi một phụ huynh đã cam kết với những thứ nhà trường có để cung cấp, thì việc chuyển đi không dễ như vậy. Song cán cân quyền lực còn nghiêng về phía nhà trường chứ không phải phía phụ huynh theo những cách khác nữa.
Để thấy điều này, cần xem xét kỹ hơn giáo dục tốt là gì. Theo một nghĩa, nó là cái quan yếu: lĩnh hội những giá trị, kiến thức, kỹ năng và sự tự tin – những thứ hữu dụng trong cuộc sống. Tuy nhiên, giáo dục cũng là cái được gọi là một hàng hóa “có địa vị”. Điều này có nghĩa rằng giá trị của nền tảng giáo dục của một người phụ thuộc ở một mức nào đó vào uy tín của nó. Cũng giống như một người chạy chiến thắng một cuộc đua có uy tín hơn so với người về nhì, bản thân người về nhì lại có uy tín hơn so với những người về sau, vì thế người có một nền tảng giáo dục vị thế cao có nhiều danh vọng xã hội hơn so với một người có giáo dục vị thế thấp hơn. Điều quan trọng cần lưu ý là, điều này được chứng tỏ không chỉ thông qua các kết quả thi cử mà còn thông qua kiểu tự tin mà có thể được truyền tải thông qua hiểu biết rằng một cá nhân đã có một nền tảng giáo dục uy tín. Sự tự tin này được nâng cao nếu một trong những tài sản của ngôi trường là mạng lưới liên kết xã hội mà nó tạo ra trong thế giới người lớn (hiện tượng “cà vạt trường cũ”*). Ngôi trường, vì thế, có thể là người gác cổng cho thành công cũng như uy tín xã hội, không chỉ thông qua những lợi ích về nhận thức và đạo đức mà nó đem lại, mà còn thông qua chính bản thân ngôi trường đó. Cũng giống như việc chỉ có thể có một người thắng trong một cuộc đua, những vị trí mà giáo dục có thể mang lại trong một ngôi trường cụ thể được phân phối sao cho việc một người nắm giữ một vị trí sẽ loại trừ khả năng một người khác nắm giữ cùng vị trí. Điều này làm hạn chế số lượng trẻ em có thể hưởng lợi từ giáo dục trong các trường phổ thông cụ thể và có nghĩa là có sự cạnh tranh quyết liệt để vào được các trường đó. Điều này đưa các trường có vị thế cao vào một vị trí rất nhiều quyền lực.
Chú thích:
* Hiện tượng cà vạt trường cũ (Old school tie phenomenon): Mối quan hệ giữa những người học cùng trường cũ. Chú thích của người dịch: Cụm từ ‘old school tie’ theo nghĩa đen là cà vạt học sinh các trường công ở Anh đeo, mỗi trường có một màu sắc cà vạt riêng. Theo nghĩa bóng, cụm từ này chỉ một thái độ bảo thủ, phong thái tự tin và sự đoàn kết của giới thượng lưu gắn với những học sinh tốt nghiệp trường công ở Anh (Từ điển trực tuyến Merriam-Webster, 2020) (ND).
Đa số phụ huynh nhận ra điều này một cách chính xác và “mua” dịch vụ giáo dục ở một trường cụ thể một cách chuẩn xác vì những lợi thế về địa vị mà nó mang trong mình. Tuy đứa trẻ là người thụ hưởng, nhưng cha mẹ lại là người lựa chọn và chi trả sự giáo dục ấy. Cha mẹ học sinh là người đánh giá chất lượng của cái được chào bán. Vậy còn những đứa trẻ mà cha mẹ chúng không thể đủ tiền chi trả cho một nền giáo dục như vậy hoặc là những người không đủ am hiểu để đưa ra lựa chọn tốt thì sao? Rõ ràng các em sẽ bị thiệt thòi. Trông như thể một hệ thống thị trường giáo dục được thiết kế để ủng hộ người giàu, người có hiểu biết và người có quyền lực. Nhà cung ứng, đặc biệt là nhà cung ứng giáo dục có uy tín, ở một vị trí có quyền lực.
Vì lý do này, những người ủng hộ yếu tố thị trường trong giáo dục với thái độ ôn hòa hơn không khuyến nghị một hệ thống hoàn toàn không được kiểm soát và không được trợ cấp như hệ thống mà chúng ta vừa xem xét. Các đề xuất về các thị trường được kiểm soát thường được nghe thấy nhiều hơn. Một vấn đề hiển hiện là vấn đề chi trả. Nếu những phụ huynh nghèo không thể chi trả cho việc học hành của con cái họ, thì trong một hệ thống thị trường con cái họ sẽ không nhận được bất cứ sự giáo dục nào. Thậm chí nếu họ được trợ cấp, con cái họ cũng sẽ không nhận được một nền giáo dục tốt bằng con của những phụ huynh giàu. Do vậy, người ta thường hay nghe nói về những đề xuất phiếu tài trợ cho giáo dục. Một phiếu miễn phí là một quyền lợi giáo dục với một giá trị tiền mặt nhất định được chi trả từ nguồn thuế chung của xã hội. Phiếu miễn phí được cấp phát đến phụ huynh của từng trẻ. Cha mẹ tùy ý thêm tiền riêng của họ vào giá trị của tấm phiếu miễn phí đó để mua thêm giáo dục hoặc giáo dục chất lượng cao nếu họ muốn vậy. Đề xuất này quan tâm đến ý kiến phản bác rằng những phụ huynh nghèo sẽ không có khả năng chi trả cho giáo dục dành cho con họ, nhưng nó vẫn dễ bị cáo buộc rằng phiếu miễn phí thiên vị cho trẻ con nhà giàu. Trong một hệ thống giáo dục được nhà nước tài trợ, giáo dục sẽ được chi trả bởi hệ thống thuế. Bất cứ ai muốn giáo dục riêng con họ vẫn phải đóng góp đầy đủ cho giáo dục nhà nước. Trong một hệ thống phiếu miễn phí, họ sẽ không phải chịu gánh nặng này và thêm nhiều người tương đối khá giả sẽ có thể mua thêm dịch vụ giáo dục cho con họ hơn so với trong một hệ thống giáo dục được nhà nước tài trợ.
Giáo dục bắt buộc
Khi giáo dục được cung cấp bởi nhà nước, nó thường mang tính bắt buộc. Tất cả những người đóng thuế buộc phải đóng thuế và mọi phụ huynh buộc phải gửi con họ đến trường. Một số người ủng hộ thị trường nghĩ rằng việc buộc phụ huynh gửi con họ đến trường hay cung cấp một nền giáo dục thỏa mãn ý chí nhà nước là xâm phạm quyền của phụ huynh. Quan điểm của họ là phụ huynh sẽ nhận ra rằng giáo dục đem lại lợi ích cho trẻ em và sẽ tìm cách cung cấp cái tốt nhất mà họ có thể cho con cái trong phạm vi các phương tiện mà họ sẵn có. Chúng ta đã thấy trong Chương 8 các vấn đề liên quan trong việc đảm bảo rằng mọi người lao động đều được đào tạo. Chúng tôi đã lưu ý rằng, đối với một công ty riêng lẻ, việc không đào tạo người lao động thì hợp lý hơn so với việc đào tạo họ, trừ khi có một lý do nào đó khác, như bị đóng thuế để cung cấp đào tạo, điều này khiến việc đào tạo trở nên hợp lý. Liệu có một sự tương đồng nào với việc giáo dục trẻ em không?
Điểm thứ nhất luôn cần ghi nhớ là trẻ em chính là người sẽ được giáo dục, không phải phụ huynh. Mặc dù mọi người đều được hưởng lợi từ những cư dân có học thức thông qua những kỹ năng và sự thịnh vượng kinh tế mà họ mang lại, tất cả những phụ huynh chi trả cho việc học hành của con cái họ phải chịu những khoản chi phí rất cao, với kết quả là chỉ có một phần thêm không đáng kể vào hạnh phúc chủ quan của họ. Tất nhiên, họ có thể chi trả cho việc giáo dục của con cái họ vì tình yêu hay vì ý thức nghĩa vụ, nhưng có đủ những phụ huynh vô trách nhiệm đối với việc đó khiến cho việc dựa vào ý thức của tất cả các bậc phụ huynh để đảm bảo rằng con họ được giáo dục là không thực tế. Do đó, không có gì rõ ràng là cha mẹ sẽ đảm bảo rằng con cái họ được giáo dục. Đây chính là lý do tại sao ngay cả những nhà bình luận theo chủ nghĩa tự do như John Stuart Mill và Adam Smith cũng cổ xúy một mức độ cưỡng bách để đảm bảo trẻ em được giáo dục, cho dù chính hệ thống giáo dục đó được tư nhân vận hành. Trong một hệ thống giáo dục theo định hướng thị trường mà không có sự cưỡng bách, có những cơ sở để nghĩ rằng một số phụ huynh sẽ không thể giáo dục con cái họ. Vấn đề này rất giống vấn đề đào tạo mà chúng ta đã bàn trong chương trước. Khi đối diện với lựa chọn giáo dục hay không giáo dục trong một hệ thống tư nhân, lựa chọn “giáo dục” luôn bao gồm một chi phí rõ ràng và đáng kể từ phía phụ huynh, trong khi lựa chọn “không giáo dục” thì không.
Nếu một phụ huynh chọn “không giáo dục”, còn những người khác chọn giáo dục, thì họ sẽ hưởng lợi từ lợi nhuận kinh tế của việc sống trong một xã hội với dân cư có giáo dục. Mặt khác, nếu những phụ huynh khác chọn không giáo dục, ít nhất họ sẽ không thua thiệt vì phải chi trả cho cái mà sẽ có rất ít giá trị đối với họ nếu họ đơn phương thực hiện. Điều này là do những lợi ích giáo dục có tính tích lũy cho xã hội đó. Một xã hội chỉ thu được những lợi ích từ giáo dục nếu có một “số lượng tới hạn” những người có giáo dục. Mặt khác, nếu họ giáo dục trong khi tất cả những người khác không làm, thì họ sẽ gánh chịu một khoản chi phí rất lớn và thu được rất ít. Lựa chọn cực đoan do đó sẽ là không giáo dục. Thông thường những người ủng hộ thị trường trong giáo dục lập luận rằng phụ huynh sẽ cảm thấy có bổn phận đạo đức phải giáo dục, bất kể những cân nhắc tính toán này. Song các thị trường hoạt động thông qua việc tính toán lợi thế một cách hợp lý, chứ không phải thông qua bổn phận đạo đức và tình cảm. Vì vậy việc một người ủng hộ thị trường dựa vào bổn phận đạo đức để làm cho chúng hoạt động thật là cố chấp. Không có phản hồi nào khi nói rằng một người vẫn sẽ thu được những lợi ích về địa vị của giáo dục, vì những lợi ích này sẽ tích lũy ở đứa trẻ được giáo dục, không phải ở vị phụ huynh chi tiền cho giáo dục.
Trong một hệ thống cho phép lưu hành phiếu tài trợ, giáo dục sẽ mang tính bắt buộc và phần nào đó được tài trợ bởi hệ thống thuế. Mọi người sẽ bị đánh thuế và một phần tiền thu được sẽ dành cho phí tổn của phiếu tài trợ giáo dục, thứ sẽ được cấp phát đến mọi phụ huynh. Phiếu miễn phí sẽ đảm bảo cơ hội giáo dục thỏa đáng cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, bất cứ ai, với tư cách là một phụ huynh tận tâm muốn tiêu nhiều tiền hơn cho việc bảo đảm một ngôi trường có những lớp sĩ số nhỏ hơn, trang thiết bị tốt hơn hay lợi thế về địa vị lớn hơn cho con họ sẽ hoàn toàn có quyền làm vậy. Trong thực tiễn, một số trẻ em sẽ có những cơ hội giáo dục tốt hơn nhiều so với những trẻ khác, do cha mẹ các em có khả năng chi trả cho nền giáo dục tốt hơn.
Chúng ta có nên hài lòng với điều này không? Có một số lý do chính đáng để nói không. Thứ nhất, người ta có thể nói rằng thị trường đó đã thất bại trong mục tiêu của những người ủng hộ nó là cung cấp nền giáo dục tốt nhất có thể cho mọi người. Điều này đủ rõ ràng; nền giáo dục tốt nhất sẽ được cung cấp cho những người mà cha mẹ của họ giàu có nhất. Việc tiếp cận một nền giáo dục tốt sẽ một phần được kiểm soát thông qua năng lực học thuật, vì những trường tốt nhất sẽ quan tâm đến việc tiếp nhận những học sinh có triển vọng về mặt học thuật cũng như có cha mẹ giàu. Càng có uy tín, những trường này càng có nhiều cơ hội để có được những đứa trẻ vừa thông minh vừa giàu có. Một đứa trẻ có thể hưởng lợi từ một nền giáo dục, dưới bất kỳ dạng thức gì, sẽ chỉ có thể làm vậy nếu cha mẹ chúng có thể chi trả để trẻ được hưởng nó. Điều này không chỉ có vẻ không công bằng, mà còn không khó để thấy rằng nó cũng có thể gây ra những hệ quả xã hội không mong muốn. Mỗi thế hệ trẻ em được giáo dục tốt sẽ trở thành những bậc cha mẹ và sẽ dùng sự giàu có của mình để đảm bảo rằng con cái họ được hưởng nền giáo dục tốt nhất, và cứ tiếp tục như thế. Sẽ rất khó để trẻ con nhà nghèo được hưởng lợi từ nền giáo dục tốt nhất, cho dù trẻ có năng lực để làm vậy. Sự đình trệ về mặt xã hội sẽ dẫn tới những hệ quả trong một vài thế hệ, trong khi những người bị thiệt thòi về giáo dục sẽ trở nên phẫn uất và vỡ mộng.
Tái phân phối và giáo dục theo định hướng thị trường
Liệu việc duy trì những lợi thế của các thị trường và loại bỏ những bất công rõ ràng của chúng có khả thi hay không? Một cách để làm vậy sẽ là đảm bảo rằng của cải được tái phân phối (redistributed) một cách quyết liệt để không phụ huynh nào có thể lợi dụng sức mua của mình. Sự chọn lựa khi đó có thể diễn ra thuần túy trên cơ sở những thế mạnh của ngôi trường và của những đứa trẻ. Điều này giống như một liệu pháp lúc tuyệt vọng nhằm cứu vãn giáo dục dựa trên thị trường. Dù một người nghĩ gì về sự phân phối của cải một cách bình đẳng, việc đạt được công bằng giáo dục thông qua lộ trình này rất khó xảy ra vì sự bình đẳng trong phân phối của cải xã hội không được ưa chuộng về mặt chính trị. Cho dù có thể đạt được công bằng giáo dục đi nữa, thì nó cũng không thể giải quyết vấn đề tiếp cận công bằng. Cho dù mọi phụ huynh đều có thu nhập như nhau, họ vẫn có thể từ bỏ nó khi họ thấy phù hợp. Một số người có thể quyết định dành nhiều thu nhập của họ vào việc giáo dục của con cái hơn so với những người khác. Do đó, họ vẫn có thể mua đặc quyền giáo dục. Phải thừa nhận rằng, đặc quyền ấy giờ đây sẽ không quá lớn do sự cào bằng thu nhập (equalization of incomes), nhưng nó sẽ vẫn không công bằng.
Có những cách triệt để hơn để điều hòa thị trường đó với cơ hội giáo dục bình đẳng. Brighouse (2000b) đã đề xuất rằng trường tư bị ngăn cản tuyển chọn học sinh theo năng lực của các em. Vì vậy, mặc dù những phụ huynh giàu có thể chi trả nhiều hơn để có được sự giáo dục riêng cho con họ, họ sẽ không thể tăng cường cơ hội của những trẻ có năng lực về học thuật bằng cách cho phép các em được giáo dục cả với những trẻ có năng lực về học thuật khác lẫn trong những điều kiện tốt nhất mà tiền có thể mua được. Việc gia tăng tái phân phối của cải được đề xuất ở trên có thể được áp dụng để tăng cường những nguồn lực sẵn có cho các trường trong khu vực nhà nước. Việc cho phép một mức độ tuyển chọn trong các trường công trong khi đồng thời cung cấp các nguồn lực ở một mức độ lớn cho các trường cho những học sinh thuộc nhóm có năng lực yếu hơn làm mất đi những lợi thế của các trường tư và đảm bảo rằng những trẻ có năng lực kém nhất có được một nền giáo dục hợp lý.
Nhiều người trong số những người ủng hộ các thị trường trong giáo dục sẽ bị khiếp sợ bởi những đề xuất này. Phần lớn những người ủng hộ thị trường đều phản đối tái phân phối và sự can thiệp vào các hoạt động của khu vực tư kinh tế tư nhân. Họ cũng có khuynh hướng cương quyết phản đối sự can thiệp vào năng lực của các cá nhân trong việc thực hiện quyền tự do lựa chọn cách họ giáo dục con của họ. Tuy nhiên, nhiều người thấy các giải pháp thị trường khó chịu chính xác là vì chúng có vẻ dẫn tới những sự bất bình đẳng rất lớn trong xã hội. Thực sự, thật khó để những người ủng hộ các thị trường tự do trong giáo dục khẳng định rằng họ cung cấp các cơ hội giáo dục bình đẳng. Dù theo luật mọi phụ huynh đều được phép gửi con họ đến trường tư, rất ít người có các nguồn lực để thực sự làm vậy. Điều này có nghĩa rằng, trong thực tiễn, hầu hết trẻ em không có bất kỳ cơ hội có ý nghĩa nào để hưởng những đặc quyền giáo dục giống như trẻ con nhà giàu. Nhưng, như Brighouse đã chỉ ra, có những cách để cung cấp nhiều cơ hội bình đẳng hơn trong một hệ thống dựa trên thị trường, mà không áp đặt sự bình đẳng hoàn toàn về của cải. Có vẻ rằng, điều mà người ủng hộ thị trường tự do theo chủ nghĩa chính thống sẵn lòng cho phép là nhà nước nên cung cấp đủ kinh phí để các trẻ em nhà nghèo được thụ hưởng nền giáo dục tương xứng ở mức tối thiểu. Đây là điều mà Tooley (1998) nhắc tới như là cơ hội giáo dục thỏa đáng (adequate). Tất nhiên, cần xem cái được định danh là “thỏa đáng” và “hợp lý” có nghĩa là gì. Trong tất cả những xã hội như thế, trẻ thuộc nhóm đa số sẽ gánh chịu bất lợi về giáo dục nhiều hơn so với trẻ thuộc nhóm gia đình giàu có. Hệ quả khả dĩ là xã hội đó sẽ hình thành một nhóm tinh hoa tập ấm (self-perpetuating elite) có thể trao truyền những đặc quyền của mình cho thế hệ kế tiếp. Một số người sẽ coi nó như một hệ thống cực kỳ đáng ghê tởm bởi tính tự cao tự đại dễ thấy của những bộ phận “con ông cháu cha” hưởng lợi từ nó. Những người giàu có được giáo dục tốt có thể nói với những người uất ức với địa vị của họ: “Tại sao quý vị lại phàn nàn nhỉ? Chúng tôi đã đạt được địa vị của chúng tôi bằng trí thông minh và lao động chăm chỉ. Năng lực của chúng tôi đem lại lợi ích cho tất cả quý vị cũng như cho cả chúng tôi. Trong khi cố gắng thay đổi hệ thống giáo dục này, quý vị lại muốn tung hô sự tầm thường và lười biếng hay sao?”. Như chúng ta đã thấy, việc gạt bỏ một cách đầy ngạo mạn những quyền lợi của người khác như thế này hầu như không chính đáng. Thực tế, phần lớn đặc quyền giáo dục và thành quả giáo dục đã được trao đổi trong một hệ thống như vậy.
Sự đa dạng trong nhu cầu giáo dục: Thị trường có thể cung cấp không?
Tuy vậy chúng ta không nên lập tức gạt bỏ cơ chế thị trường trong giáo dục bởi vì một giải pháp thị trường cực đoan sẽ tạo ra những kết quả khó chịu. Những người ủng hộ thị trường bảo lưu quan điểm rằng thị trường giáo dục cung cấp sự lựa chọn. Những người ủng hộ sự độc quyền của nhà nước về giáo dục có thể có cùng quan điểm như vậy không? Hãy giả sử rằng chúng ta có thể làm suy yếu chỉ trích rằng các thị trường giáo dục khuyến khích sự bất bình đẳng theo cách sau. Như Brighouse đề xuất, thu nhập về cơ bản được tái phân phối, các trường tư không được hưởng một chế độ thuế thuận lợi và không được phép tuyển chọn học sinh theo năng lực học thuật. Phụ huynh vẫn có lựa chọn gửi con họ đến trường nào, tùy vào tình trạng tuyển sinh. Chúng ta có thể đi xa hơn và giả sử rằng không trường nào tuyển sinh theo năng lực học thuật. Một hệ thống như vậy sẽ hoạt động thế nào?
Lựa chọn khả dụng trong hệ thống đó sẽ là các trường khác nhau sẽ chăm lo đáp ứng cho những mối quan tâm khác nhau, thay vì là năng lực học thuật. “Năng lực học thuật” ở đây nghĩa là, năng lực viết, toán học, khoa học và lịch sử. Những mối quan tâm của trẻ em có thể chủ yếu là ở các môn học học thuật, nhưng không nhất thiết phải thế. Một số trẻ có thể hứng thú với khiêu vũ, những em khác là âm nhạc, một số khác là thể thao, một số quan tâm đến một sự nghiệp trong kinh doanh, số khác là kỹ thuật, v.v… Vì vậy một hệ thống các cuộc phỏng vấn và các bài kiểm tra mối quan tâm có thể được dùng để sàng lọc trẻ em dành cho các loại trường khác nhau. Bằng cách này, những mối quan tâm đa dạng sẽ được chăm lo đáp ứng và xã hội sẽ hưởng lợi từ sự đa dạng của những tài năng được bồi dưỡng. Nếu người ta xem xét đề xuất này một cách nghiêm túc, thì những khoản đầu tư cần thiết để thiết lập, lấy ví dụ, một trường chuyên âm nhạc, một trường kỹ thuật hoặc một trường kinh doanh sẽ phải là khoản đáng kể. Những trường như vậy cần những phòng ốc đặc biệt, trang thiết bị đặc biệt và lý tưởng là, các giáo viên đã từng làm việc một cách chuyên nghiệp trong lĩnh vực chuyên biệt ấy. Vì vậy chúng không thể là một lựa chọn chất lượng thấp, chỉ dành cho những trẻ không “đạt chuẩn” về học thuật, mà tự bản thân chúng sẽ là một lựa chọn giáo dục có sức hấp dẫn cao. Những trẻ học những trường đó sẽ được cung cấp những nguồn lực rất phong phú, những giáo viên dạng chuyên gia, và theo một lộ trình học tập giúp chuẩn bị cho các em một sự nghiệp đầy triển vọng với mức lương cao. Lập luận rằng thị trường chỉ khuyến khích sự bất bình đẳng và ưu tiên người giàu và có năng lực về học thuật sẽ không còn hợp lý nữa. Thay vào đó, các thị trường sẽ khuyến khích sự đa dạng đồng thời cung cấp những lựa chọn đặc biệt hấp dẫn cho những trẻ có xuất thân mà thông thường không coi trọng và trau dồi thành tích học thuật.
Điều này giống như một đề xuất hấp dẫn đối với một số người có tư tưởng bình đẳng. Chúng ta hãy xem xét những lập luận chống lại nó trước. Một phản bác thường được nêu lên là trẻ sẽ không được khuyến khích theo đuổi một lộ trình học tập có thiên hướng học thuật. Thứ hai, và liên quan chặt chẽ với điều này, nó sẽ củng cố sự phân chia giai tầng thông qua việc tách biệt trẻ thành “những con cừu” học thuật và “những con dê” thực hành. Thứ ba, lựa chọn “thực hành” sẽ luôn bị xã hội coi thường. Cuối cùng, trong một nền dân chủ chỉ những người có nền tảng giáo dục học thuật tốt mới có thể tham gia quản trị xã hội. Không nên bác bỏ một cách qua loa bất cứ diễn ngôn nào trong số này. Cụ thể là, thị trường sẽ đáp ứng những mong muốn của người tiêu dùng. Nếu phụ huynh không muốn một kiểu giáo dục nhất định, thì thị trường sẽ không cung cấp nó. Mặt khác, nếu có lựa chọn không đủ tốt, chúng ta sẽ không bao giờ biết được phụ huynh chọn gì nếu đã tồn tại một lựa chọn tốt hơn. Điều này đưa chúng ta tới phản bác đầu tiên, rằng trẻ sẽ không được khuyến khích theo đuổi một lộ trình học thuật. Nhiều người sẽ nói rằng, hiện nay trẻ em không có nhiều lựa chọn ngoài việc theo đuổi một lộ trình học thuật, với rất ít lựa chọn thay thế có sẵn. Nếu các thị trường hoạt động bằng cách làm cho những lựa chọn trở nên khả thi, những trường cung cấp các lộ trình nghề nghiệp sẽ chỉ hưng khởi nếu phụ huynh muốn gửi con đến những trường này. Câu hỏi đáng chú ý là họ có muốn gửi không? Với tình hình ở Anh hiện giờ, với tương đối ít lựa chọn, chúng tôi không có cách nào để trả lời câu hỏi này.
Lập luận “những con cừu học thuật”/“những con dê phi học thuật” phụ thuộc vào một giả định rằng những dạng thức học tập theo định hướng nghề nghiệp, phi học thuật thì về bản chất có ít giá trị hơn các lộ trình học tập hàn lâm. Chúng tôi hy vọng rằng Chương 8 đã trình bày đủ để bác bỏ khẳng định này. Chúng ta cũng đã thấy trong chương đó, quan trọng là lựa chọn đó được thực hiện ở một thời điểm thích hợp, không phải trước tuổi 14. Điều này đảm bảo rằng mọi trẻ em có điều kiện tiếp cận một nền giáo dục phổ thông tổng quát đủ để trở thành những công dân có hiểu biết và có tiềm năng trở thành công dân tích cực. Một nền giáo dục nghề nghiệp sau 14 tuổi cũng không loại trừ khả năng tiếp nhận giáo dục phổ thông và giáo dục công dân thêm nữa, như chúng ta đã thấy trong chương trước. Giờ đây có thể là những lộ trình nghề nghiệp có sự tôn trọng tuyệt đối ở mức thấp hơn so với những lộ trình học thuật.
Câu hỏi quan trọng cho những người hoạch định chính sách quan tâm đến việc cung cấp lựa chọn ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, là những lộ trình như thế có đủ sự tôn trọng dành cho những người không muốn hoặc cảm thấy khó theo đuổi một lộ trình học thuật hay không. Có một sự khác biệt rất lớn giữa người coi thường một trường học với người nhận thấy trường học không phải là lựa chọn được xã hội đánh giá cao nhất mặc dầu vẫn là lựa chọn đúng đắn cho chính họ. Ý này đề khởi phản bác thứ ba. Tại sao một người nên chọn một lộ trình có uy tín thấp hơn?
Đến đây chúng ta gặp một câu hỏi thú vị. Một đặc trưng của giáo dục học thuật là không cần nhiều phòng ốc và trang thiết bị chuyên dụng. Tuy nhiên, điều này không đúng với giáo dục nghề nghiệp, nhất là giáo dục khoa học kỹ thuật. Ví dụ, một trường cung cấp các khóa học hướng nghiệp trong lĩnh vực kĩ thuật sẽ cần cơ sở vật chất chuyên dụng có sức bền kết cấu phù hợp, chưa kể các trang thiết bị đắt tiền. Một trường như vậy sẽ đạt tới mức lý tưởng nếu sở hữu đội ngũ giáo viên cơ hữu có khả năng đánh giá điều kiện trong ngành kỹ thuật đúng thực tế. Một lựa chọn như vậy sẽ gây tốn kém chi phí. Mô hình trường chuyên biệt hiện đang được phát triển ở Anh Quốc đa phần không cung cấp bất cứ gì tương tự việc cung cứng các dạng thức học tập chuyên biệt ở mức độ này. Vấn đề then chốt ở đây là uy tín một mặt được xác định bởi lợi thế địa vị (thứ mà rất có thể các trường nghề không có) và mặt khác là số tiền chi tiêu cho việc cung ứng. Bởi vì, những phụ huynh có khả năng muốn gửi con đến trường nghề nhất là những người có xuất thân từ mặt bằng kinh tế-xã hội thấp hơn (tức là, có thể là họ tương đối nghèo), việc cung cấp những trường như vậy có khả năng bao gồm việc tái phân phối, điều mà nhiều người ủng hộ thị trường trong lĩnh vực giáo dục cực kỳ chán ghét.
Sự cần thiết của trách nhiệm giải trình.
Thị trường có thể đem lại điều này không?
Phụ huynh có phải là người đánh giá đúng
các cơ hội giáo dục không?
Một trong những phàn nàn nhắm vào giáo dục do nhà nước điều hành là nó khiến tiền bạc giảm sút giá trị vì không đáp ứng những mong muốn của công chúng đóng thuế. Quan điểm của Adam Smith cho rằng nhà nước không nên ôm đồm việc trả lương cho giáo viên “để ngăn việc họ học cách sao nhãng công việc của họ” dựa trên quan điểm rằng người ta sẽ hành động vì lợi ích của bản thân và như thế, họ quan tâm đến việc làm ít nhất có thể để có được nhiều nhất có thể. Nếu có một nguồn thu nhập được đảm bảo từ nhà nước, giáo viên sẽ không làm việc cật lực hết mức họ nên làm. Mặt khác, trong một hệ thống thị trường, họ sẽ chỉ giữ được học sinh nếu họ dạy các em một cách hiệu quả. Sinh kế của họ sẽ phụ thuộc vào chuyện làm hài lòng khách hàng và do đó họ buộc phải làm việc vì lợi ích của khách hàng, chứ không phải của riêng họ. Người ta không cần đặt ra một giả định đầy hoài nghi rằng chúng ta có phải chỉ vận hành theo góc nhìn hạn hẹp về tư lợi (self-interest) của mình để thấy sức ảnh hưởng của quan điểm về trách nhiệm giải trình. Không ai trong chúng ta hoàn hảo. Nếu chẳng bao giờ có bất cứ sự kiểm tra nào về cái chúng ta làm, chúng ta có thể trở nên lười biếng một chút, tự mãn một chút và có thể có chút kiêu căng, bất kể toàn bộ thiện chí vốn có. Vì vậy bất cứ hệ thống nào muốn chứng minh rằng nó hoạt động hiệu quả và tận lực cho mục tiêu của nó sẽ cần chú ý đến cách nó vận hành thứ mà nó tuyên bố sẽ làm.
Điều này đưa chúng ta thẳng tới một luận điểm quan trọng. Ai là khách hàng của giáo dục? Để đơn giản hóa câu hỏi này, chúng ta hãy giả định rằng nhà nước, các doanh nghiệp, v.v… là những bên trung gian cho những khách hàng “thực thụ”: phụ huynh và con cái họ. Nhưng điều này để lại cho chúng ta một vấn đề, phụ huynh hay con họ nên là người xác định liệu các nhà giáo dục có đang làm cái mà họ được cho là phải làm hay không? Suy cho cùng, phụ huynh trả tiền cho giáo dục, con họ chỉ “tiêu dùng” nó. Mặt khác, do phụ huynh không đi học, làm thế nào họ có thể xác định liệu họ có đang nhận được giá trị tới từ đồng tiền? Chúng ta đã thấy rằng giáo dục có thể được coi như một “ thế lưỡng nan của người tù” trong đó quyết định hợp lý của phụ huynh là không giáo dục. Như chúng ta đã thấy, những người ủng hộ thị trường lập luận rằng họ sẽ cảm thấy có một bổn phận đạo đức phải chăm lo cho con cái thông qua giáo dục. Điều này hơi lạ kỳ, do chúng ta cũng được nghe từ chính những người ủng hộ yếu tố thị trường rằng không thể tin tưởng giáo viên sẽ theo đuổi những lợi ích của riêng họ theo cách làm tổn hại học sinh. Tại sao nó lại nên có sự khác biệt với phụ huynh? Và nếu phụ huynh thực sự cảm thấy một bổn phận đạo đức phải chi tiền cho chuyện học hành của con cái họ, tại sao giáo viên không cảm thấy một bổn phận đạo đức phải dạy bọn trẻ? Vì vậy chúng ta cần chắc chắn rằng phụ huynh sẽ chọn phương án tốt nhất cho con họ, chứ không chỉ là phương án rẻ nhất.
Nhưng cho dù chúng ta có thể vượt qua khó khăn này, thì vẫn còn một khó khăn nữa. Chúng ta đã thấy ở ngay phần mở đầu chương này rằng mọi người cần có tri thức về sản phẩm để đưa ra một lựa chọn thị trường hợp lý. Chúng ta cũng đã thấy rằng phụ huynh không đi học. Vì vậy làm thế nào họ sẽ có kiến thức phù hợp về việc liệu một ngôi trường có đang hoạt động hiệu quả hay không? Những người ủng hộ thị trường không phải luôn luôn khiến cho việc này trở nên dễ dàng với chính họ xét theo những câu trả lời mà họ đưa ra. Những người trung thành với quan điểm rằng mục tiêu của giáo dục là cung cấp các cơ hội giáo dục thì theo lý cũng trung thành với quan điểm rằng cách đánh giá chất lượng của việc cung ứng giáo dục là xem xét liệu các cơ hội ấy có được thực thi hay không:
Phụ huynh, có thể hỏi con mình xem hôm nay con ở trường thế nào, hay tại sao con lại khóc khi về tới nhà, hoặc con có bài tập không và nếu không có thì tại sao. Họ có thể thấy vẻ ngoài của các em ở trường, đánh giá tiếng ồn từ sân chơi và nhiều yếu tố khác.
(Tooley 1998, tr.273)
Chúng tôi đã bình luận về sự sai lầm của ý tưởng rằng mục tiêu của các tổ chức giáo dục là cung cấp các cơ hội giáo dục thay vì là giáo dục. Nhưng bây giờ hãy để chúng tôi thừa nhận điểm này. Người ta có thể đánh giá những cơ hội mà một đứa trẻ đã được cung cấp bằng cách sử dụng các kỹ thuật đã được đề xuất không? Dễ thấy là điều này có vẻ ngây thơ. Trẻ em có thể “bật công tắc khóc” để kích thích sự cảm thông và làm chuyển hướng sự chú ý ra khỏi những hành động sai trái của chúng. Chúng hoàn toàn có năng lực, như người lớn, bóp méo sự thật về những việc thực sự đã xảy ra ở trường. Hầu hết các giáo viên sẽ có thể kể ra những chuyện về việc làm thế nào những học sinh lười nhác che giấu thành công bố mẹ chúng về lượng bài tập ở nhà mà chúng phải làm. Cuối cùng, bọn trẻ vốn kín tiếng về những việc chúng đã làm ở trường. Vẻ ngoài của học sinh và tiếng ồn trong sân chơi cho ta rất ít, thậm chí không hề đem lại chút thông tin nào về việc dạy và học đang diễn tiến trong lớp học. Như chúng ta đã thấy, một số người ủng hộ cơ chế thị trường bác bỏ đánh giá như là một phương thức làm cho trường học có trách nhiệm giải trình. Do rõ ràng các phương thức thực hiện trách nhiệm giải trình được họ đề xuất không đủ tốt, chúng tôi kết luận rằng họ không có gì hữu ích để nói về vấn đề này.
Điều này liên quan trực tiếp với một ý đã được nêu trước đó về việc vận hành hiệu quả của các thị trường, cụ thể là sự khả dụng của kiến thức đầy đủ về các mặt hàng được chào bán trên thị trường. Một chuyên gia giáo dục, chẳng hạn như một giáo viên có thể ở vị trí thích hợp để đưa ra một đánh giá trên cơ sở có thông tin về việc một trường tốt như thế nào, còn phần lớn phụ huynh không có chuyên môn này. Có cách nào để cung cấp cho người không phải là chuyên gia những thông tin chính xác về chất lượng của các trường không? Trong Chương 5, chúng tôi đã lập luận tương đối chi tiết rằng có cách để làm việc đó. Chúng ta có thể thu được hai loại thông tin về thành tích học thuật ở trường. Thứ nhất, thông tin đầu ra hay biện pháp đo lường kết quả đạt được ở cuối một quá trình giáo dục. Thứ hai, thông tin về sự tiến bộ hay biện pháp đo lường một học sinh đã tiến bộ bao xa. Như chúng tôi đã lập luận trong Chương 5, nói một cách chặt chẽ thì chính biện pháp đo lường thứ hai, được xem xét trong bối cảnh thích hợp, sẽ cho chúng ta một bức tranh chính xác về tính hiệu quả của ngôi trường đó.
Tuy nhiên, như chúng tôi đã lưu ý, có quá nhiều phần thuộc biên độ sai số trong các biện pháp đo lường sự tiến bộ để tiến hành phép so sánh với bất cứ ngôi trường nào ngoại trừ các trường học tại hai đầu mút của phạm vi thành tích. Hơn nữa, từ quan điểm giáo dục là một dạng hàng hóa có địa vị, cho thấy phụ huynh chỉ đang quan tâm đến thành tích học tập đầu ra cao, chứ không phải sự tiến bộ. Chính giá trị của bằng cấp tốt nghiệp mới là thứ có giá trị trên thị trường chứng chỉ (credentials market), không phải là sự tiến bộ trong phạm vi nhà trường, dẫu có thành công như thế nào đi nữa. Điều này có nghĩa rằng, với những yếu tố khác như nhau, tuy những ngôi trường giúp học sinh tiến bộ sẽ được ưa chuộng hơn những trường không làm được điều đó, nhưng hầu hết sự ưa thích đó sẽ đến từ thành tích đầu ra cao. Điều này có nghĩa, nếu đánh giá được dùng để tạo lập các bảng xếp hạng thành tích của trường học như một phương thức cung cấp thông tin cho thị trường, thì một hệ thống chọn lựa tự do như vậy sẽ dẫn tới sự cạnh tranh để có được những vị trí hiếm hoi ở những trường đạt được kết quả tốt nhất về các chứng chỉ tốt nghiệp phổ thông như A-level ở Anh. Những kết quả đầu ra này sẽ không chỉ phụ thuộc vào mức độ tiến bộ đã đạt được ở trường, mà còn liên quan tới cả trình độ học sinh đã đạt được trước khi vào trường cũng như năng lực học thuật của các em. Những trường như vậy sẽ muốn tuyển những học sinh đã đạt mức thành tích cao và những em có năng lực học thuật có thể chứng minh được. Vì thế một hệ thống lựa chọn tự do sẽ là một hệ thống lựa chọn dựa theo năng lực học thuật.
Điều này cuối cùng đưa chúng ta đến một vấn đề nữa vốn ban đầu được David Cooper (1980) nêu lên. Chúng ta muốn trường học của mình cho phép một số học sinh đạt được kết quả cao nhất có thể [học tập] hay muốn mức thành tích chung cao nhất có thể? Một hệ thống nhà nước có quyền lựa chọn thứ mà nó muốn trở thành một mục tiêu giáo dục. Trong một số tình thế, việc chọn một mức thành tích chung cao có thể đồng nghĩa với việc đầu tư những nguồn lực đáng kể vào những người có năng lực học thuật kém hơn, chẳng hạn, để phát triển những năng lực thực hành của các em. Một chiến lược như thế sẽ chỉ khả thi trong một hệ thống thị trường ký thác tiền bạc vào những trường như thế, những trường vốn có khuynh hướng khá đắt đỏ. Chúng ta đã thấy rằng điều này khả thi, nhưng nó có thể cũng bao gồm sự tái phân phối nguồn lực kinh tế ở một mức độ đáng kể. Tuy nhiên, cung cấp kinh phí đồng đều cho tất cả các trường và cho phép những học sinh đạt thành tích cao nhất quy tụ về những trường có thành tích đầu ra cao nhất, sẽ tạo ra một hệ thống thứ bậc trong đó một số trường có thành tích rất thấp nằm ở dưới cùng.
Kết luận
Thị trường trong lĩnh vực giáo dục là một phương án khả thi. Thành tích được công nhận các kỳ thi chung sẽ là động lực to lớn cho sự tín nhiệm của dân chúng, điều cho phép một số trường chọn những học sinh họ muốn. Có một số chứng cứ cho thấy ngay cả trong hệ thống nhà nước, khả năng lựa chọn ấy sẽ có khuynh hướng làm tăng thêm sự bất bình đẳng giáo dục (Foster 2002). Những bước chuyển sang một hệ thống phiếu miễn phí sẽ tương đương với việc trợ cấp giáo dục cho những người giàu. Do trẻ con nhà giàu có khuynh hướng đạt được, xét trung bình, kết quả tốt hơn so với trẻ con nhà ít giàu hơn, mọi người sẽ kỳ vọng thấy được thành tựu giáo dục tập trung ở những người giàu thậm chí còn lớn hơn so với những gì họ kỳ vọng lúc này.
Tất nhiên, một hệ thống như vậy sẽ luôn cho phép một số lượng những trẻ có năng lực học thuật và nghèo hơn đạt được thành công, và những trường giàu có thể cấp học bổng cho những trẻ nghèo hơn nhưng có năng lực. Vấn đề thực sự nảy sinh khi người ta cố gắng dung hòa một hệ thống như vậy với những mức thành tích chung cao. Nếu việc không cung cấp giáo dục chất lượng tốt cho những trẻ có năng lực học thuật yếu hơn, thì có khả năng là có một số lượng lớn trẻ em có thành tích giáo dục kém. Sẽ khó để phát triển một xã hội trong đó các kỹ năng được tận dụng rộng rãi và trong đó có những khác biệt tương đối nhỏ về sự giàu có và thu nhập, trong lúc đồng thời vận hành cơ chế thị trường trong giáo dục ở bất cứ dạng nào. Xét rằng đây là một câu hỏi về công lý cũng như về lợi thế cho xã hội, nên việc quan tâm đến kết quả đó là đúng lý.
Câu hỏi thảo luận
1. Việc dung hòa giữa sự bình đẳng và thành tích trong một hệ thống giáo dục có khả thi không?
2. Có gì không đúng khi tin rằng một hệ thống giáo dục nên đơn giản mang tới các cơ hội giáo dục?
3. Lựa chọn của phụ huynh nên có vị trí như thế nào trong một hệ thống giáo dục?
4. Ai là khách hàng trong hệ thống giáo dục đó?
5. “Khách hàng” của giáo dục có thể có đủ kiến thức về những cơ hội giáo dục được “chào bán” để đưa ra một lựa chọn hợp lý không?
Đọc thêm
Trong những năm gần đây, các nhà triết học giáo dục đã dành sự chú ý đáng kể tới [mối quan hệ giữa] thị trường và giáo dục. Một dẫn nhập hữu ích vào đề tài này có thể kể ra là Giáo dục và Thương trường (Education and the Market Place, London Falmer, 1994) do D. Bridges và T.H. McLaughlin biên soạn. Cuốn sách này đưa ra một loạt các quan điểm ủng hộ cũng như phản đối sự vận hành của các thị trường trong giáo dục. James Tooley là nhà triết học giáo dục gắn bó nhiều nhất với lực lượng ủng hộ các thị trường trong giáo dục. Ông đã xuất bản ba cuốn sách về chủ đề này, Vô hiệu hóa Trường học (Disestablishing the School, Aldershot, Avebury, 1995), Giáo dục không Nhà nước (Education without State, London, Institute of Economic Affairs (Viện Kinh tế), 1996) và Cải tổ Giáo dục (Reclaiming Education, London, Cassell, 2000). Ông đã tham gia cuộc luận chiến sống động với những người có quan điểm đối lập trên những tạp chí khoa học khác nhau (xem ở dưới). Cuốn Chất lượng và Giáo dục (Quality and Education, Oxford, Blackwell, 1996) của Christopher Winch dành hẳn một chương để phản biện quan điểm của Tooley. Nội dung này được thể hiện trong bài viết của Tooley (1998) “Phê bình theo chủ nghĩa ‘Tân Tự do’ về sự can thiệp của Nhà nước trong Giáo dục: Trao đổi với Winch” (“The ‘Neo-Liberal’ Critique of State Intervention in Education: A Reply to Winch”, Journal of Philosophy of Education (Tạp chí Triết học Giáo dục), 32, 2:107-121). Winch đáp lại với bài viết, “Thị trường, Cơ hội Bình đẳng và Giáo dục: Một lời đáp lại Tooley” trên cùng tạp chí, 32, 2 429-436.
Harry Brighouse bàn về vấn đề thị trường được tái phân phối phục vụ cho giáo dục trong cuốn sách của ông có tên Lựa chọn Trường học và Công bằng Xã hội (School Choice và Social Justice, Oxford, NXB Đại học Oxford, 2000) cùng tập sách nhỏ của ông có tên Bình đẳng Giáo dục và Giáo dục học đường có tính Tuyển chọn Mới (Educational Equality and the New Selective Schooling, London, Philosophy of Education Society of Great Britain (Hiệp hội Triết học Giáo dục Anh quốc), 2000). Ý kiến của Brighouse bị phê bình bởi Samara S. Foster (2002) trong bài viết “Lựa chọn Trường học và Công bằng Xã hội: Một phản hồi gửi Harry Brighouse” (“School Choice and Social Justice: A Response to Harry Brighouse”, Journal of Philosophy of Education (Tạo chí Triết học Giáo dục), 36, 2: 291-308.