V
ì tình trạng không rõ ràng của Vincent Turoli, ngày Chủ nhật Tom lái xe tới Fontainebleau để mua báo nhập từ Luân Đôn, tờ Observer và Sunday Times, mà thường anh hay mua ở hiệu bán báo - thuốc lá ở Villeperce vào sáng thứ Hai. Quầy báo ở Fontainebleau nằm ngay trước cửa khách sạn l’Aigle Noir. Tom liếc nhìn xung quanh tìm Trevanny, anh ta hẳn cũng có thói quen mua tờ Sunday của Luân Đôn, nhưng không nhìn thấy đâu. Lúc đó là mười một giờ sáng và có thể Trevanny đã mua báo xong rồi. Tom vào ô tô và xem tờ Observer trước. Không có một bài nào nói về tai nạn trên tàu. Tom không chắc liệu báo Anh có thèm thuật lại câu chuyện này không nhưng vẫn đọc qua tờ Sunday Times và thấy một mẩu tin ở trang ba, một đoạn ngắn cũn mà Tom hăm hở lao vào đọc.
Phóng viên đã cho thêm một nhận xét cá nhân nhỏ: Đó hẳn là một phi vụ mafia cực kỳ nhanh gọn… Vincent Turoli của băng Genotti, cụt mất một cánh tay, hỏng mất một bên mắt, đã tỉnh lại vào sáng sớm thứ Bảy, và tình trạng sức khỏe của người này đang cải thiện nhanh chóng đến mức chắc anh ta sẽ sớm được chuyển tới một bệnh viện ở Milan. Nhưng dù có biết điều gì thì anh ta cũng không khai gì hết.” Việc gã không khai gì không phải tin mới với Tom, nhưng rõ rành rành là gã đã sống. Không may thay. Anh đang nghĩ là Turoli hẳn sẽ miêu tả anh cho đồng bọn của gã. Turoli sẽ được đồng bọn đến thăm ở Strassburg. Các gã mafia quan trọng nằm trong bệnh viện sẽ được bảo vệ cả ngày lẫn đêm, có thể Turoli cũng sẽ nhận được đãi ngộ này, Tom nghĩ ngay khi ý định trừ khử gã xuất hiện trong đầu anh. Anh nhớ lại thời kỳ nằm viện được mafia canh gác cẩn mật của Joe Colombo, đầu lĩnh băng Profaci, ở New York. Bất chấp mọi bằng chứng xác đáng chứng minh, Colombo khăng khăng phủ nhận việc gã là thành viên của mafia hoặc việc sự tồn tại của mafia. Các y tá đã phải bước qua chân của những vệ sĩ ngủ trong hành lang khi Colombo nằm viện. Tốt nhất đừng nghĩ đến việc trừ khử Turoli. Chắc là gã đã kể về người đàn ông ba mươi tuổi, tóc nâu, chiều cao trên trung bình, đã đấm vào quai hàm và bụng của gã, và hẳn còn có thêm một tên nữa sau lưng gã, vì gã đã bị nện vào sau đầu. Câu hỏi đặt ra là, liệu Turoli có chắc chắn trăm phần trăm nếu nhìn thấy anh lần nữa hay không, và Tom nghĩ rằng khả năng này rất cao. Kỳ lạ thay, Turoli, nếu gã đã nhìn thấy anh, hẳn sẽ nhớ Jonathan rõ ràng hơn một chút, đơn giản bởi vì Jonathan trông không giống người khác, cao và tóc vàng hơn phần lớn mọi người. Tất nhiên Turoli sẽ so sánh ý kiến với gã vệ sĩ còn lại, người còn sống nhăn răng.
“Anh yêu,” Heloise nói khi Tom đi vào phòng khách, “anh có muốn đi du thuyền trên sông Nile không?”
Suy nghĩ của anh đang trôi rất xa nên anh phải mất một lúc để nghĩ xem Nile là cái gì và ở đâu. Heloise đang ngồi trên ghế sôpha, chân trần, xem các tờ quảng cáo du lịch. Cô sẽ định kỳ nhận được một tập tin lớn từ một đại lý du lịch ở Moret, do đại lý tự chủ động gửi đến vì Heloise là một khách hàng nhiệt thành. “Anh không chắc. Ai Cập…”
“Trông thứ này không hấp dẫn sao?” Cô cho Tom xem hình một con thuyền nhỏ tên là Isis, khá giống một chiếc thuyền hơi trên sông Mississippi, đang bơi qua một bờ biển đông đúc.
“Có. Trông mời gọi lắm.”
“Hoặc chỗ khác cũng được. Nếu anh không muốn đi đâu hết thì em sẽ hỏi Noelle xem sao,” cô nói, tiếp tục vùi đầu xem tờ quảng cáo.
Không khí mùa xuân đang sôi sục trong người Heloise, làm chân cô ngứa ngáy. Họ đã không đi đâu hết kể từ sau Giáng sinh, lúc ấy họ đã trải qua một quãng thời gian khá dễ chịu trên một chiếc du thuyền, từ Marseille tới Portofino và quay lại. Chủ nhân của du thuyền, bạn của Noelle và khá lớn tuổi, cũng có một ngôi nhà ở Portofino. Hiện thời thì Tom chẳng muốn đi đâu hết, nhưng anh không nói vậy với Heloise.
Hôm đó là một ngày Chủ nhật yên bình và dễ chịu, Tom vẽ hai bức phác cảnh bà Annette đứng là quần áo. Bà ta thường là đồ trong bếp vào các chiều Chủ nhật, xem tivi một mình, đẩy nó đến đối diện tủ bát. Chẳng có gì mang hương vị gia đình, mang chất Pháp hơn cảnh vóc dáng bé nhỏ, rắn chắc của bà Annette cúi người là đồ vào một chiều Chủ nhật cả, Tom nghĩ. Anh muốn đưa phần linh hồn này lên bức tranh sơn dầu – màu vàng cam dịu dàng của tường bếp dưới nắng, màu tím oải hương trên chiếc váy mà bà Annette mặc tôn đôi mắt xanh dương xinh đẹp của bà ta lên.
Điện thoại reo vào lúc mười giờ hơn, khi Tom và Heloise đang nằm trước lò sưởi, đọc các tờ báo ngày Chủ nhật. Anh nghe máy.
Reeves gọi, giọng có vẻ hết sức buồn bực. Tín hiệu không tốt lắm.
“Anh giữ máy nhé? Tôi sẽ thử nghe ở trên nhà xem,” Tom bảo Reeves.
Anh ta đồng ý và chạy lên gác, nói với Heloise, “Reeves gọi! Tín hiệu dở quá!” Không hẳn là điện thoại trên gác sẽ có tín hiệu tốt hơn, nhưng Tom muốn ở một mình khi nghe điện.
Reeves nói, “Tôi vừa nói là căn hộ của tôi. Ở Hamburg ấy. Hôm nay nó đã bị đánh bom.”
“Gì cơ? Chúa ơi!”
“Tôi đang gọi cho anh từ Amsterdam.”
“Anh có bị thương không?” Tom hỏi.
“Không!” Reeves hét lên, giọng như vỡ ra. “Đúng là phép màu. Tình cờ tôi lại ra ngoài vào tầm năm giờ chiều. Bà Gaby cũng thế vì bà ấy không làm việc vào Chủ nhật. Mấy gã đó, chúng – hẳn đã quẳng một quả bom vào qua cửa sổ. Đúng là một vụ lớn. Những người ở tầng dưới nghe tiếng ô tô phóng đến và lao vù đi sau một phút, rồi hai phút sau là đến vụ nổ kinh khủng ấy – nó khiến tất cả các bức tranh trên tường rơi xuống hết.”
“Xem này – chúng đã phát hiện được bao nhiêu?”
“Tôi nghĩ mình nên đi đâu đó cho an toàn. Tôi đã chuồn khỏi thành phố trong chưa đầy một tiếng.”
“Làm sao mà chúng lại phát hiện ra?” Tom hét vào điện thoại.
“Tôi không biết. Thật sự tôi không biết gì hết. Hẳn chúng đã moi được thông tin gì đó từ Fritz vì hôm nay ông ta thất hẹn với tôi. Tôi vẫn hy vọng Fritz ổn. Nhưng ông ta không biết – anh biết đấy, tên anh bạn của chúng ta. Tôi luôn gọi anh ta là Paul khi ở đây. Tôi nói đó là một người Anh nên Fritz nghĩ anh ta sống ở Anh. Tôi thật lòng cho rằng chúng chỉ đang dò xét thôi, Tom. Tôi nghĩ kế hoạch của chúng ta về cơ bản đã hiệu quả.”
Anh bạn Reeves lạc quan, nhà thì bị đánh bom, tài sản thì mất, vậy mà vẫn coi kế hoạch của mình là thành công. “Nghe này, Reeves, thế còn – anh định làm gì với đồ đạc của mình ở Hamburg? Chẳng hạn giấy tờ của anh?”
“Trong tủ bảo hiểm ở ngân hàng rồi,” Anh ta nói ngay lập tức. “Tôi có thể yêu cầu họ gửi chúng tới cho tôi. Mà giấy tờ nào? Nếu anh lo lắng – tôi chỉ có một quyển sổ địa chỉ nhỏ luôn mang theo bên mình. Hiển nhiên là tôi cũng rất tiếc đống sổ sách và tranh mà tôi có ở đó, nhưng cảnh sát đã nói là họ sẽ bảo vệ tất cả những gì có thể. Theo lẽ tự nhiên họ đã thẩm vấn tôi – tất nhiên là một cách hết sức dễ mến, chỉ trong vài phút thôi, nhưng tôi đã giải thích là mình đang rơi vào trạng thái chết sững, chẳng sai sự thật là mấy đâu, và tôi phải đi đâu đó một thời gian. Họ biết tôi ở đâu.”
“Cảnh sát có nghi ngờ lũ mafia không?”
“Có nghi thì họ cũng chẳng nói ra. Anh bạn Tom, có thể mai tôi sẽ lại gọi cho anh. Ghi lại số của tôi nhé?”
Hơi ngập ngừng, dù anh nhận ra là biết đâu mình sẽ cần đến nó vì một lý do nào đấy, Tom ghi lại tên khách sạn của Reeves, Zuyder Zee, cùng số điện thoại chỗ đó.
“Anh bạn chung của chúng ta chắc chắn đã làm rất tốt, dù gã khốn thứ hai vẫn còn sống đi nữa. Với một người thiếu máu mà nói…” Reeves cất một tràng cười điên dại.
“Anh đã trả đủ tiền cho anh ta chưa?”
“Đã làm từ hôm qua rồi,” Reeves nói.
“Vậy là tôi đoán anh không cần anh ta nữa.”
“Không cần. Chúng tôi đã khiến cảnh sát ở đây để mắt. Ý tôi là ở Hamburg ấy. Đó là những gì chúng tôi muốn. Tôi nghe nói mafia đang cử thêm quân đến. Vậy nên…”
Họ đột ngột bị ngắt kết nốt. Tom cảm thấy bực bội, ngu ngốc khi anh đứng đó với cái điện thoại mất tín hiệu kêu rè rè trong tay. Anh dập máy và đứng đờ ra trong phòng trong giây lát, tự hỏi không biết Reeves có gọi lại không, nghĩ chắc anh ta sẽ không làm thế và cố gắng tiêu hóa tin tức mới. Theo những gì Tom biết về lũ mafia thì anh đoán rằng chúng sẽ dừng mọi chuyện ở đó, sau khi đã đánh bom nhà của Reeves. Chắc chúng sẽ không quyết tâm kết liễu anh ta. Nhưng hiển nhiên là lũ mafia biết chuyện Reeves có liên đới tới vụ giết người, vậy nên ý tưởng gây ra chiến tranh giữa các băng đảng đối địch trong nội bộ mafia đã thất bại. Mặt khác, cảnh sát Hamburg sẽ càng thêm nỗ lực để quét lũ mafia ra khỏi thành phố cũng như khỏi các sòng bạc tư. Giống như tất cả những gì Reeves làm, hoặc nhúng tay vào, tình huống này cũng hết sức mơ hồ, Tom nghĩ. Nhận định chung hẳn là: không mấy thành công.
Sự kiện đáng mừng duy nhất là Trevanny đã nhận đủ tiền. Chắc anh ta sẽ nhận được thông báo vào thứ Ba hoặc thứ Tư gì đó. Tin mừng từ Thụy Sĩ!
Mấy ngày sau đó rất yên ắng. Không còn cuộc điện thoại hay lá thư nào từ Reeves Minot. Cũng không có tin gì trên báo về Vincent Turoli đang nằm trong bệnh viện ở Strassburg hay Milan, và Tom còn mua tờ Herald-Tribune của Paris và tờ Daily Telegraph của Luân Đôn ở Fontainebleau. Anh trồng đống thược dược của mình, tốn mất ba tiếng buổi chiều, vì anh đã chia chúng thành từng gói nhỏ trong bao tải, được dán nhãn theo màu sắc, và anh cố gắng sắp xếp các mảng màu khác nhau một cách cẩn thận như thể đang hình dung ra một bức tranh sơn dầu. Heloise dành ba tối ở Chantilly, nhà của cha mẹ cô, vì mẹ cô đang phải trải qua một ca tiểu phẫu lấy khối u ở đâu đó ra, may mắn thay nó là u lành. Bà Annette, nghĩ rằng Tom cô đơn, an ủi anh với đồ ăn Mỹ mà bà ta đã học cách nấu để làm vui lòng anh: sườn với sốt thịt nướng, súp sò và gà rán. Anh vẫn liên tục tự vấn về sự an toàn của bản thân. Trong không khí yên bình của Villeperce, ngôi làng nhỏ buồn tẻ, khá riêng biệt này, đi qua đôi cổng sắt cao của Belle Ombre có vẻ bảo vệ khá tốt căn nhà trông như tòa lâu đài này nhưng thật ra chỉ vô dụng – ai cũng có thể trèo qua cổng – một kẻ giết người có thể đến đây, Tom nghĩ, một kẻ trong băng mafia sẽ đến gõ cửa hoặc bấm chuông, lao qua người bà Annette, phóng lên cầu thang và bắn chết anh. Cảnh sát ở Moret sẽ mất đúng mười lăm phút mới đến được đây, giả như bà Annette có thể gọi điện báo tin cho họ ngay lập tức. Có vị hàng xóm nào đó mà nghe thấy một, hai tiếng súng thì chắc sẽ nghĩ là có thợ săn nào đó đang thử vận may với lũ cú và chắc cũng sẽ không cất công tìm hiểu làm gì.
Trong thời gian Heloise ở Chantilly, Tom quyết định mua một chiếc đàn clavecin1 cho Belle Ombre – tất nhiên là cho cả bản thân anh và có thể là Heloise nữa. Đã có lần, anh nghe cô chơi vài giai điệu ngắn đơn giản trên piano. Ở đâu? Khi nào nhỉ? Anh đồ rằng cô cũng là nạn nhân của các bài học vỡ lòng cho con trẻ, và vì hiểu rõ cha mẹ cô, Tom cho rằng họ cũng đã cướp mất mọi vui thú trong nỗ lực của cô. Dẫu sao đi nữa, một chiếc đàn clavecin cũng sẽ ngốn một khoản lớn (tất nhiên là mua ở Luân Đôn thì rẻ hơn, nhưng phải tính đến khoản thuế suất một trăm phần trăm mà người Pháp sẽ áp khi mang đàn vào nước họ nữa), nhưng đàn clavecin chắc chắn được liệt vào hạng mục sản phẩm văn hóa, vậy nên Tom không tự vấn lại khao khát đó của bản thân nữa. Đàn clavecin không phải là bể bơi. Anh gọi cho một nhà buôn đồ cổ khá thân thiết ở Paris và dù chỉ buôn bán đồ đạc, ông ta vẫn có thể giới thiệu cho Tom một chỗ uy tín ở đó để mua đàn.
1 Đàn harpsichord (hay còn gọi là clavecin) xuất hiện tại châu Âu từ thế kỉ 15, nó được coi là tổ tiên của cây đàn piano ngày nay. Cuối mỗi phím đàn gắn một mẩu ống lông để gảy vào dây tạo ra âm thanh trong và thánh thót.
Anh đến Paris và dành trọn cả ngày để nghe tri thức về đàn clavecin từ người bán hàng, nhìn các nhạc cụ khác nhau, thử tài với các ngón đàn rụt rè, và đưa ra quyết định. Báu vật mà anh chọn, một cây đàn bằng gỗ be trắng được chạm khắc lá vàng rải rác quanh thân, tiêu tốn hơn mười nghìn franc, và sẽ được chuyển đến vào thứ Tư, ngày 26 tháng Tư, cùng với người chỉnh đàn sẽ phải bắt tay vào việc ngay lập tức, vì cây đàn chắc chắn sẽ gặp vấn đề trong quá trình vận chuyển.
Việc mua sắm này khiến Tom hưng phấn hẳn lên, làm anh cảm thấy bất khả chiến bại khi đi bộ về xe của mình, cứ ngỡ bản thân trở nên mình đồng da sắt trước mọi con mắt và có thể là cả đạn của lũ mafia.
Và Belle Ombre không hề bị đánh bom. Các đường phố không có vỉa hè với hai hàng cây chạy dọc hai bên của Villeperce trông vẫn bình yên như thường lệ. Không có kẻ lạ mặt nào lởn vởn quanh đây. Thứ Sáu Heloise về nhà với tâm trạng phấn khởi, và Tom ngóng đợi món quà bất ngờ dành cho cô, kiện hàng lớn và dễ vỡ đựng cây đàn clavecin, sẽ đến vào thứ Tư. Chắc còn vui hơn cả Giáng sinh.
Tom cũng không kể cho bà Annette nghe về cây đàn. Nhưng vào thứ Hai, anh nói, “Bà Annette, tôi có một yêu cầu. Vào thứ Tư, chúng ta sẽ có một vị khách đặc biệt đến ăn trưa, có thể ở lại ăn tối nữa. Hãy chuẩn bị mấy món ăn ngon lành nhé.”
Đôi mắt xanh dương của bà Annette sáng rực lên. Bà ta chẳng thích gì hơn là thêm nỗ lực, thêm rắc rối đối với lĩnh vực bếp núc của mình. “Một bữa tối hảo hạng thật sự?” Bà ta tràn ngập hy vọng hỏi.
“Tôi cho là vậy,” Tom đáp lời. “Giờ bà cứ nghĩ đi. Tôi sẽ không dặn bà phải chuẩn bị gì đâu. Hãy coi đó là bất ngờ dành cho cô Heloise nữa nhé.”
Bà Annette mỉm cười tinh quái. Người ta hẳn sẽ nghĩ bà ta cũng được nhận quà.