C
on quay hồi chuyển mà Jonathan mua cho Georges ở Munich đã trở thành món quà quý báu nhất mà anh từng tặng con trai mình. Mỗi lần thằng bé lôi con quay ra khỏi cái hộp vuông mà Jonathan bắt con cất vào, cảm giác diệu kỳ vẫn nguyên vẹn như lần đầu.
“Cẩn thận đừng làm rơi nhé,” anh nói, nằm sấp trên sàn nhà. “Nó là một món đồ dễ vỡ.”
Con quay hồi chuyển khiến Georges buộc phải học vài từ tiếng Anh mới, vì trong lĩnh vực mà thằng bé mê mải, Jonathan không chịu nói tiếng Pháp. Bánh quay kỳ diệu xoay tròn trên đầu ngón tay của Georges, hoặc nằm nghiêng trên nóc một tháp canh bằng nhựa – món đồ mới được lục ra trong kho đồ chơi của thằng bé, được sử dụng thay thế tháp Eiffel trên trang hướng dẫn sử dụng con quay hồi chuyển màu hồng.
“Một con quay hồi chuyển lớn hơn,” anh nói, “sẽ ngăn tàu đi lung tung trên biển.” Jonathan giải thích khá rõ ràng, và nghĩ rằng nếu anh gắn con quay hồi chuyển vào bên trong một chiếc thuyền đồ chơi trong bồn tắm dập dềnh nước thì có thể sẽ minh họa được những gì mình muốn nói. “Chẳng hạn, những con tàu lớn có đến ba con quay hồi chuyển đồng thời.”
“Jon, sôpha.” Simone đứng ở cửa phòng khách. “Anh chưa cho em biết là anh nghĩ gì. Màu xanh lục sậm nhé?”
Jonathan lăn người trên sàn, chống người trên hai khuỷu tay. Trong mắt anh, con quay hồi chuyển xinh đẹp vẫn xoay đều và giữ được thăng bằng một cách diệu kỳ. Simone đang nhắc đến việc bọc lại sôpha. “Suy nghĩ của anh là chúng ta nên mua một chiếc sôpha mới,” Jonathan nói, đứng dậy. “Hôm nay anh đã nhìn thấy một tờ quảng cáo ghế Chesterfield màu đen với giá năm nghìn franc. Anh cá là có thể mua một chiếc ghế tương tự với giá ba nghìn năm trăm franc, nếu anh chịu tìm kiếm.”
“Ba nghìn năm trăm franc sao?”
Jonathan đã lường trước việc cô sẽ sốc. “Cứ xem đó là một khoản đầu tư. Chúng ta đủ sức chi trả mà.” Anh quen một nhà buôn đồ cổ cách thị trấn khoảng năm cây số chỉ bán những món đồ gỗ to, được phục chế cẩn thận. Trước giờ anh không hề nghĩ mình sẽ mua được gì từ cửa hàng đó.
“Đồ của Chesterfield thì tuyệt quá rồi – nhưng đừng vung tay quá trán, Jon. Anh xài hoang quá rồi đấy!”
Hôm nay Jonathan cũng vừa đề cập đến việc mua một bộ tivi. “Anh sẽ không xài hoang đâu,” anh nói một cách bình thản. “Anh đâu có ngu ngốc như thế.”
Simone ra hiệu cho anh ra hành lang, như thể cô muốn tránh tầm tai của Georges. Jonathan ôm cô. Tóc cô bị rối do vướng vào các móc treo đồ. Cô thì thầm nói bên tai anh:
“Thôi được rồi. Nhưng chuyến đi tiếp theo tới Đức của anh là lúc nào?”
Cô không thích những chuyến đi đó của anh. Anh đã bảo với cô là họ đang thử thuốc mới, ông Perrier đưa thuốc cho anh, để anh có thể duy trì tình trạng hiện tại. Với số tiền Jonathan nói là anh được trả, Simone không tin chuyện anh không phải chịu rủi ro nào hết. Dẫu vậy, Jonathan vẫn chưa cho cô biết tổng số tiền mà anh có, con số đang nằm trong ngân hàng Thụy Sĩ ở Zurich. Simone chỉ biết là có khoảng sáu nghìn franc ở ngân hàng Societe Generale ở Fontainebleau, thay vì con số bốn trăm đến sáu trăm mà họ thường có – con số đó thỉnh thoảng lại giảm xuống chỉ còn hai trăm, nếu họ phải trả tiền nhà.
“Em cũng rất muốn có một bộ sôpha mới. Nhưng anh có chắc đó là thứ thích hợp nhất để mua lúc này không? Với cái giá đó? Đừng quên tiền thế chấp nhà nữa.”
“Em yêu, sao anh có thể? – Khoản tiền thế chấp chết tiệt!” Anh cười lớn. Anh muốn trả quách toàn bộ tiền thế chấp mua nhà đi cho rồi. “Được rồi, anh sẽ cẩn thận. Anh hứa đấy.”
Jonathan biết rằng anh phải nghĩ ra một câu chuyện khá hơn, hoặc bịa tiếp trên nền chuyện mà anh đã kể. Nhưng tạm thời anh chỉ muốn thư giãn, chỉ đơn thuần say sưa với suy nghĩ về gia tài mới của mình – vì tiêu khoản tiền đó không hề dễ dàng. Và anh vẫn có thể chết trong vòng một tháng. Ba tá thuốc mà bác sĩ Schroeder ở Munich đã kê cho anh, số thuốc mà giờ Jonathan đang uống hai viên một ngày, sẽ không cứu mạng anh hay đem lại cơ hội đổi đời nào. Cảm giác an tâm chẳng qua chỉ là một giấc mơ, nhưng chừng nào nó còn tồn tại thì nó vẫn thật, không phải sao? Còn gì nữa đâu? Hạnh phúc cũng chỉ là trạng thái về tinh thần, không đúng à?
Và còn nhiều nhân tố bí ẩn khác, thực tế là gã vệ sĩ tên Turoli vẫn còn sống.
Vào ngày 29 tháng Tư, một tối thứ Bảy, Jonathan và Simone đến dự một buổi hòa nhạc của Schubert và Mozart do một bộ tứ đàn dây biểu diễn ở nhà hát Fontainebleau. Anh đã mua hai tấm vé đắt nhất và còn muốn đưa cả Georges đi cùng, thằng bé có thể cư xử ngoan ngoãn nếu được cảnh cáo thích đáng từ trước, nhưng Simone phản đối. Nếu Georges không cư xử đúng chuẩn một đứa bé kiểu mẫu thì cô còn thấy xấu hổ hơn cả Jonathan. “Thêm một tuổi nữa thì được,” Simone nói.
Trong thời gian tạm nghỉ, họ đi ra khu vực sảnh lớn nơi người ta có thể hút thuốc. Rất nhiều gương mặt quen thuộc xuất hiện ở đây, trong đó có cả Pierre Gauthier người buôn bán họa cụ, trước sự ngạc nhiên của Jonathan, anh ta mặc áo sơ mi cổ cách điệu và đeo cà vạt đen.
“Cô tô điểm thêm cho âm nhạc tối nay, thưa cô!” Anh ta ca ngợi Simone, với ánh mắt ngưỡng mộ dành cho bộ váy đỏ kiểu Trung Hoa của cô.
Simone duyên dáng đón nhận lời tán dương. Trông cô cũng đặc biệt vui vẻ và hạnh phúc, anh nghĩ thầm. Gauthier đi một mình. Jonathan đột nhiên nhớ ra là cách đây vài năm vợ anh ta đã chết, trước khi anh quen thân với anh ta.
“Tối nay toàn bộ Fontainebleau đều có mặt tại đây!” Gauthier nói, cố át tiếng lào xào xung quanh. Con mắt khỏe mạnh của anh ta nhìn đám người trong sảnh mái vòm, và phần đầu trọc sáng lên dưới mái tóc muối tiêu mà anh ta đã cẩn thận chải lấp đầu. “Sau buổi hòa nhạc chúng ta cùng đi uống cà phê nhé? Quán bên kia đường thì sao?” Gauthier hỏi. “Tôi rất vui nếu được mời hai người.”
Simone và Jonathan sắp sửa đồng ý thì Gauthier hơi cứng người lại. Anh dõi theo ánh mắt của anh ta và nhìn thấy Tom Ripley đứng trong một nhóm bốn, năm người, chỉ cách họ ba mét. Mắt Ripley chạm mắt của Jonathan và anh ta gật đầu. Ripley trông có vẻ như định ghé qua chào, cùng lúc ấy Gauthier rụt rè bước sang trái, bỏ đi. Simone quay đầu để xem Jonathan và Gauthier vừa nhìn ai.
“Gặp lại sau nhé!” Gauthier nói.
Simone nhìn Jonathan, hàng lông mày của cô nhướn nhẹ.
Ripley nổi bật giữa đám người, không hẳn vì anh ta khá cao mà vì anh ta trông không có chất Pháp với mái tóc nâu điểm vàng dưới ánh đèn chùm. Anh ta mặc một chiếc áo satanh màu mận. Cô gái tóc vàng rực rỡ dường như không trang điểm chút nào hẳn là vợ anh ta.
“Sao thế?” Simone nói. “Người đó là ai?”
Jonathan biết cô đang hỏi Ripley. Tim anh đập nhanh hơn. “Anh không biết. Anh từng gặp anh ta rồi nhưng không biết tên.”
“Anh ta đã đến nhà chúng ta – người đàn ông ấy,” Simone nói. “Em nhớ anh ta. Nhưng Gauthier không thích anh ta à?”
Một hồi chuông gióng lên, báo hiệu cho mọi người quay về chỗ.
“Anh cũng không biết. Sao em lại nói thế?”
“Vì có vẻ anh ấy muốn trốn đi!” Simone nói, như thể thực tế đó rất hiển nhiên.
Với Jonathan cảm giác niềm vui sướng do âm nhạc mang lại đã biến mất. Tom Ripley đang ngồi ở đâu? Trong một lô riêng? Anh không ngẩng lên nhìn các lô riêng. Ripley có thể ngồi ghế đối diện bên kia lối đi, Jonathan cũng chẳng quan tâm. Anh nhận ra thứ phá hỏng buổi tối hôm nay không phải sự có mặt của Ripley mà là phản ứng của Simone. Và Jonathan cũng biết, cô phản ứng như vậy là bởi cảm giác bồn chồn của chính anh khi nhìn thấy Ripley. Jonathan cố gắng thả lỏng trong ghế của mình, chống tay lên cằm, suốt lúc ấy vẫn thừa biết nỗ lực của mình không lừa được Simone. Giống như rất nhiều người khác, cô đã nghe chuyện về Tom Ripley (dù vào thời điểm này có thể cô không nhớ được tên anh ta), và có lẽ cô sẽ liên hệ Tom Ripley với… với cái gì nhỉ? Hiện thời, Jonathan thật sự cũng không dám chắc. Nhưng anh căm ghét những gì sắp đến. Anh tự vấn bản thân vì đã thể hiện sự lo lắng rõ mồn một, rõ ngây thơ. Jonathan nhận ra mình đang ở trong một tình huống rối rắm, một tình thế cực kỳ nguy hiểm, và anh phải bình tĩnh xử lý hết mức có thể. Anh phải trở thành một diễn viên, hơi khác với nỗ lực để thành công trên sân khấu của anh hồi trẻ. Tình huống này khá chân thực. Hoặc người ta cũng có thể nói là khá giả tạo. Trước đây Jonathan chưa từng cố gắng nói dối Simone.
“Thử tìm Gauthier nào,” anh nói khi họ đang tiến lên lối đi. Tiếng vỗ tay vẫn lác đác vang lên xung quanh họ, sau đó thu hẹp dần lại thành tiếng vỗ tay vang dội của một khán giả người Pháp vẫn muốn được nghe thêm một bài nữa.
Nhưng không hiểu sao họ không tìm thấy Gauthier. Jonathan không nghe thấy câu trả lời của Simone. Cô có vẻ cũng không hào hứng với việc đi tìm Gauthier. Họ đã thuê người giữ trẻ – một cô bé sống cùng phố – ở nhà trông Georges. Lúc đó đã gần mười một giờ đêm. Jonathan không tìm Tom Ripley và cũng không gặp anh ta.
Chủ nhật, Jonathan và Simone ăn trưa ở Nemours với cha mẹ của Simone cùng vợ chồng anh trai cô, Gerard. Như thường lệ, họ xem phim sau bữa trưa, nhưng Jonathan và Gerard thì không xem.
“Việc lũ Đức trợ cấp cho cậu một khoản tiền vì làm chuột bạch cho chúng thật tuyệt vời đấy nhỉ!” Gerard nói với một tiếng cười hiếm hoi. “Đấy là nếu chúng không gây hại cho cậu.” Anh ta vội vã bật ra câu này bằng tiếng lóng, và đó là câu đầu tiên của anh ta thật sự khiến Jonathan để vào đầu.
Cả hai đang hút xì gà. Anh đã mua một hộp ở một tiệm bán thuốc lá ở Nemours. “Phải. Rất nhiều loại thuốc. Ý tưởng của họ là tấn công căn bệnh bằng tám đến mười loại thuốc cùng một lúc. Làm kẻ địch bối rối, anh biết đấy. Nó cũng khiến cho tế bào bệnh khó trở nên miễn dịch hơn.” Jonathan bịa chuyện khá giỏi theo mạch này, nửa tin là mình tự sáng tác ra trong quá trình kể, nửa nhớ lại nó là một phương pháp được đề xuất để chống lại bệnh bạch cầu mà anh từng đọc cách đây vài tháng. “Tất nhiên chẳng có gì bảo đảm hết. Có thể có tác dụng phụ, đó là lý do họ sẵn lòng trả tôi tiền để tiến hành uống thuốc.”
“Có những loại tác dụng phụ gì?”
“Có thể là – giảm mức độ đông máu chẳng hạn.” Jonathan ngày càng giỏi chế ra những cụm từ vô nghĩa, và thính giả chăm chú của anh khiến anh thêm cảm hứng. “Trạng thái buồn nôn – dù đến giờ tôi không có triệu chứng này. Nhưng tất nhiên họ cũng chưa biết toàn bộ tác dụng phụ đâu. Họ chấp nhận mạo hiểm. Tôi cũng vậy.”
“Vậy nếu thành công thì sao? Nếu họ đánh giá quá trình điều trị thành công thì sao?”
“Sống thêm vài năm,” anh nói một cách thoải mái.
Sáng thứ Hai, Jonathan và Simone lái xe chở một người hàng xóm, Irene Pliesse – người phụ nữ trông Georges các buổi chiều sau giờ học cho tới khi Simone có thể tới đón thằng bé – tới chỗ tiệm bán đồ cổ ở ngoại ô Fontainebleau, nơi Jonathan nghĩ là biết đâu mình lại mua được một chiếc sôpha. Irene Pliesse là một người thoải mái, trông hơi vạm vỡ, luôn khiến anh có ấn tượng là hơi nam tính, dù có thể hoàn toàn không phải vậy. Là mẹ của hai đứa con nhỏ nên ngôi nhà của cô ta ở Fontainebleau lúc nào cũng chất đống những chiếc khăn lót đăngten và những tấm rèm bằng bông dày. Dẫu sao đi nữa, cô ta cũng dư dả thời gian và hào phóng cho mượn ô tô, thường xuyên tình nguyện đèo nhà Trevanny tới Nemours vào các Chủ nhật họ đi chơi, nhưng Simone, với bản chất thận trọng, chưa một lần nhận lời, vì việc đến Nemours chơi là một hoạt động gia đình định kỳ. Do đó việc sử dụng xe của Irene Pliesse để đi tìm sôpha không khiến họ thấy tội lỗi, và Irene cũng hào hứng với việc mua sôpha như thể nó sẽ thuộc về căn nhà của cô ta.
Họ có hai chiếc sôpha Chesterfield để lựa chọn, cả hai đều có khung cũ nguyên bản và gần đây mới được tân trang lại với lớp da đen mới cóng. Jonathan và Simone thích chiếc sôpha lớn, và anh đã tìm cách giảm giá xuống chỉ còn ba nghìn franc. Jonathan biết đó là một món hời, vì anh đã thấy chiếc ghế sôpha với kích cỡ tương tự được quảng cáo kèm tranh có giá năm nghìn franc. Lúc này đây con số khổng lồ ba nghìn franc, gần bằng một tháng lương của cả anh lẫn Simone cộng vào, có vẻ chẳng đáng kể là bao. Thật kỳ diệu, Jonathan nghĩ, khi người ta có thể nhanh chóng thích ứng với việc có hơi nhiều tiền đến mức nào.
Đến cả Irene, người sở hữu một ngôi nhà trông hết sức xa hoa khi so sánh với nhà của Trevanny, cũng thấy ấn tượng với chiếc ghế này. Và Jonathan còn để ý thấy là Simone mất một lúc không biết nói gì để giải thích một cách tự nhiên.
“Jon nhận được một khoản tiền bất ngờ từ một người họ hàng ở Anh quốc. Không nhiều nhưng – chúng tôi muốn mua một món gì đó thật đẹp với số tiền ấy.”
Irene gật đầu.
Tất cả đều tốt đẹp, Jonathan nghĩ.
Buổi tối hôm sau, trước bữa ăn, Simone nói, “Hôm nay em đã ghé qua chào Gauthier đấy.”
Ngay lập tức anh cảnh giác trước tông giọng của cô. Anh đang uống scotch pha nước và đọc báo tối. “Thế à?”
“Jon – có phải chính gã Ripley đã kể cho Gauthier chuyện… chuyện anh không còn sống lâu nữa không?” Simone nhẹ nhàng nói, dù Georges còn đang ở trên gác, chắc vẫn trong phòng thằng bé.
Có phải Gauthier đã thừa nhận sau khi Simone hỏi trực tiếp anh ta không nhỉ? Jonathan không biết anh ta sẽ phản ứng ra sao khi được hỏi một câu hỏi trực tiếp – và Simone có thể dịu dàng bền bỉ theo đuổi cho tới khi nhận được câu trả lời. “Gauthier đã kể với anh,” Jonathan bắt đầu, “là... À thì, như anh đã kể cho em đấy, anh ta không chịu nói ai đã kể chuyện đó. Nên anh cũng có biết đâu.”
Simone nhìn anh. Cô đang ngồi trên chiếc ghế sôpha Chesterfield màu đen tuyệt đẹp, kể từ ngày hôm qua nó đã biến đổi cả căn phòng khách của họ. Nhờ Ripley, Jonathan nghĩ thầm, Simone mới được ngồi trên thứ cô đang ngồi kia. Nhưng suy nghĩ ấy cũng chẳng xoa dịu tinh thần của anh.
“Gauthier đã kể với em người đó là Ripley à?” Jonathan hỏi với vẻ ngạc nhiên.
“À, anh ta không nói gì. Nhưng em chỉ đơn giản hỏi anh ta một câu thôi – có phải anh Ripley không. Em đã miêu tả Ripley, người mà chúng ta thấy ở buổi hòa nhạc ấy. Gauthier biết em nhắc đến ai. Có vẻ anh cũng biết… tên anh ta.” Simone nhấp cốc Cinzano của cô.
Jonathan tưởng tượng tay cô run nhẹ. “Tất nhiên là có khả năng đó,” anh nhún vai nói. “Đừng quên chuyện Gauthier cũng từng bảo anh rằng người đã kể chuyện đó cho anh ta…” Jonathan cười. “Cái trò ngồi lê đôi mách này! Dẫu sao đi nữa, Gauthier đã bảo là, bất kể người đó là ai – thì cũng có thể nhầm lẫn, mọi thứ hay bị phóng đại lên. Em yêu, tốt nhất hãy quên chuyện đó đi. Đổ lỗi cho người lạ là hành động ngớ ngẩn. Thật ngớ ngẩn khi làm quá chuyện lên.”
“Được rồi, nhưng…” Simone nghiêng đầu. Miệng cô méo lại có phần cay đắng, theo cách mà Jonathan mới chỉ nhìn thấy một đến hai lần trước kia. “Kỳ lạ thật, nhưng kẻ đó chính là Ripley. Em biết rõ như vậy. Gauthier không nói vậy. Anh ta không hề nói. Nhưng em biết… Jon?”
“Sao thế, em yêu.”
“Đó là vì – Ripley gần như là một kẻ lừa lọc. Có thể anh ta là một kẻ lừa lọc đúng nghĩa. Rất nhiều kẻ lừa đảo không bị tóm, anh biết đấy. Đó là lý do em hỏi đây. Em đang hỏi anh đấy. Anh có – Số tiền này, Jon – Liệu có phải bằng cách nào đó, có khả năng anh nhận được khoản tiền này từ anh ta không?”
Jonathan ép mình nhìn thẳng vào Simone. Anh cảm thấy mình phải bảo vệ những gì đã có, vả lại khoản tiền này cũng không liên hệ mật thiết với Ripley nên nếu anh phủ nhận thì cũng không tính là nói dối. “Làm sao có thể có chuyện đó được? Để đổi lại cái gì chứ, em yêu?”
“Chỉ vì gã ta là một tên lừa đảo! Ai mà biết vì cái gì? Gã có liên hệ gì với các bác sĩ Đức đó không? Mà có thật những người anh đang nói đến là bác sĩ không?” Cô trở nên kích động. Má cô đỏ rực lên.
Jonathan cau mày. “Em yêu, bác sĩ Perrier cũng nhận được hai bản kết quả của anh mà!”
“Việc thử nghiệm này hẳn phải có gì đó rất nguy hiểm, Jon, không thì họ đã chẳng trả nhiều tiền cho anh như thế, không đúng sao? Em có cảm giác là anh chưa kể toàn bộ sự thật cho em.”
Jonathan cười nhẹ. “Tom Ripley, gã vô công rỗi nghề đó thì có thể làm gì – Anh ta là người Mỹ đấy. Anh ta có thể có liên hệ gì với đám bác sĩ Đức chứ?”
“Anh đi gặp bác sĩ Đức để khám vì sợ mình sẽ chết sớm. Và chính Ripley – em khá chắc đấy – đã khởi xướng câu chuyện anh sẽ chết sớm.”
Georges đang đi xuống cầu thang, trò chuyện với một món đồ chơi mà thằng bé kéo lê xuống cùng. Georges đang chìm đắm trong thế giới mộng mơ của mình, nhưng vẫn hiện diện chỉ cách anh có vài mét, và điều đó khiến Jonathan bối rối. Anh thấy việc Simone đã khám phá ra chừng ấy chuyện là một việc thật phi thường, nhưng bản năng của anh mách bảo hãy phủ nhận tất cả, bằng mọi giá.
Cô đang đợi anh nói gì đó.
Jonathan nói, “Anh không hề biết người kể chuyện cho Gauthier là ai hết.”
Georges đang đứng ở cửa. Giờ thì việc thằng bé bước vào khiến anh thấy nhẹ nhõm. Nó ngay lập tức kết thúc cuộc trò chuyện. Georges đang hỏi về một cái cây ngoài cửa sổ phòng thằng bé. Jonathan không nghe và để Simone trả lời.
Trong bữa tối, anh có cảm giác là cô không mấy tin tưởng anh, cô muốn tin nhưng không thể. Vậy nhưng Simone (có thể là vì Georges) gần như vẫn cư xử giống thường ngày. Cô không cau có mà cũng chẳng lạnh nhạt. Nhưng bầu không khí vẫn không hề dễ chịu đối với Jonathan. Và anh nhận ra tình hình này sẽ còn tiếp diễn, trừ phi anh có thể đưa ra một lý do cụ thể hơn về khoản tiền hậu hĩnh từ bệnh viện Đức. Jonathan ghét ý tưởng nói dối hay phóng đại hiểm họa của bản thân để hợp lý hóa số tiền.
Jonathan còn thoáng nghĩ đến cảnh Simone sẽ tự đến nói chuyện riêng với Tom Ripley. Không phải cô có thể gọi điện cho anh ta sao? Hay hẹn gặp anh ta? Anh gạt ý tưởng đó đi. Simone không thích Tom Ripley. Cô còn chẳng muốn lại gần anh ta nữa ấy chứ.
Tuần đó, Tom Ripley đến cửa hàng của Jonathan. Tranh của anh ta đã xong được vài ngày. Anh đang tiếp một vị khách khi Ripley đến và anh ta ra vẻ ngắm nghía vài khung tranh hoàn thiện đang nằm dựa vào tường, rõ ràng là đang đợi tới khi Jonathan rảnh. Cuối cùng khách hàng của anh cũng ra về.
“Chào anh,” Tom nói một cách vui vẻ. “Hóa ra nhờ người đến lấy tranh hộ cũng chẳng dễ dàng lắm, nên tôi nghĩ hay là mình tự đến lấy thì hơn.”
“Được mà. Nó đã xong xuôi cả rồi,” Jonathan nói và đi ra sau cửa hàng để lấy tranh. Nó được bọc giấy nâu, nhưng chưa được buộc kỹ và có dán nhãn Ripley, nhãn được dán lên giấy bọc bằng băng dính trong. Anh mang nó về quầy. “Có muốn xem không?”
Tom hài lòng với khung tranh. Anh giơ bức tranh cách một cánh tay. “Tuyệt vời. Rất đẹp. Tôi nợ anh bao nhiêu nhỉ?”
“Chín mươi franc.”
Tom rút ví ra. “Mọi chuyện ổn cả chứ?”
Jonathan nhận thấy rõ là mình phải lấy hơi vài lần mới trả lời được. “Vì anh hỏi…” Anh gật đầu lịch sự nhận tờ giấy bạc một trăm franc, mở ngăn kéo tiền ra và lấy tiền trả lại. “Vợ tôi…” Jonathan nhìn ra cửa và mừng vì lúc ấy không có ai vào. “Vợ tôi đã nói chuyện với Gauthier. Anh ta không hề kể cho cô ấy nghe chuyện chính anh bắt đầu câu chuyện về cái chết của tôi. Nhưng có vẻ vợ tôi đã đoán được. Tôi cũng chẳng rõ bằng cách nào. Chắc do trực giác.”
Tom đã lường trước việc này. Anh nhận thức rõ danh tiếng của mình, việc rất nhiều người không tin tưởng anh, tránh xa anh. Tom thường nghĩ rằng lòng tự trọng của mình hẳn đã vỡ vụn từ lâu rồi – lòng tự trọng của một người bình thường thì sẽ như vậy – chỉ có điều thực tế là mọi người, một khi đã quen biết anh, một khi đã làm khách ở Belle Ombre một tối, đều quý mến anh và Heloise và nhà Ripley sẽ được họ mời đến nhà đáp lễ. “Thế anh đã nói gì với vợ mình?”
Jonathan cố gắng nói thật nhanh vì có thể không có nhiều thời gian. “Những gì tôi đã nói ngay từ đầu thôi, đó là Gauthier luôn từ chối cho tôi biết ai là người đã khởi xướng câu chuyện đó. Đó là sự thật.”
Tom biết. Gauthier đã lịch thiệp từ chối tiết lộ tên anh. “Chà, cứ bình tĩnh. Nếu chúng ta không gặp nhau... Xin lỗi vì chuyện đêm hòa nhạc hôm trước,” anh mỉm cười nói thêm.
“Phải. Nhưng – chuyện đó là không may thôi. Điều tệ nhất là, cô ấy liên hệ với anh – cô ấy đang cố làm vậy – với khoản tiền mà giờ chúng tôi có. Đấy là tôi còn chưa cho cô ấy biết con số thực tế.”
Tom cũng đã nghĩ đến chuyện đó. Bực mình thật. “Tôi sẽ không đem thêm tranh đến cho anh đóng khung nữa.”
Một người đàn ông cầm theo một bức tranh sơn dầu trên khung căng đang vất vả để đi qua cửa.
“Xin chào!” Tom nói, vẫy cánh tay không cầm gì của mình. “Cảm ơn. Tạm biệt.”
Tom ra ngoài. Nếu Trevanny thật sự lo lắng thì có thể gọi điện thoại cho anh, Tom nghĩ. Anh từng nói vậy ít nhất một lần. Việc vợ Trevanny nghi ngờ anh đã khởi xướng những tin đồn hằn học thật không may và cũng rắc rối cho Trevanny. Mặt khác, không dễ liên kết chuyện đó với khoản tiền từ bệnh viện ở Hamburg và Munich và càng khó liên kết với vụ giết hai tên mafia.
Vào sáng Chủ nhật, khi Simone đang treo đồ giặt lên dây phơi ngoài vườn, Jonathan và Georges đang xếp hàng rào đá thì chuông cửa reo.
Đó là hàng xóm của họ, một phụ nữ tầm sáu mươi tuổi mà tên Jonathan cũng không chắc lắm – Delattre? Delambre? Trông bà ta có vẻ rầu rĩ.
“Xin lỗi, anh Trevanny.”
“Mời vào,” anh nói.
“Về Gauthier. Anh đã nghe tin gì chưa?”
“Chưa.”
“Tối qua anh ấy bị ô tô đâm. Anh ấy chết rồi.”
“Chết rồi sao? - Ở Fontainebleau này à?”
“Nửa đêm hôm qua anh ấy đang trên đường về nhà sau một tối đi chơi với bạn, một người nào đó ở đường Giáo xứ. Anh biết đấy, Gauthier sống trên đường Cộng hòa ngay sát đại lộ Franklin Roosevelt. Ở ngã tư có tam giác nhỏ màu xanh và có đèn giao thông ấy. Có người đã nhìn thấy những kẻ gây ra tai nạn, hai thằng nhóc lái ô tô. Chúng không dừng lại. Chúng phóng qua đèn đỏ và đâm vào Gauthier nhưng không chịu dừng lại!”
“Chúa lòng lành! – Bà ngồi xuống đi đã, bà…”
Simone bước ra sảnh. “Xin chào, bà Delattre!” Cô nói.
“Simone à, Gauthier chết rồi,” Jonathan nói. “Một ô tô gây tai nạn và bỏ trốn chèn qua người anh ấy.”
“Hai thằng nhóc,” bà Delattre nói. “Chúng không chịu dừng lại!”
Simone thở dốc. “Khi nào thế?”
“Tối qua. Anh ấy đã chết khi họ đưa vào bệnh viện ở đây. Tầm nửa đêm.”
“Bà vào nhà và ngồi xuống nhé, bà Delattre?” Simone hỏi.
“Không, không, cảm ơn cô. Tôi phải đi gặp một người bạn luôn. Bà Mockers. Tôi không rõ liệu bà ấy đã biết tin chưa. Tất cả chúng tôi đều thân thiết với anh ấy, cô biết không?” Bà ta rơm rớm nước mắt và đặt tạm giỏ đồ của mình xuống để lau mắt.
Simone cầm tay bà ta. “Cảm ơn vì đã đến báo cho chúng tôi, bà Delattre. Bà thật tốt bụng.”
“Tang lễ sẽ tổ chức vào thứ Hai,” bà Delattre nói. “Ở nhà thờ St. Louis.” Sau đó bà ta ra về.
“Bà Delattre. Chồng bà ấy là thợ sửa ống nước,” Simone nói, như thể, tất nhiên, Jonathan phải biết rõ.
Delattre không phải thợ sửa ống nước mà họ vẫn thuê. Gauthier đã chết. Jonathan tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra với cửa hàng của anh ta. Anh thấy mình nhìn chằm chằm vào Simone. Họ đang đứng trong cái sảnh hẹp.
“Đã chết rồi,” Simone nói. Cô chìa tay ra và nắm chặt cổ tay của Jonathan, không nhìn anh. “Chúng ta nên đến dự đám tang hôm thứ Hai tới, anh biết đấy.”
“Tất nhiên.” Đám tang Công giáo. Tất cả giờ ở Pháp chứ không phải theo Công giáo La Mã. Anh mường tượng ra cảnh tất cả hàng xóm, những khuôn mặt quen thuộc hoặc lạ lẫm, đứng trong nhà thờ lạnh lẽo thắp đầy nến.
“Đâm xe rồi bỏ trốn,” Simone nói. Cô cứng đờ người đi trong hành lang và ngoái lại qua vai nhìn Jonathan. “Sốc thật.”
Anh đi theo cô qua bếp, ra vườn. Thật tốt khi lại được đứng dưới nắng.
Simone đã phơi xong đồ. Cô vuốt thẳng một thứ gì đó kẹp trên giá rồi cầm cái giỏ trống không lên. “Đâm xe rồi bỏ trốn... Anh có tin vậy không, Jon?”
“Bà ấy nói thế còn gì.” Cả hai đều đang dịu giọng. Jonathan vẫn cảm thấy có phần ngơ ngác, nhưng anh biết Simone đang nghĩ gì.
Cô tiến lại gần thêm một bước, vẫn cầm giỏ. Sau đó cô ra hiệu cho anh tiến về bậc thang dẫn lên hiên nhà nhỏ, như sợ hàng xóm bên kia vườn có thể nghe thấy những gì họ nói. “Anh có nghĩ là biết đâu có kẻ cố tình giết anh ta không? Có kẻ thuê người giết anh ta?”
“Vì sao?”
“Vì có thể anh ta biết gì đó. Chỉ thế thôi. Không phải có khả năng đó à? Vì sao một người vô tội lại bị đâm như thế cơ chứ – chỉ là tai nạn à?”
“Vì – thỉnh thoảng chuyện như vậy vẫn xảy ra mà,” Jonathan nói.
Simone lắc đầu. “Anh không nghĩ là có khả năng Ripley liên quan với vụ đó sao?”
Jonathan thấy cô đang giận dữ một cách phi lý. “Tuyệt đối không. Anh chắc chắn không thấy vậy.” Anh có thể dùng cả tính mạng cá rằng Tom Ripley không hề dính líu gì đến chuyện này. Anh dợm nói ra như vậy nhưng nghe thế thì hơi quả quyết quá – hay nhìn theo cách khác thì cá cược kiểu đấy cũng hơi buồn cười.
Simone dợm bước qua người anh để vào nhà, nhưng cô dừng lại sát anh. “Đúng là Gauthier không hề nói một câu gì rõ ràng với em cả, Jon, nhưng có thể anh ta biết điều gì đó. Em nghĩ vậy. Em có cảm giác anh ta bị sát hại có chủ ý.”
Cô chỉ đang sốc thôi, Jonathan nghĩ, cũng giống anh hiện thời. Cô đang nói những điều chưa được cân nhắc kỹ càng. Anh đi theo cô vào bếp. “Biết gì đó về cái gì mới được chứ?”
Simone cất giỏ đựng đồ vào một cái tủ trong góc. “Thế thôi. Em cũng chẳng biết.”