T
ang lễ dành cho Pierre Gauthier diễn ra lúc mười giờ sáng ngày thứ Hai ở nhà thờ St. Louis, nhà thờ chính của Fontainebleau. Cả nhà thờ chật kín và mọi người thậm chí còn phải đứng tràn ra vỉa hè bên ngoài, nơi hai chiếc ô tô màu đen đang rầu rĩ nằm chờ - một là xe tang bóng loáng, xe còn lại là một chiếc xe buýt trông như cái hộp để chở họ hàng và bạn bè thân thuộc không có xe riêng. Gauthier góa vợ và cũng không có con cái. Hình như anh ta có một người anh trai hay chị gái, do đó mà cũng có vài đứa cháu trai cháu gái. Jonathan hy vọng như vậy. Đám tang có vẻ rất cô độc, dù có đông người đến dự.
“Anh có biết là anh ấy mất con mắt giả trên đường không?” Một người đàn ông đứng cạnh thì thầm với Jonathan trong nhà thờ. “Nó rơi ra ngoài khi anh ấy bị đâm.”
“Thế à?” Jonathan lắc đầu thương cảm. Người vừa nói chuyện với anh là chủ một cửa hàng. Jonathan biết mặt nhưng không nhớ ông ta làm chủ cửa hàng nào. Anh có thể mường tượng một cách rõ ràng con mắt giả của Gauthier nằm trên đường nhựa đen kịt, có thể đến giờ đã bị bánh xe nào đó nghiền nát, có khi còn được một đứa trẻ hiếu kỳ tìm thấy trong cống rãnh. Mặt sau của con mắt thủy tinh trông như thế nào nhỉ?
Nến bập bùng màu vàng-trắng, rọi lập lòe lên các bức tường xám xịt ảm đạm của nhà thờ. Hôm đó là một ngày u ám. Mục sư ngâm nga các dòng chữ nghiêm trang bằng tiếng Pháp. Quan tài của Gauthier ngắn và dày, nằm trước bệ thờ. Dù không có nhiều người thân nhưng anh ta có vô số bạn hữu. Vài người phụ nữ, một nhóm nhỏ đàn ông, đang gạt nước mắt. Còn những người khác đang thì thầm với nhau, như thể cuộc trò chuyện của họ sẽ an ủi họ nhiều hơn bài diễn văn mà mục sư đang đọc thuộc lòng như vẹt.
Vài tiếng chuông nhẹ nhàng ngân lên.
Jonathan nhìn sang phải, nhìn những người ngồi trên các hàng ghế bên kia lối đi, và mắt anh chạm phải khuôn mặt quay nghiêng của Tom Ripley. Anh ta đang nhìn thẳng về phía mục sư, người lại vừa bắt đầu cất tiếng nói, và anh ta có vẻ tập trung theo dõi lễ tang. Khuôn mặt của Ripley nổi bật giữa các khuôn mặt Pháp khác. Có phải vậy không nhỉ? Hay chỉ vì anh quen anh ta? Vì sao Ripley lại phải mất công đến đây? Ngay giây tiếp theo Jonathan lại tự hỏi có phải anh ta đến đây chỉ để diễn hay không? Nếu như Simone hoài nghi anh ta thật sự có dính líu tới cái chết của Gauthier, thậm chí còn sắp đặt và trả tiền cho vụ đó thì sao?
Khi tất cả mọi người đứng dậy để nối đuôi nhau ra khỏi nhà thờ, Jonathan cố gắng tránh Tom Ripley, và anh nghĩ cách tốt nhất để làm việc đó là đừng liếc nhìn về phía anh ta. Nhưng trên bậc thềm trước cửa nhà thờ, Tom Ripley đột nhiên lao tới cạnh Jonathan và Simone để chào hỏi họ.
“Chào anh chị!” Ripley chào bằng tiếng Pháp. Anh ta quàng một chiếc khăn choàng màu đen quanh cổ, mặc áo mưa màu xanh dương sậm. “Bonjour, madame. Rất vui được gặp cả hai người. Tôi nghĩ hai người là bạn của Gauthier.”
Bọn họ đang chậm rì rì bước xuống các bậc thang vì dòng người đông đúc, đi chậm đến mức khó lòng giữ nổi thăng bằng.
“Đúng thế,” Jonathan trả lời. “Anh ấy làm chủ một cửa hàng trong khu bọn tôi, anh biết đấy. Một người đàn ông vô cùng tử tế.”
Tom gật đầu. “Tôi chưa hề đọc báo sáng nay. Một người bạn ở Moret đã gọi điện báo cho tôi biết. Cảnh sát có manh mối gì về những kẻ đã gây ra chuyện này không?”
“Tôi chưa nghe thấy tin gì,” Jonathan nói. “Chỉ biết là ‘hai thằng nhóc’. Em có biết tin gì khác không, Simone?”
Cô lắc đầu, đầu cô đang trùm khăn sẫm màu. “Không. Không có tin gì nữa.”
Tom gật đầu. “Tôi cứ hy vọng hai người sẽ biết thêm tin tức khác – vì hai người sống gần anh ấy hơn tôi.”
Tom Ripley có vẻ thật lòng lo lắng, Jonathan nghĩ, chứ không phải chỉ đang diễn để lòe họ.
“Tôi phải mua báo mới được. Hai người có đến nghĩa trang không?” Anh ta hỏi.
“Không, chúng tôi không đi,” Jonathan nói.
Tom gật đầu. Giờ thì tất cả bọn họ đã xuống vỉa hè. “Tôi cũng không đi được. Tôi sẽ nhớ Gauthier thân mến lắm. Thật tồi tệ. Rất vui khi gặp hai người.” Nở vội một nụ cười, Ripley bỏ đi.
Jonathan và Simone tiếp tục sải bước, vòng qua góc nhà thờ, đến đường Paroisse, hướng về phía nhà họ. Các hàng xóm chào hỏi họ, khẽ cười với họ, vài người còn nói “Chào hai anh chị,” theo một cách mà trong những dịp bình thường khác hẳn họ sẽ không nói. Tiếng động cơ ô tô vang lên, sẵn sàng đi theo xe tang tới nghĩa trang – Jonathan nhớ nó nằm ngay sau bệnh viện Fontainebleau mà anh thường đến truyền máu.
“Xin chào, anh Trevanny! Chào cô!” Đó là bác sĩ Perrier, vẫn vui vẻ như thường ngày, và cười cũng tươi gần bằng ngày thường. Ông ta bắt tay Jonathan và cùng lúc khẽ cúi chào Simone. “Một chuyện thật là khủng khiếp nhỉ?... Không, không, không, không, họ chưa tìm được hai thằng nhóc đó. Nhưng có người nói xe mang biển số Paris. Một chiếc D.S. đen. Đó là tất cả những gì họ biết… Thế dạo này anh cảm thấy sao, anh Trevanny?” Nụ cười của bác sĩ Perrier tràn đầy tự tin.
“Vẫn vậy,” Jonathan nói. “Không có gì phàn nàn.” Anh mừng vì bác sĩ Perrier lên đường ngay lập tức, vì Jonathan hiểu rõ là Simone biết hiện tại anh đáng nhẽ phải tới khám ở chỗ bác sĩ Perrier khá thường xuyên để lấy thuốc và truyền thuốc, dù ít nhất đã hai tuần nay anh không tới rồi, kể từ ngày anh đưa cho ông bản kết quả xét nghiệm của bác sĩ Schroeder được gửi tới cửa hàng của anh.
“Chúng ta phải mua một tờ báo,” Simone nói.
“Ở cuối phố kìa,” Jonathan nói.
Họ mua một tờ báo và Jonathan đứng trên vỉa hè, nó vẫn đông đúc với nhóm người đang ra về sau tang lễ của Gauthier, và đọc về “hành vi hư hỏng và lố lăng của đám du côn trẻ” đã diễn ra tối muộn thứ Bảy trên một con phố ở Fontainebleau. Simone ngoái qua vai. Báo cuối tuần không có thời gian để in bài này, nên đây là bài báo đầu tiên mà họ đọc được. Có người đã nhìn thấy một chiếc ô tô to, tối màu, có ít nhất hai thanh niên ngồi bên trong, nhưng không đề cập gì tới biển số xe Paris cả. Chiếc xe đi về hướng Paris nhưng lúc cảnh sát cố gắng đuổi theo thì nó đã biến mất.
“Sốc thật,” Simone nói. “Anh biết đấy, việc đâm xe rồi bỏ trốn không thường xuyên xảy ra ở Pháp…”
Jonathan thoáng thấy chủ nghĩa Sôvanh1 xuất hiện.
1 Chủ nghĩa Sôvanh (Chauvinism) là một chủ nghĩa sùng bái tinh thần bè phái cực đoan, mù quáng trên danh nghĩa của một nhóm (thường là một quốc gia hoặc một dân tộc), nhất là khi tinh thần bè phái đó có bao gồm cả sự thù hận chống lại một nhóm địch thủ.
“Điều đó khiến em hoài nghi…” Cô nhún vai. “Tất nhiên em có thể đã sai. Nhưng việc loại người như cái gã Ripley này xuất hiện ở đám tang của Gauthier cũng phù hợp với tính cách của gã!”
“Anh ta…” Jonathan khựng lại. Anh đã định nói rằng chắc chắn trong buổi sáng hôm ấy Tom Ripley có vẻ thật lòng quan tâm, anh ta cũng mua họa cụ ở cửa hàng của Gauthier, nhưng Jonathan nhận ra rằng đáng nhẽ mình không thể biết những chuyện này mới đúng. “Ý em là gì khi nói ‘phù hợp với tính cách của gã?’”
Simone lại nhún vai, và Jonathan biết là cô đang rơi vào trạng thái khiến cô có thể sẽ từ chối nói thêm về chủ đề này. “Em chỉ nghĩ là có khả năng qua Gauthier, gã Ripley này phát hiện ra em đã nói chuyện với anh ta, hỏi thăm xem ai là người khơi mào câu chuyện về anh. Em đã bảo anh rằng em nghĩ đó là Ripley, dù Gauthier không nói vậy. Và giờ – chuyện này – cái chết cực kỳ bí ẩn của Gauthier xảy đến.”
Jonathan im lặng. Họ đã đến gần đường St. Merry. “Nhưng câu chuyện đó, em yêu – không đáng để giết người vì nó. Hãy suy nghĩ hợp lý hơn đi.”
Simone đột nhiên nhớ ra họ cần thêm thứ gì đó cho bữa trưa. Cô đi vào một cửa hàng bán thịt đông lạnh và Jonathan đứng đợi trên vỉa hè. Trong vài giây anh chợt nhận ra – chợt nhìn nhận theo một cách khác, như nhìn qua con mắt của Simone vậy – những gì mình đã gây ra khi giết hại một người bằng súng và hỗ trợ giết hại một người khác. Jonathan đã hợp lý hóa hành vi đó bằng cách tự dỗ mình rằng hai tên đó cũng là kẻ giết người, lũ sát nhân. Simone, tất nhiên, sẽ không nghĩ như vậy. Sau rốt thì đó đều là mạng người. Cô đã rầu rĩ chỉ vì có khả năng Tom Ripley thuê người giết Gauthier – chỉ là có khả năng thôi đấy – Liệu có khả năng hiện giờ anh đang bị ảnh hưởng bởi đám tang mà mình vừa tới dự không nhỉ? Sau rốt thì tang lễ cũng dành để tôn vinh sự thần thánh của cuộc sống con người, dù có nói thế giới bên kia thậm chí còn tốt đẹp hơn đi nữa. Jonathan mỉm cười một cách châm biếm. Cái từ thần thánh…
Simone ra khỏi hàng thịt, vụng về cầm các gói đồ nhỏ vì không mang túi đi chợ theo. Anh cầm hộ cô hai gói. Họ tiếp tục tản bộ.
Thần thánh. Jonathan đã trả quyển sách về mafia cho Reeves. Nếu có bao giờ anh thấy day dứt không nguôi về những gì đã làm thì tất cả những gì anh cần làm chỉ là nhớ lại vài vụ giết người đã đọc được trong sách.
Dẫu sao đi nữa, Jonathan cảm thấy e sợ khi theo sau Simone leo lên cầu thang trước nhà. Bởi giờ đây cô có thái độ hết sức thù địch với Ripley. Simone không yêu quý Pierre Gauthier đến mức bị ảnh hưởng nặng nề đến thế bởi cái chết của anh ta. Thái độ này của cô là nhờ giác quan thứ sáu, kết hợp với đạo đức xã hội và bản năng bảo vệ của người vợ. Cô tin rằng Ripley đã khơi mào câu chuyện về việc anh sẽ chết sớm, và Jonathan có thể đoán được rằng sẽ không gì lay chuyển được niềm tin ấy của cô, vì chẳng còn người nào khác có thể dễ dàng thay thế vai trò người khơi mào câu chuyện, đặc biệt là khi giờ Gauthier đã chết, không thể làm chứng hộ Jonathan nếu anh có cố bịa ra một người khác đi nữa.
Tom vứt khăn choàng cổ màu đen vào trong ô tô, lái xe về phía Nam, hướng Moret và nhà anh. Thái độ thù địch của Simone cũng hơi đáng buồn, cô ta nghi ngờ anh đã dàn xếp gây ra cái chết của Gauthier. Tom châm một điếu thuốc lá bằng bật lửa đặt trên bảng đồng hồ. Anh đang ngồi trong chiếc Alfa Romeo đỏ, và cảm thấy thôi thúc muốn phóng thật nhanh, nhưng vẫn kiềm chế tốc độ một cách cẩn trọng.
Cái chết của Gauthier là một tai nạn, Tom chắc chắn như vậy. Một sự việc không may và đáng buồn, nhưng vẫn là một tai nạn, trừ phi anh ta có dính dáng đến những hoạt động kỳ lạ hơn Tom biết.
Một con chim ác là lớn bay xà qua đường, trông thật xinh đẹp trên nền hàng liễu rủ xanh rì. Mặt trời đã bắt đầu ló rạng. Tom nghĩ xem có nên dừng chân ở Moret để mua gì đó không – dường như lúc nào bà Annette cũng cần hoặc thích một thứ gì đó – nhưng ngày hôm nay anh lại chẳng thể nhớ nổi bà ta muốn gì, và cũng không thấy muốn dừng xe. Thợ đóng khung tranh quen thuộc của anh ở Moret chính là người đã gọi điện báo cho anh tin về Gauthier ngày hôm qua. Tom hẳn từng có lần đề cập đến việc anh mua màu vẽ ở tiệm của Gauthier ở Fontainebleau. Anh đạp mạnh chân ga và vượt qua một chiếc xe tải, sau đó là hai chiếc Citroen tốc độ cao, và chẳng bao lâu đã đến chỗ rẽ vào Villeperce.
“Tome này, anh có một cuộc điện thoại đường dài đấy,” Heloise nói khi anh đặt chân vào phòng khách.
“Từ đâu thế?” Nhưng Tom biết. Chắc là Reeves.
“Đức, em nghĩ thế.” Cô quay lại với cây đàn clavecin, nó giờ có một vị trí trang trọng gần cửa sổ kiểu Pháp.
Tom nhận ra một bản Chaconne của Bach mà cô đang đọc nhạc phổ nốt cao. “Họ nói sẽ gọi lại chứ?” Anh hỏi.
Heloise quay đầu và mái tóc vàng dài óng ả của cô hất lên. “Em nào biết, anh yêu. Em chỉ nói chuyện với người trực tổng đài thôi, vì họ muốn gặp đúng người. Điện thoại kìa!” Cô nói khi điện thoại reo đúng lúc ấy.
Tom lao lên phòng mình trên gác.
Người trực tổng đài xác nhận anh đúng là Ripley, sau đó giọng Reeves vang lên:
“Xin chào, Tom. Anh có nói chuyện được không?” Anh ta nghe có vẻ bình tĩnh hơn so với lần trước.
“Có. Anh đang ở Amsterdam à?”
“Phải, và tôi có một tin mới nho nhỏ mà anh sẽ không thấy trên báo và tôi nghĩ có thể anh muốn nghe đây. Gã vệ sĩ đó đã chết. Anh biết đấy, kẻ mà chúng đưa tới Milan ấy.”
“Ai nói gã ta đã chết?”
“À thì, tôi nghe được tin này từ một người bạn ở Hamburg. Một người cũng đáng tin cậy.”
Đó là loại tin tức mà lũ mafia hay tung ra, Tom nghĩ. Anh chỉ tin khi nhìn thấy xác mà thôi. “Còn gì nữa không?”
“Tôi nghĩ có thể tin gã đó đã chết sẽ là tin tức tốt lành với người bạn của chúng ta. Anh biết đấy.”
“Chắc chắn rồi. Tôi hiểu mà, Reeves. Còn anh dạo này thế nào?”
“À thì, vẫn sống.” Anh ta rặn ra cười.
“Đồng thời tôi cũng đang sắp xếp để chuyển đồ đạc của mình tới Amsterdam. Tôi thích nơi đây. Tôi cảm thấy an toàn hơn nhiều so với Hamburg, tôi có thể cho anh biết điều đó. À có chuyện này. Người bạn Fritz của tôi. Ông ta đã gọi điện cho tôi sau khi lấy được số từ bà Gaby. Giờ ông ta đang ở lại chỗ người em họ ở một thị trấn nhỏ nào đó gần Hamburg. Nhưng ông ta đã bị nện nhừ tử, mất vài cái răng, tội nghiệp. Lũ lợn đó đánh ông ta để xem có moi được tin gì không…”
Chính xác là như thế, Tom nghĩ, và thoáng thấy thương cảm với ông Fritz xa lạ này – lái xe của Reeves, hay phải nói là kẻ chạy việc.
“Fritz không biết gì về anh bạn của chúng ta ngoài cái tên ‘Paul’,” Reeves tiếp tục. “Đồng thời Fritz cũng đã miêu tả hoàn toàn trái ngược cho chúng, tóc đen, lùn và mập, nhưng tôi e là chúng có thể sẽ không tin lời ông ta đâu. Fritz đã xoay xở khá tốt, cân nhắc việc ông ta đã được chăm sóc đặc biệt đến thế. Ông ta nói là vẫn bám chặt lấy miêu tả của mình – về vẻ ngoài của bạn chúng ta, và đó là tất cả những gì ông ta biết. Tôi nghĩ mình mới là kẻ sa vào bùn lầy đây.”
Chắc chắn là như vậy rồi, Tom nghĩ, vì đám người Ý biết rõ trông Reeves như thế nào. “Tin tức cực kỳ thú vị. Tôi không nghĩ chúng ta nên buôn chuyện cả ngày đâu, bạn ạ. Thật sự thì anh đang lo lắng chuyện gì?”
Tiếng thở dài của anh ta nghe rõ mồn một. “Việc chuyển đồ của tôi tới đây. Nhưng tôi đã gửi cho bà Gaby ít tiền và bà ta sẽ giúp gửi đồ đạc. Tôi đã viết thư tới ngân hàng rồi. Tôi thậm chí còn định để râu. Và tất nhiên tôi sẽ dùng một… một cái tên khác.”
Tom cũng đoán được chuyện đó, một cái tên khác trong một cuốn hộ chiếu giả nào đó của anh ta. “Thế tên anh là gì?”
“Andrew Lucas – từ Virginia,” Reeves nói, kèm theo một tiếng “ha” thay cho tiếng cười. “Tiện thể, anh có gặp người bạn của chúng ta không?”
“Không. Sao tôi lại phải gặp? – Này, Andy, nhớ cập nhật tình hình cho tôi nhé.” Anh chắc chắn là Reeves sẽ gọi điện nếu anh ta lâm vào rắc rối, nếu rắc rối đó vẫn cho phép anh ta gọi điện, vì Reeves nghĩ Tom Ripley có thể cứu anh ta thoát khỏi mọi rắc rối. Nhưng Tom muốn biết Reeves có lâm vào rắc rối không chủ yếu là vì Trevanny.
“Nhất định rồi, Tom. À, còn một chuyện nữa! Một gã thuộc băng Di Stefano đã bị bắn ở Hamburg! Tối thứ Bảy. Anh có thể đã đọc trên báo, hoặc không. Nhưng hẳn là băng Genotti đã tấn công hắn. Đó là điều chúng ta mong muốn…”
Cuối cùng anh ta cũng chịu dừng lại.
Tom đang nghĩ nếu mafia bắt được Reeves ở Amsterdam thì chúng sẽ tra tấn anh ta để lấy thông tin. Anh không nghĩ Reeves có thể trụ vững được như Fritz đã làm. Tom tự hỏi băng đảng nào đã tóm cổ Fritz, Di Stefano hay Genotti? Ông ta chắc chỉ biết về vụ đầu tiên, vụ bắn súng ở Hamburg. Nạn nhân đó chẳng qua chỉ là một tên tay chân. Băng Genotti sẽ cáu tiết hơn nhiều: chúng đã mất một đầu lĩnh, và như hiện thời thì còn mất thêm cả một tên tay chân hay vệ sĩ nữa. Không phải đến giờ cả hai băng đảng đều đã biết chuyện Reeves và các chủ sòng bạc ở Hamburg là người đứng sau các vụ giết người chứ không phải là do xung đột băng đảng rồi à? Chúng đã xong việc với anh ta chưa? Tom cảm thấy khá bất lực trong việc bảo vệ Reeves, nếu anh ta cần được bảo vệ. Giá mà họ chỉ cần chống lại một người thì mọi sự mới dễ dàng làm sao! Nhưng lũ mafia đông không kể xiết.
Cuối cuộc điện thoại Reeves đã kể là anh ta gọi từ bưu điện. Ít nhất thì như thế an toàn hơn so với việc gọi từ khách sạn. Tom đang nghĩ đến cuộc gọi đầu tiên của Reeves. Không phải nó được gọi từ một khách sạn tên là Zuyder Zee à? Anh nghĩ vậy.
Tiếng đàn clavecin trong trẻo vọng lên từ dưới gác, lời nhắn gửi từ một thế kỷ khác. Tom đi xuống cầu thang. Heloise sẽ muốn anh kể về tang lễ, đưa ra một bình luận gì đó, dù khi anh hỏi cô có muốn đi cùng không thì cô đã trả lời là lễ tang khiến cô u sầu.
Jonathan đứng trong phòng khách, nhìn ra ngoài cửa sổ. Giờ mới là mười hai giờ hơn. Anh bật đài radio di động để nghe bản tin trưa, và giờ nó đang phát nhạc pop. Simone đang ở ngoài vườn với Georges, thằng bé đã ở nhà một mình lúc anh và Simone đi dự tang lễ. Trên đài radio, một người đàn ông hát “runnin’ on along… runnin’ on along…” và Jonathan nhìn một chú chó trông có vẻ là giống bécgiê chạy theo hai cậu bé trên vỉa hè đối diện. Anh cảm thấy tất cả mọi thứ đều mang một sự ngắn ngủi nhất thời, tất cả sự sống của vạn vật – không chỉ của chú chó và hai cậu bé kia, mà còn cả ngôi nhà sau lưng chúng, rồi mọi thứ sẽ có ngày lụi tàn, sụp đổ, mất hình mất dáng và thậm chí là bị lãng quên. Jonathan nghĩ đến cảnh Gauthier nằm trong quan tài mà có thể vào chính thời khắc này đây đang được hạ xuống lòng đất, và rồi anh không nghĩ về anh ta nữa mà nghĩ về bản thân. Anh không có năng lượng mạnh mẽ như chú chó đang chạy kia. Nếu anh từng có thời sung mãn thì giờ nó cũng đã trôi qua rồi. Giờ đã quá muộn, và Jonathan cảm thấy anh không có đủ năng lượng để tận hưởng nốt quãng đời còn lại của mình, dù giờ anh đã có ít tiền để tiêu pha. Anh nên đóng cửa hàng, bán hoặc tặng nó cho ai đó, có quan trọng gì đâu? Vậy nhưng khi nghĩ kỹ lại thì anh không thể cứ hoang phí tiền với Simone, vì cô và Georges sẽ còn lại gì sau khi anh chết? Bốn mươi nghìn bảng chưa phải là một gia tài lớn. Tai anh đang kêu ong ong. Jonathan bình tĩnh hít từng hơi sâu, chậm rãi. Anh cố gắng nhấc cửa sổ trước mặt lên và nhận thấy mình không đủ sức. Anh quay lại đối diện với căn phòng, chân nặng trịch và gần như không thể nhấc lên được. Tiếng ong ong trong tai anh đã gần như át hẳn tiếng nhạc.
Jonathan gục xuống, mồ hôi vã ra và cả người lạnh toát, nằm trên sàn phòng khách. Simone đang quỳ gối bên cạnh anh, nhẹ nhàng ấn một chiếc khăn ướt lên trán, rồi lau dần xuống mặt Jonathan.
“Anh yêu, em mới phát hiện ra anh thế này! Anh sao rồi? – Georges, không sao hết. Papa vẫn khỏe!” Nhưng Simone giọng đầy hoảng hốt.
Jonathan lại gục đầu xuống thảm.
“Muốn uống ít nước không?”
Anh cố gắng nhấp nước từ cái cốc cô cầm. Anh lại nằm xuống. “Anh nghĩ có khi mình phải nằm đây cả chiều mất!” Giọng anh xung đột với tiếng ong ong trong tai.
“Để em kéo phẳng cái này.” Cô kéo áo khoác của anh, nó đang dồn cục lại dưới lưng anh.
Có thứ gì đó rơi ra khỏi túi áo. Anh thấy Simone cầm nó lên rồi nhìn anh đầy lo lắng, và Jonathan vẫn mở to mắt, tập trung nhìn trần nhà, vì nếu anh nhắm mắt lại thì lại cảm giác còn tồi tệ hơn. Thời gian trôi đi, những phút giây im lìm. Jonathan không hề lo lắng vì anh biết mình vẫn sẽ gắng gượng được, cái chết chưa đến, anh chỉ ngất xỉu mà thôi. Có thể chỉ là bước đầu tiên tiếp cận cái chết. Nhưng cái chết sẽ không đến kiểu này. Cái chết chắc hẳn sẽ có vòng tay ngọt ngào hơn, quyến rũ hơn, như một con sóng tràn từ bờ biển, nuốt cẳng chân của một tay bơi đã đi quá xa, không hiểu sao đã mất sạch ý chí đấu tranh. Simone đi đâu đó, giục Georges đi theo, rồi mang một tách trà nóng quay lại.
“Cái này có rất nhiều đường. Nó sẽ có ích cho anh. Anh có muốn em gọi bác sĩ Perrier không?”
“Không cần đâu, em yêu. Cảm ơn em.” Sau khi nhấp một ít trà, Jonathan lê người lên sôpha và ngồi xuống.
“Jon, thứ gì đây?” Simone hỏi, giơ quyển sổ nhỏ màu xanh dương là sổ tiết kiệm của ngân hàng Thụy Sĩ lên.
“À, thứ đó…” Anh lắc đầu, cố bắt mình tỉnh táo hơn.
“Nó là sổ tiết kiệm. Có đúng không?”
“Ừ, đúng.” Con số có sáu chữ số, hơn bốn trăm nghìn franc, được thể hiện bằng một chữ “f” ở cuối. Anh cũng biết là Simone đã đọc quyển sổ nhỏ ấy một cách vô tư, cho rằng đó chỉ là giấy tờ mua đồ gia dụng nào đó, một loại mà họ thường có.
“Nó nói là franc. Franc Pháp à? Anh lấy nó ở đâu? Nó là gì thế, Jon?”
Con số bằng franc Pháp. “Em yêu, đó là một khoản trả trước – từ các bác sĩ người Đức.”
“Nhưng…” Trông cô có vẻ bối rối. “Đây là franc Pháp, không phải sao? Con số này!” Cô cười khẽ, run rẩy lo lắng.
Đột nhiên mặt Jonathan nóng lên. “Anh đã cho em biết anh có nó từ đâu rồi, Simone. Theo lẽ tự nhiên – anh biết là con số này khá lớn. Anh không muốn kể cho em luôn một lèo. Anh…”
Cô cẩn thận đặt quyển sổ nhỏ màu xanh lên trên ví da của anh trên cái bàn thấp trước sôpha. Sau đó cô kéo ghế từ trước bàn viết ra và ngồi xuống, quay nghiêng, một tay nắm lấy lưng ghế. “Jon…”
Georges đột nhiên xuất hiện ở cửa, và Simone đứng dậy với vẻ kiên định và xoay vai thằng bé lại. “Cha mẹ đang nói chuyện. Giờ thì để cha mẹ ở riêng một lúc nhé.” Cô quay lại và nhỏ nhẹ nói, “Jon, em không tin lời anh.”
Jonathan nghe thấy giọng cô run rẩy. Không phải chỉ vì khoản tiền ấy, dù con số thật đáng sửng sốt, mà là vì những bí mật của anh dạo gần đây – những chuyến đi tới Đức. “Em… em phải tin anh,” anh nói. Một chút sức lực đã quay lại với anh. Anh đứng dậy. “Đó là một khoản trả trước. Họ không nghĩ là anh có thể dùng được nó. Anh không còn thời gian. Nhưng em thì có thể.”
Simone không hưởng ứng tiếng cười của anh. “Nó được ghi tên anh. Jon, bất kể anh đang làm gì thì anh cũng không kể sự thật cho em.” Và cô chờ đợi, chỉ đúng vài giây mà nhân lúc đó đáng nhẽ ra anh có thể kể sự thật cho cô nghe, nhưng anh không nói gì.
Simone rời khỏi phòng.
Bữa trưa diễn ra như một thứ nghĩa vụ. Họ chẳng nói gì nhiều. Jonathan thấy là Georges bối rối. Anh có thể lường trước những ngày sắp tới – Simone chắc sẽ không tra hỏi anh nữa, chỉ lạnh lùng đợi anh kể sự thật, hoặc giải thích – bằng một cách nào đó. Căn nhà sẽ chìm trong sự im lặng kéo dài, không còn ân ái, không còn yêu thương hay tiếng cười. Anh phải nghĩ ra một câu chuyện khác, hay hơn. Dù anh nói là mình có nguy cơ sẽ chết dưới sự điều trị của các bác sĩ Đức thì liệu việc họ trả cho anh từng ấy tiền có logic không? Không hẳn. Jonathan nhận ra là tính mạng của anh còn chẳng giá trị bằng của hai gã mafia.