S
áng thứ Sáu thật dễ chịu, mưa nhỏ và mặt trời thay phiên nhau xuất hiện sau nửa tiếng một, thời tiết hoàn hảo cho vườn tược, Tom nghĩ. Heloise đã lái xe tới Paris, vì một cửa hàng thời trang ở khu Faubourg St. Honoré đang giảm giá váy, và anh chắc chắn là cô sẽ mua một chiếc khăn hoặc một thứ gì đó giá trị hơn từ Hermès về nhà. Tom ngồi trước đàn clavecin, chơi trên nền một bản biến tấu Goldberg, cố gắng ghi nhớ nốt nhạc vào đầu và vào tay. Anh đã mua vài quyển sách nhạc ở Paris cùng ngày anh mua cây đàn. Tom biết một bản biến tấu nghe như thế nào vì anh có đĩa của Landowska. Khi anh đang tập luyện lần thứ ba hay lần thứ tư gì đó và cảm thấy mình đã có tiến bộ thì điện thoại reo inh ỏi.
“Xin chào?” Tom nói.
“Chào – à – xin hỏi tôi đang nói chuyện với ai đấy?” Một người đàn ông hỏi bằng tiếng Pháp.
Tom phản ứng chậm hơn thường lệ, cảm thấy bất an. “Anh muốn gặp ai?” Anh hỏi với sự lịch sự tương đương.
“Ông Anquetin?”
“Không, đây không phải là nhà của ông ấy,” Tom nói và dập điện thoại xuống.
Ngữ điệu của anh ta rất hoàn hảo – không phải sao? Nhưng có khả năng đám người Ý thuê một người Pháp gọi điện, hoặc một người Ý với giọng Pháp hoàn hảo. Có thể nào anh đang lo lắng thái quá rồi không? Cau mày, Tom quay mặt ra nhìn cây đàn clavecin và cửa sổ, đút tay vào túi quần sau. Có phải bang Genotti đã tìm được Reeves trong khách sạn và đang kiểm tra lại toàn bộ số điện thoại mà anh ta từng gọi hay không? Nếu vậy thì gã vừa gọi sẽ không thỏa mãn với câu trả lời của anh. Một người bình thường hẳn sẽ đáp lại là, “Anh nhầm rồi, đây là nhà của anh-này-bà-kia.” Ánh nắng mặt trời chậm rãi tràn vào qua cửa sổ, như một thứ chất lỏng đổ vào giữa tấm rèm đỏ và rơi xuống thảm. Ánh nắng giống như một bản hợp âm rải mà Tom gần như có thể nghe thấy – lần này có lẽ là một bản nhạc của Chopin. Anh nhận ra mình không dám gọi điện cho Reeves ở Amsterdam để hỏi xem chuyện gì đang diễn ra. Cuộc gọi vừa rồi không giống một cú điện thoại đường dài, nhưng không phải lúc nào cũng phân biệt được. Nó có thể đến từ Paris. Hoặc Amsterdam. Hoặc Milan. Số điện thoại của Tom không được công khai. Người trực tổng đài sẽ không báo tên hoặc địa chỉ của anh, nhưng qua số máy lẻ – 424 – người có số điện thoại sẽ dễ dàng tìm được chỗ này, nếu muốn. Nó thuộc khu vực Fontainebleau. Anh biết là đám mafia có khả năng tìm ra chuyện Tom Ripley sống trong khu vực này, thậm chí là chính Villeperce, vì vụ Derwatt đã được lên báo, kèm cả ảnh của anh, chỉ mới sáu tháng trước. Tất nhiên, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào việc gã vệ sĩ thứ hai còn sống và không bị thương, chính là gã đã đi tuần tra trên tàu để tìm kiếm đầu lĩnh và đồng bọn của mình. Gã này có thể sẽ nhớ khuôn mặt của Tom từ toa ăn.
Anh một lần nữa đang chơi trên nền biến tấu Goldberg khi điện thoại reo lần hai. Đã mười phút trôi qua kể từ cuộc gọi đầu tiên, anh nghĩ. Lần này anh sẽ nói đây là nhà Robert Wilson. Không có gì có thể giấu được giọng Mỹ của anh.
“Đây,” Tom nói bằng giọng chán chường.
“Xin chào…”
“À. Xin chào,” anh nói, nhận ra giọng của Trevanny.
“Tôi muốn gặp anh,” anh ta nói, “nếu anh có thời gian.”
“Tất nhiên là được. Hôm nay à?”
“Nếu được. Tôi không thể – tôi không muốn hẹn vào tầm giờ ăn trưa, nếu anh không phiền. Muộn hơn giờ đó có được không?”
“Tầm bảy giờ nhé?”
“Sáu rưỡi cũng được. Anh có thể đến Fontainebleau được không?”
Tom đồng ý hẹn gặp Jonathan ở quán bar Salamandre. Anh có thể đoán mục đích cuộc hẹn: anh ta không thể giải thích số tiền cho vợ một cách hợp lý. Jonathan có vẻ lo lắng, nhưng không tuyệt vọng.
Lúc sáu giờ chiều, Tom lái con xe Renault đi vì Heloise chưa mang con Alfa về. Cô đã gọi điện thông báo sẽ uống cocktail với Noelle và chắc sẽ ăn tối cùng cô ta luôn. Và cô đã mua một chiếc vali tuyệt đẹp ở Hermes vì nó được giảm giá. Heloise nghĩ mình càng mua nhiều đồ giảm giá thì càng tiết kiệm được nhiều tiền, càng thêm đoan chính.
Tom đến Salamandre thì đã thấy Jonathan ở đó, đứng ở quầy bar uống bia đen – chắc là loại Whitbread quen thuộc, anh nghĩ. Tối nay nơi này đông đúc ồn ào một cách bất thường, và Tom chắc nói chuyện ở quầy sẽ không vấn đề gì. Anh gật đầu và mỉm cười thay lời chào, gọi loại bia đen tương tự cho mình.
Jonathan kể cho anh biết những chuyện đã xảy ra. Simone nhìn thấy quyển sổ tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ. Jonathan bảo cô đó là khoản trả trước từ các bác sĩ Đức và anh phải chịu mạo hiểm tính mạng khi dùng thuốc của họ, đây là khoản tiền trả cho tính mạng của anh.
“Nhưng cô ấy không hoàn toàn tin lời tôi.” Anh mỉm cười. “Cô ấy thậm chí còn dò hỏi có phải tôi đóng thế ai đó ở Đức để lấy tiền thừa kế hộ một nhóm lừa đảo hay không – đại loại như vậy – và đây là phần ăn chia tôi được nhận. Hoặc tôi đã giả mạo nhân chứng cho một vụ gì đó.” Jonathan bật cười. Thật ra anh phải cao giọng mới nghe rõ, nhưng anh chắc chắn không có ai ở gần lắng nghe, hay có thể hiểu câu chuyện của họ. Ba người pha chế đang làm việc cật lực sau quầy, rót Pernod và rượu vang đỏ, và rút các cốc bia dưới vòi ra.
“Tôi có thể hiểu được,” Tom nói, liếc nhìn đám đông náo loạn xung quanh mình. Anh vẫn lo lắng về cuộc điện thoại mình nhận được sáng hôm ấy, đến tận chiều vẫn không có người gọi lại. Anh thậm chí còn ngó nghiêng khắp Belle Ombre và Villeperce, khi lái xe đi lúc sáu giờ chiều, xem có bóng dáng lạ mặt nào trên đường không. Thật kỳ lạ vì sẽ đến lúc bạn biết rõ bóng dáng của tất cả mọi người trong làng, dù nhìn từ xa, và một người lạ sẽ ngay lập tức thu hút sự chú ý của bạn. Tom thậm chí còn thấy hơi sợ hãi khi khởi động chiếc xe Renault. Gắn bom vào chỗ đánh lửa là trò chơi khăm yêu thích của lũ mafia. “Chúng ta sẽ phải nghĩ cho kỹ!” Anh hét lên, một cách chân thành.
Jonathan gật đầu và nốc cạn cốc bia của mình. “Thật buồn cười vì cô ấy ám chỉ gần như tất cả mọi thứ tôi có thể làm chỉ trừ việc giết người.”
Tom đặt chân lên thanh ngang và cố gắng suy nghĩ giữa không gian ầm ĩ. Anh nhìn vào túi áo khoác nhung cũ của Jonathan, một vết rách đã được vá gọn gàng, hiển nhiên là bởi bàn tay của Simone. Đột nhiên Tom thấy tuyệt vọng và nói, “Tôi tự hỏi kể cho cô ấy nghe sự thật thì có vấn đề gì? Sau rốt thì, lũ Mafia này, lũ khốn nạn đó…”
Jonathan lắc đầu. “Tôi đã nghĩ đến chuyện đó rồi. Simone – Cô ấy theo Công giáo. Việc đó…” Việc thường xuyên uống thuốc tránh thai đối với cô đã là một hành vi nhượng bộ lắm rồi. Anh nhận thấy người Công giáo nhượng bộ một cách chậm chạp: họ không muốn cho thấy là mình bị chỉ huy, dù cho họ vẫn thỏa hiệp không chuyện này thì chuyện khác. Georges đang được nuôi dạy như một người Công giáo, một chuyện không thể tránh khỏi ở đất nước này, nhưng Jonathan cố gắng để Georges nhận thấy rằng đó không phải là tôn giáo duy nhất trên thế giới này, cố gắng khiến thằng bé hiểu rằng nó được tự do lựa chọn khi lớn hơn, và đến giờ nỗ lực của anh không bị Simone phản đối. “Cô ấy nhìn nhận mọi việc rất khác,” anh hét lên, giờ đã quen với tiếng ồn và gần như còn thấy thích bức tường bảo vệ này. “Cô ấy sẽ rất sốc – một chuyện mà cô ấy không thể tha thứ, anh biết đấy. Tính mạng con người, đại loại thế.”
“Con người! Ha ha!”
“Vấn đề là,” Jonathan nói, lại nghiêm túc trở lại, “nó gần như tương tự với cuộc hôn nhân của tôi. Ý tôi là, chính hôn nhân của tôi đang lâm nguy.” Anh nhìn Tom, người đang cố hiểu ý mình. “Thật là một chỗ quái quỷ để nói về một vấn đề nghiêm túc!” Jonathan nhắc lại với vẻ kiên định, “Nói đơn giản là mọi chuyện giữa chúng tôi không còn được như xưa. Và tôi không nghĩ nó có thể trở nên tốt đẹp hơn được. Tôi chỉ là hy vọng anh có thể có ý tưởng nào đó – xem tôi nên làm gì hay nói gì. Mặt khác, tôi cũng không thấy có lý do để anh phải làm vậy. Đây chỉ là vấn đề của bản thân tôi.”
Tom đang nghĩ họ có thể tìm một chỗ yên tĩnh hơn, hoặc ngồi trong xe của anh. Nhưng liệu anh có thể nghĩ kỹ hơn trong một chỗ yên tĩnh hơn không? “Tôi sẽ cố gắng nghĩ ra ý tưởng nào đó!” Anh hét lên. Vì sao tất cả mọi người – kể cả Jonathan – lại cho rằng anh luôn có thể nảy ra ý tưởng cho họ? Việc tự tìm đường đi nước bước cho bản thân anh đã đủ khó khăn lắm rồi. Sự giàu có của anh thường đòi hỏi các ý tưởng mới, những nguồn cảm hứng thỉnh thoảng lại đến khi anh đang tắm, hoặc làm việc, những món quà đó của Chúa chỉ xuất hiện sau khi bản thân anh đã lo lắng cân nhắc kỹ càng. Một người chẳng thể có đủ tâm trí để giải quyết các rắc rối của người khác và của cả bản thân được, Tom nghĩ. Sau đó anh mới nhận ra là sau rốt thì sự giàu có của anh cũng đã bị buộc chặt với Jonathan, và nếu anh ta kiệt quệ – nhưng Tom cũng không thể hình dung sẽ có ngày Jonathan kể cho người khác biết chuyện anh đã ở trên tàu cùng anh ta, giúp đỡ anh ta. Chẳng cần thiết phải nói vậy, và trên nguyên tắc Jonathan sẽ không làm vậy. Làm sao một người lại đột nhiên kiếm được khoảng chín mươi hai nghìn đô la chứ? Đó mới là vấn đề. Đó là câu hỏi mà Simone hỏi Jonathan.
“Giá mà chúng ta có thể bịa là khoản tiền đó phục vụ hai mục đích,” cuối cùng Tom nói.
“Ý anh là gì?”
“Một thứ nào đó cộng thêm vào khoản tiền mà các bác sĩ trả cho anh. Một vụ cá cược chẳng hạn? Một bác sĩ cá cược với một bác sĩ khác ở Đức, và cả hai đều đặt cọc tiền cho anh, một kiểu quỹ ủy thác – ý tôi là đặt niềm tin vào anh. Nó rơi vào khoảng – cứ cho là năm nghìn đô la đi, hơn một nửa. Hay anh đang nghĩ đến đồng franc? Ừm – hơn hai trăm năm mươi nghìn franc, tầm đấy.”
Jonathan mỉm cười. Ý tưởng khá thú vị, nhưng hơi ngông cuồng. “Một chai bia nữa nhé?”
“Được thôi,” Tom nói, và châm một điếu Gauloise lên. “Xem này. Anh có thể nói với Simone là vì vụ cá cược đó có vẻ ngớ ngẩn, hoặc vô nhân đạo, hay sao đó thì tùy, nên anh không muốn kể cho cô ấy, nhưng đó là một vụ cá cược với tính mạng của anh. Một bác sĩ cá rằng anh sẽ sống – sống hết vòng đời, chẳng hạn. Có nghĩa là anh và Simone có khoảng hơn hai trăm nghìn franc của riêng hai người – mà tôi hy vọng anh đã bắt đầu tận hưởng số tiền đó!”
Cộp! Cộp! Một người pha chế nhanh nhẹn đặt cốc bia và chai bia mới của Tom xuống. Jonathan đã bắt đầu uống chai thứ hai.
“Chúng tôi đã mua một chiếc sôpha – cực kỳ cần thiết,” anh nói. “Chúng tôi có thể tự thưởng cho mình một chiếc tivi nữa. Ý tưởng của anh vẫn hay hơn là không có gì. Cảm ơn anh.”
Một người đàn ông vạm vỡ trông tầm sáu mươi tuổi khẽ bắt tay chào Jonathan và đi tiếp đến cuối quầy bar mà không thèm liếc nhìn Tom. Anh nhìn chằm chằm vào hai cô gái tóc vàng đang được ba thằng nhóc mặc quần ống loe đứng cạnh bàn họ tán tỉnh. Một con chó già béo lùn với đôi chân gầy nhẳng ngước nhìn Tom một cách thảm thương trong khi đợi ông chủ của nó uống nốt cốc rượu petit rogue của mình.
“Dạo này anh có nhận được tin gì từ Reeves không?” Tom hỏi.
“Dạo này – tầm một tháng nay thì không, tôi nhớ là vậy.”
Vậy là Jonathan không biết chuyện căn hộ của Reeves đã bị đánh bom, và Tom thấy cũng chẳng có lý do gì để kể cho anh ta biết chuyện đó. Nó chỉ làm lung lay tinh thần của anh ta mà thôi.
“Còn anh thì có nghe tin gì không? Anh ta ổn chứ?”
Tom nói một cách tự nhiên, “Tôi cũng không biết,” như thể Reeves không có thói quen viết thư hay gọi điện thăm hỏi. Đột nhiên anh cảm thấy không thoải mái, như thể mọi con mắt đang đổ dồn về phía mình. “Ra về thôi nhỉ?” Anh ra dấu cho người pha chế cầm hai tờ mười franc của mình, dù Jonathan cũng đã rút tiền ra. “Xe của tôi đậu ở bên ngoài, bên phải đường.”
Ra vỉa hè, Jonathan bắt đầu hỏi một cách vụng về, “Anh cảm thấy ổn cả chứ? Không có gì phải lo chứ?”
Giờ họ đã đứng cạnh xe ô tô của anh. “Tôi là kiểu người hay lo lắng. Anh không bao giờ ngờ được phải không? Tôi cố gắng nghĩ đến những điều tồi tệ nhất trước khi nó diễn ra. Không phải kiểu bi quan đâu.” Tom mỉm cười. “Anh về nhà à? Tôi sẽ cho anh quá giang.”
Jonathan vào xe.
Khi Tom vào trong và đóng cửa lại, ngay lập tức anh cảm nhận được sự riêng tư, như thể họ đang ngồi trong phòng ở nhà anh. Và ngôi nhà của anh còn được an toàn bao lâu nữa? Tom khó chịu tưởng tượng ra lũ mafia đặt chân khắp mọi nơi, như lũ gián đen sì bay lượn lung tung. Nếu anh bỏ trốn, đưa Heloise và bà Annette đi trước hoặc đi cùng mình, lũ mafia có thể sẽ châm lửa thiêu rụi cả Belle Ombre. Tom nghĩ đến cảnh chiếc đàn clavecin bị cháy rụi hoặc nổ tung vì một quả bom. Anh thừa nhận là trong anh có một tình yêu dành cho ngôi nhà và gia đình mà thường chỉ thấy xuất hiện ở phái nữ.
“Tôi gặp nhiều nguy hiểm hơn anh, gã vệ sĩ thứ hai đó có thể nhận diện tôi. Tôi đã có vài bức ảnh được đăng lên báo, đó mới là vấn đề,” Tom nói.
Jonathan biết. “Tôi xin lỗi vì đã đòi gặp anh hôm nay. Tôi đang vô cùng lo lắng về vợ mình. Đó là vì – việc chúng tôi hòa thuận là chuyện quan trọng nhất đời tôi. Anh biết không, đây là lần đầu tiên tôi cố gắng nói dối cô ấy về một chuyện gì đó. Và tôi đã khá thất bại – khiến tôi choáng váng. Nhưng – anh đã giúp đỡ rất nhiều. Cảm ơn.”
“Được rồi. Lần này mọi chuyện sẽ ổn cả thôi,” Tom nói một cách vui vẻ. Ý anh là việc họ gặp nhau tối nay. “Nhưng tôi chợt nghĩ ra…” Anh mở ngăn chứa đồ và rút khẩu súng Ý ra. “Tôi nghĩ anh phải thủ sẵn thứ này. Để trong cửa hàng của anh chẳng hạn.”
“Thật sao? – Nói thật nhé, tôi sợ là trong một cuộc đấu súng tôi chỉ vô dụng thôi.”
“Còn hơn là không có gì. Nếu có kẻ đặt chân vào cửa hàng của anh và trông có vẻ kỳ lạ – Không phải anh có một ngăn kéo tủ ngay sau quầy còn gì?”
Cảm giác gai người chạy dọc xương sống Jonathan vì mới vài đêm trước anh đã mơ một giấc mơ y hệt như vậy: Một tay mafia bước vào cửa hàng của anh và bắn thẳng vào mặt anh. “Nhưng vì sao anh lại nghĩ là tôi cần nó? Phải có một lý do nào đó đúng không?”
Đột nhiên Tom nghĩ, sao lại không kể cho Jonathan nhỉ? Nó có thể nhắc anh ta cẩn trọng hơn. Đồng thời anh cũng biết là cẩn trọng cũng chẳng có ích gì. Tom nhận ra là Jonathan sẽ an toàn hơn nếu anh ta đưa vợ con đi du lịch một thời gian. “Phải, hôm nay tôi nhận được một cuộc điện thoại khiến tôi lo lắng. Một người đàn ông giọng Pháp gọi, nhưng điều đó chẳng có nghĩa lý gì hết. Anh ta hỏi thăm một người Pháp nào đó. Có thể chẳng có vấn đề gì đâu nhưng tôi cũng không dám chắc. Vì ngay khi mở miệng là tôi sẽ nói giọng Mỹ ngay, và có thể anh ta đang xác nhận…” Tom không nói hết. “Cho anh biết thêm thông tin này, chỗ của Reeves ở Hamburg đã bị đánh bom – tôi nhớ là vào tầm giữa tháng Tư.”
“Căn hộ của anh ta. Lạy Chúa lòng lành! Anh ta có bị thương không?”
“Lúc ấy không có ai trong nhà cả. Nhưng Reeves đã phải vội vã trốn tới Amsterdam. Theo tôi biết thì anh ta vẫn ở đó, dưới một cái tên giả.”
Jonathan nghĩ đến cảnh căn hộ của Reeves bị lục tung tìm xem có cái tên hay địa chỉ nào không, nghĩ đến việc tên anh và có thể cả Tom Ripley nữa bị tìm ra. “Vậy quân địch biết những gì rồi?”
“À, Reeves nói rằng anh ta vẫn nắm giữ mọi giấy tờ quan trọng. Chúng đã tóm được Fritz – tôi đoán là anh biết ông ta – và đánh ông ta một chút, nhưng theo lời Reeves thì Fritz đã hết sức can trường. Ông ta miêu tả cho chúng một kẻ ngược hẳn lại so với anh – ý là cái người mà Reeves thuê, hoặc ai đó thuê.” Tom thở dài. “Tôi đoán là chúng nghi ngờ Reeves và vài tay chủ sòng bạc khác.” Anh liếc nhìn đôi mắt mở to của Jonathan. Anh ta trông có vẻ choáng váng nhiều hơn là sợ sệt.
“Chúa ơi!” Jonathan thì thào nói. “Anh có nghĩ chúng đã biết địa chỉ của tôi không – hoặc địa chỉ của chúng ta?”
“Chưa đâu,” Tom nói, mỉm cười, “không thì chúng đã đến đây rồi, tôi có thể cho anh biết như vậy.” Anh muốn về nhà. Anh nổ máy và chiếc Renault hòa vào luồng xe cộ trên đường Grande.
“Vậy – giả sử kẻ đã gọi cho anh là một tay trong bọn chúng thì làm sao gã có số điện thoại của anh?”
“Giờ thì chúng ta đang bước vào vương quốc suy luận đây,” Tom nói, cuối cùng cũng tìm được một chỗ trống trên đường. Anh vẫn đang mỉm cười. Phải, vụ việc lần này thật nguy hiểm, anh chẳng được nhận một cắc nào, cũng chẳng phải để bảo vệ tài sản của mình như anh đã làm trong vụ Derwatt suýt thì thành thảm họa. “Có thể vì Reeves đã ngu ngốc gọi cho tôi từ Amsterdam. Tôi đang cân nhắc khả năng lũ mafia đã theo dấu anh ta tới Amsterdam, vì anh ta đã bảo quản gia của mình gửi đồ đạc tới đó. Một động thái khá ngu ngốc, quá sớm,” Tom nói như để giải thích. “Anh thấy đấy, tôi đang băn khoăn không biết – dù Reeves trốn khỏi khách sạn của anh ta ở Amsterdam thì lũ mafia vẫn có thể kiểm tra các cuộc điện thoại anh ta đã gọi đi. Dù thế nào thì số của tôi vẫn có thể có ở đó. Tiện thể, tôi tin là anh ta không hề gọi cho anh khi ở Amsterdam. Anh có chắc chắn về điều đó không?”
“Tôi biết rõ cuộc điện thoại cuối cùng mình nhận được là từ Hamburg.” Jonathan nhớ lại giọng điệu hồ hởi của Reeves, thông báo cho anh biết là số tiền của anh, toàn bộ tiền sẽ được gửi đến ngân hàng Thụy Sĩ ngay lập tức. Jonathan thấy lo lắng với khẩu súng phồng lên trong túi áo mình. “Xin lỗi, nhưng tôi nên về cửa hàng trước để tống khẩu súng này đi đã. Cứ thả tôi ở quanh đây đi.”
Tom rẽ vào vỉa hè. “Cứ thoải mái đi. Nếu anh thấy lo lắng về bất kỳ chuyện gì thì cứ gọi điện cho tôi. Tôi nói thật lòng đấy.”
Jonathan nở nụ cười ngượng nghịu vì thấy sợ hãi. “Hoặc nếu tôi có thể giúp được gì cho anh – thì cũng đừng ngại liên lạc nhé.”
Tom lái xe đi.
Jonathan đi bộ về phía cửa hàng của mình, một tay đút trong túi quần nâng khẩu súng lên. Anh cất vào két tiền nằm dưới mặt kệ nặng nề. Tom nói đúng, có súng vẫn hơn, và Jonathan biết là mình còn một lợi thế khác: anh chẳng màng đến tính mạng của mình. Không giống với việc Tom Ripley bị bắn hoặc sao đó, ra đi trong giai đoạn đang sung sức nhất, mà lại chẳng vì cái gì cả, Jonathan thấy vậy.
Nếu có kẻ bước vào cửa hàng với ý định bắn anh, và nếu anh đủ may mắn để có thể bắn trúng gã trước thì đó vẫn sẽ là lúc trò chơi kết thúc. Jonathan không cần Tom Ripley giải thích cho mình chuyện đó. Tiếng súng sẽ lôi kéo mọi người đến, cảnh sát nữa, người chết sẽ được nhận dạng, họ sẽ đặt câu hỏi kiểu như “Vì sao một tay mafia lại muốn bắn Jonathan Trevanny?” Hành trình trên tàu sẽ là chuyện tiếp theo bị phơi bày, vì cảnh sát sẽ tra hỏi mọi hoạt động của anh trong mấy tuần vừa qua, rồi đòi xem hộ chiếu của anh. Anh sẽ tiêu đời.
Jonathan khóa cửa hàng lại và đi về phía đường St. Merry. Anh mải nghĩ đến việc căn hộ của Reeves bị đánh bom, toàn bộ số sách, đĩa nhạc, tranh vẽ đều tiêu tùng. Anh nghĩ đến Fritz, người đã dẫn anh tới chỗ gã mafia tay chân tên là Salvatore Bianca, Fritz bị đánh nhừ tử nhưng vẫn không khai anh ra.
Anh về đến nhà vào tầm bảy rưỡi tối và Simone đang ở trong bếp. “Chào em!” Jonathan nói, mỉm cười.
“Chào anh,” cô đáp. Cô tắt bếp rồi đứng thẳng và cởi tạp dề ra. “Tối nay anh đã làm gì với Ripley vậy?”
Mặt của Jonathan ngứa ran. Cô đã nhìn thấy họ ở đâu? Khi anh xuống khỏi xe của Tom à? “Anh ta tới để nói về việc làm khung tranh,” Jonathan nói. “Nên bọn anh đã uống một cốc bia. Lúc đó là gần giờ đóng cửa hàng.”
“Là vậy sao?” Cô nhìn anh, chẳng buồn nhúc nhích. “Em hiểu rồi.”
Jonathan treo áo khoác trong hành lang. Georges đang đi xuống cầu thang để đón anh, kể lể gì đó về chiếc tàu chạy trên đệm khí của thằng bé. Georges đang lắp ráp một mô hình mà Jonathan đã mua cho thằng bé, và nó hơi phức tạp. Anh bế bổng con qua vai. “Chúng ta sẽ xử lý nó sau bữa tối, được chứ?”
Bầu không khí không hề cải thiện. Họ ăn món súp rau củ ngon tuyệt vời, được làm trong chiếc máy xay sinh tố sáu trăm franc mà Jonathan vừa mới mua: nó làm nước ép và nghiền nát gần như tất cả mọi thứ, kể cả một ít xương gà. Anh cố gắng nói một chuyện khác mà không thành công. Simone có thể ngay lập tức khiến mọi chủ đề rơi vào ngõ cụt. Đâu phải không thể có chuyện Tom Ripley muốn anh làm khung tranh cho anh ta chứ, Jonathan nghĩ. Sau rốt thì, Tom đã nói là anh ta hay vẽ còn gì. Anh nói:
“Ripley muốn đóng khung vài bức tranh. Có thể anh sẽ phải tới nhà của anh ta để xem tranh.”
“Vậy à?” Vẫn cái giọng cũ. Sau đó cô nói gì đó vui vẻ với Georges.
Jonathan không thích Simone những lúc cô tỏ ra như thế này, và rồi căm ghét mình vì đã không thích cô. Anh đã chuẩn bị tuôn một tràng giải thích – dùng lời giải thích về vụ cá cược – cho khoản tiền trong ngân hàng ở Thụy Sĩ. Nhưng tối đó anh không thể.