V
ậy nên tầm khoảng mười hôm sau, ngày 22 tháng Ba, Jonathan Trevanny, sống ở đường St Merry, Fontainebleau, nhận được một bức thư kỳ lạ từ người bạn thân Alan McNear. Alan, đại diện ở Paris của một công ty điện tử Anh, đã viết thư ngay trước khi khởi hành tới New York để công tác, và kỳ lạ thay, ngay sau ngày anh ta tới thăm gia đình Trevanny ở Fontainebleau. Jonathan cứ nghĩ – mà cũng không dự kiến trước – đó là một bức thư cảm ơn từ Alan vì bữa tiệc chia tay mà anh và Simone đã tổ chức cho anh ta, và đúng là Alan có viết vài dòng biết ơn thật, nhưng đoạn thư khiến Jonathan thấy bối rối là thế này:
Jon, tôi đã rất sững sờ trước tin tức về bệnh máu lâu ngày của anh, và thậm chí đến giờ này vẫn hy vọng không phải là như vậy. Tôi thấy bảo anh đã biết, nhưng không định kể cho bất kỳ người bạn nào của mình. Anh thật cao thượng, nhưng bạn bè để làm gì cơ chứ? Anh không được phép nghĩ rằng chúng tôi sẽ lảng tránh anh hay nghĩ anh sắp trở nên u uất đến mức không muốn gặp anh nữa. Bạn bè anh (trong đó có tôi) ở đây – luôn luôn ở đây. Nhưng thật lòng mà nói, tôi không thể viết ra hết những gì mình muốn nói. Tôi sẽ bày tỏ trơn tru hơn trong lần tới gặp anh, sau vài tháng nữa khi tôi đủ sức xoay xở để dành ra một kỳ nghỉ cho bản thân, nên xin hãy thứ lỗi cho những dòng không thỏa đáng này.
Alan đang nói cái gì vậy nhỉ? Hay là bác sĩ của anh, bác sĩ Perrier, đã nói gì đó với bạn bè anh, điều mà ông ta lại không nói cho anh? Về việc anh không còn sống bao lâu nữa? Bác sĩ Perrier đã không tới dự bữa tiệc tổ chức cho Alan, nhưng liệu có khả năng ông ta đã chuyển lời cho một người khác không?
Bác sĩ Perrier đã nói chuyện với Simone chắc? Và Simone cũng giữ bí mật chuyện đó với anh?
Khi nghĩ tới những khả năng này, Jonathan đang đứng trong vườn nhà mình lúc tám rưỡi sáng, lạnh cóng dưới lớp áo len, các ngón tay thì bám đầy đất bẩn thỉu. Tốt nhất anh nên nói chuyện với bác sĩ Perrier ngay hôm nay. Không cần nói chuyện với Simone làm gì. Nhỡ đâu cô lại đóng kịch. Cơ mà anh yêu này, anh đang nói đến chuyện gì thế? Jonathan không chắc là mình có thể phân biệt được lúc cô đang diễn hay không.
Còn bác sĩ Perrier – anh có thể tin ông ta không? Bác sĩ Perrier lúc nào cũng tràn trề lạc quan, chuyện đó cũng chẳng sao nếu người ta bệnh nhẹ – họ sẽ cảm thấy khỏe lên khoảng năm mươi phần trăm, thậm chí còn giống như đã khỏi hẳn. Nhưng Jonathan biết bệnh tình của mình không nhẹ. Anh mắc chứng bạch cầu tủy, triệu chứng là số lượng tủy vàng trong tủy xương vượt quá mức giới hạn. Trong năm năm qua, anh đã nhận ít nhất bốn lần truyền máu một năm. Mỗi lần cảm thấy người yếu ớt, anh đều phải tới chỗ bác sĩ của mình hoặc tới bệnh viện Fontainebleau để truyền máu. Bác sĩ Perrier đã nói (cũng tương tự một bác sĩ chuyên khoa ở Paris) là sẽ đến lúc việc suy giảm diễn ra nhanh chóng, khi ấy thì việc truyền máu cũng chẳng có tác dụng nữa. Jonathan đã đọc đủ loại tài liệu về bệnh của mình để tự biết điều đó. Vẫn chưa có bác sĩ nào tìm được phương pháp chữa trị bệnh bạch cầu tủy. Trung bình, người ta chết sau sáu đến mười hai năm, hoặc thậm chí là sáu tới tám năm. Jonathan đang bước vào năm thứ sáu với căn bệnh này.
Jonathan cất cái chĩa lại vào tòa nhà gạch nhỏ, trước kia là nhà vệ sinh ngoài trời, giờ dùng làm kho chứa đồ, rồi đi lên bậc thang phía sau nhà mình. Anh mới đặt một chân lên bậc thềm đầu tiên thì dừng bước, hít hà không khí sáng sớm tươi mát vào phổi, thầm nghĩ, “Mình còn có bao nhiêu tuần nữa để tận hưởng sớm mai như thế này nhỉ?” Dẫu vậy, anh nhớ mùa xuân năm ngoái mình cũng đã có suy nghĩ này. Phấn khởi lên, anh tự nhủ, đã sáu năm rồi anh vẫn biết có thể mình không sống đến tuổi ba lăm. Jonathan bước hết tám bậc thang sắt với bước chân mạnh mẽ, thầm nghĩ đã tám giờ năm mươi hai phút sáng, anh phải đến cửa hàng lúc chín giờ, cùng lắm thì muộn vài phút.
Simone đã đưa Georges tới trường mẫu giáo, và căn nhà vắng lặng. Jonathan rửa tay ở bồn nước và sử dụng cọ rửa rau củ, một việc mà Simone sẽ không tán thành, nhưng anh sẽ rửa sạch cọ trả cô. Cả nhà chỉ còn đúng một cái bồn khác trong phòng vệ sinh tầng trên cùng. Không có điện thoại trong nhà. Anh sẽ gọi cho bác sĩ Perrier ngay khi đến cửa hàng.
Jonathan đi bộ tới đường Paroisse và rẽ trái, rồi sang đường Sablon vắt ngang. Đến cửa hàng, anh gọi vào số của bác sĩ Perrier, một dãy số mà anh đã thuộc làu làu.
Y tá nói rằng hôm nay bác sĩ đã kín lịch, một việc mà Jonathan đã lường trước.
“Nhưng chuyện này rất khẩn cấp. Nó không tốn nhiều thời gian đâu. Thật ra tôi chỉ hỏi đúng một câu thôi – nhưng tôi phải gặp ông ấy mới được.”
“Anh đang cảm thấy không khỏe sao, anh Trevanny?”
“Đúng thế,” Jonathan đáp lại ngay lập tức.
Anh được xếp lịch hẹn lúc mười hai giờ trưa. Thời điểm ấy có gì đó thật u ám.
Jonathan làm nghề đóng khung tranh. Anh cắt miếng lót và kính, làm khung, chọn khung trong kho cho các khách hàng chưa đưa ra quyết định, và họa hoằn lắm thì mới mua các khung tranh cũ ở các buổi đấu giá hoặc từ người bán đồ cũ, khi đó anh sẽ nhận được một bức tranh có chút thú vị đi kèm khung, bức tranh sau đó sẽ được anh lau sạch và đặt ở cửa sổ cửa hàng để bán. Nhưng công việc kinh doanh này không mang lại nhiều lợi nhuận. Anh chỉ kiếm đủ sống qua ngày. Bảy năm trước anh từng có một cộng sự, một người Anh khác, đến từ Manchester, và họ đã mở một tiệm bán đồ cổ ở Fontainebleau, chủ yếu bán mấy món đồ đồng nát được họ tái chế. Công việc này không đủ lợi nhuận cho cả hai nên Roy đã bỏ đi và chuyển sang làm thợ cơ khí trong một gara nào đó gần Paris. Không lâu sau đó, một bác sĩ ở Paris đã nói với anh một điều giống hệt như điều một bác sĩ ở Luân Đôn đã nói: “Anh có nguy cơ bị thiếu máu. Tốt hơn hết là anh nên đến kiểm tra thường xuyên và tránh làm việc nặng.” Vậy nên từ việc xử lý tủ và sôpha, Jonathan đã chuyển sang công việc nhẹ nhàng hơn là xử lý khung tranh và kính. Trước khi cưới Simone, anh đã bảo cho cô biết là có thể anh sẽ không sống quá sáu năm nữa, bởi vì đúng lúc vừa gặp cô thì anh đã được hai bác sĩ xác nhận rằng sự yếu ớt theo chu kỳ của anh là do bệnh bạch cầu tủy.
Giờ, Jonathan nghĩ thầm khi đã bình tĩnh lại, hết sức bình tĩnh để khởi đầu ngày làm việc, Simone có thể tái hôn nếu anh chết. Cô làm việc năm buổi chiều một tuần từ hai rưỡi chiều tới sáu rưỡi tối ở một cửa hàng giày trên đại lộ Franklin Roosevelt, có thể đi bộ từ nhà họ tới đó, và chỉ đến năm trước khi Georges mới đủ lớn để được đi học trường mẫu giáo ở Pháp. Anh và Simone rất cần số tiền hai trăm franc một tuần mà cô kiếm được, nhưng Jonathan khó chịu với ông sếp của cô, Brezard, một kẻ hơi dâm đãng, thích véo mông nhân viên, và hiển nhiên hay thử vận may của mình ở nhà kho sau cửa hàng. Simone là phụ nữ đã kết hôn, và Brezard biết rõ điều đó, nên lão ta cũng sẽ chẳng dám quá trớn, Jonathan cho là vậy, nhưng điều đó chẳng bao giờ ngăn cản được loại người như gã ta thử một phen. Simone hoàn toàn không phải kiểu lả lơi – trên thực tế thì cô có vẻ e dè kỳ lạ, cho thấy cô nghĩ mình không hấp dẫn đàn ông. Chính phẩm chất đó khiến Jonathan mến cô. Theo ý kiến của anh thì Simone ngập tràn sức quyến rũ nhục dục, dù nó thuộc loại không quá lộ liễu dễ thấy với mấy gã tầm thường, và Jonathan đặc biệt bực mình khi con heo quản lý Brezard hẳn đã nhận thức được sức hấp dẫn cực kỳ khác lạ của Simone, và lão cũng muốn được nếm thử một ít. Dù cô không nhắc nhiều đến Brezard. Chỉ đúng một lần cô kể việc lão ta táy máy tay chân với hai nhân viên nữ còn lại ngoài Simone. Sáng hôm ấy, trong khi giới thiệu bức tranh màu nước đã đóng khung với khách hàng, Jonathan thoáng tưởng tượng ra Simone, sau một khoảng dè dặt, thuận theo lão Brezard ghê tởm, sau rốt thì lão ta vẫn còn độc thân và có khả năng tài chính tốt hơn anh. Vớ vẩn, Jonathan nghĩ thầm. Cô ghét loại như lão ta.
“Ôi, đáng yêu quá! Thật tuyệt vời!” Người phụ nữ trẻ mặc chiếc áo khoác đỏ rực nói, giơ thẳng bức tranh màu nước trước mặt.
Khuôn mặt dài, nghiêm túc của Jonathan chậm rãi nở nụ cười, như thể một mặt trời nhỏ của riêng anh vừa ló ra khỏi mây mù và bắt đầu rọi sáng nội tâm mình. Cô ta hài lòng một cách chân thật! Jonathan không biết cô ta, trên thực tế thì vị khách đến lấy một bức tranh do một phụ nữ lớn tuổi, có thể là mẹ cô ta, đã mang tới. Giá tiền cao hơn con số mà anh ước tính khoảng hai mươi franc, vì khung tranh này không phải loại mà người phụ nữ lớn tuổi đã chọn (Jonathan không có đủ loại khung đó trong kho hàng), nhưng anh không đề cập tới chuyện này và nhận tám mươi franc như đã thỏa thuận từ trước.
Sau đó Jonathan dùng chổi quét sàn gỗ và phủi bụi cho ba, bốn bức tranh nằm trong ô cửa sổ mặt tiền cửa hàng nhỏ xinh của anh. Cửa hàng này quá xập xệ, sáng hôm ấy Jonathan nghĩ. Không có nổi một màu sắc đẹp đẽ nào, khung tranh đủ loại kích cỡ dựa vào các bức tường trắng trơn, các mẩu gỗ mẫu treo trên trần nhà, một giá sách cất sổ đặt hàng, thước kẻ, bút chì. Ở trong góc cửa hàng là một cái bàn gỗ dài, nơi Jonathan làm việc với các hộp miter1, cưa, và máy cắt kính. Trên bàn còn đặt cả các tấm đệm tranh được bọc cẩn thận của anh, một cuộn giấy nâu lớn, vài cuộn dây, dây thép, các lọ keo, các hộp đinh đủ kích cỡ, và treo trên tường là các giá đựng dao và búa. Nói chung, Jonathan thích bầu không khí kiểu thế kỷ mười chín, không có sự màu mè kiểu cách thương mại. Anh muốn cửa hàng của mình trông như được điều hành bởi một tay thợ lành nghề, và về điểm đó anh đã thành công, anh nghĩ thầm. Jonathan không bao giờ thu tiền cao, luôn hoàn thành đúng hẹn, hay nếu có trễ hẹn thì cũng sẽ thông báo cho khách hàng bằng bưu thiếp hoặc điện thoại. Anh nhận ra là mọi người đánh giá cao điều đó.
1 Hộp miter là một công cụ làm việc bằng gỗ được sử dụng để định hướng cưa tay để thực hiện các nhát cắt chính xác. Hình thức phổ biến nhất của hộp miter là hộp ba mặt để hở ở đầu và cuối. Hộp được làm đủ rộng để chứa chiều rộng của khối gỗ được cắt.
Hơn mười một rưỡi, sau khi đã đóng khung hai bức tranh nhỏ và gắn tên chủ nhân lên chúng, Jonathan rửa tay và mặt ở vòi nước lạnh trong bồn, chải tóc, đứng thẳng và cố chuẩn bị tinh thần cho những gì tồi tệ nhất. Văn phòng của bác sĩ Perrier không ở xa lắm, nằm trên đường Grande. Jonathan xoay tấm biển báo trên cửa thành MỞ CỬA lúc hai rưỡi, khóa cửa trước lại và ra ngoài.
Anh phải đợi trong phòng chờ của bác sĩ Perrier với chậu nguyệt quế màu hồng đất yếu ớt. Chậu cây này chẳng bao giờ nở hoa, chẳng chết, cũng chẳng lớn, chẳng bao giờ thay đổi. Jonathan thấy mình cũng giống chậu hoa đó. Hết lần này đến lần khác mắt anh dán về phía nó, dù anh cố gắng nghĩ tới nhiều chuyện khác. Có vài tờ Paris Match trên chiếc bàn bầu dục, đã phát hành từ lâu và được lật ra nhiều lần, Jonathan thấy chúng còn u uất hơn cả chậu nguyệt quế. Bác sĩ Perrier cũng làm việc ở bệnh viện Fontainebleau lớn, Jonathan tự nhủ, không thì có vẻ thật ngớ ngẩn khi giao phó tính mệnh của mình cho một người, tin tưởng chẩn đoán của người đó về việc mình sẽ sống hay chết, khi người đó chỉ là một bác sĩ làm việc trong một chỗ nhỏ xíu khốn cùng như thế này.
Y tá ra ngoài mời anh vào.
“Chà chà, người bệnh thú vị, thú vị nhất của tôi thế nào rồi?” Bác sĩ Perrier nói, xuýt xoa rồi chìa tay ra với anh.
Jonathan bắt tay ông ta. “Tôi thấy tương đối ổn, cảm ơn. Nhưng có chuyện này – tôi muốn nói đến các xét nghiệm cách đây hai tháng. Theo tôi hiểu thì chúng không quá lạc quan?”
Bác sĩ Perrier trông có vẻ chẳng hiểu gì, và Jonathan chăm chú quan sát ông ta. Sau đó bác sĩ Perrier cười, khoe hàm răng vàng khè dưới bộ ria mép chẳng được để tâm cắt tỉa của mình.
“Ý anh là gì khi nói không quá lạc quan? Anh đã xem kết quả rồi còn gì.”
“Nhưng – ông biết đấy, tôi không phải là chuyên gia đọc hiểu chúng – có thể vậy.”
“Nên tôi đã giải thích kỹ cho anh rồi còn gì – Thế giờ vấn đề là gì đây? Anh lại cảm thấy mệt mỏi à?”
“Thực ra là không.” Vì biết bác sĩ muốn nhanh nhanh chóng chóng đi ăn trưa, Jonathan hấp tấp nói, “Nói thật nhé, một người bạn của tôi đã nghe được đâu đó chuyện… tôi sắp phải đối mặt với một cơn khủng hoảng. Có thể tôi không còn nhiều thời gian để sống. Theo lẽ tự nhiên, tôi nghĩ thông tin này xuất phát từ ông.”
Bác sĩ Perrier lắc đầu, rồi cười lớn, nhảy một vòng như một chú chim rồi dừng lại, hai cánh tay khẳng khiu duỗi ra trên mặt một tủ kính đựng sách. “Bạn thân mến – đầu tiên, nếu điều đó là sự thật thì tôi cũng sẽ không nói ra với ai hết. Như vậy là thiếu đạo đức. Thứ hai, điều đó không phải là sự thật, theo tôi biết từ kết quả xét nghiệm lần trước… Anh có muốn xét nghiệm thêm một lần nữa hôm nay không? Cuối buổi chiều ở bệnh viện, có khi tôi…”
“Không cần thiết. Điều tôi thật sự muốn biết là… nó có phải sự thật không? Chỉ có điều ông không muốn báo cho tôi?” Jonathan cười nói. “Chỉ để tôi cảm thấy khá hơn?”
“Thật vớ vẩn! Anh nghĩ tôi là loại bác sĩ như thế chắc?”
Đúng thế đấy, Jonathan nghĩ thầm, nhìn thẳng vào mắt bác sĩ Perrier. Và Chúa phù hộ cho ông ta, có thể trong vài trường hợp ông ta nên làm vậy, nhưng anh nghĩ mình xứng đáng được biết sự thật, vì anh là kiểu người có thể đối mặt với sự thật. Jonathan cắn môi dưới. Anh có thể đến phòng xét nghiệm ở Paris, anh nghĩ thầm, đòi gặp chuyên gia Moussu. Biết đâu anh cũng có thể moi thêm thông tin từ Simone trong bữa trưa.
Bác sĩ Perrier vỗ cánh tay anh. “Bạn anh – và tôi sẽ không hỏi tên người đó đâu – hoặc đã nhầm lẫn hoặc không phải một ông bạn quá tử tế, tôi nghĩ vậy. Giờ thì, anh nên thông báo cho tôi khi anh thấy mệt mỏi, chuyện đó mới quan trọng đấy…”
Hai mươi phút sau, Jonathan bước lên thềm nhà mình, mang theo một chiếc bánh táo nướng và một ổ bánh mỳ dài. Anh mở khóa vào nhà và đi dọc hành lang vào bếp. Anh ngửi thấy mùi khoai tây chiên, một mùi thơm ứa nước miếng luôn báo hiệu bữa trưa, chứ không phải bữa tối, và khoai tây của Simone sẽ được cắt thành từng miếng dài mảnh, chứ không phải những miếng dày cục mịch như khoai tây chiên ở Anh. Sao anh lại nghĩ tới khoai tây chiên kiểu Anh nhỉ?
Simone đứng ở bếp, đeo tạp dề bên ngoài váy, quấy một cái dĩa dài. “Chào anh, Jon. Anh về hơi muộn đấy nhé.”
Jonathan vòng tay ôm lấy cô và hôn lên má, rồi giơ hộp giấy lên, quẳng nó về phía Georges đang ngồi ở bàn, mái tóc vàng rủ xuống, mải cắt đồ cho một cái treo nôi từ một hộp đựng bột ngô rỗng ruột.
“A, bánh ngọt! Loại gì thế ạ?” Georges hỏi.
“Táo.” Jonathan đặt bánh lên bàn.
Mỗi người ăn một miếng thịt thăn bò nhỏ, khoai tây chiên ngon lành, và salad rau củ.
“Brezard bắt đầu kiểm kho rồi,” Simone nói. “Hàng hóa mùa hè sẽ đến vào tuần sau, nên ông ta muốn bán giảm giá vào thứ Sáu và thứ Bảy. Có thể tối nay em sẽ về hơi muộn đấy.”
Cô đã làm ấm món bánh táo trên một tấm a-mi-ăng. Jonathan sốt ruột chờ Georges vào phòng khách, nơi có vô số đồ chơi của thằng bé, hoặc ra vườn chơi. Cuối cùng cũng đợi được nó ra ngoài, anh nói:
“Hôm nay anh đã nhận được một bức thư rất buồn cười từ Alan.”
“Alan à? Buồn cười thế nào?”
“Anh ta viết thư ngay trước khi đến New York. Có vẻ là anh ta đã nghe tin…” Anh có nên cho cô đọc bức thư của Alan không nhỉ? Cô đọc tiếng Anh khá tốt. Jonathan quyết định nói nốt đã. “Anh ta nghe được tin từ đâu đó là anh bệnh nặng hơn, sắp đến giai đoạn khủng hoảng trầm trọng – hoặc sao đó. Em có biết gì về chuyện đó không?” Anh quan sát mắt cô.
Simone trông thật sự ngạc nhiên. “Sao lại thế chứ, Jon. Làm sao em biết được tin gì – trừ nghe tin từ anh?”
“Anh vừa mới nói chuyện với bác sĩ Perrier. Đó là lý do anh về muộn. Ông Perrier nói rằng ông ấy không biết một sự thay đổi tình trạng bệnh nào cả, nhưng em biết ông Perrier rồi đấy!” Jonathan mỉm cười, vẫn lo lắng đánh giá Simone. “À, thư đây này,” anh nói, rút nó ra khỏi túi quần sau. Anh dịch bức thư lại.
“Mon dieu1! – Anh ta nghe tin này từ đâu được nhỉ?”
1 Tiếng Pháp: Trời ơi.
“Đúng, đó chính là câu hỏi. Anh sẽ viết thư hỏi anh ta. Em nghĩ sao?” Jonathan lại mỉm cười, nụ cười này chân thành hơn. Anh chắc chắn là Simone không hề biết gì về chuyện đó hết.
Jonathan mang tách cà phê thứ hai vào phòng khách nhỏ vuông vắn nơi Georges đang ngồi xoài trên sàn với các mẩu giấy. Anh ngồi xuống bàn viết, nó luôn khiến anh cảm thấy mình như một gã khổng lồ. Nó là một chiếc bàn kiểu Pháp khá thanh nhã, một món quà từ gia đình Simone. Jonathan cẩn thận không dồn quá nhiều trọng lượng lên mặt bàn. Anh gửi thư bằng đường hàng không tới Alan McNear ở khách sạn New Yorker, mở đầu một cách nhẹ nhàng, rồi tiếp đến đoạn thứ hai:
Tôi không rõ anh có ý gì trong bức thư về việc tin tức mới (về tôi) khiến anh bị sốc. Tôi vẫn khỏe, nhưng sáng nay tôi đã tới nói chuyện với bác sĩ của mình ở đây để xem xem ông ta đã nói hết mọi việc với tôi chưa. Ông ta phủ nhận, nói không hề biết có chuyện bệnh trạng của tôi xấu đi. Vậy Alan thân mến, tôi tò mò không biết anh đã nghe tin đấy từ đâu? Anh có thể viết thư lại cho tôi sớm không? Nghe có vẻ là một sự hiểu nhầm, tôi rất vui vẻ quên nó đi, nhưng tôi mong anh có thể hiểu cho nỗi hiếu kỳ của tôi muốn biết anh nghe thấy tin đó từ đâu.
Anh thả bức thư vào một hòm thư vàng trên đường đến cửa hàng của mình. Chắc phải một tuần nữa anh mới nhận được tin từ Alan.
Chiều hôm ấy, tay Jonathan vẫn vững vàng như thường khi đưa con dao dọc giấy dọc mép thước kẻ thép. Anh nghĩ đến bức thư của mình đang trên đường tới sân bay Orly, có thể là vào tối nay mà cũng có thể là vào sáng mai. Anh nghĩ đến tuổi tác của mình, ba mươi tư tuổi, số việc mà anh làm được ít ỏi đến mức đáng thương nếu anh chỉ còn vài tháng nữa là chết. Anh đã sinh được một cậu con trai, cũng là một sự kiện đáng giá, nhưng cũng không hẳn là một thành tựu đáng tuyên dương. Anh sẽ không để lại cho Simone một cuộc sống bảo đảm. Nếu có thì anh chỉ hạ thấp tiêu chuẩn sống của cô xuống mà thôi. Cha cô là một thương nhân than đá, nhưng bằng cách nào đó theo năm tháng tích lũy, gia đình cô cũng đã có được một cuộc sống tiện lợi, chẳng hạn như có xe ô tô, đồ gỗ tử tế. Họ đi nghỉ mát vào tháng Sáu hoặc tháng Bảy, ở phía Nam, trong một căn biệt thự cho thuê, và năm ngoái họ đã trả một tháng tiền thuê để Jonathan và Simone có thể đưa Georges đến chơi. Anh đã không thành công được như anh trai Philip, lớn hơn anh hai tuổi, dù trông bề ngoài anh ấy yếu ớt hơn, là kiểu cả đời nhạt nhẽo, cần cù. Giờ Philip là giáo sư nhân chủng học ở Đại học Bristol, không xuất sắc, Jonathan chắc chắn, nhưng là một người đàn ông vững chãi với một sự nghiệp vững vàng, có vợ và hai con. Mẹ của Jonathan, giờ đã góa bụa, sống vui vẻ với anh trai và chị dâu của bà ở Oxfordshire, chăm sóc khu vườn lớn ở đó, đảm nhận toàn bộ việc mua sắm và nấu ăn. Jonathan cảm thấy mình là một thất bại của cả gia đình, cả về mặt cơ thể lẫn đường công danh. Trước kia anh từng muốn làm diễn viên. Năm mười tám tuổi anh đã đến học trường nghệ thuật biểu diễn suốt hai năm. Anh nghĩ so với một diễn viên thì trông mặt mình cũng không đến nỗi xấu, dù cũng không quá đẹp trai với mũi to và miệng rộng, nói chung đủ ưa nhìn để đóng các vai lãng mạn, đồng thời đủ thâm trầm để đóng các vai nặng ký hơn theo thời gian. Thật là một giấc mơ viển vông! Anh chỉ kiếm được hai vai phụ trong suốt ba năm vật vờ ở các rạp hát Luân Đôn và Manchester – tất nhiên, vẫn luôn tự nuôi sống bản thân với các công việc kỳ quặc, gồm cả trợ lý cho một bác sĩ thú y. “Anh choán quá nhiều không gian và anh cũng không mấy tự tin vào bản thân,” một đạo diễn từng nói với anh như vậy. Và sau đó, khi làm việc cho một nhà buôn đồ cổ trong một công việc kỳ quặc khác, Jonathan đã nghĩ là anh cũng thích ngành kinh doanh đồ cổ đấy. Anh đã học tất cả những gì có thể từ ông chủ của mình, Andrew Mott. Sau đó là động thái chuyển tới Pháp cùng cậu bạn thân Roy Johnson, người cũng có nhiệt huyết, dù thiếu kiến thức, và mở một cửa hàng bán đồ cổ thông qua việc buôn bán đồ đồng nát. Jonathan nhớ lại những giấc mơ về cuộc sống huy hoàng và những chuyến phiêu lưu ở một đất nước mới, nước Pháp, giấc mơ về tự do, thành công. Vậy nhưng thay vì thành công, thay vì một loạt những người tình có học thức, thay vì kết bạn với những người phóng khoáng, hay với một tầng lớp xã hội Pháp mà Jonathan cho là có tồn tại nhưng có thể là không – anh tiếp tục sống lay lắt, không khá khẩm hơn là mấy so với thời cố gắng kiếm vai diễn và phải tự nuôi sống bản thân bằng đường cũ.
Thành công duy nhất trong cả cuộc đời anh là kết hôn với Simone, Jonathan nghĩ thầm. Tin dữ về bệnh trạng đã đến vào cùng tháng anh gặp Simone Foussadier. Khi đó anh đã bắt đầu cảm thấy yếu lả người một cách kỳ lạ và từng mơ mộng nghĩ rằng đó là do mình rơi vào lưới tình. Nhưng khi nghỉ ngơi nhiều hơn cũng chẳng đuổi được cảm giác bệnh tật đi, anh thậm chí còn từng ngất xỉu trên một con phố của Nemours, vậy nên anh đã đi khám bác sĩ – bác sĩ Perrier ở Fontainebleau, ông ta nghi ngờ là bệnh liên quan đến máu và chuyển anh đến bác sĩ Moussu ở Paris. Người này, sau hai ngày xét nghiệm, đã xác nhận bệnh bạch cầu tủy, nói rằng anh có thể còn sáu đến tám năm, may thì mười hai năm để sống. Lá lách anh sẽ phình to ra, trên thực tế thì Jonathan đã bị như vậy rồi, chỉ là anh không chú ý. Do đó lời cầu hôn anh dành cho Simone là lời tuyên ngôn về tình yêu lẫn cái chết trong một đoạn diễn văn vụng về. Như thế là đủ để khiến vài người con gái chạy dài, hoặc khiến họ nói rằng cần thời gian để nghĩ thêm. Simone thì nhận lời, cô cũng yêu anh. “Tình yêu mới là điều quan trọng, chứ không phải thời gian,” Simone đã nói vậy. Hoàn toàn không mang kiểu cách tính toán mà Jonathan hay thấy ở người Pháp, người Latinh nói chung. Simone bảo rằng cô cũng đã nói chuyện với gia đình. Đấy là sau khi họ mới chỉ quen nhau có hai tuần. Jonathan cảm thấy bản thân đột nhiên bước vào một thế giới vững chãi hơn mọi thế giới mà anh từng biết. Tình yêu, trong thực tế chứ không phải chỉ là chuyện lãng mạn, tình yêu mà anh không thể kiểm soát, đã cứu rỗi anh một cách kỳ diệu. Theo một cách nào đó, anh cảm giác là nó đã cứu mình khỏi cái chết, nhưng thực ra anh muốn nói là tình yêu đã khiến cái chết trở nên không còn đáng sợ nữa. Và giờ, sau sáu năm, cái chết đang đến, như bác sĩ Moussu ở Paris đã dự kiến. Jonathan không biết phải tin vào điều gì nữa.
Anh nghĩ mình phải tới khám ở chỗ bác sĩ Moussu một lần nữa. Cách đây ba năm, Jonathan đã được thay máu hoàn toàn dưới sự giám sát của ông ta ở một bệnh viện Paris. Phương pháp điều trị này được gọi là Vincainestine, với ý tưởng hay hy vọng là lượng bạch cầu dư thừa đi cùng tủy vàng sẽ không quay lại máu. Nhưng tủy vàng dư thừa đã xuất hiện trở lại trong khoảng tám tháng.
Dẫu vậy, trước khi đặt hẹn với bác sĩ Moussu, Jonathan muốn chờ nhận thư từ Alan McNear trước đã. Anh cảm thấy chắc chắn anh ta sẽ hồi âm ngay lập tức. Alan rất đáng tin.
Jonathan, trước khi rời khỏi cửa hàng, đưa ánh mắt tuyệt vọng nhìn quanh không gian đậm chất Dicken của nó lần cuối. Nó không bám bụi, chỉ là tường cần được sơn lại. Anh tự hỏi mình có nên trang hoàng cho nó đẹp lên không, thu khách hàng với mức giá cắt cổ như rất nhiều người làm khung tranh khác, bán các món đồ đồng phết sơn đội giá trên trời? Jonathan nhăn mặt. Anh không phải loại như thế.
Hôm ấy là thứ Tư. Vào ngày thứ Sáu, lúc đang cúi người cố rút một chiếc lỗ đinh khuy đã cắm trong một cái khung gỗ sồi áng chừng phải một trăm năm mươi năm và không hề có ý định đầu hàng cặp kìm của anh, Jonathan đột ngột vứt cái kìm xuống và tìm ghế. Ghế là một cái hộp gỗ nằm cạnh tường. Anh đứng dậy gần như ngay lập tức và rửa mặt ở bồn rửa, cúi sâu hết mức có thể. Tầm khoảng năm phút sau, cảm giác chuếnh choáng nhạt đi, và đến trưa anh đã quên hẳn nó. Cứ hai đến ba tháng là anh lại có những lúc như vậy, và anh mừng vì không bị như vậy khi đang đi ngoài đường.
Vào thứ Ba, sáu ngày sau khi gửi thư cho Alan, anh nhận được một bức thư từ khách sạn New Yorker.
Thứ Bảy, 25 tháng Ba
Jon thân mến,
Xin hãy tin tôi, tôi rất mừng vì anh đã nói chuyện với bác sĩ của mình và nhận được tin tốt lành! Gã kể cho tôi chuyện anh lâm bệnh nặng là một người hơi hói đầu, có ria mép và một con mắt thủy tinh, chắc tầm đầu bốn mươi. Gã có vẻ thật lòng quan tâm, và có lẽ anh cũng không nên mang thái độ quá thù địch với gã làm gì, vì biết đâu gã chỉ nghe tin đó từ một người khác.
Tôi rất thích thành phố này và ước gì có anh và Simone ở đây, đặc biệt là khi tôi được cho phí công tác…
Người đàn ông mà Alan nhắc đến là Pierre Gauthier, có một cửa hàng bán họa cụ ở đường Grande. Anh ta không phải là bạn của Jonathan mà họ chỉ quen sơ. Gauthier thường xuyên giới thiệu người tới chỗ Jonathan để đóng khung tranh. Anh ta cũng có mặt hôm tổ chức tiệc chia tay Alan và hẳn lúc ấy đã nói chuyện với Alan, anh nhớ rất rõ chuyện đó. Không có chuyện Gauthier có ác tâm. Jonathan chỉ hơi thấy ngạc nhiên khi thậm chí anh ta còn biết chuyện mình bị bệnh máu, dù đúng là tin đồn vẫn lan truyền. Anh nghĩ tốt nhất là phải nói chuyện với Gauthier và hỏi xem anh ta nghe chuyện đó từ đâu.
Lúc đó là tám giờ năm mươi. Jonathan đã mải đợi thư, hệt như việc anh làm sáng hôm qua. Anh thôi thúc muốn đi thẳng tới chỗ Gauthier, nhưng lại cảm thấy hành động như vậy chỉ tổ khiến anh tỏ ra lo lắng một cách khó coi, và tốt nhất là nên chịu đựng bằng cách tới cửa hàng và mở cửa như thường lệ.
Vì ba hay bốn khách hàng gì đó mà đến gần mười rưỡi Jonathan mới được nghỉ ngơi. Anh để một tấm bảng trên mặt kính ở cửa để báo sẽ mở cửa trở lại lúc mười một giờ.
Khi Jonathan đặt chân vào cửa hàng bán họa cụ, Gauthier đang bận tiếp hai khách nữ. Anh giả vờ lục tìm giữa các hàng cọ vẽ cho tới khi anh ta rảnh. Sau đó anh nói:
“Anh Gauthier! Mọi chuyện thế nào?” Jonathan chìa một bàn tay ra.
Gauthier dùng cả hai tay bắt tay Jonathan và mỉm cười. “Thế anh thì sao, bạn tôi?”
“Vẫn khỏe, cảm ơn anh… Nghe này. Tôi không muốn làm mất nhiều thời gian của anh – nhưng có chuyện này tôi muốn hỏi.”
“Được thôi? Chuyện gì cơ?”
Jonathan ra hiệu cho Gauthier đi xa khỏi cánh cửa có thể mở ra bất kỳ lúc nào. Không có nhiều chỗ đứng trong cửa hàng bé xíu. “Tôi nghe một người bạn nói – anh bạn Alan của tôi, anh nhớ chứ? Người Anh. Ở bữa tiệc tại nhà tôi cách đây vài tuần.”
“À rồi! Người bạn Anh của anh. Alan.” Gauthier vẫn nhớ và trông có vẻ cũng quan tâm.
Jonathan cố gắng tránh nhìn vào con mắt giả của Gauthier, chỉ tập trung vào con mắt còn lại. “À, có vẻ anh đã bảo với Alan là anh nghe nói tôi bệnh rất nặng, có thể còn không sống được lâu nữa.”
Khuôn mặt nhẹ nhàng của Gauthier trở nên nghiêm trang. Anh ta gật đầu. “Đúng vậy, bạn thân mến, tôi đã nghe tin đó. Tôi mong nó không phải sự thật. Tôi nhớ Alain vì anh đã giới thiệu anh ta là bạn thân của anh với tôi. Nên tôi cứ ngỡ anh ta cũng biết tin này. Có lẽ tôi không nên nói gì mới phải. Tôi xin lỗi, như vậy thật thiếu tế nhị. Tôi cứ ngỡ anh – theo phong cách Anh quốc – chỉ cố tỏ ra mạnh mẽ.”
“Không có gì nghiêm trọng hết, anh Gauthier ạ, vì theo tôi biết thì đó không phải là sự thật! Tôi đã hỏi lại bác sĩ của mình. Nhưng…”
“À ha! À thì, như thế thì khác rồi! Tôi rất vui khi nghe tin đó, anh Trevanny! Ha! Ha!” Pierre Gauthier vỗ tay cười như thể vừa loại bỏ được một bóng ma và không chỉ Jonathan mà chính bản thân anh ta cũng quay lại thế giới người sống.
“Nhưng tôi muốn biết anh đã nghe tin này ở đâu. Ai đã bảo với anh là tôi bị ốm?”
“À – đúng rồi!” Gauthier ấn một ngón tay lên môi, nghĩ ngợi. “Ai nhỉ? Một người đàn ông. Đúng rồi – chắc chắn rồi!” Anh ta đã nghĩ ra, nhưng khựng lại.
Jonathan đợi.
“Nhưng tôi nhớ anh ấy cũng đã nói mình không dám chắc. Anh ấy nói đã nghe được tin này. Một căn bệnh máu không thể chữa được, anh ấy đã nói vậy.”
Jonathan lại cảm thấy nóng lên vì lo lắng, giống vài lần trong tuần vừa rồi. Anh thấm ướt môi. “Nhưng là ai? Làm sao anh ta biết tin này? Anh ta không nói à?”
Gauthier lại ngập ngừng. “Vì nó đâu phải là sự thật – không phải chúng ta nên quên nó đi à?”
“Một người mà anh rất thân thuộc à?”
“Không! Hoàn toàn không thân tí nào, tôi bảo đảm với anh đấy.”
“Vậy là một khách hàng.”
“Đúng. Đúng thế. Một người tử tế, một quý ông. Nhưng vì anh ấy đã nói là cũng không chắc chắn. – Thật lòng mà nói, anh không nên cảm thấy căm ghét anh ấy, mặc dù tôi có thể hiểu được việc anh căm ghét một lời đưa chuyện như vậy.”
“Nó dẫn đến một câu hỏi thú vị là làm sao mà quý ông đó nghe được tin tôi lâm bệnh nặng,” Jonathan tiếp tục, giờ đã cười được.
“Đúng thế. Chính xác. Nhưng vấn đề là nó không phải sự thật. Không phải đó mới là điểm chính sao?”
Jonathan thấy Gauthier mang vẻ lịch sự đặc trưng của người Pháp, không sẵn lòng khai báo về một khách hàng, và – cũng có thể đoán được – căm ghét chủ đề liên quan đến cái chết. “Anh nói đúng. Đó mới là điểm chính.” Anh bắt tay anh ta, giờ cả hai cùng cười, và nói lời chào tạm biệt.
Vào trưa hôm ấy, Simone hỏi Jonathan đã nhận được thư của Alan chưa. Anh trả lời là rồi.
“Gauthier là người đã nói tin đó cho Alan.”
“Gauthier? Người bán họa cụ à?”
“Đúng thế.” Jonathan đang châm một điếu thuốc lá trong khi uống cà phê. Georges đã ra vườn. “Sáng nay anh đã tới gặp Gauthier và hỏi anh ta nghe tin đó từ đâu. Anh ta nói là từ một khách hàng. Một người đàn ông – Buồn cười thật nhỉ? Anh ta không chịu nói cho anh biết là ai và anh cũng không thể trách được. Tất nhiên chỉ là nhầm lẫn thôi. Gauthier đã nhận ra điều đó.”
“Nhưng chuyện đó thật sốc,” Simone nói.
Jonathan mỉm cười, biết rõ cô không sốc lắm, vì cô biết bác sĩ Perrier đã báo cho anh một tin khá tốt. “Như bọn anh vẫn nói trong tiếng Anh, đừng chuyện bé xé ra to.”
Tuần tiếp theo, Jonathan chạm mặt bác sĩ Perrier ở đường Grande, ông ta đang vội vã vào ngân hàng Societe Generale trước khi nó đóng cửa lúc mười hai giờ đúng. Nhưng ông ta vẫn dừng lại để hỏi thăm anh.
“Khá ổn, cảm ơn ông,” Jonathan nói, đầu óc vẫn đang nghĩ đến việc mua một cây thông tắc bồn cầu từ một cửa hàng cách đó khoảng một trăm thước và cũng đóng cửa vào buổi trưa.
“Anh Trevanny…” Bác sĩ Perrier khựng lại khi một tay đã đặt trên tay nắm cửa ngân hàng. Ông ta rời khỏi cửa, tiến lại gần Jonathan. “Về những gì chúng ta đã nói hôm trước – không một bác sĩ nào dám chắc cả, anh biết đấy. Trong một tình huống như của anh. Tôi không muốn anh nghĩ rằng tôi bảo đảm anh có sức khỏe hoàn hảo, miễn nhiễm suốt mấy năm liền. Anh tự biết…”
“À, tôi không hề nghĩ vậy!” Jonathan ngắt lời.
“Vậy là anh hiểu,” bác sĩ Perrier nói, mỉm cười rồi lao vào ngân hàng.
Jonathan tiếp tục hành trình mua cây thông tắc bồn cầu. Bồn bếp mới bị tắc chứ không phải bồn cầu, anh nhớ, và Simone đã cho một hàng xóm mượn món đồ đó của họ cách đây vài tháng và – Jonathan lại nghĩ đến những gì bác sĩ Perrier vừa nói. Ông ta biết một chuyện gì đó, nghi ngờ một chuyện gì đó qua xét nghiệm lần trước, nhưng không đủ chắc chắn để thông báo cho anh sao?
Đến cửa tiệm tạp hóa, Jonathan gặp một cô gái tóc đen đang mỉm cười và khóa cửa lại, tháo tay nắm bên ngoài ra.
“Tôi xin lỗi. Đã mười hai giờ năm phút rồi,” cô ta nói.