- Nhân lên gấp bội
- Cố vấn - Trao quyền
- Khích lệ
- Nêu gương
Một phần quan trọng trong công việc của Jim là thường xuyên gặp gỡ những người lãnh đạo chủ chốt của anh, và bởi vì họ đến từ khắp nơi trong nước và trên thế giới, nên anh quyết định lên lịch họp ở nhiều địa điểm khác nhau. Có một nơi đã trở thành địa điểm ưa thích của anh và Nancy trong nhiều năm chính là Thung lũng Deer gần Thành phố Salt Lake, Utah. Mới đây, trong chuyến đi với nhiều nhà lãnh đạo của họ, đã xảy ra một sự kiện khá thú vị:
Thung lũng Deer thực sự là một nơi có quang cảnh tuyệt vời. Mùa đông thích hợp cho trò trượt tuyết và mùa hè thì khắp các ngọn núi được bao phủ bởi những cánh đồng hoa dại. Chúng tôi yêu thích nơi này và thường chọn hội họp cùng người của mình ở đây.
Năm nay, chúng tôi cùng với khoảng mười cặp đôi khác đã trải qua một khoảng thời gian tuyệt vời tại những căn hộ cao cấp ở Thung lũng Deer, ngay trên những sườn dốc trượt tuyết.
Khi chuẩn bị ra về, chúng tôi thu dọn hành lý và trên đường ra sân bay, chúng tôi ghé qua văn phòng giao dịch để làm thủ tục trả căn hộ. Ở đây, có một cặp vợ chồng cùng nhóm chúng tôi nhận ra họ đã bỏ quên chìa khóa phòng mình trong căn hộ.
“Tôi sẽ phải tính 25 đô-la cho chiếc chìa khóa bị mất”, viên thư ký giao dịch nói.
Tôi hơi ngạc nhiên. Chúng tôi đã là khách hàng của họ trong tám năm liền và chúng tôi đã tiêu hàng ngàn đô-la trong tuần lễ vừa qua.
“Này”, tôi nói, “tôi hiểu được việc công ty các anh có một chính sách về việc mất chìa khóa, nhưng chiếc chìa khóa này hiện vẫn ở trong phòng họ mà. Và nếu chúng tôi quay lại để lấy nó thì sẽ lỡ mất chuyến bay. Anh không thể cho qua khoản này được sao?”.
“Không”, cậu ta nói, “theo nguyên tắc là tôi phải thêm khoản tiền này vào hóa đơn của các vị”. Ngay cả khi tôi nhắc cậu ta về việc chúng tôi thường xuyên lưu trú tại khách sạn của công ty họ suốt nhiều năm và cảnh báo rằng tôi không thấy thoải mái về khoản tính thêm đó, cậu ta vẫn không đổi ý. Trên thực tế, cậu ta còn tỏ ra cứng rắn hơn, khiến tôi thật sự bực mình. Trong lúc đứng chờ, tôi đã nhẩm tính số tiền chúng tôi đã chi trả ở đây trong suốt những năm qua và tôi nhận ra hàng trăm ngàn đô-la mà tôi chi cho công ty anh ta chỉ bằng 25 đô-la tiền chìa khóa!
Cuối cùng, chúng tôi trả món tiền đó và ra về. Trên đường ra sân bay, Nancy và tôi đã thảo luận với nhau về sự việc đó và tôi nghĩ đó không phải là lỗi của viên thư ký giao dịch. Vấn đề nằm ở người chủ đã không huấn luyện cậu ta một cách phù hợp.
Ý nghĩa của việc trao quyền cho người khác
Một nghệ sĩ người Anh tên là William Wolcott đã đến New York vào năm 1924 để ghi lại những ấn tượng của mình về thành phố thú vị đó. Một buổi sáng, anh đến thăm văn phòng của một cựu đồng nghiệp thì bị thôi thúc lấy giấy bút ra phác họa. Nhìn một số tờ giấy trên bàn làm việc của người bạn, anh hỏi: “Cho mình xin mấy tờ nhé”.
Bạn anh trả lời: “Đó không phải là giấy vẽ. Đó là giấy gói bình thường thôi”.
Không muốn đánh mất cảm hứng đó, Wolcott chụp lấy tờ giấy gói ấy và nói: “Không có gì là bình thường cả nếu bạn biết cách sử dụng nó”. Trên tờ giấy bình thường đó, Wolcott phác họa ra hai bức tranh. Về sau, cũng trong năm đó, một trong hai bức phác họa ấy bán được với giá 500 đô-la và bức kia bán được 1.000 đô-la, thật là một món hời vào năm 1924.
Những người dưới sự ảnh hưởng của một người biết trao quyền thì cũng như tờ giấy trong bàn tay một họa sĩ tài năng. Dù chúng được làm bằng chất liệu gì, chúng đều có thể trở thành những gia tài.
Khả năng trao quyền cho người khác là một trong những chìa khóa mở ra sự thành công cá nhân và nghề nghiệp. John Craig từng nhận xét: “Cho dù bạn làm công việc gì, cho dù tính cách của bạn có năng nổ ra sao, bạn sẽ không tiến xa trong kinh doanh nếu bạn không biết làm việc thông qua người khác”. Người điều hành doanh nghiệp J. Paul Getty khẳng định: “Kiến thức hoặc kinh nghiệm của một người điều hành không tạo ra nhiều sự khác biệt lắm; nếu họ không thể đạt được những thành quả thông qua con người, họ sẽ là những quản trị viên vô dụng”.
Khi bạn trở thành một người trao quyền, bạn làm việc cùng với con người và thông qua con người, nhưng bạn làm được nhiều việc hơn. Bạn khiến người khác đạt tới những tầm vóc cao nhất trong sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp của họ. Định nghĩa một cách đơn giản, trao quyền là trao sự ảnh hưởng của mình cho người khác với mục đích là phát triển cá nhân và nghề nghiệp. Điều đó có nghĩa là chia sẻ chính mình – sự ảnh hưởng, vị trí, quyền lực, và cơ hội của mình – với người khác nhằm mục đích đầu tư vào cuộc sống của họ sao cho họ có thể hoạt động với hết khả năng của mình. Nghĩa là bạn nhìn thấy tiềm năng của người khác, chia sẻ những nguồn lực của bạn với họ, và cho họ thấy rằng bạn hoàn toàn tin vào họ.
Bạn có lẽ đã trao quyền cho một số người trong đời mình rồi mà không biết đấy thôi. Khi bạn trao trách nhiệm quyết định cho vợ/chồng mình, rồi vui vẻ ủng hộ nàng/chàng, thì đó là trao quyền. Khi bạn quyết định con của mình đã sẵn sàng tự băng qua đường và cho phép cháu làm như vậy, bạn đã trao quyền cho cháu. Khi bạn giao việc khó khăn cho một nhân viên và cho họ quyền hạn họ cần để hoàn thành nó, bạn đã trao quyền cho họ.
Hành động trao quyền cho người khác làm thay đổi cuộc sống, và nó là một tình huống hai bên cùng có lợi, lợi cho bạn và cho người mà bạn trao quyền. Trao cho người khác quyền hạn của mình thì không giống như cho đi một món đồ, chẳng hạn như chiếc xe của bạn. Nếu bạn cho đi chiếc xe của mình, bạn sẽ bị kẹt. Bạn không còn phương tiện di chuyển nữa. Nhưng trao quyền cho người khác bằng cách cho họ quyền hạn của mình thì có tác dụng tương tự như chia sẻ thông tin. Bạn không mất một thứ gì. Bạn vừa gia tăng khả năng của người khác mà không giảm đi khả năng của chính mình.
Những tiêu chuẩn và phẩm chất của người trao quyền
Mọi người đều có tiềm năng trở thành người trao quyền, nhưng bạn không thể trao quyền cho mọi người. Quá trình này chỉ có tác dụng khi thỏa một số điều kiện. Bạn phải có:
Vị trí
Bạn không thể trao quyền cho những người mà mình không lãnh đạo. Chuyên gia tư vấn lãnh đạo Fred Smith giải thích: “Ai có thể cho phép người khác thành công? Một người có quyền hành. Những người khác có thể động viên, nhưng sự cho phép chỉ đến từ một người có quyền hạn: cha mẹ, sếp, hoặc mục sư”.
Bạn có thể khích lệ và động viên mọi người mình gặp. Bạn có thể mở rộng hoặc dẫn dắt bất kỳ ai mà bạn đã xây dựng được một mối quan hệ cố vấn. Nhưng để trao quyền cho người khác, bạn phải ở vào vị trí có quyền lực đối với họ. Đôi khi, vị trí đó không nhất thiết phải là chính thức. Ví dụ, nếu chúng tôi đi ăn trưa với bạn tại nhà hàng vào một ngày nào đó, và chúng tôi không vui lòng vì đợi món ăn lâu, chúng tôi không bao giờ có thể trao quyền cho bạn để bạn đi vào bếp nấu và dọn bữa ăn cho chúng ta. Chúng tôi không có quyền đó, vì vậy chúng tôi chắc chắn không thể cho bạn quyền hạn đó. Điều cần thiết đầu tiên của sự trao quyền là có một vị trí quyền lực đối với người mình muốn trao quyền.
Mối quan hệ
Điều cần thiết thứ hai để trao quyền cho người khác là có một mối quan hệ với họ. Nhà văn Thomas Carlyle từng nói: “Một người vĩ đại chia sẻ sự vĩ đại của mình qua cách họ đối xử với những người nhỏ bé, tầm thường”. Dù người mà bạn trao quyền không là “nhỏ bé, tầm thường”, nhưng họ có thể bị làm cho cảm thấy nhỏ bé và tầm thường nếu bạn không coi trọng mối quan hệ của bạn với họ.
Người ta thường nói rằng các mối quan hệ được hun đúc chứ không phải được sắp đặt mà thành. Chúng đòi hỏi thời gian và những trải nghiệm chung. Nếu bạn từng nỗ lực kết nối với người khác, như chúng ta đã thảo luận ở chương trước, trước khi bạn sẵn sàng trao quyền cho họ, mối quan hệ của bạn nên đủ vững vàng để bạn có thể lãnh đạo họ. Và khi làm được như vậy, hãy nhớ đến những lời Ralph Waldo Emerson từng viết: “Mọi người đều có quyền được coi trọng bởi những khoảnh khắc tốt đẹp nhất của mình”. Khi bạn coi trọng người khác và mối quan hệ của mình với họ, bạn đã đặt nền tảng cho việc trao quyền cho người khác.
Sự tôn trọng
Mối quan hệ khiến người ta muốn giao thiệp với bạn, nhưng sự tôn trọng mới khiến họ muốn được bạn trao quyền. Sự tôn trọng qua lại là điều thiết yếu trong quá trình trao quyền. Nhà tâm thần học Ari Kiev đã tóm tắt điều này như sau: “Nếu bạn ao ước người khác tôn trọng mình, bạn phải tỏ rõ sự tôn trọng bạn dành cho họ… Mọi người ai cũng muốn cảm thấy họ có giá trị và là quan trọng đối với người khác. Người ta luôn cho đi tình yêu thương, sự tôn trọng và sự quan tâm tới người biết lấp đầy nhu cầu này của họ. Sự quan tâm tới người khác thường phản ánh niềm tin vào bản thân và lòng tin vào người khác”. Khi bạn tin vào người khác, hãy quan tâm đến họ và tin tưởng họ, họ sẽ nhận ra điều đó. Sự tôn trọng đó sẽ truyền cảm hứng cho họ muốn đi theo bạn đến nơi bạn hướng tới.
Sự cam kết
Phẩm chất sau cùng mà người lãnh đạo cần để trở thành một người trao quyền là sự cam kết. Người điều hành của công ty USAir Ed McElroy từng nhấn mạnh rằng: “Sự cam kết cho chúng ta sức mạnh mới. Dù điều gì xảy ra với chúng ta – đau ốm, nghèo đói, hoặc tai họa, chúng ta cũng sẽ không bao giờ quay đi khỏi mục tiêu”. Quá trình trao quyền cho người khác không phải luôn dễ dàng, đặc biệt khi bạn thực hiện nó lần đầu tiên. Nó là một con đường nhiều chỗ xóc nẩy và lối rẽ sai đường. Nhưng nó là con đường đáng để đi với những đền đáp rất to lớn.
Edward Deci, thuộc trường Đại học Rochester, từng phát biểu: “Người ta hẳn phải tin rằng một công việc hiển nhiên xứng đáng nếu họ đã cam kết với nó”. Nếu bạn cần một lời nhắc nhở về giá trị của việc trao quyền cho người khác, hãy nhớ điều này: Khi bạn trao quyền cho người khác, bạn không chỉ đang ảnh hưởng lên họ, mà còn đang ảnh hưởng lên mọi người họ ảnh hưởng. Đó là sự tác động!
Nếu bạn có thẩm quyền với cuộc đời của người nào đó, đã xây dựng xong những mối quan hệ với họ, hãy tôn trọng họ; và khi bạn tự cam kết với quá trình trao quyền, thì bạn đang ở trong vị trí trao quyền cho họ. Nhưng còn có một yếu tố quan trọng hơn của sự trao quyền là: Bạn cần phải có thái độ đúng đắn. Nhiều người phớt lờ việc trao quyền cho người khác vì họ cảm thấy bất an. Họ sợ đánh mất công việc của mình vào tay những người họ cố vấn. Họ không muốn bị thay thế hoặc bị gạt ra ngoài, cho dù việc đó có nghĩa là họ sẽ có thể tiến lên một vị trí cao hơn và để lại vị trí hiện tại cho người họ đang cố vấn. Họ sợ sự thay đổi. Nhưng thay đổi là một phần của sự trao quyền – vì những người mình trao quyền và vì chính mình. Nếu bạn muốn đi lên cao hơn, có những thứ bạn phải sẵn lòng từ bỏ.
Nếu bạn không chắc chắn về vị trí mình đang đứng thì, dựa trên thái độ của bạn đối với sự thay đổi liên quan đến việc trao quyền cho người khác, hãy trả lời những câu hỏi sau:
Những câu hỏi cần đặt ra trước khi bạn bắt đầu
1. Tôi có tin tưởng người khác và cảm thấy họ là tài sản đáng coi trọng nhất của tổ chức mình không?
2. Tôi có tin rằng việc trao quyền cho người khác có thể giúp hoàn thành được nhiều thành tựu cá nhân hơn không?
3. Tôi có chủ động tìm kiếm những người lãnh đạo tiềm năng để trao quyền không?
4. Tôi có sẵn lòng nâng người khác lên một cấp độ cao hơn cấp độ lãnh đạo của chính mình không?
5. Tôi có sẵn lòng đầu tư thời gian vào việc phát triển những người có tiềm năng lãnh đạo hay không?
6. Tôi có sẵn lòng cho phép người khác nhận lấy vinh quang bằng những gì tôi đã dạy họ không?
7. Tôi có cho phép người khác tự do về mặt cá tính và tự do trong sự phát triển không, hay tôi phải kiểm soát họ?
8. Tôi có sẵn lòng công khai trao quyền hành và sự ảnh hưởng của tôi cho những người lãnh đạo tiềm năng không?
9. Tôi có sẵn lòng cho phép người khác đẩy tôi ra khỏi một công việc không?
10. Tôi có sẵn lòng trao cây gậy lãnh đạo cho người mà tôi trao quyền và thực sự ủng hộ họ không?
Nếu bạn trả lời không với một vài câu hỏi ở trên, có thể bạn cần phải điều chỉnh thái độ của mình. Bạn cần tin vào người khác đủ để cho họ tất cả những gì có thể, và tin vào chính mình đủ để biết rằng việc đó sẽ không làm tổn thương bản thân. Đơn giản là nên nhớ rằng nếu bạn tiếp tục lớn lên và tự phát triển, bạn sẽ luôn có một điều gì đó để cho đi, và bạn sẽ không cần lo lắng gì về việc bị gạt ra ngoài.
Làm thế nào để trao quyền cho người khác để họ đạt đến tiềm năng của họ
Một khi bạn có sự tự tin vào chính mình và vào những người mình muốn trao quyền, bạn đã sẵn sàng khởi sự quá trình. Mục tiêu của bạn nên là trao những công việc đơn giản, tương đối nhỏ vào lúc đầu và ngày một gia tăng trách nhiệm, cùng quyền hạn của họ. Những người mà bạn đang làm việc cùng càng trẻ bao nhiêu thì quá trình này sẽ đòi hỏi càng nhiều thời gian hơn bấy nhiêu. Nhưng cho dù họ là những người mới được tuyển dụng hay là những người lão làng thì điều quan trọng vẫn là dẫn dắt họ trải qua toàn bộ quá trình này. Hãy sử dụng những bước sau đây để hướng dẫn mình khi trao quyền cho người khác:
1. Đánh giá họ
Điểm bắt đầu để trao quyền cho người khác là đánh giá họ. Nếu bạn trao cho những người không có kinh nghiệm quá nhiều quyền hạn và quá sớm thì bạn có thể sẽ đặt họ vào tư thế thất bại. Nếu bạn tiến hành quá chậm với những người có nhiều kinh nghiệm, bạn có thể sẽ khiến họ thất vọng và nản lòng.
Đôi khi, phán đoán sai năng lực của người khác sẽ dẫn đến những kết cục lố bịch. Tôi lấy ví dụ bằng một câu chuyện chúng tôi từng đọc về một sự kiện trong đời Albert Einstein. Năm 1898, Einstein làm đơn xin vào Viện Kỹ thuật Munich và bị từ chối vì ông sẽ “không bao giờ làm được gì nhiều”. Kết quả là thay vì đi học, ông đi làm với vai trò thanh tra tại Văn phòng Bằng sáng chế Thụy Sĩ ở Bern. Và với thời gian dư ra, ông chú tâm vào những cải tiến và viết thuyết tương đối.
Nên nhớ rằng mọi người đều có tiềm năng để thành công. Việc của bạn là nhìn ra tiềm năng đó, khám phá những gì họ thiếu để phát triển nó, và trang bị cho họ những gì họ cần. Khi bạn đánh giá những người mà bạn có chủ ý trao quyền thì hãy xem xét những lĩnh vực sau:
• Kiến thức. Hãy nghĩ về những gì người ta cần biết để làm bất kỳ công việc nào mà bạn dự định sẽ giao cho họ. Đừng xem là họ hiển nhiên đã biết tất cả những gì bạn biết. Hãy đặt câu hỏi cho họ. Cho họ những thông tin cơ sở và nói cho họ biết về những gì đã xảy ra trong quá khứ. Tạo ra một tầm nhìn bằng cách cho họ nhìn thấy bức tranh toàn cảnh, rằng những hành động của họ thì phù hợp ra sao với sứ mệnh và mục tiêu của tổ chức. Kiến thức không chỉ là sức mạnh; nó là sự trao quyền.
• Kỹ năng. Hãy nghiên cứu mức độ kỹ năng của những người mình muốn trao quyền. Không gì gây thất vọng hơn là bị yêu cầu làm những việc mà mình không có khả năng làm. Hãy nghiên cứu những gì người ấy đã làm trước đó, cũng như những gì họ hiện đang làm. Một số kỹ năng là vốn có. Những kỹ năng khác cần được học hỏi thông qua huấn luyện hoặc kinh nghiệm. Công việc của bạn trong vai trò người trao quyền là tìm ra yêu cầu của công việc và đảm bảo người của mình có những gì họ cần để thành công.
• Khao khát. Triết gia người Hy Lạp Plutarch từng nhận xét: “Đất đai màu mỡ nhất, nếu không được vun xới, sẽ sinh sôi nhiều cỏ dại nhất”. Không một mức độ kỹ năng, kiến thức, hoặc tiềm năng nào có thể giúp người ta thành công nếu họ không có khao khát muốn thành công. Nhưng khi sự khao khát hiện hữu, việc trao quyền sẽ rất dễ dàng. Như nhà văn người Pháp Jean La Fontaine có viết: “Con người được tạo ra để bất cứ khi nào có điều gì đốt cháy tâm hồn họ thì khái niệm không thể sẽ tan biến”.
2. Nêu gương cho họ
Ngay cả những người có kiến thức, kỹ năng, và sự khao khát, cũng đều cần biết họ được kỳ vọng những gì, và cách tốt nhất để làm cho họ biết là cho họ thấy.
Người ta làm theo những gì họ nhìn thấy. Câu chuyện ngụ ngôn về một cậu bé nông thôn sống ở vùng đồi núi Colorado đã minh họa cho điều này. Một hôm, cậu bé leo lên một chỗ cao và nhìn thấy một tổ chim ưng có những quả trứng trong đó. Lúc này, chim ưng mẹ không có trong tổ. Cậu bé lấy một quả, mang nó về nông trại, rồi đặt nó dưới bụng một con gà đang ấp trứng.
Từng quả trứng nở thành con, và khi chim ưng con nở ra, không có lý do gì để nó không nghĩ rằng nó là một chú gà con. Vì vậy, nó làm mọi việc mà những chú gà con khác ở nông trại làm. Nó bới đất khắp nơi trên nông trại để tìm thức ăn, nó cố hết sức để cục tác, và nó giữ cho chân mình đứng vững trên mặt đất, cho dù hàng rào quanh bãi cao không cao quá một mét.
Cứ như thế cho tới khi nó cao lớn vượt lên hẳn so với các anh chị em của nó và cao hơn cả gà mẹ có công nuôi nó. Rồi một ngày kia, một con chim ưng bay qua khoảng sân nuôi gà này. Chú chim ưng trẻ tuổi nghe được tiếng kêu của con chim ưng kia, và thấy con chim kia lao xuống định bắt một con thỏ trên cánh đồng. Và ngay lúc đó, từ trong tim, chú chim ưng trẻ tuổi này biết là nó không giống như những con gà khác trong vườn. Nó dang rộng đôi cánh, và trước khi nó biết điều gì xảy ra, nó đã bay theo chú chim ưng kia. Cho tới khi nó nhìn thấy đồng loại của nó bay thì trước đó nó không biết nó là ai hoặc nó có thể làm gì.
Những người mà bạn muốn trao quyền cần nhìn thấy bay cao thì trông như thế nào. Là người cố vấn, bạn có cơ hội tốt nhất để cho họ thấy. Hãy nêu gương thái độ này và làm việc với tinh thần đạo đức mà bạn muốn họ noi theo. Bất cứ lúc nào có thể, hãy để họ góp phần vào công việc bạn làm, cho họ đồng hành cùng bạn. Không có cách nào khác hơn để giúp họ học hỏi và hiểu bạn muốn họ làm gì.
3. Cho phép họ thành công
Là người lãnh đạo và là người có tầm ảnh hưởng, bạn có thể tin rằng mọi người muốn thành công và tự giác cố gắng để thành công. Nhưng không phải ai mà bạn ảnh hưởng đến cũng sẽ nghĩ giống bạn. Bạn phải giúp người khác tin rằng họ có thể thành công và tỏ ra cho họ thấy bạn muốn họ thành công. Thế bạn làm điều này bằng cách nào?
• Kỳ vọng họ sẽ thành công. Người ta có thể cảm nhận thái độ kín đáo của bạn cho dù bạn nói gì, làm gì. Nếu bạn kỳ vọng người khác thành công, họ sẽ nhận ra được điều này.
• Nói ra. Người ta cần được nghe bạn bảo họ rằng bạn tin vào họ và muốn họ thành công. Hãy thường xuyên nói rằng bạn biết họ sẽ làm được việc. Hãy gửi cho họ những bức thư khích lệ. Hãy trở thành một người tiên tri tích cực về thành công của họ.
• Củng cố. Khi nói đến việc tin vào người khác, bạn không bao giờ có thể ôm đồm quá nhiều. Chuyên gia tư vấn nghệ thuật lãnh đạo Fred Smith có thói quen cho người khác nhiều sự củng cố tích cực. Ông nói: “Khi tôi nhận biết sự thành công, tôi cố mở rộng những đường chân trời của người khác. Tôi có thể nói: ‘Ôi, thật là tuyệt!’, nhưng tôi không dừng lại ở đó. Ngày mai, tôi sẽ quay trở lại, lặp lại lời khen, và nói: ‘Năm ngoái, bạn có tin mình có thể làm được điều này không? Có lẽ bạn sẽ lấy làm ngạc nhiên về những gì bạn có thể hoàn thành vào năm sau’”.
Một khi người ta nhận biết và hiểu rằng bạn thực sự muốn thấy họ thành công và cam kết giúp họ, họ sẽ bắt đầu tin họ có thể hoàn thành những gì bạn ủy thác.
4. Chuyển giao quyền hạn cho họ
Trung tâm đích thực của sự trao quyền là chuyển giao quyền hạn – và sự ảnh hưởng của mình – cho những người mà bạn đang cố vấn và phát triển. Nhiều người sẵn lòng trao trách nhiệm cho người khác. Họ vui vẻ giao việc cho người khác, nhưng trao quyền cho người khác không phải chỉ là chia sẻ khối lượng công việc của mình. Nó là chia sẻ quyền hạn và khả năng để hoàn thành mọi công việc.
Chuyên gia tư vấn quản trị Peter Drucker khẳng định: “Không nhà điều hành nào phải chịu đựng vì thuộc cấp của mình mạnh mẽ và hiệu quả cả”. Người ta trở nên mạnh mẽ và hiệu quả chỉ khi họ được trao cho cơ hội để đưa ra quyết định, bắt đầu hành động, giải quyết vấn đề và đối mặt với khó khăn. Khi bạn trao quyền cho người khác, bạn đang giúp họ phát triển khả năng để làm việc độc lập dưới quyền của bạn. W. Alton Jones đưa ra ý kiến như sau: “Người nhận được những kết quả hài lòng nhất không phải luôn là người có trí tuệ sáng suốt nhất, mà thật ra là người có thể phối hợp tốt nhất khối óc và tài năng của các đồng nghiệp”.
Khi bạn bắt đầu trao quyền cho người của mình, hãy đồng thời cho họ những thách thức mà bạn biết họ có thể nỗ lực để đối mặt và chinh phục. Việc đó sẽ cho họ sự tự tin và cho họ một cơ hội để thử nghiệm quyền hạn mới mẻ của mình và học cách sử dụng nó một cách khôn ngoan. Một khi họ bắt đầu làm việc hiệu quả, hãy giao cho họ nhiều công việc khó hơn. Một kinh nghiệm tốt là nếu ai đó có thể làm một việc tốt bằng 80% so với bạn làm, thì hãy giao việc đó cho họ. Cuối cùng, mục tiêu của bạn là trao quyền cho người khác để họ trở thành người có khả năng chinh phục được gần như bất kỳ thách thức nào xuất hiện trên con đường của họ. Đồng thời, họ sẽ phát triển ảnh hưởng của chính họ lên người khác sao cho họ không còn cần đến sự ảnh hưởng của bạn để bản thân đạt được hiệu quả nữa.
5. Công khai bày tỏ lòng tin của bạn dành cho họ
Khi lần đầu tiên bạn chuyển giao quyền hạn cho những người mà bạn trao quyền, bạn cần cho họ biết bạn tin vào họ, và bạn cần làm điều này một cách công khai. Công khai nhìn nhận sẽ cho phép họ biết rằng bạn tin họ sẽ thành công. Nó cũng cho phép những người họ đang làm việc cùng biết rằng họ có sự hỗ trợ và quyền lực của bạn để trợ giúp họ. Đấy là một cách chia sẻ (và lan rộng) sự ảnh hưởng của bạn mà ai cũng nhìn thấy.
Tôi đặc biệt chú trọng việc trao quyền cho người khác và công khai tỏ ra cho họ thấy tôi tin ở họ, và tôi có một câu chuyện thú vị về một trong những thành công to lớn nhất của mình về sự trao quyền:
Tôi và Dan Reiland từng làm việc với nhau trong mười lăm năm. Khi lần đầu tiên Dan cùng làm việc với tôi, anh ta là một thực tập sinh, mới tốt nghiệp cử nhân. Anh có nhiều tài nhưng vẫn có nhiều chỗ cần mài dũa. Tôi làm việc với anh khá nhiều – làm gương, khích lệ, và cố vấn cho anh – và trong một thời gian ngắn, anh trở thành một mục sư hàng đầu.
Sau mấy năm, anh trở thành một trong những người quan trọng nhất của tôi. Khi chúng tôi có một chương trình mới cần được lên kế hoạch và thực hiện, tôi thường nhờ tới Dan, trao quyền cho anh đảm nhận công việc, và cho anh toàn bộ sự tin tưởng và quyền hạn. Và anh quan tâm chăm chút nó. Dần dần, tôi giao cho anh một dự án quan trọng, anh trải qua trọn vẹn quy trình, thực hiện nó, nâng đỡ những người lãnh đạo để điều hành nó, rồi tìm đến tôi xin thêm một công việc khác. Anh không ngừng cống hiến hết mình cho công việc.
Năm 1989, khoảng sáu hoặc bảy năm sau khi Dan bắt đầu làm việc cho tôi, tôi nhận ra mình cần thuê một mục sư quản trị, một dạng tổng quản lý. Và tôi biết ngay rằng tôi muốn có Dan vào vị trí này.
Bây giờ, tôi biết rằng khi bạn nâng đỡ một người lãnh đạo từ các cấp bên trong nội bộ, thường có sự oán giận và phản kháng từ một số đồng nghiệp của người đó. Nhưng tôi có một chiến lược. Khi tôi bắt đầu chuyển quyền hạn của mình vào tay Dan, tôi cố hết sức để không bỏ lỡ cơ hội công khai khen ngợi, bày tỏ lòng tin vào anh, và nhắc mọi người nhớ rằng Dan được tôi trao quyền hạn để làm việc. Kết quả là số nhân viên còn lại mau chóng tập hợp xung quanh anh, và anh được trao quyền như là người lãnh đạo mới của họ.
Khi bạn nâng đỡ những người lãnh đạo, hãy cho họ và những người đi theo họ thấy rằng họ có được lòng tin và quyền hạn mà bạn trao cho. Và bạn sẽ thấy họ mau chóng được trao quyền để thành công.
6. Cho họ sự phản hồi
Dù bạn cần công khai khen ngợi người của mình, nhưng bạn không thể không cho họ lời phản hồi chân thành và tích cực. Hãy gặp riêng để dạy thêm cho họ qua những sai lầm và phán đoán không đúng mà họ mắc phải. Lúc đầu, một số người có thể gặp khó khăn. Trong suốt thời gian đó, hãy là người chiếu cố họ. Hãy cố gắng cho họ những gì họ cần, không phải những gì họ xứng đáng. Và khen ngợi bất kỳ sự tiến bộ nào họ đạt được. Người ta làm những gì mà sẽ được khen ngợi.
7. Giải phóng họ để họ tự mình tiến bước
Cho dù bạn đang cố gắng trao quyền cho ai – nhân viên, con cái, đồng nghiệp, hoặc vợ/chồng – mục tiêu sau cùng của bạn nên là giải phóng họ để họ có thể đưa ra những quyết định sáng suốt và thành công trên chính đôi chân của họ. Điều đó có nghĩa là cho họ nhiều sự tự do để họ sẵn sàng quyết định và thành công.
Tổng thống Abraham Lincoln là bậc thầy về trao quyền cho những người lãnh đạo của ông. Ví dụ, khi ông chỉ định Tướng Ulysses S. Grant làm tư lệnh quân đội Liên bang Miền Bắc vào năm 1864, ông đã gửi cho Tướng Grant thông điệp sau: “Tôi không yêu cầu cũng không muốn biết bất kỳ điều gì về các kế hoạch của ông. Hãy nhận lấy trách nhiệm và hành động, và gọi cho tôi nếu cần sự trợ giúp”.
Đó là thái độ bạn cần với tư cách là một người trao quyền. Hãy trao quyền và trách nhiệm, và sẵn sàng hỗ trợ họ khi cần. Chúng tôi từng may mắn được trao quyền bởi những người quan trọng trong đời mình từ khi chúng tôi còn là những cậu bé. Có lẽ người từng trao quyền nhiều nhất trong đời tôi chính là cha mình, Melvin Maxwell. Ông luôn khích lệ tôi trở thành người tốt nhất có thể, và cho tôi quyền hạn bất cứ khi nào ông có thể. Nhiều năm sau khi chúng tôi nói chuyện về điều này, ông đã nói cho tôi biết triết lý của ông: “Cha không bao giờ cố ý hạn chế con nếu cha biết những gì con đang làm là đúng về mặt đạo đức”. Và đó là một thái độ trao quyền!
Những kết quả của sự trao quyền
Nếu bạn lãnh đạo bất kỳ loại hình tổ chức nào – công ty, câu lạc bộ, nhà thờ, hoặc gia đình – thì học cách trao quyền cho người khác là một trong những điều quan trọng nhất bạn sẽ làm với tư cách là người lãnh đạo. Trao quyền mang lại rất nhiều sự đền đáp. Nó không chỉ giúp được cá nhân mà bạn nâng đỡ bằng cách làm cho họ thêm tự tin, tràn đầy sinh lực hơn, có năng suất hơn, mà nó còn có khả năng cải thiện cuộc sống của bạn, cho bạn thêm nhiều sự tự do, tăng sự phát triển và sức mạnh cho tổ chức của bạn.
Farzin Madjidi, người liên lạc chương trình cho thành phố Los Angeles, từng bày tỏ niềm tin của mình liên quan đến sự trao quyền như sau:
Chúng ta cần những người lãnh đạo trao quyền cho người khác và tạo ra những người lãnh đạo khác. Đảm bảo rằng mọi người có một việc gì đó để làm và đang sản xuất ra một thứ gì đó thì vẫn là chưa đủ. Ngày nay, mọi nhân viên còn phải tin và nhận lấy quyền làm chủ đối với mọi thứ họ đang làm. Để nuôi dưỡng điều này, quan trọng là các nhân viên nên đưa ra những quyết định có ảnh hưởng gần như là trực tiếp đến họ. Đó là cách những quyết định tốt nhất được đưa ra. Đó là cốt lõi của sự trao quyền.
Khi nói đến sự trao quyền, trao quyền lãnh đạo đôi khi là lợi thế đích thực duy nhất mà một tổ chức giành được so với một tổ chức khác trong xã hội cạnh tranh này.
Khi bạn trao quyền cho người khác, bạn sẽ thấy rằng hầu hết các khía cạnh của cuộc đời mình sẽ thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn. Trao quyền cho người khác có thể giải phóng cá nhân bạn, để bạn có nhiều thời gian hơn nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng trong đời mình, gia tăng sự hiệu quả của tổ chức, gia tăng ảnh hưởng của mình lên người khác, và trên hết, tạo ra một tác động rất tích cực lên cuộc đời của những người mà bạn trao quyền.
Mới đây, Jim nhận được bức thư từ một người mà anh từng dành ra nhiều năm để khích lệ, cố vấn, và trao quyền. Tên của anh ta là Mitch Sala, sau đây là bức thư đó:
Jim thân mến,
Tôi biết anh đang trong quá trình viết một cuốn sách về sự ảnh hưởng, và tôi cảm thấy có nhu cầu cần phải viết bức thư này để thể hiện tình cảm và lòng kính trọng sâu sắc của tôi dành cho anh và Nancy, và kể cho anh nghe về tác động sâu sắc anh đã tạo ra lên cuộc đời tôi.
Ảnh hưởng của anh lên tôi bắt đầu trước khi chúng ta gặp nhau, đó là lần đầu tiên tôi nghe một trong những cuốn băng của anh. Tầm nhìn, thái độ tích cực và niềm tin được cam kết của anh lúc đó truyền rất nhiều cảm hứng; khả năng đặt cuộc đời và những trở ngại vào đúng bối cảnh của Nancy đã giúp tôi nhìn thấy thế giới của mình theo một hướng khác.
Khi quan sát anh, tôi cảm nhận một chiều sâu tính cách lạ thường trong anh. Tôi ngưỡng mộ và khao khát bản thân cũng có được điều đó. Cũng chính từ đó, tôi muốn tìm hiểu và làm quen với anh nhiều hơn nữa, để phát triển mối quan hệ của chúng ta. Tôi chưa bao giờ thực sự phát triển nhiều mối quan hệ gần gũi trước đây, vì vậy điều này là mới mẻ với tôi. Anh biết đấy, tôi lớn lên ở châu Phi, nơi cha tôi điều hành một xưởng cưa lớn trong rừng. Anh trai và chị gái tôi đi học xa, vì vậy tôi lớn lên mà không có người bạn cùng trang lứa nào ở bên cạnh. Tôi là một người cô độc. Khi tôi lên tám, cha mẹ tôi gửi tôi vào trường nội trú. Điều này có lợi cho việc học của tôi, nhưng không tốt cho nhận thức của tôi về chính mình. Nó đã làm cho tôi cảm thấy mình là kẻ thất bại.
Khi tôi lớn lên, những cảm giác đó thúc đẩy tôi làm việc siêng năng và cố tự chứng tỏ bản thân, nhưng tôi vẫn cảm thấy trống vắng cho dù tôi có làm điều gì chăng nữa. Và tôi đã thất bại trong những việc quan trọng nhất với mình: là một người chồng và người cha tốt.
Nhưng anh trở thành một nguồn ảnh hưởng lên cuộc đời tôi vào đúng lúc đó. Anh hiểu tôi và làm tôi cảm thấy mình được chấp nhận, cho dù tôi sai lầm và thất bại. Anh đã giúp tôi trưởng thành trong cuộc sống gia đình, trong vấn đề tài chính, và về mặt tinh thần. Mọi thứ trong đời tôi đã thay đổi.
Sự ảnh hưởng tích cực của Jim đã giúp Mitch Sala thay đổi cuộc đời anh. Jim đã đưa anh ấy trải qua toàn bộ quá trình. Jim đã nêu gương một cuộc sống chính trực cho anh ấy. Jim đã khuyến khích và cố vấn cho anh ấy. Jim đã trao quyền cho anh ấy. Qua năm tháng, Mitch đã trở thành một người có ảnh hưởng tầm cỡ toàn cầu. Thông qua công ty kinh doanh của mình và làm diễn giả trước công chúng, Mitch chạm đến cuộc sống của hàng trăm ngàn người mỗi năm ở hơn 20 quốc gia trên thế giới. Và trên hết, anh đang sử dụng sự ảnh hưởng của mình để nâng đỡ nhiều người lãnh đạo đang học hỏi cách tác động tích cực lên cuộc sống của nhiều người hơn nữa. Anh đã tái tạo sự ảnh hưởng của mình lên những người khác, và đây chính là chủ đề của chương cuối cùng của cuốn sách này.
Bảng kiểm tra sự ảnh hưởng
TRAO QUYỀN CHO NGƯỜI KHÁC
• Đừng chỉ cho người khác việc gì đó để làm. Nếu bạn lãnh đạo một công ty, một phòng ban, gia đình, nhà thờ, hoặc bất kỳ loại tổ chức nào, có lẽ bạn đang chuẩn bị chuyển giao một số trách nhiệm cho người khác. Trước khi bạn chính thức bắt đầu quá trình này, hãy hoạch định cẩn thận chiến lược trao lại cây gậy bằng cách sử dụng bảng kiểm tra sau đây:
Mô tả công việc: …………………………………………...................
Tên của người mà bạn sẽ giao công việc đó: ………..........................
Công việc này đòi hỏi kiến thức gì? ……………......................……
………………………………………………………………...............
Hãy lặp lại quá trình này với mỗi công việc bạn có ý muốn giao cho người khác làm cho tới khi nó trở thành bản chất thứ hai của mình. Ngay cả khi ai đó bạn trao quyền đã thành công và thành đạt trong công việc, hãy tiếp tục công khai khen ngợi, khích lệ, và bày tỏ lòng tin của bạn dành cho họ.