- Nhân lên gấp bội
- Cố vấn - Kết nối
- Khích lệ
- Nêu gương
Kết nối giúp mọi người tiến đến một cấp độ cao hơn.
Sự kết nối là một phần rất quan trọng của quá trình cố vấn cho người khác. Nếu bạn muốn ảnh hưởng lên người khác một cách tích cực thì đây là điều cực kỳ quan trọng. Khi bạn dẫn dắt người khác, tức là bạn đến bên cạnh họ, đồng hành cùng họ trên con đường của họ trong một giai đoạn, giúp họ giải quyết một số trở ngại và khó khăn trong đời. Nhưng khi bạn kết nối với người khác, bạn đang mời họ đồng hành với bạn và đi trên con đường của bạn, vì lợi ích của cả hai.
Khi nghĩ về việc kết nối với người khác, chúng ta thử so sánh nó với những toa xe lửa và chuyện xảy ra với chúng trên sân ga. Rất nhiều thứ đến với những toa xe này. Chúng có giá trị vì chúng có thể chất đầy những kiện hàng; chúng có đích đến; và chúng còn có một con đường để đi tới đích. Nhưng chúng không có cách nào để tự mình đi tới bất kỳ nơi đâu. Để làm bất cứ điều gì có giá trị, chúng phải được móc vào một đầu máy.
Bạn đã từng bao giờ đến sân ga và xem những món trang thiết bị chưa được kết nối và không có liên hệ gì với nhau được ráp lại để hình thành một con tàu có thể vận hành chưa? Đó là một quá trình. Tất cả đều bắt đầu với phần đầu máy. Trước tiên, nó cũng nằm trên đường ray như những toa xe mà nó sẽ móc vào. Sau đó, nó di chuyển tới chỗ những toa xe và nối vào chúng. Khi tất cả được móc lại với nhau, chúng cùng nhau di chuyển tới đích đến.
Một quá trình tương tự như vậy phải xảy ra trước khi bạn có thể đưa người khác đồng hành cùng bạn trên một chuyến hành trình. Bạn phải khám phá ra chỗ đứng của họ, đến bên họ để tạo ra mối liên hệ, và kết nối với họ. Nếu bạn thành công trong những việc này, bạn có thể đưa họ đến những đỉnh cao mới trong mối quan hệ của mình và trong sự phát triển của họ. Nên nhớ rằng con đường dẫn tới một cấp độ kế tiếp luôn là con đường dốc lên, và người ta cần sự trợ giúp để đạt tới cấp độ cao hơn đó.
Chín bước để kết nối với người khác
May thay, bạn không nhất thiết phải là một kỹ sư thì mới có thể kết nối với người khác, nhưng bạn cần phải bỏ ra thời gian và công sức để việc này được diễn ra. Bạn sẽ cần kỹ năng giao tiếp, một sự khao khát trợ giúp người khác lớn lên và thay đổi, và một ý thức về sứ mệnh hoặc mục đích cá nhân – trên hết, bạn phải biết nơi bạn sẽ đưa người khác đi cùng.
Hãy cùng xem xét những bước sau đây, và sử dụng chúng để giúp bạn kết nối với những người mà bạn có ảnh hưởng:
1. Đừng xem nhẹ người khác
Bạn chỉ có thể kết nối với người khác và lãnh đạo họ khi bạn coi trọng họ. Những người lãnh đạo yếu kém đôi khi mắc kẹt trong tầm nhìn về nơi họ đang hướng đến, đến độ họ quên những người mình đang dẫn dắt. Nhưng bạn không bao giờ nên xem thường người khác nếu bạn không muốn sự lãnh đạo của mình bắt đầu thất bại. Và bạn sẽ không thể kết nối với họ.
Một câu chuyện thú vị từ cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Tip O’Neill hé lộ những gì có thể xảy ra khi bạn không xem trọng những người đi theo mình. Ông nói rằng vào một ngày vận động tranh cử nọ, một người láng giềng lớn tuổi tiến đến ông sau khi bỏ phiếu xong và nói: “Tip này, hôm nay, cô bỏ phiếu cho cháu cho dù cháu đã không yêu cầu cô”.
O’Neill ngạc nhiên: “Cô O’Brien ơi, cháu đã biết cô gần như trọn đời. Cháu từng đổ rác cho cô, cắt cỏ vườn nhà cô, xúc tuyết giúp cô nữa. Cháu không nghĩ là cháu phải đề nghị cô như vậy”.
“Tip này”, người phụ nữ nói với giọng của một người mẹ, “được nhờ, được yêu cầu thì luôn tuyệt vời hơn”. O’Neill nói rằng ông không bao giờ quên lời khuyên đó.
Coi trọng người khác là bước đầu tiên trong quá trình kết nối, nhưng nó có những lợi ích khác nữa. Khi bạn để người khác biết rằng bạn không xem những gì họ làm như là lẽ đương nhiên thì họ sẽ quay về phía bạn.
Bạn của tôi, huấn luyện viên Bill McCartney, cựu huấn luyện viên trưởng đội Colorado State Buffaloes, từng nói: “Bất cứ khi nào bạn không coi trọng người khác, chính là bạn đang nghi ngờ việc Thiên Chúa tạo tác ra họ”. Có lẽ bạn chưa bao giờ thường xuyên nói, lớn tiếng nói, hoặc công khai nói rằng bạn yêu thương họ biết bao nhiêu.
2. Sở hữu tư duy tạo-ra-sự-khác-biệt
Nếu bạn khao khát hoàn thành một điều gì đó to lớn và thực sự muốn thấy nó xảy ra, bạn cần sở hữu một thái độ tạo-ra-sự-khác-biệt. Khi nào bạn còn không tin rằng mình có thể tạo ra sự khác biệt thì bạn sẽ không thể tạo ra khác biệt. Bạn có thể vun đắp một tư duy tạo-ra-sự-khác-biệt vững vàng bằng cách nào?
Tin mình có thể tạo ra sự khác biệt. Mỗi người trên quả đất này, kể cả bạn, đều có tiềm năng tạo ra sự khác biệt. Nhưng bạn có thể làm được chỉ khi bạn tin vào tiềm năng của mình và sẵn sàng cho đi chính bạn. Helen Keller có nói: “Cuộc sống là một công việc đầy hứng thú và hứng thú nhất là khi được sống cho người khác”. Bạn không thể giúp tất cả mọi người, nhưng chắc chắn bạn có thể giúp một số người.
Tin những gì mình chia sẻ có thể tạo ra sự khác biệt. Tôi và Jim dành phần lớn đời mình để kết nối và giao tiếp với mọi người. Chúng tôi tác động đến nhiều hơn một triệu người mỗi năm. Nếu chúng tôi tin rằng những gì mình chia sẻ với người khác không thể tạo ra sự khác biệt thì chúng tôi đã sớm từ bỏ. Nhưng chúng tôi biết mình có thể giúp người khác thay đổi cuộc sống của họ. Chúng tôi tin rằng mọi thứ thăng hoặc trầm phụ thuộc vào việc lãnh đạo. Chúng tôi chắc chắn thái độ của con người sẽ xây dựng hoặc phá hủy chính họ. Và chúng tôi biết rằng sẽ không có niềm vui, sự bình yên, hoặc ý nghĩa nào trong đời nếu không có niềm tin.
Chúng ta phải tin rằng những gì chúng ta trao cho người khác có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc đời họ. Không ai muốn đi theo một người không có niềm tin. Nếu bạn không tin, người khác cũng sẽ không.
Tin rằng người mà bạn chia sẻ có thể tạo ra sự khác biệt. Chúng tôi vừa đọc được một điều được gọi là quy luật hỗ tương trong hành vi con người. Nó phát biểu rằng theo thời gian, người ta bắt đầu chia sẻ những thái độ tương đồng hướng đến nhau. Nói cách khác, nếu chúng tôi đánh giá cao về bạn và duy trì sự đánh giá đó, thì cuối cùng, bạn sẽ bắt đầu cảm nhận cùng một cách về chúng tôi. Quá trình đó xây dựng sự kết nối giữa chúng ta, và sẽ mở lối cho sự hợp tác vững bền.
Tin rằng nếu chúng ta cùng hợp lực thì có thể tạo ra sự khác biệt to lớn. Mẹ Teresa từng nói: “Tôi có thể làm những gì bạn không thể làm, và bạn có thể làm những gì tôi không thể làm. Cùng nhau, chúng ta có thể làm những điều vĩ đại”. Những ai không nhận biết được điều đó sẽ không thể đạt đến tiềm năng của mình.
Có một câu chuyện về một nghệ sĩ đàn nổi tiếng vào những năm 1800 đã minh họa cho tầm quan trọng của việc nhận biết được sự hợp lực quý báu. Nhạc công này đi từ thị trấn này đến thị trấn khác để tổ chức hòa nhạc. Ở mỗi thị trấn, ông thuê một cậu bé bơm đàn giúp ông chơi đàn. Sau một lần biểu diễn, ông đã không thể đuổi cậu bé mà ông thuê tối đó đi được. Cậu ta thậm chí còn đi theo người nhạc công đàn này quay trở về khách sạn của ông.
“Tối nay chúng ta đã có một buổi hòa nhạc tuyệt vời đúng không ông?”, cậu bé nói.
“Cháu muốn gì khi nói là chúng ta?”, người nhạc công nói. “Chú đã có một buổi hòa nhạc tuyệt vời. Giờ sao cháu chưa chịu về nhà đi?”.
Tối hôm sau, khi người nhạc công chơi được nửa chừng bản fu-ga thánh thót thì cái đàn organ đột nhiên câm tiếng. Người nhạc công hoảng hốt. Và rồi cậu bé nọ thò đầu ra khỏi góc đàn, cười nhăn nhở, và nói: “Tối nay chúng ta đang không có một buổi hòa nhạc tốt đẹp rồi đúng không ông?”.
Nếu bạn muốn kết nối với người khác và đưa họ cùng với bạn đạt một cấp độ cao hơn, hãy nhận biết sự khác biệt mà các bạn có thể tạo ra khi trở thành một đội, và hãy thể hiện sự công nhận mỗi khi có cơ hội.
3. Hướng tới họ
Theo Tom Peters và Nancy Austin: “Vấn đề năng suất quản lý hàng đầu ở Hoa Kỳ là những người quản lý mất đi sự liên lạc với người của mình và với khách hàng của họ”. Thiếu sự liên lạc và giao tiếp là một vấn đề ảnh hưởng đến nhiều người, không chỉ với những người quản lý. Có lẽ đó là lý do tại sao chuyên gia bán hàng Charles B. Ruth nói: “Có nhiều trường hợp mà các nhân viên bán hàng, kể cả những nhân viên xuất sắc với mọi thứ để chào hàng, lại không có gì để chào cho một khách hàng triển vọng ngoại trừ tình bạn”.
Chúng ta tin có nhiều lý do giải thích tại sao người ta không có sự kết nối với nhau nhiều hơn họ hiện có. Một lý do chính yếu, đặc biệt bên trong các tổ chức, là nhiều người lãnh đạo tin rằng trách nhiệm của người đi theo là tự khởi xướng mối liên hệ với họ. Thực tế là ngược lại, để có hiệu quả, người lãnh đạo phải là người khởi xướng sự kết nối. Nếu không tìm đến người của mình, gặp gỡ họ tại vị trí của họ, và khởi xướng mối liên hệ, thì trong hầu hết trường hợp, người quản lý không thể kết nối với người của mình.
4. Tìm kiếm điểm chung
Bất cứ khi nào bạn muốn kết nối với một người, hãy bắt đầu tại điểm mà cả hai đồng tình. Nghĩa là hai người phải tìm được tiếng nói chung. Nếu bạn đã phát triển được kỹ năng lắng nghe tốt, như chúng tôi đã nêu ở Chương 4, có lẽ bạn sẽ có thể tìm ra những lĩnh vực mà các bạn cùng có chung kinh nghiệm hoặc cùng quan điểm. Hãy nói về những sở thích, thú tiêu khiển, nơi mình sống, công việc, thể thao, hoặc con cái. Những gì chúng ta thảo luận không quan trọng bằng thái độ của chúng ta. Hãy tích cực, và cố nhìn mọi việc từ quan điểm của người khác. Cởi mở và tỏ ra dễ mến là một nửa thắng lợi của cuộc chiến. Người ta đôi khi nói: “Khi mọi việc đều bình đẳng như nhau, con người ta sẽ làm việc với những người họ thích. Khi mọi việc không bình đẳng như nhau, họ vẫn cứ làm việc với người họ thích”.
Đôi khi ngay cả khi bạn tìm được tiếng nói chung, bạn vẫn có thể phải đối mặt với nhiều trở ngại trong quá trình giao tiếp. Nếu bạn thấy những người mà bạn đang cố kết nối chú ý đến việc bạn tiếp cận họ, thì hãy thử tìm tiếng nói chung bằng nền tảng cảm xúc thông thường. Một cách tuyệt vời để làm điều đó là sử dụng những từ ngữ như cảm thấy, cảm nhận, nhận thấy để giúp họ kết nối với bạn. Trước tiên, hãy cố cảm nhận họ cảm thấy ra sao, và nhìn nhận, coi trọng những cảm giác đó. Nếu bạn có những cảm xúc tương tự trong quá khứ, hãy chia sẻ với họ về cảm xúc bạn từng có. Cuối cùng, hãy chia sẻ với họ những gì bạn nhận thấy từng giúp bạn vượt qua những cảm xúc này.
Thường xuyên thực hành tìm tiếng nói chung với người khác, bạn sẽ thấy rằng bạn có thể nói chuyện với gần như bất kỳ ai và tìm được tiếng nói chung với họ. Và khi bạn có thể làm được điều đó, bạn đã thực hiện được một sự kết nối.
5. Nhận biết và tôn trọng sự khác biệt về tính cách
Chúng ta có thể tìm ra điểm chung với người khác, nhưng cùng lúc, chúng ta cần nhìn nhận rằng tất cả chúng ta đều có sự khác biệt. Và đó là một trong những niềm vui lớn của cuộc sống, dù chúng ta không phải luôn nhìn thấy nó theo cách đó. Một công cụ tuyệt vời để hiểu người khác là một cuốn sách của một người bạn của tôi, Florence Littauer, có tựa là Personality Plus. Trong sách, chị mô tả bốn loại tính cách cơ bản:
• Tin tưởng, lạc quan: khao khát sự vui vẻ; cởi mở, hướng đến mối quan hệ, dí dỏm, dễ tính, được ưa thích, có tính nghệ sĩ, nhiều cảm xúc, thẳng thắn, và lạc quan.
• U buồn: khao khát sự hoàn hảo; sống nội tâm, hướng đến công việc, có tính nghệ sĩ, nhiều cảm xúc, hướng đến mục tiêu, có tổ chức, và bi quan.
• Điềm tĩnh: khao khát sự bình yên; hướng nội, ít cảm xúc, ý chí mạnh mẽ, hướng đến mối quan hệ, bi quan, và được thúc đẩy bởi mục đích.
• Nóng nảy: khao khát sức mạnh hoặc sự kiểm soát; có ý chí mạnh mẽ, quyết đoán, hướng đến mục tiêu, có tổ chức, ít cảm xúc, cởi mở, thẳng thắn, và lạc quan.
Bất kỳ ai mà bạn đang cố kết nối với họ đều sẽ rơi vào một trong những loại trên (hoặc có đặc điểm từ hai loại bổ sung nhau). Ví dụ, tôi là một người lạc quan - điềm tĩnh. Tôi thích có nhiều niềm vui, quyết đoán, và bẩm sinh biết nhận trách nhiệm đối với bất kỳ hoàn cảnh nào. Jim, mặt khác, là người nóng nảy - u buồn. Anh là một người suy nghĩ phân tích, không bị thúc đẩy bởi cảm xúc, và nói chung, anh kín miệng.
Khi bạn kết nối với người khác, hãy nhận biết và tôn trọng những sự khác biệt về động cơ của họ. Với người nóng nảy, hãy kết nối bằng sức mạnh. Với người u buồn, hãy kết nối bằng cách có sự tập trung. Với người điềm tĩnh, hãy kết nối bằng cách cung cấp sự đảm bảo. Và với người lạc quan, hãy kết nối với sự phấn khích.
Nhà viết kịch John Luther hiểu rõ điểm này: “Tài năng bẩm sinh, trí thông minh, một nền giáo dục tuyệt vời đều không thể đảm bảo sự thành công. Đây mới là cái cần thiết: sự tinh nhạy để hiểu những gì người khác muốn và sự sẵn lòng trao điều đó cho họ”. Hãy chú ý đến tính cách của người khác, và làm hết sức mình để gặp được đúng con người thật của họ. Họ sẽ biết ơn sự tinh nhạy và cảm thông của bạn.
6. Tìm ra chìa khóa cuộc đời của người khác
Nhà tư bản công nghiệp Andrew Carnegie có khả năng khác thường trong việc cảm thông người khác và hiểu những gì là quan trọng với họ. Người ta nói khi còn là một cậu bé sống ở Scotland, ông có nuôi một con thỏ với một đàn thỏ con. Để cho chúng ăn, Carnegie đề nghị những cậu bé hàng xóm thu nhặt lá tử đinh hương và lá bồ công anh cho chúng, đổi lại, mỗi cậu bé được đặt tên cho một con thỏ con theo tên của mình.
Carnegie cũng làm điều tương tự khi ông lớn lên, từ đó cho thấy ông hiểu về người khác. Vì ông muốn bán thép cho Công ty Đường sắt Pennsylvania khi ông xây dựng một nhà máy luyện thép mới ở Pittsburgh, nên ông đã đặt tên nó là Nhà máy Thép J. Edgar Thompson Steel, theo tên của vị chủ tịch Công ty Đường sắt Pennsylvania. Thompson quá được tâng bốc bởi vinh dự này đến độ sau đó, ông ta mua toàn bộ thép từ Carnegie.
Bạn không cần phải là Carnegie thì mới có thể kết nối với người khác. Bạn đơn giản chỉ cần biết những gì là quan trọng với họ. Mọi người đều có một chìa khóa để mở cửa vào cuộc đời mình. Tất cả những gì bạn cần làm là tìm ra nó. Sau đây là hai đầu mối để giúp bạn: Hiểu tâm trí của người khác, tìm hiểu những gì họ từng đạt được. Để hiểu con tim của họ, hãy tìm hiểu họ khao khát muốn làm gì. Điều này sẽ giúp bạn tìm ra chìa khóa đó, một khi bạn tìm ra được nó, sử dụng nó bằng lòng chính trực. Chỉ xoay chìa khóa này khi bạn được họ cho phép, và ngay sau đó hãy sử dụng nó vì lợi ích của họ, chứ không phải của mình – để giúp đỡ chứ không phải để làm tổn thương.
7. Giao tiếp bằng con tim
Một khi bạn đã khởi xướng sự kết nối với người khác, tìm ra tiếng nói chung, và khám phá những gì thực sự là quan trọng với họ, hãy trao đổi với họ về những gì thực sự là quan trọng với mình. Và điều này đòi hỏi bạn nói chuyện với họ bằng con tim của mình.
Một thanh niên với một tấm bằng mới toanh về tâm lý học được yêu cầu phát biểu trước một nhóm công dân lớn tuổi. Trong 45 phút, anh ta duyên dáng nói chuyện với họ về cách sống những năm cuối đời. Khi bài nói chuyện đã chấm dứt, một phụ nữ tuổi 80 tiến đến người diễn giả trẻ tuổi này và nói: “Vốn từ và cách phát âm của cháu thật tuyệt vời, nhưng bác phải bảo cháu một điều mà cháu sẽ hiểu khi cháu lớn tuổi hơn, rằng cháu chẳng biết mình đang nói về cái gì đâu!”.
Chân thành là yếu tố quan trọng bậc nhất khi giao tiếp với người khác, dù là với một người hay trước một cử tọa đông người. Không có thứ kiến thức, kỹ thuật, hoặc sự nhanh trí nào có thể thay thế cho sự chân thành và lòng khao khát đích thực muốn giúp người khác.
Abraham Lincoln được mọi người biết đến nhiều về khả năng giao tiếp khéo léo với người khác, và ở trung tâm của kỹ năng đó là khả năng nói chuyện bằng con tim của ông. Năm 1842, Lincoln nói chuyện trước những thành viên của hội kiêng rượu Washington Temperance Society. Trong suốt bài nói chuyện có tựa là “Từ thiện trong cải cách kiêng rượu”, ông đưa ra nhận xét như sau: “Nếu muốn chinh phục một người tham gia vào sự nghiệp của mình, trước tiên hãy thuyết phục họ rằng bạn là người bạn chân thành của họ… Điều khiển sự phán xét của họ, hoặc ra mệnh lệnh cho hành động của họ, hoặc gán cho họ cái nhãn là người cần phải tránh xa hoặc đáng coi thường, thì họ sẽ rút lui vào trong cái vỏ của mình… Bạn sẽ không có nhiều cơ hội để tiếp cận họ hơn so với việc dùng một cọng rơm cố đâm vào một cái mai rùa là bao đâu”.
Khi bạn giao tiếp với người khác để xây dựng sự kết nối với họ, hãy chia sẻ trái tim bạn và hãy là chính mình.
8. Chia sẻ những trải nghiệm chung
Để thực sự kết nối với người khác, bạn phải làm nhiều hơn là tìm tiếng nói chung và giao tiếp tốt. Bạn cần tìm ra một cách để gắn kết mối quan hệ này. Joseph F. Newton nói: “Người ta cô đơn vì họ xây dựng những bức tường thay vì chiếc cầu”. Để xây dựng những chiếc cầu kết nối mình với người khác một cách vững bền, hãy chia sẻ những trải nghiệm chung với họ.
Tôi và Jim đã tận hưởng việc chia sẻ những trải nghiệm với người khác trong nhiều năm. Ví dụ, bất cứ khi nào thuê một quản trị viên mới, tôi luôn đưa người đó đi cùng tới nhiều hội nghị do mình tổ chức. Tôi làm điều đó không chỉ vì muốn thành viên mới này trở nên quen thuộc với những dịch vụ mà công ty chào cho khách hàng, mà còn vì chúng tôi có thể đi công tác cùng nhau và tìm hiểu nhau rõ hơn trong nhiều bối cảnh khác nhau. Không gì gắn kết người ta lại với nhau như việc chạy băng qua dòng xe cộ ùn tắc trong một thành phố xa lạ để đến sân bay và rồi lao xuống bãi đợi với túi xách trên tay để bước vào một chiếc máy bay vào phút cuối!
Những trải nghiệm chung mà bạn chia sẻ với người khác không nhất thiết phải kịch tính như thế (mặc dù nghịch cảnh chắc chắn sẽ mang người ta lại gần nhau). Hãy cùng họ ăn cơm, cùng nhau đi xem một trận bóng chày, cùng thăm viếng ai đó. Bất cứ điều gì bạn trải nghiệm cùng nhau mà có thể tạo ra một quá khứ chung sẽ giúp kết nối bạn với người đó.
Một câu chuyện thú vị về sự kết nối đến từ sự nghiệp của Jackie Robinson, cầu thủ người Mỹ gốc Phi đầu tiên chơi bóng chày ở giải ngoại hạng. Robinson đối mặt với những đám đông chế giễu, đe dọa giết anh, và vô số những bạo hành ở hầu hết mọi sân vận động mà anh đến trong nỗ lực phá vỡ hàng rào sắc tộc trong môn bóng chày. Một ngày nọ tại sân nhà ở Brooklyn, anh phạm một lỗi, và ngay lập tức, người hâm mộ anh bắt đầu chế giễu. Anh đứng tại chốt thứ hai, cảm thấy bị bẽ mặt trong khi người hâm mộ không ngừng la ó. Sau đó, cầu thủ Pee Wee Reese tiến đến và đứng kế bên anh. Anh ta vòng tay ôm Robinson và đối mặt với đám đông. Người hâm mộ im lặng. Sau đó, Robinson đã nói rằng cánh tay của Reese quàng quanh vai anh khi đó đã cứu vớt sự nghiệp của anh.
Hãy tìm nhiều cách để xây nên những chiếc cầu nối với những người bên trong tầm ảnh hưởng của bạn, nhất là trong những hoàn cảnh bất lợi. Sự kết nối bạn tạo ra sẽ củng cố mối quan hệ của bạn một cách không ngờ và chuẩn bị cho bạn bước vào chuyến hành trình mà các bạn có thể cùng nhau thực hiện.
9. Một khi đã kết nối xong, hãy tiến về phía trước
Nếu bạn muốn ảnh hưởng lên người khác, và bạn khao khát làm cho họ tiến lên đúng hướng, bạn phải kết nối với họ trước khi cố đưa họ đi đến bất kỳ nơi đâu. Nỗ lực làm điều này trước khi kết nối là một sai lầm phổ biến của những người lãnh đạo thiếu kinh nghiệm. Cố dẫn dắt người khác trước khi trải qua quy trình kết nối với họ có thể dẫn đến việc mất lòng tin, sự kháng cự, và những mối quan hệ căng thẳng. Hãy luôn nhớ rằng bạn phải chia sẻ chính bạn trước khi cố chia sẻ chuyến hành trình. Có người từng nhận xét như vầy: “Lãnh đạo là vun đắp con người hôm nay, làm cho họ sẵn lòng đi theo bạn tiến vào lãnh địa mới mẻ để đạt được điều gì đó vĩ đại”. Chính sự kết nối tạo ra sự sẵn lòng ấy.
Một thách thức đối với bất kỳ người có ảnh hưởng nào là kết nối với những người đến từ những nền văn hóa khác nhau. Jim có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này từ khi anh làm việc với nhiều người ở 26 quốc gia. Anh cảm thấy đặc biệt thú vị khi làm việc với những người ở các quốc gia thuộc khối Đông Âu cũ.
Khi chúng tôi lần đầu tiên làm việc với những người ở Đông Âu, chúng tôi có những trải nghiệm thật độc đáo. Trước đó, chúng tôi hiểu biết rất ít về văn hóa và những giá trị của họ, và chúng tôi thấy rằng mọi thứ chúng tôi chấp nhận trong công việc hàng ngày thì lại xa lạ với những người ở những quốc gia này.
Hầu hết mọi người ở Hoa Kỳ được nuôi dưỡng dựa trên những giá trị đạo đức của Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo. Chúng tôi thường xem đó như là chuyện không có gì cần phải tra vấn, song song với những lợi ích của thương mại tự do và chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, những người bạn của chúng tôi ở những quốc gia như Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc, lại quen thuộc với việc tồn tại trong một thế giới hoàn toàn khác. Môi trường của họ dẫn họ đến niềm tin rằng sự thành công chỉ đến với những ai luồn lách luật lệ và hối mại quyền lực. Chúng tôi thấy nhiều người chấp nhận thái độ thành công bằng mọi giá và hầu như tự hào về việc mình đã phá vỡ luật lệ một cách khôn ngoan ra sao.
Chúng tôi tin quan trọng là phô bày ra cho những con người tuyệt vời này thấy sự thành công đích thực là có thể chỉ khi một người cư xử đạo đức và đứng trên những nguyên tắc liêm chính và tin tưởng. Đấy dường như là một công việc lớn lao, nhưng những con người này rất thông minh, và chúng tôi cũng được làm việc với một số chuyên gia trẻ khao khát học hỏi bí quyết của sự thành công đích thực.
Chúng tôi bắt đầu quá trình này bằng cách làm mọi thứ có thể để kết nối với mọi người ở những quốc gia đó. Ở một số khía cạnh, điều đó là một trong những thách thức lớn nhất của chúng tôi trong vai trò là người có ảnh hưởng. Nhưng chúng tôi có thể tìm ra một số người chính yếu, và chúng tôi cùng đồng hành với họ như là bạn bè và người cố vấn. Chúng tôi bắt đầu dẫn dắt họ trải nghiệm kiểu mẫu sống đạo đức và kinh doanh lấy nguyên tắc làm trung tâm mới mẻ này. Và chúng tôi đầu tư nhiều thời gian vào việc làm quen, tìm hiểu họ và kết nối với họ trên chuyến hành trình xứng đáng này. Mục tiêu của chúng tôi là chia sẻ với họ những công cụ để tác động tích cực lên mọi người ở đất nước của họ.
Đối với chúng tôi, đây vẫn là một chuyến hành trình đang tiếp diễn. Nhưng dù chúng tôi có đang làm việc với những người ở Đông Âu, Trung Quốc, hoặc một nơi nào khác trên thế giới, chúng tôi vẫn nhận ra rằng mọi người về cơ bản là như nhau. Ai cũng muốn thành công, hạnh phúc, và nhiệt tình học hỏi từ những người đi trước. Nhưng bạn không thể tạo ra một tác động có ý nghĩa trong cuộc sống của người khác cho tới khi cá nhân bạn kết nối được với họ. Chỉ khi đó bạn mới có thể cùng họ đi trên chuyến hành trình và thực sự tạo ra sự khác biệt.
Jim và Nancy đang tạo ra một tác động được cảm nhận ở khắp nơi trên thế giới. Họ hiểu rằng ảnh hưởng có nghĩa là quan hệ với người khác, nâng họ lên, rồi buông tay để họ tái tạo chính mình trong cuộc sống của những người khác. Kết nối là một bước cơ bản trong quá trình đó. Nhưng trước khi người ta có thể đi đến một cấp độ cao hơn và tái tạo ra sự ảnh hưởng của họ với người khác, còn có một bước khác nữa mà họ cần thực hiện: Họ cần được trao quyền. Và đó là chủ đề của chương sau.
Bảng kiểm tra sự ảnh hưởng
KẾT NỐI VỚI MỌI NGƯỜI
• Đo lường sự kết nối hiện tại của bạn. Sự kết nối của bạn với những người quan trọng nhất, chịu sự ảnh hưởng bởi bạn thì mạnh mẽ tới mức nào? Bạn có biết chìa khóa nào mở cửa bước vào cuộc sống của mỗi người không? Các bạn có thiết lập được tiếng nói chung không? Có những trải nghiệm chung nào mà từ đó gắn kết các bạn lại với nhau? Nếu sự kết nối của bạn không mạnh mẽ lắm, nên nhớ rằng vai trò của bạn là người khởi xướng. Hãy lên lịch trong tuần tới để cùng nhau đi nhấm nháp cà phê, đi ăn, hoặc đơn giản là tán gẫu với mỗi người.
• Kết nối ở một cấp độ sâu sắc hơn. Nếu bạn chưa bao giờ dành bất kỳ khoảng thời gian có ý nghĩa nào với những người quan trọng hàng đầu của mình, hãy làm điều này trong tháng tới. Lên kế hoạch thực hiện một chuyến xả hơi hoặc một kỳ nghỉ cuối tuần, và nhớ là cùng thực hiện với vợ/chồng mình nhé. Hoặc đưa họ đi dự một seminar hoặc hội nghị. Điều chủ yếu là cho chính mình những cơ hội để kết nối ở một cấp độ sâu hơn và chia sẻ những trải nghiệm chung.
• Trao đổi về tầm nhìn của bạn. Một khi bạn đã tạo được sự kết nối vững vàng với người của mình, hãy chia sẻ những niềm hy vọng và ước mơ. Hãy tạo ra tầm nhìn cho tương lai chung của các bạn, và mời họ gia nhập cùng mình trên chuyến hành trình này.