- Nhân lên gấp bội
- Cố vấn - Dẫn dắt
- Khích lệ
- Nêu gương
Giúp người khác tự mở rộng bản thân và phát triển tiềm năng của họ sẽ tạo ra khả năng để họ vươn đến một cấp độ sống hoàn toàn mới. Nhưng cho dù họ lớn lên và học tập được tới mức nào, họ vẫn sẽ phải đối mặt với những trở ngại. Họ sẽ phạm lỗi. Họ sẽ gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp. Họ sẽ vấp phải những hoàn cảnh không thể vượt qua được nếu không có sự trợ giúp.
Có một câu chuyện về một lần tôi quyết giúp toàn bộ hành khách trên một chuyến bay vượt qua một ngày gai góc:
Tôi đi lại nhiều vì công việc diễn thuyết diễn ra khắp nơi trong nước, và đôi khi điều này dẫn đến những tình huống lạ thường. Tôi nhớ một tối kia, tôi đứng tại phi trường ở Charlotte, Bắc Carolina, chuẩn bị bay đến Indianapolis, Indiana và nói chuyện điện thoại cho tới phút cuối trước khi lên máy bay. Tôi lao ra cửa và gặp Dick Peterson, chủ tịch của INJOY, đang vội vã chạy đến máy bay trước khi cánh cửa đóng lại. Nhưng trước sự ngạc nhiên của tôi, khu vực chờ có khoảng 50 hoặc 60 người đang lững thững đi lại trong đó.
Tôi nhìn Dick và hỏi: “Chuyện gì đang xảy ra vậy?”.
Dick nói: “Trông có vẻ chúng ta chưa thể cất cánh”.
“Xảy ra vấn đề gì vậy?”, tôi hỏi.
Anh ta trả lời: “Tôi không biết”.
Vì vậy, tôi tiến đến cửa, hỏi chuyện nhân viên trực ở đó và nhận được câu trả lời: “Đoàn tiếp viên vẫn chưa đến, và chúng tôi không thể cho phép ai lên máy bay cho tới khi họ đến đây”. Sau đó, anh ta thông báo thông tin này qua hệ thống loa, và tôi có thể nhìn thấy mọi người trong khu vực chờ xuống tinh thần. Họ trông thật khốn khổ.
Đi đến bên Dick, tôi nói: “Này anh, hãy xem liệu chúng ta có thể giúp gì được cho những người ở đây không”. Vì vậy, chúng tôi đi đến quầy bán thức ăn gần đấy, và bảo với người nữ phục vụ ở đó, tên là Denise: “Làm ơn cho tôi 60 lon Coca-Cola”.
Cô nhìn chằm chằm tôi trong một lúc, rồi cuối cùng nói: “Anh mua những 60 lon ư?”.
Tôi bèn giải thích với cô ấy: “Đằng kia là một đám đông hành khách đang chán nản vô cùng, và họ cần một thứ gì đó để lên tinh thần”.
“Anh không đùa chứ? Anh mua cho mỗi người một lon ư?”, cô hỏi.
“Đúng thế.”
Cô dừng một lúc, rồi nói: “Tôi có thể giúp được chứ?”.
Cô gái, Dick và tôi mang những lon nước đó tới cho đám đông đang đứng ở cửa vào, và tôi có thể nhận ra họ không hiểu việc gì đang xảy ra. Vì vậy, tôi nói: “Xin mọi người chú ý bên này một chút. Tôi tên là John Maxwell. Vì chúng ta sẽ không thể rời khỏi đây trong 30 - 40 phút nữa, cho nên tôi nghĩ mình sẽ mời các bạn một món giải khát. Các bạn xin cứ tự nhiên nhé”.
Chúng tôi bắt đầu chia các lon nước ngọt cho mọi người, và tôi dám nói là họ nghĩ tôi thật kỳ quặc. Cả những nhân viên hàng không cũng nghĩ vậy. Nhưng sau một lúc, tôi bắt đầu thân thiết được với họ hơn; và khi chúng tôi nhận ra đoàn tiếp viên đã tiếp đất và sẽ sớm có mặt ở cổng vào thì rốt cuộc tôi cũng thuyết phục được họ cho chúng tôi lên máy bay.
Ngay khi tất cả chúng tôi lên máy bay, tôi thấy một rổ lớn gồm đậu phộng, bánh kẹo ở khu vực trữ thức ăn, và tôi tự nhủ: “Chà, họ cũng nên có cái gì đó để ăn cùng với lon nước ngọt này”. Thế là tôi đi dọc theo lối đi để phân phát bánh kẹo. Chỉ sau năm phút, tôi đã phục vụ tất cả mọi người một món ăn, và họ đang uống Coca-Cola. Vào lúc này, phi hành đoàn đổ xô lên máy bay. Họ xin lỗi. Ngay lập tức, họ nói trên hệ thống loa của máy bay: “Thưa quý khách, chúng ta sẽ khởi hành ngay bây giờ. Và chúng tôi sẽ phục vụ nước giải khát cho quý vị sớm nhất có thể”.
Khi máy bay hạ cánh, chúng tôi bắt đầu đến khu vực lấy hành lý nhận lại hành lý của mình, một người đàn ông tiến đến và nói: “Việc anh làm hôm nay thật tuyệt vời. Tôi là người bang Florida, và tôi có mang theo một ít bưởi. Đây, mời anh một trái”. Anh nói tiếp: “Tôi đã đi công tác nhiều năm, và chuyện như thế này chưa hề xảy ra bao giờ!”.
Chuyến bay lẽ ra là một cuộc hành trình khốn khổ với những con người mệt mỏi và cáu kỉnh, hóa ra cuối cùng lại là một trải nghiệm mà không ai có thể quên được. Tại sao? Vì đã có một người quyết định lo liệu và giúp đỡ người khác vượt qua một tình huống tiềm tàng những khó chịu. Nó là quá trình mà chúng tôi gọi là dẫn dắt.
Hầu hết mọi người đều cần trợ giúp để vượt qua một số khó khăn của cuộc sống. Loại trợ giúp này rất cần thiết và được hầu hết mọi người coi trọng, đặc biệt là khi những vấn đề phức tạp của cuộc sống tiến đến sát sườn và người ta phải chịu đựng chúng.
Một người nổi tiếng trong việc giúp người khác vượt qua những vấn đề của họ là Ann Landers1. Bàn về những gì chị học được từ người khác thông qua những bức thư được gửi đến chuyên mục do chị phụ trách, Ann Landers đã nói:
1 Ann Landers (1918 – 2002) là nhà văn, nhà báo, nhà phê bình nổi tiếng người Mỹ.
Tôi từng học hỏi được rất nhiều, bao gồm những điều ý nghĩa nhất từ Leo Rosten2: “Sâu thẳm bên trong, mỗi người chúng ta đều có phần cô độc và luôn cầu khát được thấu hiểu”. Tôi đã học được điều đó từ những người bị vấp ngã, bị giày vò trong thế giới này, những người không có ai để chuyện trò. Việc chuyên mục này đã và đang là một sự thành công đã nhấn mạnh, ít nhất là với tôi, về bi kịch trung tâm của xã hội chúng ta, sự mất kết nối, sự bất an, nỗi sợ hãi làm điêu đứng, què quặt và tê liệt quá nhiều người. Tôi đã hiểu ra rằng thành công tài chính, những thành tựu học thuật và địa vị xã hội hay chính trị không giúp mở ra cánh cửa bình an tâm trí hoặc yên ổn nội tâm. Tất cả chúng ta đều là những kẻ lang thang, như những con cừu, trên hành tinh này.
2 Leo Rosten (1908 – 1997) là nhà văn trào phúng người Mỹ gốc Ba Lan.
Những người mà bạn có ảnh hưởng trong đời cần sự trợ giúp của bạn, đặc biệt là những ai đang cố tiến lên một cấp độ mới, bắt đầu một sự mạo hiểm mới, hoặc bước vào một giai đoạn sống mới. Mel Ziegler, nhà sáng lập của Banana Republic3 đã điểm qua khả năng lèo lái của người lãnh đạo: “Người lãnh đạo sẽ nhận ra hố ngăn cách tiềm ẩn giữa sự việc hiện đang tồn tại với sự việc lẽ ra tốt hơn, và bắc một cây cầu tạm để băng qua. Từ phía bên kia, anh ta dẫn dắt những người dám băng qua lối vắt ngang tròng trành ấy cho tới khi các kỹ sư có thể xây được một nhịp vững chãi hơn cho tất cả mọi người”.
3 Một tập đoàn kinh doanh thời trang nổi tiếng ở Mỹ, hiện có mặt ở khắp nơi trên thế giới.
Ziegler đã vẽ nên một bức tranh sinh động. Nhưng với hầu hết mọi người, tài lãnh đạo họ cần không chỉ là thứ xảy ra một lần, hay chỉ một hố sâu phải vượt qua. Hầu hết mọi người cần sự dẫn dắt trên một nền tảng gần như liên tục cho tới khi họ có thể sống theo cách tốt hơn, và rồi họ có thể mạnh dạn khiến hành trình này được thực hiện bởi chính sức mạnh của họ. Nó giống như một hải trình dài mà bạn phải lèo lái hơn là chỉ một hố sâu mà bạn phải dỗ dành họ băng qua. Bạn phải giúp họ tìm ra con đường của riêng họ, nhìn thấy những tảng băng trôi, và vượt qua những vùng biển bão tố, và bạn phải cùng đi chuyến đi đó với họ, ít nhất cho tới khi họ đã đi đúng hướng và có thể học cách tự mình lèo lái.
Người dẫn dắt là người xác định được đích đến
Một người định hướng giỏi là người giúp người khác xác định được đích đến của họ. Trong tác phẩm Be the Leader You Were Meant to Be, Leroy Eims có viết: “Người lãnh đạo là người nhìn thấy nhiều hơn người khác, người nhìn thấy xa hơn người khác, và người nhìn thấy trước người khác”. Trong chương trước, chúng ta đã nói về tầm quan trọng của việc tạo ra một tầm nhìn tương lai của người khác sao cho họ có được sự khích lệ để lớn lên. Bước kế tiếp là cho họ nhìn thấy đích đến của mình một cách cụ thể hơn. Hầu hết người ta thấy bất mãn, chán chường là vì họ chưa xác định được tầm nhìn cho chính mình. Có câu nói rằng: “Chôn vùi ước mơ nghĩa là tự chôn vùi chính mình, vì chúng ta thực sự là ‘một tạo vật mà từ đó những ước mơ được tạo ra’. Kỳ vọng của Chúa với chúng ta là chúng ta sẽ đạt đến tiềm năng của mình”. Bạn phải giúp người khác khám phá ước mơ của họ, rồi giúp họ đi về hướng đó. Nếu không có vận động thì không có sự lèo lái. Bất kỳ hình thức vận động nào cũng sẽ tiến triển nếu nó đi theo hướng của đích đến.
Bạn có thể nhận biết được tiềm năng của những người mà bạn đang gắng sức cố vấn, nhưng bạn cần biết nhiều hơn về họ. Để giúp họ nhận biết đích đến mà họ cần nỗ lực đi tới, bạn cần biết những gì thực sự quan trọng với họ, những gì làm cho họ hăng hái. Để làm được điều này, hãy tìm hiểu những điều sau đây:
• Họ khao khát những gì? Để biết người ta thực sự muốn tiến đến vị trí nào, bạn cần biết điều gì chạm được tới con tim họ. Niềm đam mê, lòng trắc ẩn là những yếu tố động viên và khích lệ vô cùng mãnh liệt. Người ta thường nói những người vĩ đại trong lịch sử không vĩ đại bởi những gì họ sở hữu hoặc gặt hái được, mà bởi những gì họ liều mạng hoàn thành. Hãy lắng nghe bằng trái tim của mình, rồi bạn sẽ có thể khám phá ra những điều mà người khác sẵn lòng trao đi.
• Họ vui về những gì? Frank Irving Fletcher từng nhận xét: “Không ai có thể phân phát những điều tốt đẹp nếu con tim họ nặng nề hơn trọng tải của mình”. Có một sự khác biệt lớn giữa những thứ làm rung động trái tim con người và những thứ trì kéo họ xuống. Về lâu về dài, người ta cần tập trung nhiều sinh lực vào những gì mang đến cho họ niềm vui. Tìm kiếm sự nhiệt thành ở những người mình cố vấn sẽ cho ta một đầu mối liên quan tới đích đến mà họ nhắm tới.
• Họ ước mơ điều gì? Napoleon Hill có nói: “Hãy ấp ủ tầm nhìn và ước mơ của bạn như thể chúng là những đứa con của tâm hồn bạn; là chương trình hành động cho những thành tựu tối hậu của bạn”. Nếu bạn có thể giúp người khác khám phá ra những ước mơ của họ và bạn thực sự tin vào họ, bạn đã có thể giúp họ trở thành những người họ vốn được sinh ra để trở thành.
Người dẫn dắt là người vạch ra lộ trình
Khi bạn cân nhắc những niềm đam mê, tiềm năng và tầm nhìn của người khác, bạn có thể nhìn rõ hơn nơi họ thực sự muốn đi đến, vì bạn nhìn thấy chúng với chiều sâu và sự rõ ràng hơn. Thường thì người ta nói rằng mục tiêu của họ là hạnh phúc hoặc thành công, nhưng nếu họ xem một vật bề nổi như là đích đến của mình thì họ chắc chắn sẽ thất vọng. Như John Condry4 từng nhấn mạnh: “Hạnh phúc, sự giàu có, và thành công là những sản phẩm phụ của việc đề ra mục tiêu; chính chúng có thể không là những mục tiêu”.
4 John Condry (1938 – 1993) là nhà giáo dục người Mỹ.
Với tư cách là người dẫn dắt, một khi bạn trợ giúp người khác trong việc nhận diện một tầm nhìn cho cuộc sống của họ, bạn cần phải giúp họ tìm ra một con đường để hiện thực hóa nó. Và điều đó có nghĩa là vạch ra lộ trình và đề ra những mục tiêu. J. Meyers có nói: “Một cây viết chì và một ước mơ có thể đưa bạn đến bất kỳ nơi đâu”. Ông đã hiểu được giá trị của việc lên kế hoạch và viết mục tiêu ra giấy. Điều đó không đồng nghĩa với việc mọi thứ sẽ luôn tiến triển như kỳ vọng của bạn, nhưng bạn phải bắt đầu với một kế hoạch cho cuộc chơi. Nguyên tắc căn bản là khắc những mục tiêu của bạn lên khối bê tông và viết kế hoạch của bạn lên cát.
Để giúp người khác hoạch định cuộc hành trình của họ, hãy lưu ý những vấn đề sau:
Họ cần đi đâu?
Bạn hẳn sẽ sửng sốt khi biết rằng một số người có thể đi chệch hướng trong quá trình họ cố đạt đến mục tiêu của mình. E. W. Howe từng viết trong cuốn Success Is Easier Than Failure rằng: “Một số người cứ xông lên đỉnh Alps ảo vọng trong suốt cuộc đời họ, và rồi chết ở chân núi trong khi miệng không ngừng nguyền rủa những khó khăn không có thực”. Người chưa bao giờ trải nghiệm thành công thường không hiểu họ cần phải làm gì để có thể từ nơi họ đang đứng tiến đến nơi mà họ muốn đến. Họ tự ném mình vào trong mê cung những hoạt động bởi vì họ không nhận ra rằng họ có thể đi trên một con đường dễ dàng hơn. Là người dẫn dắt, bạn sẽ chỉ ra cho họ thấy lộ trình tốt nhất.
Họ cần biết gì?
Chúng tôi được nghe kể một câu chuyện vui về một người chồng muốn giúp đỡ vợ mình vì ông nghi nàng bị lãng tai. Một đêm nọ, ông đứng giữa phòng, và từ phía sau lưng vợ, ông nhẹ nhàng nói: “Em có nghe thấy anh nói gì không?”. Ông không nghe nàng trả lời, vì vậy, ông tiến đến gần hơn và lặp lại: “Em có nghe thấy anh nói gì không?”. Vẫn không có câu trả lời. Ông tiến gần hơn nữa và hỏi: “Em có nghe thấy anh nói gì không?”. Ông không nghe thấy câu trả lời, vì vậy, cuối cùng, ông lặp lại câu hỏi ở sát ngay phía sau nàng. Nàng quay lại nhìn thẳng vào ông và nói: “Đây là lần thứ tư, có!”.
Quá nhiều người trên đời làm điều tương tự như ông chồng kia. Họ muốn thành công và giúp người khác, nhưng sự hiểu lầm hoặc thiếu hiểu biết đã ngăn trở họ. Một người dẫn dắt giỏi là người nhận biết những điểm mù ở người khác, nhẹ nhàng xác định và giúp người ta khắc phục chúng.
Họ cần lớn lên ra sao?
Khi bạn dẫn dắt người khác, hãy nhớ rằng họ không thể thực hiện toàn bộ chuyến đi trong một ngày. Họ phải lớn lên cùng với những mục tiêu và thực hiện mọi việc từng bước một. Một thí nghiệm được thực hiện bởi Alfred J. Marrow, một chủ tịch công ty có bằng tiến sĩ tâm lý học, đã minh họa cho điều trên. Ông quan tâm đến việc tìm ra một con đường để giúp những nhân viên mới chưa có tay nghề đạt đến thành tích tối ưu và ngang tầm với những tiêu chuẩn của các nhân viên lành nghề và nhiều kinh nghiệm càng sớm càng tốt.
Marrow quyết định chia nhân viên mới thành hai nhóm. Với nhóm đầu tiên, ông yêu cầu các nhân viên chưa có tay nghề phải trở nên ngang tầm với mức sản xuất của các nhân viên lành nghề trước cuối tuần thứ 12. Với nhóm thứ hai, ông đề ra những mục tiêu hàng tuần theo cách tăng dần lên. Mục tiêu của mỗi tuần sẽ có phần đòi hỏi cao hơn tuần trước đó.
Trong nhóm đầu tiên, với duy nhất một mục tiêu, chỉ có 66% công nhân có thể đạt được mức kỳ vọng của ông. Nhưng ở nhóm thứ hai, với những mục tiêu nhỏ làm bước đệm, đã mau chóng thực hiện tốt hơn nhiều và có thể ngang tầm với mức sản xuất trung bình của những công nhân giàu kinh nghiệm trong công ty.
Khi bạn làm việc với người khác, hãy giúp họ tìm ra, không chỉ đích đến dài hạn của họ, mà còn những bước nhỏ hơn trên suốt con đường đó. Hãy giúp họ nhận diện những mục tiêu nhỏ có thể đạt được mà từ đó sẽ cho họ sự tự tin và tiến bộ.
Người dẫn dắt là người biết suy nghĩ đón đầu
Hiếm có điều gì làm nản lòng hơn là bị đánh lén, nhất là khi có người lẽ ra có thể ra tay giúp bạn lại đang đứng cạnh bên và nhìn sự việc xảy ra. Đó là lý do mà việc có thể suy nghĩ đón đầu cho người khác là một phần trọng trách của người lèo lái. Là người cố vấn và lãnh đạo người khác, bạn đã tới được những chỗ họ chưa từng tới, có những kinh nghiệm họ chưa từng nếm trải, và gặt hái được sự hiểu biết thấu đáo mà họ chưa từng phát triển. Bạn có khả năng chuẩn bị cho họ những gì họ sẽ đối mặt. Nếu không, bạn đã không thực hiện một trong những chức năng quan trọng nhất của vai trò lãnh đạo và đã không giúp đỡ họ theo cách mà bạn nên làm. Nhà văn trào phúng Arnold H. Glasow đã nhìn thấy ý nghĩa của điều này: “Một trong những trắc nghiệm về tài lãnh đạo là nhận biết một vấn đề trước khi nó trở thành một việc nguy cấp”. Đó là một việc mà những người ít kinh nghiệm bạn đang giúp không thể tự mình làm vào lúc ban đầu.
Sau đây là bốn điều bạn nên giúp họ hiểu khi họ bắt đầu hành trình của mình:
1. Ai cũng phải đối mặt với các vấn đề
Có lời châm biếm thế này: “Nếu bạn vẫn giữ được điềm tĩnh trong khi mọi người xung quanh thì không, đơn giản là bạn đã không hiểu vấn đề”. Khi bạn cố vấn và giúp người khác lớn lên, bạn hẳn nhận thấy rằng họ kỳ vọng đến một ngày những vấn đề của họ sẽ không còn tồn tại nữa. Nhưng họ cần chấp nhận sự thật là tất cả mọi người đều sẽ gặp những vấn đề. Bất kể họ đi xa tới đâu hoặc thành công tới mức nào, họ sẽ vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Hoặc như nhà văn, người ủng hộ nghệ sĩ Elbert Hubbard5 có nói: “Người không còn có vấn đề nào để giải quyết nữa là người đã bị loại khỏi cuộc chơi”.
5 Elbert Hubbard (1856 - 1915) là nhà văn, nhà phát hành, nghệ sĩ và là triết gia người Mỹ. Ông là người sáng lập ra cộng đồng nghệ nhân Roycroft tại New York.
Nhóm nghiên cứu Barna Research Group đã khảo sát hơn 12.000 người để thu thập thông tin về các vấn đề mà những người này phải đối mặt. Người được khảo sát được yêu cầu xác định nhu cầu hoặc vấn đề nghiêm trọng nhất của họ. Sau đây là câu trả lời của họ cùng với tỷ lệ người đánh giá những vấn đề nào là áp lực nhất:
39% - Tài chính
16% - Liên quan đến công việc
12% - Sức khỏe cá nhân
8% - Thời gian và stress
7% - Chức trách làm cha mẹ
6% - Thành đạt về giáo dục
3% - Nỗi sợ tội ác
3% - Những mối quan hệ cá nhân
Như bạn có thể thấy, người ta đối mặt với nhiều vấn đề khác nhau, và tiền bạc là vấn đề lớn nhất. Hãy chuẩn bị cung cấp cho họ sự trợ giúp. Và nhớ xử trí những vấn đề của chính bạn trước khi cố giúp người khác giải quyết những vấn đề của họ.
2. Người thành công đối mặt với nhiều vấn đề hơn người không thành công
Một quan niệm sai lầm phổ biến là người thành công đã thành đạt vì họ không gặp nhiều vấn đề. Nhưng điều đó không đúng. Trong cuốn sách Holy Sweat của mình, Tim Hansel6 kể câu chuyện sau:
6 Tim Hansel (1941 – 2009) là tác giả người Mỹ.
Năm 1962, Victor và Mildred Goertzel công bố một nghiên cứu rất có ý nghĩa được thực hiện trên 413 người tài giỏi và nổi tiếng. Nghiên cứu này được gọi là Cradles of Eminence. Hai nhà nghiên cứu này bỏ ra nhiều năm để cố hiểu nguồn gốc sự vĩ đại của những người đó, cố tìm sợi chỉ chung chạy xuyên qua cuộc đời của những người nổi tiếng này là gì. Điều nổi bật nhất là hầu như tất cả họ, 392 người, phải vượt qua những trở ngại rất khó khăn để trở thành người vĩ đại. Những vấn đề của họ trở thành những cơ hội thay vì là trở ngại.
Người ta không chỉ vượt qua những trở ngại để thành công, mà thậm chí sau khi đã đạt được thành công ở mức độ nhất định, họ vẫn tiếp tục đối mặt với các vấn đề. Tin buồn là, khi bạn càng lên cao – về mặt cá nhân hay nghề nghiệp – thì cuộc sống càng trở nên phức tạp hơn. Lịch làm việc căng thẳng hơn, những vấn đề về tiền bạc nảy sinh nhiều hơn, và những đòi hỏi ngày càng lớn hơn sẽ được đặt lên những người thành công. Nhưng tin mừng là nếu họ tiếp tục lớn lên và phát triển chính mình, khả năng giải quyết những vấn đề này của họ cũng sẽ gia tăng.
3. Tiền không giải quyết được các vấn đề
Một niềm tin sai lầm khác là tiền giải quyết được mọi vấn đề. Thực ra điều ngược lại mới đúng, những người có tiền của thì có khuynh hướng ít hài lòng hơn và có nhiều vấn đề hơn. Ví dụ, Ernie J. Zelinski đã trích một khảo sát mới đây, cho thấy một tỷ lệ cao những người kiếm được hơn 75.000 đô-la một năm thì bất mãn với thu nhập của họ hơn là những người kiếm ít hơn 75.000 đô-la mỗi năm. Ông cũng trích dẫn:
Tỷ lệ những người giàu có vướng vào rượu và ma túy là nhiều hơn so với người bình dân. Tôi có một lý thuyết về việc chúng ta tốt hơn ra sao khi có nhiều tiền. Nếu chúng ta hạnh phúc và xử trí tốt những vấn đề với mức thu nhập 25.000 đô-la một năm, chúng ta sẽ hạnh phúc và giải quyết tốt những vấn đề khi chúng ta có nhiều tiền hơn. Nếu chúng ta không hạnh phúc và không giải quyết được tốt những vấn đề với khoản thu nhập 25.000 đô-la một năm, chúng ta có thể gặp phải điều tương tự khi có nhiều tiền. Chúng ta sẽ vẫn không hạnh phúc và không giải quyết hiệu quả những vấn đề, mà chỉ có nhiều tiện nghi và phong cách hơn thôi.
Mấu chốt là bạn cần giúp người khác hiểu rằng tiền không thay thế được những kỹ năng giải quyết vấn đề cơ bản mà họ cần phát triển. Vấn đề tài chính thường là một triệu chứng của những vấn đề cá nhân khác.
4. Vấn đề cung cấp cơ hội cho sự lớn lên
Khi bạn nhìn xa và giúp người khác, bạn cần hiểu rằng một mặt, các vấn đề có thể gây ra sự khốn khổ; mặt khác, chúng cũng cung cấp một cơ hội tuyệt vời cho sự lớn lên. Hoặc như tác giả Nena O’Neill từng nói: “Sau mỗi cuộc khủng hoảng đều là cơ hội để tái sinh”.
Người dân thành phố Enterprise, Alabama, đã nắm được ý tưởng đó. Trong thành phố của họ có một đài tưởng niệm loài bọ cánh cứng Mexico chuyên phá hoại cây bông vải, được dựng lên vào năm 1919. Câu chuyện đằng sau đài tưởng niệm này xảy vào năm 1895. Loài côn trùng này đã phá hoại toàn bộ loài cây trồng chủ yếu của cả nước, cây bông vải. Sau thiên tai đó, nông dân địa phương bắt đầu đa dạng hóa việc trồng trọt và vụ mùa thu hoạch cây đậu phộng vào năm 1919 thậm chí vượt xa giá trị của mùa thu hoạch bông vải bội thu nhất. Trên đài tưởng niệm này có dòng chữ: “Với sự biết ơn sâu sắc loài bọ cánh cứng và những gì chúng đã gây ra như là dấu hiệu báo trước cho sự thịnh vượng… Từ một giai đoạn vật lộn và khủng hoảng đã dẫn đến một sự phát triển và thành công mới. Từ nghịch cảnh đã xuất hiện phúc lành”.
Như bạn đã từng quan sát được, không phải ai cũng tiếp cận những vấn đề của cuộc sống theo cùng một cách thức. Sử gia Arnold Toynbee tin rằng trước những hoàn cảnh khó khăn, mọi người phản ứng theo một trong bốn cách sau:
a. Trốn tránh vào quá khứ
b. Mơ mộng về tương lai
c. Thu mình lại và chờ ai đó giải cứu
d. Đối mặt với khủng hoảng và biến nó thành điều hữu ích
Khi bạn trợ giúp người khác, hãy cho họ biết phía trước có thể là những dòng thác lũ. Cho họ thấy rằng cố gắng hoạch định trước là điều khôn ngoan. Và khi rắc rối đến, hãy khích lệ họ đối mặt với nó và từ đó cố gắng trở nên giỏi hơn, tốt hơn.
Người dẫn dắt là người biết điều chỉnh lộ trình
Trước khi có các thiết bị điều hướng điện tử tinh vi, người hoa tiêu của tàu biển thường quan sát các vì sao vào một khoảng thời gian nào đó trong đêm để xác định họ chệch khỏi lộ trình bao xa và điều chỉnh lại cho đúng. Bất kể lộ trình được vạch ra ban đầu chính xác đến đâu, hoặc người lái tàu có cẩn trọng thế nào thì con tàu luôn có thể chệch hướng và cần sự điều chỉnh.
Con người cũng như vậy, cho dù tập trung ra sao hoặc hoạch định tốt thế nào, người ta vẫn sẽ đi chệch hướng. Rắc rối thường đến khi họ gặp trở ngại trong việc điều chỉnh lộ trình – hoặc là họ không biết họ đang chệch hướng, hoặc là họ không biết họ nên làm gì để sửa lại cho đúng. Không phải ai cũng bẩm sinh đã là người biết giải quyết vấn đề. Đối với hầu hết mọi người, đó là một kỹ năng họ phải học để có được. John Foster Dulles, Bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ của Tổng thống Eisenhower từng nhận xét: “Thước đo của sự thành công không phải là liệu bạn có vấn đề khó khăn cần phải giải quyết hay không, mà là liệu đó có phải là cùng một vấn đề bạn đã gặp năm trước không”. Là người dẫn dắt, bạn có thể giúp người khác tránh được hoàn cảnh đó.
Dạy họ không nghe lời những người hay phê phán
Trong cuốn sách Principle-Centered Leadership7, Stephen Covey kể rằng Columbus từng có lần được mời đến một bữa tiệc nơi ông được dành cho một chỗ vinh dự nhất tại bàn. Một viên quan nông cạn, đố kỵ ông đã cộc lốc hỏi ông: “Nếu ông không khám phá ra châu Mỹ thì chẳng lẽ không có ai khác ở Tây Ban Nha có khả năng làm được chuyện này à?”.
7 Sách đã được First News - Trí Việt xuất bản với nhan đề Nghệ thuật Lãnh đạo theo Nguyên tắc.
Columbus không trả lời mà lấy ra một quả trứng và đề nghị mọi người đặt quả trứng đứng lên. Mọi người cố thử, nhưng không ai thành công. Sau đó, nhà thám hiểm gõ nó lên bàn, tạo ra một lỗ thủng và cứ thế đặt nó lên trên bàn.
“Chúng tôi đều có thể để nó đứng theo cách này”, viên quan triều đình kêu lên.
“Vâng, chỉ khi ông biết cách thôi”, Columbus trả lời. “Và một khi tôi chỉ ra cho ông thấy con đường đi đến Tân thế giới, thì sẽ không có gì dễ dàng hơn là đi theo nó”.
Sự thật là phê phán người khác thì dễ hơn trăm lần so với tìm ra giải pháp cho những vấn đề. Nhưng phê phán không đưa bạn đến bất kỳ nơi đâu. Alfred Armand Montapert8 tóm tắt lại như sau: “Đa số nhìn thấy trở ngại, ít người nhìn thấy mục tiêu; lịch sử chỉ ghi lại những thành công của số ít người đó, trong khi sự lãng quên lại là phần thưởng dành cho đa số mọi người”.
8 Alfred Armand Montapert (1906 – 1997) là một tác giả người Mỹ.
Hãy giúp người trong tầm ảnh hưởng của bạn biết cách phớt lờ những kẻ hay chỉ trích và luôn tập trung vào bức tranh toàn cảnh. Hãy chỉ cho họ thấy cách tốt nhất làm cho kẻ chỉ trích im tiếng là giải quyết vấn đề đó và tiến lên.
Huấn luyện họ không choáng ngợp trước những thách thức
Khi đối mặt với những vấn đề gai góc, hầu như ai cũng dễ trở nên nản lòng. Đó là lý do tại sao huấn luyện người khác vượt qua những vấn đề của họ lại là điều rất nên làm, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của quá trình cố vấn khi bạn đang cố giúp họ lèo lái hành trình. Hãy khích lệ họ duy trì một thái độ tích cực, và cho họ những chiến lược để giải quyết vấn đề.
Chuyên gia quản lý Ken Blanchard đề xuất một quy trình giải quyết vấn đề gồm bốn bước. Đầu tiên là nghĩ về vấn đề để hiểu nó một cách cụ thể, tiếp theo là hình thành những lý thuyết cho việc giải quyết vấn đề, kế đến là tiên đoán những hệ lụy của việc thực hiện các lý thuyết đó, và cuối cùng là chọn sử dụng phương pháp dựa trên bức tranh toàn cảnh. Blanchard nói: “Cho dù bạn chọn một kỳ nghỉ hè hoặc chọn bạn đời, chọn một bữa tiệc hoặc chọn một ứng viên, chọn một công cuộc để đóng góp hoặc là một đức tin để sống trọn vẹn với nó – hãy suy nghĩ!”. Không có vấn đề nào là không thể. Thời gian, ý nghĩ, và một thái độ tích cực có thể giải quyết bất cứ điều gì.
Khích lệ họ tìm những giải pháp đơn giản
Có nhiều chìa khóa mở ra các phương pháp giải quyết vấn đề hiệu quả nhất. Trước tiên là nên hiểu rằng một cách giải quyết vấn đề đơn giản thì tốt hơn là cách giải quyết vấn đề khôn ngoan nhất. Một ví dụ từ cuộc đời của Thomas Edison minh họa rõ nhất cho điểm này. Người ta nói rằng Edison có một cách tuyển kỹ sư rất độc đáo. Ông thường đưa cho người ứng viên một bóng đèn tròn và hỏi: “Nó sẽ chứa được bao nhiêu nước?”. Có hai cách mà những người kỹ sư thường tiếp cận để giải quyết vấn đề. Cách thứ nhất là sử dụng các máy đo để đo mọi góc của cái bóng đèn, và rồi sử dụng những con số đó để tính diện tích bề mặt. Cách đó đôi khi mất tới 20 phút. Cách thứ hai là đổ đầy nước vào bóng đèn rồi đổ nó vào trong một cốc đo lường, thường mất khoảng 1 phút. Edison không bao giờ thuê những người kỹ sư sử dụng phương pháp thứ nhất. Ông không cần những kỹ sư này gây ấn tượng với ông, ông muốn họ cung cấp những kết quả đơn giản.
Yếu tố thứ hai trong việc giải quyết vấn đề hiệu quả là khả năng đưa ra những quyết định. Thomas J. Watson, Jr., cựu lãnh đạo của IBM, tin rằng giải quyết vấn đề mau chóng là việc cần thiết để đảm bảo tiến độ. “Hãy giải quyết vấn đề”, ông tuyên bố. “Hãy giải quyết nó mau chóng, hãy giải quyết nó dù đúng hay sai. Nếu bạn giải quyết sai, vấn đề sẽ quay trở lại và cho bạn một cái tát, và rồi bạn có thể giải quyết đúng đắn. Ngồi yên và không làm gì là một lựa chọn thoải mái vì nó không có rủi ro, nhưng đó là một cách hết sức tai hại để quản lý một doanh nghiệp”. Và nó cũng là cách kinh khủng để người ta quản lý cuộc đời mình. Hãy giúp người khác nhận ra rằng họ cần thực hiện những điều chỉnh lộ trình, tìm ra những giải pháp đơn giản mà họ tin là sẽ hiệu quả, và rồi thực hiện chúng tức thì. Đừng cho phép họ tiếp tục đi chệch hướng dù chỉ trong thời gian ngắn.
Truyền sự tự tin vào trong họ
Một cạm bẫy trong việc giúp người khác giải quyết vấn đề và sai lầm của họ là họ có thể tự hoài nghi chính mình. Hãy không ngừng khích lệ người mà bạn trợ giúp. George Matthew Adams có nói: “Suy nghĩ của bạn có ý nghĩa hơn bất cứ điều gì khác trong đời bạn. Hơn những gì bạn kiếm được, hơn nơi bạn đang sống, hơn vị trí xã hội của bạn, và hơn suy nghĩ của bất kỳ ai khác về bạn”. Tầm cỡ của con người và chất lượng thái độ của họ thì quan trọng hơn tầm cỡ của bất kỳ vấn đề nào họ có thể phải đối mặt. Nếu người của bạn luôn tự tin, họ sẽ có thể vượt qua bất kỳ trở ngại nào.
Người dẫn dắt luôn sát cánh cùng mọi người
Cuối cùng, người dẫn dắt giỏi sẽ luôn đi cùng mọi người trên chuyến hành trình họ đang dẫn dắt. Họ không phải chỉ hướng dẫn đi, rồi bỏ mặc. Họ đồng hành cạnh người của mình như một người bạn. Tác giả, diễn giả hội nghị Richard Exley nói lên quan niệm của ông về tình bạn như sau: “Một người bạn đích thực là người lắng nghe và thấu hiểu khi bạn chia sẻ những cảm xúc sâu thẳm nhất của mình. Họ ủng hộ bạn khi bạn tranh đấu; họ sửa sai cho bạn mỗi khi bạn lầm lỗi, một cách nhẹ nhàng với tình yêu thương, và tha thứ cho bạn khi bạn thất bại. Một người bạn đích thực thúc đẩy bạn lớn lên về mặt cá nhân, căng sức bạn ra để đạt đến tiềm năng. Và tuyệt vời hơn hết, họ tán dương những thành công của bạn như thể của chính họ”.
Khi bạn sát cánh cùng những ai nằm trong tầm ảnh hưởng của mình và cố vấn cho họ, bạn và họ có thể phải cùng nhau trải nghiệm những thời điểm khó khăn. Bạn không hoàn hảo và họ cũng sẽ không, nhưng hãy nhớ lời khuyên của Henry Ford: “Người bạn tốt nhất của bạn chính là người làm cho những điều tốt đẹp nhất trong bạn thể hiện được ra ngoài”. Hãy cố theo đuổi mục tiêu đó, rồi bạn sẽ giúp ích cho nhiều người.
Một khi người học cách trở thành người giải quyết vấn đề hiệu quả và có thể lèo lái chính mình thì cuộc sống của họ sẽ bắt đầu thay đổi đáng kể. Họ không còn cảm thấy bất lực trước những hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống. Họ học cách tránh được những đòn đau, dù đôi khi phải cúi xuống một chút. Và một khi việc giải quyết vấn đề trở thành một thói quen, sẽ không còn thách thức nào là quá lớn.
Khả năng lèo lái và vượt qua những trở ngại là một kỹ năng mà bất kỳ ai cũng có thể học tập, nhưng cần phải có sự thực hành. Bạn có thể cũng có khả năng đó. Hãy trở thành người dẫn dắt trong đời người khác. Bạn sẽ có thể sử dụng sự ảnh hưởng của mình để giúp họ tiến lên tới cấp độ kế tiếp trong đời họ, và nếu bạn trợ giúp họ trong suốt những giờ khắc đen tối nhất của họ, bạn sẽ làm bạn với họ mãi mãi.
Bảng kiểm tra sự ảnh hưởng
DẪN DẮT NGƯỜI KHÁC
• Nhận biết đích đến của họ. Hãy nghĩ về ba người mà bạn đã quyết định khơi mở tiềm năng cho họ. Đích đến của họ là gì? Hãy quan sát những gì khiến họ buồn bã, vui sướng và ước mơ. Hãy viết ra những điều đó.
Người thứ 1: ..................................................................
Buồn bã: ...............................................................
Vui sướng: ...........................................................
Ước mơ: ...............................................................
Người thứ 2: ...............................................................
Buồn bã: ...............................................................
Vui sướng: ...........................................................
Ước mơ: ...............................................................
Người thứ 3: ...............................................................
Buồn bã: ...............................................................
Vui sướng: ...........................................................
Ước mơ: ...............................................................
• Nhìn xa trông rộng. Dựa trên kinh nghiệm và kiến thức của bạn về những người mà bạn đang dẫn dắt, hãy viết ra một danh sách những khó khăn bạn nghĩ họ có thể đối mặt trong tương lai gần.
1. …………………………………………………………
2. …………………………………………………………
3. …………………………………………………………
• Hoạch định trước. Bằng cách nào bạn có thể giúp họ lèo lái qua những vấn đề tiềm ẩn? Hãy viết ra những gì bạn có thể làm và nên làm khi nào.
1. …………………………………………………………
2. …………………………………………………………
3. …………………………………………………………